[Review] Họa Quốc – Thập Tứ Khuyết - Không Gì Là Hoàn Hảo
Có thể bạn quan tâm
Mình biết đến Thập Tứ Khuyết qua tập truyện ngắn Thất Dạ Đàm. Sau đó thấy văn phong của tác giả dễ thương, nên quyết định đọc tiếp vài tác phẩm khác. Tác phẩm thứ 2 mình đọc là Rừng Hổ Phách – quả thật cũng là một tác phẩm hay, và rồi khi thấy truyện Họa Quốc của chị 14, mình không ngờ vực gì mà nhảy hố luôn.
Nói thật lòng, cảm nhận của mình ở nửa đầu truyện và nửa cuối truyện khá là trái ngược nhau, nhưng nếu đánh giá thì mình thấy đây cũng là một cuốn truyện khá, dù một vài chi tiết mình không thích lắm, nhưng đó là quan niệm cá nhân thôi.
Truyện khá dài, dù chỉ có hơn 20 chương, nhưng đây là lần đầu mình tốn gần 2 ngày chỉ để đọc truyện, thức đến 3-4 giờ sáng, có lẽ độ dài phải tương ứng với 80 chương bình thường luôn ấy.
Nói sơ qua thì Họa Quốc không hẳn là một cuốn ngôn tình, mà gần giống thể loại sử thi pha yếu tố lãng mạn thì đúng hơn. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là một cô gái tên Khương Trầm Ngư, là con gái Hữu Tướng của một quốc gia giả tưởng là Đồ Bích. Cả truyện là quá trình từ từ trưởng thành của nhân vật chính, qua trải nghiệm về tình yêu, về lẽ sống, về lòng người, về quyền thế, về duyên nợ, mà từ một thiếu nữ khuê các trở thành nữ đế được ghi danh trong lịch sử. Theo cảm nhận của mình, Họa Quốc có khá nhiều điểm cộng, cái hay của câu chuyện là không đi vào lối mòn tập trung vào quá trình yêu đương của nhân vật chính, mà chú trọng vào xây dựng các mối quan hệ đa chiều giữa các nhân vật để thúc đẩy câu chuyện, khiến cho cốt truyện thực tế hơn cũng rộng lớn hơn. Ngoài ra, chất thơ của truyện chắc chắn khiến những ai yêu thơ ca cổ yêu thích, truyện cũng có nhiều trích đoạn điển tích từ văn hóa Trung Hoa, tóm lại rất phong nhã.
Đương nhiên, đã có mác ngôn tình, tất nhiên phải khen chất “tình” của tác phẩm rồi. Cái mình thích ở truyện này là cái tình ở mỗi nhân vật đều có nét riêng. Ví như tình yêu của Phan Phương dành cho Tần nương – dù khắc cốt ghi tâm nhưng không có nghĩa là mãi mãi chìm đắm trong quá khứ. Tình yêu của Trầm Ngư dành cho Cơ Anh, dù không có kết quả, nhưng chính nó đã chắp cánh cho nàng bay cao. Mối tình đẹp nhất, mà bi thương nhất chắc hẳn cặp Cơ Anh-Hy Hòa sẽ giật giải, cả hai đều là những kẻ số khổ, nhưng đến cuối vẫn hướng về nhau hoàn hảo không thay đổi. Tình yêu được thể hiện chân thành và thẳng thắn của Hách Dịch, còn cả tình yêu đơn phương được biết đến quá muộn màng của Tiết Thái, hay tình cảm gần như bệnh hoạn của Chiêu Doãn.
Đó là những điều đáng khen của tác phẩm, và nếu bạn không muốn đọc tiếp mấy cái quan niệm của mình thì dừng ở đây là được, còn sau đây là những điểm khiến mình thấy không thích.
- Xung quanh Khương Trầm Ngư
Khương Trầm Ngư được miêu tả ban đầu gần như hoàn mỹ, vấn đề có lẽ do diễn đạt nên nhiều lúc mình thấy nữ chính hơi lố.
