SƠ LƯỢC VỀ NHỊ THẬP BÁT TÚ TRONG TÀI LIỆU LỊCH PHÁP HÁN NÔM NGUYỄN CÔNG VIỆT TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm Ở Tạp chí Hán Nôm số 6-2005 chúng tôi đã có bài “Sơ lược về 24 tiết khí trong Đại Nam hiệp kỷ lịch thời Nguyễn”. Bài viết này xin được giới thiệu sơ lược về Nhị thập bát tú (28 chòm sao) ghi trong niên lịch Việt Nam qua một số tài liệu lịch pháp Hán Nôm. Nhị thập bát tú tức 28 chòm sao trên bầu trời thiên văn là những tinh thể có thực trong khu vực Thái dương hệ mà bằng mắt thường con người ta có thể nhìn thấy rõ được trong buổi tối trời quang mây tạnh. Từ thời cổ xưa các nhà thiên văn học Trung Quốc đã phát hiện ra những chòm sao lớn này rồi quy ước về hình thức và phương vị mà đặt tên cho mỗi chòm. 28 chòm sao đã tập hợp thành một vòng trên bầu trời tức trên đường biểu kiến của mặt trời mà ta quen gọi là đường Hoàng đạo. Buổi đầu Nhị thập bát tú có vị trí rất quan trọng trong việc nghiên cứu xem xét thiên văn, việc phân định bốn mùa và các tiết khí của chu kỳ một năm thời tiết còn được gọi là năm hồi quy. Rồi từ đó Nhị thập bát tú đã trở thành tiêu chí quan trọng trong việc tính toán ghi chép lịch pháp của Trung Hoa và một số dân tộc vùng Tây vực và khu vực châu Á. Theo tài liệu khảo cổ học thì từ thời Thương - Chu ở Trung Quốc còn lưu tích việc đánh dấu ghi chép về Nhị thập bát tú trong lịch pháp. Đến thời Xuân Thu - Chiến Quốc thì danh từ về 28 chòm sao đã được định hình đầu tiên theo cách nhìn trực quan sinh động của các nhà thiên văn học. Trong lịch pháp 28 chòm sao được dùng để ký hiệu ngày tức là hình thành một hệ đếm thời gian tính theo chu kỳ 28 ngày. Căn cứ vào chu kỳ của một năm thời tiết được phân định làm bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rồi chia thành 24 tiết khí, các nhà thiên văn học nghiên cứu sắp xếp ứng hợp Nhị thập bát tú với 24 tiết khí. Ở Trung Quốc từ thời Chiến Quốc người ta đã gắn kết 4 tiết giữa mùa thuộc 12 Trung khí là Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí với 4 chòm sao trong Nhị thập bát tú là chòm sao Tinh, chòm sao Tâm, chòm sao Hỏa, và chòm sao Mão. Trên đường Hoàng đạo biểu kiến Nhị thập bát tú hợp thành một vòng với phương vị cố định, sự sắp xếp vị trí mỗi chòm sao đều có những hình thù riêng như chòm sao Đê tựa như đấu đong gạo, chòm sao Tinh giống như cái móc câu… Buổi đầu các nhà thiên văn đã định vị sắp xếp mỗi chòm sao theo hiện tượng và sự vật với ý nghĩa khác nhau để rồi đặt tên cho mỗi chòm. Tên gọi của 28 chòm sao với từ đầu chỉ tên nguyên thủy là Giác角, Cang亢, Đê 氐, Phòng 房, Tâm 心, Vĩ 尾, Cơ 箕, Đẩu斗, Ngưu牛, Nữ女, Hư 虛, Nguy危, Thất 室, Bích 壁, Khuê 奎, Lâu 婁, Vị胃, Mão昴, Tất 畢, Chủy 觜, Sâm 參, Tỉnh井, Quỷ鬼, Liễu柳, Tinh 星, Trương 張, Dực翼, Chẩn 軫. Phải nói rằng việc nghiên cứu Nhị thập bát tú không tách khỏi việc nghiên cứu Thiên văn