Nguyễn Thuyên Và Văn Học Nôm - VnExpress Giải Trí
Hà Quảng -
1. Chặng đường phát triển chữ Nôm:
Chứng tích xưa nhất và xác thực của chữ Nôm hiện nay biết được là tấm bia ở chùa Báo Ân (Yên Lãng, Vĩnh Phúc) có niên đại 1209, đời Lý Cao Tông. Có người cho là còn sớm hơn nữa, vì ngay từ thời Phùng Hưng (thế kỷ 8) đã có các từ Nôm "bố", "cái" trong danh xưng "Bố Cái Đại Vương". Cũng không ít người cho rằng, từ thế kỷ 1 trước Công Nguyên, khi xâm lược Nam Việt, phong kiến Trung Hoa đã dùng thứ chữ viết lấy nguyên liệu từ chữ Hán nhưng phát âm theo bản địa để truyền đạt các luật lệ, chính sách cai trị (Nguyễn Nguyên - Tìm hiểu lịch sử Việt cổ: Bố cái đại vương và chữ Nôm). Cũng theo nhà nghiên cứu này thì gọi là chữ "Nôm" tức là đọc chệch chữ "Nam" mà thành, thực ra "Nôm" là "Nam" chỉ dân Nam Việt xưa (!?).
Thực tế những phát hiện lẻ tẻ về dấu vết của loại văn tự này không chỉ tập trung vào một nơi hay một thời kỳ nhất định, những con chữ Nôm đầu tiên xuất hiện lác đác trong những văn bản chữ Hán xa xưa. Vì vậy chỉ có thể khẳng định rằng chữ Nôm đã góp mặt tương đối sớm, nhưng lẻ tẻ sơ lược, sau mới hoàn thiện dần. Và căn cứ những tài liệu cổ xưa còn lại có thể ức đoán là những nhà sư - nho sĩ đầu tiên tạo ra chữ viết Nôm, họ dựa vào cách sử dụng những con chữ vuông của người Hán để làm nguyên liệu. Tiếng Việt của các cư dân bản địa cũng có những đặc điểm giống như tiếng Hán, đó đều là những ngôn ngữ đơn lập âm tiết, bởi vậy người Việt sử dụng chính chữ Hán gần âm để ghi âm Việt tạo ra chữ Nôm.
Thời gian trôi đi, chữ Nôm dần dần có mặt trong hầu hết sinh hoạt người Việt. Từ những tập quán đời sống đến những kinh nghiệm trong lao động để lại, từ những làn điệu dân ca, những câu ca dao dân gian cho đến những sáng tác của những nho sĩ đều ghi lại bằng văn bản Nôm. Các văn bản Nôm cứ thế xuất hiện liên tục trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cư dân Việt bên cạnh việc ghi nhận những chính sách của Nhà nước bằng văn bản chữ Hán thì đã làm quen với những tác phẩm văn học Nôm, những tác phẩm nầy rất gần với cuộc sống thường ngày của họ.
Thế kỷ 13 được coi là cái mốc phát triển của nền văn hoá Việt và cũng là mốc phát triển của riêng chữ Nôm. Lúc này, những tác phẩm thơ và văn Nôm đã đi vào cuộc sống của những cư dân nơi này khá phong phú. Sự hoàn thiện tương đối của chữ Nôm đã cho phép đáp ứng hầu như tất cả những nhu cầu từ ghi chép cho tới sáng tác của các tác giả người Việt. Những tác phẩm được sáng tác bằng chữ Nôm hay chuyển thể từ Hán qua Nôm trên nhiều phương diện khác nhau đã liên tục ra đời. Từ thế kỷ 13, ngoài hệ thống chữ Hán, chữ Nôm đã được xem như một thứ chữ riêng phổ biến của người Việt bản địa.
