Nghiên Cứu Về Cyberbullying - Thực Trạng Bắt Nạt Trực Tuyến

Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) còn được gọi là bạo lực mạng – vấn đề hiện đang gây nhức nhối tại bất cứ quốc gia nào trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Đây là một hình thức quấy rối, bắt nạt thông qua các phương tiện điện tử khiến nạn nhân cảm thấy vô cùng sợ hãi và lo lắng. Bài viết sẽ chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về Cyberbullying và hậu quả của nó.

bắt nạt trực tuyến (bạo lực mạng)
Bắt nạt trực tuyến là tình trạng bạo lực qua mạng thường gặp ở trẻ vị thành niên

Nghiên cứu về Cyberbullying – bắt nạt trực tuyến là gì?

Bắt nạt trực tuyến (bắt nạt qua mạng hoặc bạo lực mạng) hay còn được gọi với tên tiếng Anh là Cyberbullying. Đây là một trong các hình thức gây rối, đe dọa, bắt nạt thông qua các nền tảng xã hội nhằm mục đích làm mất mật, hạ nhục, tra tấn tinh thần. Hình thức bắt nạt này đang ngày càng phát triển và lan rộng gây nên rất nhiều hậu quả nguy hiểm.

Người bắt nạt sẽ sử dụng những lời nói xúc phạm, đăng tải các dòng trạng thái đả kích, khiếm nhã, quấy rối hoặc kêu gọi tẩy chay trên cộng động mạng, thậm chí còn sử dụng các hình ảnh, video biếm họa để chỉ trích, hạ nhục người khác. Theo số liệu thống kê nhận thấy, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cứ 10 em thì có khoảng 3 em là nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến.

Được biết, từ năm 1974, internet đã xuất hiện nhưng mãi cho đến thế kỷ 21 mới thực sự bùng nổ và phát triển cho đến hiện nay. Internet được đầu tư phát triển vượt bậc góp phần tạo ra hàng loạt các nền tảng mạng xã hội nhằm xúc con người gắn kết và dễ dàng kết nối với nhau. Thông qua các trang mạng mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm, giao lưu với bạn bè thế giới mà không lo ngại ngôn ngữ, lãnh thổ, địa lý.

Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc này cũng tiềm ẩn rất nhiều mặt tiêu cực và trong đó phổ biến nhất chính là thực trạng bắt nạt trực tuyến. Dựa vào số liệu thống kê của các cuộc khảo sát thực tế nhận thấy rằng có đến 40% các trường hợp trẻ vị thành niên từ 8 đến 17 tuổi đã và đang là nạn nhân của Cyberbullying.

Ở một cuộc khảo sát được thực hiện trên 899 em học sinh cấp trung học phổ thông tại Nhật Bản được tiến hành vào năm 2015 nhận thấy, có đến 22% học sinh là nạn nhân của Cyberbullying và 7,8% học sinh thừa nhận rằng mình đã từng tham gia vào bạo lực mạng xã hội. Tiếp đó lại có một cuộc nghiên cứu rộng hơn với 2599 học sinh cấp tiểu học ở Kyoto nhận thấy rằng có khoảng 12,5% học sinh gánh chịu các tổn thương của nạn bạo hành mạng và có 10,6% học sinh thừa nhận rằng mình đã từng có những hành vi, lời nói bắt nạt bạn bè thông qua các trang mạng xã hội.

Một điều đáng bất ngờ đó chính là tình trạng bắt nạt trực tuyến còn có sự khác biệt về giới tính. Các chuyên gia nhận thấy rằng tỉ lệ nữ sinh tham gia tệ nạn này lại nhiều hơn so với nam giới đến khoảng 10,9%. Kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2010 trên 9 trường THCS của phường Nagaura (tỉnh Kanagawa) và phường Terado, Tominaga (Kyoto) nhận thấy có đến 8,7% trong tổng số 5357 học sinh có tham gia vào việc bắt nạt trực tuyến đối với người khác, trong đó tỉ lệ nữ sinh chiếm phần đông.

