DI SẢN HÁN NÔM VIỆT NAM I. VIỆC SỬ DỤNG CHỮ HÁN Chữ ...
Có thể bạn quan tâm
DI SẢN HÁN NÔM VIỆT NAM
I. VIỆC SỬ DỤNG CHỮ HÁN
Chữ Hán theo con đường giao lưu văn hóa, đã có mặt ở Việt Nam ít ra là từ đầu thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên. Một con dao găm kiểu Ka - ra - xúc (Kapacyk), có kim văn trên chuôi, được phát hiện tại Hà Nội. Một chiếc đỉnh có kim văn dưới đáy, được phát hiện tại Trung Mâu. Những di vật khảo cổ mang kim văn thuộc các niên đại muộn hơn tìm thấy ở Việt Nam càng nhiều, phần lớn là vũ khí.
Từ sau ngày nước Âu Lạc mất độc lập, trở thành một bộ phận của nước Việt Nam, chữ triện đã được sử dụng phổ biến trong quản lý hành chính. Khoảng 31 chữ triện khác nhau xuất hiện ở 55 chỗ trên 24 di vật có mang văn tự trong ngôi mộ Triệu Văn Đế (136 - 124 TCN) được khai quật tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) cuối năm 1983 là một gợi ý dẫn tới nhận định này (Tây Hán Nam Việt Vương mộ phát quật sơ bộ báo cáo, Khảo cố số 3, 1984, Bắc Kinh, Trung Quốc, tr.220 - 230). Trên trống đồng loại I của người Việt cổ, thỉnh thoảng cũng thấy xuất hiện chữ lệ.
Tuy nhiên chữ Hán chỉ thực sự trở thành phương tiẹn ghi chép và truyền thông trong tay người Việt kể từ đầu Công nguyên trở đi. Sách Cổ kim thiện ngôn có nhắc tới trường hợp Trương Trọng người Nhật Nam (nay thuộc vùng đất từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi) sống vào khoảng thế kỷ I sau Công nguyên, nắm rất vững chữ Hán và nói thạo tiếng Hán (Thủy kinh chú, Ôn Thủy). Sách Hoằng minh tập còn giữ 3 bức thư bằng chữ Hán do hai trí thức Việt Nam là Đạo Cao và Pháp Minh sống vào khoảng thế kỉ V soạn thảo để tranh luận về một vấn đề liên quan đến đạo Phật cùng Lí Miễu, viên quan Trung Quốc hồi này đang làm Thứ sử Giao Châu (Toàn Thượng cổ Tam đại Tần Hán Tam quốc Lục triều văn, Toàn Tống văn, Q57, Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1958). Từ thế kỉ VII đến thế kỉ IX, chữ Hán và tiếng Hán được sử dụng ngày một rộng rãi ở Việt Nam, với một đội ngũ cầm bút tren dưới 20 người, trong đó có những trường hợp còn để lại tác phẩm dưới dạng ngữ lục hoặc thành văn chữ Hán như Pháp Hiền (?- 626), Đại Thừa Đăng (TK.VII), Thanh Biện (? - 685), Khương Công Phụ (TK.VIII), Khương Công Phục (TK.VIII), Định Không (? - 808), Liêu Hữu Phương (TK.VIII - TK. IX) Cảm Thành (? - 806), La Quý An (?- 936) v.v. Đặc biệt Khương Công Phụ người Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) từng sang thi Tiến sĩ ở Trung Quốc và đã đỗ đầu khoa bằng một bài phú và một bài văn sách chữ Hán (Toàn Đường văn, Q.446), điều này nói lên trình độ điêu luyện về mặt sử dụng chữ Hán và tiếng Hán mà người Việt Nam đã có thể đạt tới ở các thế kỉ VIII, IX.
Việc sử dụng chữ Hán ở Việt Nam từ thế kỉ X trở về trước mà sử gọi là thời kì "Bắc thuộc" còn có thể nhìn tận mắt qua một số minh văn. Thuộc thế kỉ VII có tấm bia đặt tại đền xã Phù Liễn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Bài văn khắc trên bia là do Nguyễn Nhân Khí soạn năm Tùy Đại Nghiệp thứ XIV (616). Bia hiện để tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đây là bài văn bia chữ Hán cổ nhất của Việt Nam còn giữ được đến ngày nay. Thuộc thế kỉ VIII, có quả chuông đúc tại Việt Nam vào thời Đường, niên đại xác định ghi trên chuông là 798. Trên chuông có khoảng 1600 chữ Hán phần lớn đều còn đọc được, trong đó có các chữ "Nam xứng cửu thập cân" (Chuông nặng 90 cân Nam), khẳng định tính bản địa của di vật này. Nơi tìm thấy chuông là bãi Rồng ven sông Đáy, thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Đây là quả chuông Việt Nam có mang chữ Hán thuộc loại cổ nhất mà ngày nay còn có khả năng thấy được.
Từ thế kỉ X trở về sau, Việt Nam tuy thoát khỏi ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, nhưng chữ Hán và tiếng Hán theo đà của nó, vẫn tiếp tục là một phương tiện quan trọng để phát triển văn hóa dân tộc. Khoa thi chữ Hán cuối cùng ở Việt Nam mặc dù được tổ chức vào năm 1919 (Năm 1915, bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kì. Ngày 28 - 12 - 1918 Khải Định xuống lệnh bãi bỏ khoa cử ở Trung kì. Ngày 15- 6- 1919, khoa thi Hội cuối cùng trong lịch sử khoa cử được tổ chức tại Huế, lấy đỗ 7 Tiến sĩ và 16 Phó bảng), việc học tập, ghi chép bằng chữ Hán cứ kéo dài cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, đành rằng phạm vi và mức độ có thu hẹp so với trước.
Chữ Hán, tóm lại, đã có hơn 2000 năm lịch sử trên đất nước Việt Nam, trong đó khoảng 1000 năm được sử dụng dưới thời độc lập tự chủ.
II. VIỆC SỬ DỤNG CHỮ NÔM
Nhưng dù chữ Hán có sức sống mạnh mẽ, dai dẳng đến đâu chăng nữa, thì cuối cùng, với tư cách là một văn tự ngoại lai, vẫn tỏ ra lúng túng, thậm chí bất lực trước nguyện vọng trực tiếp ghi chép, diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư tình cảm của bản thân người Việt. Chữ Nôm vì vậy đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán tự nó không thể đảm nhận nổi.
Chữ Nôm, về đại thể, là một văn tự xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt.
Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia làm hai giai đoạn khác nhau. Gia đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức dùng ngay chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên đất, tên cây cỏ, chim muông, đồ vật…xuất hiện lẻ tẻ trong các văn bản Hán. Hay nói như Nguyễn Văn San (TK.XIX) trong lời tựa sách Đại Nam Quốc ngữ: "Đem tiếng Nam dịch bằng tiếng Bắc", một hiện tượng phổ biến trong mười thế kỉ đầu Công nguyên ở Việt Nam. Giai đoạn thứ hai, tạm gọi là giai đoạn "chế tác hệ thống chữ Nôm" trên cơ sở kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình "đồng hóa chữ Hán", có thể được bắt đầu từ thời kì Việt Nam khôi phục nền độc lập tự chủ, đặc biệt là dưới các triều đại Lí, Trần. Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo sau đó đã phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát đúng hơn tiếng Việt.
