Phân Tích 2 Khổ đầu Bài Sóng Hay Nhất (14 Mẫu) - Văn 12

Phân tích Sóng khổ 1, 2 gồm 3 gợi ý cách viết chi tiết kèm theo 20 bài văn mẫu khác nhau cực hay, ấn tượng nhất. Qua phân tích 2 khổ đầu Sóng các bạn có thêm nhiều nguồn tư liệu hữu ích, trau dồi kiến thức để biết cách viết bài văn hay.

Phân tích Sóng Xuân Quỳnh khổ 1, 2 Sóng giúp chúng ta cảm nhận được tâm lí của người con gái khi yêu cũng như những quy luật của tình yêu qua hình tượng sóng. Người phụ nữ hiện lên trong thơ Xuân Quỳnh với những tính cách rất đặc trưng, rất chân thành. Vậy sau đây là 20 mẫu phân tích Sóng khổ 1, 2 mời các bạn cùng theo dõi. Bên cạnh đó các em xem thêm mở bài Sóng, kết bài Sóng, phân tích bài thơ Sóng, phân tích hình tượng sóng.

Phân tích khổ 1, 2 bài Sóng của Xuân Quỳnh

  • Dàn ý phân tích 2 khổ đầu bài Sóng 
  • Phân tích sóng khổ 1, 2 - Mẫu 1
  • Phân tích Sóng khổ 1, 2 ngắn gọn - Mẫu 2
  • Phân tích khổ 1 2 Sóng - Mẫu 3
  • Phân tích Sóng Xuân Quỳnh khổ 1, 2 - Mẫu 4
  • Phân tích Sóng khổ 1, 2 cực hay - Mẫu 5
  • Phân tích Sóng khổ 1, 2 - Mẫu 6
  • Phân tích Sóng hai khổ đầu - Mẫu 7
  • Phân tích khổ 1, 2 bài thơ Sóng - Mẫu 8

Dàn ý phân tích 2 khổ đầu bài Sóng

1. Mở bài

- Giới thiệu về Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng ( Sóng là tiếng lòng của Xuân Quỳnh – Một người phụ nữ với tâm hồn nhạy cảm, mang bao cung bậc cảm xúc dạt dào, đắm thắm)

- Dẫn dắt vào vấn đề và trích dẫn đoạn thơ trên

2. Thân bài

* Khái quát chung về:

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi biển thực tế ở Diêm Điền (Thái Bình, bài thơ được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào.

- Nội dung bài thơ: Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ tha thiết, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên sự thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.

- Cấu trúc bài thơ: Cấu trúc song hành giữa hai hình tượng sóng – em thể hiện tâm tư tình cảm của nhân vật trữ tình.

- Nội dung đoạn thơ trên: Sóng là đối tượng để cảm nhận với những cung bậc phong phú về tâm trạng và khát vọng trong tình yêu.

* Những nội dung cần làm rõ:

- Phát hiện về những đặc tính của sóng và trạng thái trong tình yêu

  • Trạng thái đối lập, đa dạng của sóng: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ cũng là tâm trạng thất thường, phức tạp của người con gái trong tình yêu.
  • Tình yêu chân chính không chấp nhận hiện tượng một chiều mà luôn khát khao tự khám phá nhận thức về mình. Cũng như thuộc tính vốn có của sóng không cho phép chấp nhận không gian chật hẹp của những dòng sông mà tìm đến không gian rộng mở, khoáng đạt của biển cả. Vì vậy trái tim của người con gái khi yêu không chấp nhận tình yêu tầm thường mà luôn kháo khát sự đồng cảm, hòa hợp, khoáng đãng, bao dung, rộng lớn…

- Sự vĩnh hằng của sóng và tình yêu

  • Sự trường tồn của sóng trước thời gian (con sóng ngày xưa - ngày sau – vẫn thế)
  • Khát vọng về tình yêu trong trái tim tuổi trẻ cũng bất diệt như sóng, đó là khát vọng lớn lao, vĩnh hằng của tuổi trẻ, của nhân loại (Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ)

- Nghệ thuật:

  • Những hình ảnh tượng trưng kết hợp với những tính từ mang ý nghĩa trái ngược đã diễn tả những cung bậc cảm xúc đa dạng của sóng và tình yêu: mạnh mẽ, cuồng nhiệt, sâu lắng.
  • Phép nhân hóa làm hình tượng sóng trở nên có hồn và sinh động hơn.

3. Kết bài

- Nêu suy nghĩ, cảm nhận về đoạn thơ trên (Đoạn thơ đã diễn tả một cách sâu sắc những cung bậc cảm xúc, nhưng trạng thái trong tình yêu. Con sóng là sự vĩnh hằng của biển khơi, còn tình yêu là khát khao muôn thuở của tuổi trẻ.)

- Mở rộng vấn đề bằng cảm xúc và sự liên tưởng của cá nhân

Phân tích sóng khổ 1, 2 - Mẫu 1

Không biết tự bao giờ những con sóng ào ạt từ sông, từ biển đã tròn lăn, vỗ về trái tim người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí” của một mùa thu trong veo nơi đồng bằng Bắc Bộ, Huy Cận vẽ sóng “Tràng Giang” bằng bằng những dòng thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời đại trong nỗi sầu vạn kỉ thì nữ sĩ Xuân Quỳnh đã nhuộm lên những con sóng bạc đầu màu yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ tha thiết, nóng bỏng, đầy nữ tính. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, thủy chung trong tình yêu của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện trong “Sóng” ngời sáng như “nốt nhạc xanh của thời kỳ lửa cháy”, như hòn ngọc quý của văn chương. “Sóng” để lại cho người đọc cảm nhận xanh non, tươi mới về tâm hồn rạo rực của người phụ nữ đang yêu, một trái tim nồng nàn, đong đầy xúc cảm qua đoạn thơ:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể​Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Là một nhà thơ viết thơ tình hấp dẫn nhất trong thơ Việt Nam, Xuân Quỳnh chinh phục bạn đọc bằng tiếng thơ dung dị, chân thành và lắng sâu trải nghiệm. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân tình, đằm thắm và luôn da diết, khát vọng về hạnh phúc đời thường nhưng cũng đầy nỗi sợ hãi lo âu. Tình yêu trong thơ chị in đậm dấu ấn một cái tôi phụ nữ nồng nàn, táo bạo mà tha thiết: “Không sĩ diện đâu nếu tôi được yêu một người – Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm – Tôi yêu anh ta dẫu ngàn lần cay đắng” (Thơ viết cho mình và cho những người con gái khác). “Sóng” được xem là là bài thơ tình hay nhất của tác giả, được viết năm 1967, rút trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ là kết quả của chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền, Thái Bình.Lúc này, nhà thơ vừa trải qua những đổ vỡ trong hôn nhân. Cùng với một số bài thơ của Xuân Diệu, Lưu Quang Vũ, Chế Lan Viên,… trở thành mạch chảy ngọt ngào trong thơ ca kháng chiến hừng hực lửa chiến đấu.

