Người Nổi Tiếng Và Vấn Nạn Cyberbullying - The Influencer

1, Cyberbullying là gì?

Theo định nghĩa của UNICEF, cyberbullying, hay bắt nạt qua mạng, là hành vi sử dụng công nghệ (tin nhắn, internet, mạng xã hội, các thiết bị điện tử…) để làm tổn hại và quấy rầy người khác một cách hung hăng và có chủ đích. Những hành vi này được lặp đi lặp lại không ngừng, nhằm mục đích dọa nạt, kích thích hoặc dè bỉu, làm nhục “con mồi” được nhắm đến.

Hành vi cyberbullying có thể được thực hiện ở rất nhiều dạng, như tung tin đồn thất thiệt, đăng ảnh nhạy cảm của ai đó lên các trang mạng xã hội, gây tổn thương đến danh tính, uy tín của người bị hại; gửi lời đe dọa hay những tin nhắn đầy thù hận qua tin nhắn, email hoặc các thiết bị lan truyền thông tin khác; hay giả mạo danh tính nạn nhân để gửi những tin nhắn xấu xa, không đúng sự thật cho người khác.

Quill Cloud

Cyberbullying có thể gây ra những tổn thương không đo đếm được cho những người bị chọn làm “con mồi”. Nguồn: Pinterest.

2, Mạng xã hội đang tiếp tay cho những “từ ngữ giết người”?

Về bản chất, những hành vi bắt nạt qua mạng nêu trên không khác gì so với những hành vi bắt nạt thông thường. Tuy nhiên, những nạn nhân của cyberbullying thường khó, hoặc không thể biết được danh tính của những kẻ đang bắt nạt mình, hay lý do vì sao những kẻ ấy lại nhắm vào họ, biến họ thành nạn nhân của những lời lăng mạ, mạt sát. Ngoài ra, những hành vi cyberbullying có thể gây ra những tổn thương trên diện rộng, với sức ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn rất nhiều, bởi những hình ảnh, thông tin dùng để bắt nạt nạn nhân dễ dàng bị lan truyền với tốc độ chóng mặt chỉ với một nút “share”. Không cần phải duy trì một khoảng cách vật lý với nạn nhân như hành vi bắt nạt thông thường, những người thực hiện cyberbullying chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại có kết nối mạng, vậy là họ có thể quấy rối “con mồi” dù ở bất cứ nơi đâu.

Quill Cloud

Dù không cố ý, nhưng sự bùng nổ của thời đại mạng xã hội đã vô tình “tiếp tay” cho những hành vi bắt nạt qua mạng, cùng tốc độ lan truyền chóng mặt của hành vi ấy. Chỉ cần tin đồn về đời tư của một ngôi sao xuất hiện trên mạng, hàng loạt các trang thông tin, trang Facebook cá nhân sẽ đồng loạt bình luận, chia sẻ, phân tích... về tin tức đó. Trong vài giờ, hoặc thậm chí là vài ngày, vài tuần, những thông tin tiêu cực này sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh bản tin của mỗi người dùng Facebook.

Quill Cloud

Người dùng Facebook không nhận thức được về “quyền năng” của nút like, share, comment mà họ đang sử dụng để lan truyền sự tiêu cực. Nguồn: Huffington post.

Chỉ cần một đoạn clip “lộ hàng”, quay lén trong nhà nghệ sĩ bị tung lên, cư dân mạng sẽ tha hồ share để luận bàn, để “cập nhật tin tức”; sẽ comment để “xin link”, tag bạn bè vào “hóng cùng”, hay cảm thán. Một comment có thể trở nên viral với hàng trăm, hàng nghìn lượt react và reply. Cứ như vậy, Facebook, hay các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, TikTok, Youtube... đều có nguy cơ trở thành “hiện trường” của những vụ bắt nạt qua mạng.

3, Vì sao lại cyberbully người nổi tiếng?

Thời gian trước, diễn viên Đỗ Khánh Vân bị chỉ trích bởi thái độ “tiểu thư” khi tham gia chương trình thực tế Sao Nhập Ngũ. Sau đó, Khánh Vân đã lên tiếng giải thích và xin lỗi người hâm mộ vì những tin tức lùm xùm xung quanh mình. Tuy nhiên, một bộ phận cư dân mạng vẫn liên tục tấn công các trang mạng xã hội, gửi tin nhắn đe dọa, chỉ trích, bịa chuyện về quá khứ của Khánh Vân, thậm chí còn bôi nhọ gia đình của cô. Những hành vi này đã gây không ít tổn thương đến Khánh Vân. Thời điểm đó, Khánh Vân đã quyết định khóa bình luận các trang mạng xã hội để tránh việc gia đình mình đọc phải những bình luận ác ý.

