Ý Tưởng Lớn - Những Bài Dịch Trên Blog #1 - The Present Writer
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, khi tiếp tục học hỏi từ các nguồn khác nhau để phát triển bản thân và tìm cảm hứng viết blog, tôi đã đọc được rất nhiều bài viết thú vị bằng tiếng Anh — đa phần mang đến những ý tưởng độc đáo mà tôi chưa từng nghĩ tới hoặc đã từng nghĩ tới nhưng không viết được sắc nét như tác giả. Bởi vậy, tôi thường chọn lọc, lược dịch lại những bài viết hay để chia sẻ với bạn đọc trên trang Facebook của blog. Những bài dịch này thường nhận được phản hồi tốt (rất dễ hiểu vì đây vốn là những bài viết rất thành công, được viết bởi những bloggers nổi tiếng, có hàng triệu lượt đọc trên toàn thế giới) nên tôi rất vui vì có thể đưa bạn đọc đến gần hơn khối tri thức mới này.
Bài viết này (cùng với các bài viết trong cùng series) là tổng hợp các bản dịch từng được đăng trên trang Facebook của blog để bạn đọc (và tôi) tiện tìm đọc lại và chia sẻ cho những người cần đến. Đường link đến bài viết gốc bằng tiếng Anh được để ở cuối mỗi phần; câu chữ lược dịch từ bài viết gốc được viết chữ in thường, còn chú thích/diễn giải/mở rộng của tôi được viết chữ in nghiêng.
7 trường hợp bạn nên nói “CÁM ƠN”
Người ta vẫn (thường) chỉ nói cám ơn khi người khác làm điều gì đó tốt/có lợi cho bạn, nhưng tác giả James Clear dưới đây nhấn mạnh thêm 7 trường hợp bạn nên nói cám ơn:
1. Khi bạn nhận được một lời KHEN. Thay vì ngay lập tức phủ nhận lời khen (như một hình thức “khiêm tốn” hình thức), hãy nói “cám ơn” để tỏ thành ý với người nói và để bản thân vui vẻ nhận lấy lời khen. Ví dụ, khi người khác khen: “Cái váy bạn mặc đẹp quá”, thay vì nói: “Cái váy cũ này á? Mình mặc cả mấy năm rồi”, hãy nói: “Cám ơn bạn. Mình cũng thích cái này”
2. Khi bạn đến MUỘN. Vấn đề của việc đến muộn, theo James Clear, là dù có nói “Xin lỗi” đi chăng nữa, bạn cũng không thể hiện sự trân trọng thời gian chờ đợi của người khác. Vì vậy, khi dến muộn, thay vì nói: “Ôi trời, xin lỗi mình đến muộn. Đường đông quá!”, hãy nói: “Cám ơn mọi người đã kiên nhẫn chờ mình!”
3. Khi bạn AN ỦI một ai đó. Để an ủi một người khác trong hoàn cảnh họ gặp khó khăn là rất khó, nhiều khi ta không biết nên nói gì. Vậy, thay vì cố gắng chêm vào những câu tích cực nhưng không mang tính cảm thông như: “Bà bạn mất à? Không sao, ít nhất bạn có thời gian vui vẻ bên bà”, hãy nói, “Cám ơn bạn đã chia sẻ với mình chuyện bà mất. Mình biết thời gian này khó khăn với bạn, bạn có thể nói chuyện với mình bất cứ lúc nào”
4. Khi bạn nhận được lời GÓP Ý. Nhiều lời góp ý có tính xây dựng nhưng khi nghe lần đầu thường khó lọt tai, vì thế, chúng ta thường có xu hướng phủ nhận lời góp ý hoặc “tấn công” lại người nói. James Clear khuyên nên nói đơn giản 2 chữ “cám ơn” và nhận lấy lời góp ý. Ví dụ, khi nghe sếp góp ý rằng công việc bạn làm hiện chưa tốt như kỳ vọng, thay vì: “Sếp không hiểu rồi. Đây này… Đây này…”, hãy nói: “Cám ơn sếp đã kỳ vọng cao về em” và hỏi kỹ hơn nội dung góp ý để làm cho công việc tốt lên.
5. Khi bạn nhận được CHỈ TRÍCH không công bằng. Loại chỉ trích này mặc dù không có tính xây dựng và dễ làm ta nổi nóng, nếu sửng cồ lên để cãi nhau tay đôi với người chỉ trích, hậu quả mang lại chỉ là thêm ganh ghét, hằn thù. Cãi nhau với những người không có lý lẽ chẳng để làm gì. Vì vậy, chỉ nên nói một câu lịch sự “cám ơn”. Ví dụ, khi “anh hùng bàn phím” chỉ trích: “Cái mày viết ra nhạt kinh khủng, dốt nát nhất tao từng đọc”, thì hãy trả lời: “Cám ơn bạn đã phản hồi. Tôi còn nhiều điều cần học thêm”.
6. Khi người khác cho bạn lời KHUYÊN kiểu “đẽo cày giữa đường”. Không có gì khó chịu hơn là khi bạn đang hăng say làm một việc gì đó thì người khác chĩa vào cho một lời khuyên bâng quơ như thể họ biết mọi thứ trên đời. Nhưng thay vì hùng hồ: “Thế hả? Ngon thì vào đây làm thử xem có làm được không này!”, hãy nói “Cám ơn lời gợi ý nhé!” và làm tiếp việc của bạn.
