[Review] Họa Quốc

THÔNG TIN CƠ BẢN

Tên truyện: Họa quốc Tác giả: Thập Tứ Khuyết

Thể loại: Cổ đại Độ dài: 27 chương

Nhân vật chính: Khương Trầm Ngư, Cơ Anh, Tiết Thái Khác: Cung đấu, quốc đấu, chính trị

Họa Quốc Thập Tứ Khuyết

Review Họa quốc

Mặc dù cũng thích không ít truyện, nhưng đây là lần đầu viết review, cơ bản là quá ấn tượng về truyện này.

Họa Quốc.

Biết Thập Tứ Khuyết từ lần đầu đọc “Nghìn năm”. Ấn tượng đầu tiên là giọng văn buồn, man mác, cổ kính u hoài như một dòng nước êm trôi, mờ ảo trong sương. Đến khi đọc phần II. Bao nhiêu năm qua, tôi bị cuồng văn Thập Tứ. Và nhân vật đứng top No.1 trong danh sách nhân vật yêu thích của tôi: vẫn, đã, đang và sẽ là Công chúa Nhất Tịch của “Bao nhiêu năm qua” – “nhân tài mới nổi xuất sắc nhất Ma cung”, tài năng tuyệt thế, quốc sắc thiên hương, tính cách cao ngạo, quật cường, nhưng cũng đầy tổn thương ấy. Đến bộ “Họa quốc”, thật sự có thể nói đây là tiểu thuyết cung đình hay nhất tôi từng đọc.

“Họa quốc”, nếu phải dùng một từ để nói về thể loại của nó, tôi chọn “quốc đấu”. Không phải cuộc đấu giữa mỹ nhân và mỹ nhân, mà là cuộc đấu giữa đế vương và đế vương.

Truyện dài và khá bất ngờ, nhiều tình tiết, khúc mắc éo le, và những bí mật kinh hoàng ít ai ngờ tới dần dần được từng chương truyện phơi bày. Âm mưu chồng chất lên âm mưu, âm mưu lớn thao túng âm mưu nhỏ, giang sơn chỉ nằm trong bàn tay thao túng của một số người. Mưu thâm của những nữ nhân rực rỡ chốn hậu cung, kế hiểm của những người ở tiền triều thao túng chính trị, rồi quy tắc đối nội, đối ngoại của mỗi quốc gia được đề cập rất ly kỳ, rất sắc sảo, ngòi bút linh hoạt, phóng khoáng.

Hoa quoc Khuong Tram Ngu

Khương Trầm Ngư, nữ chính. Không ngây thơ non nớt, rất lý trí, rất tỉnh táo và biết chừng mực, biết suy luận và đưa ra phán đoán về chính trường ngay từ khi còn là một tiểu thư nhung gấm. Tôi rất thích nàng về điều đó. Nàng đối nhân xử thế cũng khá tốt, hiểu lòng người, biết liệu việc, làm việc mưu lợi nhưng không hại tới ai. Nàng kế thừa tư tưởng của Cơ Anh, trừ bỏ thế lực độc ác, dám dứt bỏ với gia tộc. Nàng ngồi lên đế vị, và kết thúc là hạnh phúc với vị Duyệt đế phong lưu, hài hước kia, âu cũng là một kết đẹp cho một nữ đế khuynh đảo giang sơn mà vẫn giữ được tấm lòng lương thiện.

Nhân vật ghét nhất, là phu quân “trên giấy tờ” của Trầm Ngư, và hình như chưa thấy review nào nhắc nhiều tới hắn ta: Chiêu Doãn.

Hắn có xuất thân bần hàn: mẹ là cung nữ, được tiên đế Hành Xu hứng thú sủng hạnh rồi sinh ra, không được ai biết đến sự tồn tại của một hoàng tử nhỏ trong suốt 10 năm. 10 năm mẹ con hắn cơ cực, tủi nhục, bị hắt hủi, giày vò, ức hiếp. Quá khứ ấy tạo cho hắn một vết thương khó lành, và sự ghen ghét rực lửa với những kẻ được số phận nuông chiều hơn hắn. Cùng là hoàng tử, thái tử Chiêu Thuyên nhung lụa vàng son, phất tay áo là có kẻ hầu người hạ, còn hắn lại sống thiếu thốn, cơ hàn, mẹ hắn ốm 10 ngày rồi chết cũng không ai đến động viên, thăm hỏi?

Nhưng đó có phải thân phận thật sự của hắn?

Không phải.