Dấu tích chữ Nôm xưa nhất nay còn có thể thấy là 2 chữ "ông Hà" xuất hiện trong một văn bản Hán khắc trên chuông chùa Văn Bản ở Đồ Sơn (nay thuộc thành phố Hải Phòng). Chuông được đúc vào năm Bính Thìn (1076) đời Lí Nhân Tông, hiện để tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
Trường hợp văn bản thuần Nôm cổ nhất nay còn có thể thấy là 3 tác phẩm Nôm đời Trần sau đây, được chép trong cuốn Thiền tông bản hạnh, bản in năm Cảnh Hưng thứ VI (1745): Cư trần lạc đạo phú (gồm 10 hội); Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca; và Vịnh Hoa Yên tự phú (bát vận thể).
Đến các thế kỉ XVIII, XIX, văn thơ Nôm phát triển đến thời kì cực thịnh của nó và trên một vài phương diện còn lấn át cả địa vị chữ Hán, mà các tác phẩm Hịch Tây Sơn, Truyện Kiều….là một vài ví dụ.
Chữ Nôm, như vậy cũng đã có một quá trình sử dụng lâu dài ở Việt Nam.
III. CÁC KHO SÁCH HÁN NÔM
Cùng với việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm, các kho sách Hán Nôm lần lượt được thành lập. Hiện chưa biết được gì về tình hình thư viện ở Việt Nam trong khoảng 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng từ thế kỉ XI trở về sau, các kho thư tịch Hán Nôm công cũng như tư xuất hiện mỗi lúc một nhiều, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng về học tập, tra cứu, phát triển văn hóa, lưu trữ thông tin..Có thể chia các kho sách Hán Nôm hiện biết thành 3 loại lớn:
A. Các kho sách Hán Nôm tại Việt Nam trong lịch sử.
Tương đối nổi tiếng có:
1) Nhà bát giác chứa kinh: thành lập năm Tân Dậu (1021) triều Lí Thái Tổ (ĐVSKTT, Bản kỉ toàn thư, Q2). Chưa rõ số lượng sách tàng trữ.
2) Kho Đại hưng: năm Quý Hợi (1023), Lí Thái Tổ sai chép kinh Tam tạng (gồm Kinh tạng chép các lời Phật nói; Luật tạng chép các điều răn cấm; Luận tạng chép những thuyết minh giảng giải của các nhà sư về kinh Phật) cất vào kho Đại Hưng (ĐVSKTT, Bản kỉ toàn thư, Q2). Chưa rõ số lượng sách tàng trữ.
3) Kho Trùng Hưng: năm Bính Tý (1036), Lí Thái Tông sai chép kinh Đại tạng (gồm những bản dịch kinh Phật ra chữ Hán và những sách bàn về đạo Phật do các nhà sư Phương Đông soạn thảo) cất vào kho Trùng Hưng (ĐVSKTT, Bản kỉ toàn thư, Q2). Chưa rõ số lượng sách tàng trữ.
4) Kho kinh Phật ở Thiên Trường (Nam Định, Nam Hà): năm Ất Mùi (1295), sứ nhà Nguyên là Tiêu Thái Đăng sang, Trần Anh Tông sai Trần Khắc Dụng, Phạm Thảo cùng đi theo nhận được bộ kinh Đại tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành (ĐVSKTT, Bản kỉ toàn thư, Q6).
5) Điện Bảo Hòa: một thư viện lớn của nhà Trần làm trên núi Lạn Kha (tức núi Phật Tích, nay thuộc Tiên Sơn, Hà Bắc), do Trần Tôn là viện trưởng. Năm Quý Hợi (1383), Trần Nghệ Tông đã tới đây cùng một số bề tôi như Nguyễn Mậu Tiên, Phan Nghĩa, Vũ Hiến Hầu để soạn bộ sách Bảo Hòa điện dư bút gồm 8 quyển (ĐVSKTT, Bản kỉ toàn thư, Q8). Chưa rõ số lượng sách tàng trữ.
6) Thư viện Bồng Lai: thành lập vào đời Lê (Thượng Kinh phong vật chí, dẫn theo Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I, Nxb Văn hóa, H, 1984, tr16).
7) Thư viện Sùng Chính: thành lập năm Quang Trung IV (1791) tại làng Nam Hoa (nay là Nam Kim, Thanh Chương, Nghệ An), do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Đây vừa là nơi để sách, vừa là nơi dịch chú các tác phẩm kinh điển chữ Hán (La Sơn phu tử, Nxb Minh Tân, 1952, tr.148). Chưa rõ số lượng sách tàng trữ.
8) Thư viện Tụ Khuê: thành lập vào đời Minh Mệnh (1820 - 1840). Theo một tổng kiểm kê vào năm Thành Thái XIV (1902), số sách lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện gồm 3970 bộ cùng 8531 bản sách rời; trong đó Bản quốc thư 232 bộ cùng 703 bản sách rời; Kinh 776 bộ cùng 69 bản sách rời; Sử 712 bộ cùng 173 bản sách rời; Tử 1081 bộ cùng 216 bản sách rời; Tập 1089 bộ cùng 84 bản sách rời; Tây thư 77 bộ cùng 16 bản sách rời; sách ở Đông các 7190 bản (Tụ Khuê thư viện tổng mục thủ sách A.111).
9) Thư viện Sử quán: thành lập năm Thiệu Trị I (1841). Theo một tổng kiểm kê vào năm Duy Tân I (1907), số sách lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện là 169 bộ, gồm thực lục, ngọc điệp, thơ văn những người thuộc tông thất nhà vua, di chiếu hòa ước, thương ước….(Sử quán thủ sách A. 1025).
10) Thư viện gia đình Lê Nguyên Trung: có bài kí soạn năm Bính Ngọ (1846) đời Thiệu Trị cho biết sách ở thư viện tư nhân này được xếp thành 7 loại khác nhau gồm Kinh, Thư, Sử, Tử, Tập, Cử nghệ, Tạp trứ. Chưa rõ số lượng sách tàng trữ (Bi kí biểu văn tạp lục A.1470, tờ 16 và 17).
11) Thư viện Nội các: theo một tổng kiểm kê vào năm Duy Tân II (1908), số sách lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện gồm 271 tên sách thuộc triều Nguyễn, 344 tên sách thuộc Kinh bộ, 406 tên sách thuộc Sử bộ, 864 tên sách thuộc Tử bộ, 642 tên sách thuộc Tập bộ (Nội các thư mục A.113/1-2).
12) Thư viện Học viện Viễn đông bác cổ Pháp (École francaise d'Extême - Orient) tại Hà Nội: thành lập năm 1901. Theo một báo cáo vào năm 1951, số thư tịch và tài liệu Hán Nôm lúc bấy giờ tàng trữ tại thư viện (không kể sách Trung Quốc cổ) gồm khoảng 3500 đầu sách, 25000 bản rập văn bia; 1800 tập điều tra thần tích, địa bạ, phong tục; 457 tập thần phả, 132 tập thần sắc…(Tạp chí France - Asie số 67, năm 1951).
13) Tân thư viện: thành lập vào đời Duy Tân (1907 - 1916). Theo một tổng kiểm kê vào năm 1912, số sách hiện có tại thư viện lúc này là 2640 bộ; trong đó có 7996 bản thuộc Kinh bộ; 15935 bản thuộc Sử bộ; 15297 bản thuộc Tử bộ, 5342 bản thuộc Tập bộ; 6801 bản thuộc Quốc thư, cùng khoảng trên 7000 bản xếp lộn xộn gồm sách Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Mỹ (Tân thư viện thủ sách A.1024).
14) Thư viện Viện Cổ học: thành lập năm 1922. Theo một tổng kiểm kê năm 1924 - 1925, số sách hiện có tại thư viện lúc này là 2818 bộ; trong đó có 262 bộ thuộc Tân thư; 306 bộ thuộc kho Kinh; 430 bộ thuộc kho Sử; 655 bộ thuộc kho Tử; 562 bộ thuộc kho Tập, 603 bộ thuộc kho Quốc thư (Cổ học viện thư tịch thủ sách A.2061/1 - 10).