trong toàn bộ Thái dương hệ (Hệ mặt trời). Ở Thái dương hệ thì mặt trời (Nhật), sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa, sao Thổ và cả vệ tinh mặt trăng (Nguyệt) được coi là các thiên thể chủ yếu trên bầu trời mà Nhị thập bát tú luôn ứng hợp. Chính vì thế từ thứ hai trong tên gọi của Nhị thập bát tú được tiếp nối gọi theo Thái dương hệ mang ý nghĩa thiên văn học. Đó là Giác Mộc, Cang Kim, Đê Thổ, Phòng Nhật, Tâm Nguyệt, Vĩ Hỏa, Cơ Thủy, Đẩu Mộc, Ngưu Kim, Nữ Thổ, Hư Nhật, Nguy Nguyệt, Thất Hỏa, Bích Thủy, Khuê Mộc, Lâu Kim, Vị Thổ, Mão Nhật, Tất Nguyệt, Chủy Hỏa, Sâm Thủy, Tỉnh Mộc, Quỷ Kim, Liễu Thổ, Tinh Nhật, Trương Nguyệt, Dực Hỏa, Chẩn Thủy. Như vậy ta thấy 6 thiên thể lớn và một vệ tinh mặt trăng trong Thái dương hệ đã được các nhà Thiên văn cổ xưa lấy làm những hành tinh quan trọng nhất để gắn kết ứng hợp với Nhị thập bát tú. Tên gọi của 7 thiên thể này đã đi liền với Nhị thập bát tú. Ở Thái dương hệ còn ba thiên thể khác nữa(1) mà mãi sau này người ta mới tìm ra, cho nên thời đó các nhà thiên văn chỉ tính có 7 thiên thể và còn lưu truyền trong dân gian gọi là Thất diệu hay Thất tinh. Thuyết Âm dương Ngũ hành ra đời sau này đã tiếp thu thành quả tinh hoa của các nhà Thiên văn học cổ, họ đặt ra Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là những thuộc tính vật chất với quy ước riêng và về sau cũng được kết ứng với hệ thống can chi và các hệ sao, từng sao khác nhau. Còn trên thực tế sự xuất hiện tên gọi của Nhị thập bát tú đi liền với 7 thiên thể trong hệ Thái dương ở buổi sơ khai là theo cách đặt tên của các nhà Thiên văn học cổ với từ thứ hai của Nhị thập bát tú như chúng tôi đã trình bày. Tiếp theo thuyết Âm dương Ngũ hành là thuật phong thủy của các đạo sĩ Trung Hoa, Nhị thập bát tú đến giai đoạn này đã được gắn thêm từ thứ ba của tên gọi mã hiệu bằng các loại động vật khác nhau kể cả những loài trong Totem giáo. Đến đây 28 chòm sao được gọi một cách đầy đủ với ba từ là Giác Mộc Giao (thuộc loại Giao long có sừng), Cang Kim Long (thuộc loại Rồng), Đê Thổ Lạc (thuộc loài Chồn), Phòng Nhật Thố (thuộc loài Thỏ), Tâm Nguyệt Hồ (thuộc loài Cáo), Vĩ Hỏa Hổ (thuộc loài Hổ), Cơ Thủy Báo (thuộc loài Báo), Đẩu Mộc Giải (thuộc loài Giải), Ngưu Kim Ngưu (thuộc loài Trâu), Nữ Thổ Bức (thuộc loài Dơi), Hư Nhật Thử (thuộc loài Chuột), Nguy Nguyệt Yến (thuộc loài chim Én), Thất Hỏa Trư (thuộc loài Lợn), Bích Thủy Du (thuộc loài Nhím), Khuê Mộc Lang (thuộc loài sói), Lâu Kim Cẩu (thuộc loài Chó), Vị Thổ Trĩ (thuộc loài chim Trĩ), Mão Nhật Kê (thuộc loài Gà), Tất Nguyệt Ô (thuộc loài Quạ), Chủy Hỏa Hầu (thuộc loài Khỉ), Sâm Thủy Viên (thuộc loài Vượn), Tỉnh Mộc Hàn (thuộc loài Chó rừng), Quỷ Kim Dương (thuộc loài Dê), Liễu Thổ Chương (thuộc loài Nai, Hoẵng), Tinh Nhật Mã (thuộc loài Ngựa), Trương Nguyệt Lộc (thuộc