Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới: Nhiều Người Mắc Phải Nhưng ít Ai ...
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- 1. Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
- 2. Rối loạn nhân cách ranh giới biểu hiện như thế nào?
- 3. Nguyên nhân nào gây ra rối loạn nhân cách ranh giới?
- 4. Chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới như thế nào?
- 5. Rối loạn nhân cách ranh giới có thể chữa trị hay không?
- 6. Rối loạn này dẫn đến hậu quả gì?
- 7. Rối loạn nhân cách ranh giới có thể phòng ngừa hay không?
Một cách bình thường, con người luôn có những cảm nhận và phản ứng lại với cuộc sống xung quanh mình. Tuy nhiên, một số người gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và phản ứng quá mức. Nếu sự quá mức này kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng đáng kể đến đời sống thì có thể là một dấu hiệu gợi ý cho rối loạn nhân cách ranh giới.
1. Rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Trong ngôn ngữ phổ thông, có thể hiểu “nhân cách” như là “tính cách”. Đó vốn là những thói quen, mô thức suy nghĩ, cảm nhận, hành động có tính lặp đi lặp lại. Tính cách được hình thành và định hình trong suốt đời sống của con người. Đến khoảng 25 tuổi thì tính cách bắt đầu cố định.
Rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp. Nhóm người này thường có phản ứng mạnh mẽ, kịch tính. Kiểu phản ứng này tác động đến cách họ nhìn nhận về bản thân và những người xung quanh. Nhắc đến rối loạn này, chúng ta nhận thấy 4 điểm đặc trưng:
- Sự bất ổn về cảm xúc
- Hành vi bốc đồng
- Hình ảnh bản thân bị biến đổi
- Các mối quan hệ không ổn định
2. Rối loạn nhân cách ranh giới biểu hiện như thế nào?
Những đặc điểm thường thấy và được thống kê là:
Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Tâm lý, tải ngay ứng dụng YouMed.
2.1. Sợ hãi bị bỏ rơi
Một trong những bất ổn lớn nhất của kiểu rối loạn này là cảm giác sợ hãi bị bỏ rơi. Nỗi sợ hiện hữu sâu sắc ngay cả khi mối quan hệ đang diễn ra tốt đẹp. Những người này thường sợ bị bỏ lại một mình một cách thái quá. Người thân đi làm về muộn hay đi làm cuối tuần cũng có thể khiến họ sợ hãi dữ dội.
Khi đó, họ điên cuồng tìm cách giữ người khác gần bên cạnh mình. Những hành động quá mức như thế này nếu kéo dài có thể phản tác dụng, khiến đối phương chán nản tránh xa.
>> Xem thêm: Rối loạn lo âu lan toả
2.2. Mối quan hệ không ổn định
Người rối loạn nhân cách ranh giới thường có những mối quan hệ mãnh liệt và chớp nhoáng. Họ nhanh chóng yêu say đắm rồi sau đó cũng rất nhanh cảm thấy thất vọng và rời xa. Mối quan hệ của họ rất dễ dàng đi từ cực kì hoàn hảo sang tồi tệ khủng khiếp.
Vì thế, người yêu, bạn bè hay gia đình của những người rối loạn này thường sẽ bị sốc, ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sự thay đổi cảm xúc nhanh chóng của người bệnh khiến những người xung quanh khó hiểu và không phản ứng kịp.
2.3. Ý thức về bản thân thường xuyên biến động
Cách những người rối loạn nhân cách nhìn nhận về bản thân có thể thay đổi nhanh chóng. Một phút trước bạn nghĩ mình thất bại tệ hại, ngay sau đó bạn liền thấy vô cùng tự tin. Đôi khi họ thấy bản thân thật tốt, nhưng lần khác lại thấy mình xấu xa và ghét chính mình.
Những người này không có khái niệm rõ ràng mình là ai hay mình muốn gì trong cuộc sống. Do đó, họ thường xuyên thay đổi công việc, bạn bè, người yêu hay thậm chí bản sắc tính dục (bản dạng giới, xu hướng tình dục, biểu hiện giới…).
2.4. Hành vi bốc đồng
Đi cùng với cảm xúc bất ổn, những người rối loạn nhân cách ranh giới còn gây ra các hành vi bốc đồng. Người bệnh có thể cắt đứt mối quan hệ tốt đẹp hay bỏ việc bất cứ lúc nào. Khi tâm trạng thất thường, người này có thể lái xe quá nhanh, lấn làn nguy hiểm. Họ còn chi tiêu mua sắm vô tội vạ, ăn uống say sưa vô độ, bạo lực khi cáu gắt. Có người còn tìm đến tình dục không an toàn, lạm dụng ma túy và các chất kích thích khác.