Nói về quá trình hình thành và phát triển chữ Nôm, xin dẫn ra đây ý kiến nhà ngôn ngữ học có uy tín Nguyễn Tài Cẩn để bạn đọc tham khảo:
"... Cuối thế kỷ X chữ Nôm được dần hình thành, thế kỷ XI, XII nó tiếp tục phát triển tự hoàn chỉnh, cuối thế kỷ XIII cơ bản được hoàn chế thực sự. Nhưng những văn phẩm còn lại hiện nay rất hiếm hoi: bia chữ nôm Tam Nông,Yên Lãng (Phú Thọ) bia Thanh Sơn (Ninh Bình), bài viết trên chuông chùa Pháp Vân, Đồ Sơn... Các sáng tác khác nếu phải đợi đến Quốc Âm thi tập cuả Nguyễn Trãi vào giữa thế kỷ thứ 15 để có một bằng chứng văn nôm già dặn thì cũng có rất nhiều câu chuyện được lưu truyền về việc dùng chữ Nôm để sáng tác như phú Hàn Thuyên, thơ Nôm Phi sa tập, thơ Nôm Nguyễn Sĩ Cố, Quốc ngữ thi tập của Chu Văn An... nhưng nay văn bản đều không còn...
...Sự xuất hiện của chữ Nôm đáng được coi như là một cái mốc trên con đường tiến lên của lịch sử và gia tài văn bản chữ Nôm đáng được coi như là một gia tài văn hóa quý của dân tộc".
(Nguyễn Tài Cẩn - N.V. Stankêvich: Chữ Nôm một thành tựu của thời đại Lý -Trần, Viện Văn học, Hà Nội 1984, tr 476, 516)
Trên những chặng đường phát triển chữ Nôm, nhiều nhân vật có công lớn mà lịch sử cho ta biết:
Hồ Quý Ly, cuộc đời tuy có nhiều uẩn khúc nhưng đã có những công lao đáng kể trong lĩnh vực chữ Nôm. Bên cạnh những sáng tác thơ Nôm, trên phương diện là một nhà Nho xuất sắc, Hồ Quý Ly đã dịch rất nhiều tác phẩm Nho học từ chữ Hán qua chữ Nôm. Dưới triều nhà Hồ đã có lúc chữ Nôm được lấy làm văn tự chính thức trong các văn bản của triều đình. Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà Nho có đóng góp lớn lao cho Nho giáo Việt Nam, ông còn là người sáng tác nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm mà Quốc Âm thi tập là tác phẩm tiêu biểu thể hiện "sự già dặn" của văn Nôm. Một vị vua được nhắc nhiều đến trong việc phát triển nền văn học chữ Nôm là vua Lê Thánh Tông, đứng đầu hội Tao đàn Nhị thập bát tú gồm 28 ngôi sao trong làng trí thức nước Việt. Tuy nhiên, chữ Nôm lúc này trên thực tế vẫn chỉ được sử dụng như một phương tiện để sáng tác văn chương, hoặc để ghi chép lại những sự kiện hàng ngày và ở trong phạm vi hoạt động dân gian chứ chưa có vai trò trong những văn bản của chính quyền.
Phải đến thời kỳ Hoàng đế Quang Trung, khi dân tộc Việt thoát khỏi nạn ngoại xâm, đi đến nền độc lập.Với tinh thần tự chủ mạnh mẽ, nhãn quan văn hóa cao rộng, trong thời kỳ trị vì đất nước, bên cạnh việc phát triển kho tàng văn hoá dân tộc, Quang Trung còn cho đưa chữ Nôm vào nhà trường. Khoa thi Hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Ngoài việc cho sử dụng hệ thống chữ Nôm trong các văn bản hành chính, kể cả chiếu, biểu của hoàng đế, còn lập Sùng Chính viện do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đứng đầu, tổ chức dịch các sách vở kinh điển từ chữ Hán sang chữ Nôm để phổ biến trong xã hội.