loài Hươu), Dực Hỏa Xà (thuộc loài Rắn), Chẩn Thủy Dẫn (thuộc loài Giun). Việc hình tượng hóa Nhị thập bát tú không dừng lại ở những động vật nói trên và sau này các Đạo sĩ Trung Hoa lại thần thánh hóa 28 chòm sao thành các vị thần tiên lốt hình người. Điều này đã được các họa sĩ thể hiện mỗi chòm sao là một hình người, phía trên đầu có đồ hình mỗi chòm sao thu nhỏ. Như chòm sao Giác trông tựa một tiên ông, chòm sao Phòng giống như một thiên tướng, chòm sao Nữ trông hệt một tiên nữ… Cũng từ giai đoạn thuật phong thủy ra đời người ta đã chia Nhị thập bát tú thành 4 nhóm lớn và tên mỗi nhóm cũng được quy ước theo tên các con vật thuộc tín ngưỡng tôn giáo, trong đó ghép cả cách tính của thiên văn học về phương vị. Nhị thập bát tú gồm 28 chòm sao được phân đều theo 4 nhóm, mỗi nhóm 7 chòm bắt đầu từ chòm sao Giác và kết thúc ở chòm sao Chẩn. Nhóm thứ nhất có tên gọi Thanh long青龍 gồm các chòm Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ ứng với phương Đông được quy ước màu xanh. Nhóm thứ hai gọi là Huyền Vũ玄武gồm các chòm Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích ứng với phương Bắc với quy ước màu đen. Nhóm thứ ba có tên gọi là Bạch Hổ白虎gồm các chòm Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm ứng với phương Tây được quy ước màu trắng. Nhóm thứ tư được gọi là Chu Tước 朱雀gồm các chòm Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn ứng với phương Nam với quy ước màu đỏ(2). Ở Trung Quốc việc biên soạn, sao chép về lịch pháp trong đó có Nhị thập bát tú rất phổ biến, nhất là từ khi thuật trạch cát ra đời vào thời Hán. Vì mưu sinh, không ít thuật sĩ đã làm thông thư, in lịch với số lượng lớn để phát hành, song chất lượng sai sót nhiều. Đến đời Thanh Càn Long trước tình trạng lịch pháp như vậy, vua Càn Long đã lệnh cho một số nhà thiên văn đứng đầu là Mai Cốc Thành tập hợp đối chiếu, tu chỉnh các loại lịch biên soạn thành bộ Hiệp kỷ biện phương thư gồm 36 quyển. Bộ lịch này vua Càn Long ngự lãm rồi ban hành khắp trong kinh ngoài tỉnh nên còn được gọi là Khâm định vạn niên thư. Ở mục Tinh đồ bộ thiên ca quyển 13 bộ Hiệp kỷ biện phương thư ghi chép về Nhị thập bát tú theo âm vận, trong đó đặc biệt có hình họa đồ riêng mỗi chòm, nhóm sao khác nhau với các vị trí riêng biệt trên bầu trời thiên văn(3). Theo cách tính của các nhà thiên văn thì đường Hoàng đạo trên quỹ đạo biểu kiến đi một vòng là 3600, vị trí của Nhị thập bát tú trên quỹ đạo nằm theo phương vị Đông - Tây - Nam - Bắc phân đều làm bốn nhóm lớn, mỗi nhóm 7 chòm sao và được ấn định theo cung độ khác nhau. Ở đây cung độ được quy ước tính theo thập nhị chi với 12 cung. Nếu bắt đầu từ phương Đông với nhóm Thanh long tính từ chòm sao Giác tới chòm sao Cơ thì sẽ tương ứng với cung Thìn tới cung Dần theo chiều nghịch với chiều của 12 địa chi. Đồ hình ở đây được