Cảm Nhận: Họa Quốc (TTK) - Neiki

Tên: Họa quốc

Tác giả: Thập Tứ Khuyết

Thể loại: Cổ đại, Cung đấu, Nữ cường, HE

***

Phải nói là đã rất lâu rất lâu rồi tôi mới đọc được một bộ hay như thế này! Cực kỳ tâm đắc luôn! Có mưu sâu kế hiểm, có nữ cường tuyệt sắc, có ngược luyến tàn tâm, đặc biệt có một nữ chính là chuẩn nữ phụ và có một anh được mệnh danh là nam chính nhưng không hề yêu nữ chính.

Quá khác biệt, quá tuyệt!

Tôi đã dành hơn 24h liên tiếp để đọc xong bộ truyện này, có nghĩa là tôi đã đọc xuyên suốt một ngày đêm, hoàn toàn không ngủ, bỏ luôn cả luận văn tốt nghiệp dang dở. Thực đáng khen cho sức hấp dẫn của một bộ ngôn tình.

Nói thực 2 chương đầu không hề làm tôi có chút hứng thú nào cả. Tôi đọc rất miễn cưỡng và cũng không để tâm. Cho đến tầm chương 3, nữ chính bộc lộ sự thông tuệ của bản thân khi cứu Tiết Thái, lúc ấy tôi mới bắt đầu ngộ ra: aigoo, đây chuẩn gu của tôi rồi!

Nữ chính Khương Trầm Ngư, cái tên này thực hay, nghe vừa có sự cao sang vừa gần gũi bình dị. Tôi thích nữ chính này, bởi nàng thông minh hơn người, nhưng đúng chuẩn là kẻ mới học xong lý thuyết, thể hiện bản thân, rồi chợt nhận ra tầm nhìn của mình còn quá ư hạn hẹp, chưa đủ thâm sâu, liền lấy đó làm bài học và kinh nghiệm cho sau này. Tôi còn thích nữ chính này bởi nàng là nữ phụ trong chuyện tình của 2 kẻ khác, mà cái chuyện tình ấy lại khắc cốt ghi tâm khiến chính nàng cũng thấy thương tiếc đau lòng. Càng thú vị hơn nữa là cái chuyện tình ấy kéo dài xuyên suốt truyện, khiến nàng chỉ mãi là nữ phụ đứng ngoài một tình yêu, khiến nàng hiện lên trông cô độc biết mấy…

Tác giả dựa vào 2 yếu tố để xác định nam chính. Thứ nhất là tần suất xuất hiện của nhân vật thì Tiết Thái là nam chính. Thứ 2 cũng là người mà tác giả coi trọng, khẳng định là nam chính hơn cả, chính là người mà nữ chính yêu sâu đậm, Cơ Anh.

Trước nói về Cơ Anh. Tôi thực sự không thích nhân vật này, gần như là ghét nhất luôn ấy! Kỳ Úc hầu Cơ Anh là một nam chính điển hình, có trí tuệ, có gia thế, có nhan sắc, có thực quyền và có tình yêu của nữ chính. Anh ta hoàn hảo cực kỳ, từ phong thái ngọc thụ lâm phong đến đối nhân xử thế được cả nước tôn tụng, ngay cả chính hoàng đế cũng coi trọng lời anh ta mười phần. Tác giả cho Cơ Anh mọi thứ tốt đẹp nhất, tạo nên một công tử hoàn mỹ nhất, như một vị thiên tiên lạc xuống cõi trần, nhưng cũng lấy đi một thứ cần có nhất ở một con người, ấy là cái tôi của bản thân. Cũng không thể phủ nhận, lý do quan trọng nhất khiến tôi ghét nhân vật này chính là, anh ta không hề yêu nữ chính.

