Thái độ Làm Việc Hoàn Hảo Nhất Là Coi Trọng Công Việc Của Mình
Có thể bạn quan tâm
1. Thái độ làm việc là sức mạnh để cạnh tranh
Cùng với sự cạnh tranh về trí tuệ và năng lực của những nhân viên trong công ty là sự cạnh tranh về thái độ làm việc. Thái độ làm việc trực tiếp quyết định hành vi một con người, quyết định sự tận tâm làm việc hay chỉ ứng phó với công việc, bằng lòng với những gì mình đang có hay có chí tiến thủ muốn vươn xa hơn.
Mỗi người chúng ta đều nằm trong những qũy đạo công việc khác nhau, có những người được ông chủ rất trọng dụng, sớm trở thành nhân viên ưu tú của công ty, có người chẳng có tài cán gì, không được mọi người chú ý đến, có người lại luôn luôn phàn nàn trách móc, luôn nghĩ mình không giống người khác, đến cuối cùng vẫn chỉ là người trắng tay. Trong chúng ta, trừ một số ít là những thiên tài số còn lại không khác nhau là mấy. Vậy cái gì đã thay đổi chúng ta, cái gì đã hoàn thiện chúng ta? Chính là thái độ. Thái độ tiềm ẩn trong ý thức chúng ta, thái độ là những năng lực, những nguyện vọng, những suy nghĩ và những quan niệm đạo đức được thể hiện ra trong công việc.
Trong quỹ đạo công việc, chúng ta có thể gặp gỡ rất nhiều loại người. Mỗi người đều có thái độ làm việc khác nhau: người thì chăm chỉ làm việc, muốn vươn cao, người luôn ung dung tự tại, người khác lại luôn làm việc tắc trách, làm qua loa cho xong việc. Thái độ làm việc ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc. Chúng ta không thể khẳng định làm việc với thái độ như thế nào sẽ thu được kết quả tốt, nhưng chúng ta có thể khẳng định những người thành đạt thì đều có thái độ làm việc gần như nhau. Trong công việc có thể chia ra làm 3 loại người:
- Loại người thứ nhất: Tắc trách qua loa.
Câu cửa miệng của những người tiềm năng là: “Làm việc chăm chỉ làm gì? Chẳng phải trả lương của mọi người đều như nhau hay sao?” Họ thường không đi làm đúng giờ, những chuyện ngoài phận sự của mình họ chẳng hề để ý, những việc ngoài bổn phận cũng chẳng bao giờ chủ động giải quyết. Mỗi khi người chung quanh có cơ hội thăng tiến, họ đều tự an ủi mình: “Thăng chức chỉ là chuyện của vài cá nhân, phần đông mọi người cũng giống mình, vậy thì có điểm gì không tốt”.
- Loại người thứ hai là: Hay than phiền, hay bực tức.
Những người này hay thất vọng và bi quan lúc nào cũng trách móc người khác và cho rằng những việc đã xảy ra không theo ý mình mong muốn đều do hoàn cảnh gây nên. Những người này có thể có tiềm năng, nhưng lúc nào họ cũng sống trong tâm trạng u ám, vì vậy những năng lực của họ cũng không phát huy được, họ cũng không thể cảm nhận được niềm vui từ công việc của mình. Tâm lý tiêu cực này cũng tự nhiên lan truyền sang những người khác.
- Loại người thứ ba: Làm việc tíchcực,có chí tiến thủ.
Trong công ty, mọi người lúc nào cũng nhìn thấy bóng dáng bận rộn của họ. Những người thuộc tuýp người thứ ba này lúc nào cũng lạc quan tinh thần phấn chấn, nhiệt tình công tác và luôn vui vẻ với mọi người.
Kể cả trong những lúc gặp khó khăn trong công việc, họ cũng rất tích cực đưa ra các biện pháp giải quyết các vấn đề. Vì vậy, niềm tin trong họ luôn luôn được thắp sáng.
Mọi người đều yêu quý họ. Mặc dù cả ngày làm việc bận rộn nhưng những người có tinh thần làm việc tích cực vẫn giữ được thái độ lạc quan, hưởng thụ bằng niềm tin trong công việc.