7. Khi bạn KHÔNG CHẮC có nên nói cám ơn không. Hãy cứ nói cám ơn! Không bao giờ là thừa để thể hiện sự biết ơn chân thành trong xã hội này cả.
* Tôi rất thích bài viết này bởi vì tôi cảm thấy đây là những điều mà tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, giới tính nên đọc. Lời cám ơn nên được nói nhiều hơn, dù ở nền văn hoá nào, và thể chế xã hội nào.
**Suốt 4 năm vừa qua học ở nước ngoài, tôi đã nhận không biết bao nhiêu email, tin nhắn nhờ xem hộ, đọc hộ, sửa chữa hồ sơ du học, người thân cũng nhờ, mà người dưng cũng nhờ. Tôi trả lời 100% các email, tin nhắn này, dành không biết bao nhiều thời gian đọc hộ tài liệu cho người khác HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ (bạn đọc nào của blog từng liên lạc với tôi đều biết, response rate của tôi luôn là 100%, mặc dù tôi rất bận). Lý do của việc này là vì thời gian tôi nộp học Thạc sĩ và Tiến sĩ, tôi rất hoang mang không có một người nào chỉ đường dẫn lối, nếu không có các anh chị đi trước đọc bài giúp, chắc chắn tôi sẽ không có ngày hôm nay. Do vậy, tôi luôn cố gắng giúp những bạn khác một cách vô tư, thậm chí không cần luôn lời cám ơn.
Nhưng mới gần đây, tôi có giới thiệu một chị ngoài 30 tuổi hỏi về du học ngành nghệ thuật cho một người bạn khác của tôi (vì tôi hoàn toàn không biết gì về ngành này). Chị ấy email cho bạn tôi hỏi rất nhiều, bạn tôi trả lời vô cùng kỹ lưỡng, thậm chí dành cả 2 tiếng đồng hồ để sửa hồ sơ cho chị ấy (lời lẽ rất nhã nhặn, động viên tích cực). Vậy mà sau khi gửi thư, chị kia hoàn toàn mất tăm, không một lời cám ơn, không cả trả lời là đã nhận được thư (khác hẳn thái độ ban đầu). Bạn tôi tốt bụng, cứ nghĩ email trục trặc không tới được đến chị ấy, nên message Facebook hỏi: Chị nhận được email em chưa? Chị đọc và trả lời chỉ bằng một dấu “Thumb Up!” () Sau vụ này, bạn tôi nói cảm thấy thật phí thời gian cho những người như vậy và không muốn xem hồ sơ thêm nữa. Điều này làm tôi thấy rất thất vọng vì chị kia vô hình chung đã tước đi cơ hội của nhiều người và làm một người tử tế mất niềm tin.
***Nếu bạn đọc đến dòng cuối cùng của post này, hãy nói lời “cám ơn” ít nhất một lần trong ngày với một ai đó – hoặc những người làm việc tốt cho bạn, hoặc những người trong 7 trường hợp James Clear nêu trên! Cám ơn các bạn đã đọc bài này ☺️
Link bài viết gốc: http://jamesclear.com/say-thank-you
BẬN RỘN CÓ PHẢI LÀ MỘT ĐIỀU TỐT?
Vài ngày trước, tôi có đọc được một bài viết khá thú vị của Cal Newport, một giáo sư Khoa học Máy tính tại Georgetown University, và tôi muốn chia sẻ với các bạn (lược dịch):
Nếu bạn bận rộn, bạn đang làm điều gì đó sai: Cuộc sống thư giãn đáng kinh ngạc của những người xuất chúng
Vào đầu những năm 1990, nhóm ba nhà tâm lý học đến một học viện nghệ thuật nổi tiếng tại Berlin, Đức để nghiên cứu về người chơi violin. Họ yêu cầu các giáo sư âm nhạc của trường xác định hai nhóm người chơi violin. Nhóm đầu tiên là những người chơi xuất sắc, có tiềm năng cao trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp — tạm gọi là “Nhóm ưu tú”. Nhóm thứ hai là những người cũng nghiêm túc chơi đàn nhưng khả năng không bằng nhóm ban đầu — tạm gọi là “Nhóm trung bình”.
Ba nhà nghiên cứu tiến hành phỏng vấn sâu cả hai nhóm và yêu cầu những người này ghi chép lại kỹ lưỡng các hoạt động trong ngày và thời gian làm những công việc đó của họ. Nghiên cứu xoay quanh câu hỏi: “Điều gì làm cho những người thuộc nhóm ưu tú chơi đàn tốt hơn những người ở nhóm trung bình?”
Thông thường, chúng ta hay phỏng đoán rằng những người ưu tú giỏi vì họ chăm chỉ và dành toàn thời gian để luyện tập, còn những người trung bình mải chơi và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hơn.
Nhưng kết quả nghiên cứu lại hoàn toàn toàn ngược lại.
Cả hai nhóm đều dành số thời gian tương đương nhau (khoảng 50 tiếng/tuần) đề tập luyện. Sự khác biệt nằm ở cách họ luyện tập trong khoảng thời gian này. So với những người trung bình, những người ưu tú dành hơn gấp 3 lần thời gian luyện tập với độ tập trung cao, có chủ đích rõ ràng vào những kỹ thuật khó (khác với tập tuỳ theo hứng thú và cảm xúc) để phát triển hết mức khả năng của mình. Điểm khác biệt này quyết định chất lượng trong luyện tập của người ưu tú.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hai nhóm có cách sắp xếp thời gian luyện tập khác nhau. Nhóm trung bình trải đều thời gian luyện tập ra cả ngày. Trong khi đó, nhóm ưu tú chỉ tập trung giờ luyện tập vào 2 giai đoạn trong ngày, và thường hiệu suất làm việc của họ lên đỉnh cao nhất vào buổi sáng và buổi chiều. Những người càng chơi giỏi, đỉnh cao năng suất này lại càng rõ hơn.