Quả thực tình yêu của Cơ Anh và Diệp Hy Hòa quả là một tình yêu đẹp và cũng đau đớn đến khắc cốt ghi tâm, nhưng ấy là nếu 2 vị này là nhân vật chính. Đây cũng chính là lý do khi biết người yêu cũ của Cơ Anh là Hy Hòa, tôi thực lòng muốn nam nhân vật này chết đi, chết càng sớm càng tốt. Đồng thời hết lần này đến lần khác chỉ mong nữ chính Khương Trầm Ngư chết tâm với anh ta, nhưng đáp lại tôi là nữ chính chẳng thể buông bỏ tình yêu đơn phương này. Đáng tiếc làm sao, khiến cho cả dàn nam nhân còn lại trở nên thê lương dễ sợ, HE mà vẫn thấy khuyết thiếu lắm…

Giờ ngồi nhớ lại nội dung truyện, tôi phẫn nộ với cái anh Cơ Anh này lắm, cực kỳ luôn. Trước nói về mối tình cả đời anh ta: Rõ ràng yêu đến thế, tình yêu cũng đẹp đẽ như thế, nhưng vì nghĩa mà vẫn bỏ tư tình. Ồ, cái này thì tôi thích, bởi phàm là kẻ suy nghĩ bằng đầu óc đương nhiên sẽ chọn như thế, rất hợp logic. Nói thật lúc đoạn quá khứ này lộ ra tôi còn mừng vch, cảm thấy anh ta đáng đời lắm. Còn cái khiến tôi phẫn nộ, chính là vì tình yêu của anh ta quá đỗi hèn mọn, phải, là hèn mọn. Thậm chí tôi còn cảm thấy anh ta không xứng đáng với Hy Hòa, đã chết vì sự cố chấp ngu xuẩn với tình yêu hèn mọn ấy, mà chết rồi vẫn khiến cho người mình yêu phải đau khổ đến phát điên. Cái chết tưởng đẹp đẽ lắm, tôi đây chỉ thấy nực cười, chỉ đáng thương cho những kẻ yêu mến anh ta mà phải sầu khổ suốt quãng đời về sau.

Khương Trầm Ngư là hôn thê của Cơ Anh, vốn là rất đẹp đôi ai ngờ anh ta lại đã có tình yêu thâm căn cố đế. Có lẽ do tôi đọc ngôn tình quá lâu và luôn đặt trọn niềm tin rằng ngôn tình mãi mãi chỉ có thể tồn tại duy nhất một tấm chân tình suốt một đời người, vì vậy tôi hoàn toàn không ủng hộ cặp đôi này. Khi xác nhận điều đó và nhìn lại, bỗng thấy Cơ Anh này thả thính nữ chính cũng quá nhiều đi. Có lẽ anh ta cũng muốn lấy một người vợ rồi sống mãi như thế, song cái kiểu nửa mời gọi nửa hờ hững của anh ta thực làm tôi ngứa mắt. Mà nữ chính – người đã hoàn toàn mờ mắt trước mối tình đơn phương, tôi chỉ biết thở dài. Nàng cứ cố chấp, cứ muốn bước lên vị trí ngang bằng để có thể với tới người trong lòng, dù chỉ hèn mọn làm đồng liêu hay bạn hữu cũng được, liền cố tình lờ đi sự hờ hững lạnh nhạt mà người ấy dành cho mình. Để đến lúc nhìn ra tình yêu đáng được tung hô của 2 kẻ ấy, nàng cũng chỉ đành tự an ủi bản thân, rồi lại hèn mọn đau lòng vì nam nhân ấy. Có đáng không? Nhưng tình cảm đâu thể cưỡng cầu, càng chẳng thể nói buông là buông ngay được, sao có thể nói có đáng hay không!

Cái chi tiết Khương Trầm Ngư đòi Cơ Anh xỏ khuyên tai thực sự rất hay, nhưng cuối cùng lại không được khai thác mấy. Có lẽ bởi xỏ khuyên không đau cũng không chảy máu, nên Trầm Ngư cũng chẳng mấy để ý đến sự thật là Cơ Anh hoàn toàn không muốn cưới mình. Nếu cái lỗ tai ấy mưng mủ ngày đêm đau nhức, phải chăng nàng sẽ buông cuộc tình không lời đáp này sớm hơn?

