Mang Thai 3 Tháng Cuối - Những điều Mẹ Cần Biết Trước Khi "vượt Cạn"

Dù mang thai 3 tháng cuối là giai đoạn mệt mỏi nhất khi bụng bầu ngày một nặng nề cùng vô vàn những nỗi lo, nhưng đan xen với đó cũng là những niềm hạnh phúc vì bạn đã sắp được ôm bé cưng trong vòng tay.

Bạn đã bước vào tam cá nguyệt thứ 3? Hành trình mang thai đã sắp cán đích? Thế nhưng, trước khi hành trình này kết thúc, bạn sẽ phải vượt qua một chặng đường đầy gian nan khi 3 tháng cuối thai kỳ là khoảng thời gian cực kỳ vất vả vì bạn phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ của thai kỳ. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về những thay đổi mà mẹ bầu sẽ gặp phải trong 3 tháng cuối này nhé.

Tam cá nguyệt thứ 3 từ tuần bao nhiêu?

Tam cá nguyệt thứ ba là chặng đường cuối cùng của thai kỳ, kéo dài kể từ tuần 29 đến tuần 40. Ở tam cá nguyệt này, bé cưng sẽ phát triển hoàn thiện và bắt đầu quay đầu xuống để chuẩn bị chào đời.

Đối với mẹ bầu, 3 tháng cuối thai kỳ có lẽ là khoảng thời gian thách thức cả về thể chất lẫn cảm xúc bởi thai nhi càng lớn thì gánh nặng đối với cơ thể cũng ngày một nhiều. Không những vậy, ngày dự sinh cũng đã cận kề, mẹ sẽ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, đồng thời cũng mong ngóng được ôm bé cưng trong vòng tay.

Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng cuối

mang thai 3 tháng cuối

1. Sự phát triển của thai nhi

Ở tam cá nguyệt thứ ba, em bé sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Khi chào đời, bé có thể nặng từ 2,7 – 4 kg và dài từ 48 – 53 cm.

  • Xương của bé hoàn thiện ở tuần thứ 32
  • Đầu sẽ bắt đầu di chuyển vào vùng xương chậu ở tuần thứ 36 và bé sẽ ở trong tư thế này trong khoảng 2 tuần cuối
  • Các cơ quan quan trọng sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Trong giai đoạn này, bé có thể nhìn, nghe, bú mút ngón tay cái…
  • Bộ não tiếp tục phát triển với tốc độ rất nhanh. Ngoài ra, phổi và thận cũng dần trưởng thành.

Ở tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể bé sẽ được bao phủ bởi lớp sáp trắng có tên là vernix caseosa. Lớp lông tơ trên cơ thể (lanugo) rụng dần và gần như biến mất vào cuối tuần 40.

2. Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai 3 tháng cuối?