Triết gia – thi sĩ Chế Lan Viên từng khẳng định: “Thơ hay như người con gái đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Chính chữ nghĩa là nhan sắc của thơ, để thơ làm duyên với những mỹ cảm trong tâm hồn người đọc. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khắc họa cho “Sóng” một nhan sắc thật duyên dáng, lung linh từ những dòng thơ đầu tiễn. Chẳng biết là sóng vỗ hay cơn sóng lòng người con gái đang yêu:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽ”

Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi quan sát các tính chất thực thể của sóng: “dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ”.Nhịp thơ 2/1/2 đều đặn tả nhịp con sóng khi trào lên lúc lắng xuống nhịp nhàng. Hai từ láy “dữ dội”, “ồn ào” miêu tả cảnh sóng lúc phong ba bão tố. Hình ảnh sóng dữ dằn, uốn lượn, phóng lên cao, liên tục gầm gào tung bọt trắng xóa trong phong ba bão táp. Còn “dịu êm” và “lặng lẽ” là “sóng” lúc trời trong, gió thoảng. “Sóng” nhấp nhô dịu dàng, êm ả vỗ vào bờ, thì thầm với cát nỗi niềm của biển khơi. Dường như, “sóng” và “em” đã hòa hợp thành một, đã quấn quýt, để hình ảnh của “sóng” là hiện thân cho bản chất, cho những xúc cảm chân thành, tinh khôi và cũng thật thất thường của người con gái khi yêu. Trong tình yêu, người con gái và “em” cũng có lúc khát khao cháy bỏng hay hờn ghen, giận dỗi mà bộc lộ ra bên ngoài bằng sự cuồng nhiệt, sôi nổi, “dữ dội” và “ồn ào”. Nhưng cũng có lúc, “em” dịu dàng, nữ tính, thanh thuần trong “dịu êm”, “lặng lẽ”, nồng nàn nhớ thương. Nàng thơ của thơ tình Việt Nam đã khéo léo sử dụng quan hệ từ “và” trong mỗi quan hệ cộng hưởng tưởng như là sự tương phản, đối lập để khẳng định sự thống nhất, hợp lý trong tâm trạng của một trái tim con gái khi yêu. Bởi lẽ: “Vì tình yêu muôn thuở/Có bao giờ đứng yên”. Trái tim người phụ nữ mong manh, nhạy cảm, luôn đòi hỏi sự tinh tế trong tình yêu, luôn khao khát yêu và chiều chuộng. Phụ nữ đôi khi thật khó hiểu. Chỉ một chút vô tâm, những điều nhỏ bé cũng làm họ suy nghĩ vẩn vơ:

“Em bảo anh: “Đi đi”Sao anh không đứng lại?Em bảo anh: “Đừng đợi”Sao anh lại vội về!Lời nói thoảng gió bayĐôi mắt huyền đẫm lệSao mà anh ngốc thế!Không nhìn vào mắt em”.

(“Em bảo anh đi đi” – Kaputikian)

Tình yêu của người con gái nào bao giờ yên định bởi họ yêu mãnh liệt, yêu chân thành và tha thiết nhất với những nhớ nhung “đến cả trong mơ còn thức” với những hờn ghen vô cớ:

“Nếu phải cách xa nhauBiển chỉ còn sóng gióNếu phải cách xa anhEm chỉ còn bão tố”

(“Thuyền và biển” – Xuân Quỳnh)

Nhưng cũng có lúc người con gái thu mình về với chất nữ tính dịu dàng, họ lặng lẽ, dịu êm, duyên dáng soi mình vào những trải nghiệm:

“Có những tình yêu không thể nói bằng lờiChỉ hiểu nhau qua từng ánh mắtNhưng đó là tình yêu bền vững nhấtBởi thứ ồn ào là thứ dễ lãng quên.”

(Đinh Thu Hiền)

Tình yêu là thế, muôn đời là thế. Nếu một mối tình luôn cảm thấy sự yên ổn, cân bằng thì đó không phải là tình yêu. Khi yêu người phụ nữ luôn như sóng, thất thường như sóng, và im lặng, biết đâu là bến bờ như sóng.

Trong “Sóng”, Xuân Quỳnh không chỉ là tiếng nói của một tâm hồn thiếu nữ yêu chân thành và tha thiết với những cảm xúc rất thật, rất mới mà mượn hình tượng con sóng, nữ sĩ còn thể hiện những khát vọng đẹp đẽ của người con gái với tình cảm nồng nhiệt của mình:

“Sông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”

Hình ảnh “sông”, “sóng”, “bể” miêu tả hành trình, quy luật của sóng đi từ sông ra biển cả. ”Sóng” ở “sông” tìm ra tận “bể” là con sóng muốn đi tìm để tri ân nguồn cội của mình. “Sông” và “bể” làm nên đời “sóng”, “sóng” chỉ thực sự được vùng vẫy khi hòa mình với biển khơi. “Sông” và “bể’ là ẩn dụ cho cái nhỏ bé và cái lớn lao. Phép nhân hóa “sông tìm ra”, ‘sóng không hiểu” càng khẳng định ý thức, khát khao được vẫy vùng, được là chính mình của “sóng”. Hành trình tìm ra tận bể tiềm tàng sức sống bền bỉ để vươn tới giá trị tuyệt đích của mình. Đó cũng là hành trình của người con gái khi yêu từ bỏ những cái nhỏ bé, tầm thường để vươn tới cái lớn lao, để tìm sự đồng cảm, để hướng tới một tình yêu bao dung, thiết thực. Xuân Quỳnh đã chứng minh cho chúng ta một quan niệm yêu, một cách yêu thật sâu sắc. Khi yêu, người phụ nữ yêu hết mình, mãnh liệt, gạt bỏ những nhỏ nhen, ràng buộc, ích kỉ để vươn đến, để hoàn thiện và tìm về với biển. Đây là một quan niệm tình yêu tiến bộ và mạnh mẽ của người phụ nữ hiện đại. Khác với ngày xưa, ngày của những quan điểm tình yêu cổ hủ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã cắt ngang bao mối tình duyên đẹp đẽ:

“Thân em như tấm lụa đàoPhất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

(Ca dao)

Hay:

“Thân em vừa trắng lại vừa trònBảy nổi ba chìm với nước nonRắn nát mặc dầu tay kẻ nặnMà em vẫn giữ tấm lòng son” 

(“Bánh trôi nước” – Hồ Xuân Hương)

Người con gái trong tình yêu đã không còn cam chịu, nhẫn nhục nữa mà minh bạch, quyết liệt rời xa tình yêu vị kỉ, vụ lợi, dũng cảm đi theo tiếng gọi trái tim, đến với tình yêu cao thượng, vị tha, bao dung mà Puskin năm xưa và Xuân Quỳnh ngày này đều cảm nhận: “Tình yêu nâng con người thoát khỏi sự tầm thường.”

Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận. Làm sao ta có thể đi xuyên suốt hết cõi mông lung, vô tận ấy. Và ngay chính trong lúc cõi lòng đang bùng lên ngọn lửa yêu thương, thì “em’ càng trắc trở, băn khoăn, khắc khoải. Phải vượt khỏi cái giới hạn chật hẹp này, phải lao mình vào chân trời bao la, những miền sâu thẳm để hiểu rõ lòng mình. Tình yêu là gì? Hỏi thế gian tình ái là chi mà để con sóng cứ đi tìm hoài, tìm mãi cái quy luật của tình yêu:

“Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thế”

Nếu trong khổ thơ đầu tiên, sóng được đặt vào trong không gian của “sông”, của “bể” thì đến khổ thơ này, sóng lại nằm trong phạm trù của thời gian. Tình yêu mãi mãi là khát vọng tuổi trẻ, nó làm bồi hồi, xao xuyến rung động trái tim lứa đôi, mối tình bất tử của thuyền, của biển, của em, của anh. Thán từ “ôi” như tiếng reo thầm khe khẽ chan chứa sự ngạc nhiên, thích thú cùng những từ ngữ chỉ thời gian “ngày xưa”, “ ngày sau’, “vẫn thế” đã thể hiện niềm sung sướng của nữ sĩ khi phát hiện quy luật của “sóng” là quy luật của sự vĩnh hằng: Con sóng từ ngàn đời, dẫu là hôm nay hay mai sau vẫn luôn vỗ vào bờ trong niềm khát khao, trong mối tình thủy chung, mãnh liệt. Để từ đó, Xuân Quỳnh bỏ ngỏ chúng ta trong cuộc giải mã của tình yêu:

“Nỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Sóng muôn đời chẳng đổi thay thì tình yêu ngàn đời vẫn thế. Từ láy “bồi hồi” khéo léo đặt ở đầu câu thơ càng nhấn mạnh cảm giác đắm chìm, si mê, rạo rực trong tình yêu. Những từ “khát vọng”, “bồi hồi” và hình ảnh “trong ngực trẻ” đã diễn tả thật mãnh liệt một trái tim với những nhịp đập dồn dập vì khát khao, một tâm hồn đang rạo rực vì đam mê tuổi trẻ. Giống như nhà thơ Tố Hữu từng ví von:

“Đời có gì đẹp hơn thếNgười với người sống để yêu nhau”

Với Xuân Quỳnh, tình yêu đem đến sự trẻ trung, nhiệt huyết và chính tình yêu làm con người tươi trẻ với khát khao muôn đời của nhân loại. Người con gái trong thơ chị man dại, quyết liệt vươn đến biển tình mênh mông.. Sống là phải yêu để tận hưởng cuộc sống. Xuân Diệu đã từng nói:

“Hãy để con trẻ nói cái ngon của kẹoHãy để tuổi trẻ nói hộ tình yêu”

Và:

“Làm sao sống được mà không yêuKhông nhớ không thương một kẻ nào”(“Bài ca tuổi nhỏ” – Xuân Diệu)

“Chẳng có gì ngọt ngào bằng nửa sự ngọt ngào của tình yêu thời tuổi trẻ”. Tình yêu gắn liền với tuổi trẻ. Tuổi trẻ là trái tim đa cảm, dào dạt và rạo rực niềm yêu thương chất sống. Chính vì thế mà cái khát vọng tình yêu cứ “bồi hồi trong ngực trẻ”, nó thúc đẩy tuổi trẻ đi tìm chân lý yêu thương, cũng như con sóng “ngày xưa và ngày sau vẫn thế”. Quả đúng là đến với Xuân Quỳnh, thơ Việt Nam mới có tiếng nói bày tỏ những khát khao yêu thương vừa hồn nhiên, chân thành, vừa mãnh liệt sôi nổi của một trái tim phụ nữ.

Những khát khao mãnh liệt ấy, những rung cảm rất chân thành của hồn thơ nữ sĩ được tô đậm bằng các giá trị nghệ thuật đặc sắc. Với kết cấu đặc biệt, sự song hành sóng đôi giữa hai hình tượng “sóng” và “em”, hình ảnh thơ giản dị, ngôn ngữ trong sáng, tinh tế, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, đặc biệt là sự khéo léo trong việc vận dụng các từ láy giàu sức biểu cảm, giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng và nhất là tài năng, trái tim yêu chân thành, mãnh liệt của chính tác giả…Tất cả đã tạo cho đoạn thơ sức quyến rũ không tài nào nói hết, chở cánh diều nội dung sâu sắc, những thông điệp nhà thơ gửi gắm bay cao trong luồng gió nghệ thuật.

Hai đoạn thơ trên đã khái quát được trạng thái tâm lí của người con gái khi yêu cũng như những quy luật của tình yêu qua hình tượng “sóng”. Người phụ nữ hiện lên trong thơ Xuân Quỳnh với những tính cách rất đặc trưng, rất chân thành. Khi yêu hết mình, người phụ nữ có thể hờn ghen, dữ dội, muốn được trào lên, bùng cháy khát vọng, cảm xúc của chính mình như sóng biển “ồn ào”, hung dữ tấp vào bờ. Nhưng cũng có khi, họ thật nhẹ nhàng, duyên dáng trong nét dịu dàng, êm dịu hay lặng im đầy chiêm nghiệm, sâu sắc của người phụ nữ. Không chỉ vậy, nữ sĩ còn tài tình khắc họa, tô đậm những khao khát muốn vùng vẫy, muốn tìm đến tình yêu đích thực, vượt mọi rào cản, sự táo bạo trong tư duy, dũng cảm, man dại mà mãnh liệt để tìm về với biển khơi – nơi có thể dung túng cho tính khí thất thường của “sóng”. Và hơn hết, đó là khát vọng hạnh phúc bình dị, muốn yêu, muốn sống cho thỏa những đam mê tuổi trẻ của nữ thi sỹ. Hình ảnh người phụ nữ mới mẻ, chân thật, người phụ nữ của tình yêu, của thời đại mới đang hiện hữu sống động trong từng vần thơ.

Vẻ đẹp tâm hồn, tính cách người phụ nữ như bông hoa nở rỗ, tươi thắm trên khói lửa chiến tranh, làm rạo rực và đánh thức ở mọi người sự trân trọng, ngợi ca hơn nữa một nửa của thế giới:

“Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sửNắng cho đời nên cũng nắng cho thơ”

Khánh Ly trong quyển sách duy nhất của mình – Đằng sau những nụ cười – đã tâm sự rất mực chân thành về những người phụ nữ làm nghệ thuật : là ca sĩ hay là thi sĩ. Bà nói rằng bất cứ người phụ nữ nào, dù có kiêu sa với ánh đèn ,tiếng hát hay vinh quang tột bậc với những con chữ, thì sau tất cả, ai cũng giữ cho mình một đóa hoa hồng nhỏ bé trong trái tim. Đó là những ước vọng đời thường, những khát khao bình dị, những niềm yêu chân. Xuân Quỳnh cũng là người phụ nữ như thế. Chị ngay từ những buổi đầu của thơ ca đã chạm vào thơ ca bằng đôi bàn tay kì diệu của một trái tim hồn hậu yêu thương . Ơ đôi bàn tay ấy có một đóa hoa ngâu vàng đang nở rộ trong tiếng đàn của anh. Đong đầy nơi ấy là tiếng “À ơi …cái ngủ đang về cùng con.” Nhưng đi giữa tình yêu người ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó một nỗi nhớ, lo sợ và phấp phỏng. “Lời yêu mỏng manh như màu khói? Ai biết tình ai có đổi thay ?” (“Hoa cỏ may”). Để các dòng thơ của chị lại tạo thành dòng mạch ngầm êm đềm len lỏi trong tâm hồn . Chúng âm ỉ nỗi đau của một người phụ nữ đã từng trải qua mất mát đau thương của cuộc đời. Nhưng vẫn thường trực đâu đó trong mạch ngầm ấy là một niềm tin mãnh liệt vào tình yêu.

Khẽ gấp lại trang thơ, ta như nghe rì rào đâu đây tiếng sóng biển vỗ về bờ cát trắng và tiếng sóng lòng bồi hồi, rạo rực của người phụ nữ khi yêu. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã thổi vào nền thơ ca nước nhà một làn gió mới của chất duyên dáng, cá tính rất riêng của người phụ nữ. Trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt, trong những cuộc chia ly mà đỏ nơi sân ga, bến nước, sân đình, nữ thi sĩ đã làm dịu mát đi cái không khí căng thẳng ấy, đồng thời thổi bùng vẻ đẹp thủy chung, những tính cách riêng và khát khao được yêu mãnh liệt của người phụ nữ Việt Nam:

“Khi ta còn trẻ, thơ là người mẹTa lớn lên rồi, thơ là người bạn, người yêuChăm sóc tuổi già, thơ là con cáiLúc chết đi rồi, kỉ niệm hóa thơ lưu…

Phân tích Sóng khổ 1, 2 ngắn gọn - Mẫu 2

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam. Bà có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và dạt dào cảm xúc. Điều này được thể hiện rõ qua bài thơ "Sóng" in trong tập "Hoa dọc chiến hào" năm 1968. Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ đã làm nổi bật tính cách và khát vọng tình yêu của người phụ nữ.