B. Các phông sách Hán Nôm ở nước ngoài
Sách Hán Nôm Việt Nam, nhưng thư tịch và tài liệu bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm chủ yếu do người Việt Nam soạn thảo từ 1945 trở về trước, vì nhiều nguyên nhân phức tạp, một bộ phận đã tản lạc ra nước ngoài, hình thành các phông Hán Nôm lớn nhỏ tồn tại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như:
1) Ở Nhật, có phông Hán Nôm Việt Nam đặt tại Đông Dương văn khố. Theo một bản thư mục công bố năm 1939, phông này có 104 phông sách xếp theo Kinh, Sử, Tử, Tập (Đông Dương văn khố An Nam bản mục lục, in liền ngay sau bản thư mục Triều Tiên: Đông Dương văn khố Triều Tiên bản phân loại mục lục, xuất bản tại Nhật Bản năm Chiêu Hòa XIV, tức 1939).
2) Ở Ý, có phông Nôm - Quốc ngữ gồm khoảng 30 tác phẩm, trong đó có một số sách Nôm do người Việt Nam soạn, đặt tại thư viện Tòa Thánh Vatican (Annammitische Studien Xaverius Literatur in trong tạp chí Missions Wissenschaftlische Studien, 1951, tr.300 - 314; "Sưu tầm tài liệu cổ tại Âu Châu" in trong Việt Nam khảo cổ tập san số 1, Sài Gòn, 1960, tr.139 - 149).
3) Ở Pháp, hiện có các phông Hán Nôm được biết tới như:
a. Phong Hán Nôm đặt tại Thư viện Quốc gia Paris (Bibliothèque Nationale, 58. Rue de Richelieu, 75002, Paris): gồm 75 tên sách mang kí hiệu A và 131 tên sách Nôm mang kí hiệu B, phần nhiều là sách do gia đình Pelliot và gia đình Madrolle cung hiến.
b. Phông Hán Nôm đặt tại Thư viện Hiệp hội Châu Á (Société Asiatique, Avenue du Président - Wilson, 75116, Paris): gồm khoảng 330 tên sách, trong đó có khoảng 150 tác phẩm do gia đình Maspéro cung hiến, 80 tác phẩm do gia đình Demiéville cung hiến và 100 tác phẩm đến từ các nguồn khác.
c. Phông Hán Nôm đặt tại Văn khố của Hội Thừa sai ngoại quốc Paris (Séminaire des missions étrangères, 128 Rue du Bac, 75341, Paris): số sách hiện chưa thống kê đầy đủ, trong đó có những tác phẩm đáng chú ý như bản thảo viết tay của 2 bộ từ điển Anamitico - Latinum và Chinois - Annamite - Latin của Pigneau de Béhaine.
d. Phông Hán Nôm đặt tại Thư viện Học viện Viễn đông bác cổ Pháp (École francaise d'Extrême - Orient, 22. Avenue du Président - Wilson, 75116, Paris): gồm 66 tên sách Hán Nôm, trong đó có những tác phẩm đáng chú ý như các tập bản thảo chưa in của sách Đại Nam thực lục. Đó là Thực lục đệ lục kỉ phụ biên hoàn tất vào năm 1922 và Thực lục đệ thất kỉ chính biên khởi thảo vào năm 1939, hoàn tất vào năm 1940.
e. Phông Hán Nôm đặt tại Trường Các sinh ngữ Phương Đông (Écoledes langues orientales, 4. Rue de Lille, 75007, Paris): gồm khoảng 70 tên sách Hán Nôm, trong đó phú Nôm và thơ Nôm chiếm khối lượng lớn nhất.
g. Phông Hán Nôm đặt tại Bảo tàng Guimet (Musée Guimet, 6. Place d'Iéna, Paris 16e): có khoảng 40 tên sách Hán Nôm mang kí hiệu MG, không có gì thật đặc biệt.
h. Tại Kho lưu trữ Quốc gia, bộ phận Hải ngoại ở Aix - en - Provence thuộc miền Nam nước Pháp (Archives natonales, Section Outre - Mer, Dépôt d'Aix - en - Provence, Chemin du Testa, les Jenouillères 13100 Aix - en- Provence): bước đầu tìm hiểu khoảng 300 văn bản Hán Nôm trong 12 tập hồ sơ thuộc triều Thành Thái (1889 - 1907) và 1 tập hồ sơ thuộc triều Duy Tân (1907- 1916).
4) Ở Anh, tại Thư viện nước Anh (Bitish Library), Luân Đôn, hiện tàng trữ 52 bản tuồng cổ Việt Nam. Số tuòng này nguyên là một phần trong tủ sách gia đình của Antonin Landes, người Pháp, từng làm việc ở Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX.
5) Ở Thái Lan, tại chùa Kiểng Phước, một ngôi chùa do Việt kiều dựng lên tại thủ đô Băng Cốc, hiện tàng trữ trên 300 văn bản Hán Nôm, trong đó có 26 văn bản Nôm liên quan tới đạo Phật.
6) Ở Hà Lan, tại Thư viện trường Đại học Tổng hợp (the library of the University of Leiden) hiện cũng giữ được 38 văn bản Hán Nôm, trong đó phần lớn là sách của người Việt Nam.
C. Kho sách Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Kho sách Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra đời ít lâu sau năm thành lập Viện 1979, là trung tâm tàng trữ thư tịch và tài liệu Hán Nôm lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
1) Về nguồn gốc: Kho sách Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm do nhiều nguồn cung cấp. Trước hết là sách do Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội trao lại vào năm 1958, hình thành phân kho A, với các kí hiệu A, AB, AC, AD, AE, AF, AG, AH, AJ trong tổng kho của Viện. Thứ đến là sách tiếp nhận thêm trong khoảng thời gian 1958 - 1979 từ thư viện Long Cương, thư viện Hoàng Xuân Hãn, thư viện Hội Khai trí tiến đức, thư viện Văn Miếu, thư viện Khoa học Trung ương, Vụ bảo tồn bảo tàng, ty Văn hóa Hà Đông, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bộ Giáo dục…cộng với số sách mới sưu tầm được trong dân, hình thành phân kho V, với các kí hiệu VHb, VHv, VHt, VNb, VNv trong tổng kho của Viện.
2) Về loại hình văn bản: Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện quản lí 5038 đầu sách và khoảng 30000 đơn vị tư liệu.
5038 đầu sách, bao gồm 16164 cuốn (bản) sách đóng rời, có thể chia thành các loại như sau:
a. Sách viết bằng chữ Hán:
Kí hiệu A: 4063 cuốn
Kí hiệu VHb: 356 cuốn.
Kí hiệu VHv: 5599 cuốn, trong đó có 635 cuốn mới nhập kho.
Kí hiệu VHt: 117 cuốn, trong đó có 38 cuốn mới nhập kho.
b. Sách viết bằng chữ Nôm:
Kí hiệu AB: 593 cuốn.
Kí hiệu VNb: 146 cuốn, trong đó có 82 cuốn mới nhập kho.
Kí hiệu VNv: 534 cuốn, trong đó có 101 cuốn mới nhập kho.
c. Sách sao chép hoặc in lại của Trung Quốc:
Kí hiệu AC: 1426 cuốn.
Kí hiệu VHv: 215 cuốn.
d. Thần sắc:
Kí hiệu AD: 404 cuốn.
e. Thần tích:
Kí hiệu AE: 535 cuốn
g. Tục lệ:
Kí hiệu AF: 732 cuốn.
h. Địa bạ:
Kí hiệu AG: 503 cuốn.
i. Xã chí:
Kí hiệu AH: 16 cuốn
k. Cổ chỉ:
Kí hiệu AJ: 96 cuốn.
