TIẾNG HOA GIÚP TRẺ EM PHÁT TRIỂN NHỮNG KỸ NĂNG GÌ?

Nhiều hơn một ngoại ngữ, Tiếng Hoa còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng mềm nào khác?

Chắc hẳn nhiều bố mẹ biết rằng từ 4-10 tuổi được xem là độ tuổi vàng để tiếp cận ngoại ngữ. Khác với người lớn, trẻ em có khả năng bắt chước cách phát âm và tự mình khám phá các quy tắc ngôn ngữ tốt hơn. Lẽ tất nhiên, với đặc thù phát triển não bộ trong giai đoạn này, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cho trẻ cũng sẽ khác cách giảng cho người lớn. Thay vì các nguyên tắc từ vựng và cấu trúc ngữ pháp phức tạp, các bạn nhỏ sẽ được làm quen với các hình ảnh, học cụ trực quan, đầy màu sắc cùng với phương pháp ghi nhớ qua thơ ca hay các trò chơi tương tác, phản xạ. Cách học này giúp mang ngoại ngữ vào môi trường quen thuộc xung quanh bé một cách tự nhiên, kích thích ghi nhớ bằng nhiều giác quan, đồng thời cũng giúp trẻ phát triển tư duy và bổ trợ các kỹ năng mềm khác.Rất nhiều bài nghiên cứu đã chỉ ra việc trẻ học Tiếng Hoa không đơn thuần dừng lại ở việc học thêm một ngoại ngữ, mở rộng cơ hội hội nhập toàn cầu mà còn giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng tuyệt vời khác.

KỸ NĂNG LÀM TOÁN

Đúng vậy, các nhà khoa học đã chỉ ra các điểm tương quan giữa việc học Tiếng Trung và phát triển tư duy Toán học ở trẻ em.

  1. Khi bắt đầu học viết chữ Hán, trẻ sẽ đồng thời học đếm nét ví dụ chữ số 1 (一) có 1 nét, số 2 (二)- 2 nét, số 3 (三) – 3 nét… Việc thực hành đếm liên tục trong lúc luyện viết giúp trẻ hình thành tư duy liên quan đến các con số.
  2. Với bất kỳ ngôn ngữ nào, chúng ta cũng dễ dàng dạy cho trẻ cách đếm số từ 0-10. Khi học đếm trên mười, với 1 số ngôn ngữ ví dụ tiếng Anh, trẻ bắt đầu phải học thêm các từ vựng hoàn toàn mới mà không có sự liên kết với các từ mà trẻ đã học khi học đếm số đơn vị trước đó như 11 (eleven), 12 (twelve), 20 (twenty),…Trong khi đó, Tiếng Trung và tiếng Việt tương đồng ở việc khi học các số đếm từ hàng chục trở lên, trẻ sẽ sử dụng lại các số đã học từ 0-10, ghép chúng lại để có các số lớn hơn và bắt đầu hình thành các khái niệm về phép tính. Ví dụ 12 sẽ ghép 10 và 2 (十二), 21 ghép số 2-10-1 (二十一)…
  3. Cùng với việc học chữ Hán, trẻ cũng hình thành tư duy thêm và bớt (phép cộng và trừ). Ví dụ từ chữ 木(Mù) – Mộc là một cái cây, hai chữ 木 đứng cạnh nhau ra chữ 林 (Lín) nghĩa là rừng, Ba chữ 木 đứng cạnh nhau ra chữ 森 (Sēn) là rậm rạp.

TRÍ TƯỞNG TƯỢNG HÌNH ẢNH

Một bộ phận lớn chữ Hán là chữ tượng hình, chính vì vậy khi học Hán tự đồng thời giúp mở khoá trí tưởng tượng tuyệt vời của trẻ. Ví dụ các chữ điền 田, con bò 牛 hay chữ mưa 雨 … đều sẽ có các kí hiệu giúp liên tưởng đến các hình ảnh thực tế, giúp trẻ dễ dàng ghi nhớ và liên tưởng.

Điểm hay là ở chỗ trẻ vẫn có thể tự tìm tòi các cách ghi nhớ khác, gần gũi với các sự vật sự việc xung quanh, phát huy sự sáng tạo của bản thân. Thông qua việc học tiếng Trung, trẻ cũng trở nên quen dần với việc giao tiếp, diễn đạt thông qua hình ảnh, ký hiệu.

Ngoài ra, mỗi chữ Hán bao gồm nhiều bộ ghép lại với nhau, một cách nào đó khi bạn biến việc học trở thành một trò chơi xếp hình, từng mảnh ghép nhỏ là từng nét/bộ được ghép lại với nhau tạo thành những chữ Hán khác nhau cũng là cách khiến trẻ cảm thấy tò mò và thích thú với môn học này đúng không nào?

KỸ NĂNG CẢM THỤ THANH NHẠC

Tiếng Hoa có 4 thanh điệu với mức độ cao và thấp của âm thanh được phân biệt rất rõ. Trẻ học tiếng Trung càng sớm càng có dễ lặp lại chính xác thanh điệu.

Một nghiên cứu của Đại học California ở San Diego đã chỉ ra mối tương quan mật thiết giữa việc mức độ thông thạo những ngoại ngữ có âm sắc cao thấp và việc đạt được “cao độ tuyệt đối” (perfect pitch) trong âm nhạc. Đạt được “cao độ tuyệt đối” đồng nghĩa với việc bạn có thể tái tạo chính xác giai điệu đã nghe trên một nhạc cụ mà không cần “tìm kiếm” cao độ chính xác.

Cảm thụ âm nhạc tốt giúp trí não trẻ phát triển, tăng cường khả năng tập trung và kiểm soát cảm xúc; đồng thời cũng hỗ trợ nhiều trong việc diễn đạt ngôn ngữ.

KỸ NĂNG SẮP XẾP THỨ TỰ VÀ LOGIC

Mỗi chữ Hán là 1 tổ hợp nhiều nét, ngẫu nhiên ở các vị trí và hướng khác nhau. Vì vậy luyện viết chữ Hán đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của tay và mắt theo nhiều hướng trên dưới, trái phải, trong ngoài với lực tay khác nhau.

Vì đa dạng về hình thức và độ phức tạp như thế nên việc luyện tập chữ Hán giúp trẻ hiểu được để có thể hoàn thành chữ viết một cách trơn tru, các con cần để ý và sắp xếp các chi tiết trong chữ Hán theo thứ tự logic nhất.

Tương tự như khi xếp hình, các con hoàn toàn có thể sáng tạo theo cách của riêng mình để cho ra cùng 1 kết quả, tuy nhiên để thành phẩm được đẹp và vững chãi thì cũng cần có những nguyên tắc logic nho nhỏ, phải không nào?

Học Tiếng Trung với người lớn có lẽ đôi lúc có chút khó khăn khi bạn nhìn vào thấy quá nhiều chữ Hán nhiều nét và sợ rằng khó để nhớ hết. Nhưng với trẻ em, đó là cả một hành trình khám phá đầy thú vị!

Từ khóa » Trông Trẻ Tiếng Trung Là Gì