Review Hoạ Quốc – Thập Tứ Khuyết (cảnh Báo Spoiler) | Hikari

hoa-quoc1

Truyện không chỉ tường thuật quá trình đấu đá tranh giành của một cô gái từ một thiên kim tiểu thư cho đến khi xưng đế, những mưu toan chính trị bẩn thỉu, những bí mật quốc gia hồi hộp đến phút cuối, mà còn đan xen vào đó những tình cảm rất thật, rất đời, tình yêu có, tình thân có, tình bằng hữu, tình đồng chí…khiến bạn đọc không thể không tự hỏi, liệu đây có còn là một câu chuyện để giải trí nữa hay không?

Đầu tiên, tôi phải xin lỗi các bạn, vì Hoạ Quốc là một tấn kịch vô cùng đồ sộ, vô cùng phức tạp với tuyến nhân vật đặc biệt nhất từ trước tới giờ, cho nên rất có thể bài review này sẽ được viết một cách lộn xộn, lan man, khó hiểu. Bởi vì đó cũng chính là cảm xúc của tôi sau khi đặt nó xuống: không biết bắt đầu từ đâu, không biết tiếp tục như nào, không biết kết thúc ra sao!

Vậy, xin phép được chọn cách bắt đầu dễ dàng nhất: Nữ chính.

Phải nói trước, câu chuyện này chỉ có duy nhất một nhân vật chính, không có nam chính. Bởi vậy nếu ai đó vốn quen thuộc với một kết cấu truyện luôn có nam nữ song hành, các bạn có thể bỏ qua. Nhưng, đừng bỏ qua.

Nữ chính bắt đầu như vô vàn nữ chính chốn cung đình khác: thiên kim tiểu thư, vì vận mệnh mà buộc phải tiến cung làm phi tử. Từ đây sóng gió ập đến trên đôi vai gầy, nàng buộc phải dùng mưu trí để sống sót dưới hoàng quyền, sống sót trong thâm cung nội viện, đạt đến đỉnh cao rực rỡ. Nhưng điều khác biệt ở Khương Trầm Ngư, đó là nàng không đấu với nữ nhân, mà đấu với nam nhân, đấu với tất cả bậc đế vương trong thiên hạ, cuối cùng tự mình đăng cơ làm Hoàng Đế. Nói đến đây, phải chăng mọi người đều nghĩ đến nhân vật Võ Mị Nương? Xin thưa, Khương Trầm Ngư không giống Võ Mị Nương, nàng ấy khác. Nàng thầm yêu một người, luôn lấy người ấy làm mục tiêu phấn đấu, không cần làm vợ chàng cũng không sao, vậy Trầm Ngư sẽ cùng chàng sánh vai phò tá Hoàng đế. Nàng không lợi dụng ai, không tính kế với ai, không độc ác, không tàn nhẫn, vốn dĩ thiếu đi những thứ này không ai có thể làm Hoàng Đế, nhưng Trầm Ngư may mắn hơn Võ Mị Nương đó là nàng ta có cả thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Có thể nói, việc nàng xưng Đế, chẳng qua là tình thế không thể khác được, chứ không hoàn toàn do tính toán của ai. “Nàng không có tố chất làm hoàng đế”, câu nói cuối đời của người bên cạnh nàng, đã đúc kết lại toàn bộ cuộc đời nàng như thế.

Có thể ai đọc truyện, hoặc chưa đọc truyện mà chỉ đọc đến review này đều nghĩ nàng phải có một trí tuệ siêu việt, năng lực siêu phàm mới có thể đứng lên ngôi cửu ngũ chí tôn. Công bằng mà nói, nàng có. Nhưng khi tôi đọc xong câu chuyện này, tôi đã rút ra kết luận: dù có trí tuệ đến đâu thì phụ nữ mãi mãi không thể bằng đàn ông. Nàng có những thứ kia, chỉ có điều không là gì so với những nhân vật nam trong truyện. Đọc nửa đầu, tưởng như nàng thông minh, tưởng như nàng cơ trí, giảo hoạt, tính toán kĩ càng, không có sơ hở. Nhưng thực ra, tất cả những gì nàng nghĩ được, họ cũng nghĩ được, thậm chí còn nghĩ đến trước, hành động trước, không những thế họ còn có bản chất vô tình, dứt khoát và tàn nhẫn của giống đực – điều mà phụ nữ luôn luôn khuyết thiếu. Bởi vậy, cho dù tôi có thán phục nữ chính đến đâu cũng chỉ có thể gật gù thông cảm, nàng ấy không thể bằng những người đàn ông kia. Có lẽ nếu cuộc đời nàng chỉ đơn thuần đấu đá trong hậu cung giống như Tang Tử, giống như Mạnh Tang Du, giống như tất cả nữ chính cung đấu khác, nàng sẽ rất huy hoàng. Nhưng tác giả lại đặt nàng trong vòng xoáy đấu đá chính trị của đàn ông, khiến cho hào quang của nàng bị lu mờ rất nhiều, đến nỗi khiến chúng ta dường như có cảm giác: Khương Trầm Ngư, nữ chính của truyện, thực chất chỉ là bù nhìn để tô thắm vinh quang của những đấng trượng phu trong truyện mà thôi.

