Mỗi Giai đoạn đời Người, Bạn Cần Biết Trọng Tâm Nên Nắm Giữ Là Gì

Bản thân tôi là một người thích làm nhiều thứ – và đã có lúc tôi tin rằng chỉ cần cố gắng đủ, sắp xếp thời gian tốt, sử dụng công cụ làm việc này kia – mình hoàn toàn có thể làm được mọi thứ mình đề ra cùng một lúc.

Đó là viết hai quyển sách trong một năm, tìm học bổng du học, start-up một tổ chức nhỏ, nâng cao năng lực chuyên môn hướng nghiệp, viết 3 bài blogs mỗi tuần, học thêm về Digital Marketing để quảng cáo blog, học thêm về guitar và thanh nhạc để cải thiện khả năng nghệ thuật, đọc 1 cuốn sách một tuần, tập gym để có body 6 múi, tập chạy marathon 42km, ăn sạch uống khỏe và một đống những mục tiêu khác.

Sau nhiều ngày quan sát và suy ngẫm, tôi thấy rằng tất cả đống mục tiêu đó đều rất hay, rất đáng để làm – nhưng không thể làm tất cả cùng một lúc được.

Mỗi người trong một giai đoạn của cuộc đời chỉ nên và sẽ làm tốt nhất nếu chúng ta chọn ra 2 vai trò chính để nắm giữ

Đó là cốt lõi chính của lý thuyết hướng nghiệp mang tên Life Career Rainbow của thầy Donald E.Super. Lý thuyết này nói rằng, tùy theo độ tuổi mà chúng ta có thể đóng nhiều vai trò khác nhau.

Ví dụ ở độ tuổi 21-25 của một bạn trẻ đang đóng những vai trò gì? Con của bố mẹ, sinh viên tại trường, một người bạn thân, một người yêu, một người công dân mẫu mực, một nhân viên tại công ty, một người nuôi chó... Về lý thuyết, vai trò nào cũng cần, vai trò nào cũng quan trọng – nhưng để đạt đỉnh của sự hạnh phúc trong vai trò đó, ta phải chọn lựa thôi.

Làm sao một người có thể có thời gian để cống hiến cho công ty từ sáng tới đêm, lại vừa có thời gian 3 tiếng một ngày chơi với chó, 1 ngày trong tuần cho ba mẹ, 3 lần đi chơi với người yêu một tuần được – đúng không nào?

Vậy nên ta phải chọn lựa. Vậy hãy dừng đọc ở đây một chút và viết ra những vai trò bạn đang phải đóng trong cuộc đời, hiện tại bạn muốn tập trung vào vai trò nào?

 Mỗi giai đoạn đời người, bạn cần biết trọng tâm nên nắm giữ là gì: Muốn thành công, trong 4 lò lửa thiết yếu, bạn vẫn phải “cắn răng” loại bỏ 2  - Ảnh 1.

Lý thuyết Life Career Rainbow của thầy Donald E. Super.

Lý thuyết 4 bếp lò

Trong cuốn sách Giấc mơ Mỹ – Đường Đến Stanford của Huyền Chip có một đoạn mà tôi rất thích đó là:

Khi nghĩ về những vấn đề liên quan đến cân bằng giữa cuộc sống và công việc, ta có thể liên tưởng đến một thuật ngữ được biết đến với tên gọi: Lý thuyết 4 bếp lò.

Tưởng tượng cuộc đời bạn được đại diện bởi một chiếc bếp với 4 lò lửa trên đó. Mỗi lò biểu tượng hóa cho một góc quan trọng trong cuộc đời bạn:

- Lò lửa đầu tiên đại diện cho gia đình

- Lò lửa thứ hai đại diện cho bạn bè.

- Lò lửa thứ ba đại diện cho sức khỏe.

- Lò lửa thứ tư đại diện cho công việc.