Thế nên, tôi hiểu vì sao khi thông tỏ mọi chuyện, hắn căm hận Cơ Anh đến thế. Hắn cho rằng Cơ Anh là “đứa con cưng của ông trời”, được cả gia tộc thiên vị, nâng niu, quý trọng, yêu thương như báu vật, được hưởng sự sung túc và nền giáo dục tốt nhất ngay từ nhỏ, trong khi Chiêu Doãn 10 tuổi không biết chữ. Và hắn ghen ghét đến mù quáng với con người hoàn hảo ấy là vì “Tại sao đứa trẻ bị đưa đi lại là ta?”

Chiêu Doãn thực ra cũng có thể coi là một hoàng đế trung bình khá. Hắn biết nhẫn nhịn chờ thời, tính toán kỹ càng, mượn thế lực của Cơ – Tiết – Vương – Khương, tứ đại gia tộc cùng dồn lực giúp đỡ hắn ngồi vững lên ngai vàng. Hắn (ít ra) cũng cưới được một hiền thê thật lòng yêu thương hắn: Tiết Minh. Hắn cũng chung tình, không bỏ rơi Hy Hòa lúc nàng ta điên dại. Hắn biết lo lắng, sầu muộn khi Giang Đô hạn hán, phái người giỏi đi xử lý thiên tai. Đó là ưu điểm.

Nhưng Chiêu Doãn có một nhược điểm vô cùng lớn, cực kỳ lớn, sai lầm nghiêm trọng nhất của đế vương: không biết trọng dụng nhân tài.

Điểm này khiến hắn hoàn toàn khác biệt với cha (trên danh nghĩa) của hắn là Tiên đế Hành Xu và Kỳ Úc hầu.

Tiên đế Hành Xu gần như chỉ nhắc thoáng qua trong một hai câu kể, nhưng đủ biết đó là một hoàng đế tốt. Chương Hoa nói: “Hành Xu thâm trầm như cây cổ thụ”, quả rất hay. Tiên đế khi biết mình có một con trai là Chiêu Doãn, cho người triệu về, chăm nuôi dạy dỗ. Đó là biết nghĩa. Tiên đế phong Tiết Hoài là Hộ quốc thần tướng, cho Tiết gia ân sủng ngút trời, ấy là biết trọng nhân tài. Trong truyện có nhắc đến một chi tiết khá nổi bật: Tiết Thái đi hài thêu hình Phượng Hoàng. Nên biết, loài chim cao quý như phượng vốn dành cho bậc đế vương, hoàng tộc. Dẫu là đại gia tộc quyền cao chức trọng, một tiểu công tử như Tiết Thái không thể nào tùy tiện dám đi đôi hài ấy.

Trừ phi: Nó được đích thân tiên đế ban cho tiểu thần đồng Tiết Thái.

Là đồ đằng Phượng Hoàng.

Bản thân mình cảm thấy vẻ đẹp của Cổ Lực Na Trát rất hợp vai Diệp Hy Hòa (đặc biệt là tạo hình Điêu Thuyền trong “Võ thần Triệu Tử Long):

Chiêu Doãn là một thái cực đối lập với Tiên đế. Tiết gia là đại gia tộc có công lớn nhất giúp hắn lên ngôi. Tiết Hoài lại là Hộ quốc thần tướng, “bảo kiếm chưa cùn”. Hắn lại một đòn quét sạch, lập mưu kế tru di cả Tiết gia, phế ngôi hậu của Tiết Minh, giam nàng vào lãnh cung. Chỉ còn lại duy nhất một người sống sót, và người này là đại nhân vật quan trọng, là quân sư chủ chốt trong mưu kế lật đổ Chiêu Doãn của Trầm Ngư.

Cơ Anh vì câu chuyện éo le của gia tộc mà cảm thấy có lỗi với hắn, hết lòng tận trung, giúp đỡ hắn mọi việc, trở thành đệ nhất danh thần của hắn. Có thể nói, Cơ Anh là cánh tay phải, là hậu đài chính trị vững chắc, giúp hắn khống chế và ổn định thế cục, là mối đe dọa với các thế lực khác muốn trừ diệt Chiêu Doãn. Cơ gia cùng hắn chung một dòng máu, đâu phải chỉ từ thời Lang Gia. Nhưng, thật khó tin, hắn nhẫn tâm chặt đứt cánh tay phải của mình, ngầm cho phép Khương Trọng: GIẾT Cơ Anh. Căn cơ chữa vững, dám chặt đứt cánh tay phải của mình. Ghen tuông mù quáng, quá đa nghi, không nhân nghĩa, làm việc thiếu suy nghĩ, lại không biết cầu hiền. Người như thế, không sớm thì muộn cũng sẽ bị lật đổ khỏi hoàng vị.

