Vỡ Lòng Online - VnExpress

Cu cậu theo bà ngoại về quê từ tháng năm và hiện tôi không cách nào đón con về Hà Nội được. Cháu chưa học online bao giờ. Nhà lại chỉ có hai ông bà gần 70 tuổi, không có máy vi tính.

Theo thời khóa biểu của trường, mỗi ngày lớp con tôi phải học qua zoom từ 8.30 đến 10 giờ sáng thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Có lúc, cháu học trên điện thoại của bà, có khi mượn được ipad hay máy tính của anh chị em họ quanh đó nếu không trùng giờ học của nhau.

Thằng bé cứ tập trung được chừng năm đến 10 phút, nếu không có người ngồi cạnh, sẽ chực chạy đi chơi. Lúc thì đi vệ sinh, lúc đi uống nước, lúc ngó lơ, hí hoáy tay chân không ngừng. Giải pháp chống cháy là ông hoặc bà phải ngồi bên cạnh học cùng luôn, chẳng thể làm được việc gì khác.

Qua màn hình, cô giáo chủ nhiệm dạy bọn trẻ nhận biết số, chữ, tập đọc, tập viết, kỹ năng sống. Trong một tiếng rưỡi, các cháu ngồi nghe cô giảng rồi hì hụi tô, viết, nối, rồi giơ phiếu trước màn hình cho cô kiểm tra.

Mặc dù cô đã giải thích với phụ huynh trong buổi họp trước khi triển khai chương trình rằng việc học qua zoom chỉ để giúp con làm quen với thầy cô, bè bạn. Nhưng thỉnh thoảng vẫn kèm theo "phiếu thực hành" yêu cầu các bé hoàn thành bài tập viết, tập tô, viết chữ, viết số và từ vựng tiếng Anh.

Con trai tôi có thể giao tiếp khi cô hỏi, nhưng dường như cháu vẫn thấy cô và các bạn lạ lẫm. Cháu hầu như không nhớ tên hay mặt các bạn dùng lớp, tất nhiên chưa thể kết bạn với ai.

Học online hơn hai tuần, tay con cầm bút chưa đúng và viết đúng nét tuy cũng đã nhận diện được mặt chữ, mặt số, đánh vần được một phần. Bà ngoại phải trở thành cô giáo bất đắc dĩ của con.

Tôi tưởng tượng, lớp con tôi gồm 35 bạn. Tuần năm buổi học, từng ấy đứa trẻ kèm theo ít nhất nửa số người lớn kèm trẻ trước màn hình, lớp học khoảng 50 người sẽ hiệu quả thế nào?

Việc vào lớp một tưởng chừng rất vui của con thực ra lại đi kèm với cảm giác khó chịu của ông bà mỗi lần giờ học không trôi. Đôi khi ông bà phải gắt lên với cháu để thằng bé tập trung, có lúc quên lịch vào học. Chưa kể, mỗi bạn ở một không gian khác nhau, lớp thường có tiếng ồn. Nhiều bạn không có người lớn hỗ trợ nên không theo kịp bài. Có khi các cháu bị bật khỏi phòng zoom mà không biết vào lại.

Điều tôi lo nhất là con không thấy vui. "Tom không ở Bắc Giang học online, Tom muốn về Hà Nội với mẹ cơ", cháu bảo với bà. Nó khiến tôi tự hỏi, điều gì thực sự quan trọng với một đứa trẻ bắt đầu đi học? Biết là các cháu bắt buộc phải học online vì dịch Covid, nhưng lòng tôi bộn bề lo lắng. Bài học đầu tiên khi bước chân vào lớp vỡ lòng là lời chào, là bỡ ngỡ làm quen bạn và thầy, từng nét bút đầu tiên, con tôi có thiệt thòi?

Nếu lịch học online vẫn theo dự kiến sẽ có cả môn thể dục được dạy online. Tôi chưa thể hình dung cô sẽ dạy 35 đứa trẻ sáu tuổi vận động online thế nào để có cơ thể khoẻ mạnh? Bài thể dục nếu là môn chạy tại chỗ hay động tác đơn sơ còn có thể nhìn màn hình bắt chước, các vận động phức tạp hơn thì học kiểu gì?

Học online không còn xa lạ với thế giới và chúng ta, nhưng việc triển khai học online cho mọi cấp học, lứa tuổi mà không tính đến tính hiệu quả và mặt trái của việc thực thi dường như vẫn khiến phụ huynh còn nhiều trăn trở.

Như từng chia sẻ trong bài viết trước, là một người làm giáo dục, tôi thực sự thấy học online hiệu quả rất thấp với trẻ cấp tiểu học trở xuống. Phương pháp giảng dạy online với trẻ nhỏ bị giới hạn rất nhiều ở việc nghe nói, nhìn và hỏi đáp cá nhân. Chưa kể, tác dụng không mong muốn đi liền với học online là sức khoẻ thể chất, hành vi tâm lý, nhận thức của đứa trẻ, các chứng nghiện thiết bị điện tử, mạng xã hội, games có thể phát sinh.