Trong khổ thơ đầu, tác giả đem đến cho người đọc những hình dung về các trạng thái khác nhau của sóng:

"Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽ"

"Dữ dội", "dịu êm", "ồn ào", "lặng lẽ" là tính từ miêu tả trạng thái của sự vật. Đây đều là những từ mang ý nghĩa đối lập nhau. Sóng có lúc mạnh mẽ, ồn ã, lúc lại êm ái, dịu dàng. Tính cách của sóng cũng giống như đặc điểm của người con gái khi yêu.

Ở hai câu tiếp theo, Xuân Quỳnh đã sử dụng biện pháp nhân hóa: "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể". Từ "tìm" đã diễn tả được sự chủ động của những con sóng. Sóng từ bỏ không gian tù túng, chật hẹp để đến với nơi rộng lớn, bao la. Từ "sông" tới "bể", sóng đã làm một cuộc hành trình đầy dứt khoát. Hình ảnh dòng sông tìm ra biển lớn ẩn dụ cho khát vọng khám phá những điều lớn lao của người con gái trong tình yêu. Như vậy, bản chất, tính cách và hành trình nhận thức của sóng cũng là đặc điểm của người con gái khi yêu.

Đến với khổ thơ thứ hai, nhà thơ Xuân Quỳnh đã khẳng định sự bất diệt của sóng đối với đại dương:

"Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ"

"Ôi" là từ cảm thán thể hiện sự bồi hồi, xao xuyến của một trái tim đang yêu. Nếu ngày "xưa" chỉ quá khứ thì "ngày sau" lại biểu trưng cho tương lai. Nối liền "ngày xưa" với "ngày sau", tác giả muốn nói đến sự dài rộng của năm tháng. Dù là quá khứ hay tương lai thì sóng không bao giờ thay đổi. Đặc biệt, từ "bồi hồi" được đặt ngay đầu dòng càng nhấn mạnh vào cảm giác đắm say, rạo rực của chủ thể trữ tình. Khát vọng tình yêu vẫn luôn thổn thức trong lồng ngực như sự vĩnh cửu của những con sóng.

Bên cạnh nét hấp dẫn về mặt nội dung, ta không thể bỏ qua nét đặc sắc về nghệ thuật. Bằng biện pháp lặp cấu trúc cùng nghệ thuật đối lập và ngôn ngữ tinh tế, gợi hình, gợi cảm, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện đặc điểm của người con gái và khát vọng hạnh phúc trong tình yêu một cách sống động.

Có thể nói, hình tượng sóng là hình tượng trung tâm của văn bản. Qua việc phân tích sự tương đồng giữa "em" và "sóng", ta càng hiểu thêm được nét duyên dáng, tế nhị trong cách biểu hiện tình yêu ở người con gái.

Phân tích khổ 1 2 Sóng - Mẫu 3

Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong số những nhà thơ trẻ xuất sắc, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống quân giặc Mỹ và là một trong số rất ít những nhà thơ nữ sáng tác nhiều tác phẩm và rất thành công với chủ đề tình yêu. Một trong số thành công xuất sắc về chủ đề ấy của nữ nhà thơ là tác phẩm “Sóng”, hai khổ thơ đầu tiên của bài thơ nữ thi sĩ đã viết:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Thơ của Xuân Quỳnh đại diện cho tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ chất chứa nhiều trắc ẩn, vần thơ của bà vừa mang nét chân thành đằm thắm, lại vừa nồng nàn mãnh liệt và hơn hết là luôn bùng lên khát vọng da diết về một hạnh phúc bình dị ngoài đời thường. Bài thơ “Sóng” được sáng tác vào năm 1967 trong một chuyến đi thực tế của nhà thơ tại vùng biển Diêm Điền thuộc tỉnh Thái Bình và lúc này thì bản thân tác giả cũng vừa trải qua sự đổ vỡ trong tình yêu. Bài thơ thuộc tập “Hoa dọc chiến hào” và được in vào năm 1968. Tình yêu là một điều gì đó rất bí ẩn nên ngàn đời vẫn luôn cuốn hút con người, tình yêu trong thơ của Xuân Quỳnh chính là biểu tượng của những bông hoa dọc chiến hào làm dịu đi sự tàn khốc của chiến tranh.

Trong bài thơ “Sóng”, nhà thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ ngắn gọn, đây là thể thơ có nhịp điệu rất nhanh, mạnh và dồn dập. Thể thơ ấy thường sử dụng để diễn tả những dòng cảm xúc hối hả, ào ạt, mãnh liệt. Ngoài ra, bài thơ còn sử dụng cách hiệp vần giãn cách kết hợp hiệp vần chân ở những tiếng cuối ở các câu chẵn. Hơn nữa bài thơ luôn có sự luân phiên về thanh điệu ở những tiếng cuối của các câu thơ. Như vậy những thủ pháp trong nghệ thuật sáng tạo đã tạo thành âm hưởng vô cùng nhịp nhàng và uyển chuyển cho cả bài thơ. Âm hưởng của bài thơ chính là âm hưởng dạt dào của những con sóng mà trong mỗi câu thơ là những con sóng gối lên nhau đều đặn, chạy đều đến hết bài thơ. Những con sóng ấy là sự trào dâng mãnh liệt trong dòng cảm xúc dạt dào của tâm hồn nữ sĩ. Có lẽ vì vậy mà ấn tượng về những con sóng trong bài thơ không đơn thuần là của sóng biển mà còn là của những con sóng tình. Đây cũng chính là hai hình tượng nghệ thuật được tác giả tập trung xây dựng cho bài thơ. Sóng biển và sóng tình có những lúc tồn tại song song để soi chiếu và tôn vinh vẻ đẹp của nhau, nhưng cũng có lúc lại hòa làm một, trong sóng biển chứa sóng tình, trong sóng tình chúng ta lại thấy nhịp ào ạt của sóng biển. Suy cho cùng thì sóng biển và sóng tình đều là hình tượng nghệ thuật nhằm biểu đạt cho cái tôi trữ tình của tác giả.

Qua hai khổ thơ đầu tiên, nữ sĩ đã cho người đọc cảm nhận được những đặc điểm của con sóng biển và cả của những con sóng tình yêu, những con sóng ấy luôn chứa đựng những trạng thái đối lập nhau và luôn có những khát khao muốn vươn lên đến những sự vĩ đại, bao la. Mở đầu, tác giả đã viết:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽ”

Trong hai câu thơ đầu tiên, tác giả đã sử dụng những hai cặp tính từ trái nghĩa nhằm miêu tả được đặc điểm của sóng biển: cặp “dữ dội – dịu êm” và cặp “ồn ào – lặng lẽ”. Thông thường khi đứng giữa những cặp tính từ trái nghĩa ấy là quan hệ từ để biểu đạt lên sự tương phản như “tuy – nhưng”, thế nhưng ở đây thì nhà thơ Xuân Quỳnh lại sử dụng quan hệ từ rất đặc biệt “và” vốn để biểu đạt mối quan hệ cộng hưởng, cộng thêm và nối tiếp. Như vậy những đặc điểm tưởng chừng như đối lập lại có vẻ thống nhất với nhau và sẽ luôn tồn tại trong một chủ thể là sóng. Trong cái dữ dội lại có nét dịu êm, trong cái ồn ào lại chứa đựng sự lặng lẽ. Những trạng thái đối lập ấy của sóng cũng chính là những trạng thái đối lập xuất hiện trong tâm hồn người phụ nữ khi yêu. Trong tình yêu, tâm hồn của người phụ nữ không hề bình lặng mà chứa đầy những biến động: có khi thì sôi nổi cuồng nhiệt, cũng có lúc lại e lệ, kín đáo, có lúc đằm thắm nhưng có lúc lại hờn ghen.