Kết quả là sau một thời gian làm việc, những người thuộc tuýp người thứ nhất dễ dàng bị thay thế bởi những người nhiệt tình, cần công việc. Những người thuộc loại người thứ hai luôn có tâm lý xáo động, không ổn định không tạo được lòng tin nơi lãnh đạo, khó lòng mà có cơ hội thăng tiến. Còn những người thuộc loại người thứ ba, họ sẽ thành công và tìm được niềm vui trong công việc.
Ngày nay, trong công việc, cùng với sự cạnh tranh về trí tuệ và năng lực của những nhân viên trong công ty là sự cạnh tranh về thái độ làm việc. Thái độ làm việc trực tiếp quyết định hành vi một con người, quyết định sự tận tâm làm việc hay chỉ ứng phó với công việc, bằng lòng với những gì mình đang có hay có chí tiến thủ muốn vươn xa hơn. Khi bạn làm việc với thái độ tích cực, lòng quyết tâm cao thì bạn sẽ đạt được những gì mình mong muốn.
Đối với hầu hết mọi công việc nói chung, thường không quá khó, không đòi hỏi trình độ đặc biệt cao, song mọi công việc đều cần thái độ nhiệt tình của người đảm nhận công việc đó. Thái độ làm việc sẽ quyết định bạn là một người có nguy cơ bị sa thải hay sẽ được thăng chức. Đặc biệt, ở một chức vụ không đòi hỏi nhiều chất xám mọi người đều có thể đảm đương, thì khi đó chỉ có thái độ lại việc mới giúp bạn thể hiện được năng lực làm việc hơn người của mình. Thái độ làm việc là một loại năng lực đặc biệt phân biệt bạn với những người khác, thái độ làm việc cũng như giúp bạn trở thành một người quan trọng hơn.
Những người lười lao động và không có thái độ cạnh tranh khi làm việc chỉ nhìn thấy mặt ngoài của sự vật mà không thấy được bản chất của sự vật đó. Họ tin vào số phận, cơ may. Khi thấy người khác được tăng lương họ nói “Số trời đấy mà”. Thấy người khác được ông chủ trọng dụng họ lại nói: “Gặp may thôi”.
Trên thực tế, có một số ông chủ thích thử thách nhân viên của mình, họ coi như không nhìn thấy thành tích tốt của nhân viên hoặc không quá để ý đến việc động viên khích lệ nhân viên làm việc, nhưng cũng có những ông chủ chỉ bảo tận tình, ra sức cổ vũ động viên tinh thần giúp đỡ nhân viên của mình nâng cao hiệu quả công việc. Dù sao đi nữa bất kể hoàn cảnh có thuận lợi cho mình hay không, bạn cũng hãy thể hiện một thái độ làm việc tích cực.
Bắt đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy duy trì thái độ làm việc này thật khó khăn, nhưng sau cùng bạn nhất định sẽ nhận ra thái độ làm việc tích cực là một phần không thể thiếu trong con người bạn. Và khi được người khác khẳng định mình, hay khi nhận được nhiều thứ từ cuộc sống mang lại, hãy giữ thái độ làm việc đó.
Thái độ làm việc là sự cạnh tranh. Có được thái độ làm việc tích cực bạn sẽ bước đi dễ dàng hơn trên con đường đời đầy thử thách.
2. Không có công việc nào là bình thường
Làm tốt mỗi công việc đơn giản không hề đơn giản, làm tốt mỗi việc bình thường không tầm thường.
Là một người bình thường, lẽ dĩ nhiên đều phải làm những việc nhỏ, chỉ e những việc nhỏ cũng không làm đến nơi đến chốn. Kỳ thực, xung quanh ta không có việc nào là việc nhỏ. Để hoàn thành tốt mỗi việc nhỏ đó không hề đơn giản.
Chúng tôi đưa ra ví dụ như sau: Tom Brande lúc đầu là công nhân chế tạo máy của công ty xe hơi Force Hoa Kỳ, do hoàn thành tốt mỗi công việc của mình, anh trở thành người chỉ đạo các kíp thợ trẻ tuổi nhất công Force. Trong công ty được mệnh danh là “vương quốc Xe hơi” của Force, 32 tuổi có thể giữ chức tổng chỉ đạo kíp thợ là một việc không dễ dàng. Vì sao anh có thể làm được như vây?
