Phù Và Khó Thở ở 3 Tháng Cuối Thai Kì

Khó thở và sự giữ nước hay phù khá phổ biến ở những tuần cuối của thai kì. Đôi khi những triệu chứng đó là dấu hiệu của tình trạng bệnh lí cần được quan tâm. Dưới đây là những điều bạn cần biết.

Những nguyên nhân nào gây ra khó thở?

Ở 3 tháng cuối thai kì, sự phát triển của đứa bé đẩy tử cung của bạn về phía cơ hoành (cơ ở dưới phổi, đóng vai trò quan trọng trong hô hấp). Cơ hoành của bạn bị đẩy lên khoảng 4cm so với trước khi mang thai, phổi của bạn cũng chịu những áp lực nhất định. Vì vậy, bạn sẽ không thể lấy được nhiều không khí trong mỗi nhịp thở.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn đang bị thiếu oxy. Cùng với sự hạn chế dung tích của phổi do sự đè nén của tử cung thì trung tâm hô hấp ở não cũng kích thích sản xuất Progesteron (hóc-môn được sản xuất khi mang thai) khiến bạn thở chậm hơn. Mặc dù mỗi nhịp thở bạn lấy được ít không khí hơn nhưng không khí sẽ ở trong phổi của bạn lâu hơn, vì vậy sẽ mang lại lượng oxy nhiều hơn cho bạn và thai nhi. Cơ thể của bạn cũng tăng lượng máu trong thời kì mang thai để đảm bảo thai nhi được cung cấp đủ oxy.

Làm thể nào để kiểm soát khó thở?

Điều chỉnh tư thế

Hãy chắc chắn rằng bạn đứng thẳng. Hãy tưởng tượng một đường thẳng nối giữa xương ức và bầu trời để nâng ngực của bạn lên.

Tập luyện

Tập luyện sẽ giúp bạn cải thiện việc thở cũng như nhịp tim của bạn. Hãy đảm bảo rằng bất cứ chương trình tập luyện nào bạn đang thực hiện được sự đồng ý của bác sĩ. Nếu bạn vẫn chưa bắt đầu tập luyện thì đây chính là thời gian tốt để bạn tập Yoga trước sinh. Tập thở là cốt lõi của tập Yoga, bài tập kéo dãn có thể cải thiện tư thế của bạn và giúp bạn thở tốt hơn. Bất cứ bài tập nào bạn lựa chọn cũng đừng nên lạm dụng nó, hãy lắng nghe cơ thể bạn.

Thư giãn

Bạn càng lo lắng thì bạn càng thở nông. Vì vậy hãy nghỉ ngơi khi bạn cần được nghỉ ngơi.

Không làm việc quá sức

Hãy lắng nghe cơ thể bạn, nghỉ ngơi khi bạn cần được nghỉ ngơi. Thời gian này không phải là lúc để bạn làm việc vất vả, điều quan trọng là phải chú ý đến giới hạn của cơ thể.

Cảm giác khó thở sẽ giảm đi khi bạn gần chuyển dạ. Khi em bé đi xuống vùng chậu, áp lực lên cơ hoành và phổi sẽ giảm bớt một phần.

Những dấu hiệu cảnh báo

Hen suyễn

Nếu bạn đã biết mình bị hen suyễn trước khi mang thai thì hen suyễn có thể nặng lên khi có thai. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu hen suyễn làm bạn khó thở hơn trong 3 tháng cuối thai kì.

Thiếu máu

Trong một vài trường hợp, thiếu máu thiếu sắt có thể gây khó thở. Những triệu chứng khác của thiếu máu bao gồm mệt mỏi, đau đầu, da xanh, niêm mạc nhợt. Để chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ có thể cần làm thêm xét nghiệm và kê cho bạn một số thực phẩm bổ sung.

Đau ngực hoặc ho kéo dài

Nếu bạn ngực thấy đau khi hít sâu, thở nhanh, tim đập nhanh, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Những triệu chứng đó có thể là dấu hiệu có cục máu đông ở phổi (nhồi máu phổi hoặc tắc mạch phổi). Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn ho kéo dài hơn một vài ngày hoặc đau ngực.

Phù là gì?

Phù là tình trạng ứ dịch ở các mô trong cơ thể. Bạn có thể bị phù ở bàn chân, mắt cá chân, và đôi khi là phù ở tay. Dịch có xu hướng ứ lại ở phần thấp của cơ thể.

Nhiều phụ nữ bị phù khi mang thai. Hầu hết họ thường chỉ phù ở chân, phù xuất ít nhất vào buổi sáng và tăng lên trong ngày.

Nếu bạn xuất hiện đau ở cẳng chân hoặc phù xuất hiện đột ngột, phù ở mặt và ở tay, hãy báo ngay cho bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

Bạn có thể làm gì để kiểm soát phù?

Ngồi với bàn chân của bạn dựng lên khi có thể

Đi tất hỗ trợ: đi tất có thể làm bạn thấy không thoải mái khi mang thai nhưng có loại tất đầu gối để làm giảm bớt tình trạng phù. Bạn có thể lựa chọn kích thước giống như trước khi có thai và mang tất vào buổi sáng trước khi chân bạn bị phù.

Tránh ăn quá nhiều muối, có thể dẫn đến giữ nước, gây phù.

Uống nhiều nước để giúp đào thải chất cặn bã và làm giảm lượng nước cơ thể giữ lại.

Tiên lượng

Ba tháng cuối thai kì sẽ đặt ra những áp lực mới lên cơ thể. Một vài triệu chứng đó sẽ giảm đi trong những tuần cuối khi thai nhi đi xuống và chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Hãy nhớ rằng những thay đổi này chỉ là tạm thời. Tiếp tục những thói quen tốt cho sức khỏe như chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện, nghỉ ngơi, tập thể dục vừa phải. Hãy báo cáo cho bác sĩ về bất kì sự khó chịu nào của bạn.

Theo HealthlineViện y học ứng dụng Việt Nam

Từ khóa » Khó Thở 3 Tháng Cuối Thai Kỳ