Chia sẻ về vấn đề thực trạng bắt nạt học đường ở Việt Nam, chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo cho biết: “Thực tế, trong quá trình tham vấn và trị liệu tâm lý cho khách hàng, tôi cũng như các đồng nghiệp của mình tại Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam đã gặp nhiều trường hợp cha mẹ đưa các bạn trẻ đến trung tâm trong tình trạng hoang mang, lo sợ, hoảng sợ. Có bạn chia sẻ rằng mình bị bạn thân tung lên mạng những đoạn chat, hình ảnh để hăm dọa, đe dọa khiến bạn học sinh trở nên căng thẳng, stress và mất ngủ triền miên..”.

Nếu xét về cơ bản thì hình thức bắt nạt trực tuyến khác giống với bắt nạt thông thường. Tuy nhiên cũng có một số điểm đáng chú ý như:

  • Nạn nhân bị bắt nạt thường rất khó xác định được đối tượng hoặc nhóm đối tượng bắt nạt mình hoặc không biết rõ nguyên nhân tại sao họ lại có những hành động đó.
  • Nạn nhân có thể gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn so với hình thức bắt nạt thông thường. Cũng bởi các nội dung gây rối, hạ nhục, phỉ báng nạn nhận sẽ rất dễ bị lan truyền và được chia sẻ rộng rãi nhiều nơi.
  • Thậm chí nạn nhân có thể bị quấy rối, tấn công mạng bất cứ khi nào họ tiếp xúc với mạng xã hội hoặc khi kiểm tra tin nhắn, email, cuộc gọi,…

Những dạng cơ bản của thực trạng bạo lực mạng

Trên thực tế, có rất nhiều cách để thực hiện hành vi bạo lực trực tuyến với một người nào đó qua mạng. Trong đó một vài dạng bắt nạt có thể được định hình rõ ràng hơn, bao gồm:

  • Harassment (quấy rối): Đề cập đến các hành động như nhắn tin, gửi các thông điệp thô lỗ, công kích nhằm mục đích xúc phạm, lạm dụng hoặc bạo hành. Viết những bình luận hoặc bức hình gây khó chịu, xấu hổ ở trên mạng xã hội hoặc trong các trò chơi điện tử trực tuyến.
  • Flaming (gây đau khổ): Cố tình sử dụng các ngôn ngữ công kích để tiến hành các cuộc tranh luận ở trên mạng xã hội. Mục đích là thu hút nhiều người vào cuộc tấn công gây đau khổ cho người khác.
  • Denigration (phỉ báng): Gửi các thông tin giả mạo, không đúng sự thật và gây tổn hại cho người khác. Có thể là chia sẻ hình ảnh của người khác với mục đích lan truyền tin xấu và lời thị phi để chế giễu.
  • Impersonation (mạo danh): Tình trạng đột nhập vào các tài khoản email hay mạng xã hội hoặc lập các trang giả mạo người khác để đăng gửi các tin khiêu dâm hoặc tài liệu đáng xấu hổ của người bị bắt nạt.
  • Outing and Trickery (phát tán và lừa đảo): Chia sẻ các thông tin cá nhân hay lừa đảo nhằm lấy các thông tin bí mật của một người để chuyển tiếp cho người khác bao gồm cả hình ảnh, video, đoạn tin nhắn,…
  • Exclusion (cô lập): Hành động cố tình loại bỏ một ai đó ra khỏi nhóm tin nhắn hoặc các nhóm khác trên mạng xã hội, trang mạng chơi game,…
  • Cyber Stalking (bám theo trên mạng): Đề cập đến sự lặp đi lặp lại các hành động như gửi tin nhắn, thông điệp đe dọa, quấy rối để làm tổn thương một người nào đó qua mạng xã hội và các kênh trực tuyến.

Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) – Nguyên nhân do đâu?