Những hành vi nguy hiểm này có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn trong thời điểm bất ổn. Tuy nhiên, chúng sẽ làm tổn hại đến chính họ và những người xung quanh trong thời gian dài.
2.5. Tự tổn hại chính mình
Người rối loạn nhân cách ranh giới thường có những hành động tự tổn hại bản thân mình. Chúng bao gồm hành vi tự sát và tự làm hại bản thân. Người bệnh có suy nghĩ về tự tử, đe dọa tự tử hoặc thực sự đã từng tự tử. Họ cũng có thể cố ý tổn thương bản thân bằng cách cắt tay, châm bỏng… mà không có ý định tự sát.
2.6. Sự dao động cảm xúc cực độ
Sự không ổn định cảm xúc ở người rối loạn nhân cách thường cực đoan. Mỗi kiểu cảm xúc đều ở trạng thái cực điểm. Người bệnh có thể cảm thấy vô cùng yêu đời hạnh phúc, sau đó lại rơi vào tuyệt vọng ngay.
Những điều nhỏ nhặt người khác bỏ qua cũng khiến bạn chật vật khó chịu. Sự thay đổi tâm trạng này rất dữ dội, nhưng chúng cũng có xu hướng vượt qua khá nhanh. Thường những trạng thái này kéo dài chỉ vài phút đến vài giờ. Phản ứng cảm xúc quá mạnh như vậy khiến các mối quan hệ xáo trộn và tổn thương chính họ.
2.7. Cảm giác trống rỗng kéo dài
“Những khoảng trống bên trong”, “cảm giác trống rỗng” là những điều người rối loạn nhân cách thường nói tới. Khi trong trạng thái cực điểm cảm xúc, họ cảm thấy như thể mình không có gì, không có ai bên cạnh.
Để lấp đầy sự khó chịu này, họ tìm đến thức ăn, chất kích thích hay tình dục quá độ. Nhưng sau cùng, họ vẫn không thể cảm thấy thật sự thỏa mãn và thoải mái.
2.8. Cơn giận dữ bùng nổ mạnh mẽ
Rối loạn này đôi khi khiến người bệnh khó chịu với tính nóng nảy và sự giận dữ của mình. Họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát bản thân khi có xích mích xảy ra. Một bất hòa nhỏ cũng có thể khiến họ la hét, ném đồ đạc hoặc nổi cơn thịnh nộ. Quan trọng là không phải lúc nào sự bực bội cũng hướng ra ngoài. Họ có thể tức giận và “tra tấn” chính bản thân mình.
2.9. Cảm thấy nghi ngờ hoặc xa rời với thực tế
Người bệnh thường sống trong nghi ngờ, thậm chí hoang tưởng về động cơ của người khác. Khi trong trạng thái bất ổn, họ có thể cảm thấy xa rời với thế giới thực tế. Những người này có thể cảm thấy như có màng ngăn cách họ với thế giới bên ngoài. Có người trải qua cảm giác bản thân tách ra, tồn tại ở bên ngoài cơ thể chính mình.
Cuộc sống của người rối loạn nhân cách thường được ví như một cơn lốc. Mọi thứ diễn ra nhanh, mạnh mẽ và khó kiểm soát. Chúng ta không bao giờ biết được tâm trạng của người bệnh sẽ thay đổi lúc nào và đi theo hướng nào.
3. Nguyên nhân nào gây ra rối loạn nhân cách ranh giới?
Hiện nay, chúng ta chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ranh giới. Các chuyên gia cho rằng bệnh do sự kết hợp của yếu tố sinh học và môi trường bên ngoài. Những nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn này là:
- Di truyền học: Một số nghiên cứu cho thấy rối loạn nhân cách ranh giới có liên quan yếu tố gia đình. Bệnh có thể di truyền hoặc liên quan đến sức khỏe tâm thần của các thành viên gia đình.
