Quy Tắc đạo đức Hành Nghề Công Chứng

Ảnh minh họa.

Công chứng nước ta được tái lập từ năm 1987, là hoạt động của cơ quan tư pháp do cán bộ, công chức ngành tư pháp đảm nhiệm nhằm đáp ứng nhu cầu về công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự. Đến năm 2007, với sự ra đời của Luật Công chứng, công chứng được xem là một nghề với sự tham gia của các tổ chức hành nghề công chứng, trong đó công chứng viên không phải là cán bộ công chức ngành tư pháp.

Hoạt động công chứng viên trong hành nghề mang tính quyền lực Nhà nước. Công chứng viên thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng, hoặc tổ chức, cá nhân tự nguyên yêu cầu công chứng. Chính vì lẽ đó, công chứng viên đòi hỏi sự độc lập, phải tự quản lý, tự chịu trách nhiệm với các hợp đồng, giao dịch do mình chứng nhận và điều đáng quan tâm là các hợp đồng, giao dịch này phát sinh hiệu quả rất nhanh ngay sau khi hoàn tất thủ tục công chứng. Từ công việc của mình, công chứng viên mang lại niềm tin cho các bên giao dịch. Thông qua hoạt động nghề công chứng, công chứng viên góp phần bảo vệ pháp luật, xây dựng pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá  nhân, tổ chức yêu cầu công chứng.

Điều đáng nói, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội với những giao dịch dân sự đa chiều, nghề công chứng ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn, nền nếp và quy củ hơn. Đặc biệt, càng ngày sẽ có sự tách biệt rõ ràng giữa hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch với hoạt động chứng thực của cơ quan hành chính. Việc xã hội hoá hoạt động công chứng ngày càng phát triển từ khi Luật Công chứng có hiệu lực. Do vậy, hoạt động công chứng cần phải có cơ chế để điều chỉnh thống nhất về chuẩn mực hành nghề, chính vì thế đạo đức quy tắc hành nghề cần phải được đặt chung trong tổng thể của việc hoàn thiện pháp luật về công chứng. Việc xây dựng đội ngũ công chứng viên mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực chuyên môn, tận tâm phục vụ nhân dân là vô cùng quan trọng để góp phần tăng cường pháp chế XHCN, hạn chế phát sinh tranh chấp trong giao dịch dân sự. Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho rằng, với tư cách là một nghề, công chứng viên cũng đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp phù hợp với đặc thù để bảo đảm cho hoạt động công chứng ngày càng phát triển tốt hơn.

Thực tế, tuy chưa ban hành được quy tắc đạo đức nghề công chứng riêng nhưng cũng đã có nhiều quy phạm đạo đức nghề nghiệp được luật hoá thành các điều khoản cụ thể về quyền, nghĩa vụ của công chứng viên, của cán bộ, nhân viên tại các tổ chức hành nghề công chứng. Đối với những người làm nghề công chứng trong các Phòng công chứng thì tiêu chuẩn đạo đức chính là ngoài việc nghiệm túc thực hiện các quy định của pháp luật của quy chế công chức còn là việc tự nguyện, tự giác làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một cán bộ, công chức. Và để hoàn thành công việc do Nhà nước trao quyền, công chứng viên không những phải mẫu mực trong hành vi, lối sống, tôn trọng, tuân theo pháp luật mà còn có bổn phận tự giác thực hiện các quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong quá trình tác nghiệp. Quy tắc đạo đức này do các tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi, quyền hạn của mình xây dựng nên, có giá trị trong mỗi một tổ chức hành nghề công chứng nhất định. Để có được sự thống nhất trong quản lý nhà nước về tổ chức này cũng như cá nhân hành nghề công chứng, cần phải có một bộ quy tắc chuẩn chung. Vậy dự thảo quy tắc này được xây dựng theo hướng nào và vị trí pháp lý của nó ra sao để vừa bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước vừa tạo điều kiện để công chứng viên hành nghề, tổ chức hành nghề công chứng phát triển?

Trưởng phòng công chứng số 2 TP. Hồ Chí Minh Hoàng Xuân Hoan cho rằng, nguyên tắc hành nghề cũng sẽ đưa công chứng viên vào khuôn khổ pháp luật khi hành nghề, đó là phải thật sự khách quan, trung thực, không thiên vị, không vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng lợi ích người khác, không công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung trái đạo đức xã hội. Đặc biệt, không sử dụng chuyên môn, hiểu biết của mình trong công việc để trục lợi, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng. Có thể nói mọi hành vi tác nghiệp của công chứng viên đều liên quan đến các quy định của Luật Công chứng. Do vậy, vị trí vai trò của công chứng viên rất quan trọng, nếu không thận trọng, cẩu thả, yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ dễ phải gánh chịu hậu quả pháp lý. Hơn nữa, nghề công chứng có đặc thù riêng, đó là khi hành nghề công chứng viên phải căn cứ vào nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công chứng và pháp luật về công chứng, các hợp đồng, giao dịch do công chứng viên chứng nhận liên quan đến tài sản, đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, để giới công chứng viên có trách nhiệm trước hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình cần thành lập Quỹ bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp và coi việc tham gia quỹ bảo hiểm này là điều kiện cần và đủ để xem xét việc cấp giấy chứng nhận hành nghề công chứng.

Hiện nay, dự thảo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến các bộ, ngành, và các tổ chức hành nghề công chứng trên toàn quốc.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)

Từ khóa » Phần Tích Quy Tắc đạo đức Hành Nghề Công Chứng