TRỌNG NGHĨA Hay TRƯỢNG NGHĨA

TRỌNG NGHĨA hay TRƯỢNG NGHĨA ?

SỬA TRỌNG NGHĨA RA TRƯỢNG NGHĨA CÓ PHẢI VÌ KỴ HUÝ KHÔNG?

* Nguyễn Quảng Tuân

Các bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm hầu hết đều chép hai câu 309 - 310 như sau:

và các bản quốc ngữ đều đã phiên âm là:

Chiếc thoa nào của mấy mươi,

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao !

Hai câu ấy đến nay đã trở thành quen thuộc và tưởng không có vấn đề gì phải đặt ra nữa.

Nhưng rồi, năm 1996, bà Thụy Khuê ở Paris có phỏng vấn giáo sư Hoàng Xuân Hãn về việc cụ nghiên cứu Truyện Kiều và bài ghi chép thâu băng ấy đã được đăng trên tờ Hợp lưu số 29 ra tháng 6 và 7.

Trong đoạn nói về hai chữ TRƯỢNG NGHĨA cụ đã cho biết: vì Nguyễn Du có người chú tên là Nguyễn Trọng nên trong gia đình kiêng chữ “trọng” mà đọc ra chữ “trượng”. Cụ nhận xét rằng:

«Bản mà tôi thấy TRƯỢNG NGHĨA KHINH TÀI ấy thì chắc là nguyên văn ngay từ lúc đầu cụ Nguyễn Du viết ra, rồi sau người ta chữa chữ TRƯỢNG ra chữ TRỌNG.» và cụ cho đó là một trong những lý do để tin rằng bản Duy Minh Thị in năm 1872 đã được sao chép từ một bản nôm cổ.

Nhận định này đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn tán đồng và xác minh thêm.

Trong quyển Tư liệu Truyện Kiều Bản Duy Minh Thị - 1872,[1] Giáo sư đã có nhận xét:

«Một mình bản này (tức bản DMT) không dùng “trọng nghĩa” mà dùng “trượng nghĩa”. Đó là lối nói ở dòng họ Nguyễn Du để kỵ húy tên ông chú Nguyễn Du.» (trang 412)

Giáo sư còn cho biết thêm: Về cách viết chữ Hán thì trọng nghĩa 重義 khác hẳn với trượng nghĩa 仗義 nên không thể có sự nhầm lẫn được.

Và Giáo sư cho là: «Có thể tin rằng, trường hợp này, ở văn bản thế nào thì chắc thợ cũng khắc đúng như vậy

Giáo sư lại đặt giả thiết, nếu văn bản cổ vốn là chữ “trọng” thì Duy Minh Thị nếu biên tập cũng không sửa chữ “trọng” thành chữ “trượng” mà chỉ cho in lại đúng như trong văn bản cổ.

Giáo sư còn nhận định thêm rằng: «Viết thành hai chữ trượng nghĩa 仗義 cũng không phải là một cách viết sai vì lối nói đó là một kết cấu vốn đã có trong tiếng Hán nhưng nó hiểm hóc hơn, ít dùng ở tiếng Việt hơn, so với trọng nghĩa

Giáo sư đã giải thích rất kỹ về quan điểm của mình trong bốn trang (từ trang 548 đến trang 551) để tán đồng với nhận xét của cụ Hoàng Xuân Hãn.

Chúng tôi xin được trao đổi một đôi điều về kết luận của Giáo sư đối với ý kiến của cụ Hoàng Xuân Hãn.

Trước hết, theo thiển ý, nếu vì kỵ húy tên ông chú Nguyễn Du là Nguyễn Trọng thì tất cả các chữ TRỌNG trong Truyện Kiều đều phải đổi là TRƯỢNG và tên gọi của Kim Trọng cũng phải đổi là Kim Trượng, không lẽ gì lại chỉ đổi có mỗi chữ “trọng nghĩa” thành “trượng nghĩa”.

Chúng tôi xin liệt kê những câu có chữ “trọng” như sau:

Vân xem trang trọng khác vời (c.19)

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh (c.148)

Thấy nàng hiếu trọng tình thâm (c.609)

Thương vì hạnh, trọng vì tài (c.1469)

Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương (c.1900)

Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non (c.2327)

Có quan tổng đốc trọng thần (c.2451)

Sao bằng lộc trọng quyền cao (c.2497)

Chúng tôi lại thấy có một điều nhận xét của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn rất xác đáng, đó là việc «viết thành hai chữ Hán TRƯỢNG NGHĨA 仗義 cũng không phải là một cách viết sai» và «lối nói đó là một kết cấu vốn đã có trong tiếng Hán, nhưng nó hiểm hóc hơn, ít dùng ở tiếng Việt hơn, so với TRỌNG NGHĨA 重義

Nếu chúng ta xem lại các từ điển Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta thấy các từ điển Hán Việt như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng đều có cả hai từ ngữ trọng nghĩa trượng nghĩa.

Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh ghi:

«Trọng nghĩa khinh tài 重義輕財 Lấy việc nghĩa làm nặng, cho tài lợi làm nhẹ.»

«Trượng nghĩa 仗義 Thấy điều bất bình nổi giận mà muốn can thiệp.»

«Trượng nghĩa sơ tài 仗義疏財 Trọng nghĩa khí, khinh tài vật.»

Nhưng các từ điển Trung Quốc như Từ Nguyên Từ Hải đều không có từ ngữ trọng nghĩa mà chỉ có từ ngữ trượng nghĩa.

Từ Hải đã ghi: 仗義: 謂憑仗義理為行動之根據也。Trượng nghĩa: Vị bằng trượng nghĩa lý vi hành động chi căn cứ dã. (Nói trượng nghĩa là căn cứ vào điều phải mà hành động vậy.)