Lý thuyết 4 bếp lò cho rằng: Để có thể thành công, bạn buộc phải loại bỏ 1 trong những lò lửa trên. Và để có thể thực sự thành công thì bạn phải loại bỏ 2 lò lửa.

 Mỗi giai đoạn đời người, bạn cần biết trọng tâm nên nắm giữ là gì: Muốn thành công, trong 4 lò lửa thiết yếu, bạn vẫn phải “cắn răng” loại bỏ 2  - Ảnh 2.

Lý thuyết 4 Bếp Lò.

Bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Ví dụ hiện tại tôi đang dành đa số thời gian cho công việc, thứ hai là sức khỏe và cho người yêu. Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ không có mạng lưới bạn bè dày đặc, không gặp gỡ bạn bè và gia đình thường xuyên – và tôi chấp nhận điều đó.

Còn bạn thì sao? Với một bình ga 24h một ngày hay 168h một tuần, bạn bơm bao nhiêu ga cho mỗi lò?

Bạn có dám từ bỏ con bò mình đang có?

Tôi có đọc được một câu chuyện rất hay. Ngày xưa có một nhà nọ nghèo thật nghèo, chỉ có duy nhất một con bò là quý giá cho họ sữa mỗi ngày – nên họ nâng niu trân trọng chú bò lắm. Tuy họ không giàu, nhưng không chết đói vì vẫn có sữa từ chú bò.

Một hôm, một thầy tu ghé qua xin ở nhờ. Nghe gia cảnh nghèo khó của gia đình và câu chuyện chú bò, tối hôm đó thầy tu âm thầm dắt chú bò duy nhất đó rời khỏi gia đình này.

Căm phẫn lắm, tuyệt vọng lắm. Chú bò duy nhất là nguồn sống của gia đình đã đi mất rồi, chắc gia đình này đã rơi vào bước đường cùng rồi. Ngạc nhiên thay, một năm sau nhà tu quay lại, thấy gia đình không còn nghèo như xưa, nhà cửa đã khang trang hơn, vườn tược nhiều cây trái hơn, trông họ có vẻ hạnh phúc hơn.

Gia đình mới kể lại rằng, khi chú bò đi họ cũng giận giữ, tuyệt vọng lắm, nhưng rồi vẫn phải bắt tay vào nghĩ kế làm gì đó kiếm miếng ăn. Họ bắt đầu cày cuốc, trồng cây rồi trúng mùa, bán cái này gom cái kia, dần dần kinh tế khá giả hơn. Ngày xưa có chú bò, họ không nghĩ tới việc làm những điều này.

Nghe chuyện này, mình giật mình nhớ lại chính bản thân mình. Còn trẻ tuổi, mới ra trường vài năm, mình đã có hai cuốn sách đầu tay là Định vị bản thânNhắm mắt bắt được việc và cũng kha khá có tiếng nói trên mạng xã hội. Liệu đây có chính là "chú bò" của mình, chú bò mang lại miếng ăn những cũng đang là chú bò ngăn cản việc mình phát triển xa hơn?

Vì chúng ta có một công việc ổn định, mức lương tạm đủ, được xã hội công nhận – nên tuy rằng kể cả đó là một công việc làm ta stress, mệt mỏi – ta vẫn không dám nghỉ, vì nghỉ thì không biết thế nào. Ta không dám vứt bỏ đi chú bò của mình vì chú bò đó vẫn mang lại cho ta một cảm giác an toàn. Nào ta có biết rằng, bò đi thì thứ khác sẽ đến, và bò phải đi thì mới biết được.

 Mỗi giai đoạn đời người, bạn cần biết trọng tâm nên nắm giữ là gì: Muốn thành công, trong 4 lò lửa thiết yếu, bạn vẫn phải “cắn răng” loại bỏ 2  - Ảnh 3.