  • Đau bụng dưới khi mang thai 3 tháng cuối gây khó chịu, khó ngủ và khó thở.
  • Đau lưng: Cân nặng tăng sẽ tạo áp lực lên lưng, gây đau nhức. Bạn cũng có thể thấy khó chịu ở vùng xương chậu và hông do dây chằng nới lỏng để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
  • Ra máu nhẹ vào cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển dạ đang bắt đầu. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhau tiền đạo, nhau bong non hoặc sinh non.
  • Cơn gò sinh lý Braxton-Hicks: Cơn gò chuyển dạ giả để chuẩn bị cho cơn gò thực sự. Cơn gò này không dữ dội như cơn gò thật nhưng cũng có thể khiến bạn khó chịu.
  • Bầu ngực to ra: Gần đến ngày dự sinh, bạn có thể thấy chất lỏng màu vàng rỉ ra từ núm vú. Chất lỏng này được gọi là sữa non, sẽ nuôi dưỡng em bé trong vài ngày đầu sau sinh.
  • Nằm mơ: Ở tuần cuối, giấc mơ có thể trở nên sống động và có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nguyên nhân khiến bạn thường xuyên nằm mơ có thể là do nội tiết tố thay đổi.
  • Dịch âm đạo nhiều hơn. Gần đến ngày dự sinh, bạn có thể thấy dịch đặc, trong hoặc hơi có máu. Đây có thể là nút nhầy và là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung bắt đầu giãn nở để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Nếu đột ngột ra nhiều nước, có thể bạn đã bị vỡ ối.
  • Mệt mỏi: Bụng to ra, ngủ không yên giấc, lo lắng về ngày dự sinh sắp đến có thể khiến bạn thường xuyên thấy mệt mỏi khi mang thai 3 tháng cuối.
  • Đi tiểu thường xuyên: Do thai nhi càng lớn thì áp lực đè lên bàng quang cũng càng tăng. Bạn cũng có thể bị són tiểu khi ho, hắt hơi, cười hoặc tập thể dục.
  • Trào ngược axit dạ dày thực quản và táo bón: Do nồng độ hormone progesterone tăng làm giãn cơ thực quản và các cơ tiêu hóa.
  • Đau thần kinh tọa: Cơn đau lan từ lưng xuống mông, chân do hormone thay đổi hoặc do bé phát triển đè ép lên dây thần kinh tọa.
  • Bà bầu khó thở 3 tháng cuối có thể là do tử cung mở rộng đến phần dưới khung xương sườn, làm tăng thêm áp lực lên phổi.
  • Giãn tĩnh mạch có thể nghiêm trọng hơn nhưng sẽ mờ dần và biến mất sau khi sinh.
  • Rạn da ở ngực, mông, bụng hoặc đùi do da bị kéo căng khi mang thai.
  • Sưng nhẹ ở mắt cá chân và mặt. Nguyên nhân có thể là do nước tích tụ trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu bị sưng nặng thì có thể có là dấu hiệu của tiền sản giật.
  • Tăng cân: Mỗi tuần bạn có thể tăng từ 0,2 đến 0,5 kg. Cuối thai kỳ, bạn có thể tăng tổng cộng khoảng 11 – 15 kg. Số cân nặng tăng thêm sẽ bao gồm trọng lượng của bé, nhau thai, nước ối, mô vú, thể tích máu và chất lỏng.

3 lưu ý khi chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối

mang thai 3 tháng cuối

1. Lịch khám thai 3 tháng cuối

Ở tam cá nguyệt thứ 3, mẹ có thể đi khám mỗi tháng 1 lần nhưng từ tuần thứ 30, cứ 2 tuần mẹ nên đi 1 lần và từ tuần 36 trở đi, mẹ hãy đi khám 1 tuần 1 lần, thậm chí nhiều hơn tùy vào sức khỏe của bạn và bé.

  • Ở mỗi lần khám, bác sĩ có thể đo huyết áp, cân nặng của bạn và đếm cử động thai
  • Ở tuần thứ 36, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B
  • Đo bề cao tử cung, khám cổ tử cung để đánh giá độ dài và độ mở của tử cung nhằm chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng sinh non
  • Siêu âm thai 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của thai nhi cũng như những bất thường về nước ối, bánh nhau…

2. Dinh dưỡng bà bầu 3 tháng cuối

Trong giai đoạn mang thai 3 tháng cuối, mẹ sẽ cần bổ sung thêm 300 calo mỗi ngày. Do đó, mẹ bầu cần duy trì chế độ ăn cân bằng, dinh dưỡng với các thực phẩm giàu:

  • Sắt và protein để ngăn ngừa thiếu máu và tốt cho sự phát triển của bé
  • Canxi: Hỗ trợ sự phát triển của xương thai nhi
  • Magie để giảm bớt chuột rút ở chân, thư giãn cơ bắp và ngăn ngừa sinh non
  • DHA: Cần thiết cho sự phát triển trí não thai nhi
  • Axit folic: Hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh thai nhi, giảm nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh
  • Chất xơ: Ngăn ngừa táo bón thai kỳ.

