Văn Mẫu Lớp 12: Cảm Nhận 2 Khổ Thơ đầu Bài Sóng ...

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh tổng hợp 2 mẫu hay nhất kèm theo gợi ý cách viết. Qua bài cảm nhận 2 khổ đầu bài Sóng mà Download.vn giới thiệu sẽ giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý học tập, trau dồi vốn từ củng cố kỹ năng viết văn cảm nhận ngày một hay hơn.

Cảm nhận 2 khổ đầu bài Sóng đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Đoạn thơ đã diễn tả một cách sâu sắc những cung bậc cảm xúc, nhưng trạng thái trong tình yêu. Con sóng là sự vĩnh hằng của biển khơi, còn tình yêu là khát khao muôn thuở của tuổi trẻ.

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh

  • Dàn ý cảm nhận khổ 1, 2 bài Sóng
  • Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng
  • Cảm nhận 2 khổ đầu bài Sóng

Dàn ý cảm nhận khổ 1, 2 bài Sóng

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Bằng tâm hồn nhạy cảm, nữ tính Xuân Quỳnh đã mang đến hơi thở đầy mới mẻ cho thơ tình Việt Nam, đặc sắc nhất trong những sáng tác của bà có thể kể đến bài thơ “Sóng”.

2. Thân bài

– Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đằm thắm, nữ tính của tâm hồn người phụ nữ đầy nhạy cảm, tinh tế.

– Mượn hình ảnh con sóng ngoài tự nhiên, Xuân Quỳnh đã gợi ra biểu tượng tuyệt đẹp của tình yêu, những trạng thái của sóng đã trở thành những ẩn dụ về cảm xúc, tâm trạng và những khát khao của người con gái trong tình yêu.

– Trong hai khổ thơ đầu, tác giả Xuân Quỳnh không chỉ thể hiện được những trạng thái đối lập của cảm xúc trong tình yêu mà còn là những khát khao vươn tới những điều vĩ đại, cao cả.

– Nữ sĩ sử dụng liên từ “và” để thể hiện quan hệ cộng hưởng, nối tiếp của những trạng thái đối lập trong tình yêu để tạo nên chỉnh thể thống nhất về cảm xúc.

– Khi yêu, người phụ nữ không chỉ có những giây phút nồng nhiệt, sôi nổi mà còn có những lúc bình lặng, lắng sâu.

– Trong tình yêu, trái tim của chủ thể trữ tình thường có xu hướng tìm đến thế giới rộng lớn, nơi tình yêu có thể bộc lộ trọn vẹn những nồng nhiệt cũng như lắng sâu mà không chịu bó hẹp trong phạm vi nhỏ hẹp, tù túng.

– “Hiểu nổi mình” là khát vọng muôn đời của con người, để hiểu được mình thì cần đặt bản thân trong phạm vi rộng lớn của cuộc đời

– Tác giả khẳng định sự tồn tại bất biến của tình yêu trong cuộc đời

– Tác giả đã khái quát về quy luật của tình cảm, tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng, cháy bỏng, là nỗi khát vọng muôn đời trong trái tim những con người trẻ tuổi, trẻ lòng.

3. Kết bài

Bằng hình tượng sóng đầy đặc sắc, Xuân Quỳnh đã mang đến hơi thở đầy mới mẻ cho thơ tình Việt Nam, tình cảm nhẹ nhàng đầy nữ tính trong sóng cũng như bông hoa dọc chiến hào có thể làm dịu đi cái khốc liệt của chiến tranh, làm đắm say độc giả bao thế hệ.

Cảm nhận 2 khổ thơ đầu bài Sóng

Đã có biết bao nhiêu thi nhân lựa chọn hình ảnh sóng làm hình tượng chính trong những tác phẩm của mình, bởi một lẽ đây là hình tượng chuyển động, mãnh liệt và kì vĩ. Thế nhưng, con sóng ấy khi đi vào thơ Xuân Quỳnh lại trở nên mềm mại, dịu dàng, đầy nữ tính. Hai khổ đầu bài thơ Sóng biểu hiện rõ trạng thái ấy:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Nếu Xuân Diệu lựa chọn hình ảnh sóng để biểu hiện cho tình yêu của anh dành cho em, một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, muốn ôm trọn em vào lòng, muốn hôn lấy em,… thì Xuân Quỳnh, lại lựa chọn hình tượng này, viết về sóng để gửi gắm tình yêu của trái tim người phụ nữ. Với những khao khát trong tình yêu, với những cung bậc cảm xúc nhiều khi biến động, hai hình tượng “sóng và em” khi song hành, khi tách biệt, khi hòa nhập để em soi mình vào trong sóng nhìn ra những tình cảm của riêng mình. Xuân Quỳnh đã bắt đầu thi phẩm này một cách vô cùng tinh tế:

“Dữ dội và dịu êmỒn ào và lặng lẽSông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”.