Tác giả tiếp tục sử dụng thêm biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong hai câu thơ tiếp theo, con sóng được nhân hóa thông qua động từ “tìm” trong hành trình đi từ sông ra đến biển:

“Sông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”

Tác giả đã vô cùng khéo léo sử dụng động từ “tìm” giúp nhân hóa con sóng để cho ta thấy được sự chủ động của những con sóng, con sóng đã chủ động chối bỏ đi những phạm vi chật hẹp là “sông” để có thể vươn tới những phạm vi rộng lớn bao la hơn là “bể”. Như vậy trong bốn câu thơ đầu tiên, nhà thơ đã giúp chúng ta nhìn lại được hai đặc điểm tự nhiên và vốn có của những con sóng và cũng chính tác giả đã phải sử dụng thêm hai câu thơ để khẳng định lại sự hiển nhiên và vốn có ấy:

“Ôi con sóng ngày xưavà ngày sau vẫn thế”

Nữ nhà thơ đã khẳng định được những đặc điểm ngàn đời vốn có của con sóng, từ quá khứ “ngày xưa” cho đến thời điểm tương lai “ngày sau” con sóng vẫn luôn luôn chứa đựng những trạng thái đối lập, vẫn luôn vận động dựa trên một quy luật trăm sông đều đổ ra biển. Trạng từ khẳng định “vẫn thế” một lần nữa giúp biểu đạt chân lý ấy sẽ không bao giờ có thể đổi thay.

Thơ ca hay nghệ thuật đều là những sự sáng tạo muốn mang đến cho người đọc những cảm xúc mới lạ, đem đến cho tâm hồn của con người những trải nghiệm đa dạng, phong phú. Ta tự hỏi rằng vì sao trong sáu câu thơ đầu tiên tác giả chỉ đưa cho chúng ta hai đặc điểm tự nhiên, vốn có của những con sóng? Để giải đáp cho điều đó, nữ nhà thơ viết tiếp hai câu thơ sau:

“Nỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Đến đây chúng ta đã có thể cảm nhận được sự hiện hữu của một con sóng nữa đó là con sóng trong tâm hồn, là con sóng của tình yêu, mà đó lại là tình yêu của tuổi trẻ còn đang bồi hồi, đang thổn thức ở trong trái tim, trong lồng ngực của người con gái. Khát vọng về tình yêu cháy bỏng mãnh liệt đang dạt dào trong lòng của nữ sĩ. Như vậy khi đứng trước biển, trước những con sóng ào ạt vỗ bờ, dòng cảm xúc trong tâm hồn nữ sĩ cũng đang trào dâng. Những con sóng biển xuất hiện ở sáu câu thơ đầu tiên đã gợi lên những con sóng tình trong tâm hồn nhà thơ. Sóng biển đã gọi sóng tình hay có thể nói sóng biển chính là yếu tố giúp khơi gợi nguồn cảm xúc trong lòng thi sĩ.

Vì sao sóng biển lại có thể gọi được sóng tình, lại có sức khơi gợi cảm xúc một cách mãnh liệt như thế? Có lẽ giữa sóng biển với sóng tình có một sự tương đồng, nếu sóng biển chứa đựng vô vàn trạng thái đối lập thì tâm trạng của người con gái đang yêu cũng như thế, cũng có những lúc cần giận dỗi, hờn ghen và cũng có những lúc yêu thương dịu dàng đằm thắm:

“Em bảo anh đi điSao anh không đứng lại?Em bảo anh đừng đợiSao anh vội về ngay?”

Con gái đang yêu luôn là như vậy, luôn có những mặt mâu thuẫn, đối lập trong câu nói và hành động. Nếu yêu một người con gái mà lại không biết nhìn thẳng vào đôi mắt người đó thì chắc chắn một điều rằng anh chàng ấy sẽ khó lòng hiểu và yêu thương cô gái ấy một cách trọn vẹn nhất. Hành trình của sóng cũng chính là hành trình của tình yêu. Nếu con sóng luôn luôn biết chủ động chối bỏ đi những thứ chật chội hẹp hòi để vươn đến những điều rộng lớn hơn thì người con gái đang yêu cũng luôn luôn hướng tới những khát khao như thế. Họ dũng cảm dám từ bỏ những điều ích kỷ, nhỏ nhen để có thể vươn tới tình yêu bao dung. Việt Nam là một đất nước có lịch sử hơn một nghìn năm phong kiến và ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến đã đè nặng lên tư tưởng của phụ nữ Việt. Giai đoạn những năm 1967 ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng hệ phong kiến chắc chắn vẫn còn tồn tại, mà thậm chí còn vương vãi ở một số thế hệ trẻ hiện nay thế nhưng ở nhà thơ Xuân Quỳnh chúng ta bắt gặp được một con người hiện đại, vừa thông minh lại sắc sảo, luôn khát khao hướng đến một tình yêu vĩ đại.

Phân tích Sóng Xuân Quỳnh khổ 1, 2 - Mẫu 4

Văn hào Pháp Victor Hugo đã từng khẳng định: "Cuộc đời là một bông hoa, còn tình yêu là mật ngọt". Chính bởi vậy, tình yêu luôn là đề tài vĩnh cửu của văn học và luôn là điều bí ẩn đối với con người. Vì thế, đến với đề tài tình yêu, mỗi nhà thơ lại có một cách cảm nhận, thể hiện riêng. Ta biết tới một "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu nồng nàn, khao khát yêu đương, một nhà thơ Nguyễn Bính mộc mạc, chân chất. Còn đến với Xuân Quỳnh, ta lại cảm nhận được một hồn thơ in đậm vẻ nữ tính, da diết trong khát khao hạnh phúc đời thường. Điều này được thể hiện rõ trong bài thơ "Sóng" in trong tập "Hoa dọc chiến hào" năm 1968. Đặc biệt là ở hai khổ thơ đầu của bài thơ.

"Sóng" là hình tượng trung tâm của bài thơ. Sóng và em luôn song hành cùng nhau, lúc thì phân đôi để soi chiếu vào nhau, lúc lại hòa làm một. Tính cách và bản chất của sóng cũng là đặc điểm của "em", của người con gái khi yêu:

"Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽ"

Những từ trong hai dòng thơ mang ý nghĩa đối lập nhau vậy mà ở đây, Xuân Quỳnh lại sử dụng từ "và", vốn biểu đạt quan hệ cộng hưởng, tiếp nối, nhân lên. Qua đây, nhà thơ muốn thể hiện bản chất và tính khí của sóng. Lúc thì sóng dâng trào lên cao, mạnh bạo, lúc lại trở nên hiền hòa, dịu dàng. Thật giống với nét tính cách của người con gái đang yêu. Trái tim của "em" cũng như sóng, cũng lên xuống bất chợt với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đến với hai câu thơ tiếp theo trong khổ một, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa qua động từ "tìm". "Sông" và "bể" là những từ tái hiện không gian khác nhau. Nếu như "sông" tượng trưng cho sự tù túng, chật chội thì "bể" trong thế giới thơ Xuân Quỳnh thường biểu đạt cho một không gian khoáng đạt, rộng lớn:

"Chỉ có thuyền mới biếtBiển mênh mông nhường nào."

Hay

"Suốt cuộc đời biển gọi ước mơNỗi khát vọng nơi phương trời chưa đếnĐứng trước biển quên những điều nhỏ hẹpLại thấy lòng trong sạch thêm ra."