họa với hai bản riêng biệt, ba chòm Giác, Cang và Đê nằm ở vị trí hai cung Thìn - Mão. Bốn chòm Phòng, Tâm, Vĩ và Cơ có vị trí ở hai cung Mão - Dần. Xem đồ hình chúng ta thấy rõ Giác đúng là một chòm sao với nhiều sao quy tụ có tên gọi khác nhau, với trung tâm chính là sao Giác có hai sao nằm ở 2 điểm tương đối gần nhau thẳng theo trục Bắc - Nam. Ở giữa có sao Bình đạo, gần cạnh là sao Tiến hiền. Trên sao Giác là sao Thiên điền, trên xa nữa có chòm Chu đỉnh (3 sao). Dưới sao Giác là chòm Thiên môn (2 sao), dưới nữa là sao Bình. Dưới nữa bên trái là chòm sao Trụ có 15 sao gồm các chòm sao nhỏ là Hoành, Kỵ quan, Đôn ngoan, Dương môn, Xa kị; gần dưới cùng là chòm Khố lâu gồm 10 sao… Như vậy ta thấy chòm sao Giác gồm nhiều sao và chòm sao khác hợp lại, số lượng tương đối chưa thật chính xác vì trong đó còn nhiều sao lúc tỏ, lúc lặn hoặc không thấy xuất hiện lại. Xem xét các chòm sao khác trong Nhị thập bát tú ta cũng thấy rõ điểm này. Nhóm sao Huyền Vũ ở phương Bắc được họa riêng 2 bản đồ hình. Ba chòm Đẩu, Ngưu và Nữ nằm trên ba cung Dần, Sửu, Tý. Bốn chòm Hư, Nguy, Thất, Bích nằm trên ba cung Tý, Hợi, Tuất. Nhóm sao Bạch Hổ ở phương Tây được thể hiện trên 2 bản đồ hình. Ba chòm Khuê, Lâu và Vị nằm ở ba cung Hợi, Tuất, Dậu. Bốn chòm Mão, Tất, Chủy và Sâm nằm trên các cung Dậu, Thân, Mùi. Nhóm sao Chu Tước ở phương Nam cũng được thể hiện trên 2 bản đồ hình. Ba chòm Tỉnh, Quỷ và Liễu nằm ở ba cung Thân, Mùi, Ngọ. Bốn chòm Tinh, Trương, Dực và Chẩn nằm trên ba cung Ngọ, Thìn, Tỵ. Giống như chòm sao Giác ở trên, mỗi một chòm sao trong Nhị thập bát tú đều gồm nhiều sao và chòm sao khác hợp thành. Số lượng, vị trí, kích cỡ, kiểu hình của mỗi chòm đều có nhiều điểm khác nhau. Như chòm sao Khuê gồm 16 sao xếp nối với nhau trông giống như một chiếc giày méo mó nhọn đầu; chòm sao Đê có 4 sao xếp rõ ràng như hình cái đấu đong gạo; chòm sao Tinh gồm 7 sao trông giống như cái lưỡi câu… Có những chòm nhiều sao như chòm sao Dực tới 26 sao nằm rải rác xếp không theo hình rất khó nhận biết. Ở mỗi một chòm riêng như chòm sao Khuê, Đê, Tinh, Dực trên xung quanh nó còn nhiều sao và chòm khác quy tụ để hợp thành chòm chính tức là chòm thành viên trong Nhị thập bát tú. Nói rõ hơn chòm sao Tinh có 7 sao là 7 sao Tinh và xung quanh gồm các chòm khác là Hiên viên (17 sao), Nội bình (4 sao), Thiên tướng (3 sao) và Tắc (5 sao)… tất cả đều hợp thành chòm sao Tinh của nhóm lớn Chu Tước ở phương Nam. Trong thiên văn học phương Tây thời cổ, người ta cũng đặt ra 12 chòm sao tương ứng với 12 cung Hoàng đạo, đọc theo âm Hán là Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ, Thiên Bình, Thiên Yết, Thiên Mã, Sơn Dương, Bảo Bình và Song Ngư. Đó là những quy ước gắn với sinh vật hay tĩnh vật của người phương Tây cổ mang tính ước lệ. Đối với lịch pháp phương Đông ngay từ thời cổ xưa Nhị thập bát tú đã trở thành tiêu chí quan trọng trong việc ghi chép ngày tháng từng năm. Ở mỗi cuốn lịch phần ghi về tên các chòm sao trong Nhị thập bát tú và tên của thập nhị Trực bao giờ cũng được đặt ở phía trên sát dưới tên can chi của ngày trong mỗi tháng. 