Nguyễn Đình Thi từng nói rằng khi người ta yêu, thường hay đứng trước biển. Bởi chỉ có biển mới sánh sánh được với cái mênh mông tình yêu trong họ. Xuân Quỳnh cũng thế, cô đang yêu, đăng đắm say trong cảm giác vừa trong trẻo vừa rối bời trong trái tim mình. Thế nên, cô về với biển, ngắm nhìn con sóng bạc đầu bồi hồi suy tưởng.

Khi đứng trước đại dương bao la, trước muôn trùng con sóng vỗ bạc đầu, người nghệ sĩ lại có trong mình nhiều rung cảm đến vậy, để cho tới tận bây giờ, biển vẫn hát khúc ca của đại dương. Đọc giả của những năm tháng thời kì ấy, vẫn ru hoài giấc mơ qua những thi phẩm khởi nguồn từ con sóng như thế.

Trong khổ thơ đầu tiên, nghệ thuật đối đã được sử dụng một cách rất tinh tế. Các cặp từ đối lập : “dữ dội – dịu êm”, “ồn ào – lặng lẽ” là biểu hiện rõ ràng nhất cho những trạng thái đối cực của con sóng ngoài đại dương. Khi đại dương hiền hòa, những con sóng thật nhẹ nhàng, êm dịu. Khi giông bão đi ngang, biển động sóng mạnh mang theo bao cuồng nộ. Những trạng thái đối cực của sóng cũng chính là những trạng thái đối cực của tình yêu, có những khi rất bình yên, nhưng cũng có những ngày bão tố.

Ta cũng có thể hiểu hai câu thơ này theo một trường nghĩa khác. Với trạng thái đối cực của trái tim người phụ nữ khi yêu, một người phụ nữ khao khát tình yêu. Khi vui, khi buồn, khi giận hờn, khi trách móc, khi hạnh phúc, khi tổn thương,… những cung bậc cảm xúc của tình yêu quả thật rất diệu kỳ bởi một lẽ:

“Vì tình yêu muôn thuởCó bao giờ đứng yên”

Chuyển đến hai câu thơ tiếp theo, ta nhìn thấy sự mới lạ trong tứ thơ của Xuân Quỳnh:

“Sông không hiểu nổi mìnhSóng tìm ra tận bể”

Những hình ảnh xuất hiện liên tiếp, hình ảnh của dòng sông, của con sóng và của “bể”, ở đây có thể hiểu là biển, là đại dương. Trăm suối đổ về một sông, trăm sông đổ về biển lớn, sóng không chấp nhận giới hạn nhỏ bé tầm thường, sóng chuyển mình ra biển lớn, tìm về đại dương, tìm đến nơi thuộc về. Ở hai câu thơ này, mạch sóng như bứt phá ra khỏi một không gian chật hẹp để tìm đến những điều lớn lao.

Cũng giống như trái tim tình yêu của những người phụ nữ, vượt qua những giới hạn nhỏ bé tầm thường, để tìm đến với tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Có thể thấy rằng, đây cũng chính là một trong những nét hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh, cũng là góc nhìn, một quan niệm mới mẻ về người phụ nữ hiện đại, dám đấu tranh vì tình yêu, vượt qua những thứ lễ giáo phong kiến để đến với hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình. Ở khổ thơ đầu của mình, Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi gửi gắm tới bạn đọc một thông điệp mới mẻ trong thời đại lúc bấy giờ: “Người phụ nữ chủ động tìm đến với tình yêu để được sống với chính mình”.