Mọi con sông đều sẽ đổ ra biển lớn. Đó là chân lí không thể đổi thay. Thế nhưng, động từ "tìm" cho thấy sự chủ động của những con sóng. Từ "sông" tới "bể", sóng đã làm một hành động đầy dứt khoát là từ bỏ cái tù túng, chật hẹp để đến với trời nước bao la, vĩnh hằng. Hành trình nhận thức của sóng cũng chính là mong ước vượt lên những điều nhỏ bé, tầm thường để tìm đến hạnh phúc lớn lao của người con gái trong tình yêu.

Sang đến khổ hai, nhà thơ lại tiếp tục nói về những con sóng biển:

"Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thế"

Từ "ôi" đã diễn tả sự bồi hồi, xuyến xao của một trái tim đang yêu."Ngày xưa" biểu thị cho cái quá khứ xa xôi trong khi "ngày sau" lại tượng trưng cho tương lai xa vời. Xuân Quỳnh nối liền quá khứ với hiện tại thông qua liên từ "và" nhằm thể hiện sự dài rộng của tháng năm. Thi sĩ muốn khẳng định sự bất diệt của những con sóng. Dù thời gian có thay đổi thì những con sóng vẫn vẹn nguyên. Như vậy, trong suy nghĩ và cảm nhận của tác giả, dù là quá khứ hay hiện tại, dù là ngày xưa hay ngày sau thì sóng vẫn tồn tại muôn đời. Khát vọng tình yêu cũng như vậy, vẫn luôn mãnh liệt, thổn thức trong lồng ngực của tuổi trẻ, của người con gái tràn đầy niềm yêu thương.

Để diễn tả được đặc điểm, khát vọng của sóng, tác giả đã sử dụng ngôn từ giàu sức gợi hình, gợi cảm, biện pháp nhân hóa "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể", lặp cấu trúc "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ". Các yếu tố trên đã góp phần thể hiện được nội dung của đoạn trích cũng như tạo nên thành công cho tác phẩm.

Qua việc phân tích hai khổ thơ đầu của bài thơ "Sóng", ta thấy được hình tượng "sóng" và "em" luôn song hành, gắn liền với nhau để làm rõ được nỗi niềm, khát khao hạnh phúc bình dị của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Những tình cảm mà Xuân Quỳnh thể hiện thật "giống như ngọn lửa thần bốc lên từ những cành khô" còn tài năng của bà là sự "bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người" (Raxun Gazo).

Phân tích Sóng khổ 1, 2 cực hay - Mẫu 5

Không biết từ bao giờ nhịp sóng vỗ ngoài đại dương không chỉ làm thổn thức biển cả mà còn làm rung động biết bao trái tim người thi sĩ để làm nên con sóng nơi “gió cuốn mặt duềnh” mang bao dự cảm bất an trong thơ Nguyễn Du, “tiếng sóng cuốn bờ mây” của cuộc sống mới ấm no, bình an trong thơ Huy Cận (“Tiếng biển về khuya”), là tiếng lòng da diết của người con trai trong tình yêu trong cái nhìn Xuân Diệu (“Biển”),... Và càng không thể thiếu tiếng sóng vỗ nghìn đời như nhịp đập bền bỉ của người con gái khi yêu trong những câu thơ đầy nữ tính của Xuân Quỳnh- “Sóng”. Từ những câu thơ mở đầu đã cảm nhận được sức sống ấy:

Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng người con gái ấy sinh ra là để dành cho thơ. Mỗi bài thơ đều là tiếng nói chân thành nhất của một tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa âu lo vừa da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” được viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình), là tiếng thơ của những ngọt ngào, đắng cay từng trải trong tình yêu, khi đã vun đắp và trải nghiệm sự tan vỡ trong tình yêu mà vẫn thật tha thiết, tràn đầy khát vọng. Bài thơ có sự song hành hình tượng giữa “sóng” và “em”: “Sóng” và “em” có lúc tách ra để soi chiếu vào nhau, có lúc lại hòa hợp thống nhất. Sóng biển và sóng lòng, sóng nước và sóng tình ẩn hiện, đan nguyên vào nhau tạo ra những cảm xúc mới mẻ. Bởi thế, sóng có thể nói là một ẩn dụ không hoàn toàn cho em, cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu và trong cuộc sống.

Bằng cái nhìn thơ và tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh đã phát hiện thấy ở hiện tượng sóng của tự nhiên không ít những đặc tính của người phụ nữ. Nghe tiếng sóng vỗ mà như nghe được tiếng lòng của mình, của những người con gái đang yêu:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽ”

Trong người phụ nữ, luôn tồn tại những trạng thái đối cực. Hai câu thơ có thể đúng với bao người nhưng nó không phải là lời của một nhà nghiên cứu trong tình yêu đứng ngoài nhìn vào. Nó được viết ra trước hết là một lời tự thú chân thành và tự nhiên đến độ khiến ta phải ngỡ ngàng: thì ra, trái tim của người phụ nữ luôn có những đối cực như thế: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”. Nhà thơ đặt liên từ “và” – không phải bức tường ngăn cách mà là sự kết hợp, chuyển hóa. Như vậy, tình yêu không bao giờ là trạng thái tâm lí tuần nhất mà là sự hòa kết của những trạng thái khác nhau, thậm chí là đối lập như những nốt thăng, trầm làm nên bản tình ca đôi lứa. Người phụ nữ có thể ồn ào, dữ dội nhưng cuối cùng cũng là sự trở về của thiên tính nữ: dịu êm, lặng lẽ. Đó chính là sự hiện diện của cái “tôi” Xuân Quỳnh và cũng là sự hiện diện của “thiên tính nữ” – điều đặc biệt của tác phẩm.

Người phụ nữ luôn hướng tìm tới tự do:

“Sông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”

Khám phá những không gian tồn tại của sóng, Xuân Quỳnh phát hiện ra: hành trình của sóng từ sông ra biển cũng là hành trình con người đến với tình yêu: phải biết vượt qua những giới hạn bản thân chật hẹp để hòa nhập vào biển đời rộng lớn, kiếm tìm hạnh phúc. Đó là hành trình dấn thân tự nguyên, say mê để tìm đến hạnh phúc và sống trọn vẹn. Đó chính là điểm mới mẻ, hiện đại trong cảm xúc, tâm hồn người con gái: mạnh mẽ và tự do, sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn và rào cản để đến với hạnh phúc của mình – một sự kiếm tìm có ý thức trong tình yêu.

Tình yêu, với người con gái luôn là ước vọng, là đích đến và là nỗi bồi hồi, xao xuyến muôn đời:

“Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Thán từ “ôi” được đặt lên đầu như một sự phát hiện đầy thú vị về trạng thái tình cảm đã trở thành quy luật muôn thuở rồi. Đối với người phụ nữ, tình yêu không có tuổi: “ngày xưa”, “ngày sau vẫn thế”: vẫn “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ”. Tình yêu muôn đời, với muôn thế hệ nhưng với tuổi trẻ đang khát sống và khát yêu nhất, đặc biệt “bồi hồi”. Chẳng thế mà Xuân Diệu khẳng định:

“Làm sao sống được mà không yêuKhông nhớ không thương một kẻ nào”

(Xuân Diệu).

Tuổi trẻ là tuổi yêu, tình yêu luôn gắn với tuổi trẻ. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng viết: “Một trái tim đang nhớ là biểu hiện của một trái tim đang yêu” và một trái tim đã ngừng nhớ là biểu hiện của một tình yêu sắp sửa lụi tàn, của một sự sống cũng ngừng sôi sục. Nó không phải cái cảm giác bâng khuâng, nhẹ như mây bay thuở áo trắng hay sự lo toan khi đã “đứng tuổi”; đơn giản chỉ là sự bồi hồi, sự nhiệt huyết và hết mình của tuổi trẻ dám yêu, dám sống vì tình yêu ấy. Ngày xưa và ngày sau, vẫn thế....