Internet ra đời mang lại rất nhiều lợi ích đối với cuộc sống của con người, nó giúp chúng ta dễ dàng kết nối, giao lưu và cập nhật nhiều thông tin bổ ích. Đồng thời sự phát triển vượt bậc của internet còn giúp ích rất nhiều cho công việc, mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền cho rất nhiều người.

Song song với những lợi ích đó thì các nền tảng mạng xã hội ngày nay cũng tiềm ẩn không ít các nguy cơ gây hại. Trong đó, bắt nạt trực tuyến là vấn nạn phổ biến và đáng được quan tâm nhiều nhất. Trong thực tế, bất kì việc gì xảy ra đều sẽ có nguyên nhân cụ thể, Cyberbullying cũng không ngoại lệ.

Nhìn chung, các cuộc bạo lực mạng đều xảy ra bởi những người không rõ danh tính, họ không lo sợ bản thân bị bại lộ nên vô cùng cảm thấy an toàn khi công kích, hạ nhục người khác qua bàn phím máy tính, màn hình điện thoại. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà một người lại dành hàng giờ để đi công kích, chống phá người khác.

nguyên nhân bạo lực mạng
Bắt nạt trực tuyến có thể xuất hiện bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Theo nhận định của các chuyên gia thì thực trạng bắt nạt trực tuyến cho thể xảy ra bởi các nguyên nhân sau đây:

1. Hình thức trả thù gián tiếp

Một số người do các sức ép đến từ cuộc sống đời thường, họ liên tục phải đối diện với những căng thẳng, mệt mỏi, vất vả hoặc bản thân đã từng là nạn nhân của tình trạng bắt nạt làm ảnh hưởng đến tâm lý thì sẽ có nhiều xu hướng muốn trút giận lên người khác. Họ có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để trả đòn đối với những người đã từng bắt nạt hoặc gián tiếp bắt nạt họ. Cũng bởi họ cho rằng cuộc sống của họ đã chịu quá nhiều điều tiêu cực, họ đã quá khổ sở về cả tinh thần lẫn thể xác nên họ muốn người khác cũng phải trải qua những điều giống mình.

2. Do không sợ bị phát hiện

Thông thường, những người thực hiện hành vi bắt nạt trực tuyến sẽ cố tình che giấu danh tính, họ tạo lập nhiều tài khoản ảo để hạn chế nguy cơ bị phát hiện. Đồng thời, các hành vi bạo hành qua mạng rất khó để xác định danh tính thủ phạm bởi các đối tượng xấu không bao giờ sử dụng thông tin chính xác của bản thân.

Do đó, thủ phạm sẽ luôn cảm thấy an toàn bởi bản thân khó có thể bị bại lộ, họ có thể thoải mái thực hiện làm những điều mà bản thân mong muốn, nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Hơn thế, nhiều người còn cảm thấy vô cùng thoải mái khi thấy nạn nhân hoang mang, lo sợ và mãi kiếm tìm hung thủ. Điều này đôi lúc còn khiến họ gia tăng sự hưng phấn, liên tục tăng mức độ nghiêm trọng để thực hiện hành vi hạ nhục danh dự, nhân phẩm của người khác.

3. Bạo lực mạng do khao khát quyền lực

Những đối tượng bắt nạt người khác qua mạng xã hội luôn có suy nghĩ rằng bản thân luôn đúng, họ tự cho mình cái quyền được phán xét, chỉ trích, lăng mạ người khác. Họ cho rằng mình có quyền lực để đánh giá đúng sai hoặc họ cho rằng bản thân của nạn nhân đáng phải gánh chịu những sự tổn thương đó.

Ngoài ra, một số trường hợp khác, người bắt nạt trực tuyến còn mang tâm lý rằng, nếu bản thân không làm thì cũng sẽ có người khác làm như vậy và họ tự cho mình cái quyền ngang nhiên xúc phạm, mắng chửi người khác. Những đối tượng này sẽ cảm thấy vô cùng thỏa mãn và vui sướng khi nắm được điểm yếu của người khác, họ sung sướng khi nhìn thấy người khác giận dữ, đau khổ, tổn thương.