Thời gian nghỉ ngơi của hai nhóm này cũng khác nhau. Nhóm ưu tú ngủ nhiều hơn 1 tiếng/đêm so với nhóm trung bình. Nhóm ưu tú cũng dành nhiều thời gian nghỉ, làm các việc họ yêu thích hơn so với nhóm trung bình. Vì nhóm trung bình làm việc trải đều từ sáng tới tối, họ stress nhiều hơn, và cảm giác luôn bận rộn hơn so với nhóm ưu tú”
Tóm tắt lại kết quả nghiên cứu, chúng ta thấy rằng: 1. Những người trung bình thực chất dành tương đương thời gian với những người ưu tú để làm việc 2. Tuy nhiên, họ không tập trung làm đúng những công việc có chủ đích để phát triển kỹ năng lên mức độ cao nhất 3. Họ cũng làm việc trải đều ra cả ngày, vì thế ngủ ít hơn, stress nhiều hơn, trong khi không làm được gì hơn (thậm chí kém đi) so với nhóm ưu tú.
Hiện tượng này đã được quan sát và chứng minh nhiều lần qua các nghiên cứu của tác giả về những học sinh/sinh viên xuất sắc nhất. Tác giả kết luận rằng: Nếu bạn muốn trở thành cá nhân ưu tú, bận rộn và kiệt sức là kẻ thù số 1. Nếu bạn thường xuyên stress và thức đêm làm việc muộn, bạn đang làm điều gì đó sai – bạn là người thuộc nhóm trung bình, chứ không phải nhóm ưu tú. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên: Làm ít hơn. Nhưng làm tất cả mọi thứ với sự tập trung tuyệt đối và làm đến nơi đến chốn. Một khi đã xong việc, hãy để nó sang một bên và nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống”.
*Đây là một bài viết thú vị, văn viết dễ hiểu cho cả những ai không có nền kiến thức về tâm lý học, đưa ra bài học rõ ràng, khúc chiết. Trong thực tế, các kết luận khoa học về thành công và phương pháp thành công vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, vì vậy, nghiên cứu này có thể không phải là câu trả lời cuối cùng. Tuy nhiên, bài viết đã phần nào mở ra cho người đọc những suy nghĩ mới về cách làm việc, cách nghỉ ngơi, và sắp xếp cuộc sống để vượt lên nấc thang trung bình, trở thành những cá nhân ưu tú.
Link bài viết gốc: http://calnewport.com/…/if-youre-busy-youre-doing-somethin…/
CHO NHỮNG CON NGƯỜI ĐẸP THẦM LẶNG
Với đặc thù công việc nghiên cứu, tôi từng phỏng vấn rất nhiều người nhưng hầu như lần nào kết thúc buổi phỏng vấn, tôi cũng học thêm được điều gì đó mới mẻ cho mình. Tôi đặc biệt thích phỏng vấn những người bình thường, những người mà ta có thể lướt qua hàng ngày nhưng không để ý, những người có thể sẽ không bao giờ lên bìa báo, tivi, nhưng lại là những người có trải nghiệm cuộc sống thú vị nhất. Đó là lý do tại sao tôi thực hiện phỏng vấn với các bạn Tiệp Vũ, Linh Phan, Hoàng Minh Trang… trên blog (link)- đây đều là những con người có nét đẹp bên trong tuyệt vời mà phải chú tâm trò chuyện, bóc tách dần mới thấy hết được. Ngẫm lại, những bài học sâu sắc nhất về cuộc đời tôi từng nhận được không phải từ các vĩ nhân, mà từ những người đẹp một cách lặng thầm như thế.
Tuần trước, tôi đọc được một bài viết của blogger Joshua Becker cũng về chủ đề này và muốn chia sẻ lại với bạn đọc (lược dịch):
Dành cho tất cả những ai đang cố gắng làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh khó khăn
Tôi có một người bạn tuyệt vời. Cô ấy là mẹ đơn thân của hai cô con gái xinh xắn. Chồng cô ấy bỏ đi khi đứa bé thứ hai sinh ra với khiếm khuyết cần trợ giúp đặc biệt.
Tình cờ, người hàng xóm của tôi cũng là cha đơn thân của 2 con nhỏ. Vợ anh ấy nghiện ngập, bỏ rơi gia đình.
Tôi đoán là bạn chưa bao giờ nghe đến tên những con người tuyệt vời này. Bạn có thể sẽ không bao giờ đọc blog của họ hay theo dõi họ trên Facebook. Và khuôn mặt của họ có lẽ cũng sẽ không bao giờ xuất hiện trên bìa tạp chí. Nhưng để tôi nói với bạn, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nhưng cả hai người này đều nỗ lực trong cuộc sống hơn nhiều so với tôi.