20 tuổi, Tom Brande xin làm việc ở công ty. Ngay khi bắt đầu làm việc, anh đã tìm hiểu toàn bộ dây chuyền sản xuất xe hơi, từ khâu lắp ráp linh kiện đến khi xuất xưởng một chiếc xe, phải qua mười ba khâu sản xuất, mà công việc của mỗi bộ phận lại không giống nhau.
Lúc đó, anh chỉ nghĩ đơn giản: mình làm việc trong ngành sản xuất ô tô cần phải hiểu được quá trình sản xuất một chiếc ô tô hoàn chỉnh. Do đó, anh chủ động xin làm công nhân ở bộ phận lắp ráp cơ sở. Công nhân ở bộ phận này không được là công nhân chính thức, cũng không có một nơi làm việc cố định. Do làm việc ở bộ phận này, anh có cơ hội tiếp xúc với công nhân các bộ phận khác, do đó anh cũng có được cơ sở hiểu biết ban đầu của tính chất công việc các bộ phận khác.
Sau một năm rưỡi làm việc, Brande xin chuyển sang bộ phận sản xuất ghế đệm ô tô. Không lâu sau, anh đã thành thục cách làm ghế đệm. Sau đó anh lại xin chuyển sang bộ phận làm ép lá, rồi bộ phận sản xuất thân ô tô, bộ phận thân vỏ, bộ phận tiện hàn để làm việc. Gần năm năm, anh gần như đã nắm vững công việc của các bộ phận trong xưởng ô tô. Cuối cùng, anh xin chuyển sang làm việc tại dây chuyền lắp ráp.
Bố của Brande không thể hiểu được tại sao anh cứ xin chuyển hết bộ phận này đến bộ phận khác. Ông nói với anh: “Con đi làm đã được năm năm rồi mà chỉ làm toàn những việc nhỏ, con không sợ ảnh hưởng đến tương lai hay sao”.
Anh cười và nói: “Bố à, bố không hiểu rồi, con làm việc không phải để trở thành công nhân của từng bộ phận sản xuất. Mục tiêu của con là trở thành lãnh đạo của cả xưởng, vì vậy con phải bỏ thời gian để tìm hiểu quá trình sản xuất một chiếc ô tô. Con đang tận dụng thời gian để học, không phải chỉ học cách sản xuất một chiếc đệm ghế, mà sản xuất hoàn chỉnh một chiếc ô tô.
Khi Brande nhận thấy mình đã đủ sức lãnh đạo anh mới bắt đầu lộ diện. Do từng làm việc qua các bộ phận nên anh hiểu rõ cách chế tạo từng linh kiện, cách phân biệt các linh kiện tốt xấu, nên anh làm việc ở dây chuyền lắp ráp hết sức thuận lợi. Không lâu sau, Tom trở thành người công nhân xuất sắc nhất ở dây truyền lắp ráp, anh được tăng chức làm trưởng ca, chỉ đạo mười lăm công nhân khác. Nếu mọi thứ thuận lợi, chỉ trong một hoặc hai năm anh sẽ được thăng chức giám đốc.
Trong công việc, không có việc nào nhỏ đến mức phải bỏ qua, cũng không có việc nào nhỏ đến mức ta không cần chú ý tới. Khi thực hiện của một loại công việc, một người đều có một nhận thức và cách làm khác nhau. Những người không trọng những công việc nhỏ thường có thái độ tiêu cực chỉ làm việc qua loa cho xong nhiệm vụ.
Ngược lại, những người có suy nghĩ tích cực luôn luôn an tâm vào việc, họ coi những việc nhỏ là cơ hội rèn luyện bản thân, cơ hội tìm hiểu tình hình công ty, cơ hội nâng cao kiến thức về nghiệp vụ của mình, tận dụng những cơ hội này nâng cao khả năng tư duy và năng lực phán đoán của bản thân.