Nhiều mẹ thắc mắc bầu 3 tháng cuối nên ăn gì? Bạn có thể bổ sung các dưỡng chất kể trên thông qua các thực phẩm như thịt đỏ, thịt nạc, rau có màu xanh đậm, trái cây, đậu nành, sữa và các thực phẩm làm từ sữa, đậu đen, yến mạch, hạnh nhân, hạt lanh, quả óc chó, dầu cá, cá béo. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và tránh các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay và có tính axit (như trái cây họ cam quýt).

Uống khoảng 8 – 12 ly nước mỗi ngày để tránh mất nước và các biến chứng do mất nước. Ngoài ra, mẹ bầu uống đủ nước cũng giúp giảm táo bón và chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối.

Có thể bạn quan tâm:

Mẹ bầu ăn dứa được không?

Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng cuối?

3. Chế độ sinh hoạt

  • Vận động nhẹ nhàng với các bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối, yoga cho bà bầu 3 tháng cuối, đi bộ hoặc bài tập kegel để làm săn chắc cơ sàn chậu
  • Tư thế nằm ngủ khi mang thai 3 tháng cuối tốt nhất là nằm nghiêng bên trái, bạn có thể kê một chiếc gối giữa 2 chân để hỗ trợ
  • Mang giày để thấp, thoải mái để tránh té ngã và giảm đau lưng
  • Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy cố gắng chợp mắt hoặc ngồi xuống và thư giãn trong vài phút
  • Để tránh bị són tiểu khi mang thai 3 tháng cuối, bạn hãy đi vệ sinh ngay khi có cảm giác. Tránh uống nước nhiều vào buổi tối để giảm số lần đi vệ sinh gây mất ngủ.

Những điều cần tránh khi mang thai 3 tháng cuối

mang thai 3 tháng cuối

  • Tránh tập thể dục mạnh hoặc làm việc quá nặng nhọc có thể gây tổn thương cho vùng bụng
  • Tránh uống rượu, các thức uống caffeine (không uống quá một tách cà phê hoặc trà mỗi ngày), hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện…
  • 3 tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần kiêng ăn cá sống, hải sản hun khói, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, rau mầm, sữa chưa tiệt trùng, thịt nguội
  • Tránh tiếp xúc với phân mèo vì có thể nhiễm khuẩn toxoplasmosis
  • Tránh tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc như isotretinoin để điều trị mụn trứng cá, acitretin điều trị bệnh vẩy nến, thalidomide và thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) để điều trị bệnh cao huyết áp
  • Hạn chế di chuyển bằng ô tô và máy bay.

Lời khuyên cho bà bầu 3 tháng cuối giúp mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất

Dưới đây là một số việc bạn cần làm khi mang thai 3 cuối để tránh bối rối khi ngày dự sinh cận kề:

  • Tham gia một lớp học tiền sản để tìm hiểu về những gì sẽ xảy ra trong quá trình chuyển dạ và sinh nở
  • Chuẩn bị giỏ đồ đi sinh với đầy đủ các vật dụng cho bạn và bé
  • Lựa chọn nơi sinh, tìm hiểu các dịch vụ sinh và các thông tin về bảo hiểm
  • Trang trí phòng cho bé và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như cũi, sữa, quần áo, tã…

Ngoài ra, nếu bạn thấy cơ thể có các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng cuối dưới đây, bạn nên đi khám ngay:

  • Xuất huyết âm đạo
  • Tăng cân quá nhanh (hơn 3 kg mỗi tháng) hoặc tăng cân quá ít
  • Thai nhi đạp ít hoặc không chuyển động
  • Chóng mặt nghiêm trọng
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đau bụng liên tục, đều đặn và ngày càng nặng nề.

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Từ khóa » Khó Thở 3 Tháng Cuối Thai Kỳ