Thứ bảy vừa rồi, tôi ra ngoài từ rất sớm để tìm một chỗ yên tĩnh viết sách. Tôi bắt đầu lái xe khi trời còn chưa tỏ và tình cờ lướt qua một câu trai trẻ, thừa cân, đang chạy bước nhỏ trên đường, mồ hôi nhễ nhại. Dáng người của cậu ấy không phải là kiểu mà bạn hay thấy trên áp phích quảng cáo ở mấy trung tâm thể hình. Nhưng đây là một chàng trai, dậy sớm vào sáng thứ bảy, nỗ lực hết mình để thay đổi cuộc sống, trong khi phần lớn mọi người còn đang say ngủ. Và điều này truyền cảm hứng lớn cho tôi.
Thêm một câu chuyện nữa.
Tuần trước, một đồng nghiệp của tôi chủ trì đám tang cho một người bạn mất vì sốc thuốc – đây là một người khi sinh ra đã bị nghiện ma tuý (di truyền từ mẹ). Vì một hành động thiếu trách nhiệm của người mẹ mà cậu ấy đã phải chiến đấu cả đời với cơn nghiện. Có những ngày, cậu ấy thắng. Nhưng có những ngày, cậu ấy thua. Cuối cùng, ma tuý cũng lấy đi mạng sống của cậu ấy. Khi kể câu chuyện này, người đồng nghiệp của tôi chốt lại rằng: “Thật đáng tiếc rằng cậu bạn của chúng ta sẽ bị nhớ đến là con nghiện ma tuý mãi mãi”. Nhưng tôi lại nghĩ khác hoàn toàn. Tôi sẽ luôn nhớ đến cậu ấy như là một người chiến đấu không mệt mỏi với căn nghiện ma tuý mà cuộc đời bất công đã chuốc cho cậu ấy từ thuở lọt lòng. Tôi sẽ luôn nhớ đến cậu ấy như một người cố gắng làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Xã hội thường thích tôn vinh những người đẹp. Chúng ta ngưỡng mộ và tán dương những người có thành tựu vật chất, những thành tựu hữu hình, có thể đong đếm được. Chúng ta dõi theo và thần tượng hoá những người giỏi thể thao, viết sách, nói được trước đám đông, giỏi kinh doanh, giỏi chính trị. Không thể phủ nhận, họ đúng là những người tuyệt vời. NHƯNG hãy đối diện với sự thật: Cuộc sống không phải lúc nào cũng hoàn hảo, không phải ai cũng có thể sống một cuộc sống rực rỡ như những người đẹp kia được. Nhiều người trong chúng ta đang ngày đêm chật vật để lội ngược dòng trong gian khó. Và những người này, hơn ai hết, xứng đáng được tôn trọng và tán dương.
Vậy hãy để tôi ngày hôm nay … bằng một cách nho nhỏ của mình … ghi nhận sự nỗ lực cuả những còn người cố gắng làm tốt nhất có thể trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi nhận ra bạn và chúng tôi tán dương bạn.
Dành cho những ông bố, bà mẹ đơn thân đang nuôi con một mình.
Dành cho những ai đang nỗ lực vượt qua sự nghèo đói, nghiện ngập, bệnh tật trong gia đình.
Dành cho những ai đang làm việc ngày đêm để cho con cái những điều mà mình chưa từng có.
Dành cho những ai đang cố gắng thay đổi những thói quen xấu đã huỷ hoại con người mình trong thời gian dài.
Dành cho những ai bị đối xử bất công trong công việc và đang làm lại từ đầu.
Dành cho những ai đang đối đầu với bệnh tật.
Dành cho những ai dành sự quan tâm vô hạn cho những người thân yêu sắp rời khỏi cõi trần.
Dành cho những ai từng bị đánh gục bởi cuộc đời nhưng đang gượng dậy đứng lên.
Chúng tôi cám ơn các bạn. Cám ơn vì đã là những người truyền cảm hứng. Cám ơn vì đã nỗ lực hết mình để làm cuộc sống tốt đẹp hơn – không chỉ cho các bạn, mà còn cho người thân yêu của các bạn. Chúng tôi cần thêm những người như các bạn trên thế giới này.”
Link bài viết gốc: https://www.becomingminimalist.com/bad-situation/
CÂN BẰNG CUỘC SỐNG DỰA VÀO NHỮNG LỰA CHỌN KHÔNG-HOÀN-HẢO
Một tháng trở lại đây, tôi gác lại tương đối nhiều công việc trên trường và ý tưởng viết blog để tập trung cho những sự kiện của gia đình (bố mẹ tôi, chồng tôi, mèo). Đây là điều thực sự mới mẻ đối với tôi vì 4 năm trở lại đây, tôi gần như tập trung hoàn toàn thời gian và năng lượng cho công việc, rất ít đi chơi với gia đình, mà có đi chơi cũng là kết hợp hội thảo, nghiên cứu, networking. Một tháng “nghỉ làm” vừa qua, tôi nghĩ nhiều đến bài viết này của James Clear về cân bằng cuộc sống và muốn chia sẻ lại với bạn đọc blog. (lược dịch)
Mặt trái của cân bằng công việc-cuộc sống
Hãy nghĩ về cân bằng công việc-cuộc sống dưới Lý thuyết Bốn lò lửa. Tưởng tượng rằng cuộc sống của bạn như một cái bếp có bốn lò. Mỗi lò biểu tượng cho một mặt của cuộc sống: Lò thứ nhất là gia đình, lò thứ hai là bè bạn, lò thứ ba là sức khoẻ, lò thứ tư là công việc. Lý thuyết Bốn lò lửa cho rằng: “để thành công, bạn phải tắt đi một trong bốn lò. Và để thành công xuất sắc, bạn phải tắt đi hai trong số bốn lò”
Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe tới lý thuyết này là tìm ngay cách để “lách” nó. “Liệu tôi có thể vừa thành công vừa giữ cả 4 lò lửa cháy?” – tôi tự hỏi.