Quill Cloud

Vào thời điểm tai tiếng nổ ra, Đỗ Khánh Vân phải đối diện với một làn sóng soi mói, chỉ trích, miệt thì khổng lồ đến từ cộng đồng mạng. Gia đình của nữ diễn viên cũng bị đem ra để mổ xẻ, bàn tán, bình luận ác ý.

Một trường hợp khác cách đây 2 năm, khi ca sĩ Văn Mai Hương bị kẻ xấu hack camera và chia sẻ clip nhạy cảm. Phần lớn fan hâm mộ đã cố gắng kêu gọi xóa clip, report clip, lên án các hành vi chia sẻ, lan truyền đoạn clip này trên các trang tin và trang mạng xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận người dùng mạng vẫn tiếp tục hành vi phát tán video và hướng những bình luận mang tính body shaming về phía nữ ca sĩ.

Quill Cloud

Văn Mai Hương đã từng là nạn nhân của cyberbullying. Sự việc này đã gây tổn thương tâm lý không hề nhỏ tới nữ ca sĩ.

Nghệ sĩ, thần tượng, người ảnh hưởng - hay người nổi tiếng nói chung - đều là những đối tượng được công chúng quan tâm. Khi gõ từ khóa “Irene Scandal”, Google trả lại gần 14 triệu kết quả. Kết quả tìm kiếm trên Google về cặp đôi Đạt G - Du Uyên cũng cho ra 12.5 triệu kết quả. Điều này chứng tỏ, những tin tức về đời tư của sao, đặc biệt là những tin tức “giật gân”, “thời sự”, luôn nhận được sự quan tâm nhiệt tình của báo giới và cộng đồng mạng. Nhất cử nhất động của họ bị đặt dưới hàng ngàn ống kính, hàng triệu cặp mắt quan sát, soi xét, đánh giá. Những chuyển động xung quanh cuộc sống của họ được xem là một loại thông tin để đem ra mổ xẻ, bàn tán, lan truyền. Không chỉ những ngôi sao nổi tiếng, những nghệ sĩ hạng A mới phải chịu đựng việc bị cyberbully. Ngay cả những micro influencer cũng có thể phải đi qua những trải nghiệm tương tự.

Quill Cloud

Khi chúng ta không có ấn tượng tốt với một người bạn trong lớp, một người đồng nghiệp trong công ty, chúng ta có xu hướng chia sẻ cảm nhận với một nhóm nhỏ bạn bè thân thiết. Nhưng với các ngôi sao nổi tiếng, cộng đồng những người không thích họ (hay còn gọi là antifan) có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người. Khi cộng đồng ấy cảm thấy một ngôi sao không xứng đáng nhận được ánh hào quang và những gì họ đang sở hữu nhờ sự nổi tiếng, hay chỉ đơn giản là “không vừa mắt”, một bộ phận sẵn sàng dùng những lời lẽ cay nghiệt, xúc phạm nhất để hạ thấp uy tín, danh dự của đối tượng. Một số người, thậm chí chỉ nói cho “sướng miệng”, để hùa vào với đám đông.

4, Antifan đang tự do ngôn luận hay bắt nạt qua mạng với các ngôi sao?

Trước tiên, hãy cùng nhìn lại định nghĩa về tự do ngôn luận:

“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”

Chiếu theo định nghĩa này, rõ ràng, ai cũng có quyền được nêu ý kiến. Tommy Chan, giảng viên tại Đại học Northumbria (Anh) từng bày tỏ quan điểm rằng Internet nên là nơi cho phép mọi người được tự do thể hiện tiếng nói, đưa ra ý kiến của mình. Tức là, người hâm mộ được tự do tỏ bày tình cảm, sự ủng hộ của họ với thần tượng. Còn những người không thích, họ cũng có quyền được nói lên quan điểm cá nhân về tài năng, hành vi, ứng xử, ngôn từ… của một ngôi sao nào đó.

Như vậy, đối với antifan mà nói, tự do ngôn luận hay bắt nạt qua mạng đều hướng đến những đối tượng mà họ không thích. Tuy nhiên, tự do ngôn luận xảy ra khi họ bình luận, thảo luận, đánh giá một sự việc liên quan đến một người nổi tiếng nào đó, nhưng không nhằm mục đích bôi nhọ hay làm xấu đối tượng đó.