4. Khao khát thể hiện bản thân

Dựa vào số liệu thống kê nhận thấy rằng, phần đông những thủ phạm bắt nạt trực tuyến đều thuộc độ tuổi vị thành niên, những người trẻ tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ luôn có mong muốn được trở thành người trưởng thành, khao khát khẳng định bản thân qua các hành vi bạo hành, ức hiếp người khác. Đặc biệt hơn, khi những hành vi bắt nạt của mình được tung hô, ca ngợi họ sẽ càng trở nên tự mãn hơn. Đồng thời, khi những nạn nhân của Cyberbullying cảm thấy lo sợ, hoang mang thì họ sẽ càng cảm thấy hứng thú, vui sướng.

5. Xem như trò tiêu khiển mạng

Nhiều người thực hiện hành vi khiêu khích người khác nhưng không thể ý thức được những điều sai trái mà mình đang làm sẽ gây tổn thương đến người khác. Họ cho rằng đây chỉ là một trò đùa, một trò chơi vô hại để tìm kiếm những niềm vui trong cuộc sống của mình. Có thể do cuộc sống của họ quá tẻ nhạt, vô vị và không nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của những người xung quanh nên họ có xu hướng mắng chửi người khác và xem đó là một “thành công” của riêng mình.

bắt nạt trực tuyến
Cyberbullying được nhiều bạn trẻ xem như một thú vui giải trí trong cuộc sống

6. Bạo lực mạng do thù ghét, ganh tỵ

Các hành vi bắt nạt trực tuyến đôi lúc xuất phát từ cảm giác ganh ghét, đố kỵ với những điều mà người khác có được. Họ thường nhắm vào các đối tượng có sắc đẹp, tiền bạc, địa vị cao nhằm hạ nhục, đạp đổ họ. Thông thường là đe dọa tung các đoạn tin nhắn, ảnh nóng hoặc uy hiếp tống tiền.

Làm thế nào để phát hiện bắt nạt trực tuyến?

Các nạn nhân của Cyberbullying thường trong cảm giác lo sợ, hoang mang và bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ lại có xu hướng muốn che giấu, không muốn chia sẻ với những người xung quanh vì họ cảm thấy vô cùng xấu hổ, lo sợ bị mọi người kì thị, xa lánh. Hoặc các trẻ vị thành niên còn cảm thấy lo sợ khi để phụ huynh phát hiện sẽ bị tịch thu quyền sử dụng máy tính, điện thoại hoặc các thiết bị mạng xã hội.

Một số dấu hiệu để bạn nhận biết nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến như:

  • Luôn có cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng khi sử dụng mạng xã hội hoặc cảm giác này sẽ kéo dài sau đó.
  • Tức giận, khó chịu hoặc hoảng loạn, mất kiểm soát sau khi nhìn thấy các nội dung đe dọa, hạ nhục, chửi bới trên mạng.
  • Có xu hướng né tránh, không muốn tụ tập với bạn bè, gia đình.
  • Thay đổi tâm trạng bất thường, khó kiểm soát suy nghĩ của bản thân.
  • Mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, thay đổi thói quen ăn uống.
  • Có cảm giác lo lắng, bất an, kích động khi có thông báo tin nhắn, email mới.
  • Có nhiều xu hướng không muốn tiếp tục sử dụng điện thoại, máy tính hoặc liên tục theo dõi các nền tảng xã hội để biết được các tin tức công kích, xúc phạm bản thân.
  • Né tránh các cuộc thảo luận có liên quan đến mạng xã hội.
  • Các cảm xúc tiêu cực liên tục xuất hiện khiến cho nạn nhân cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt sức lực, stress, trầm cảm.