Rồi tôi nghĩ, “Liệu mình có thể gộp 2 lò làm 1?” Chẳng hạn như nhóm chung gia đình và bạn bè? Hay là nhóm chung sức khoẻ và công việc – giả dụ thay vì ngồi làm việc cả ngày hại sức khoẻ thì thỉnh thoáng tôi đứng để làm việc? Tôi biết bạn đang nghĩ gì, những suy nghĩ này thật là chẳng đâu vào đâu cả.
Tôi nhận ra rằng sở dĩ mình “sáng tạo” ra những cách “luồn lách” phía trên là vì không muốn đối diện với một sự thật: cuộc sống là một chuỗi các lựa chọn không hoàn hảo. Nếu bạn muốn phát triển trong công việc và hôn nhân, bạn có thể sẽ phải hy sinh bạn bè và sức khoẻ. Nếu bạn muốn khoẻ mạnh và thành công trong việc dạy con cái, bạn có thể phải chấp nhận để sự nghiệp của mình đi xuống một chút. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể san sẻ thời gian bằng nhau cho cả 4 lò lửa, nhưng bạn sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng mình sẽ không bao giờ tiến được xa hết mức ở bất kỳ một mảng nào.
Cuối cùng, ai trong chúng ta cũng phải chọn lựa. Bạn chọn có một cuộc sống không cân bằng nhưng lại rất tốt đẹp ở một số mảng nhất định? Hay bạn mong muốn một cuộc sống cân bằng, nhưng không có mảng nào đạt được hết tiềm năng mà bạn có thể vươn tới?
Vậy đâu là cách để giải quyết vấn đề cân bằng công việc và cuộc sống?Tôi không chẳng mình có được hết các giải pháp, nhưng dưới đây là 3 cách nghĩ về vấn đề này dựa vào Lý thuyết Bốn lò lửa.
1. Thuê ngoài/Tìm người giúp đỡ
Chúng ta thường xuyên thuê ngoài/ tìm người giúp nhiều mặt của cuộc sống. Ví dụ như ta đi ăn bên ngoài vì không muốn bỏ thời gian nấu nướng. Ta sử dụng dịch vụ giặt khô là hơi vì muốn tiết kiệm thời gian giặt đồ. Ta đến tiệm sửa chữa máy móc vì không có khả năng tự sửa máy móc của mình. Liệu ta có thể áp dụng logic tương tự vào việc cân bằng công việc và cuộc sống?
Lấy công việc làm ví dụ. Đối với nhiều người, đây là lò lửa “nóng” nhất vì nó ngốn nhiều thời gian và năng lượng nhất. Vì vậy, hầu hết những người làm doanh nghiệp, kinh doanh tự do đều thuê thêm nhân viên để “chia lửa” cho mình. Hay như việc làm bố mẹ. Những bố mẹ có việc làm toàn thời gian bắt buộc phải “chia lửa” bằng cách gửi con đi nhà trẻ hoặc thuê người giúp việc. Thời gian không phải trông con, bố mẹ có thể làm việc khác bên ngoài.
Điểm mạnh của phương pháp này là bạn vẫn có thể giữ cho cả bốn lò luôn cháy trong khi không phải bỏ quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp này là bạn không được tham gia vào quá trình “giữ lửa”. Có nhiều doanh nhân, nghệ sĩ, những người làm sáng tạo tôi biết cảm thấy thật nhàm chán khi không được làm việc mỗi ngày. Nhiều bố mẹ tôi biết thà dành cả ngày chăm con hơn là thả con ở nhà trẻ. Thuê người/tìm người giúp đỡ có thể giúp cả 4 lò lửa cháy nhưng liệu có làm mất đi ý nghĩa và chất lượng cuộc sống?
2. Mở rộng tối đa các giới hạn
Điểm “khó chịu” nhất của Lý thuyết Bốn lò lửa là nó luôn mang lại cho bạn cảm giác mình chưa làm được đúng như khả năng. Kiểu như, “Nếu tôi mà có thêm thời gian, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn/ tập thể dục nhiều hơn/ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”
Một cách đối phó với vấn đề này là thay vì nghĩ mình là “nạn nhân” của thời gian, hãy nghĩ mình phải nắm lấy thế chủ động, mở rộng tối đa các giới hạn để trong một thời gian ngắn có thể làm việc hiệu quả và tối ưu nhất. Ví dụ như, nếu bạn chỉ làm việc được 8 tiếng/ngày, làm sao để tạo ra nhiều tiền nhất trong 8 tiếng này? Nếu bạn chỉ có thể viết 15 phút/ngày, làm sao bạn có thể viết được xong một cuốn sách nhanh nhất có thể? Nếu bạn chỉ có thời gian tập thể dục 3 tiếng/tuần, làm sao sử dụng 3 tiếng này hiệu quả nhất để cơ thể khoẻ mạnh nhất?
