Quy Tắc đạo đức Hành Nghề Công Chứng Như Thế Nào Trong Quan Hệ ...

Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của công chứng viên trong hành nghề công chứng, là cơ sở để công chứng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, nâng cao uy tín của công chứng viên, góp phần tôn vinh nghề công chứng trong xã hội.

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Chủ thể trong mối quan hệ này gồm công chứng viên và người yêu cầu công chứng (là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật Công chứng năm 2014).

Vậy, trong mối quan hệ với người yêu cầu công chứng, công chứng viên cần phải tuân theo quy tắc đạo đức gì ?

Trách nhiệm nghề nghiệp

Căn cứ theo Điều 5 của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, Công chứng viên đầu tiên phải có trách nhiệm nghề nghiệp, cụ thể:

+ Công chứng viên phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời khi yêu cầu công chứng đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

+ Công chứng viên sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng bằng cách luôn có mặt tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trong giờ làm việc theo quy định của pháp luật.

+ Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi công chứng viên công chứng.

+ Công chứng viên có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu công chứng các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên trong hành nghề công chứng theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng.

Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công chứng

Căn cứ theo Điều 6 của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, Công chứng viên có trách nhiệm bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công chứng, cụ thể:

+ Công chứng viên có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ yêu cầu công chứng, hồ sơ công chứng và tất cả thông tin biết được về nội dung công chứng trong quá trình hành nghề cũng như khi không còn là công chứng viên; trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng hoặc pháp luật có quy định khác.

+ Công chứng viên có trách nhiệm bảo quản hồ sơ công chứng trong quá trình giải quyết yêu cầu công chứng và bàn giao đầy đủ hồ sơ công chứng để lưu trữ theo quy định của pháp luật.

+ Công chứng viên có trách nhiệm hướng dẫn nhân viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng, của mình không được tiết lộ bí mật thông tin về việc công chứng mà họ biết theo nội quy, quy chế của tổ chức hành nghề công chứng, quy định của pháp luật; đồng thời, giải thích rõ trách nhiệm pháp lý của họ trong trường hợp tiết lộ những thông tin đó.

Đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu công chứng

Căn cứ theo Điều 7 của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, Công chứng viên không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa những người yêu cầu công chứng khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu công chứng.

Thu phí, thù lao công chứng

Căn cứ theo Điều 8 của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, Công chứng viên có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai phí, thù lao công chứng theo quy định đã được niêm yết; khi thu phí, thù lao công chứng phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu công chứng biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

Những việc công chứng viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng

Căn cứ theo Điều 9 của Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong quan hệ với người yêu cầu công chứng, Công chứng viên không được làm những việc sau:

1. Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng.

2. Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận.

3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu công chứng và các bên liên quan.

4. Sử dụng thông tin biết được từ việc công chứng để mưu cầu lợi ích cá nhân.

5. Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

6. Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu công chứng hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm phí công chứng, thù lao công chứng so với quy định và sự thỏa thuận.

7. Công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan về mặt lợi ích giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng.

8. Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

9. Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới.

10. Câu kết với người yêu cầu công chứng, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng và hồ sơ đã công chứng.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày các quy tắc đạo đức hành nghề công chứng của công chứng viên trong quan hệ với người yêu cầu công chứng.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Phần Tích Quy Tắc đạo đức Hành Nghề Công Chứng