Mà một trong số những đấng trượng phu đó, đầu tiên phải kể đến Cơ Anh.

Tất cả chúng ta đều có thể coi Cơ Anh là nam chính của truyện, bởi chàng tụ hội tất cả thế mạnh của nam chính: tài mạo song toàn, tâm cơ thâm sâu, dịu dàng nhân hậu. Nhưng tiếc rằng lại thiếu thứ quan trọng nhất: tình yêu với nữ chính. Đúng thế, Cơ Anh không yêu Trầm Ngư, từ đầu đến cuối truyện đều không yêu. Nhưng người yêu của chàng lại không thể làm nữ chính, bởi nàng ấy đã phải đầu gối tay ấp với một người khác, còn chàng chỉ có thể hàng ngày chứng kiến, ôm đau thương mà sống lay lắt nốt quãng đời ngắn ngủi mà không yên ả. Nói chàng là nam chính, còn là bởi vì chàng gánh vác tất cả những trách nhiệm nặng nề nhất, những công việc khó khăn nhất, những dằn vặt đau đớn nhất, những nỗi bi ai lớn nhất. Nhưng con người đó vẫn luôn toả ra thần thái ung dung, dịu dàng và ấm áp, khiến nữ chính ngưỡng mộ, khiến người đời thần phục, khiến chúng ta mê say. Một cuộc đời tưởng như huy hoàng rực rỡ, thực chất lại thống khổ và vô hồn biết bao: không thể nắm giữ số phận của chính mình, không thể bảo vệ người mình yêu, không thể hoàn thành tất cả tâm nguyện trước khi chết. Phải, chàng chết, mang theo tất cả tiếc thương của cả nhân vật trong truyện lẫn người ngoài như chúng ta đây. Con người vô song tưởng chừng như bất tử đó, lại chết chỉ vì không màng hiểm nguy quay lại nhặt tín vật của người chàng yêu nhất, có lẽ đây mới chính là tâm nguyện duy nhất của cuộc đời chàng: giải thoát.

Cho nên, chúng ta có thể tiếc thương, nhưng đều biết sự ra đi của chàng là kết cục hoàn mỹ nhất.

Chiêu Doãn. Nhân vật thắt và mở, nhân vật cội nguồn tạo nên mọi đau khổ và bi thương. Có lẽ là bởi vì y cũng sinh ra và lớn lên trong đau khổ và bi thương như thế. Y rất có thể làm nam chính bởi y là Hoàng Đế, còn nữ chính là phi tử của y. Thật tiếc, vì một tuổi thơ quá thảm thương khiến y trưởng thành trong cay nghiệt và méo mó, cuối cùng bởi vì trái tim tổn thương và đôi mắt đố kị mù quáng mà giết chết người trung thành với y nhất, người quan tâm đến y nhất, người yêu thương và máu mủ nhất. Y cũng xót xa, nhưng chút xót xa đó lại bị trái tim không biết đập của y thổi tan đi hết. Tôi đã từng nghĩ Chiêu Doãn là kẻ không đáng tha thứ nhất truyện, bởi y làm khổ cả thế giới chỉ vì nghĩ cả thế giới nợ mình. Đời đâu nợ ai cái gì, mỗi người sinh ra đều có một số phận của riêng mình, có sứ mệnh của riêng mình, có đau thương của riêng mình. Trên bước đường trưởng thành, tất cả đều phải trải qua những dày vò đó. Y dựa vào đâu mà cho rằng mình có thể làm tổn thương người khác, bắt họ phải trả nợ cho dày vò của y? Thế nhưng, tôi phải nhắc nhở mình rằng, không ai là không ích kỷ, lời dạy “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” có mấy ai ghi nhớ, hay là mỗi khi sóng gió ập đến chúng ta đều chỉ biết than thở “tại ông trời”? Bởi thế, Chiêu Doãn không hoàn toàn sai, tuổi thơ hắn đâu có ai dạy dỗ uốn nắn hắn thành người ?