- Bất thường não bộ: Khi mắc rối loạn nhân cách ranh giới, bộ não người bệnh luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Người này thường đề phòng, nghi ngờ mọi thứ và trở nên căng thẳng. Mỗi khi gặp vấn đề, bản năng chiến đấu của họ trỗi dậy mạnh mẽ khó có thể kiểm soát. Bên cạnh đó, serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng. Sự bất thường trong sản sinh serotonin khiến con người dễ mắc rối loạn nhân cách ranh giới.
- Tuổi thơ dữ dội: Môi trường sống thời thơ ấu ảnh hưởng lớn đến sự hình thành rối loạn nhân cách này. Nhiều người bệnh từng bị lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng thể chất, bị bỏ rơi lúc còn nhỏ. Một số sống tách xa cha mẹ, người thân thiếu sự quan tâm. Có người sống chung một nhà với người lạm dụng chất gây nghiện hoặc có vấn đề tâm thần khác. Nhiều người đã chịu đựng những xung đột, mâu thuẫn và các mối quan hệ gia đình không ổn định. Tất cả tạo nên chấn thương tâm lý tuổi nhỏ và dễ dẫn đến rối loạn nhân cách sau này.
4. Chẩn đoán rối loạn nhân cách ranh giới như thế nào?
Rối loạn nhân cách ranh giới có chung nhiều triệu chứng với các rối loạn tâm thần khác. Điều này có thể gây ra không ít khó khăn để chẩn đoán chính xác bệnh. Khi bạn thấy mình có những triệu chứng gợi ý, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Nếu người bên cạnh bạn có biểu hiện như thế, hãy nói chuyện và thuyết phục họ đi khám. Những trạng thái cảm xúc cực độ dễ khiến người bệnh cảm thấy tiêu cực và hủy hoại bản thân.
Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-5) đưa ra các triệu chứng được mô tả trong phần biểu hiện bệnh. Một người được chẩn đoán bệnh khi có ít nhất 5 trong số các tiêu chí:
- Điên cuồng cố gắng làm gì đó để tránh bị bỏ rơi dù có thật hay không
- Thuộc mẫu người có các mối quan hệ không bền vững. Bạn cảm thấy đối phương rất tuyệt vời, lý tưởng rồi nhanh chóng trở nên tồi tệ, thất vọng.
- Tự nhận thấy bản thân và nhận thức của mình không ổn định.
- Hành động bốc đồng, có ít nhất 2 hành động tự gây tổn hại cho mình. Ví dụ, bạn có thể chi quá nhiều tiền hoặc lạm dụng các chất.
- Từng muốn tự tử hoặc tự cắt, đốt làm cơ thể bị thương.
- Thay đổi tâm trạng thường xuyên và các trạng thái ở mức cực điểm. Chúng thường kéo dài trong vài giờ nhưng có thể kéo dài trong vài ngày hoặc hơn.
- Có cảm giác trống rỗng tồi tệ trong thời gian dài
- Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn giận hoặc bạn tức giận vô cớ. Bạn có thể cảm thấy tức giận mọi lúc, thể hiện sự tức giận của bạn thường xuyên hoặc thường xuyên đánh nhau.
- Có những giai đoạn hoang tưởng trong lúc căng thẳng hoặc cảm giác xa rời thực tế. Sự phân ly xảy ra khi bạn cảm thấy như tâm trí của bạn tách rời khỏi cảm xúc hoặc cơ thể của bạn.
Những triệu chứng này cần được đánh giá về thời gian cũng như mức độ ảnh hưởng cuộc sống người bệnh. Từ đó, bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng rối loạn.
5. Rối loạn nhân cách ranh giới có thể chữa trị hay không?
Điều trị rối loạn nhân cách ranh giới có thể gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp. Các chuyên gia tâm thần hướng đến việc nhìn nhận và điều chỉnh cảm xúc, hành vi. Điều này giúp người bệnh có những mối quan hệ tốt và cuộc sống ổn định hơn. Trong điều trị, sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và người thân yêu giúp kết quả thành công hơn.
5.1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho rối loạn nhân cách ranh giới. Trị liệu giúp người bệnh tập trung vào bản thân, học cách quản lý cảm xúc. Một số liệu pháp có thể hiệu quả là:
- Liệu pháp hành vi nhận thức: giúp người bệnh nhận thức về niềm tin và hành vi không tốt mình đang có. Từ đó, họ được định hướng thay đổi nhận thức không chính xác về bản thân và người xung quanh. Phương pháp này giúp họ có cách tốt hơn để phản ứng khi tức giận, bất an, lo lắng.
