Mất Mát đau Thương, Khó Khăn Chồng Chất - Báo Nhân Dân

TP Hồ Chí Minh - và sau đó là nhiều tỉnh, thành phố khác - vừa phải đi qua một cơn chấn thương với những mất mát chưa từng có. Sẽ cần nhiều, thật nhiều thời gian, sự tận tâm và nỗ lực để có thể bù đắp, xoa dịu những gì mà hơn 10 triệu người dân sống ở thành phố đã trải qua… 

“ĐAU THƯƠNG ĐỦ CHO CẢ ĐỜI NGƯỜI”

Là bác sĩ chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Ngô Đức Hùng có mặt hầu hết tại các điểm nóng kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, từ Đà Nẵng, Hải Dương đến Bắc Giang. Nhưng khi tiếp tục lên đường vào trực chiến tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 16 tại TP Hồ Chí Minh, anh mới nhận ra, cả ba đợt dịch trước chỉ mới là tập dượt, đợt dịch lần thứ 4 này mới thực sự là trận đánh. Chứng kiến sự tàn khốc của biến chủng mới, sự quá tải của hệ thống y tế khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh khủng khiếp và bệnh nhân từ nhẹ chuyển nặng và tử vong chỉ trong thời gian ngắn, bác sĩ Hùng phải thốt lên: “Những gì chứng kiến có lẽ đã đủ đau thương cho cả đời người”.

“Có những bệnh nhân vào cả nhà bị nhiễm, rồi cả nhà không qua khỏi, tới khi bệnh nhân tử vong cũng không biết gọi cho ai vì người thân chết hết rồi. Khi nhìn bệnh nhân chết, các bác sĩ rất day dứt vì không biết mình đã cố gắng hết mức hay chưa, tình trạng bệnh còn khả năng cứu chữa hay không. Đôi khi, chúng tôi cảm thấy bất lực vì số lượng bác sĩ hạn chế so với số bệnh nhân nhập viện cũng như trở nặng mỗi ngày”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Kể từ 27/4 tới 15/10, có hơn 21.000 bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Con số gấp hàng chục nghìn lần cả ba đợt dịch trước cộng lại và cũng là con số buồn đưa Việt Nam từ nước có tỷ lệ ca tử vong thấp nhất thế giới trong hơn một năm qua trở thành nước ở mức xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ trong mấy tháng. Thật đúng như các chuyên gia nhận định, biến chủng Delta đã làm đảo lộn mọi thành quả chống dịch. Trong những ngày từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, số ca mắc và ca tử vong liên tiếp lập “kỷ lục buồn” mỗi ngày. Điều đó không những là sự mất mát đau thương với người dân thành phố và các điểm nóng như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, lan cả ra Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… mà còn là sự ám ảnh, tổn thương với người dân cả nước.

Ký ức của bác sĩ Hùng không phải là một chuyện đơn lẻ, bi thương khác thường ở TP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đại dịch. Trong suốt hơn hai tháng khốc liệt nhất, chưa từng có trong lịch sử của thành phố vốn sôi động đầy sức sống nhất cả nước này, sẽ còn ẩn chứa vô vàn những mảnh ký ức mà chắc chắn sau này nhìn lại, không thể nào quên.

Các bác sĩ đã chứng kiến nhiều mảnh đời đau thương trong đại dịch.

Các bác sĩ đã chứng kiến nhiều mảnh đời đau thương trong đại dịch.