Chiêu Doãn cũng yêu thương, nhưng yêu thương của y gian nan và khổ sở, và cũng ngắn ngủi như bao vị đế vương khác. Y cũng thích Hoàng hậu của mình, nhưng y lại không thể yêu nàng sâu đậm vì y biết sẽ có ngày y loại bỏ gia tộc của nàng. Y thích Cơ Hốt vì tài nghệ của nàng đệ nhất Đế đô, hay có lẽ chỉ vì y cần dựa dẫm gia tộc của nàng? Y thích cả tỉ tỉ của Trầm Ngư, Khương Hoạ Nguyệt, vì nàng ngạo nghễ mà ung dung, nhưng đến khi y thuần phục được nàng thì lại vứt bỏ. Y yêu say đắm Hy Hoà, chiều chuộng và dung túng nàng ta, dù cho ai cũng phải công nhận trái tim của y thực sự rung động, nhưng có hay không chỉ vì muốn tranh giành mọi thứ với Cơ Anh, mà tất nhiên là tranh luôn cả người yêu của chàng. Còn với Trầm Ngư, tình cảm của y là gì nhỉ? Nó quá ngắn ngủi đến nỗi tưởng như không tồn tại, nhưng tôi lại cảm nhận được một sự bình yên nào đó khi hai người ở bên nhau, nắm tay nhau, tâm sự với nhau. Nhưng dù thế nào thì tình yêu của y đều bất định, mơ hồ, dịu dàng với tất cả nhưng cũng tàn nhẫn với tất cả…

Thế rồi, Chiêu Doãn, giọt nước mắt cuối cùng của y trước khi chết, đã làm chúng ta phát hiện ra rằng, thì ra y cũng khao khát yêu thương và ấm áp gia đình, vì tuổi thơ y thiếu thốn những thứ đó nên khi nghe tiếng khóc của đứa con trai máu mủ, y cuối cùng cũng cảm nhận được tình thân, tình thương. Y thiếu thốn phụ thân, cuối cùng cũng có thể trở thành phụ thân, và đó là dấu chấm hết cho cuộc đời vị quân vương độc ác vô tình mà cô đơn đó. Cuộc đời y cũng có thể coi là viên mãn, bởi y đã có được hết những thứ mà y ấp ủ: ngôi cao và người thân.

Vị ứng cử viên sáng giá thứ hai cho ngôi vị nam chính cũng rớt đài. Một người nữa là Nghi vương. “Trong tứ quốc, Bích quốc rộng lớn nhất, Yên quốc hùng mạnh nhất, Trình quốc có tuyệt kĩ luyện vũ khí tối tân nhất, còn Nghi quốc tài lực giàu có nhất”. Vị Nghi vương – Duyệt đế này chính là làn gió mát thổi vào sa mạc chính trị cằn cỗi bao phủ toàn bộ câu chuyện. Mỗi lần hắn xuất hiện đều khiến nữ chính nở nụ cười, cũng khiến người đọc phì cười. Có lẽ “Duyệt đế”, hoàng đế vui vẻ này, chính là bến đỗ cuối cùng phù hợp nhất với nữ chính, Ở bên hắn, nàng có thể sống một cuộc đời ung dung vui vẻ, cuộc sống hoàn hảo viên mãn cùng phu quân, cũng là tri kỉ của nàng. Sau bao sóng gió, bao đau thương tiếc nuối trong hơn một phần ba đời người, Trầm Ngư đã được hạnh phúc. Tất cả là nhờ hắn, Nghi vương Hách Dịch.