Xuân Quỳnh viết “Sóng”, cô đang hát những khúc hát về tình yêu để đến bây giờ, biết bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi, những độc giả vẫn dành biết bao nhiêu tình yêu của mình cho một mảnh “tình thơ” đã cũ. Và tình yêu trong “Sóng” – mãi mãi là khát vọng của tuổi trẻ, của lứa đôi:

“Ôi con sóng ngày xưaVà ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Thán từ “ôi” được sử dụng, bộc lộ mạnh mẽ những trạng thái cảm xúc đang trào lên trong lòng. Cặp từ đối “ngày xưa” – “ngày sau” khiến cho người đọc có biết bao nhiêu liên tưởng khi đọc đoạn thơ này. Trải qua hàng ngàn hàng vạn năm, từ khi đại dương xuất hiện, những con sóng cũng ra đời.

Hai khổ thơ khép lại nhưng sóng mãi còn lan tỏa. Dẫu cho thời gian mãi là một dòng tuyến tính không bao giờ quay trở lại thì sóng vẫn cứ mãi hát khúc ca của đại dương bất diệt, vẫn cứ là mình, vẫn “dữ dội, dịu êm, ồn ào, lặng lẽ”. Cũng giống như tình yêu, những khát khao về tình yêu luôn luôn là những hoài bão đang đập nhanh trong trái tim của những người trẻ. Câu chuyện tình yêu là câu chuyện của tôi, của bạn, của chúng ta, của quá khứ, hiện tại và muôn đời sau sẽ còn nhắc mãi, nhắc hoài. Còn đại dương là còn sóng, còn những trái tim đang đập trong lồng ngực là còn tình yêu.

Xem thêm: Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh

Cảm nhận 2 khổ đầu bài Sóng

Không biết từ bao giờ nhịp sóng vỗ ngoài đại dương không chỉ làm thổn thức biển cả mà còn làm rung động biết bao trái tim người thi sĩ để làm nên con sóng nơi “gió cuốn mặt duềnh” mang bao dự cảm bất an trong thơ Nguyễn Du, “tiếng sóng cuốn bờ mây” của cuộc sống mới ấm no, bình an trong thơ Huy Cận (“Tiếng biển về khuya”), là tiếng lòng da diết của người con trai trong tình yêu trong cái nhìn Xuân Diệu (“Biển”),... Và càng không thể thiếu tiếng sóng vỗ nghìn đời như nhịp đập bền bỉ của người con gái khi yêu trong những câu thơ đầy nữ tính của Xuân Quỳnh- “Sóng”. Từ những câu thơ mở đầu đã cảm nhận được sức sống ấy:

Không còn phân biệt được sóng tạo nên Xuân Quỳnh, hay Xuân Quỳnh đã tạo nên sóng. Chỉ biết rằng người con gái ấy sinh ra là để dành cho thơ. Mỗi bài thơ đều là tiếng nói chân thành nhất của một tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn, vừa âu lo vừa da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường. Bài thơ “Sóng” được viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền (Thái Bình), là tiếng thơ của những ngọt ngào, đắng cay từng trải trong tình yêu, khi đã vun đắp và trải nghiệm sự tan vỡ trong tình yêu mà vẫn thật tha thiết, tràn đầy khát vọng. Bài thơ có sự song hành hình tượng giữa “sóng” và “em”: “Sóng” và “em” có lúc tách ra để soi chiếu vào nhau, có lúc lại hòa hợp thống nhất. Sóng biển và sóng lòng, sóng nước và sóng tình ẩn hiện, đan nguyên vào nhau tạo ra những cảm xúc mới mẻ. Bởi thế, sóng có thể nói là một ẩn dụ không hoàn toàn cho em, cho vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu và trong cuộc sống.

Bằng cái nhìn thơ và tâm hồn nhạy cảm, Xuân Quỳnh đã phát hiện thấy ở hiện tượng sóng của tự nhiên không ít những đặc tính của người phụ nữ. Nghe tiếng sóng vỗ mà như nghe được tiếng lòng của mình, của những người con gái đang yêu:“Dữ dội và dịu êm

"Ồn ào và lặng lẽ”