Từ thế kỷ 13 trở đi, trải qua các triều đại nhờ có chữ Nôm mà nguồn thơ văn viết trực tiếp bằng tiếng Việt đã phát triển, văn hóa chữ Nôm nhìn chung ngày càng rực rỡ. Từ thời Trần có Trần Nhân Tông với Cư trần lạc đạo phú, Mạc Đĩnh Chi với Giáo tử phú, Huyền Quang với Vịnh Hoa Yên tử phú... Sau này đến thời Lê thì mảng thơ Nôm đã trở thành phổ biến trong sáng tác, sinh hoạt của các thi sĩ đương thời. Nguyễn Trãi có Quốc âm thi tập, còn Lê Thánh Tông có Hồng Đức quốc âm thi tập. Rồi các tác phẩm dài hơi Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương... Đến thời Nguyễn, thơ văn bằng chữ Nôm lại có nhiều thành tựu lớn: thơ Nôm Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, và đặc biệt là truyện thơ Nôm lừng danh Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du...
Đó là chưa kể có nhiều tác phẩm thất lạc hoặc tam sao thất bản. Như chúng ta từ lâu đã biết nhiều đến những áng văn nôm tuyệt bích của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, nhưng mãi đến 1924 mới tìm thấy trong gia phả họ Hoàng (Đức Thọ) và sau đó với sự công bố của GS Hoàng Xuân Hãn trong Thi Văn Việt Nam (NXB Sông Nhị, Hà Nội 1951) thì chúng ta mới biết thêm những bài thơ Nôm của Nguyễn Biểu, một anh hùng đất Hồng Lam từng lưu danh qua Nghĩa sĩ truyện của Hoàng Trừng và cũng là người có những vần thơ nôm tuyệt vời từ đầu thế kỷ XV khi ông cùng Trần Trùng Quang xướng họa, đặc biệt là bài viết khi đi sứ Vịnh ăn cỗ đầu người. Những bài thơ nôm này GS Hoàng Xuân Hãn cho là "rất quý cho văn VN, vì là văn hay mà lại vào bậc cổ nhất trong những bài còn lại" về sau đã được đưa vào sách giáo khoa nhiều thế hệ.
2. Nguyễn Thuyên và Văn học Nôm.
Trên chặng đường phát triển văn Nôm một cái tên được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến là Hàn Thuyên. Ông vốn họ Nguyễn, người Thanh Lâm (nay là phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương), đậu Thái học sinh, làm quan đời vua Trần Thái Tôn, không rõ năm sinh và năm mất. Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam văn học sử yếu, cho rằng: "Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên ông có thể coi là ông tổ của văn nôm". Sách Từ điển nhân vật lịch sử VN (Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thể) cho rằng: "Ông là sĩ phu đầu tiên đem chữ Nôm dùng vào văn học" (trang 653).
Phi sa giản tập là tập thơ được nhiều người khen ngợi. Phi sa giản tập viết về làng cảnh, thiên nhiên, đa phần là thơ cách luật. Thơ nôm theo kiểu Đường luật từ Nguyễn Thuyên, về sau được nhiều người hưởng ứng làm theo như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly... Và vì ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường làm thơ Nôm nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật (Hàn: Hàn Thuyên) là để ghi lại công trạng này.
