RỐI LOẠN ĐI TIỂU VÀ PHÉP ĐO NIỆU ĐỘNG HỌC Ở TRẺ EM

  • Tiểu không tự chủ: trẻ không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu.
  • Tiểu khó: tiểu đau, tiểu rát hoặc khó đi tiểu.
  • Tiểu dầm: tiểu không kiểm soát khi trẻ đang ngủ.
  • Tiểu gấp: trẻ tiểu són ra quần ngay khi có mắc tiểu.
  • Tiểu nhiều lần: tiểu > 1 lần mỗi giờ.
  • Tiểu ít lần: số lần đi tiểu < 3 lần mỗi ngày.

Các thay đổi này về việc đi tiểu có khi chỉ ảnh hưởng ít đến vấn đề sinh hoạt của trẻ nhưng cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như: nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm đài bể thận cấp, thận ứ nước, trào ngược bàng quang niệu quản và cuối cùng nếu không điều trị triệt để sẽ dẫn đến suy thận.

Theo các nghiên cứu khác nhau trên thế giới, có đến 5% đến 10% trẻ trên 5 tuổi có rối loạn đi tiểu. Khi được 2 tuổi, trẻ bắt đầu cảm nhận được cảm giác đầy bàng quang và bắt đầu từ đó trẻ có thể kiểm soát được việc đi tiểu vào ban ngày. Từ 5 tuổi trở lên trẻ có thể kiểm soát được việc đi tiểu như người lớn. Do vậy, trẻ trên 5 tuổi mà chưa kiểm soát được việc đi tiểu cần phải được đưa đến bác sĩ để được thăm khám.

Các nhà lâm sàng chia ra 3 nhóm nguyên nhân chính gây rối loạn đi tiểu như sau: (1) nhóm có bất thường về cấu trúc đường niệu; (2) nhóm có bất thường về thần kinh kiểm soát việc đi tiểu và (3) nhóm trẻ rối loạn đi tiểu mà không có bất thường nào. Đối với từng nhóm nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Nhóm trẻ rối loạn đi tiểu không có bất thường về cấu trúc đường niệu hoặc thần kinh kiểm soát việc đi tiểu chiếm tỉ lệ cao tại các phòng khám Thận nhi. Triệu chứng chính của nhóm này là tiểu không kiểm soát ban ngày, tiểu dầm ban đêm và nhiễm trùng tiểu tái phát.

Sau 5 tuổi, các nguyên nhân gây tiểu dầm là: dung tích bàng quang nhỏ, không có khả năng cảm nhận việc làm đầy bàng quang, khả năng kiểm soát việc đi tiểu giảm khi ngủ say, tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm, tăng hoạt động cơ bàng quang và nguyên nhân tâm lý. Rối loạn đi tiểu mới xảy ra trong thời gian ngắn thường liên quan đến nguyên nhân tâm lý. Bất cứ sự cố nào gây “stress” đối với trẻ cũng có thể gây rối loạn đi tiểu. Sau khi loại trừ nguyên nhân tâm lý, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và đưa ra một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và theo dõi điều trị, trong đó quan trọng là phép đo niệu động học

Phép đo niệu động học dùng để khảo sát sự hoạt động của đường tiểu dưới bao gồm bàng quang, niệu đạo và cơ thắt cổ bàng quang. Phép đo này giúp bác sĩ biết “công việc” chứa đựng nước tiểu và thải nước tiểu của bàng quang và cơ thắt hoạt động ra sao. Niệu động học bao gồm nhiều phép đo khác nhau để tìm hiểu đầy đủ các chức năng khác nhau trong việc đi tiểu. Sau khi tổng hợp hình ảnh của nhiều phép đo này, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân gây rối loạn đi tiểu là do bàng quang, niệu đạo, cơ thắt cổ bàng quang hay do sự hoạt động không đồng bộ của các cơ quan này. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh lý cụ thể.

Rối loạn đi tiểu là vấn đề thường gặp ở trẻ em. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ mà đôi khi còn có những hậu quả nghiêm trọng hơn về sau. Thông thường, phụ huynh thường la mắng, phạt hoặc thậm chí đánh trẻ khi thấy trẻ có biểu hiện ướt quần vào ban ngày hoặc ban đêm. Tuy nhiên, những cách ứng xử như vậy chỉ gây cho trẻ sự hoảng sợ mà không giúp cho trẻ giải quyết được vấn đề. Do vậy, khi trẻ trên 5 tuổi mà có những biểu hiện rối loạn đi tiểu, các bậc phụ huynh nên mang trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.

Từ khóa » Tiểu đêm Nhiều ở Trẻ Em