Cuối cùng, dù cho mối tình đầu thiếu nữ của nàng là Cơ Anh, bầu trời đầu tiên của nàng là Chiêu Doãn, người cùng nàng đi hết quãng đời còn lại là Nghi vương, nhưng người mà nàng khắc cốt ghi tâm nhất, người mà, tôi tin rằng, tất cả những ai đọc truyện cũng khắc cốt ghi tâm nhất, là nam chính thực sự trong lòng tác giả, cũng là lòng tôi và tất nhiên là vô số bạn đọc khác, chính là Tiết Thái. Tiết Thái, tiểu Tiết Thái bảy tuổi xuất hiện hết sức bất ngờ : vung roi quát sủng phi của Hoàng đế “Chim sẻ nhỏ nhoi, sao dám cản phượng giá?”, Băng Ly công tử “ba tuổi biết làm văn, bốn tuổi biết làm thơ, năm tuổi giương cung bắn chết hổ, sáu tuổi trở thành sứ thần Bích quốc đi Yên quốc, bị Yên vương chê cười “Bích quốc hết người hay sao mà sai trẻ con đi sứ”. Tiết Thái đáp “Yên là ngọc giữa các nước, ta là ngọc giữa loài người, có gì không thoả đáng?”. “Ngươi thiếu niên tài cao, trời phú dị bẩm, văn nhã phong lưu, ngôn hành lễ độ; ngươi dung mạo xuất chúng, tú mỹ tuyệt luân, áo gấm thịnh sức; ngươi không chút sợ sệt, nói cười vui vẻ, ung dung cao ngạo không ai sánh kịp”. Cuối cùng 7 tuổi, gia tộc thịnh cực tất suy, ông và cha cậu bị ép tạo phản, tru di cửu tộc, một thân một mình sống sót vì chút tư lợi của người lớn, muốn cậu trả thù, chấn hưng gia tộc. Từ một con rồng ngạo nghễ rơi xuống đất làm con rắn nhỏ nhoi, từ Băng Ly công tử ngạo khí ngút trời « Ta là ngọc trong loài người » biến thành « Tiết Thái là nô lệ… ». Tất cả những bất hạnh và gánh nặng đó đặt lên vai cậu – cậu bé chưa đến tuổi thiếu niên Tiết Thái. Đến đây, tôi không biết phải coi cậu là nhi đồng 7 tuổi như dáng vẻ cậu có, hay là một người đàn ông trưởng thành như trí tuệ và tâm cơ của cậu, hay chỉ đơn giản là nam nhân mà Trầm Ngư có thể dựa dẫm, luôn luôn dựa dẫm không quan tâm khoảng cách 8 tuổi giữa hai người. Trong suy nghĩ của nàng và cả suy nghĩ của người đọc chúng ta đây, Tiết Thái không phải trẻ con, cũng chưa bao giờ là trẻ con. Đây chính là tài hoa của Thập Tứ Khuyết, miêu tả một đứa trẻ không phải trẻ con, thậm chí còn có thể thu phục tất cả lòng người.

Sinh ra trong nhung lụa tạo nên ngạo khí, trưởng thành trong thương đau trở nên chín chắn, trở lại ngôi cao dưới một người trên vạn người mang lại khí chất vạn người kính nể, cuối cùng chết đi. Đọc đến đây, tôi không thể không đau đớn. Tiết Thái là nhân vật rực rỡ nhất thiên truyện, cũng chính là nhân vật bất hạnh nhất. “Trầm Ngư”, cậu gọi tên nàng lần đầu tiên, cũng là lúc cậu sắp rời khỏi thế gian, cậu nói cậu ghét số 8, bởi khoảng cách của cậu và nàng là 8 tuổi, cậu ép nàng xưng đế, bởi không muốn nàng thủ tiết cô quạnh chốn thâm cung, bởi chỉ có xưng đế nàng mới có thể lấy chồng, cậu sắp xếp quốc thái dân an, ngoại giao hoà hảo, cậu che chắn mọi gió tanh mưa máu cho nàng đôi tay trong sạch, cậu bao bọc kín kẽ những âm mưu bẩn thỉu bảo vệ tâm hồn nàng thanh khiết… Tất cả toan tính và trí tuệ của cậu đều chỉ có một mục đích: cho Trầm Ngư cuộc sống hạnh phúc nhất. Cậu ở bên bầu bạn với nàng, còn nàng cũng dựa dẫm và thấu hiểu cậu. Thế nhưng khi cậu muốn vun đắp bồi dưỡng bản thân, tính đến chuyện ở bên nàng thật lâu thật lâu, tự mình đem hạnh phúc cho nàng, thì…

“Nếu như ta ra đời sớm tám năm, vào ngày mùng 1 tháng 1 năm Đồ Bích thứ tư, khi nàng đến tuổi cập kê, trong bốn nước, người xứng với nàng nhất kỳ thực không phải là Cơ Anh, mà nên là ta, chẳng phải sao?”