Nhân vật thứ ba cần nhắc tới, đương nhiên là Bạch Trạch Cơ Anh. Áo trắng phiêu diêu, “vẫn là công tử tuấn tú giữa thế gian đầy bụi bặm”, thánh khiết, thanh cao, sống vì chúng sinh, sống vì thiên hạ, chưa từng sống cho chính mình. Theo như lời Hy Hòa nói, chàng được giáo dục bởi những danh sĩ nổi tiếng, xuất sắc nhất, thế nên mới có một “Tiểu Hồng của ta” tót vời như thế xuất hiện trước mặt nàng.

Trầm Ngư Tiết Thái

Cơ Anh biết rõ: Chiêu Doãn muốn phò tá Lân Tố yếu ớt bệnh tật lên làm Trình Vương, mục đích là để dân chúng phản đối, nước Trình sẽ đại loạn. Lại thêm Yên và Nghi là đồng minh của Trình, sẽ bị ảnh hưởng. Nếu một trong hai nước Yên, Nghi muốn nhân Trình loạn để xâu xé nước Trình, ba nước sẽ xảy ra đại chiến long trời lở đất. Chiêu Doãn ở Bích Quốc đứng ngoài, Ngư ông đắc lợi, đợi ba nước đánh nhau chán chê, quân đội đều đã suy yếu, sẽ nhảy vào tóm gọn. Chiến tranh liên miên, bách tính cực khổ. Cơ Anh không muốn điều đó, nên đã liều mạng sang nước Trình bình ổn Trình loạn, đưa Di Thù lên làm vua.

Chàng nói với Trầm Ngư: chàng phò tá Di Thù, là vì nàng ta là đế vương dễ bị lật đổ nhất. Nữ nhân xưng đế ở nước Trình chưa có tiền lệ, hơn nữa phẩm hạnh suy đồi của Di Thù đủ để thóa mạ, nguyền rủa nàng ta, dùng làm luận điệu chính trị của phe tạo phản sau này sẽ vô cùng hiệu quả. Chàng nói chàng dọn đường để Chiêu Doãn mấy năm sau có điều kiện thuận lợi xâm lược Trình quốc.

Nhưng, tôi không nghĩ đó là mục đích của chàng công tử khiến Trầm Ngư say đắm ấy.

Thứ nhất, nếu mục đích như vậy, chàng tâu trình với Chiêu Doãn để xin sang Trình Quốc, danh chính ngôn thuận, chẳng ai dám nói một câu, sao phải đi lén lút?

Thứ hai, chàng ở trên thuyền quan về nước cùng Trầm Ngư một tháng. Thông minh, giảo hoạt khiến Trầm Ngư đôi lúc run sợ như chàng, sao có thể không nhận ra Di Phi ở trên thuyền? Tại sao chàng tha cho Di Phi một con đường sống?

Thứ ba, tại sao ngay từ đầu, chàng khách sáo, xa cách với Trầm Ngư, không đủ tình cảm đến mức Trầm Ngư nhờ gì cũng nghe theo, nhưng lại đồng ý với nàng đi cứu Tiết Thái?

Thứ tư, chàng không muốn lấy Trầm Ngư tôi biết, nhưng rèn giũa, đào tạo, dạy bảo nàng vì lẽ gì?

Câu trả lời rất đơn giản.

Căn bản là Cơ Anh muốn bốn nước yên bình, không muốn chiến tranh. Chuyện này đi ngược với dã tâm của Chiêu Doãn, do đó chàng phải đi lén lút. Chàng tha mạng cho Di Phi vì chàng nhìn trước được trí tuệ và bản lĩnh của Di Phi mới xứng đáng nhất làm Trình đế, chàng tạo điều kiện thuận lợi cho hắn nương nhờ Trầm Ngư, tạo thế lực lật đổ Di Thù về sau. Thứ ba, có lẽ ngay từ khi Chiêu Doãn nhen nhóm âm mưu tiêu diệt Tiết gia và ép chàng cùng thực hiện, chàng đã nhận ra kẻ vô ơn bạc nghĩa, không trọng hiền tài như Chiêu Doãn sẽ bị lật đổ. Chàng chọn người kế vị ngôi vua là Khương Trầm Ngư của Khương gia. Chàng không thể lấy nàng vì không yêu nàng, hơn nữa nếu nàng làm Cơ phu nhân thì không có con đường nhúng tay vào chính trị. Vì thế, chàng sẽ tìm cơ hội để nàng vào chính trường, tạo lửa nhiệt huyết cho nàng, dạy dỗ, bảo ban, giáo dục, rèn luyện nàng nghiêm khắc. Chàng cũng trân quý tài trí hiếm có của thiên tài Tiết Thái. Do đó chàng cứu mạng Tiết Thái, để lại cho Bích Quốc một thiên tài cứu nhân độ thế, kế thừa chàng về sau.