Tiết Thái là nhân vật đáng tiếc nhất. Tỏa sáng từ đầu đến cuối truyện, chỉ vỏn vẹn 8 năm, từ khi còn là cậu bé đến khi thành niên, lại luôn bên cạnh nữ chính, nhưng lại chỉ có thể tỏ tình với nàng rồi chết. Từ một cậu bé thần đồng sống trong nhung lụa và sự tán tụng của người đời, đến một kẻ nô bộc thấp hèn bị sỉ nhục, rồi trở thành một công thần hữu tướng phò tá đế vương. Có thể nói 8 năm của nhân vật này lên voi xuống chó, cứ ngỡ sẽ có một ngày lập lại gia tộc như lời hứa năm 7 tuổi với phế hậu, không ngờ cuối cùng lại chọn cách đứng sau người mình yêu, thay nàng giải quyết những chuyện đen tối đằng sau ngôi vị cửu ngũ, rồi không cam lòng mà ra đi khi mới 15 tuổi. 15 tuổi, nữ chính bước vào ván cờ này, bắt đầu tranh đấu; 15 tuổi, Tiết Thái kết thúc ván cờ này rồi ra đi mãi mãi, tạo một tương lai tốt đẹp nhất cho nàng. Một Tiết Thái mặt búng ra sữa nhưng lời nói cay độc, một Tiết Thái trẻ con nhưng cố chấp không nhường nhịn nàng, một Tiết Thái thành niên tặng nàng lời tỏ tình chân thành nhất. Tiết Thái nói, hắn không phải trẻ con, không thích bị coi là trẻ con dù hắn chưa đầy 10 tuổi. Tiết Thái nói, hắn ghét số 8, bởi đó là khoảng cách tuổi giữa hắn và nàng. Tiết Thái nói, nếu hắn sinh sớm 8 năm, vậy người xứng với nàng nhất không phải Cơ Anh mà nên là Tiết Thái hắn. Tiết Thái nói, cho dù hắn thần thông, nỗ lực trưởng thành gấp ba lần người khác thì vẫn không vượt qua nổi 8 năm này. Tiết Thái nói, biết nàng gặp gỡ Hách Dịch, hắn ghen muốn chết. Tiết Thái nói, lấy chồng đi Trầm Ngư. Tiết Thái nói, hắn không muốn nàng trông thấy bộ dạng sắp chết của hắn, vì sợ nàng sẽ gặp ác mộng, cho nên nàng không được nhìn. Tiết Thái nói, có thể gặp lại nàng, hắn rất vui… Không một lời yêu, lại dài dòng như thế, nhưng sao lại làm tôi muốn khóc! Nhóc con Tiết Thái này chẳng đáng yêu gì hết, rõ ràng xuất hiện rất nhiều, nhưng lại âm thầm lặng lẽ như một cái bóng, muốn ngược chớt tôi sao. Dù đã đoán ra cái tình cảm này rồi, cuối cùng vẫn không nhịn được mà nghẹn ngào…

Chiêu Doãn là nhân vật tôi thích và cũng thấy rất hợp với Trầm Ngư. Một đế vương khôn ngoan, có chính kiến, có hoài bão, có quyết đoán, có tàn độc và quan trọng là biết trị quốc, kết hợp với một hoàng hậu có mưu biết tiến biết lùi như Trầm Ngư chẳng phải là tuyệt phối sao? Trong gia đình quân vương, tình yêu là thứ khó cầu nhất, huống hồ là 2 kẻ đứng đầu thiên hạ. Nếu Trầm Ngư không yêu Cơ Anh, chắc chắn Chiêu Doãn và Trầm Ngư sẽ là một đôi đế hậu tuyệt vời, lâu ngày đảm bảo sinh tình. Cũng tiếc cho một Chiêu Doãn không có cơ hội sửa sai, lúc hắn rơi lệ rồi chết thực sự làm tôi sốc, tự hỏi: một kẻ cuồng vọng như vậy cứ thế mà chết đi sao? Chiêu Doãn này thực chất còn đáng khen hơn Cơ Anh, bởi hắn sống rất thật với lòng, dù cái thật này của hắn là sự bất hiếu bất nghĩa và ích kỷ nhất. Nhìn lại, Chiêu Doãn cũng là một kẻ đáng thương. Mang danh hoàng tử nhưng sống như ăn mày, bị sỉ nhục bị chà đạp đủ đường, cuối cùng trơ mắt nhìn mẹ từng chút một chết đi, rồi bỗng một ngày phát hiện cái tuổi thơ nhục nhã ấy là do gia tộc mình ban cho, xuất hiện một ca ca xuất chúng muốn phò tá hắn lên ngôi,… tất cả hình thành nên một nhân cách méo mó và sự hận thù sâu sắc với những kẻ mang danh ruột thịt nhưng tàn nhẫn ấy. Cơ Anh đau khổ than rằng chỉ vì anh ta không phải là đứa trẻ bị đưa đi năm đó nên giờ phải nhường mọi thứ cho Chiêu Doãn, mà Chiêu Doãn cũng đau đớn gào thét vì sao anh ta lại là kẻ bị đưa đi. Nhìn vào tuổi thơ của Cơ Anh, Chiêu Doãn đố kị và đòi nợ cũng là lẽ tất nhiên, cộng thêm thù hận và những giai nhân yêu thích Cơ Anh quá xuất sắc, nếu tôi là Chiêu Doãn thì cũng sẽ cướp vợ của Cơ Anh, huống hồ Chiêu Doãn thực sự yêu thích Diệp Hy Hòa thật lòng.