Như vậy, qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả những trạng thái, cung bậc khác nhau của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Sự song hành hình tượng sóng và em đã khắc họa vẻ đẹp vừa dịu dàng, tinh tế vừa chủ động, mãnh liệt, vừa truyền thống vừa hiện đại của một tình yêu chân thành. Bề sâu tâm tình của nhân vật trữ tình kết hợp với hình thức thơ 5 chữ, việc sử dụng và “phá vỡ” ẩn dụ chính là yếu tố quyết định giá trị bài thơ. Bởi thế, con sóng ấy vừa là biểu hiện hiện của tình yêu muôn đời vừa là nhịp đập của tình tình yêu hiện đại hôm nay.

“Với Xuân Quỳnh, thơ là sống, sống là thơ. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn vẹn cái tôi của mình vào một thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điều đó là cách thơ Xuân Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh đã gửi mình vào thơ.” (Chu Văn Sơn). Và Xuân Quỳnh đã sống mãi bằng những câu thơ như thế.

Phân tích Sóng khổ 1, 2 - Mẫu 6

“Làm sao sống được mà không yêuKhông nhớ không thương một kẻ nào”

(Bài thơ tuổi nhỏ – Xuân Diệu)

Đó cũng là lý do tình yêu được đưa rất nhiều vào trong thơ ca và nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận với nhiều thi nhân. Có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn từng viết về tình yêu trong đó không thể không kể đến cây bút thơ tình xuất sắc của nền văn học Việt Nam - Xuân Quỳnh - nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ đã thể hiện tình cảm người con gái qua bài thơ “Sóng”.

Khi nhắc đến tên tuổi của Xuân Quỳnh, từ trong tiềm thức của mỗi người yêu văn chương đều biết tiếng thơ bà là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm, tha thiết khát vọng hạnh phúc đời thường và Sóng là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách văn chương đặc trưng đó. Năm 1967, nhân một một chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình), khi đứng trước biển khơi rộng lớn, những tâm tư tình cảm của bà được bộc bạch qua những vần thơ và đó là cơ sở để Sóng ra đời. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ là sự đan xen giữa hình ảnh Sóng và hình ảnh “em” - người con gái trong tình yêu. Mở đầu bài thơ tác giả mang đến cho bạn đọc những trạng thái khác nhau của con sóng:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”

“dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ” là những tính từ trái nghĩa thể hiện những thái cực đối lập của con sóng: có lúc hiền lành dịu dàng nhưng cũng có lúc vô cùng dữ dội. Đó cũng là những tâm trạng khác nhau của người con gái trong tình yêu, họ luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ với tình yêu, với người yêu của mình nhưng cũng có lúc họ trở nên mạnh mẽ, cương trực trước tình yêu ấy. Hình ảnh dòng sông không hiểu chính mình nên tìm ra biển khơi rộng lớn tìm câu trả lời cũng chính là tâm tư của người con gái luôn trăn trở, suy tư nhiều điều và có ước muốn là khám phá được những điều lớn lao hơn trong tình yêu.

Bốn câu thơ tiếp theo nỗi khát vọng của người con gái:

“Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Con sóng từ ngàn năm vẫn thế, vẫn tính chất, đặc điểm ấy không bao giờ thay đổi. Và người con gái cũng vậy khát vọng tình yêu luôn thường trực, rạo rực trong trái tim, bao nhiêu năm vẫn hướng về tình yêu, về người yêu.

Xuân Quỳnh đã tìm được một cách nói riêng để bộc lộ tình yêu, những dung động của lòng mình với một giọng thơ kể lể, tâm tình vừa êm ái, nhẹ nhàng vừa thiết tha. Âm hưởng, nhịp điệu bài thơ ngân nga do sự phối âm, phối vần tài tình như những con sóng cứ nối nhau không dứt. Bài thơ vì thế có cả âm vang của sóng, gió thiên nhiên và sóng của tâm hồn.

Sóng là bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh và của thơ ca Việt Nam hiện đại viết về đề tài tình yêu. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Phân tích Sóng hai khổ đầu - Mẫu 7

Trong nền thơ ca Việt Nam nếu người ta thường nhắc Xuân Diệu trong danh xưng là ông hoàng thơ tình thì Xuân Quỳnh chính là bà hoàng thơ tình. Ở Xuân Quỳnh luôn đem đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu, nhà thơ thổn thức những lời thơ tình cảm, chân thành, hôn nhiên da diết của một trái tim khao khát yêu đương. Bài thơ Sóng không chỉ thành công trong việc truyền đạt ngôn ngữ mà còn ở việc nhà thơ tạo nên nhịp điệu riêng để thơ đi vào lòng người đọc một cách thú vị. Một người phụ nữ luôn thiết tha yêu và được yêu được nhà thơ mượn hình tượng sóng cùng nhịp điệu của sóng để nói về tiếng lòng mình. Vì thế mà toàn bộ bài thơ được bao trùm bởi hình ảnh ẩn dụ độc đáo "Sóng".

Dữ dội và dịu êm...Sóng tìm ra tận bể

Nhà thơ đã cảm nhận được chính lòng mình hiện tại trước đại dương mênh mông với những con sóng có lúc nổi lúc lại lặng yên kia. Đã rất nhiều lần chúng ta tìm về biển xanh để tâm tư hết những nỗi niềm, suy nghĩ của bản thân, để khi đứng trước sự mênh mông, bao la đó, đợt sóng lần lượt va vào nhau dội lại mới thấy được trong nhà thơ những rung động đến thế. Biển mang khúc ca hát lên câu chuyện về con người, những dòng suy nghĩ của nhà thơ qua trái tim đa sầu đa cảm của thi sĩ. Với những từ ngữ ngắn gọn ở khổ thơ đầu tiên nhưng lại khá lạ, tạo nên nét đặc biệt cho thơ Xuân Quỳnh. Nghệ thuật đối lập được sử dụng linh hoạt ở các cặp từ: "Dữ dội - dịu êm", "Ồn ào - lặng lẽ" đây chính là những suy trạng thái đối lập nhau hay chính là nỗi niềm trong lòng con người. Đại dương, biển cả sẽ có lúc này lúc kia, khi hiền hòa ta sẽ thấy những đợt sóng nhẹ nhàng, dịu êm từng đợt nhưng khi mưa to, gió lớn, biến động biển cả thì con sóng ấy chợt trở nên hung dữ, va đập mạnh vào nhau. Nhìn thấy trạng thái của sóng như thế nhà thơ chợt nhận ra lòng mình lúc yêu cũng có lúc đối cực như vậy. Trái tim có lúc vui, rộn ràng nhưng lại có những ngày buồn bã, chán trường, bão tố trong lòng. Trong tình yêu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, hạnh phúc mà sẽ có lúc hờn dỗi, trách móc, ghen tuông, muộn phiền,...và chính con sóng lúc êm đềm và dữ dội nói thay những đa dạng của cảm xúc người phụ nữ trong tình yêu. Bởi

"Vì tình yêu muôn thuởCó bao giờ đứng yên".

Hình ảnh của dòng sông, bể chúng ta có thể liên tưởng là biển và đại dương. Dù dòng chảy có thế nào, trôi về đâu thì đích cuối cùng sẽ là sông, trăm sông lại tìm đến biển lớn, đặc biệt là con sóng kia không chịu những ràng buộc, giới hạn nhỏ bé nên nó tìm ra nơi rộng lớn, bao la hơn là đại dương, biển cả. Nối liền mạch thơ ở đây chính là trái tim của người con gái trong khi yêu luôn mong muốn có một điểm tựa vững chắc để tâm hồn có thể yên bình bất kể mọi chuyện có ra sao. Xuân Quỳnh cho thấy nét đẹp hiện đại trong lối viết thơ của mình, một quan điểm táo bạo, mới mẻ về người phụ nữ hiện đại luôn mãnh liệt, chủ động, sống hết mình, vượt qua bất kỳ mọi gian khổ để có được tình yêu.