28 chòm sao là con số rất khớp với số ngày trong 4 tuần lễ của một tháng âm lịch vận động tuần tự mỗi một chòm sao tương ứng với một ngày. Sự vận động tất yếu liên tục của 28 chòm sao trong 28 ngày được coi là một chu kì. Hết chu kì này lại tiếp sang chu kì khác, 28 chòm sao lần lượt nối tiếp nhau không trùng lặp. Về lịch pháp nước ta từ thời Trần ta đã dùng lịch Thụ thời sau đó đổi làm Hiệp kỷ lịch và đặt cơ quan khí tượng làm lịch. Sang thời Lê ta đổi dùng theo phép lịch Đại Thống nhà Minh Trung Quốc. Đến thời Nguyễn, triều đình đã giao cho tòa Khâm thiên giám chịu trách nhiệm làm và phát hành lịch, chủ yếu là hai bộ Đại Nam hiệp kỷ lịch và Khâm định vạn niên thư. Đó là hai bộ lịch dùng với tính chất pháp định bên cạnh các cuốn lịch trạch cát, chiêm đoán lưu hành rộng rãi trong dân gian như Ngọc hạp thông thư, Hiệp kỷ biện phương, Ngọc hạp toản yếu v.v… Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được một số sách lịch như Bách trúng kinh, Lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh, Đại Nam hiệp kỷ lịch và một số tài liệu lịch pháp khác. Đầu tiên phải kể đến là sách Bách trúng kinh có niên đại từ thời Hậu Lê, cuốn lịch này và sách Lịch đại niên kỷ Bách trúng kinh đã được ông Lê Thành Lân giới thiệu trong Tạp chí Hán Nôm dưới góc độ văn bản học(4). Bách trúng kinh dày 163 trang, khổ 20x12cm. Tờ đầu là tờ bìa, tiếp từ tờ thứ 2 đến trang cuối là nội dung chép lịch, mỗi trang ghi trọn một năm lịch. Sách được ghép từ hai loại văn bản, phần văn bản in và phần văn bản chép tay. Từ trang 2 đến trang 116 là phần in lịch từ năm Giáp Tý (1624) đến năm Mậu Ngọ (1738). Từ trang 117 đến trang 162 cuối sách là bản chép tay ghi lịch từ năm Kỷ Mùi (1739) đến năm Ất Tỵ (1785)(5). Nội dung mỗi trang lịch trong Bách trúng kinh được chia làm 7 cột dọc, cột đầu ghi tên quốc gia Đại Việt, niên hiệu, niên thứ, tuế thứ và nguyệt kiến (ví dụ trang lịch đầu tiên là: Đại Việt Vĩnh Tộ lục niên tuế thứ Giáp Tý kiến Bính Dần). 6 cột tiếp theo ghi lịch 12 tháng, 6 tháng đầu năm ở phần trên, 6 tháng cuối năm nằm ở phần dưới, mỗi cột ghi 2 tháng gồm tháng đủ hoặc tháng thiếu, tiếp là tên can chi ngày đầu tháng, tên thập nhị Trực và tên của Nhị thập bát tú. Phần dưới ghi ngày ứng với tiết khí trong tháng. Như vậy ở đây Nhị thập bát tú chỉ ghi đúng tên một chòm sao ứng với ngày đầu tháng trong một cột dọc của một tháng âm lịch. Ví dụ ở năm Giáp Tý niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624), bắt đầu từ ngày mồng một tháng giêng thiếu là ngày Bính Thìn 丙辰có chòm