Ngoài số trên đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa sưu tầm thêm được 729 cuốn sách nữa, tính đến cuối năm 1987, trong đó có cả sách Hán và sách Nôm, đều chưa lên kí hiệu.
Về tài liệu, khoảng 30000 đơn vị thuộc quyền quản lí của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có thể chia thành các loại như phim, kính, ảnh, vi phim, bản rập các bài văn khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, cột mốc, biển gỗ…
Riêng về phim, có 2286 đơn vị, trong đó có 1047 đơn vị chụp tác phẩm Hán Nôm (kí hiệu A có 448 tác phẩm; kí hiệu AB có 251 tác phẩm; kí hiệu AC có 23 tác phẩm, kí hiệu VHb có 10 tác phẩm; kí hiệu VHv có 315 tác phẩm) và 1239 đơn vị chụp các mặt văn bia. Đây là những thước vi phim chứa đựng các tài liệu thuộc loại quý và hiếm trong di sản Hán Nôm dân tộc. Toàn bộ số phim này hiện còn để tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam.
Thác bản văn bia có khoảng 22.000 đơn vị, trong đó có 20.979 đơn vị do Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp chuyển giao, số còn lại là mới rập thêm từ 1958 trở lại đây.
3) Về tính chất học thuật: trong số 5038 đầu sách nói trên, có khoảng:
2500 tác phẩm liên quan tới Văn học;
1000 tác phẩm liên quan tới Sử học;
600 tác phẩm liên quan đến Tôn giáo;
450 tác phẩm liên quan đến Văn hóa, Giáo dục;
350 tác phẩm thuộc các lĩnh vực Chính trị, Xã hội;
300 tác phẩm thuộc các lĩnh vực Y dược, Vệ sinh;
300 tác phẩm thuộc lĩnh vực Địa lí;
250 tác phẩm thuộc lĩnh vực Pháp chế;
80 tác phẩm thuộc lĩnh vực Nghệ thuật;
70 tác phẩm thuộc lĩnh vực Kinh tế;
60 tác phẩm thuộc các lĩnh vực Ngôn ngữ, Văn tự;
50 tác phẩm thuộc lĩnh vực Toán lí;
40 tác phẩm thuộc các lĩnh vực Quân sự, Quốc phòng, cùng một số lượng ít hơn bàn về Kiến trúc, Nông nghiệp, Tiểu thủ công, hoặc mang tính tổng hợp (Trong các thống kê trên, một đầu sách có thể được tính ở nhiều chỗ, nếu tác phẩm ấy có liên quan tới nhiều ngành khác nhau).
Là hiện thân của văn hiến mấy nghìn năm, kho sách Hán Nôm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng với các phông Hán Nôm ở nước ngoài trở thành nguồn tư liệu gốc mang tính tổng hợp tiềm tàng đối với việc tìm hiểu nhiều mặt quá khứ của dân tộc Việt Nam.
LỊCH SỬ THƯ MỤC HÁN NÔM
I. CÁC CÔNG TRÌNH THƯ MỤC HÁN NÔM
Nếu như việc sử dụng chữ Hán, chữ Nôm đã dẫn tới sự hình thành các kho sách Hán Nôm, thì đến lượt nó, các kho sách Hán Nôm lại tạo điều kiện cho những công trình thư mục Hán Nôm ra đời và phát triển.
Sau đây là bảng liệt kê các công trình thư mục Hán Nôm quan trọng được biết tới cho đến ngày nay:
TT | Năm | Tên công trình | Tác giả | Xuất xứ |
1 | 1329 | Việt điện u linh tự | Lí Tế Xuyên | Việt điện u linh |
2 | 1492 | Lĩnh Nam chích quái hiệu chính tự | Vũ Quỳnh | Lĩnh Nam chích quái liệt truyện |
3 | 1493 | Lĩnh Nam chích quái hậu tự | Kiều Phú | Lĩnh Nam chích quái liệt truyện |
4 | 1759 | Nghệ văn chí | Lê Quý Đôn | Lê triều thông sử, Q3 |
5 | ? | Hoàng Lê tứ khố thư mục | ? | Minh Đô sử, HV.285 (Viện Sử học) |
6 | 1820-1840 | Phật thuyết đại tạng tổng kinh mục lục (Huế) | ? | |
7 | 1821 | Văn tịch chí | Phan Huy Chú | Lịch triều hiến chương loại chí, Q42-45. |
8 | 1845 | Phụng chiếu cần pháp | An Thiền | Đạo giáo nguyên lưu A.2675, Q1, 3a - 3b. |
9 | 1845 | Bản quốc thiền môn kinh bản | An Thiền | Đạo giáo nguyên lưu A.2675, Q1,4a-5a |
10 | 1846 | Lê Thị tích thư kí | Lê Nguyên Trung | Bi kí biểu văn tạp lục A.1470 |
11 | 1893 | Đại tạng kinh tổng mục (Hà Nội) | ? | |
12 | 1901 | Sử quán thủ sách A.1025 | Sử quán triều Nguyễn | |
13 | 1902 | Tụ Khuê thư viện tổng mục sách A.110/1-3, A.111 | Phạm Doãn Địch, Nguyễn Xuân ÔN< Trần Huyễn | |
14 | 1904 | Première étude sur les sources annamites de I'histoire d'Annam | L.Cadière và P.Pelliot | BEFEO, Số 4, tr.665. |
15 | 1907 | Sử quán thư mục A.112 | Trương Quang Đản, Nguyễn Thuật. | |
16 | 1907 | Tàng thư lâu bạ tịch A.968 | ? | |
17 | 1908 | Nội các thư mục A.113/1-2 | Nội các Huế | |
18 | 1912 | Tần thư viện thủ sách A.1024, A.2645 | Nguyễn Tính Ngũ, Hoàng Hữu Khải, Nguyễn Khắc Nho | |
19 | 1914 | Nội các thủ sách A.2644 | Trần Trinh Hợp | |
20 | 1915 (?) | Các tự kinh bản, Ngọc Sơn thiện thư lược sao mục lục A.1116. | ||
21 | 1916 | Bắc thư, Nam thư VHv.551 | ||
22 | 1922 | Hoàng Nguyễn tứ khố thư mục | Lê Trọng Hàm (Chủ biên) | Minh đô sử |
23 | 1925 | Cổ học viện thư tịch thủ sách A.2601/1-10 | Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Tiến Khiêm Lê Doãn Thăng. | |
24 | 1932 | An Nam thư lược | Phùng Thừa Quân | Bắc Kinh đồ thư quán san, Q6, kì 1 (Bắc Kinh) |
25 | 1934 | Bibliographie annamite | E.Gaspardone | BEFEO, T34, tr.1 - 172 |
26 | 1934 | Hanoi Bukkoku kiokuto gakuin shozò Annanban Shomiku (Sách chữ Hán của Việt Nam ở EFEO, Hà Nội) | Matsumoto Nobuhiro | Shigaku 13/4, tr.699 - 786 |
27 | 1935 | Nagata Yasuyoshi Shosusho Annanban mokuroku (Sách Hán Nôm do Nagata Yasuyoshi sưu tập) | Iwai Hirosato | Shigaku 14/2, tr.104-109 (92 tác phẩm, để tại Đông Dương văn khố. Xem mục lục 32 ben dưới). |
28 | 1935 | Etsunan òshitsu shozò Annanban shomoku (Sách Hán Nôm lưu giữ tại thư viện triều đình Huế | Matsumoto Nobuhiro | Shigaku 14/2, tr.11- 159 (chép lại mục 13 và 18 bên trên) |
29 | 1937 | Les chapitres bibliographiques de Lê Quý Đôn et Phan Huy Chú | Trần Văn Giáp | Bulletin de la Sté. des Études Indo-chinoises, 13/1, tr.1-214 |
30 | 1938 | Nam thư mục lục A.3098 | Trần Duy Vôn | |
31 | 1938 | Hanoi Bukkoku Kyokuto gakuin Shozò chữ Nôm ban to Annanban kanseki shomoku (Sách Nôm và sách Trung Quốc in lại tại Việt Nam) | Yamamoto Tatsuro | Shigaku 16/4, tr.73-130 (danh mục sách kí hiệu AB và AC) |