Nữ bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn ám ảnh, giá như trong điều kiện bình thường, các bác sĩ còn có thể làm được hơn nữa, nhưng trong hoàn cảnh này, có lúc chỉ biết đứng nhìn.“Làm bác sĩ hồi sức phải buông tay là cảm giác cực kỳ đau khổ. Nếu không tỉnh táo, không có những quyết định dứt khoát, mang tính định hướng chung, các bệnh nhân sẽ tử vong rất nhiều khi vượt quá năng lực điều trị”, bác sĩ Thơ nói. Những ánh mắt, những bàn tay nắm chặt của người bệnh, sự ra đi trong lạnh lẽo, đơn độc của những cô, bác lớn tuổi và có khi còn là những bệnh nhân rất trẻ, đối với các bác sĩ tại khu hồi sức tích cực là những ám ảnh theo suốt cuộc đời.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dự, Bệnh viện Da liễu Trung ương tâm sự, anh vẫn còn nhớ mãi đôi mắt đượm buồn của một bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19- nơi anh được tăng cường, hỗ trợ thành phố chống dịch. Lúc đó là vào buổi chiều, cũng gần hết ca trực. Bệnh viện có tiếp nhận một bệnh nhân lớn tuổi. Lúc đó bệnh nhân chưa phải đặt ống thở, nhưng tỏ ra buồn bã, ít nói. Khi điều dưỡng hỏi thăm, bác mới cho biết, nhà bác có 5 người, thì 4 người mắc Covid-19. Và bác vừa hay tin vợ mình và hai người con lớn đã không qua khỏi. Tình trạng bệnh của bác về sau cũng trở nặng hơn, phải đặt ống thở. “Có rất nhiều sự mất mát trong đợt dịch thứ 4 này tại thành phố. Và dịch bệnh đã gây ra nhiều câu chuyện đau lòng như thế khiến chúng tôi cứ day dứt mãi”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Dự chia sẻ.

“Nhậm chức” Tổ phó dân phố đã 2 tháng, chị Nguyễn Thị Hải, ở phường 2, quận 8, vẫn chưa hết bàng hoàng khi trong con hẻm 100 đường Dương Bá Trạc, bà con đã chứng kiến sự “ra đi” lần lượt của 2 người tổ trưởng. Do là khu lao động, các vị này cũng phải lăn lộn chăm lo bà con, phát quà, lập danh sách hỗ trợ, dẫn đường cho cán bộ y tế… nên việc nhiễm bệnh là khó tránh. Khi từng người nằm xuống, những đám tang liên tiếp nhau, tiếng khóc, sự mất mát… khiến chị Hải luôn gặp ác mộng khi đêm về.

Tính riêng trong đợt dịch lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh có hơn 17 nghìn người tử vong vì Covid-19.

Tính riêng trong đợt dịch lần thứ tư tại TP Hồ Chí Minh có hơn 17 nghìn người tử vong vì Covid-19.

Những ngày tháng 8/2021, số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng rất nhanh. Dù lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã hết sức nỗ lực nhưng bởi dịch bệnh quá bất ngờ, những gì diễn ra mỗi ngày là chưa có tiền lệ nên đã có những lúc “trở tay không kịp”. Các tuyến điều trị, chăm sóc đều quá tải, nhiều gia đình có người thân mắc Covid-19 qua đời tại nhà, nhiều ca tử vong không kịp xử lý đưa đi hỏa táng.  Tại TP Hồ Chí Minh đã có những ngày, các tình nguyện viên phải lăn xả vào những việc mà chẳng ai muốn làm.

Những ngày giữa tháng 8, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh liên tục nhận điện thoại cầu cứu, trong đó nhiều cuộc xin cứu giúp quan tài và hỏa táng người mất do tình trạng giãn cách và cả gia đình đều bị dương tính không xoay xở được. Sư thầy Thích Đức Nghĩa xót xa nói: “Trong tình huống này, việc giúp đỡ chúng sanh, ngay cả khi họ qua đời, cũng chính là cúng dường chư Phật, phụng sự đất nước”.

Tháng 8/2021, mỗi ngày Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm mới và đau lòng là số tử vong đều trên dưới 300 ca/ngày. Trong cả bầu không khí nặng nề đó, nhiều người phải tham gia vào các công việc chưa thể hình dung: vận chuyển tro cốt. Trong sổ tay phóng viên ghi: "Đầu tháng, số tro cốt tại riêng quận 6 là hơn 705, thì đến cuối tháng, đã là hơn 1.364".

Suốt tháng 8 cao điểm đầy đau thương ấy, chị Phạm Thị Mộng Cầm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) không nhớ rõ mình cùng cơ quan tiếp nhận và chuyển giao bao nhiêu hũ tro cốt người mất vì Covid-19 cho thân nhân của họ. Chính vì vậy, khi ngồi trên chiếc xe bán tải của Công an phường 1, chị Cầm như người thất thần vì hũ cốt lần này vận chuyển về chính địa chỉ nhà chị, người trong hũ cốt lại là cha ruột chị. Đau đớn thay, trong lúc chị Cầm đang mải miết chăm lo hỗ trợ nhân dân phường chống dịch, thì chính Covid-19 lại cướp đi người cha thương yêu.

Từ khóa » Khốc Là