sao Tất 畢định vị, thì những ngày tiếp theo lần lượt tương ứng với các chòm Chủy, Sâm, Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn, Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão. 27 chòm sao còn lại này thì chòm sao Chủy sẽ nằm trong ngày Đinh Tỵ, chòm sao Sâm sẽ rơi vào ngày Mậu Ngọ và lần lượt đến chòm sao Mão sẽ ứng với ngày 28 là ngày Quý Mùi. Ở trong lịch năm Giáp Tý (1624), xem tiếp tháng 2 đủ ta sẽ thấy ngày đầu tháng là ngày Ất Dậu 乙酉đi liền với chòm sao Chủy 觜. Tính ngược lại ta sẽ biết được tháng giêng trên có 29 ngày là ngày Giáp Thân ứng với chòm sao Tất. Đó là điều khẳng định 28 chòm sao chuyển vận trên lịch liên tục tuần tự sao nọ tiếp sao kia không trùng lặp, nối tiếp ngày nọ sang ngày kia tháng nọ sang tháng khác mặc dù ở cột lịch chỉ ghi tên một chòm sao ứng với ngày can chi đầu tháng. Chu kỳ chuyển vận của Nhị thập bát tú khác hẳn với sự chuyển vận của thập nhị Trực ghi trong lịch là có sự trùng lặp của Trực trong cùng một tháng(6) Bộ lịch lớn và mang tính quan phương nhất triều Nguyễn là Đại Nam hiệp kỷ lịch. Mỗi một năm tòa Khâm thiên giám chịu trách nhiệm in một cuốn để triều đình ban hành, lịch in năm nào thì có tên niên hiệu vua và tên can chi của năm đó. Như lịch ở đời Thành Thái thứ 13 (1901) là Đại Nam Thành Thái thập tam niên tuế thứ Tân Sửu hiệp kỷ lịch (大南成泰十三年歲次辛丑協紀曆). Xin được giới thiệu Nhị thập bát tú ghi trong bộ lịch này. Trang đầu tiên cột to hàng ngoài là 14 chữ lớn. Đại Nam Thành Thái thập tam niên tuế thứ Tân Sửu hiệp kỷ lịch. 12 trang đầu ghi về 24 tiết khí, biểu đồ phương vị niên thần, ngày tốt xấu trong năm và thành viên của Khâm thiên giám. Từ trang 13 đến trang 36 là nội dung từng tháng lịch, mỗi tháng ghi trọn 2 trang. Mỗi tháng lịch được ghi đủ ngày từ can chi, hành, Nhị thập bát tú ở đây xếp dưới ngày can chi, hành và xếp trên thập nhị Trực. Bắt đầu từ tháng giêng thiếu là tháng Canh Dần 建庚寅với ngày mồng 1 là ngày Mậu Thìn戊辰hành Mộc木chòm sao Dực翼và trực Mãn滿. Thứ tự các ngày tiếp theo mồng 2 Kỷ Tỵ己巳là chòm sao Chẩn 軫, ngày mồng 3 Canh Ngọ庚午là chòm sao Giác 角, lần lượt đến ngày 29 Bính Thân丙申cuối tháng tương ứng là chòm sao Dực 翼. Nhị thập bát tú tuần tự đi trọn một vòng 28 ngày và lặp lại ở ngày thứ 29. Trong khi đó trực Định定lại trùng lặp rơi vào 2 ngày 16 Quý Mùi có chòm sao Bích璧và ngày 17 Giáp Thân甲申ứng với chòm sao Khuê 奎. Ở trang 15 cuốn lịch này ghi tháng 2 đủ là tháng Tân Mão 建辛卯. Ngày đầu là ngày Đinh Dậu 丁酉hành hỏa 火, sao Chẩn 軫trực Phá 破, lần lượt cho đến ngày 30 Bính Dần 丙寅, cuối tháng ứng với chòm sao Giác角và trực Khai 開. Chu kỳ của Nhị thập bát tú ở đây cứ tuần tự không thay đổi, không trùng lặp khác với Trực tinh trong tháng 2 này là trực Thu收lặp lại rơi vào 2 ngày 16 Nhâm Tý 壬子 và 17 Quý Sửu 癸丑. Nhị thập bát tú ghi trong Đại Nam hiệp kỷ lịch đời Thành Thái