Khổ thơ thứ hai không chỉ dừng lại trong khuôn khổ về trạng thái của sóng nữa, lúc này nhà thơ đã đặt cả lòng mình nương nhờ con sóng nói lên tất cả mọi điều:

"Ôi con sóng...trong ngực trẻ"

Trong vô vàn con sóng ngoài kia tình yêu chứa đựng là những khao khát được yêu thương, cảm giác trong tình yêu của đôi lứa. Thán từ "ôi" ở ngay câu đầu của đoạn thơ đã đủ để gợi lên cho ta thấy được xúc cảm dâng trào trội lên trong lòng nhà thơ. Rồi tiếp đến cặp từ "ngày xưa" - "ngày sau" tiếp tục đưa lối người đọc khám phá trạng thái đối lập để khẳng định thời gian muôn đời của con sóng từ quá khứ đến tương lai và dù có thế nào đi chăng nữa thì sóng vẫn cứ vận hành theo quy luật của biển cả. Trạng từ "vẫn thế" theo cùng để một làn nữa khẳng định chắc chắn rằng chân lý đó là không thể thay đổi. Ở những dòng thơ trên nhà thơ muốn diễn tả những đặc điểm tự nhiên của con sóng chỉ để đến đây nhằm phác họa đến con sóng tâm hồn chứ không chỉ là con sóng biển, sóng lòng nữa. Trái tim khao khát được yêu nơi tác giả lúc này đang trào dâng đến đỉnh điểm, nó luôn thường trực, ngự trị nơi con tim tuổi trẻ.

Câu chuyện tình yêu sẽ không chỉ là của riêng một cá nhân, ai trong số chúng ta cũng đều tồn tại một cảm giác yêu và được yêu, có lúc bình lặng như như những cơn sóng dịu êm, nhưng cũng có lúc mãnh liệt, rộn ràng như những con sóng gặp giông bão. Hai khổ thơ đầu bài Sóng cho thấy rõ hơn về phong cách thơ của Xuân Quỳnh và nét hiện đại của thi sĩ trước tình yêu nồng nàn, sôi nổi, chủ động.

Phân tích khổ 1, 2 bài thơ Sóng - Mẫu 8

Tình yêu là một trong những cung bậc cảm xúc khó diễn tả trong lòng con người. Những hỉ, nộ, ái, ố ở đời luôn được tình yêu diễn tả một cách rõ rệt. yêu không chỉ có vui vẻ sau đắm mà còn có cả những buồn đau. Bài Sóng của Xuân Quỳnh đã thể hiện rõ tiếng lòng của tình yêu. Nhất là trong hai khổ thơ đầu của bài thơ.

Bài thơ được đặt tên là Sóng khá đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Hình tượng con sóng xuyên suốt bài thơ là ẩn dụ cho cái tôi trữ tình của tác giả. Sóng và em tuy hai mà lại một, lúc tách rời khi lại hòa nhập. Tất cả tạo nên được những rung động mạnh mẽ mãnh liệt trong tình yêu. Chúng quấn quýt nhau hòa quyện với nhau như tô vẽ thêm tâm hồn của người phụ nữ.

Mở đầu bài thơ ta thấy được sự tương đồng giữa sóng và em:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽ”.

Đó là các cặp tính từ mang một sắc thái tương phản cho thấy sự đối lập nhau. Lúc mạnh mẽ ồn ào khi thì hiền hòa dịu êm. Mượn hình ảnh của sóng để nói lên được nỗi niềm cảm xúc. Lúc lên xuống bất thường của người phụ nữ khi yêu. Khi thì đắm say vui vẻ khi lại buồn bã giận hờn. Tình yêu là như vậy luôn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Hai câu thơ tiếp theo:

“Sông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”.

Ở đây người phụ nữ đã không kìm nén được cảm xúc lòng mình. Vượt qua mọi rào cản để tiến tới cánh cửa tình yêu đích thực.

Sông và bể là hai phạm trù không gian xuất hiện trong câu. Bể ở đây chính là một không gian rộng lớn hơn, khát vọng to lớn hơn. Đó chính là chân trời mơ ước của hàng ngàn con sóng. Sông chính là phạm trù không gian hẹp, có giới hạn và khá chật chội. Chính bởi vậy mà sông không thể nào hiểu hết được những tâm tư nỗi lòng của sóng. Vì thế mà sóng tìm đến bể để được sẻ chia an ủi. Sóng ở đây chính là em, tình yêu của sóng không ai khác chính là tình yêu của em. Sóng muốn tìm đến bể lớn chính là khát khao của em muốn tìm đến một bến bờ tình yêu chân thành.

Từ “tận” trong câu thơ mang sắc thái thể hiện sự xa xôi. Cho thấy được hành trình kiếm tìm tình yêu hạnh phúc của người phụ nữ thật khó khăn và gian nan. Thế nhưng câu thơ thể hiện sự mạnh mẽ kiên trì không bỏ cuộc của người phụ nữ. Dám ước mơ, khát khao và dám hành động đi kiếm tìm hạnh phúc của đời mình. Con sóng trong thơ Xuân Quỳnh thật phi thường mạnh mẽ và đầy bản lĩnh. Đó là một trong những nét đẹp độc đáo của người phụ nữ hiện đại. Luôn chủ động, mạnh mẽ, dũng cảm và đầy cá tính.

Người phụ nữ lúc này đang trong chan chứa hạnh phúc với biết bao ước nguyện về tình yêu: “Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày nay vẫn thế”. Cặp từ hô ứng “ngày xưa-ngày nay” xuất hiện trong câu thơ. Ngày xưa dùng để chỉ chiều sâu của quá khứ. Còn ngày sau dùng để nói về tương lai. Ngày xưa và ngày nay cũng như quá khứ, hiện tại và tương lai được nối lại với nhau. Xuân Quỳnh muốn nói đến về độ dài của thời gian. Con sóng vẫn vậy nhưng thời gian thì luôn thay đổi. “Vẫn” ở đây là vẫn ổn định không đổi thay, nó là đại từ thay thế cho cả ddaonj thơ phía trên. Dù thời gian có trôi qua có thay đổi thì những khao mong ước luôn ở đó và không thay đổi. Dù là con người trong quá khứ hay hiện tại vẫn luôn thủy chung luôn kiên định với khát vọng của mình.

Tình yêu mang đến cho con người một sức hút lạ kỳ: “Nỗi khát vọng tình yêu/Bồi hồi trong ngực trẻ”. “Bồi hồi” là từ láy dùng để nhấn mạnh cảm giác si mê trong tình yêu. Quãng thời gian đẹp nhất của mỗi con người có lẽ là yêu và được yêu. Tuổi trẻ luôn có mong ước và khát vọng riêng. Tố Hữu từng viết:

"Đời có gì đẹp hơn thếNgười yêu người sống để yêu nhau”.

Xuân Quỳnh đã thốt lên những câu thơ hay mang nhiều cảm xúc về tình yêu. Khi vị nữ sĩ tài hoa này đứng trước không gian bao la, mênh mông và rộng lớn. Đó là những khám phá mới mẻ và tính tế của tác giả tạo nên nét riêng biệt trong thơ của bà. Tiếng thơ của tác giả Xuân Quỳnh cũng là tiếng lòng chung của nhiều người phụ nữ Việt Nam thủy chung son sắt:

“Nếu phải cách xa anhEm chỉ còn bão tố”.

..............

Tải file tài liệu để xem thêm phân tích bài thơ Sóng khổ 1, 2

Từ khóa » Cảm Nhận Khổ Thơ 1 Sóng