Phổ Biến Pháp Luật Kinh Doanh

1. Khái niệm Theo khoản 2, Điều 4, Luật Phá sản năm 2014 thì “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

2. Các trường hợp dẫn tới nguy cơ Doanh nghiệp bị phá sản:

Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định. Khi Tòa án tiếp nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng nói trên, Thẩm phán có thể ra quyết định mở thủ tục phá sản thì khi đó, Doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản.

3. Các thủ tục phá sản:

Trình tự, thủ tục giải quyết được thực hiện theo Quy định của Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/06/2014, có hiệu lực bắt đầu từ 01/01/2015. Luật Phá sản mới được kỳ vọng là sẽ giúp “cởi trói” về mặt thủ tục cho việc phá sản doanh nghiệp vốn là một hệ quả tất yếu của quá trình cạnh tranh. Luật Phá sản 2014 có rất nhiều thay đổi so với Luật Phá sản 2004, đặc biệt đã thay thế tổ quản lý, thanh lý tài sản bằng quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; đã quy định thủ tục phá sản rút gọn, thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người quản lý doanh nghiệp; đã hoàn thiện các quy định về giao dịch đáng ngờ, cũng như đã có sự phân chia rạch ròi về mặt quyền hạn và nghĩa vụ của các bên tiến hành thủ tục phá sản. Nhiều khía cạnh khác nhau về mặt thủ tục cũng đã được thay đổi và có tính khả thi cao hơn so với quy định cũ. Khác với cách tiếp cận của Luật Phá sản 2004, thủ tục phá sản quy định trong Luật Phá sản 2014 chỉ bao gồm hai thủ tục chính là thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thủ tục tuyên bố phá sản. Thanh lý tài sản được thực hiện sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản chứ không còn là một thủ tục riêng biệt được tiến hành trước khi ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản như trước nữa. Đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không nhất thiết phải thực hiện lần lượt hai thủ tục này để được phá sản. Thủ tục mở thủ tục phá sản (điều 42 và các điều tiếp theo) là bước đệm cho việc mở các thủ tục này. Tình trạng mất khả năng thanh toán: Luật Phá sản 2014 mở ra nhiều cánh cửa hơn cho doanh nghiệp để rút khỏi thị trường một cách hợp pháp. Một điểm đáng lưu ý là điều 4, Luật Phá sản 2014 phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm là “mất khả năng thanh toán” và “phá sản”. Theo đó, doanh nghiệp được cho là mất khả năng thanh toán “khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”, trong khi đó phá sản là “tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Như vậy, chỉ khi tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mới được coi là ở trong tình trạng phá sản. Hơn nữa, nhà lập pháp đã quy định một giai đoạn chờ là ba tháng kể từ ngày khoản nợ liên quan đến hạn, qua đó tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp thanh toán nợ và giảm áp lực “đe dọa” nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía chủ nợ. Việc có tình trạng mất khả năng thanh toán là cơ sở để chủ nợ, người lao động, người đại diện theo pháp luật hay người quản lý của doanh nghiệp, cổ đông nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp (điều 5) và là căn cứ để thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản (khoản 2, điều 42). Tuy vậy, cần lưu ý tình trạng mất khả năng thanh toán không nhất thiết sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản. Thực vậy, trong khoảng thời gian kể từ khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tới khi tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp có thể khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán (chẳng hạn có được nguồn thu đáng kể từ việc thực hiện hợp đồng hay được cấp một khoản tín dụng mới). Ngay cả khi mất khả năng thanh toán và đã bị chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận với chủ nợ này về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (điều 37). Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và tuyên bố phá sản: Hội nghị chủ nợ có thể đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi kinh doanh đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (điểm b, khoản 1, điều 83). Sau đó, doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cùng với chủ nợ, quản tài viên hay doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để làm cơ sở cho thẩm phán xem xét và triệu tập hội nghị chủ nợ. Nếu hội nghị chủ nợ ra nghị quyết thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận nghị quyết này (điều 87 và các điều tiếp theo). Các biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh khá đa dạng, bao gồm: huy động vốn; giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ; thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác; bán hoặc cho thuê tài sản và các biện pháp khác không trái quy định pháp luật. Dễ nhận thấy đây là một danh sách mở, các bên có thể xem xét khả năng áp dụng các biện pháp khác ngoài danh sách này giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động. Nghị quyết của hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có thể xác định thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu không xác định, thời hạn là ba năm kể từ ngày hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi (i) doanh nghiệp không còn tài sản để thanh toán lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay chi phí phá sản, (ii) hội nghị chủ nợ đã được hoãn nhưng khi triệu tập lại vẫn không đáp ứng điều kiện theo quy định, (iii) hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết trong lần họp đầu hay không tổ chức lại được hội nghị chủ nợ để thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hay không thông qua được nghị quyết về phương án này, hoặc (iv) doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định, không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc vẫn mất khả năng thanh toán khi hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, vẫn có sự không thống nhất giữa quy định về các trường hợp tòa án tuyên bố phá sản liên quan đến việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Tại khoản 2, điều 107 chỉ nêu duy nhất trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong khi khoản 2, điều 96 nêu thêm một giả thiết nữa là khi hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán. Ngoài ra, điều 37, Luật Phá sản 2014 để ngỏ khả năng thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, điều luật này không đề cập cụ thể về các biện pháp mà hai bên có thể đàm phán để khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp như chuyển nợ thành phần vốn góp/cổ phần, thay đổi vị trí ưu tiên thanh toán của khoản nợ có bảo đảm hay khoản nợ không có bảo đảm, chuyển khoản nợ có bảo đảm thành khoản nợ không có bảo đảm và ngược lại, tăng hoặc giảm vốn góp... Bên cạnh đó, Luật Phá sản 2014 chỉ đề cập đến trường hợp doanh nghiệp chủ động chấm dứt hợp đồng đang có hiệu lực (điều 61 và 62) chứ không có quy định nào về giá trị pháp lý của điều khoản trong hợp đồng ký với doanh nghiệp cho phép phía bên kia đơn phương chấm dứt hợp đồng khi phát hiện doanh nghiệp mất khả năng thanh toán vốn được sử dụng rất phổ biến trong thực tế. Thêm vào đó, vẫn còn quá ít quy định về trách nhiệm pháp lý của người quản lý doanh nghiệp trước và trong thủ tục phá sản.

