Những điều Bạn Cần Biết Về Liên Cầu Nhóm B - YouMed

Nội dung bài viết

  • Tổng quan
  • Các triệu chứng 
  • Nguyên nhân của tình trạng này là gì?
  • Các yếu tố nguy cơ của nhiễm liên cầu nhóm B?
  • Biến chứng 
  • Làm sao để phòng ngừa bệnh?
  • Chẩn đoán bệnh như thế nào?
  • Điều trị nhiễm liên cầu nhóm B ra sao?

Liên cầu nhóm B (thuộc nhóm vi trùng Streptococcus) là một nhóm vi trùng thường trú thường gặp. Chúng hay xuất hiện ở trong ruột và đường sinh dục dưới. Vi khuẩn này thường là vô hại đối với người trưởng thành. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh, việc nhiễm loại vi khuẩn này có thể gây ra nhiều bệnh lý. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu thêm về loại vi trùng này và những bệnh mà nó gây ra nhé.

Tổng quan

Loại vi trùng này thường không gây hại cho người lớn khoẻ mạnh. Nhưng đối với trẻ em, vi trùng này có khả năng gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Những tình trạng này được tập hợp lại thành nhóm các bệnh lý do liên cầu này gây ra.

Không chỉ gây hại cho trẻ sơ sinh, người lớn bị suy giảm miễn dịch cũng có thể mắc bệnh. Những bệnh như đái tháo đường hay bệnh gan làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do liên cầu nhóm B.

Đối tượng trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các bệnh lý này. Do đó, khi mang thai, người mẹ nên được theo dõi trong thai kỳ và lúc chuyển dạ. Việc sử dụng kháng sinh thích hợp sẽ góp phần bảo vệ đứa trẻ.

Trẻ sơ sinh nhiễm liên cầu nhóm B qua mẹ
Trẻ sơ sinh nhiễm liên cầu nhóm B qua mẹ

Các triệu chứng 

Ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các đứa trẻ được sinh ra đều khoẻ mạnh dù mẹ chúng có mang liên cầu nhóm B. Tuy nhiên, một vài trường hợp trẻ nhiễm loại vi trùng này trong lúc sinh sẽ xuất hiện bệnh cảnh nghiêm trọng.

Ở trẻ sơ sinh, các bệnh lý do liên cầu nhóm B có thể xuất hiện sớm (trong vòng 6 giờ sau sinh) hay muộn (có thể đến vài tuần sau sinh). Các triệu chứng có thể gặp là:

  • Sốt.
  • Trẻ không chịu bú, khó khăn khi cho bú.
  • Đờ đẫn, lừ đừ.
  • Khó thở.
  • Trẻ bứt rứt, khó chịu.
  • Vàng da.
Vàng da sơ sinh có thể là một biểu hiện của nhiễm liên cầu nhóm B
Vàng da sơ sinh có thể là một biểu hiện của nhiễm liên cầu nhóm B

Ở người lớn

Nhiều người lớn đều có liên cầu nhóm B trong người, thường là ở ruột, âm đạo, hậu môn, bàng quang hay ở họng. Và các vi khuẩn này đều không gây ra triệu chứng gì.

Tuy nhiên, ở một số trường hợp, liên cầu này có thể gây ra nhiễm trùng tiểu hay những nhiễm trùng khác nặng nề hơn như nhiễm trùng huyết hay viêm phổi.

Khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ?

Nếu có các dấu hiệu gợi ý nhiễm, đặc biệt là khi đang mang thai, có bệnh lý mạn tính hay lớn hơn 65 tuổi, bạn nên khám bác sĩ ngay. Đối với trường hợp con bạn có triệu chứng, hãy đưa trẻ đi khám. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng.

Nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Như đã nói ở trên, liên cầu nhóm B có thể xuất hiện ở người khoẻ mạnh. Bạn có thể nhiễm vi trùng này rồi tự khỏi. Chúng cứ xuất hiện rồi lại biến mất, hoặc cư trú thường xuyên trong cơ thể bạn.

Đặc biệt, vi khuẩn này không lây truyền qua đường tình dục, cũng không lây lan qua thức ăn, nước uống. Phương thức lây truyền của vi khuẩn này từ người sang người vẫn chưa được biết rõ. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhiễm liên cầu từ mẹ. Trong quá trình sinh, khi đi qua âm đạo, trẻ tiếp xúc và nhiễm vi khuẩn này.

Các yếu tố nguy cơ của nhiễm liên cầu nhóm B?

Ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh sẽ có khả năng nhiễm nếu:

  • Người mẹ có nhiễm liên cầu nhóm B.
  • Trẻ sinh non (trước 37 tuần).
  • Mẹ vỡ ối hơn 18 giờ tính đến giờ sinh.
  • Người mẹ có nhiễm trùng nhau hay nhiễm trùng ối.
  • Người mẹ mắc nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ.
  • Thai phụ sốt cao hơn 38°C khi lâm bồn.
  • Mẹ có tiền căn sinh con đã nhiễm liên cầu nhóm B trước đó.

Ở người lớn

Bạn có thể có nhiều khả năng nhiễm liên cầu nhóm B nếu:

  • Có tình trạng suy giảm miễn dịch, như nhiễm HIV, đái tháo đường, ung thư hay bệnh gan.
  • Lớn hơn 65 tuổi.
Người già, mắc bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch có khả năng bị bệnh do liên cầu
Người già, mắc bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch có khả năng bị bệnh do liên cầu

Biến chứng 

Ở trẻ sơ sinh, nhiễm liên cầu nhóm B có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm tính mạng:

  • Viêm phổi.
  • Viêm màng não.
  • Nhiễm trùng huyết.