Từ đây nhìn ra, kẻ gây ra một tràng yêu hận này chính là Cơ Anh. Vậy họa quốc phải là chỉ Cơ Anh mới đúng!

Trong dàn nam phụ có 3 nhân vật phải nhắc đến là Nghi vương Hách Dịch, Trình quốc tam hoàng tử Di Phi và Yên vương Chương Hoa. Hai ông vương Hách Dịch với Chương hoa hầu như lúc nào cũng dính líu làm tôi cứ ship cặp này mãi, ai ngờ sau nữ chính lại lấy Hách Dịch, thật là tan vỡ cõi lòng hủ nữ. Nghi vương Hách Dịch xuất hiện rất thú vị, cũng rất hài hước, nhưng phần cuối khi để Trầm Ngư gả cho hắn thì lại cảm thấy thiếu thiếu, bởi tình cảm hai người này chưa sâu, nhất là phía Trầm Ngư. Còn tiếc là tôi tiếc anh Di Phi kia, đủ vô sỉ đủ biến thái, thế mà cuối cùng chẳng có tí đoạn tình nào với nữ chính. So với Hách Dịch thâm tình thì tôi thích cái kiểu lạc loài của Di Phi hơn.

Về những nhân vật còn lại: Giang Vãn Y tưởng sẽ thích nữ chính cuối cùng vẫn thấy nhập nhằng với Hy Hòa, nhưng tính cách anh này không dứt khoát nên tôi không thích. So với Giang Vãn Y thì Phan Phương giống sư huynh trưởng bối của nữ chính hơn, có sự chở che cùng cưng chiều. Sư Tỷ là nhân vật mờ nhạt nhất, nhưng lúc ở Trình quốc biết được Cơ Anh lợi dụng nữ chính, tôi thật mong nữ chính chết tâm với anh ta, rồi đưa Sư Tỷ đi chăm sóc hắn nương tựa hắn cho yên ổn một đời. Khương Họa Nguyệt đầu truyện có vẻ khôn ngoan, đến cuối truyện khi muốn giết Trầm Ngư thì lại chứng tỏ là một kẻ não tàn. Diệp Hy Hòa là cường nữ có xu hướng tiêu cực, tính cách rất thú vị, nếu không vì cái chết của Cơ Anh thì có lẽ vẫn sẽ sống buông thả thoải mái đến cuối đời, chứ không phải điên điên dại dại rồi phải chết. Hoài Cẩn là một nha hoàn trầm ổn và quá trung thành, đúng là một nha hoàn hoàn hảo nhất. Di Thù được xây dựng khá đặc sắc, nhưng chờ đến cuối lại không thấy cuộc đấu chính thức với nữ chính. Khương Trọng là nhân vật có nhiều vốn liếng nhất, nhưng truyện lại đề cao mấy người trẻ quá, thành ra ông này bày tài năng chưa sâu đã không còn đất diễn.

Đến cuối cùng này phải nói về mấy cái tên: Hách Dịch – phiên âm kiểu này thấy khó gần với gàn dở vđ, A Ngu – miễn cưỡng chấp nhận được, Sư Tỷ – mỗi lần nhìn tên lại cứ nhầm anh này giới tính nữ, và cuối cùng là tiểu Hồng – cái tên nghe nhà quê dễ sợ, đã thế còn đặt cho đàn ông. Thật tình…

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Họa Quốc Thập Tứ Khuyết Review