- Liệu pháp hành vi biện chứng: bao gồm liệu pháp nhóm và liệu pháp cá nhân. Người bệnh được dạy cách quản lý cảm xúc tiêu cực và cải thiện các mối quan hệ.
- Liệu pháp Schemas: được thực hiện cho cá nhân hoặc trong nhóm. Phương pháp này giúp người rối loạn xác định các nhu cầu chưa được đáp ứng dẫn đến phản ứng tiêu cực. Từ đó, trị liệu thúc đẩy người bệnh đạt được mong muốn của mình một cách lành mạnh. Họ học cách nhìn nhận bản thân và thế giới theo hướng tích cực hơn.
5.2. Thuốc
Thuốc không được dùng để chữa chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên, thuốc có thể làm giảm các triệu chứng hoặc rối loạn đi kèm theo bệnh. Bác sĩ có thể kê toa thuốc khi:
- Người bệnh rối loạn nhân cách ranh giới kèm theo trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực.
- Có các cơn hoảng loạn hoặc lo âu trầm trọng.
- Xuất hiện ảo giác hoặc có những suy nghĩ kì quái, hoang tưởng.
- Có suy nghĩ, hành vi tự tử hoặc có nguy cơ làm tổn thương bản thân và người khác.
Trong trường hợp các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh có thể được đề nghị nhập viện theo dõi.
>> Xem thêm: Suy nhược thần kinh: Nguy cơ dẫn đến trầm cảm
6. Rối loạn này dẫn đến hậu quả gì?
Sự bất ổn về cảm xúc và hành vi của người rối loạn cảm xúc ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chính họ. Những người này có thể gặp khó khăn trong quản lý công việc tại nhà hay nơi làm việc. Họ rất khó duy trì các mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài. Điều này dễ dẫn đến việc ly hôn, sống tách biệt với gia đình và bạn bè.
Rối loạn nhân cách lâu dài làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn khác:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn ăn uống
- Rối loạn lưỡng cực
- Lạm dụng chất
>> Xem thêm: Rối loạn lo âu xã hội: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
7. Rối loạn nhân cách ranh giới có thể phòng ngừa hay không?
Tại thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có cách phòng ngừa rối loạn nhân cách này. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm triệu chứng bệnh giúp quá trình trị liệu được tốt hơn. Từ đó, cuộc sống và các mối quan hệ của người bệnh ít bị ảnh hưởng hơn.
Ở một khía cạnh khác, người rối loạn nhân cách ranh giới là người giàu tình cảm và thương người. Họ quan tâm và mong muốn được chia sẻ với những người xung quanh mình. Điều họ cần nhất chính là sự cân bằng để giữ bản thân được ổn định hơn. Nếu bạn hoặc người thân có vấn đề về rối loạn nhân cách, đừng ngại ngần tìm đến chuyên gia. Sự thấu hiểu về bản thân, sự quan tâm chia sẻ từ người xung quanh cùng kế hoạch điều trị sẽ giúp người rối loạn nhân cách ranh giới có cuộc sống cân bằng và lành mạnh.
Từ khóa » Bốc đồng Suy Nghĩ
-
Tính Bốc đồng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tính Bốc đồng: Tốt Hay Xấu? - Oopsy
-
Tính Bốc đồng: Những Người Bốc đồng Như Thế Nào?
-
Bốc đồng Là Gì? - Kiến Thức Vui
-
Tâm Lý Bốc đồng Là Gì? / Tính Cách - Sainte Anastasie
-
Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới (BPD) - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Cách để Bớt Tính Bốc đồng (kèm Ảnh) - WikiHow
-
Tính Bốc đồng 10 Kỹ Thuật để Học Cách Kiểm Soát Nó (Người Lớn Và ...
-
Các Mối Quan Hệ Bốc đồng. Kiểu Tính Cách Bốc đồng
-
Khắc Phục Tính Bốc Đồng - Study Buddhism
-
Dấu Hiệu Trẻ Tăng động Qua Hành Vi Bốc đồng, Kém Tập Trung
-
Bài 1: Đừng Vì Một Phút Bốc đồng
-
Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng ...
-
Tính Bốc Đồng Là Gì ? Nghĩa Của Từ Bốc Đồng Trong Tiếng Việt
-
NT Foundation - ´Chế Ngự´ Tính Bốc đồng Của Trẻ Nhỏ
-
Rối Loạn Nhân Cách Chống đối Xã Hội