Cũng giống như Tom từ những việc nhỏ anh đã thu được những kiến thức hiểu biết về công việc của các bộ phận, đặt nền tảng vững chắc cho mục tiêu đặt ra. Chỉ từ việc sản xuất ghế đệm ô tô thế nào, anh đã nắm vững cách làm một chiếc ghế đệm hoàn chỉnh. Khi giữ vai trò lãnh đạo, anh có thể chỉ bảo những công nhân khác làm thế nào để có thể sản xuất một chiếc ghế đệm tốt nhất. Anh cũng biết tận dụng cơ hội làm mỗi việc nhỏ nhặt để thể nghiệm, để hiểu biết sâu hơn các bộ phận sản xuất khác của xưởng, và từ đó phát hiện những tồn đọng trong công tác quản lý của công ty. Tuy vẫn chỉ là một công nhân, nhưng những kiến thức, những kinh nghiệm của anh đã vượt xa một người công nhân bình thường. Nói cách khác, anh đã thu được những thành quả lớn nhờ những công việc nhỏ, anh đã rèn luyện cho mình năng lực và tố chất lãnh đạo toàn xưởng sản xuất từ những việc nhỏ.
Phần lớn những người thanh niên trẻ mới bước vào nghề, cho dù làm việc ở lĩnh vực nào, làm công việc gì cũng phải trải qua thời kỳ làm những việc nhỏ. Trong thời kỳ đó, họ cũng như những cây nấm vậy, khuất mình trong góc tối, không được sự chú ý của công ty, nhiều khi còn phải chịu đựng những lời chỉ trích, trách móc của ông chủ.
Bất kể những người tài giỏi đến đâu, khi bắt đầu làm việc cũng phải làm những việc nhỏ. Vì vậy, tôi muốn nói với các bạn thanh niên trẻ một điều: Hãy bắt đầu gặt hái thành công từ những việc nhỏ, đừng để lãng phí tuổi thanh xuân của mình.
Tài sản quý giá nhất của thanh niên là thời gian, họ nên tranh thủ thời gian quý giá của mình làm việc, bắt đầu từ những việc nhỏ, để gặt hái thành công về sau.
Bất kể bạn làm việc gì, đáng lo nhất là việc đó tạo thành thói quen cho bản thân mình. Một người cha trách mắng một đứa trẻ vì cậu bé chơi những trò chơi bừa bãi. Cậu bé nói: “Vì mỗi chuyện nhỏ như thế này mà cha cũng mắng con”. Người cha nói: “Nếu chuyện nhỏ này trở thành thói quen của con thì không còn là chuyện nhỏ nữa rồi”. Nếu bạn lười đến mức chỉ chọn những việc nhỏ để làm, tự hình thành tác phong làm thiếu trách nhiệm thì thật đáng lo. Khi trách nhiệm to lớn đặt lên vai, bạn hãy giải quyết công việc bằng một thái độ nhất quán, kết quả nhất định sẽ như bạn mong đợi.
Việc lớn do nhiều việc nhỏ tập hợp lại mà thành, nếu bạn bỏ qua việc nhỏ, chắc chắn sẽ khó giải quyết được việc lớn. Hãy bắt đầu làm từ những việc nhỏ, từ những việc nhỏ rèn luyện ý chí và trí tuệ bản thân, sau đó giải quyết những việc lớn, còn nếu bạn chỉ biết nhìn lên những việc làm khi bản thân không có năng lực làm việc, mãi mãi bạn không bao giờ có thể làm được việc lớn. Thái độ của bạn khi đứng trước việc nhỏ cũng phản ánh được tố chất con người bạn và là đặc điểm phân biệt bạn với những người khác. Hãy giải quyết những việc nhỏ bằng cả tinh thần trách nhiệm của mình, khi bạn có được niềm tin của người khác, nhất định bạn sẽ có cơ hội làm việc lớn.
Công việc của một người, dù tốt dù xấu, dù buồn tẻ hay hấp dẫn đều do chính tay họ làm nên. Mỗi việc họ làm cũng vậy, dù nhỏ đến đâu, dù chỉ là viết một bức thư, bán một sản phẩm hay gọi một cuộc điện thoại đều có thể nói rõ việc đó có tốt hay không. Còn ông chủ chỉ nhìn vào những việc bạn làm để đánh giá bạn mà thôi.