Quyển Tứ tự quỳnh lâm của Pierre Daudin in ở Sài Gòn năm 1944, có tới 4395 thành ngữ Hán tự nhưng cũng không có thành ngữ trọng nghĩa khinh tài mà chỉ có hai thành ngữ: «Trượng nghĩa nhi động 仗義而動 Agir en se basant sur la justice (Dựa vào lẽ phải mà hành động); Trượng nghĩa chấp ngôn 仗義執言 Tenir sa parole en se basant sur la justice (Dựa vào lẽ phải mà giữ lời hứa).»

Chính quyển Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng không có thành ngữ trọng nghĩa khinh tài mà chỉ có thành ngữ trượng ngãi khinh tài nhưng chữ trượng lại viết là (trọng) đọc theo âm của người miền Nam.

Đến nay, quyển Từ điển Hán Việt của Thương vụ ấn thư quán ở Bắc Kinh in năm 1994 cũng chỉ có từ ngữ trượng nghĩa mà không có từ ngữ trọng nghĩa: «仗義疏財(Trượng nghĩa sơ tài): Trọng nghĩa khinh tài.»

Chính vì vậy mà chúng ta không lấy làm lạ khi thấy Duy Minh Thị khi biên tập hoặc thợ Trung Quốc khi khắc in có thể đã sửa trọng nghĩa thành trượng nghĩa cho đúng với cách nói và cách viết của người Trung Quốc vì sách được in ở Quảng Đông.

Nhưng việc sửa lại ấy không phải là do việc kỵ húy tên người chú Nguyễn Du là Nguyễn Trọng vì chữ TRỌNG ấy không viết là như trong từ ngữ trọng nghĩa 重義 mà lại viết là với bộ nhân .

Chúng ta cũng cần biết tên những người trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền đều viết với bộ nhân.

Thân phụ Nguyễn Du là 阮儼 (Nguyễn Nghiễm), chú là 阮仲 (Nguyễn Trọng), anh là 阮侃 (Nguyễn Khản), em là 阮億 (Nguyễn Ức) và con là 阮伍 (Nguyễn Ngũ). Chính tên của Nguyễn Du 阮攸 cũng viết với bộ nhân.

Chúng tôi đã xem lại quyển Tiên Điền Nguyễn gia thế phổ thì thấy rõ rằng tên người chú Nguyễn Du đã được viết là chứ không phải .

Cụ Hoàng Xuân Hãn đã nhầm tưởng tên người chú Nguyễn Du viết là (bộ ) như trong thành ngữ 重義輕財 (trọng nghĩa khinh tài) nên mới cho rằng Nguyễn Du vì kỵ húy đã viết chữ (trượng) thay cho chữ (trọng).

Sự thực thì tên người chú Nguyễn Du lại viết khác hẳn với bộ nhân chứ không phải với bộ .

Điều trớ trêu nữa, đáng nói thêm ở đây là Huỳnh Tịnh Của trong quyển Đại Nam Quốc âm tự vi lại viết sai tên Kim Trọng là 金仲 (bộ nhân). Đúng ra Kim Trọng phải viết là 金重 (bộ ).[2]

Vậy để kết luận cho bài viết này, chúng tôi xin được minh xác rằng:

1. Tất cả các bản nôm khắc in ở trong nước đều chép là “trọng nghĩa khinh tài” 重義輕財 chỉ có bản Duy Minh Thị khắc in ở Quảng Đông - Trung Quốc mới sửa lại là “trượng nghĩa khinh tài” 仗義輕財.

Điều này cũng dễ hiểu vì “trọng nghĩa khinh tài” là lối nói và viết thông dụng ở Việt Nam còn “trượng nghĩa khinh tài” hoặc “trượng nghĩa sơ tài” là lối nói thông dụng của người Trung Quốc.

2. Nguyễn Du lúc đầu không viết “trượng nghĩa khinh tài” vì chữ trọng trong“trọng nghĩa khinh tài” đâu phải chữ ghi tên người chú của cụ vốn là (Trọng, viết với bộ nhân). Hai chữ ấy có tự dạng và ý nghĩa khác hẳn nhau nên cụ đâu cần phải viết kỵ húy như cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét.

Với những lý lẽ trên, chúng tôi xin được trao đổi một vài ý kiến với Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn để có thể “cuối cùng thấy được đúng sự thật” như lời giáo sư nói.

Nguyễn Quảng Tuân

Chú thích

[1] Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.

[2] Kim Trọng 金重 là chữ Hán thì phải viết cho đúng mặt chữ không như chữ Nôm chỉ cần viết cho đúng âm. Hai chữ 金重 (Kim Trọng) nếu ghép lại thì thành chữ (chung), ý nói chung tình.

Chữ (Trọng) nếu chiết tự ra thì gồm có chữ (thiên) và chữ (lý), ý nói chàng Kim dầu xa cách Thúy Kiều ngàn dặm vẫn không quên lời thề ước cũ và đến khi đoàn tụ vẫn khăng khăng đòi kết lại duyên xưa.

Nếu viết tên Kim Trọng là 金仲 như Huỳnh Tịnh Của thì vừa sai mặt chữ, vừa mất cả ý nghĩa của tên gọi do Thanh Tâm Tài Nhân đã đặt ra.

Trong hai hồi ở câu mào đầu chính Thanh Tâm Tài Nhân đã gọi Kim Trọng bằng Kim Thiên Lý:

Hồi thứ hai: «Kim Thiên Lý miến đông tường dao định đồng tâm ước» (Kim Trọng ngấp nghé tường đông định buộc câu tâm ước)

Hồi thứ hai mươi: «Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn» (Kim Trọng đau thương chiêu hồn người sống).♣

Từ khóa » Trường Nghĩa Hán Việt Là Gì