32 | 1939 | Toyò bunko Annanban mokuroku (Sách Việt Nam ở Đông Dương văn khố). | Ở Phụ lục của Toyo bunko chosenban mokuroku (Xem mục 27 ở trên) | |
33 | 1943 | Hà Nội Viễn đông Khảo cố học viện hiện tàng Việt Nam Phật điển lược biên | Trần Văn Giáp | Quốc tế Phật giáo hiệp hội (Tokyo) |
34 | 1951 | Annamitische Xaverius Literatur | Schurhammer và Trần Văn Huy | Missions Wissen - schaftlische Studien, tr.300-314 |
35 | 1953 | Hanoi Bukkoku kyokuto gakuin Shozo Annanban tsuika mokuroku. | Yamamoto Tatsuro | Toyo gakuho, 36/2, tr.97-112 (danh mục bổ sung cho các mục 26 và 31) |
36 | 1953 | Girolamo Maiorica, sesoeuvres en langue vietnamienne conservées à la Bibliothèque Nationale de Pais | Hoàng Xuân Hãn | Archivium Histori - um Societatis Jesu, T.22 (Roma) |
37 | 1953 | Pari Kokkumin toshokan Shozo Annanban mokuroku (Sách Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Paris) | Hoàng Xuân Hãn | Toyo gakuho 36/1, tr.87-107 |
38 | 1953 | Pari Asia gakkai shozo Annanban mokuroku. (Sách Việt Nam tại Thư viện Hiệp hội Châu Á, Paris). | Yamamoto Tatsuro | Toyo bunka kenkyujo kiyo 5, tr.310- 352. |
39 | 1960 | Sưu tầm tài liệu cổ tại Âu Châu. | Nguyễn Khắc Xuyên | Việt Nam khảo cổ tập san, số 1, tr.138 - 149. |
40 | 1969- 1972 | Thư mục Hán Nôm (in ronéo). | Thư viện Khoa học xã hội, Hà Nội | |
41 | 1970-1990 | Tìm hiểu kho sách Hán Nôm | Trần Văn Giáp | T1: Thư viện Quốc gia Hà Nội, 1970; T2: Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990. |
42 | 1979 | Zai Talkyo Viêtnạmin Kiểng Phước ji Shozo Kanseki chữ Nôm banmokuroku (Tại Thái kinh Việt Nam tự viện Kiểng Phước tự sở tàng Hán tịch chữ Nôm bản mục lục) (Sách Hán Nôm tại chùa Kiểng Phước, Bangkok) | Sakurai Yumio | Đông Á lịch sử và văn hóa, số 8, tr.73-117 |
43 | 1983 | Về một số văn bản thế kỉ XVII - XVIII vừa phát hiện được ở một kho lưu trữ tại Pháp | Nguyễn Tài Cẩn và N.V Stankiêvich | Báo Tổ quốc số Tết. |
44 | 1985 | Sách Hán Nôm tại nước ngoài | Trần Nghĩa | Nghiên cứu Hán Nôm số 1, tr. 100- 109. |
45 | 1986 | Les Fonds de livres Han Nôm hors du Viêtnam, élémént d'inventaire (I. Fonds EFEO, Paris). | Trương Đình Hòe và Tạ Trọng Hiệp | BEFEO, số 75, tr.267- 293. |
II. CÁC KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA THƯ MỤC HỌC HÁN NÔM
Căn cứ vào nội dung, có thể chia các công trình thư mục Hán Nôm nói trên thành hai cụm lớn: thư mục chuyên đề và thư mục tổng hợp.
Thư mục chuyên đề chỉ các công trình hoặc bài viết nhằm kiểm kê, giới thiệu tình hình sách, tài kliệu thuộc một lĩnh vực chuyên biệt nào đó, tại một nơi tàng trữ nào đó, vào một thời điểm nào đó. Ở đây gồm Việt điện u linh tự (1329), Lĩnh Nam chích quái hiệu chính tự (1492), Bản quốc thiền môn kinh bản (1845), Đại tạng kinh tổng mục lục (1893) v.v…
Thư mục tổng hợp chỉ các công trình hoặc bài viết nhằm kiểm kê, giới thiệu tình hình sách, tài liệu nói chung tại một nơi tàng trữ nhất định, vào một thời điểm nhất định. Ở đây gồm Nghệ văn chí (1759), Tụ Khuê thư viện tổng mục sách (1902), Cổ học viện thư tịch thủ sách (1924-1925), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (1970)…
Riêng số thư mục tổng hợp, nếu dựa vào đặc điểm phân loại và miêu thuật sách, lại còn có thể chia thành 5 cụm nhỏ nữa:
1. Phân loại và miêu thuật sách theo kiểu Việt Nam, dựa vào tình hình thư tịch cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn, như Nghệ văn chí, Văn tịch chí…
2. Phân loại và miêu thuật sách theo kiểu "Tứ khố toàn thư", như Tụ Khuê thư viện tổng mục sách, Nội các thư viện thủ sách..
3. Phân loại và miêu thuật sách theo kiểu "Tứ khố toàn thư", nhưng có châm chước cho phù hợp với tình hình thư tịch Việt Nam, như Lê Thị tích thư kí, Cổ học viện thư tịch thủ sách.
4. Phân loại và miêu thuật theo kiểu kết hợp giữa cũ và mới, như Tìm hiểu kho sách Hán Nôm.
5. Phân loại và miêu thuật theo kiểu mới, như Thư mục Hán Nôm.
6. Sắp xếp sách theo địa vị xã hội của tác giả, hoặc chỉ liệt kê tên sách đơn thuần, không phân loại, không miêu thuật, như Sử quán thư mục, Nam thư mục lục..
Dưới đây sẽ giới thiệu một số bản thư mục điển hình để có một ý niệm chung về các khuynh hướng phát triển của thư mục học Hán Nôm.
1) Việt điện u linh tự, Lĩnh Nam chích quái hiệu chính tự, những bản thư mục chuyên đề sớm nhất của Việt Nam.
Việt điện u linh là một sưu tập gồm 26 truyện các vị thần "thông minh chính trực (..), công lao hiển hách, ngầm giúp sinh linh" được thờ cúng ở các đền miếu Việt Nam thời Trần, do Lí Tế Xuyên giữ chức Thủ Đại tạng, Thư hỏa chính chưởng trung phẩm phụng ngự, An Tiêm lộ Chuyển vận sứ, biên soạn. Bài tựa sách có đoạn: "Trong nước Hoàng Việt ta, các vị thần được thờ cúng xưa nay rất nhiều, song số thần công lao hiển hách, ngầm giúp sinh linh có được mấy đâu? Do lai, phẩm loại không đồng đều. Có vị là tinh hoa của sông núi, có vị là nhân vật kiệt linh, khí thế hừng hực buổi đương thời, anh linh lan xa về mai hậu. Nếu không cứ thực mà ghi chép, thì màu đỏ màu tía khó phân biệt". Lí Tế Xuyên, người viết bài tựa, đã đem các truyện sưu tập được chia thành 2 loại lớn, một là Sơn xuyên tinh túy tức là tinh hoa của sông núi; và hai là Nhân vật kiệt linh tức là những con người sống xuất chúng, chết linh thiêng (theo Phan Huy Chú thì tác giả bài tựa Việt điện u linh đã chia các vị thần ra làm ba loại: Lịch đại nhân quân tức vua các đời; Lịch đại nhân thần tức bề tôi các đời; và Hạo khí anh linh tức những anh linh chính khí - Xem Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, Truyện kí loại, Việt điện u linh tập).