Vì vậy cho dù bạn đang trong giai đoạn thử việc công việc của bạn chỉ là những việc nhỏ nhặt thì cũng hãy toàn tâm toàn ý làm tốt công việc đó. Chỉ có làm tốt từ những việc nhỏ mới làm bạn trưởng thành hơn trong công việc, đồng thời bạn mới có được cơ hội thăng chức hoặc tăng lương. Dù bạn chỉ là một nhân viên bán hàng, hay chỉ là một người sản xuất máy móc, nếu bạn muốn trở thành giám đốc, thì trước tiên hãy làm thật tốt việc của mình, thậm chí phải vượt qua những người khác, bạn nhất định sẽ có cơ hội.
Không có việc nào nhỏ nhặt. Bất cứ việc gì, dù nhỏ đến đâu cũng xứng đáng để chúng ta làm, xứng đáng để chúng ta nghiên cứu. Cho dù việc bạn đang làm chỉ là một việc hết sức bình thường, bạn cũng hãy làm việc chăm chỉ bằng tất cả nhiệt tình của mình, hãy nghĩ làm thế nào để giải quyết một cách tốt nhất công việc đó, cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, tạo thành một thói quen tốt cho bản thân.
Rất nhiều người xuất phát cùng chúng ta, cùng chúng ta làm những việc nhỏ nhưng sau đó họ lại có địa vị cao hơn, lý do rất đơn giản họ không coi những việc họ đang làm là nhỏ nhặt mà ngược lại, họ luôn luôn tự nhắc nhở mình: Việc lớn đều từ những việc nhỏ hợp lại mà thành.
3. Hãy làm việc với ý thức trách nhiệm cao
Trên bàn của cựu tổng thống Mỹ Harry Truman luôn đặt một chiếc biển, trên biển đề dòng chữ “Book of stop here” . Nếu khi làm việc bạn luôn mang một ý nghĩ “Book of stop here” để giải quyết công việc, ngay khi gặp khó khăn nhất cũng không ngại, tìm cách tháo gỡ, cải thiện tình hình, bạn đã trở thành một người đáng kính trọng.
Chúng ta thường nghĩ chỉ cần đi làm đúng giờ, tan sở đúng giờ, không đi muộn, không về sớm đã là tôn trọng công việc của mình, mỗi tháng đã có thể yên tâm đi lĩnh lương. Kỳ thực yêu cầu về thái độ tôn trọng công việc rất nghiêm khắc. Một người dù làm bất cứ nghề nghiệp gì, cũng nên có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công việc của mình, đó mới thực sự là tôn trọng công việc.
Mọi người đều phải có trách nhiệm với công việc, với gia đình, người thân và bạn bè mình, bởi chỉ khi có trách nhiệm, người ta mới hạn chế được những hành động của mình. Nhà xã hội học David đã nói: “Khi con người ta đánh mất đi trách nhiệm với xã hội nghĩa là họ đã đánh mất đi cơ hội sinh tồn trong xã hội đó”.
Công việc tức là trách nhiệm. Mỗi nhiệm vụ bạn được giao là một phần trách nhiệm. Khi bạn làm việc tức là bạn đã chịu trách nhiệm về công việc đó, vì vậy hãy có trách nhiệm với những công việc bạn đang gánh vác.
Tinh thần trách nhiệm và trách nhiệm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm là một sự phụ trách và đảm đương một nhiệm vụ nào đó, còn tinh thần trách nhiệm là thái độ của một người với công việc và công ty của họ, hay cũng gọi là ý thức trách nhiệm. Ý thức trách nhiệm là khái niệm đơn giản nhưng vô giá. Người ta nói rằng trên bàn của cựu tổng thống Mỹ Harry Truman có một cái biển đề mấy chữ “Book of stop here” (Trách nhiệm yêu cầu không được trì hoãn).
Mức độ tinh thần trách nhiệm của một người quyết định mức độ thái độ của anh ta làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc của anh ta. Nếu như khi làm việc bạn cũng luôn nghĩ “Book of stop here” khi gặp khó khăn cũng không ngại tìm cách giải quyết, bạn đã thực sự trở thành một người đáng kính.