Nghiên cứu về hậu quả của Cyberbullying (bắt nạt trực tuyến)

Bắt nạt trực tuyến tuy là vấn đề xuất hiện từ khá lâu nhưng cho đến hiện nay nó vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt là các đối tượng trẻ vị thanh niên, người trẻ tuổi lại càng có xu hướng xem đây là một “trò chơi” thú vị, một cách thể hiện bản thân, nhiều trường hợp còn lập nhóm để gia tăng quy mô bạo hành mạng.

Bên cạnh đó, những nạn nhân của Cyberbullying lại có xu hướng muốn che giấu, gánh chịu một mình nên tệ nạn này lại khó có thể khắc phục. Trong thực tế, những tác động của nạn bắt nạt trực tuyến là vô cùng lớn, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và còn gây nên nhiều cản trở đối với cuộc sống và các sinh hoạt hàng ngày của nạn nhân.

Vào năm 2012, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc nghiên cứu Sức khỏe trẻ em – Kidshealth cho thấy rằng sức khỏe tinh thần của những nạn nhân Cyberbullying bị tác động vô cùng nặng nề. Nạn nhân phải gánh chịu sự đàn áp, phủ nhận của một nhóm người trong thời gian kéo dài. Kèm theo đó họ sẽ cảm thấy cô đơn, buồn bã, bị tách biệt khỏi xã hội và bị lên án một cách thậm tệ.

Trong quá trình trị liệu cho các khách hàng gặp bất ổn tâm lý từ bạo lực học đường, bắt nạt trực tuyến, chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo cũng nhận thấy rằng bắt nạt có thể gây ra ám ảnh tâm lý nghiêm trọng cho các bạn trẻ. Điều này khiến các bạn sợ đi học, sợ ra ngoài giao tiếp với bạn bè, hàng xóm và các mối quan hệ xã hội khác làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Hơn nữa, nó còn là dấu ấn tâm lý ảnh hưởng không nhỏ đến sự trưởng thành và thành công của trẻ trong tương lai. Bắt nạt khiến trẻ mất đi sự tự tin, mất đi động lực và hình thành nên những niềm tin không tích cực như mình không đủ giỏi, mình là kẻ xui xẻo… Những ảnh hưởng tâm lý này cản trở sự phát huy tài năng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ ở cả hiện tại và tương lai.

nghiên cứu hậu quả của cyberbullying
Hậu quả của cyberbullying là nạn nhân có thể bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng

Một số hậu quả thường gặp của tình trạng bắt nạt trực tuyến như:

  • Các vấn đề về cảm xúc: Một trong những tác hại to lớn mà nạn bắt nạt trực tuyến có thể gây ra đó chính là sự thiếu hụt về mặt cảm xúc. Nạn nhân sẽ không có được cảm giác an toàn, luôn cảm thấy bản thân bị dò xét, theo dõi. Thậm chí nhiều người còn rơi vào trạng thái hoảng sợ, lo lắng quá mức. Chỉ cần một tiếng báo tin nhắn, thông báo email, cuộc gọi mới cũng khiến họ bị kích động, lo sợ.
  • Rối loạn liên quan đến stress: Những người là nạn nhân của Cyberbullying sẽ luôn cảm thấy bất an, suy sụp, chán nản. Nhưng đối tượng này dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, phiền muộn, lạc lõng, trầm cảm vì họ cảm thấy tất cả mọi người đã chống đối lại mình, cuộc sống xung quanh như không còn chút hi vọng nào. Nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến sẽ có nhiều nguy cơ bị stress nặng, trầm cảm, rối loạn lo âu kèm theo các triệu chứng căng thẳng thần kinh như mất ngủ, đau đầu, chóng mặt,…
  • Gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống: Những thông tin bôi nhọ, sỉ nhục, lăng mạ trên các trang mạng xã hội rất dễ lan rộng và làm ảnh hưởng đến đời sống bình thường của nạn nhân. Họ có thể đứng trước nguy cơ bị thôi học, cho nghỉ việc hoặc gặp phải nhiều khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ.
  • Tự tử: Khi phải liên tục gánh chịu và đối mặt với vô vàn các sức ép từ mạng xã hội, nạn nhân sẽ dễ hình thành các suy nghĩ tiêu cực, nguy cơ thực hiện hành vi tự sát càng tăng cao. Nhiều trường hợp để chứng minh sự trong sạch, minh bạch của mình nên họ quyết định tìm đến cái chết để chấm dứt mọi sự bàn tán. Theo số liệu thống kê nhận thấy, những người bị bắt nạt trên mạng xã hội sẽ có xu hướng nghĩ đến cái chết gấp 2 đến 9 lần so với người bình thường.