Cùng thể loại với Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái là một sưu tập gồm 22 truyện thần kì do các bậc "tài cao học rộng" đời Lí Trần viết ra và Vũ Quỳnh đời Lê đã sửa sang, biên tập lại. Bài tựa Lĩnh Nam chích quái hiệu chính có đoạn:"Những truyện chép ở đây là sử đấy ư? Không rõ bắt đầu có tự bao giờ, do ai soạn thảo, tên họ đều để khuyết, không được ghi lại. Theo ý riêng thì sách này là do các bậc tài cao học rộng đời Lí Trần viết ra, những bậc quân tử hiếu cổ bác nhã đời nay nhuận sắc. Ngu tôi xin trình bày nguồn gốc và thuyết minh ý đồ làm truyện như sau..". Vũ Quỳnh, người viết bài tựa, chẳng những đã hệ thống hóa các tác tuyển phẩm tuyển chọn thành 2 loại lớn Nhân chi hào kiệt (người hào kiệt) và Sự chi thần dị (việc thần kì), mà còn giới thiệu cả lai lịch và chủ đề của từng truyện hoặc từng nhóm truyện. Thí dụ về Truyện trầu cau, bài tựa viết:" Đồ sính lễ quý nhất nước Nam không gì bằng trầu cau, cũng lấy đó mà biểu dương nghĩa vợ chồng tình huynh đệ". Về Truyện sông Tô Lịch, Truyện Mộc Tinh, bài tựa viết:"Tô Lịch là thần đất Long Đỗ; Xương Cuồng là tinh cây chiên đàn. Một đằng thì lập đền thờ, nhân dân nhờ đó mà được hưởng phúc; một đằng thì dùng phép thuật để trừ yểm, nhân dân nhờ đó mà thoát khỏi tai vạ".
Cả hai bài tựa đều tiến hành những thao tác có tính chất thư mục học như phân loại, xếp sắp, miêu thuật, đánh giá các văn bản trong sưu tập, nhằm giúp người đọc nhanh chóng chiếm lĩnh những thông tin quan trọng của sách. Do vậy có thể xem Việt điện u linh tự và Lĩnh Nam chích quái hiệu chính tự như là những bản thư mục chuyên đề sớm nhất của Việt Nam. từ bài tựa thứ nhất đến bài tựa thứ hai có một bước tiến về thư mục học. Sau hai bài tựa bốn năm thế kỉ, Bản quốc thiền môn kinh bản, Đại tạng kinh tổng mục…cũng là những thư mục chuyên đề, nhưng nội dung lại hướng sang kinh Phật.
2) Nghệ văn chí, Văn tịch chí, những bản thư mục tổng hợp sớm nhất, được phân loại và miêu thuật theo kiểu Việt Nam.
Nghệ văn chí là một thiên trong sách Lê triều thông sử, còn gọi là Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn (1762 - 1784), một cuốn sử viết theo thể kỉ truyện, "chép theo sự loại, chia ra từng điều và tóm về một lối, lại phụ thêm những lời bình luận theo ý riêng của mình" (Tựa Lê triều thông sử).
Nghệ văn chí chia làm 2 phần: phần đầu là Lời tựa và phần sau là Thư mục.
Ở phần Lời tựa, Lê Quý Đôn trước hết trình bày tầm quan trọng của sách, nhất là sách kinh điển và nghiên cứu kinh điển, đối với việc mở rộng kiến thức, tăng thêm sự hiểu biết của con người. Tiếp đó, tác giả nói về tình trạng thư tịch Việt Nam bị thất lạc, hư hỏng, mất mát, hủy hoại triền miên trong lịch sử, do thiếu kinh nghiệm trong việc cất giữ, do tai họa chiến tranh…Cuối cùng là phạm vi bao quát và quy cách biên soạn bản thư mục của tác giả.
Ở phần sau, tức Thư mục, Lê Quý Đôn chia toàn bộ 115 tác phẩm Hán Nôm thu thập được thành 4 loại:
1. Hiến chương: 16 bộ.
2. Thi văn: 66 bọ.
3. Truyện kí: 19 bộ.
4. Phương kĩ: 14 bộ.
"Hiến chương" dành cho các tác phẩm thuộc pháp chế Nhà nước. "Thi văn" dành cho các tác phẩm thuộc văn học. "Truyện kí" gồm các sách về lịch sử, giáo dục, thần tích, phật thoại, truyền kì, binh thư, địa chí. "Phương kĩ" gồm các sách Phật, toán, phong thủy.
Trong từng loại như trên, các đơn vị thư mục được miêu thuật theo các yếu tố tên sách, số quyển, soạn niên, tác giả, nội dung sách, tình trạng sách và lời nhận xét của người làm thư mục.
Lê Quý Đôn có nói ông từng tham khảo các thiên Nghệ văn chí trong sử các đời Hán Tùy, Đường, Tống khi biên soạn bản thư mục của mình (tựa Nghệ văn chí). Nhưng trên thực tế, ta thấy Lê Quý Đôn không rập khuôn nước ngoài, mà cố gắng xây dựng một kiểu thư mục sát hợp với tình hình sách vở Việt Nam vào giai đoạn tác giả đang sống. Trong lúc Hán thư của Ban Cố chia sách làm Lục nghệ, Chư tử, Thi phú, Binh thư, Số thuật, Phương kĩ tất cả 6 loại lớn (gọi là lược); Tùy thư của Ngụy Trưng chia sách làm Kinh, Sử, Tử, Tập tất cả 4 loại lớn (gọi là bộ); Tống sử của A Lỗ Đồ và Thác Khắc Thác chia sách làm Kinh, Sử, Tử, Tập tất cả 4 loại lớn (gọi là bộ)..thì Lê Quý Đôn lại chia sách Việt Nam thành Hiến chương, Thi văn, Truyện kí, Phương kĩ tất cả 4 loại như trên kia đã thấy. Chính tình trạng sách vở vừa ít, vừa lỗ mỗ của Việt Nam vào thời Hậu Lê đã quy định cách làm thư mục của Lê Quý Đôn.
Văn tịch chí vốn là một thiên trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782- 1840), một tác phẩm mang tính bách khoa.
Cũng giống Nghệ văn chí, Văn tịch chí gồm một Lời tựa và một bản Thư mục.
Ở Lời tựa, Phan Huy Chú nêu lên ý nghĩa của văn chương, sách vở; "Xem văn chương để hiểu thấu đương thời. Văn minh của loài người đều chứa trong sách vở". Thứ đến, là tình trạng sách vở bị mất mát nghiêm trọng của Việt Nam từ cuối đời Trần đến đời Lê trung hưng. Sau cùng là lí do và quy cách biên soạn bộ thư mục của tác giả.