thứ 13 về cơ bản cũng giống như cách ghi của tất cả sách lịch thuộc bộ Đại Nam hiệp kỷ lịch ở các đời vua khác. Xem xét một số cuốn lịch khác trong năm thì số trang sẽ dày thêm 1 tờ 2 trang ghi trọn 1 tháng nhuận. Còn các chòm sao ở Nhị thập bát tú thứ tự tiếp nối từng ngày từng tháng không thay đổi cho dù tháng đó là tháng nhuận. Ở các sách lịch khác chúng ta cũng sẽ không thể tìm thấy những điều khác biệt trong chu kỳ chuyển vận của Nhị thập bát tú. Liên quan đến lịch pháp là thuật trạch cát với việc xem sao chọn ngày giờ tốt xấu. Trước đây bất cứ một quan lại hay với nhà Nho nào cũng đều biết xem sao tốt xấu cho từng công việc; chuyên nghiệp hơn là các Đạo sĩ và Hòa thượng gắn với chùa đền, điện, thờ. Chính vì thế rất nhiều loại tài liệu thư tịch Hán Nôm đã được làm, sao chép sử dụng có nội dung trạch cát. Trong đó Nhị thập bát tú được coi là tiêu chí quan trọng đối với việc tính toán xem xét ngày giờ tốt xấu trong quan, hôn, tang, tế cho đến cả những việc nhỏ khác. Những điều kỳ diệu của Nhị thập bát tú trong vũ trụ tự nhiên đã khiến cho không ít các bậc đế vương, các anh tài đất nước tôn sùng liên tưởng. Tên tuổi của Tao Đàn Nhị thập bát tú thời Lê sơ do Lê Thánh Tông sáng lập với 28 cây bút xuất sắc gắn với 28 chòm sao vẫn sáng mãi trên bầu trời văn hóa Việt Nam. Sao Khuê, sao Đẩu đã đi vào thơ văn, câu đối… liền với tên tuổi của các danh nhân dân tộc. Trong tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, Nhị thập bát tú được xem là tối quan trọng trong việc tế lễ, tấu sớ, bùa chú. Riêng bùa chú với mấy chục loại khác nhau, song loại bùa chú nào cũng thấy viết đầy đủ tên Nhị thập bát tú ở các vị trí khác nhau trên lá bùa. Như bùa Bế ngục, bùa Trấn ngục Nhị thập bát tú được viết ở vòng ngoài; Bùa Trấn tứ pháp, bùa Trấn trạch Nhị thập bát tú nằm ở vòng bát quái. Bùa Cầu an Nhị thập bát tú vừa nằm ở khung ngoài vừa được ghi ở trong luồng khí từ miệng hổ do Tử vi trấn trạch ngự v.v… Trong Đạo giáo người ta còn đẻ ra Âm đẩu thất tinh là Đẩu , Thược , Quyền , Hành , Tất , Phủ , Phiêu , dùng trong tang lễ tống táng(7). Ở đây chòm sao Đẩu trong Nhị thập bát tú đã được sử dụng, chữ viết đi liền với bộ quỷ 鬼 viết bớt nét, có ý nghĩa dùng trong cõi âm cho người đã chết. Trong bùa Trấn ngục Nhị thập bát tú được viết bốn xung quanh, nhưng được khuyên kín chữ bằng nét Tróc, Phọc(8). Đó là những cách cấu tạo, sử dụng chữ khá phức tạp trong Đạo giáo nói chung thời trước. Ngoài bùa chú, Nhị thập bát tú còn thấy xuất hiện trong các dạng tư liệu khác, như ở một bức tranh khắc gỗ dân tộc Tày thế kỷ XVII-XVIII vẽ tổng thể hình người với nhiều dòng chữ Hán ghi kín thân thể. Nội dung vừa mang tính chất huyền bí, ma thuật vừa phân tích con người dưới góc độ Y học với phủ tạng và huyệt vị. Trên bức tranh, nhóm sao Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ được ghi trên cánh tay trái; Nhóm sao Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn ghi ở cánh tay phải… Đây là loại tư liệu Hán Nôm đặc biệt cần được nghiên cứu, giải mã.