Nếu cha mẹ nhận ra con có những bất ổn tâm lý mà trẻ không thể chia sẻ cho ba mẹ hoặc cha mẹ không thể hỗ trợ trẻ, cha mẹ hãy đưa trẻ đến trung tâm tâm lý trị liệu uy tín để con được hỗ trợ tốt nhất.

Chuyên gia tâm lý trị liệu Ông Thục Bảo cho biết: “Các chuyên gia tâm lý trị liệu sẽ giúp các bạn trẻ ổn định tâm lý, gỡ bỏ suy nghĩ, niềm tin mình là nạn nhân bị bắt nạt và xây dựng lại niềm tin nội tại ở chính bạn trẻ. Điều này giúp các bạn trẻ biết cách ứng xử như thế nào phù hợp và bảo vệ chính mình”.

Cách ngăn chặn bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying)

Nhiều người thường lầm tưởng rằng bắt nạt trực tuyến chỉ là hình thức ảo và không gây quá nhiều ảnh hưởng đến các nạn nhân. Tuy nhiên, như đã chia sẻ, hình thức này gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm, nghiêm trọng nhất là đe dọa cả tính mạng. Hơn thế, nạn nhân của Cyberbullying thường không muốn chia sẻ về vấn đề mà bản thân đang đối mặt nên việc ngăn chặn và khắc phục đôi lúc gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, tự mình đối mặt và chịu đựng vấn đề này không phải là điều dễ dàng. Do đó, nếu đang rơi vào tình trạng này thì bạn có thể thử tham khảo và áp dụng các biện pháp hữu hiệu sau đây:

1. Chia sẻ với gia đình và nhà trường

Việc đầu tiên cần phải thực hiện khi nhận thấy bản thân đang trở thành nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến đó chính là thông báo cho gia đình và nhà trường. Nếu bạn đang ở độ tuổi vị thành niên và chưa có nhiều kinh nghiệm về cuộc sống thì đây có lẽ là giải pháp hữu hiệu và an toàn nhất.

Cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần tốt nhất để bạn có thể mạnh mẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Đồng thời, người lớn sẽ có nhiều kinh nghiệm, đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp bạn trở nên tốt hơn, xử lý tốt mọi tình huống đe dọa, uy hiếp, hạ nhục của người khác.

cách ngăn chặn bắt nạt trực tuyến
Trẻ em bị bắt nạt trực tuyến nên chia sẻ, thông báo với cha mẹ, người thân

Lúc này cha mẹ nên thoải mái và nhẹ nhàng hỗ trợ con, có thể kể cho con nghe những trải nghiệm tương tự của mình thời thơ ấu để con hiểu được rằng mình không hề cô đơn. Hãy cho con hiểu rằng đây không phải hoàn toàn là lỗi của con và đưa ra những lời động viên để con trở nên bình tĩnh và ổn định hơn.

Đồng thời, phụ huynh cũng cần tìm gặp giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường để thông báo về tình huống này. Trường học chính là môi trường sinh hoạt chủ yếu của trẻ nhỏ, tại đây cũng sẽ có nhiều phương thức giúp trẻ đối phó tốt với Cyberbullying.

Đồng thời các bậc phụ huynh cũng nên khuyến khích con không được phản ứng thái quá với những hành vi, nội dung đe dọa trực tuyến. Điều này không thể giúp cho vấn đề được giải quyết tốt mà đôi khi còn làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ. Các tốt nhất là hãy lưu giữ lại bằng chứng để dễ dàng tìm ra manh mối và hung thủ, giải quyết tốt nguồn gốc vấn đề.