Đơn cử như lúc vừa đến Trình quốc, đoạn Trầm Ngư từ chối lời mời từ Di Phi, rõ ràng nếu muốn thể hiện sự trung lập thì có thể dùng ngôn ngữ khách sáo để từ chối, kiểu như là “Nhị hoàng tử đã cất công ra đón trước, không nên để người ra về tay không”, hay là “ Tam hoàng tử đã đón tiếp hai vị sứ thần, tiểu nữ không dám làm phiền. Việc sắp xếp chỗ ở không thể chậm trễ, xin nhờ Nhị hoàng tử dẫn đường”, v…v. Nhưng cô ấy lại có hành động và ngôn ngữ làm Di Phi mất mặt. Nên nhớ là cho dù thời xưa hay là nay, đã đại diện đất nước ra nước ngoài, mỗi lời nói hành động đều phải cẩn thận, thậm chí có hẳn cả một loạt các quy ước ứng xử ngoại giao đàng hoàng, có công kích nhau cũng phải tươi cười, đâu ra kiểu mới bước chân lên đất người ta mà làm mất thể diện chủ nhà như vậy. Nữ chính muốn thể hiện kiểu này trong thực tế người ta không gọi là ra oai, mà là bị khùng.
Tuy nhiên có đọc tiếp mới vỡ ra là cố ý, tác giả cho Trầm Ngư tự nhận ra rằng cô ấy không hoàn hảo, cô ấy đã quá tự tin, cô ấy còn phải học hỏi nhiều. Chính vì cái biết mình biết người này mà mình có thiện cảm với Trầm Ngư hơn, ưu điểm lớn nhất của Trầm Ngư là lương thiện, biết nghĩ cho mọi người, tư tưởng cai trị rất tiến bộ, ngoài ra cô ấy cũng biết nhận sai và sửa sai.
Càng về sau này thì Trầm Ngư càng điềm đạm hơn, nhưng mình thấy nhân vật vẫn có chỗ nào đó chưa tới. Sau quá nhiều mất mát, hận thù, tưởng như nàng phải trầm ổn hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng Trầm Ngư còn thiếu quyết đoán hơn trước, hầu như dựa dẫm vào Tiết Thái, vẫn giữ ảo tưởng về tình tỷ muội với Họa Nguyệt, có xu hướng trốn tránh hiện thực. Có lẽ tác giả muốn miêu tả một người phụ nữ phong quang rực rỡ nhưng cô đơn, dù đã nắm quyền sinh sát nhưng vẫn giữ tấm lòng trong sáng, nhưng mình nghĩ cần có bút lực mạnh hơn để diễn tả cho tới một nhân vật phức tạp như vậy, vì lương tâm của một vị đế vương phải khác với lương tâm của một cô tiểu thư khuê các.
- Binh biến Trình quốc
Nhận xét như thế này có vẻ hơi bị khó tính quá, nhưng thực sự là theo mình thấy tác giả viết về đấu đá giành ngai vàng hơi bị cải lương và phi lý. Thực ra không thể nói đây là điểm trừ của tác phẩm, nếu mình đọc tác phẩm sớm tầm 4-5 năm, khi mình chưa lăn lộn đọc các loại sách sử như Sử Ký, Tam Quốc Chí hay là tiểu thuyết chính trị như Game of Thrones thì mình cũng thấy âm mưu trong này là sâu xa lắm rồi. Nhưng lỡ đọc mấy cái trên rồi, nên khi thấy tác giả miêu tả cuộc nội chiến của Trình quốc, mình đã hy vọng nó hoành tráng thế nào, nhưng kết quả là ngoài những chi tiết râu ria cho rườm rà thì diễn biến quá đơn giản chóng vánh. Nội việc dẫn dắt độc giả cũng non, trong câu chuyện Trình Quốc, thì Hàm Kỳ, Lân Tố đều không hề nổi bật, mà người được tác giả chú tâm viết là Di Phi, Di Thù, quá dễ để đoán kết quả, không đoán được quá trình mà thôi. Hàm Kỳ đúng kiểu con hổ giấy, tả rõ ngầu cuối cùng thua lãng nhách. Thời cơ nổi dậy cũng trời ơi đất hỡi, cứ như chẳng có tí chuẩn bị gì, sát giờ G mới triệu tập đế vương hai nước láng giềng để đàm phán. Di Phi, Hàm Kỳ dù biết trước vẫn xách xác đến phủ công chúa ngồi, rồi cũng chẳng hiểu làm sao chỉ sau một phút là xảy ra binh biến mà Di Phi chạy thoát được, trước khi đi còn nhàn nhã ngồi thuyền hoài niệm quá khứ. Chưa kể hội nghị thượng đỉnh thuyết phục Nghi vương và Yên vương quá sức ảo, thề luôn chưa thấy ông nội đế vương nào rảnh rỗi, dễ dụ như ông Chương Hoa và Hách Dịch.