Điểm mạnh của phương pháp này là bạn tập trung vào tư duy tích cực (làm nhiều nhất trong giới hạn nguồn lực cho phép), thay vì tiêu cực (lo lắng không làm được gì vì không đủ thời gian). Tuy nhiên, điểu yếu của phương pháp này là bạn vẫn phải chọn lựa. Bạn phải chấp nhận là dù có tối ưu hoá công việc đến đâu, sẽ có những thứ bạn cần đầu tư toàn lực trong ngày, và có những thứ bạn không có thời gian/độ tập trung để làm được hoàn hảo.
3. Nhìn nhận cuộc đời theo từng “mùa”
Một cách nữa để cân bằng 4 lò lửa là chia nhỏ cuộc đời theo từng mùa. Thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo mọi lúc, mọi nơi, tại sao ta không thử tập trung vào một vài mảng của cuộc sống theo từng khoảng thời gian nhất định?
Độ ưu tiên của 4 lò lửa sẽ có sự thay đổi trong cuộc đời của bạn. Khi ở tuổi 20, 30, bạn chưa có con cái và dễ dàng hơn để tập trung vào sự nghiệp và rèn luyện thể chất. Thời điểm này, 2 lò công việc và sức khoẻ cháy mạnh nhất. Vài năm sau, khi đã có gia đình, lò lửa công việc và sức khoẻ có thể cháy nhỏ hơn, trong khi lò gia đình lại cần cháy mạnh mẽ. Một vài thập kỷ qua đi, khi gia đình đã ổn định, bạn lại muốn nối lại tình bạn và các kế hoạch kinh doanh từng bị gác lại. Khi đó, lò bạn bè và công việc lại cháy mạnh hơn.
Tôi không nói rằng bạn không phải từ bỏ giấc mơ của mình mãi mãi, nhưng cuộc sống là sự chọn lựa, rất khó để cả 4 lò lửa cùng cháy mạnh mẽ một lúc. Có thể bạn sẽ phải học cách buông bỏ, nới lỏng một vài mảng của cuộc sống ở những thời điểm nhất định. Con người ai cũng bị hạn chế bởi thời gian và năng lượng. Cuộc sống là sự chọn lựa. Và mọi lựa chọn đều có giá của nó.
Lò lửa nào bạn đang phải tạm tắt đi?
Link bài viết gốc: http://jamesclear.com/four-burners-theory
CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT ĐỂ BẮT ĐẦU NGAY-BÂY-GIỜ?
Dưới đây là bản lược lịch của tôi dựa vào một bài viết khá thú vị của tác giả Cal Newport: “Dangerous Ideas: Getting Started Is Overrated”.
Nghệ thuật (nguy hiểm) của sự bắt đầu
Tham dự bất cứ buổi nói chuyện nào với các doanh nhân, bạn cũng sẽ nghe thấy điều tương tự sau đây: “Việc quan trọng nhất bạn có thể làm ngay bây giờ là bắt đầu!”
Lời khuyên này được lặp đi lặp lại ở mọi nơi, từ các cuốn sách kinh doanh self-help đến cả cộng đồng blog về hiệu suất làm việc, phát triển bản thân. Bạn hẳn đã từng nghe lời khuyên này ít nhất một lần: “Muốn trở thành nhà văn? Hãy bắt đầu viết! Muốn hình thể đẹp hơn? Đăng ký đi tập gym ngay hôm nay! Muốn trở thành blogger nổi tiếng? Viết bài đăng NGAY-BÂY-GIỜ! Nếu không bắt đầu ngay, bạn là kẻ yếu ớt, bạn đang sợ hãi trước thành công!”
Vấn đề là: Tôi hoàn toàn phản đối lời khuyên chung chung này. Tôi nghĩ rằng cứ bắt đầu theo bản năng một cách thiếu suy nghĩ sẽ làm tê liệt cơ hội thành công lâu dài của bạn. Lời khuyên của tôi là, ngược lại, bạn nên đặt ra những “ngưỡng” nghiêm ngặt mà mình buộc phải vượt qua mới có thể bắt đầu hành động.
Hãy cho phép tôi được lý giải tại sao…
Rất nhiều diễn giả nổi tiếng, đặc biệt những diễn giả trong lĩnh vực kinh doanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của thông điệp “bắt đầu ngay-bây-giờ”. Thực tế, một trong những điều khó chịu nhất mà những diễn giả này gặp phải là họ thường xuyên tiếp xúc với những người trẻ có tâm lý muốn bắt đầu kinh doanh, nhưng sau đó lại để thời gian cứ trôi đi mãi, nhiệt huyết ban đầu phai nhạt rồi mà vẫn chưa bắt tay vào hành động. Vì thế, các diễn giả thường đối phó với vấn đề khó chịu này từ ban đầu bằng cách “tiêm” ngay vào đầu người nghe tư tưởng về sự bắt đầu. “Hãy làm đi! Làm bất cứ điều gì!”, họ la lớn. “Gửi một cái email, mượn một cuốn sách, đăng ký một tên miền!”. Lý thuyết ở đây là thậm chí những hành động nhỏ nhất có thể khiến con người vượt qua những trở ngại ban đầu, giúp xây dựng sức bật mạnh mẽ để tới với “thiên đường” kinh doanh.
Nhưng bắt đầu ngay lập tức có thực sự luôn luôn là lựa chọn tốt nhất?