Khi chúng ta có được tinh thần trách nhiệm cao với công việc, chúng ta có thể học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và cũng từ đó tìm thấy niềm vui. Thói quen làm việc như thế này không cho bạn thấy ngay kết quả trước mắt, nhưng có thể khẳng định thói quen lười nhác phá huỷ công việc. Mọi người sẽ coi thường công việc và nhân cách của bạn khiến nó trở nên tầm thường. Công việc là một phần của cuộc sống, một công việc tầm thường cũng tạo ra một cuộc sống tầm thường, nó kéo lùi thành tích công việc và làm cho người ta mất đi khả năng làm việc. Một người chỉ biết đầu cơ trục lợi trong công việc chỉ gây cho công ty một phần tổn thất, nhưng lại phá huỷ cả cuộc đời người đó.
Những người thợ mộc và những người đóng gạch vô trách nhiệm, tạo ra những sản phẩm kém chất lượng dùng để xây nhà, ngôi nhà đó sẽ không thể đứng vững trong phong ba bão táp, những bác sỹ vô trách nhiệm không muốn tốn nhiều thời gian học phẫu thuật, gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, những luật sư vô trách nhiệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường không chịu bồi dưỡng năng lực làm việc, lãng phí tiền bạc của những người theo kiện, những nhân viên quản lý tài chính vô trách nhiệm, vô ý thức viết sai một con số làm thất thoát bao nhiêu tài sản của công ty. Những người chỉ vì sự vô trách nhiệm đã làm tổn hại đến khách hàng và công ty cũng đã tự tước đi tư cách làm việc của mình.
Tinh thần trách nhiệm là động lực vô cùng mạnh mẽ giúp chúng ta vượt qua bao khó khăn thử thách tạo công việc, cho chúng ta sức mạnh vượt qua những nhiệm vụ tưởng chừng không thể vượt qua. Một khi mất đi tinh thần trách nhiệm, bạn sẽ mất đi khả năng giải quyết mọi công việc cho dù đó là công việc bạn thành thạo nhất.
Câu chuyện nhỏ sau đây chứng minh điều đó: Thành Nam cả đời làm thợ mộc, do ông làm việc chăm chỉ và luôn coi trọng nghề nghiệp của mình nên được ông chủ hết sức tín nhiệm. Do tuổi đã cao, Thành Nam xin ông chủ nghỉ việc về nhà xum vầy cùng gia đình. Ông chủ không muốn cho ông đi chút nào nhưng ý ông đã quyết, không thể thay đổi. Ông chủ đành phải chấp nhận đề nghị của ông nhưng chỉ hy vọng ông có thể giúp xây một ngôi nhà cuối cùng trong cuộc đời làm thợ. Thành Nam không thể từ chối lời đề nghị này nhưng ông không để tâm chút nào vào công việc của mình. Ông làm việc qua loa đại khái cho xong việc, nguyên liệu xây dựng cũng không được lựa chọn kỹ càng, động tác cũng không khéo léo như xưa nữa. Khi ngôi nhà được xây xong, ông chủ đưa cho Thành Nam chìa khoá và nói:
Đây là món quà tôi tặng ông, hãy cầm lấy, đây là nhà của ông.
Thành Nam lúc này mới ngớ người. Cả đi ông đã xây dựng biết bao ngôi nhà rực rỡ và sang trọng, cuối cùng lại xây cho mình một ngôi nhà cẩu thả như vậy.
Cùng một con người, vừa có thể tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, cũng đồng thời có thể tạo ra những sản phẩm xấu, không phải vì kỹ năng suy giảm mà chính là sự mất đi của tinh thần trách nhiệm. Nếu một người hy vọng mình có được một cuộc sống tốt, hãy gieo trong mình hạt mầm trách nhiệm, hãy biến tinh thần trách nhiệm thành nguồn lực không ngừng đốc thúc, cổ vũ bản thân. Rất nhiều người nói, chỉ những người có quyền lực mới có tinh thần trách nhiệm, còn bản thân chỉ là một nhân viên bình thường, chỉ cần hoàn thành công việc của mình là được, không cần tinh thần trách nhiệm cũng chẳng sao. Thực ra, công ty là do nhiều người hợp lại, mọi người đều có mục tiêu và lợi ích chung. Mỗi người trong công ty đều có trách nhiệm với sự tồn vong của công ty. Vì thế bất kể những người có vị trí cao hay thấp đều phải có tinh thần trách nhiệm.
