Bịa Thơ Tài Hơn Vua - Giai Thoại

Tự Đức vốn là ông vua sính thơ, hay khoe thơ mình, nghĩ được câu thơ nào thường vẫn đem đọc cho quần thần nghe và lấy làm tự đắc lắm.Một hôm sau buổi chầu, Tự Đức nói với các quan “Đêm qua trẫm nằm mơ làm được hai câu thơ thật kỳ lạ, để trẫm đọc lại cho các khanh nghe”, rồi đọc luôn:

Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai

Các quan nghe xong đều lấy làm lạ vì chưa hề được nghe lối thơ vừa chữ vừa nôm (*) ấy bao giờ, nhất là những chữ “khề khà”, “lấm tấm” là những chữ biểu cảm tượng thanh, tượng hình rất độc đáo. Cao Bá Quát lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy, thản nhiên tâu:

  • Tâu đức vua, tưởng gì, chứ hai câu ấu thì từ hồi còn để chỏm đi học thần đã nghe được rồi ạ, cả bài có những 8 câu chứ không phải chỉ có 2 câu như đức vua nằm mơ thấy đâu. Nếu đức vua cho phép, thần xin đọc lại tất cả

Tự Đức đang hí hửng về mấy câu thơ độc đáo của mình, không dè lại bị Quát giội một gáo nước lạnh thì tức lắm, tuy nhiên cũng cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ. Quát bình thản suy nghĩ một lát như thể nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng:

Bảo mã tây phong huếch hoác lai Huênh hoang nhân tự thác đề hồi Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai Xuân nhật bất văn sương lộp bộp Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài Khù khờ thi cú đa nhân thức Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

Nghĩa thơ:

Ngựa quí theo gió tây huếch hoác chạy lại Người huênh hoang nhờ cậy dìu về Trong vườn chim oanh hót giọng khề khà Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm Ngày xuân không nghe thấy sương rơi lộp bộp Tiết thu chỉ thấy mưa bài nhài Câu thơ khù khờ nhiều người biết Lại còn khệnh khạng đem ra hỏi tú tài

Bài thơ vừa dứt cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình nhưng cũng phải phục tài của Quát.

(*) Thơ dùng chữ Hán Việt gọi là thơ chữ, dùng chữ thuần Việt là thơ nôm

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Từ khóa » Khề Khà Ngữ