Trong người phụ nữ, luôn tồn tại những trạng thái đối cực. Hai câu thơ có thể đúng với bao người nhưng nó không phải là lời của một nhà nghiên cứu trong tình yêu đứng ngoài nhìn vào. Nó được viết ra trước hết là một lời tự thú chân thành và tự nhiên đến độ khiến ta phải ngỡ ngàng: thì ra, trái tìm của người phụ nữ luôn có những đối cực như thế: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”. Nhà thơ đặt liên từ “và” – không phải bức tường ngăn cách mà là sự kết hợp, chuyển hóa. Như vậy, tình yêu không bao giờ là trạng thái tâm lí tuần nhất mà là sự hòa kết của những trạng thái khác nhau, thậm chí là đối lập như những nốt thăng, trầm làm nên bản tình ca đôi lứa. Người phụ nữ có thể ồn ào, dữ dội nhưng cuối cùng cũng là sự trở về của thiên tính nữ: dịu êm, lặng lẽ. Đó chính là sự hiện diện của cái “tôi” Xuân Quỳnh và cũng là sự hiện diện của “thiên tính nữ” – điều đặc biệt của tác phẩm.

Người phụ nữ luôn hướng tìm tới tự do:“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Khám phá những không gian tồn tại của sóng, Xuân Quỳnh phát hiện ra: hành trình của sóng từ sông ra biển cũng là hành trình con người đến với tình yêu: phải biết vượt qua những giới hạn bản thân chật hẹp để hòa nhập vào biển đời rộng lớn, kiếm tìm hạnh phúc. Đó là hành trình dấn thân tự nguyên, say mê để tìm đến hạnh phúc và sống trọn vẹn. Đó chính là điểm mới mẻ, hiện đại trong cảm xúc, tâm hồn người con gái: mạnh mẽ và tự do, sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn và rào cản để đến với hạnh phúc của mình – một sự kiếm tìm có ý thức trong tình yêu.

Tình yêu, với người con gái luôn là ước vọng, là đích đến và là nỗi bồi hồi, xao xuyến muôn đời:“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thếNỗi khát vọng tình yêuBồi hồi trong ngực trẻ”

Thán từ “ôi” được đặt lên đầu như một sự phát hiện đầy thú vị về trạng thái tình cảm đã trở thành quy luật muôn thuở rồi. Đối với người phụ nữ, tình yêu không có tuổi: “ngày xưa”, “ngày sau vẫn thế”: vẫn “dữ dội và dịu êm”, “ồn ào và lặng lẽ”. Tình yêu muôn đời, với muôn thế hệ nhưng với tuổi trẻ đang khát sống và khát yêu nhất, đặc biệt “bồi hồi”. Chẳng thế mà Xuân Diệu khẳng định:“Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào”

(Xuân Diệu).

Tuổi trẻ là tuổi yêu, tình yêu luôn gắn với tuổi trẻ. Tiến sĩ Chu Văn Sơn từng viết: “Một trái tim đang nhớ là biểu hiện của một trái tim đang yêu” và một trái tim đã ngừng nhớ là biểu hiện của một tình yêu sắp sửa lụi tàn, của một sự sống cũng ngừng sôi sục. Nó không phải cái cảm giác bâng khuâng, nhẹ như mây bay thuở áo trắng hay sự lo toan khi đã “đứng tuổi”; đơn giản chỉ là sự bồi hồi, sự nhiệt huyết và hết mình của tuổi trẻ dám yêu, dám sống vì tình yêu ấy. Ngày xưa và ngày sau, vẫn thế....

Như vậy, qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả những trạng thái, cung bậc khác nhau của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Sự song hành hình tượng sóng và em đã khắc họa vẻ đẹp vừa dịu dàng, tinh tế vừa chủ động, mãnh liệt, vừa truyền thống vừa hiện đại của một tình yêu chân thành. Bề sâu tâm tình của nhân vật trữ tình kết hợp với hình thức thơ 5 chữ, việc sử dụng và “phá vỡ” ẩn dụ chính là yếu tố quyết định giá trị bài thơ. Bởi thế, con sóng ấy vừa là biểu hiện hiện của tình yêu muôn đời vừa là nhịp đập của tình tình yêu hiện đại hôm nay.

“Với Xuân Quỳnh, thơ là sống, sống là thơ. Cứ hết mình sống, hồn nhiên viết, trút trọn vẹn cái tôi của mình vào một thi phẩm, thi tứ, mỗi thi ảnh, thi điều đó là cách thơ Xuân Quỳnh. Không mặt nạ, không son phấn, không vay mượn, không lên gân, Xuân Quỳnh đã gửi mình vào thơ.” (Chu Văn Sơn). Và Xuân Quỳnh đã sống mãi bằng những câu thơ như thế.

Từ khóa » Cảm Nhận Khổ Thơ 1 Sóng