Những nhân viên vô trách nhiệm, không biết đặt lợi ích của công ty vào lợi ích của bản thân, không thấy lo lăng về những điều làm có ảnh hưởng đến lợi ích công ty, cũng không biết thu hút cho công ty mình đội ngũ khách hàng ổn định. Những người này là những người không đáng tin cậy và không thể giao cho những nhiệm vụ quan trọng, họ có thể bị công ty sa thải bất cứ lúc nào, nhưng tôi nghĩ chính họ tự sa thải bản thân.
Một người nhân viên có trách nhiệm không chỉ hoàn thành phần việc của mình mà lúc nào cũng lo cho công ty, mang lợi nhuận về cho công ty, họ luôn được sự tín nhiệm của công ty. Trên thực tế, chỉ khi người ta có ý thức trách nhiệm cao và dám chịu trách nhiệm mới có đủ tư cách nhận được là niềm vinh dự lớn đó.
Mang một tinh thần trách nhiệm cao, nỗ làm việc hay thờ ơ với công việc, bản thân là khác nhau giữa người thành đạt và những người thất bại trong công việc.
Trong một thời điểm hay một khoảng thời gian, chúng ta sẽ có ý thức trách nhiệm nhất định nếu không chúng ta không thể hoàn thành cái việc của mình. Hãy để ý trách nhiệm ăn sâu vào tiềm thức, ăn sâu vào công việc của bạn. Tất nhiên, việc duy trì tinh thần trách nhiệm rất khó khăn vì trong quá trình chúng ta duy trì nó, bên ngoài có rất nhiều sự cám dỗ, mê hoặc. Không phải lúc nào lý trí cũng chiến thắng sự lười biếng.
Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng cho mình tinh thần trách nhiệm. Việc chú ý đến những chi tiết nhỏ trong công việc cũng giúp ích cho việc này rất nhiều. Khi ý thức trách nhiệm đã trở thành thói quen, trở thành cách sống của con người, chúng ta sẽ tự thấy trách nhiệm công việc, người ta sẽ không cảm thấy phiền phức mệt mỏi và khi bạn thấy tinh thần trách nhiệm vẫy gọi, bạn sẽ vì nó mà từ bỏ đi những thứ khác, bạn cũng sẽ cảm thấy việc bỏ chúng đi cũng không khó khăn lắm.
Nguyễn Quang Thái
Từ khóa » Ví Dụ Về Sự Tận Tâm Trong Công Việc
-
ĐỀ Tài TIỂU LUẬN Phân Tích Và Lấy Các Ví Dụ Về Sự Tận Tâm Của Nhân ...
-
Ví Dụ Về Sự Tận Tâm & Tận Tâm Tại Nơi Làm Việc - 2022
-
Hiểu Cơ Bản Về ý Nghĩa Và Vai Trò Của Tận Tâm Trong Công Việc
-
Giá Trị Văn Hóa “Tận Tâm Vì Khách Hàng” - Nhân Kiệt
-
Chia Sẻ Nhận Thức Về Tố Chất Tận Tâm Của Người V&V - Vivicorp
-
7 Chiến Lược để Tận Tâm Hơn Trong Công Việc - Phạm Thống Nhất
-
Bác Sĩ Võ Thành Trung - TẬN TÂM TRONG CÔNG VIỆC ⭐️Khái ...
-
Sếp Phải Làm Gì để Nhân Viên Tận Tâm Với Công Việc 100%
-
"Tận Tâm" Trong Tiếng Anh Là Gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt
-
Nghị Luận Vấn đề: Thành Công Chỉ đến Khi Bạn Làm Việc Tận Tâm Và ...
-
SỰ TẬN TÂM TRONG CÔNG VIỆC Tiếng Anh Là Gì - Tr-ex