Ngược lại, bắt nạt qua mạng xảy ra khi hành động, lời nói của họ chủ đích nhắm đến việc làm tổn hại uy tín, danh dự, sát thương một ngôi sao mà họ không có thiện cảm. Họ liên tục dùng lời lẽ tục tĩu, thậm chí là chửi rủa, để tấn công đối tượng trên nhiều trang mạng xã hội, tuyên truyền những tin đồn chưa được xác thực, hay tung ra những hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của người nổi tiếng.

Quill Cloud

5, Di chứng mà cyberbullying để lại với người nổi tiếng

Cyberbullying có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng. Nhiều người đã gặp các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, tự làm tổn thương (self-harm), hay thậm chí là tự tử. Nạn nhân sẽ trải qua cảm giác tự ti và tổn thương nặng nề. Những cảm xúc tiêu cực - như sợ hãi, buồn bã, tức giận - sẽ xuất hiện khi họ bị một cộng đồng phỉ nhổ, tẩy chay, bắt nạt. Toshiyuki Niino, một người nổi tiếng tham gia chương trình thực tế Terrace House - và cũng là một nạn nhân của cyberbullying, đã từng nói: "Tôi ngạc nhiên khi nhiều người đánh giá xấu về tôi chỉ vì hành động trong chương trình. Có nhiều người ủng hộ tôi ngoài đời, và những người bức xúc chỉ chiếm phần nhỏ. Tuy nhiên nếu không thể nghĩ theo hướng tích cực như tôi, bạn sẽ cho rằng mọi người trên thế gian này đều ghét bạn"Quill CloudMột số ngôi sao đã chọn lối giải thoát bằng việc tạm dừng các hoạt động nghệ thuật, lui về ở ẩn, rời xa những thị phi, xô bồ trên mạng xã hội, ngừng góp mặt vào các hoạt động cộng đồng - cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Đọc thêm: Influencer có nên im lặng trước cơn bão scandal?

6, Môi trường mạng xã hội hiện nay có còn “healthy and balance”?

Dường như mạng xã hội có một phép thần thông nào đó khiến chúng ta dễ dàng bộc lộ một “nhân cách thứ hai” khi trở thành một công dân trong xã hội ảo này. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một hiệu ứng với tên gọi “online disinhibition effect” (hiệu ứng giải ức chế trên mạng). Một chuyên gia giáo dục trong môi trường mạng cũng từng giải thích rằng: “Môi trường mạng không cho chúng ta trải nghiệm xã hội như môi trường vật lý. Trên mạng, chúng ta không nhìn thấy cơ thể, mặt mũi, biểu cảm của nhau, nên chúng ta khó thấu cảm và nhân từ với nhau”.

Quill Cloud

Những sự việc đáng tiếc xảy ra với các ngôi sao đã làm dấy lên những tranh luận về việc phải có những giải pháp thức thời để giải quyết hậu quả của những hành vi cyberbullying. Đây cũng là chủ đề mà chính phủ nhiều nước quan tâm và thảo luận. Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một giải pháp, rằng những nạn nhân của cyberbullying có thể liên hệ với nhà mạng hoặc công ty điều hành website để truy xuất IP cũng như danh tính của kẻ đã bôi nhọ danh tiếng của họ. Tuy nhiên, để làm được điều này, họ phải nộp rất nhiều đơn kiện, phải chờ đợi trong một khoảng thời gian dài (từ nửa năm đến một năm) và phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ (khoảng 9300 đô la Mỹ). Một cái giá và một sự chờ đợi không mấy dễ chịu để tìm lại công lý cho bản thân.

Tại nhiều nơi, các quy định về phát ngôn trên mạng đã vấp phải hoài nghi do xâm phạm vào những yếu tố thuộc về tự do ngôn luận. Nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng giải pháp hiệu quả, thiết thực hơn là giáo dục cộng đồng về cách sử dụng Internet và mạng xã hội đúng đắn, để “xã hội ảo” thực sự trở thành một điểm chạm đầy văn minh của những thông tin chính thống, tích cực, đáng tin cậy. Mạng xã hội không nên là vũ khí để tấn công người khác, mà nên là công cụ để thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn, để cyberbullying không còn cái giá các ngôi sao phải trả cho sự nổi tiếng.

Từ khóa » Hình ảnh Về Cyberbullying