Phi sa giản tập (Phi sa tập) là tập thơ mà trước đây trong Thơ Văn Lý Trần (nhiều tác giả - NXB KHXH Hà Nội, xuất bản 1977), khi nói về Nguyễn Thuyên đã không nhắc đến (kể cả bài Văn tế cá sấu). Tuy nhiên với các bài viết của GS Nguyễn Tài Cẩn (sđd), TS Trịnh Ngọc Thuận (báo Thế Giới), và Ngô Văn Phú (báo Văn Nghệ Trẻ), Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Bá Thể (sách Từ điển NVLS), đều công nhận đây là tập thơ có giá trị của Nguyễn Thuyên. Ngô Văn Phú còn cho rằng Nguyễn Thuyên đáng được thờ ở Văn Miếu, Viện Bảo tàng lịch sử và Bảo tàng các nhà văn sau này, nên dành một chỗ xứng đáng cho Nguyễn Thuyên. (Văn Nghệ Trẻ)
Tập thơ Phi sa giản tập có những bức tranh phong cảnh khá tao nhã viết bằng chữ Nôm. Chẳng hạn như các bài:
XuânHoa nở, lộc hường, xuân lại xuân,Cỏ cây mơn mởn đón đông quân.Bướm ong bay rộn. Trời đang ấmMừng mảng trăng xuân sáng bội phần
Gió nồm
Ra tết hây hây gặp gió nồmCỏ loang mặt đất. Lúa xanh omNgười hòa tươi tốt. Cảnh hòa lạBiếc một ngàn xa. Biếc núi non...
(Trích theo Ngô Văn Phú - Văn Nghệ Trẻ)
Về bài Văn tế cá sấu cũng có nhiều nghi vấn. Theo Việt sử cương mục, quyển 7, trang 260 thì, Tháng Tám năm Thiệu Bảo thứ Tư, (1282) đời Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên đang là Hình Bộ Thượng thư, theo vua đến sông Phú Lương (tên cũ của sông Nhị Hà) thì gặp cá sấu nổi lên trước thuyền. Vua sai ông làm bài văn vứt xuống sông. Cá sấu bỏ đi. Vua Trần cho việc này giống Hàn Dũ bên Trung Hoa nên ban cho ông họ Hàn. Bài thơ này về sau được một số người nhắc đến vì ngoài việc sử dụng chữ Nôm khá thành thạo còn có nội dung tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Vua Tự Đức từng làm thơ ca ngợi:
Quốc ngữ văn chương thùy nhiễm hànBất vong đôn bán bị nham khanLư giang di ngạc hà thần tốcBác đắc quân vương tứ tính Hàn
Dịch:
Quốc ngữ văn chương mới nhúng tayChẳng quên tiếng mẹ khá khen thaySông Lư đuổi sấu in Hàn DũNên được nhà vua đổi họ ngay.
(Theo Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thể - Từ điển nhân vật lịch sử VN - NXB Văn hóa 1993 - Trang 654)
Tuy nhiên theo nhóm tác giả sách Thơ Văn Lý Trần mà chúng tôi đã nhắc đến trên kia, thì sách Việt cổ văn (VHv.2479) có ghi lại bài Tế Lô - giang linh ngư văn của Nguyễn Thuyên nhưng lại bằng chữ Hán, còn GS Nguyễn Lân thì cho bài văn Nôm công bố bấy lâu là của người đời sau làm ra "rồi gán cho người xưa". Vì câu chuyện mà Việt sử cuơng mục ghi lại, chỉ nói vua sai làm bài văn ném xuống sông (nguyên văn chữ Hán: "vi văn đầu chi giang trung" nghĩa là làm văn ném xuống sông) chứ không biết là văn Nôm hay Hán. Cụ Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia VN (NXB KHXH -1971), theo ông Lê Minh Quốc (Tạp chí Xưa Nay số 244-2005), cho là bài thơ do nhà nho Nguyễn Can Mộng "bịa ra"công bố trên tờ báo Tứ dân văn uyển - 1937. Cần nói thêm là Nông Sơn Nguyễn Can Mộng tác giả Nông Sơn thi tập, Nam học Hán tự, Văn chương VN, Gương liệt nữ... và nhiều tác phẩm khác, mất năm 1954, còn sách cụ Trần Văn Giáp in năm 1971, liệu còn ai mà cãi, cũng như cụ Giáp trong sách này cho Tuệ Trung thượng sĩ là Trần Quốc Tảng, nhưng muời mấy năm sau GS Huệ Chi lại đính chính là Tuệ Trung mới chính là Trần Trung, nói sai vậy "cũng có tội" lắm sao.
