Tìm Hiểu Về Không Gian Văn Hóa Và Không Gian Văn Hóa Hồ Chí Minh

Trên cơ sở các cách hiểu về khái niệm này, chúng ta có thể hình dung được không gian văn hóa là môi trường văn hóa đặc sắc gắn liền với một không gian cụ thể nào đó, một vùng lãnh thổ cụ thể nào đó, một cộng đồng người cụ thể nào đó, trong một khoảng thời gian cụ thể nào đó…

Trước hết, không gian văn hóa gắn liền với lãnh thổ nhưng có sự linh hoạt nhất định. Thí dụ, khi nói đến không gian văn hóa Việt Nam, chúng ta cơ bản thống nhất đó là vùng lãnh thổ ổn định, được duy trì trong một thời gian dài của người Việt Nam, nhưng không nhất thiết xác định rõ lãnh thổ đó vào thế kỷ XV (vốn cơ bản bao gồm vùng Bắc Trung bộ trở ra Bắc) hay vào thế kỷ XVII (với phần lãnh thổ cơ bản từ Nam Trung bộ trở ra Bắc) hay vùng lãnh thổ hiện nay. Như vậy, việc xác định không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM thì trước tiên phải gắn với phần lãnh thổ về mặt địa giới hành chính ở TPHCM hiện nay, đồng thời có thể nhìn rộng hơn với các khu vực lân cận.

Không gian văn hóa còn gắn với một cộng đồng dân cư cụ thể, với những đặc điểm về dân số, trình độ, điều kiện kinh tế, tập quán, tôn giáo, dân tộc… Đây là các yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên bản sắc của một không gian văn hóa, bởi các dân tộc khác nhau, các nhóm cư dân có điều kiện kinh tế khác nhau, các tín đồ tôn giáo khác nhau… thì sẽ hình thành những đặc trưng về văn hóa riêng. Chẳng hạn, cùng là trồng lúa, nhưng nhóm dân cư trồng lúa nước sẽ có văn hóa khác với nhóm dân cư trồng lúa cạn; cùng là các tín đồ tôn giáo, nhưng người theo đạo Phật sẽ có văn hóa khác với người theo đạo Hồi; cùng sống trên một lãnh thổ có điều kiện kinh tế giống nhau nhưng các dân tộc khác nhau thì có văn hóa khác nhau… Đây có thể coi là yếu tố “đầu vào” của một không gian văn hóa. Do đó, nói không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM sẽ có điểm khác với không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Đà Nẵng hay Cà Mau…

Đảng bộ TPHCM đã xác định sẽ xây dựng Thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên... (Ảnh minh họa. Ảnh: Mai Trần) Đảng bộ TPHCM đã xác định sẽ xây dựng Thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên... (Ảnh minh họa. Ảnh: Mai Trần)

Vận dụng quan điểm duy vật biện chứng, các sự vật, hiện tượng đều có tính lịch sử cụ thể. Do đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM năm 2020 sẽ có nhiều điểm khác với không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM vào năm 2030, do những thay đổi về các yếu tố “đầu vào”. Sự thay đổi này phần nhiều là tự nhiên, do sự biến động của các yếu tố mang tính khách quan, như kinh tế, dân số, môi trường sống…, cùng những tác động nhất định của thượng tầng kiến trúc, như pháp luật, tư tưởng…

Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng TPHCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Điều này có nghĩa rằng, tại địa bàn TPHCM sẽ dần hình thành một không gian văn hóa mang tên Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng, gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (về tư tưởng, đạo đức, phong cách…) và của người dân thành phố mang tên Bác. Tức là, trên cơ sở đặc điểm về điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử, tập quán… của mình, người dân TPHCM sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân thành phố.

Thí dụ, ở không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, nhất định phải có đời sống kinh tế phát triển ở mức cao; chất lượng sống của người dân phải được bảo đảm; việc thực hành các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được thực hiện thường xuyên và đạt được hiệu quả cụ thể; lòng yêu kính đối với cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp vĩ đại của Người phải được thể hiện rõ nét trong nhận thức, hành động…

Khu vực trước Công viên Tượng đài Bác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Vân) Khu vực trước Công viên Tượng đài Bác trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Vân)

Ở không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong các hoạt động phục vụ nhân dân, đội ngũ cán bộ công chức phải tự giác thực hành quan điểm của Người là “việc gì có lợi do dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Hay ý thức thực hiện các biểu hiện đạo đức cách mạng gồm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư luôn được tự giác thực hiện và xem đó là công việc thường xuyên của tất cả mọi người, chứ không cần cân nhắc điều đó có lợi gì cho bản thân thì mới thực hiện.

Khi văn nghệ sĩ sáng tác một tác phẩm về Bác Hồ, phải thực sự xuất phát từ tấm lòng yêu kính của bản thân đối với Bác, chính sự rung động đã chuyển hóa thành con chữ, thành nốt nhạc, thành ca từ… Có nghĩa là, mọi thứ cảm nhận về Bác, làm theo Bác đã đi vào chiều sâu, đã thấm vào từng tế bào và sẽ “bật ra” một cách tự nhiên thành hành động, thành lời nói, thành tác phẩm…

Dĩ nhiên, đó là mức độ có thể coi là rất cao về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, một khi đã được triển khai thực hiện dài lâu, bằng nhiều cách thức phù hợp, bằng sự hưởng ứng của đông đảo người dân thành phố. Điều đó hoàn toàn không phải thoát ly thực tiễn bởi các biểu hiện về nhận thức, tình cảm, hành động… liên quan đến Hồ Chí Minh của người dân thành phố hiện đã hình thành những đặc điểm rất tiến bộ, nhất là sau gần 15 năm thực hiện các chỉ thị của Trung ương về việc học tập và làm theo gương Bác.

Chính văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố đã nêu: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”. Điều này khẳng định, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với các đặc điểm riêng có của thành phố đã được hun đúc, kết tinh và biểu hiện qua thực tiễn, như các yếu tố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình… Tức là, cần tiếp tục làm đậm, làm dày hơn các yếu tố đó kết hợp với việc tiếp tục học tập và làm theo gương Bác có chiều sâu thì sẽ hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Người!

Từ khóa » Khoảng Không Gian Nghia La Gi