Trong cuốn “Fooled by Randomness”, Nassim Taleb viết về cái gọi là “tư duy thiên lệch của người sống sót [khỏi thất bại]” – sai lầm phổ biến khi chúng ta đâm đầu vào bắt chước những người thành công là quên không cân nhắc những người từng sử dụng các phương pháp tương tự như vậy mà thất bại. Taleb dùng ví dụ trong tài chính, “The Millionaire Next Door” (Triệu Phú Hàng Xóm), để chỉ ra rằng các thói quen kiếm tiền của triệu phú (như tích lũy tài sản cả đời, tập trung đầu tư mạnh mẽ) không nên được mô phỏng, bắt chước trừ khi ta có thể xác định được bao nhiêu người từng làm theo chiến lược hệt như vậy mà không thành công. Tương tự, nếu hỏi ai là những người có mức thu nhập tăng mạnh nhất trong năm vừa qua trong cả đất nước, câu trả lời sẽ là: những người trúng sổ xổ! Nhưng điều đó không có nghĩa là muốn trở nên giàu có, bạn cũng phải đầu tư toàn bộ tài sản vào sổ xố. Có bao nhiêu người đã trượt xổ số để một người duy nhất trúng? Trong kinh doanh cũng vậy, có những người có con đường thành công tương đối rõ ràng; họ chỉ cần bỏ vào thời gian, công sức là thành quả lập tức đền đáp họ. Những người này lẽ đương nhiên khó chịu khi thấy người khác gạt đi cơ hội thành công chỉ vì họ không dám bắt đầu.
Nhưng đây chỉ là tư duy thiên lệch của số ít những người sống sót [khỏi thất bại]…
Để có được một nhà kinh doanh thành công, hay một nhà văn, một blogger, một diễn viên thành công, đã có hàng chục người khác từng bắt đầu nhưng thất bại. Một vài người có thể thiếu tài năng. Nhưng nhiều hơn cả là một khi qua được cái hào hứng, phấn khích ban đầu, họ mất đi hứng thú, nhiệt huyết và dần từ bỏ.
1. Phương pháp bão hòa: Tôi từng chứng kiến nhiều người duy trì thành công lâu dài nhờ không ngừng theo đuổi mục đích. Tôi cũng chứng kiến nhiều người cũng chạy theo thành công nhưng thất bại. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn cả vào sự thành công lẫn sự thất bại để tìm ra giải pháp cho mình. Nói một cách ngắn gọn, tôi nhận thấy những người thành công lâu dài thường là những người, qua thời gian, xây dựng một cảm nhận sâu sắc là họ thực sự, thực sự muốn theo đuổi một mục tiêu nào đó. Cũng qua thời gian, họ có được sự hiểu biết trọn vẹn về những điều mình muốn làm, tại sao người này thành công, tại sao người kia thất bại, và biết chính xác họ phải làm gì. Quá trình này thường tốn nhiều thời gian, từ một tháng cho đến vài năm để tìm hiểu, trải nghiệm, và rút ra bài học cho bản thân.
2. Sự siêng năng của Steve Martin: Steve Martin cho rằng chìa khóa để trở nên cực kỳ giỏi ở một lĩnh vực (giỏi đến mức mà không ai có thể bỏ qua bạn) chính là sự siêng năng – đức tính mà ông định nghĩa là nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ qua thời gian dài, bỏ qua các mong muốn, ý tưởng cho thành công khác. Đây là lý do tại sao những người thành công lâu dài thường phải trải qua quá trình cân nhắc rất lâu trước bắt đầu – nếu bạn không hoàn toàn 100% tự tin rằng mình đã sẵn sàng làm cật lực một công việc trong nhiều năm, gạt đi hàng trăm ý tưởng mới, mong ước mới xuất hiện trên hành trình tới thành công, bạn sẽ thất bại ngay trước khi nhận được bất kỳ phần thưởng nào.
3. Nghệ thuật của việc không bắt đầu ngay: Thực tế này đưa tôi quay lại xuất phát điểm ban đầu: cố gắng đừng bắt đầu ngay. Nếu bạn tự biến mọi sự hứng khởi ban đầu thành hành động, bạn sẽ lãng phí thời gian. Nguy hiểm hơn, bạn sẽ làm hỏng cơ hội thành công của mình vì sẽ luôn có những ý tưởng mới, thú vị không kém nảy lên khiến bạn hứng khởi nhảy ngay vào. Quá nhiều hành động theo đuổi thành công không đem lại thành công lâu dài – nếu hiểu theo định nghĩa về siêng năng của Steve Martin.
Lời khuyên của tôi: Chống lại sự bắt đầu. Hãy sử dụng thật nhiều thời gian tìm hiểu những ý tưởng, mong muốn khác của bạn, nhưng chỉ hành động một khi ý tưởng nào đó “ám ảnh” bạn ngày đêm, khiến bạn không thể chịu được nữa mà phải làm điều đó. Khi đó, và chỉ khi đó, bạn mới từ từ bắt đầu một bước đi đầu tiên, một trong rất, rất nhiều bước đi mà bạn cần có để đến nơi mình muốn.
Link bài viết gốc: http://calnewport.com/…/dangerous-ideas-getting-started-is…/
CHÚNG TA ĐANG THỰC SỰ MUỐN GÌ?
Cuối tuần vừa rồi tôi nghe được bài viết này của Derek Sivers trên OLD podcast và muốn dịch lại để chia sẻ với bạn đọc blog. Bài viết ngắn nhưng rất đáng để suy ngẫm (đúng với “chất” của Derek).