Sau binh biến Trình quốc thì âm mưu lớn thứ hai là việc giết Cơ Anh, đợt này mưu kế trùng trùng, lớp lớp toàn là bẫy, mình thấy việc này tác giả viết ổn hơn hẳn. Nói chung là ngôn tình thì không quá khắt khe thật, nhưng mà một truyện mà yếu tố chính trị giữ phần lớn thời lượng nhưng tác giả viết yếu quá cũng chán.
- Plot twist thiếu đột phá
Sau khi nhai trọn 3 truyện của Thập Tứ Khuyết, mình có thể mạnh miệng nói rằng plot twist chính là đặc sản của truyện chị 14, đặc biệt là twist thân phận.
Nếu bạn chỉ đọc một truyện của tác giả này, rồi đọc truyện của tác giả khác, thì cá chắc bạn sẽ thấy rất độc đáo và sáng tạo. Nhưng nếu cả hai ba truyện đều có cú twist từa tựa nhau, bạn sẽ thấy nhàm.
Mình đọc Rừng Hổ Phách trước, nên mình sẽ lấy Rừng Hổ Phách làm chuẩn (thực ra Họa Quốc được viết trước cơ, nhưng mình cảm thấy Rừng Hổ Phách mượt hơn, có lẽ là viết nhiều chắc tay). Twist trong RHP chỉ có 1 cú ở cuối truyện về thân phận của Hạ Ly, còn Họa Quốc, về gần cuối truyện cả đống twist nhảy ra như thân phận của Đỗ Quyên/con người của cha nữ chính/bí ẩn của Cơ gia/thân phận thật sự của Chiêu Doãn/chuyện Cơ Hốt, và mình đánh giá mức độ như trong RHP là đủ, còn Họa Quốc thì hơi lạm dụng.
À nói rõ hơn là không phải mình chê vì nhiều, mà là nhiều nhưng không hay. Vì kịch bản không chỉ lặp lại ở tác phẩm sau, mà chính trong Họa Quốc, đã cho Đỗ Quyên là chị ruột không được thừa nhận của Trầm Ngư, mình đã nghi nghi rồi, cuối cùng lòi ra vẫn là Cơ Anh với Chiêu Doãn là hai anh em ruột. Lý do này tuy rất thuyết phục, nhưng mà lược bỏ một trong hai sẽ đỡ trùng lặp, hơn nữa, tác giả gán ghép nỗi hận của Chiêu Doãn bằng một cái cớ hơi vô lý. Việc bị bệnh tim đâu phải lỗi của Cơ Anh, thà nói là do Chiêu Doãn ghen tị với tuổi thơ êm đẹp, ghen tị với danh vọng, tài năng và thêm nghi kị công cao lấn chủ thì còn có lý hơn.
Màn trả thù Chiêu Doãn đêm phong hậu hơi bị hài, cứ như màn phá án của Conan, nữ chính biến thành thám tử giải thích hết các bí ẩn , Hy Hòa là người vô tội làm nền kèm hỏi, còn Chiêu Doãn là hung thủ thì ngồi im cho bị vạch tội :v .