Nếu bạn đang mang thai, nhiễm liên cầu nhóm B có thể gây:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nhiễm trùng nhau, nhiễm trùng ối.
  • Viêm màng tử cung.
  • Nhiễm trùng huyết.

Nếu bạn là người lớn tuổi với các bệnh mạn tính, các biến chứng có thể xảy ra như:

  • Viêm da, viêm mô tế bào.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Nhiễm trùng tiểu.
  • Viêm phổi.
  • Nhiễm trùng xương khớp.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
  • Viêm màng não.

Làm sao để phòng ngừa bệnh?

Để phòng ngừa nhiễm liên cầu nhóm B cho trẻ sơ sinh, thai phụ có thể được truyền kháng sinh. Kháng sinh truyền khi lâm bồn, loại thường dùng là penicillin. Nếu bạn bị dị ứng với penicillin, bạn có thể được chuyển qua kháng sinh khác. Các kháng sinh thay thế như cefazolin hay clindamycin.

Việc sử dụng kháng sinh đường uống thường không hiệu quả. Đồng thời, bạn cũng có thể dùng kháng sinh để điều trị nếu bạn có:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Đã từng sinh con nhiễm liên cầu nhóm B.
  • Sốt trong lúc lâm bồn.
  • Vỡ ối kéo dài hơn 18 giờ.
  • Sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ, chưa được xét nghiệm liên cầu nhóm này trước đó.

Các vaccine đang được nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu đang tìm ra loại vaccine để tiêm ngừa cho liên cầu nhóm B. Điều này có thể giúp bảo vệ sức khoẻ mẹ và bé trong lúc sinh.

Chẩn đoán bệnh như thế nào?

Nếu như bạn có thai, bác sĩ khuyến cáo bạn nên xét nghiệm tầm soát vào tuần thứ 35 đến 37 của thai kỳ. Các mẫu xét nghiệm sẽ được lấy ở âm đạo và trực tràng để tìm vi khuẩn.

Nếu có nhiễm liên cầu nhóm B, bạn có khả năng sẽ lây vi khuẩn cho con bạn trong lúc sinh. Điều này không có nghĩa là bạn đã mắc bệnh hay con bạn chắc chắn sẽ nhiễm vi khuẩn. Nó chỉ ám chỉ khả năng lây nhiễm có thể xảy ra. Do đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm này.

Sau khi sinh, nếu con bạn được nghi ngờ nhiễm liên cầu nhóm B, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu để xét nghiệm cho con bạn. Ngoài ra, mẫu dịch não tuỷ đôi khi cũng cần thiết trong một số trường hợp.

Mẫu máu được lấy để xét nghiệm tìm liên cầu nhóm B
Mẫu máu được lấy để xét nghiệm tìm liên cầu nhóm B

Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện để kiểm tra khi nghi ngờ đứa trẻ bị nhiễm:

  • Cấy nước tiểu.
  • Chọc dịch não tuỷ.
  • Chụp phim X quang ngực.

Điều trị nhiễm liên cầu nhóm B ra sao?

Việc điều trị tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh.

Ở trẻ em

Nếu các xét nghiệm cho thấy con bạn có nhiễm liên cầu nhóm B thì trẻ sẽ được điều trị. Liệu pháp thường được sử dụng là truyền hoặc tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch. Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý, đứa trẻ sẽ được điều trị hỗ trợ thích hợp. Một số điều trị cần thiết như truyền dịch đường tĩnh mạch, đảm bảo oxy và các thuốc khác.

Ở người lớn

Điều trị kháng sinh là khá hiệu quả đối với người lớn nhiễm liên cầu nhóm B. Lựa chọn loại kháng sinh nào tuỳ thuộc vào vị trí và biểu hiện nhiễm khuẩn. Tùy vào tình trạng nhiễm trùng cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh, đường dùng và thời gian điều trị thích hợp.

Nếu bạn đang mang thai và xuất hiện các biến chứng của nhiễm liên cầu nhóm B, bạn sẽ được bắt đầu điều trị kháng sinh. Kháng sinh được dùng thường là đường uống, hay sử dụng penicillin hoặc cephalexin (Keflex). Các loại kháng sinh này được đánh giá là tương đối an toàn cho thai phụ.

Penicillin thường được dùng vì an toàn cho phụ nữ có thai
Penicillin thường được dùng vì an toàn cho phụ nữ có thai

Liên cầu nhóm B là một nhóm vi khuẩn thường trú. Chúng có thể xuất hiện trên người trưởng thành khoẻ mạnh. Tuy nhiên, với các đối tượng dễ nhạy cảm như trẻ sơ sinh hay người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, liên cầu nhóm B có thể gây ra những tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Điều quan trọng đáng lưu ý là việc nhiễm liên cầu trong thai kỳ. Nếu có thai, hãy đi khám thai đầy đủ bạn nhé. Điều này đóng vai trò rất quan trọng cho sức khoẻ của cả mẹ và bé. Hãy cùng chia sẻ bài viết này cho các mẹ bầu khác nào!

Từ khóa » Khuẩn Liên Cầu B