Ở phần Thư mục, Phan Huy Chú chia số sách sưu tầm được gồm 213 tác phẩm, nhiều hơn Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn những 99tác phẩm, thành 4 loại:
1. Hiến chương: 26 bộ.
2. Kinh sử: 27 bộ.
3. Thi văn: 106 bọ.
4. Truyện kí: 54 bộ.
Đầu mỗi loại có một tựa đề nhỏ nói lên phạm vi bao quát của loại đó. "Hiến chương" gồm các sách như điệp phả, điển lễ, hình luật, quan chế, cùng các tập bản đồ, văn kiện ngoại giao liên quan đến quốc sự. "Kinh sử" gồm các sách kinh điển hoặc chú giải kinh điển của giới Nho học, cùng các công trình biên soạn, giới thiệu về sử Việt Nam và sử Trung Quốc. "Thi văn" gồm văn thơ của vua chúa, công khanh, cùng tác phẩm các nhà văn nhà thơ các đời. "Truyện kí" gồm các sách thực lục, tạp kí, phương thuật.
Trong từng loại như trên, các đơn vị thư mục được miêu thuật theo các yếu tố tên sách, số quyển, soạn niên, tác giả, nội dung sách, tình trạng sách và lời nhận xét của người làm thư mục.
Nếu so sánh với bản thư mục Lê Quý Đôn, ta thấy bản Phan Huy Chú có mặt kế thừa, có mặt sửa đổi.
Về phân loại, Phan Huy Chú vẫn chia thư tịch Việt Nam thành 4 nhóm, vẫngiữ lại các tên gọi như Hiến chương, Thi văn, Truyện kí, và vẫn xếp Hiến chương lên đầu, coi như phần quan trọng nhất. Nhưng đồng thời Phan Huy Chú đã thay thế Phương kĩ trong Nghệ văn chí bằng Kinh sử trong Văn tịch chí và xếp sắp 3 loại còn lại, trừ Hiến chương, theo trật tự Kinh sử, Thi văn, Truyện kí, khác hẳn với lối sắp xếp Thi văn, Truyện kí, Phương kĩ của Lê Quý Đôn.
Về miêu thuật, Phan Huy Chú vẫn bám sát các yếu tố do Lê Quý Đôn thiết kế, nhưng đồng thời đã đưa vào phần giới thiệu nội dung sách nhiều trích đoạn về tựa, bạt, những câu thơ hay, những tài liệu quý liên quan tới mặt này mặt khác của tác phẩm v..v..Chính khía cạnh vừa nêu, đã vạch ra sự khác biệt dễ thấy giữa Văn tịch chí và Nghệ văn chí.
Nguyên nhân dẫn tới các cải tiến về biên mục cũng như phân lại trên đây của Phan Huy Chú có thể tìm thấy trước hết ở khối lượng sách phong phú mà tác giả Văn tịch chí khả dĩ nắm trong tay, và sau nữa, dung lượng một bộ bách khoa thư như Lịch triều hiến chương loại chí dù sao vẫn cho phép người ta trình bày vấn đề tỉ mỉ hơn, tường tận hơn là ở một bộ sử súc tích như Lê triều thông sử.
Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn cùng Văn tịch chí của Phan Huy Chú có thể nói là những bản mục lục tổng hợp sớm nhất được phân loại và miêu thuật theo kiểu Việt Nam. Chính Bibliographie annamite (Thư mục An Nam) của E. Gaspardone sau này đã chịu nhiều ảnh hưởng ở phương pháp phân loại và miêu thuật của Lê Quý Đôn cũng như Phan Huy Chú.
3) Tụ Khuê thư viện tổng mục sách và những cố gắng tiếp cận thư mục học toàn vùng.
Thư viện Tụ Khuê được thành lập tại Huế vào thời Minh Mệnh (1820 - 1840). Tụ Khuê thư viện tổng mục sách là bản thư mục do Phạm Doãn Địch, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Huyễn v.v..biên soạn năm Thành Thái mười bốn (1902), nhân dịp tổng kiểm kê sách vở Việt Nam và nước ngoài đang tàng trữ tại thư viện hồi này.
Thư mục gồm 2 phần lớn: phần thư tịch của người trong nước (Bản quốc thư A.111) và phần thư tịch của người nước ngoài (trung Quốc và phương Tây, A.110/1-3).
Về mặt phân loại sách của Trung Quốc được chia thành Bộ, dưới "bộ" là Loại, dưới "loại" là Thuộc. Sách của Việt Nam chỉ được chia đến Bộ. Sách của phương Tây chỉ có Loại mà thôi.
Dưới đây là bảng phân loại số sách của Trung Quốc, cũng là mảng thư tịch lớn nhất và được phân loại kĩ nhất trong Tụ Khuê thư viện tổng mục sách.
BẢNG PHÂN LOẠI SÁCH TRUNG QUỐC TRONG TỤ KHUÊ THƯ VIỆN TỔNG MỤC SÁCH
Bộ | Loại | Thuộc |
(I) Kinh (II) Sử (II) Sử (III) Tử (III) Tử (IV) Tập | 1. Dịch 2. Thư. 3. Thi. 4. lễ 5. Xuân thu 6. Hiếu kinh 7. Ngũ kinh tổng nghĩa 8. Tứ thư 9. Nhạc 10. Tiểu học 1. Địa lí 2. Chức quan 3. Chính thư 4. Mục lục 5. Sử bình 6. Chính sử 7. Biên niên 8. Kỉ sự bản mạt 9. Biệt sử 10. Chiếu lệnh, tấu nghị 12. Truyện kí 13. Sử sao 14. Tái kí 15. Thời lệnh 1. Nho gia 2. Binh gia 3. Pháp gia 4. Nông gia 5. Y gia 6. Thiên văn toán pháp 7. Thuật số 8. Nghệ thuật 9. Phả lục 10. Tạp gia 11. Loại thư 12. Tiểu thuyết 13. Thích gia 14. Đạo gia 1. Sở từ 2. Biệt tập 3. Tổng tập 4. Thi văn bình 5. Từ khúc | a. Chu lễ b. Nghi lễ c. Lễ kí d. Tam lễ tổng nghĩa e. Thông lễ g. Tạp lễ thư a. Huấn hỗ b. Tự thư c. Vận thư d. Phụ lục a. Cung điện bạ b. Tổng chí c. Đô hội quận huyện d. Hà cừ e. Biên phòng g. Sơn thủy h. Cổ tích i. Tạp kí k. Ngoại kỉ a. Quan chế b. Quan châm a. Thông chế b.Nghi chế c. Bảng kế d. Quân chính e. Pháp lệnh g. Khảo công a. Kinh tịch b. Kim thạch a. Thánh hiền b. Danh nhân c. Tổng mục d. Tạp lục e. Biệt lục a. Suy bộ b. Toán thư a. Số học b. Chiêm hậu c.Tướng trạch tướng mộ d. Chiêm bốc e. Mệnh thư tướng thư g. Âm dương ngũ hành a. Thư họa b. Cầm phả c. Triện khắc d. Tạp kĩ a. Khí vận b. Ẩm soạn c. Thảo mộc cầm ngư a. Tạp học b. Tạp khảo c. Tạp thuyết d. Tạp phẩm e. Tạp toản g. Tạp biên a. Tạp sự b. Dị đồng c. Tỏa ngữ a. Hán đến Ngũ đại b. Bắc Tống Kiến Long đến Tĩnh Khang c. Nam Tống Kiến Viên đến Đức Hựu d. Nguyên Kim e. Minh Hồng Vũ đến Sùng Trinh g. Thanh a. Từ tập b. Từ tuyển c. Từ thoại d. Từ phả, từ vận e. Nam bắc khúc |
Cách phân loại sách Trung Quốc trên đây đại thể phỏng theo cách phân loại Tứ khố toàn thư của nhà Thanh. Nhưng cũng có chỗ khác là trong cách phân loại của nhà Thanh, các mục từ Chính sử đến Thời lệnh trong bộ Sử được xếp lên đầu, chứ không đặt xuống phía dưới như ở Tụ Khuê thư viện tổng mục sách.