Tính toán vượt xa người thường của chàng, những việc làm tưởng như khó hiểu của chàng khiến Chiêu Doãn nghi ngờ, nịnh thần xúi giục, lại thêm thù cũ và ghen tuông. Kết quả là Bạch Trạch cao quý lại chết oan và chết thảm như vậy. Một đệ nhất trung thần, về lại cố hương chỉ còn là thủ cấp. Nhưng “tha hương không phải là cố quốc”, một chút vương vấn với chủ nhân bản chỉ đỏ, một tấm lòng rộng lớn yêu nước thương dân đã hại chết Cơ Anh. Danh thần, chao ôi, nghìn xưa đều oan khiên thảm khốc. Nguyễn Trãi không phải cũng chịu “tru di tam tộc” mà ra đi oan ức hay sao?

Nhân vật cuối cùng cần kể đến: Băng Ly công tử Tiết Thái.

Tiểu thần đồng. Đủ cao ngạo, đủ khí phách, đủ tâm cơ. Một đứa trẻ 6 tuổi đi sứ, đứng trên đỉnh cao của quyền lực và danh vọng. 7 tuổi gia tộc diệt vong, sa xuống bùn lầy làm nô lệ. 9 tuổi đã trở lại trời xanh, thân làm Thừa tướng dưới một người trên vạn người.

Ngoài lề: Các bạn Tứ Diệp Thảo thông cảm, mình cảm thấy Vương Tuấn Khải đặc biệt hợp với hình tượng Tiết Thái nên mạn phép lấy vào đây!

Thời kỳ của vị hoàng đế nào cũng có những việc bẩn thỉu cần làm trên vũ đài chính trị. Chiêu Doãn độc ác tận tay làm việc đó, Trầm Ngư thì quá lương thiện. Và Tiết Thái làm thay nàng, cậu “nhổ hết gai trên cây quyền trượng”, giúp nàng ngồi vững trên ngai vàng Bích Quốc.

Cơ Anh là Bạch Trạch. Khương Trọng là Thừa tướng.

Còn Tiết Thái là kết hợp hoàn hảo của hai bộ óc chính trị đệ nhất Bích Quốc này. Có sự thánh khiết, hoàn mỹ, lo cho chúng sinh của Cơ Anh, có sự giảo hoạt như hồ ly, sẵn sàng giở thủ đoạn để làm chính trị của Khương Trọng.

Và cũng một lòng chung tình với duy nhất một người như Cơ Anh, như Khương Trọng.

Tiết Thái oanh liệt, rực rỡ, kiêu hùng, ngạo mạn, quật cường mà cũng đáng yêu như thế, lại ra đi ở tuổi 15 – tuổi trăng tròn đẹp nhất của một đời người.

Sao có thể không khiến người đời “chau mày mà rơi lệ”?

Cái chết của Tiết Thái khiến Trầm Ngư đau lòng, khóc suýt mù đôi mắt. Vậy nhưng không thấy Thập Tứ Khuyết nói đến nỗi đau xé gan xé ruột của Yên Vương. Yên Vương tiếc tài như mạng, với Tiết Thái “có một tình cảm đặc biệt” như tình phụ tử. Liệu còn nỗi đau nào hơn khi đứa con đặc biệt của mình, khi thiên tài tuyệt thế như mỹ ngọc Băng Ly của mình ra đi khi mới chớm xuân xanh, thậm chí còn chưa thành niên như thế? Trên đời, đau nào hơn là “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”?

Tiết Thái chết là mệnh trời, là “nỗi hờn kim cổ” mà Nguyễn Du ai oán:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Thiên tài thường mệnh bạc, đó là quy luật muôn đời. “Truyện Kiều” có câu:

Anh hoa phát tiết ra ngoài Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa

Tiết Thái, bao nhiêu trí tuệ, bao nhiêu khôn khéo vượt bậc đều phát tiết rực rỡ, tỏa ánh hào quang từ quá sớm, nên phải chịu “nghìn thu bạc mệnh”. Âu cũng là định mệnh nghiệt ngã của trời xanh ghen ghét kẻ có tài.