4. Các tác động của phá sản:

Xét tổng thể, các tác động của phá sản là tiêu cực dưới các mặt sau: Về mặt kinh tế: Một doanh nghiệp bị phá sản trong điều kiện ngày nay có thể dẫn đến những tác động tiêu cực. Khi quy mô của doanh nghiệp phá sản càng lớn, tham gia vào quá trình phân công lao động của ngành nghề đó càng sâu và rộng, số lượng bạn hàng ngày càng đông, thì sự phá sản của nó có thể dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp bạn hàng theo "hiệu ứng domino" - phá sản dây chuyền. Về mặt xã hội: Phá sản doanh nghiệp để lại những hậu quả tiêu cực nhất định về mặt xã hội bởi nó làm tăng số lượng người thất nghiệp, làm cho sức ép về việc làm ngày càng lớn và có thể làm nảy sinh các tệ nạn xã hội, thậm chí các tội phạm. Về mặt chính trị: Phá sản dây chuyền sẽ dẫn tới sự suy thoái và khủng hoảng nền kinh tế quốc gia, thậm chí khủng hoảng kinh tế khu vực và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những khủng hoảng sâu sắc về chính trị. Như vậy, xét ở ba mặt trên, phá sản với tính cách là một hiện tượng xã hội tiêu cực cần được hạn chế và ngăn chặn đến mức tối đa. Để hạn chế các tác động tiêu cực, phá sản cần phải được coi là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất của chính phủ đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Yêu cầu này cần phải được thể hiện một cách nhất quán trong pháp luật phá sản qua các nội dung như: tiêu chí xác định một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, vấn đề hồi phục doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ khi tuyên bố phá sản…

5. Sự khác nhau giữa phá sản và giải thể doanh nghiệp:

Giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp là hai hình thức dễ gây nhầm lẫn và vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường đặt câu hỏi: “Nếu làm ăn thua lỗ thì nên giải thể hay phá sản doanh nghiệp?”. Sau đây là sáu điểm khác nhau giữa hai hình thức này: Một là, lý do giải thể và phá sản doanh nghiệp: Giải thể đối với mỗi loại doanh nghiệp là không đồng nhất và rộng hơn nhiều so với lý do phá sản doanh nghiệp; cụ thể: Theo quy định của pháp luật hiện hành, có rất nhiều lý do để giải thể một doanh nghiệp, như doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; doanh nghiệp giải thể theo quyết định của chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu doanh nghiệp,… Trong khi đó, phá sản doanh nghiệp chỉ có một lý do duy nhất đó là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Hai là, tính chất của thủ tục giải thể và thủ tục phá sản doanh nghiệp: Thủ tục giải thể doanh nghiệp là một thủ tục hành chính và được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 còn thủ tục phá sản doanh nghiệp là một thủ tục tư pháp và được thực hiện thep quy định Luật Phá sản 2014. Ba là, chủ thể quyết định việc giải thể và phá sản doanh nghiệp: Đối với giải thể doanh nghiệp có thể chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định đối với trường hợp giải thể tự nguyện hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập doanh nghiệp quyết định đối với trường hợp giải thể bắt buộc. Phá sản doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đó là Tòa án. Bốn là, điều kiện giải thể doanh nghiệp và phá sản doanh nghiệp: Đối với giải thể doanh nghiệp thì điều kiện để doanh nghiệp được phép giải thể đó là khi doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp; các chủ nợ sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản nợ theo thứ tự pháp luật quy định. Đối với phá sản doanh nghiệp thì bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp không phải là điều kiện bắt buộc. Theo quy định của Luật Phá sản 2014, các chủ nợ sẽ được thanh toán các khoản nợ theo thứ tự luật định trên cơ sở số tài sản còn lại của doanh nghiệp, trừ trường hợp đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh. Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ; phần nợ còn thiếu thì các chủ nợ phải chịu rủi ro. Như vậy, doanh nghiệp bị phá sản có thể thanh toán hết hoặc không thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ. Năm là, hậu quả pháp lý của việc giải thể và phá sản doanh nghiệp: Giải thể doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp. Phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, không phải trường hợp mở thủ tục phá sản nào cũng dẫn đến việc doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp còn có thể có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không nhất thiết sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản; ngay cả khi yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp còn tới thời gian 3 tháng có thể thương lượng với chủ nợ. Khi doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động kinh doanh thì được coi là không còn lâm vào tình trạng phá sản nếu thủ tục phục hồi doanh nghiệp được thực hiện thành công. Sáu là, thái độ của Nhà nước đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp: Pháp luật hiện hành cho thấy đối với giải thể không đặt ra chế tài hạn chế quyền tự do kinh doanh của người quản lý, điều hành. Nhưng đối với phá sản thì nhà nước có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với chủ sở hữu hay người quản lý điều hành, như: Điều 130 Luật Phá sản năm 2014 quy định trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng, còn lại các trường hợp khác sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản; người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn Nhà nước...  

Từ khóa » Chủ Thể Kinh Doanh Nào Không Là đối Tượng áp Dụng Của Luật Phá Sản