Cảm Nhận Về Hai Khổ Thơ Đầu Của Bài Thơ “Sóng” – Xuân Quỳnh

Cảm nhận về hai khổ thơ đầu của bài thơ “Sóng” – Xuân Quỳnh.

Xuân Quỳnh là một nhà thơ tiêu biểu trong thời kỳ chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn tha thiết với khát vọng về hạnh phúc bình dị, đời thường. Với các tác phẩm chính như: Thơ Tơ tằm – chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng,… Trong đó, “Sóng” là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh, in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. 

Bài thơ “Sóng” được sáng tác vào năm 1947, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Trong bài thơ, tác giả thông qua việc khám phá những nét tương đồng giữa “Sóng” và “Em” để miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng tình yêu tha thiết, nồng nàn, thủy chung và hạnh phúc của người phụ nữ đang yêu.

Ở đây, “Sóng” là hình tượng trung tâm, ẩn dụ dùng để bộc lộ những cảm xúc trong tình yêu. Sóng là sự hòa nhập và phân tán của nhân vật trữ tình “Em”. Nhân vật trữ tình “Em” được tác giả phân thân ra để bộc lộ cảm xúc của chính mình. Tác giả đã sáng tạo hình tượng sóng khá độc đáo, vừa tả thực những trạng thái thăng trầm của con sóng, vừa thể hiện những cung bậc tình cảm và tâm trạng của người phụ nữ đang yêu.

Với bài thơ “Sóng” nổi bật là hai khổ thơ đầu. Nghĩ về sóng, cảm xúc trong tình yêu:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

Trước hết, tình yêu mang tính phức tạp:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Ở khổ thơ, hai câu đầu ngắt nhịp 2/3, hai câu sau chuyển sang nhịp 3/2. Xuân Quỳnh đã mô tả được sự thay đổi mau lẹ, biến hóa không ngừng của sóng biển và sóng tình. Sóng hiện ra như một con người có nội tâm nhiều biến động, con sóng mang những trạng thái trái ngược nhau: Lúc thì “Dữ dội” khi thì “Dịu êm”, lúc thì “Ồn ào” khi thì “Lặng lẽ”. Đó là hai trạng thái tâm hồn đối lập nhau, giằng xé nhau, buồn vui lẫn lộn.

Nhưng tại sao lại thế? Có phải sóng đang yêu, yêu âm thầm, lặng lẽ?

Sóng không biết! Sóng không hiểu!

Vậy nên, nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì sóng dứt khoát từ bỏ, vượt qua giới hạn chật hẹp để “Tìm ra tận bể”, tìm đến cái bao la, vô cùng… Cũng như sóng, tình yêu cũng có những trạng thái phức tạp. Khi thì sôi nổi, mãnh liệt, khi thì dịu dàng, sâu lắng. Để hiểu nổi mình, tình yêu đã hướng đến cõi nhân gian rộng lớn. Rõ ràng, hành trình “Tìm ra tận bể” của sóng cũng chính là quá trình tự khám phá, tự nhận thức chính bản thân và khao khát sự đồng cảm, đồng điệu trong tình yêu của nhân vật “Em”.

Để rồi, hiện rõ khát vọng về tình yêu của tuổi trẻ:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

Sóng “Ngày xưa” và sóng “Ngày sau” vẫn vậy, vẫn trường tồn với thời gian, vẫn khát khao vào bờ. Và tình yêu cũng thế, vẫn vĩnh hằng với thời gian và tuổi trẻ. Như Xuân Diệu từng nói: “Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo – Hãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”. Tình yêu gắn liền với tuổi trẻ, tình yêu ở quá khứ, hiện tại và tương lai đều là khát vọng muôn đời của tuổi trẻ “Nỗi khát vọng tình yêu – Bồi hồi trong ngực trẻ”. Hai tiếng “Bồi hồi” cứ rộn ràng, rung động, xao xuyến trong tim, thúc đẩy tuổi trẻ đi tìm chân lí yêu đương. Nhưng không riêng gì tuổi trẻ mà con người ai cũng đều nồng nàn và bồi hồi trước tình yêu.

Quả thật, tình yêu là gì? Khó có ai lý giải được! Kể cả “Ông hoàng thơ tình” là Xuân Diệu còn phải chịu thua và than thở:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”

Thế nhưng, con người ta vẫn cứ khát vọng, khát vọng lớn lao, vĩnh hằng với tình yêu.

Như vậy, bằng nghệ thuật tương phản, biện pháp ẩn dụ cùng phép liên kết độc đáo, Xuân Quỳnh đã làm nổi bật cảm xúc của người phụ nữ đang yêu và nỗi khát vọng của họ về một tình yêu mãnh liệt, nồng nàn và vĩnh cửu.

Từ khóa » Cảm Nhận Khổ Thơ 1 Sóng