Tiết Thái ra đi, tôi nghĩ là rất đau xót nhưng hợp lý.

Tiết Thái là Phượng Hoàng, cuộc đời cậu gắn liền với độ dân tế thế, với quan trường, với thao túng chính trị, với trời xanh bao la. Cậu sinh ra đã đứng trên đỉnh cao, nên luôn thuộc về vị trí ấy. Nếu Tiết Thái sống lâu hơn, cậu sẽ trưởng thành, sẽ mỹ mạo xuất chúng, lược thao gồm tài. Như cậu nói, cậu sẽ có được tình cảm của Trầm Ngư và trở thành Phượng quân của Bích Quốc.

Nhưng đó không phải là mong ước của Trầm Ngư. Nàng muốn “cử án tề my, sinh con đẻ cái”. Nàng muốn một cuộc sống bình thường, không lắm thị phi như hoàng triều.

Và chỉ có Hách Dịch mới có thể tự do tự tại, vứt bỏ ngai vàng để cùng nàng kinh doanh khắp bốn bể. Tiết Thái, cũng giống Cơ Anh, tôi nghĩ cậu sẽ gạt bỏ tình riêng để lựa chọn giang sơn bách tính.

Nếu Tiết Thái sinh trước 8 năm, “Họa quốc” sẽ chẳng có gì đáng nói.

Tiết Thái sẽ bằng tuổi Trầm Ngư, và người xứng đáng nhất với nàng khi nàng đến tuổi cập kê tất nhiên sẽ là Tiết công tử. Trầm Ngư thành Tiết phu nhân, không dính dáng đến chính trị, không quen Chương Hoa, chẳng biết Hách Dịch là ai, cũng không sang Trình quốc bao giờ.

Vào năm Tiết Thái 7 tuổi là năm thứ 4 Chiêu Doãn tại vị, vậy có thể nói, Chiêu Doãn lên ngôi vua năm Tiết Thái 3 tuổi. Nếu Tiết Thái sinh trước 8 năm, lúc ấy cậu 11 tuổi. 11 tuổi, tôi tin rằng Tiết Thái đủ khôn khéo để khuyên ông nội không phò tá Chiêu Doãn, mà phò tá Cơ Anh.

Và nếu Cơ Anh lên ngôi, Hy Hòa làm hoàng hậu. Với tính cách của Cơ Anh, sẽ không có chuyện tiêu diệt Tiết gia. Cơ Anh là hoàng đế, chuyện của Trình quốc đơn giản hơn nhiều: chàng sẽ dồn lực giúp Di Phi lên ngôi, không khiến hắn ta phải lang bạt kỳ hồ, nếm mật nằm gai nhiều năm để phục quốc.

Chuyện quá đơn giản! Nhưng cũng không có ly kỳ hồi hộp. Chắc biến từ cung đấu, quốc đấu nghẹt thở thành thanh thủy văn chăng???

Kết: Đây là một bộ truyện đáng đọc. Không chỉ bó gọn trong cung đấu, đó là chuyện của thiên hạ, của thời đại, của triết lý nhân sinh.

Tặng kèm ảnh về môt số nhân vật khác (theo trí tưởng tượng của Ly):

Phế hoàng hậu Tiết Minh (Trương Quân Ninh)

Quý nhân Khương Họa Nguyệt (Dương Dung) 

Nữ đế Trình quốc Di Thù (Trương Hinh Dư)

Đỗ Quyên (Lưu Thi Thi):

Thần y Giang Vãn Y – “Thanh sam ngọc diện Đông Bích hầu” (Mã Thiên Vũ):

Phan Phương đại tướng quân (Lâm Canh Tân):

Di Phi – tam hoàng tử Trình quốc, sau trở thành Trình đế (Soong Joong Ki):

Thông tin thêm:

Cosplay “Họa quốc”: https://www.youtube.com/watch?v=LCEPUGCm2gE

FMV “Họa quốc”: https://www.youtube.com/watch?v=yzLqjLN8UPI&t=15s

Radio “Họa quốc”:

Tập 1: https://www.youtube.com/watch?v=TIfhzK8Xp0M

Tập 2: https://www.youtube.com/watch?v=QlxGZlW4CAY

Review khác về “Họa quốc”: nhiều lắm, lên google tìm “Review Họa quốc – Thập Tứ Khuyết” ra khoảng 8 bài.

Từ khóa » Họa Quốc Thập Tứ Khuyết Review