Như vậy đấy, 3 lý do trên là những điểm mình thấy khiến cho một tác phẩm như Họa Quốc, vốn nên được đánh giá là rất hay, nhưng mình chỉ rate 3.5/5. Về phần mình, mình vẫn đề cử đọc Họa Quốc cho những ai yêu thích ngôn tình, thích những câu chuyện về mưu lược, bối cảnh tranh đấu nhưng vẫn có những tồn tại mềm mại, lãng mạn và tốt đẹp như tình yêu, tình người, lòng tin. Chúng ta cũng không nên quá khắt khe, nhiều khi đối với nghệ thuật, sự logic cũng được bỏ qua nhờ vẻ đẹp từ những giá trị nhân văn trong đó.
Đọc truyện cho đến giờ vẫn thích Cơ Anh, sự tồn tại của chàng ta như một điều gì đó khác hẳn mọi người, cứ như không thuộc về trần thế, nên mình cũng không thể dùng con mắt bình thường để đánh giá. Chàng ta giữa thế giới lọc lừa dối trá tàn ác bẩn thỉu, vẫn có thể đi đến cuối cùng mà tà áo vẫn không vướng bụi trần. Mình còn nghĩ có khi Cơ Anh đúng là Bạch Trạch chuyển thế, xuống trần để trải nghiệm kiếp sống nhân gian, để hoàn thành sứ mệnh phò tá thiên tử, cứu vớt muôn dân. Trong truyện cũng có nhiều chi tiết ẩn ý như, khi Cơ Anh mất, ngày đó lại là ngày đại cát hoàng đạo trăm năm mới gặp, nhiều năm sau cũng là chàng xuất hiện trong giấc mơ của vị nữ đế, đứng trên một con thuyền thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương trắng, xiêm áo phấp phới, phiêu diêu như tiên, chàng giơ tay khuỵu gối, khom lưng vái lạy Trầm Ngư. Cũng chính vì vậy, nên mệnh kiếp của chàng mới đầy bất đắc dĩ, nếu nói chàng ta nhu nhược thì không hẳn, bởi vì nếu ích kỷ, nếu bướng bỉnh, nếu đấu tranh cho mình, thì đã trải kiếp làm gì, trải qua khổ nạn làm gì? Giống như Bồ tát Vessantara (tiền thân của Phật Thích Ca) bố thí cả vợ con, dù là gây tranh cãi, nhưng nhìn ở góc độ nhân quả cũng là hợp lẽ (haha so sánh cũng không liên quan lắm nhỉ :v ).
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Họa Quốc Thập Tứ Khuyết Review
-
Review Hoạ Quốc – Thập Tứ Khuyết (cảnh Báo Spoiler) | Hikari
-
[Review] Họa Quốc
-
33394 "#Họa Quốc- Thập Tứ Khuyết... - Confession Ngôn Tình
-
Hoạ Quốc – Thập Tứ Khuyết [Review] – Zonny
-
Review Hoạ Quốc – Thập Tứ Khuyết (cảnh Báo Spoiler) - Trangwiki
-
Cảm Nhận: Họa Quốc (TTK) - Neiki
-
Họa Quốc – Thập Tứ Khuyết Review | Vaninguyen
-
[Review] Họa Quốc – Thập Tứ Khuyết | Battle Royale
-
Review Họa Quốc – Một Cách Nhìn Khác | Kinkinotaki
-
Họa Quốc – Trầm Ngư Lạc Nhạn Khuynh Thiên Hạ
-
Review: Họa Quốc – Thập Tứ Khuyết | Khueloan
-
Review: Họa Quốc – Một Truyện Cung đấu Và âm Mưu Xuất Sắc
-
[cd] Họa Quốc - Thập Tứ Khuyết - Truyện Review Ngôn Tình (Cổ Đại)
-
Review And Me - Họa Quốc - Thập Tứ Khuyết - Wattpad