Tôi tìm kiếm mà chưa thấy một đánh giá khoa học nào về hiệu quả của việc dạy và học online ở các cấp học và vùng miền khác nhau. Chưa có một khảo sát đầy đủ và chính thức của ngành Giáo dục công bố cho giáo viên chúng tôi được biết, tác động tích cực của học online là gì, các nhược điểm cần khắc phục ra sao.

Nhiều giáo viên nỗ lực để chuyển đổi bài dạy truyền thống sang online sao cho phù hợp với học sinh hơn, nhưng không có gì đảm bảo rằng tất cả giáo viên đều giỏi công nghệ và chuyển đổi bài dạy hiệu quả. Tôi cũng chưa thấy một tài liệu hay giáo trình chính thống được điều chỉnh cho dạy online mà Bộ Giáo dục kiểm định và công bố.

Quan trọng hơn, tôi nghĩ về trẻ em lớp một sống ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn còn khó khăn, chúng làm gì có tivi, laptop, máy tính bảng. Thậm chí, nhiều nhà không có điện thoại thông minh, chúng vào năm học mới ra sao? Ngay giữa Hà Nội, những gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không thể mưu sinh, điện thoại, máy tính không có, việc học online cũng bất khả thi.

Học online không chỉ là bài toán giáo dục, nó còn là bài toán kinh tế, xã hội. Chúng ta chưa tiến hành một khảo sát nào để hiểu rõ những khó khăn của mọi gia đình nếu buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn về phương tiện vật chất khi một hay vài đứa con học online. Đặc biệt, các thầy cô cũng phải đối mặt với sức ép lớn khi phải triển khai dạy online cho nhóm tiểu học, chưa kể các sức ép về thành tích và kết quả của năm học. Họ là người đầu tiên hứng chịu phàn nàn của cha mẹ học sinh.

Nhiều cô giáo cùng trường tôi, vừa là mẹ có con đang học online, vừa phải soạn bài và liên lạc với vài chục phụ huynh trong lớp mình dạy. Quay cuồng với việc trường lớp, sai sót trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi. Họ đang chịu áp lực lớn từ nhiều phía, cả áp lực phải dành năng lượng và thời gian cho gia đình mình.

Tham gia giáo dục cho trẻ lứa tuổi từ 6-18 những năm qua, tôi cho rằng, với trẻ lớp một, điều quan trọng nhất không phải nhồi càng nhiều kiến thức càng tốt, không phải đọc vanh vách mọi điều trong sách giáo khoa mà nằm ở sự nắm bắt những giá trị căn bản của một con người, nhận thức sơ khai nhưng đúng đắn về xã hội và hệ giá trị đạo đức chung, cùng cách tư duy rộng mở thay vì lý thuyết giáo điều và "ngoan ngoãn".

Những điều này, hầu hết không nằm trong sách giáo khoa mà hình thành ở sự tương tác giữa học trò với chúng bạn, với thầy cô, trong môi trường thật. Một nghiên cứu về khả năng ghi nhớ ứng dụng tri thức của con người thông qua các phương pháp học của Viện Thí nghiệm đào tạo quốc gia Mỹ cho kết quả: Con người nếu học thông qua nghe giảng chỉ ghi nhớ được 5%, qua đọc đạt 10%, qua nghe nhìn đạt 20%, qua minh hoạ giải thích đạt 30%, qua thảo luận nhóm 50%, qua thực hành ứng dụng đạt 75%, qua dạy lại người khác đạt 90%. Như vậy, sự tương tác người-người quyết định chính hiệu quả của việc học, nhất là những năm đầu đời.

Tôi không ngại để con lùi lại việc vào lớp một nếu học online quá khó thích nghi với cháu. Bởi tôi vẫn nghĩ, đi học phải là niềm vui và muốn con có kỷ niệm đầu đời thật ý nghĩa. Nếu cháu về được Hà Nội, việc vào học online sẽ dễ dàng hơn bởi có mẹ hỗ trợ.

Tôi cũng mong ngành Giáo dục xem xét việc hoãn tựu trường cho trẻ lớp một hoặc nhóm trẻ dưới 10 tuổi. Liệu chúng ta có phải nhất quyết cho trẻ lớp một "đến trường" bằng mọi giá để đạt tiến độ năm học hay không? Tôi nghe bố mẹ kể những năm chiến tranh, trẻ con chúng tôi vẫn khai giảng không đúng ngày 5/9, thậm chí lùi lại vài tháng vì bom đạn, tản cư. Chúng ta thực ra cũng cũng đang trong thời chiến - chiến đấu với dịch bệnh, lùi lại năm học mới với trẻ lớp một, theo tôi hoàn toàn chấp nhận được, nếu chưa có một giải pháp khả thi và thuyết phục.

Bộ Giáo dục cũng có thể cân nhắc một vài giải pháp hợp tình hợp lý và hiệu quả hơn thay vì cương quyết đồng bộ học online cho mọi cấp học, mọi vùng miền và mọi điều kiện sống.

Chấp nhận thực tại, sự khác biệt vùng miền, chấp nhận điều kiện sống khó khăn khi dịch bệnh, để bọn trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự an toàn từ người lớn thay vì tạo thêm áp lực lên những đứa trẻ, phụ huynh và giáo viên, có khó không?

Chu Thị Vân Anh

Từ khóa » Học Vỡ Lòng Là Gì