Chúng tôi ghi giới thiệu bài thơ "đuổi cá sấu" tương truyền của Hàn Thuyên sau đây để bạn đọc tham khảo vì bài thơ này cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến như Nguyễn Can Mộng (Tứ dân văn uyển - 1937), Kiều Thanh Quế (Cuộc tiến hóa của VHVN - 1943), Dương Đình Khuê (1966), Khế Yêm (Tham luận Thơ châu Á... 1992), Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thể (Từ điển nhân vật lịch sử VN -1993 )... xem như một tồn nghi trên chặng đường phát triển văn học chữ Nôm, và cũng chỉ dám nói là tương truyền.
Về vấn đề một số bài thơ Nôm đang tồn nghi, chúng tôi thấy có thể tham khảo ý kiến của GS Hoàng Xuân Hãn khi ông công bố các bài thơ Nôm của Nguyễn Biểu qua gia phả họ Hoàng: "... ta bây giờ không có cách gì mà chứng thực rõ ràng rằng những văn này đích là thực của những tác giả đã định trên. Nhưng ta cũng không có lẽ gì ngờ là không thực. Cũng như trăm nghìn bài văn Nôm khác, tác giả là ai phần nhiều không chắc. Nhưng những bài này vì có tính cách cá nhân và địa phương, nên ta có thể tin được".
(Hoàng Xuân Hãn - Nguyễn Biểu một gương nghĩa liệt - Khai trí tiến đức 1941 - Tạp chí Hồng Lĩnh đăng lại số 10/1994)
Văn tế cá sấu
Ngặc ngư kia hỡi!Mày có hay!Biển Đông rộng rãi là nơi nàyPhù Lương* đây thuộc về thánh vựcLạc lối đâu mà lại đến đây
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưaDân quen chài lưới chẳng tay vừaĐời Hùng vẽ mình vua từng dạyXuống nước giao long cũng phải chừa
Thánh thần nối dõi bản triều nayDấy từ Hải ấp ngôi trời thayVõ công lừng lẫy bốn phương tịnhBiển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng xa dấu dân cày cấyNhân vật đều yên đâu ở đấyTa vâng đế mạng bảo cho màyHãy vào biển Đông mà vùng vẫy...
(trích từ "Les chefs-d"oeuvres de la littérature Vietnamiennes", Dương Đình Khuê, Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn, 1966)
---------
Ghi chú : Bài này đã được hai tác giả Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thể đưa vào sách Từ điển nhân vật lịch sử VN (sách tái bản) với nhan đề là Đuổi cá sấu.
* Phù Lương: theo Dương Đình Khuê là sông Hồng Hà (Fleuve Rouge). Dương Quảng Hàm nói là sông Nhị Hà (một tên khác của Hồng Hà).Cũng có ý kiến cho rằng "sông Phù lương" là sông Lư giang tức là sông Lô.
Từ khóa » Chu Nom Nguyen
-
阮 - Chữ Nôm U+962E: Nguyễn - (surname Nguyen)
-
Tra Từ: Nguyễn - Từ điển Hán Nôm
-
TÁC PHẨM CHỮ NÔM | Nguyễn Du
-
Chữ Nôm - Wikipedia
-
Nguyễn Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Hán Nôm
-
Nguyện Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Số
-
Tập Thơ Thơ Chữ Nôm Của Nguyễn Khuyến | BKTV
-
Tư Liệu Chữ Nôm Về Thơ Nôm Nguyễn Khuyến
-
THƠ CHỮ NÔM CỦA NGUYỄN KHUYẾN - BOOKHUNTER
-
Nguyễn Du
-
Đúng, Nguyễn Trãi Sáng Tác Bằng Cả Chữ Hán Và Chữ Nôm
-
阮勸 Nguyễn Khuyến (1835–1909) - Chữ Nôm