(9) Nhị thập bát tú- những chòm sao lớn có thực trong vũ trụ bao la, sự kỳ vĩ của Nhị thập bát tú đã được cổ nhân chiêm nghiệm, ghi chép lưu truyền qua bao thế kỷ. Biết được những gì người xưa để lại về Nhị thập bát tú cho dù một phần cũng là điều hạnh phúc của những ai yêu thích thiên văn lịch pháp cổ truyền. Bài viết sơ lược này chỉ là mấy nét phác họa thô vụng về bầu trời thiên văn vô tận lấp lánh hàng triệu vì sao. Chú thích: (1) Theo các nhà nghiên cứu lịch pháp, trong Thái dương hệ ngoài Thất tinh được phát hiện từ mấy nghìn năm trước, ba thiên thể khác được các nhà thiên văn học châu Âu phát hiện vào những thế kỷ gần đây là: Thiên Vương năm 1781; Hải Vương năm 1846; Diêm Vương năm 1930. (2). Thuật phong thủy ra đời, các Đạo sĩ đã tiếp thu thành tựu của thiên văn học, từ đấy là sự kết nối giữa thiên văn và địa lí, họ đặt ra thêm hình tượng các thiên thể mới như Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ gắn với Nhị thập bát tú. Rồi từ đó mới đặt ra cách tính toán xem xét long mạch, rồi quy ước mã hiệu bằng tên gọi khác nhau, hình tượng hóa bằng các động vật cả trong tín ngưỡng tôn giáo như Thanh long (rồng xanh), Bạch hổ (hổ trắng), Huyền vũ (Rùa đen), Chu tước (Chim sẻ đỏ). Kết hợp với lí thuyết Âm dương Ngũ hành thuật phong thủy ngày một phát triển và ngày một phức tạp hơn. (3). Xem Hiệp kỷ biện phương thư - Mai Cốc Thành chủ biên, Cổ tịch Thượng Hải xuất bản xã 1995. Bản dịch của Vũ Hùng - Lê Bình, Nxb. Mũi Cà Mau, 2002. (4) Xem Lê Thành Lân: “Về văn bản cuốn Bách trúng kinh”, Tạp chí Hán Nôm số 2-1997. Và “Đọc và hiệu đính cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh”, Tạp chí Hán Nôm số 2-1987. (5) Về niên đại, theo ông Lê Thành Lân đoán định sách Bách trúng kinh được in vào khoảng từ năm 1739 đến năm 1745. Xem “Về văn bản cuốn Bách trúng kinh” Sđd., tr.25. (6) Xem Nguyễn Công Việt: “Sơ lược về 24 Tiết khí trong Đại Nam hiệp kỷ lịch”, Tạp chí Hán Nôm số 6 (73)-2005. (7) Âm đẩu thất tinh thường được các Đạo sĩ sử dụng gắn liền với Dương thất tinh là Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm trinh, Vũ khúc và Phá quân. (8) Tróc, Phọc: nét đuổi và nét trói, ký tự viết trên bùa chú nhằm tăng thêm nét siêu hình thần bí. Các nét Tróc, Phọc thường thắt theo nhịp của mỗi loại bùa, ta thường thấy ở bùa Cửu Long với tổ hợp 9 nét tung hoành. (9) Bức tranh này được ông Cung Khắc Lược sưu tầm ở Bắc Cạn - Thái Nguyên và đã được giới thiệu trong Đồ họa cổ Việt Nam, Phan Cẩn Thượng - Lê Quốc Việt - Cung Khắc Lược, Nxb. Mỹ thuật, 2000./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80), 2007; Tr.32-39) |