“Đối mặt đi Trầm Ngư. Cả đời này của nàng, mỗi lần gặp phải chuyện không muốn đối mặt, nàng liền chọn cách trốn tránh, nhưng lần này, ta không cho nàng trốn tránh”

“Từ nhỏ ta đã muốn gió được gió, muốn mưa được mưa, cho dù sau này nhất thời thất thế, nhưng cũng nhận đủ vinh sủng, vì thế trên thế gian này, không có thứ gì là ta không có được, bao gồm cả nàng. Cho nên ông trời cuối cùng cũng không chấp nhận, giáng cho ta một đòn chí mạng”

“Tiết Thái, Tiết Thái, ngươi có nghe thấy ta không? Ngươi đã lên kế hoạch lâu như thế, còn ép ta phải làm Hoàng đế, để dọn đường cho quan hệ giữa chúng ta, sao có thể dừng lại ở đây? Ngươi không thích ta sao? Hãy cưới ta đi, cưới ta đi!”

“Không kịp nữa rồi”

“Lấy chồng đi, Trầm Ngư”

Đến đây, tôi thực sự đờ đẫn. Không biết phải viết gì, không biết phải nghĩ gì. Còn nói được gì đây, thứ tình yêu và tình thân đan xen đẹp đẽ đến thế… Trầm Ngư từng thương cảm Tiết Thái, từng khâm phục Tiết Thái, từng ỷ lại vào Tiết Thái, nhưng không thể nắm tay Tiết Thái cùng “giai lão”.

Họ không hề bỏ lỡ nhau, nhưng nhân duyên lại bỏ qua họ.

—————

Chắc hẳn, đây là review truyện dài nhất và tâm huyết nhất trong suốt thời gian qua của tôi. Vẫn còn rất nhiều nhân vật phụ khác, tất cả đều đáng nói đến. Ví dụ như Hy Hoà, mỹ nhân hoạ quốc, xuất thân bần hàn, tính tình ngang ngược. Ban đầu nàng ta xuất hiện khiến tất cả đều chĩa mũi nhọn ghen ghét. Nhưng ngờ đâu, đó lại là người con gái đáng thương nhất, rồi cuối cùng lại là người cùng Trầm Ngư kề vai sát cánh, dựa dẫm lẫn nhau giống như người thân. Di Thù, nữ đế đầu tiên, tuổi thơ méo mó, trưởng thành bệnh hoạn. Khương Hoạ Nguyệt, tưởng như người thân, cuối cùng lại vô tình hơn cả người dưng. Khương Trọng, ông bố quyền lực, ông vua trong bóng tối thao túng tất cả, luôn đặt gia tộc lên hàng đầu, không gì là không tính toán, còn độc ác hơn bất kì ai; bù lại một mảnh tình thâm với người vợ kết tóc se tơ. Giang Vãn Y, Phan Phương, Di Phi…mỗi người một vẻ, mỗi người một mối tình, mỗi người một cách đi vào lòng độc giả. Điểm xuyết vào đó là những Yên vương, Như Ý Cát Tường, như những dòng suối nhỏ len lỏi róc rách xoa dịu chúng ta. Không thể phủ nhận, Hoạ Quốc và các nhân vật của tác phẩm này, đã đạt đến trình độ rất cao, không còn là ngôn tình giải trí, thay vào đó dạy chúng ta cách nhìn nhận thế giới, cách đối nhân xử thế, dạy chúng ta về lòng bao dung, lòng vị tha, về tình yêu, tình thương…

Tất cả, tạo nên một Hoạ Quốc sống động, hoành tráng, đan xen những mưu tính và bí mật động trời, chắc chắn sẽ bám rễ lâu dài trong lòng tất cả các độc giả.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Họa Quốc Thập Tứ Khuyết Review