Hành động, không phải lời nói, phản ánh giá trị thật của chúng ta
Tôi nói với người hướng dẫn cũ của tôi rằng tôi thực sự muốn Muckwork (*start-up của Derek) thành hiện thực.
Anh ấy nói: “Không, cậu thực sự không muốn điều đó”
Tôi nói: “Có chứ! Tôi rất muốn! Đây là một việc rất quan trọng với tôi!”
Anh ấy tiếp: “Không, nó không thực sự quan trọng. Việc cậu nói ra là nó quan trọng thế nào không có nghĩa đó là sự thật”
Tôi nói: “Anh không thể cứ phớt lờ đi mọi thứ tôi nói được. Tôi hiểu bản thân mình chứ. Tôi biết cái gì là quan trọng đối với tôi”
Anh ấy nói, “Tôi có thể đang phớt lờ những gì cậu nói, nhưng hãy nhìn vào hành động của cậu. HÀNH ĐỘNG LUÔN PHẢN ÁNH GIÁ TRỊ THẬT CỦA CHÚNG TA”
Tôi cũng từng nghĩ về điều này chứ, nhưng nó cứ sai sai thế nào. Chuyện gì xảy ra với những người luôn muốn học ngoại ngữ hay luôn muốn kinh doanh nhưng chưa bao giờ bắt đầu? Lại còn những người muốn bỏ thuốc, nghỉ việc nhưng chưa bao giờ làm được? Họ thì sao?
Anh ấy nói, “NẾU HỌ THỰC SỰ MUỐN LÀM ĐIỀU ĐÓ, HỌ ĐÃ LÀM RỒI. Cậu đã nói về Muckwork từ năm 2008 nhưng chưa bao giờ thực sự khởi động dự án đó cả. Nhìn vào hành động của cậu, và biết con người cậu, tôi có thể nói rằng cậu không muốn mở thêm một công ty mới nào cả. Cậu thực chất chỉ muốn trân trọng cuộc sống giản đơn hiện tại, tập trung vào việc học cái mới, viết lách, và dành thời gian cho con. Cậu nói là cậu muốn làm, nhưng hành động của cậu thể hiện hoàn toàn ngược lại”.
Ôi chao. Đúng. Anh ấy nói đúng.
Tôi đã lừa dối bản thân mình hàng năm trời, nói với mình là tôi muốn làm điều này, điều kia, nhưng hành động của tôi chứng minh hoàn toàn ngược lại. Đúng, tôi cũng muốn làm điều này một chút, nhưng tôi muốn những điều khác hơn nhiều.
Ngày nay tôi thường chia sẻ lại lối tư duy này với những người thường xuyên nói là họ muốn làm điều gì đó nhưng chưa bao giờ biến ý muốn đó thành hiện thực. Mỗi lần như vậy, họ đều có chung một phản ứng y như tôi ngày xưa. (“Ồ, đúng. Đó là sự thật”)
Dù bạn có nói điều gì với toàn thế giới và với bản thân mình đi chăng nữa, hành động mới phản ánh giá trị thực chất của bạn. Hành động thể hiện điều mà bạn thực sự mong muốn.
Có 2 điều mà chúng ta cần để hành động thông minh hơn:
1) Ngừng dối trá với bản thân, hãy thành thực thú nhận ưu tiên hàng đầu của bạn là gì.
2) Bắt đầu thực hiện những điều mà bạn nói là bạn muốn làm ngay hôm nay, và xem xem nó có còn đúng hay không.
Link bài viết gốc: https://sivers.org/arv
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Từ khóa » Học Thuyết 4 Lò Lửa
-
Lý Thuyết Bốn Lò Lửa: Cuộc Sống Là Một Chuỗi Các Lựa Chọn Không ...
-
Cân Bằng Công Việc & Cuộc Sống: Lý Thuyết 4 Lò Lửa Và Tại Sao Mình ...
-
4 Lò Lửa Và Cách để Cân Bằng Trong Các Giai đoạn Của Cuộc Sống - Zing
-
Lý Thuyết 4 Bếp Lò: Sống Là Phải Biết Chấp Nhận đánh đổi, Bạn Chọn ...
-
The Four Burners Theory - Bạn đã Chọn Tắt đi Lò Lửa Nào? - LinkedIn
-
Lý Thuyết 4 Lò Lửa - Bí Quyết Cân Bằng Cuộc Sống Và Công Việc Cho ...
-
Thuyết Bốn Lò Lửa Chứng Minh Mọi Thứ đều Có Cái Giá Của Nó | The Ant
-
Lý Thuyết Bốn Lò Lửa: Muốn Thành Công Phải Trả Giá Không Hề Rẻ
-
Lý Thuyết 4 Lò Lửa Là Gì? Cách để Cân Bằng Cuộc Sống Và Công Việc ...
-
Học Cách Cân Bằng Cuộc Sống Và Công Việc Bằng Thuyết 4 Lò Lửa
-
6 Bí Quyết Quản Lý Thời Gian Làm Việc Siêu Hiệu Quả - Money 9999
-
Lý Thuyết 4 Bếp Lò: Sống Là Phải... - L's Place - Tuyển Dụng | Facebook
-
Mỗi Giai đoạn đời Người, Bạn Cần Biết Trọng Tâm Nên Nắm Giữ Là Gì
-
Nguyên Lý 4 Bếp Lò: Mặt Trái Của Sự Cân Bằng Công Việc Và ...