2. Báo cáo nội dung xấu, chặn tài khoản

Trong trường hợp không biết cụ thể về đối tượng bắt nạt trực tuyến thì tốt nhất bạn hãy chặn tài khoản của đối tượng này, đồng thời báo cáo xấu về nội dung mà họ đăng tải. Hiện nay, trên hầu hết mọi thiết bị, trang mạng xã hội đều có tính năng bảo mật thông tin, chặn làm phiền, hạn chế lượt tương tác cùng các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ môi trường mạng lành mạnh, văn minh.

Đối với các bài viết có nội dung xúc phạm, vu khống, sỉ nhục, đe dọa danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ được yêu cầu chỉnh sửa hoặc xóa vĩnh viễn sau khi bị báo cáo. Đồng thời, để tránh bị lạm dụng bởi các đối tượng xấu bạn cũng nên điều chỉnh quyền riêng tư, nâng cao tính bảo mật của các trang mạng cá nhân đang sử dụng.

3. Hạn chế tiếp cận công nghệ, mạng xã hội

Đối với xã hội hiện nay thì việc hạn chế tiếp xúc với mạng xã hội có thể là điều vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến lại không thể cưỡng lại được sự tò mò và cám dỗ mà liên tục truy cập vào các trang mạng để xem các thông tin, bài đăng bàn tán về mình. Tuy nhiên, điều này lại càng khiến họ trở nên lo lắng, bất an nhiều hơn.

ngăn chặn bắt nạt trực tuyến
Hạn chế tiếp cận với mạng xã hội là cách tốt nhất để ngăn chặn các tổn thương do cyberbullying

Chính vì thế, cách tốt nhất đó chính là hạn chế thời gian tiếp xúc với mạng xã hội, tự đặt ra quy định về việc nhắn tin, lướt web. Hiện nay, các trang mạng thông tin cùng những chiếc điện thoại hiện đại đã có nhiều tính năng giúp kiểm soát và hạn chế việc truy cập internet nên bạn có thể áp dụng nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của nạn Cyberbullying.

4. Trình báo cơ quan chức năng để ngăn chặn hậu quả của Cyberbullying

Đối với một số trường hợp thủ phạm có các hành vi, lời nói xúc phạm nghiêm trọng hoặc vu khống làm ảnh hưởng đến danh dự, công việc, thiệt hại tài sản thì bạn hoàn toàn có thể trình báo lên cơ quan chức năng để được điều tra và xử lý nghiêm. Trước khi tố cáo bạn cần thu thập đầy đủ bằng chứng của kẻ bắt nạt trực tuyến, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về đối tượng đó.

Trình báo với cơ quan chức năng là một trong những cách an toàn giúp bạn tự bảo vệ được chính mình và ngăn chặn được các hành vi đe dọa, uy hiếp của những đối tượng xấu. Ngay khi nhận thấy các hành vi hoặc đoạn tin nhắn, thông tin sai lệch, xúc phạm, hạ nhục bản thân được đăng tải trên trang mạng xã hội bạn cần thông báo với cơ quan chức năng để được can thiệp và xử lý kịp thời.

Bắt nạt trực tuyến nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực tâm lý, đời sống hàng ngày của nạn nhân. Vì thế, trước khi sử dụng mạng xã hội bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hạn chế tối đa các phiền toái có thể xảy ra. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về Cyberbullying và biết các ngăn chặn hiệu quả.

Tham khảo thêm:

  • Trầm Cảm Nơi Công Sở: Thực Trạng Đáng Báo Động Và Phòng Tránh
  • Rối Loạn Lo Âu Ám Ảnh Sợ Hãi: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Điều Trị
  • Sợ Giao Tiếp Xã Hội: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục

Từ khóa » Hình ảnh Về Cyberbullying