Hiệu ứng số ba

Tôi luôn luôn thích một bài viết không chỉ có triết lý đi cùng, mà phải có cả những bước hành động nữa. Một bước hành động mà tôi đã và đang áp dụng rất triệt để cho bản thân mỗi khi phải đứng trước quá nhiều chọn lựa đó là "Quy tắc số ba".

Nếu chỉ được chọn ba sự ưu tiên, bạn sẽ chọn ba việc gì?

Giữa một đống những ước ao về "sức khỏe", "tài chính", "công việc tốt", "bạn bè tốt", "thời gian cho người yêu", "thời gian cho bản thân" – nếu chỉ chọn ba điều chính để dành ra 90% thời gian trong ngày của bản thân thì bạn sẽ chọn ba điều gì?

Khi bạn chọn ra ba điều, không có nghĩa rằng bạn sẽ phải làm theo ba điều đó cả đời. Tuy nhiên, đó là một sự ưu tiên có thời hạn bạn đặt ra cho bản thân. Thời hạn có thể là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm tùy theo bạn. Ví dụ nếu 1 năm tới bạn chọn tập trung vào "sức khỏe" và ‘công việc" và "tình yêu" – bạn có thể dành 1 năm sau để cho "cá nhân" hay "bạn bè" – những mối quan tâm khác vẫn ở đó chứ không mất đi đâu cả.

Một công cụ rất hay để sử dụng – Google Calendar.

Tôi là một người sống tối giản – nên tôi đề cao sự tối giản trong việc sử dụng các công cụ quản lý thời gian cũng như quản lý công việc. Một trong những công cụ mà tôi đang xài rất thường xuyên đó là Google Calendar – một công cụ tôi nghĩ rằng rất phổ biến với các bạn trẻ hiện tại. Cách tôi xài hiện tại đó là:

Vào mỗi chủ nhật, tôi sẽ dành ra 1-2 tiếng để sắp xếp lịch cho tuần tiếp theo. Các công việc cố định và ưu tiên (nằm trong 3 nhóm ở trên ấy) sẽ được ghi vào Calendar kèm thời gian tương ứng (ví dụ các bạn sẽ thấy hình chạy bộ màu xanh lá ở ảnh dưới – đó là ưu tiên của tôi). Các cuộc hẹn với khách cũng như với bạn bè mình cũng sẽ chốt trước một tuần, hạn chế nhất việc hẹn đột xuất.

Ví dụ hôm nay thứ ba và bạn cảm thấy mình muốn gặp một đứa bạn – vậy hãy hẹn cho tuần sau và để vào lịch – như vậy giúp bạn chủ động hơn về mặt thời gian. Mỗi khi có một đầu việc nảy sinh cần giải quyết, mình sẽ tạo một event (khoảng 25-30′) và để vào chỗ còn trống trong Google Calendar.

Nếu không còn trống thì để sang tuần tiếp theo. Nếu bạn muốn có thời gian cân bằng cá nhân và công việc, vào Chủ Nhật hãy lên lịch 1-2 buổi đi chơi và chắc chắn tuân thủ nó, dù có gì đột xuất vào ngay đó cũng hãy từ chối. Giữa các công việc, hãy để khoảng trống khoảng 15 – 30′, vì chắc chắn sẽ có nhiều thứ phát sinh mà mình không lường trước được đâu.

 Mỗi giai đoạn đời người, bạn cần biết trọng tâm nên nắm giữ là gì: Muốn thành công, trong 4 lò lửa thiết yếu, bạn vẫn phải “cắn răng” loại bỏ 2  - Ảnh 4.

Cuối cùng, chúc bạn xác định được sự ưu tiên của bản thân và dốc tâm, dốc sức vào đó để đạt được thành quả tốt nhất.

Đánh đập con gái 22 tháng tuổi vỡ sọ, gãy xương sườn, cặp đôi vẫn thản thiên làm việc này để con chết dần khiến mọi người tột cùng căm phẫn

Từ khóa » Học Thuyết 4 Lò Lửa