Phân Biệt Xe Gắn Máy Và Xe Môtô - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Xe gắn máy là gì? Phân biệt xe mô tô và xe gắn máy
  • Độ tuổi của người lái xe
  • Trình tự khiếu nại quyết định hành chính
  • Xe gắn máy môtô 2 bánh được chở nhiêu nhất là mấy người?
  • Biển cấm xe gắn máy? Ý nghĩa biển cấm xe gắn máy
  • Các loại xe tương tự xe gắn máy là gì?

Câu hỏi:

Em bị cảnh sát giao thông bắt vì chưa đủ tuổi lái xe gắn máy. Mà trong giấy ghi là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi lái xe moto. Nhưng thực chất phải ghi là xe gắn máy mới đúng và các chú cảnh sát giao thông còn viết sai chính tả nữa. Như vậy, cho em hỏi biên bản đó là sai đúng không ạ. Xin hãy trả lời giúp em. Em cám ơn ạ.

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Với tình huống của bạn, chúng tôi sẽ làm rõ cho bạn các loại xe này khác nhau như thế nào và đưa ra từng trường hợp để có thể giải quyết câu hỏi bạn đưa ra.

Xe gắn máy là gì? Phân biệt xe mô tô và xe gắn máy

Về sự khác biệt giữa xe mô tô và gắn máy, Tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, gọi tắt là quy chuẩn 41, tại điều 3 giải thích từ ngữ đã quy định như sau:

Xe gắn máy là chỉ phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3;

Xe môtô là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400 kg đối với môtô hai bánh hoặc sức chở từ 350 kg đến 500 kg đối với môtô 3 bánh. Định nghĩa này không bao gồm xe gắn máy nêu tại Khoản 3.40 của Điều này;

Như vậy, chúng ta hiểu được xe mô tô và xe gắn máy là hai loại xe khác nhau. Theo đó, những xe số như Honda Wave, Yamaha Sirius hay xe ga như Vespa, Honda SH và môtô như Yamaha FZ150i, R3 đều được gọi chung là môtô trong các văn bản luật. Còn xe gắn máy là những xe dung tích dưới 50 phân khối, tốc độ tối đa không lớn hơn 50 km/h, những xe này phần lớn thuộc dạng moped hay còn gọi là xe đạp máy, đặc trưng là Mobyllete, Velo solex, bao gồm cả các loại  xe máy điện  …

Để xem xét biên bản của cảnh sát giao thông có hiệu lực hay không thì cần xác định loại xe bạn đang đi.

Như bạn đã trình bày thì xe bạn đang đi là xe gắn máy. Nếu như xe của bạn có các đặc điểm như trên thì xác định đó là xe gắn máy, mà như bạn cung cấp thì bạn dưới 16 tuổi. Theo quy định tại Điểm a, khoản 1, điều 60, Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

Độ tuổi của người lái xe

Theo Luật Giao thông đường bộ thì Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.

Như vậy, trong trường hợp xe của bạn là xe gắn máy thì bạn vẫn bị phạt bởi chưa đủ 16 tuổi mà lái xe gắn máy. Tuy nhiên nếu đó là xe gắn máy là cảnh sát giao thông lại ghi là xe môtô thì có thể đã có sự nhầm lẫn ở đây, và mức phạt đối với người không đủ tuổi lái xe gắn máy và xe môtô là khác nhau, Vì vậy, nếu bạn đã nộp tiền vi phạt hành chính thì có thể sẽ bị thiệt thòi, trong trường hợp này bạn có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để nhận được mức phạt nhẹ hơn. Còn nếu sự nhầm lẫn thuộc về phía bạn, nghĩa là bạn đi xe môtô thì biên bản đó là đúng quy định.

Bạn có thể tham khảo Trình tự khiếu nại quyết định hành chính được quy định trong Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 như sau:

Trình tự khiếu nại quyết định hành chính

1, Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

2, Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. 

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

3, Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Như vậy, nếu phát hiện quyết định xử phạt không đúng với quy định pháp luật thì bạn có thể tiến hành khiếu nại để đòi lại quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình.

Liên quan đến nội dung bài viết, chúng tôi chia sẻ thêm các thông tin hữu ích về xe gắn máy. Mời Quý vị theo dõi:

Xe gắn máy môtô 2 bánh được chở nhiêu nhất là mấy người?

Khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định:

” 1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

a) Chở người bệnh đi cấp cứu;

b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Trẻ em dưới 14 tuổi.”

Như vậy xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em dưới 14 tuổi thì được chở tối đa hai người.

Biển cấm xe gắn máy? Ý nghĩa biển cấm xe gắn máy

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì:

Biển số P.111a là biển Cấm xe gắn máy

Ý nghĩa:

Để báo đường cấm xe gắn máy đi qua, đặt biển số P.111a “Cấm xe gắn máy”. Biển không có giá trị đối với xe đạp.

Các loại xe tương tự xe gắn máy là gì?

Điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 3 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định:

” đ) Các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ các xe quy định tại điểm e khoản này;

e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).”

Như vậy, các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h, trừ các xe đạp máy.

Từ khóa » Thế Nào Là Xe Gắn Máy Và Xe Máy