Riêng phần thư tịch Việt Nam, Tụ Khuê thư viện tổng mục sách chỉ phân loại đến Bộ gồm Kinh, Sử, Tử, Tập, cùng một bản thư mục về Quốc triều sự điển và một bản thư mục về Quốc triều khâm định. Sách phương Tây được chia làm 4 loại là Sử chí, Y thuật, Toán học, Nghệ thuật. Các kiểu phân loại như vừa nêu lệ thuộc không ít vào thực trạng sách vở của Việt Nam cũng như phương Tây hiện có tại thư viện Tụ Khuê lúc bấy giờ.
Về mặt miêu thuật, các đơn vị thư mục trong Tụ Khuê thư viện tổng mục sách được trình bày theo các yếu tố tên sách, số bộ, số bản, tác giả, tình trạng sách, nguồn cung cấp sách.
Như chúng ta đã biết, Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, một bộ thư mục cỡ lớn của nhà Thanh sau khi ra đời vào năm 1795, đã gây nhiều ảnh hưởng đối với thư mục học Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản.. Có thể xem Tụ Khuê thư viện tổng mục sách như là một cố gắng tiếp cận thư mục học toàn vùng.
Tiếp sau Tụ Khuê thư viện tổng mục sách, còn có Nội các thư mục và Tân thư mục thủ sách, đều theo phương pháp làm thư mục của Tứ khố toàn thư.
4) Cổ học viện thư tịch thủ sách, một kết hợp giữa thư mục học Trung Quốc và thư mục học Việt Nam.
Viện Cổ học được thành lập tại Húe năm 1922. Cổ học viện thư tịch thủ sách là bản thư mục của Viện Cổ học, do Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Tiến Khiêm, Lê Doãn Thăng…biên soạn vào năm 1924 - 1925.
Thư mục gồm 6 phần chính: Tân thư thủ sách, Kinh khố thủ sách, Sử khố thủ sách, Tử khố thủ sách, Tập khố thủ sách và Quóc thư thủ sách.
Sau đây là cách phân loại từng phần:
1. Tân thư thủ sách, gồm 4 nguồn sách hợp thành: sách nguyên có tại thư viện, sách mới mua thêm, sách của Học Bộ chuyển giao và sách tư nhân hiến tặng.
2. Kinh khố thủ sách, gồm 3 loại: Chư kinh thư tịch, Kinh truyện thư tịch và Kinh truyện loại điển.
3. Sử khố thủ sách, gồm 6 loại: Kỉ sự, Biên niên, Bình luận, Truyện kí, Địa dư và Chính trị.
4. Tử khố thủ sách, gồm 17 loại: Nho lưu, Loại thư, Pháp gia, Vũ bị, Nông tang, y thuật, Đạo pháp, Thiên văn, Toán học, Tinh học, Bốc phệ, Địa lí, Cầm học, Kì học, Thư pháp, Họa pháp và Tiểu thuyết.
5. Tập khố thủ sách, gồm 8 loại: Thi loại, Từ loại, Phú loại, Văn loại, Chế nghĩa loại, Biểu loại, Sách loại và Thi văn tổng loại.
6. Quốc thư thủ sách, gồm 16 loại: Ngự chế thư, Pháp học khoa, Quốc sử khoa, Địa học khoa, Văn học khoa, Văn chương khoa, Quốc âm thư,, Báo khoa, Truyện kí thư, Diễn truyện, Y học, Bắc Kinh học khoa, Bắc sử học khoa, Bắc Văn học khoa, Thuật học khoa và Thí quyển.
Về mặt miêu thuật, các đơn vị thư mục trong Cổ học viện thư tịch thủ sách được trình bày theo các yếu tố:
1. Tên sách, số bộ, đủ hoặc thiếu.
2. Nội dung sách (tóm lược).
3. Người biên soạn.
4. Số quyển nguyên có.
5. Số quyển hiện đóng.
6. Kí hiệu sách (số mục đăng kí ở Viện cố học).
7. Khắc in hoặc sao chép và lai lịch sách.
8. Cách đóng của sách (lối cũ, lối mới, đóng thành hộp….).
Có thể thấy trong miêu thuật, nhất là trong phân loại, Cổ học viện thư tịch thủ sách một mặt tiếp thu các nhân tố hợp lí của Tứ khố toàn thư, như vẫn dùng lối 'tứ phân" Kinh, Sử, Tử, Tập….nhưng mặt khác, cũng đã cải tiến, đổi mới cách phân loại sao cho phù hợp với tình hình sách vở và sự phân ngành trong học thuật đương thời. Chẳng hạn bản thư mục đã chia Kinh làm 3 loại, chia Sử làm 6 loại, chia Tử làm 17 loại, chia Tập làm 8 loại, trong khi Tứ khố toàn thư, như ta đã biết, chia Kinh làm 10 loại, chia Sử làm 15 loại, chia Tử làm 14 loại, chia tập làm 5 loại. Riêng phần Quốc thư thủ sách được chia làm 16 loại, với các tên gọi mang hơi hướng của khoa học hiện đại. Rõ ràng những người biên soạn Cổ học viện thư tịch thủ sách đã chú ý kết hợp thư mục học Trung Quốc với thư mục học Việt Nam.
Vào thế kỉ trước đó, Lê Thị Tích thư kí đã chia sách làm 7 loại Kinh, Thư, Sử, Tử, Tập, Cử nghệ, Tạp trứ, có thể xem là một báo hiệu cho sự xuất hiện của Cổ học viện thư viện thủ sách về sau.
5) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, chiếc cầu nối giữa thư mục học cổ đại và thư mục học hiện đại.
Tìm hiểu kho sách Hán Nôm tập I của Trần Văn Giáp do Thư viện Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 1970. Tập II, cũng của tác giả, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội ấn hành năm 1990.
Về lí do làm sách, tác giả nói:"..chúng tôi đã học tập các vị tiền bối, kiên trì soạn tập, nghiên cứu một số bộ sách Hán, Nôm, phân tích và phê phán từng điểm cần thiết, cốt sao cho được tương đối chính xác (…) nhằm góp phần giúp ích các bạn trong công trình nghiên cứu về các ngành học thuật Việt Nam" (Mở đầu).
Về dung lượng, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm đã giới thiệu tất cả 428 tác phẩm (tập I: 212 tác phẩm; tập II: 216 tác phẩm), trong đó có những bộ sách từng được Nghệ văn chí và Văn tịch chí đề cập; số còn lại là những sách do Trần Văn Giáp tuyển chọn thêm.
Về mặt phân loại, 428 bộ sách trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm được xếp theo 7 chuyên ngành học thuật khác nhau, như lịch sử, địa lí, kĩ thuật, ngôn ngữ, văn học, tôn giáo, triết học và phần sách tổng hợp. Ở một số chuyên ngành thư tịch còn được chia thành nhiều mảng nhỏ. Ngành lịch sử có: lịch sử nói chung, khảo cổ, tổ chức Nhà nước, pháp lí, quân sự, giáo dục, truyện kí, phả lục. Ngành địa lí có: dư địa chí, sơn xuyên, lí bộ, địa phương chí. Ngành văn học có: hợp tuyển thơ văn, thi văn tập, văn hóa dân gian.
Về mặt miêu thuật, các đơn vị thư mục trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm được tác giả xem như "một bài nghiên cứu" gồm 3 phần sau đây:
1. Miêu tả: giới thiệu tên sách, tên tác giả, số quyển, cỡ sách, số tờ (hay trang), năm xuất bản (hay chép tay), nơi xuất bản, tên nhà xuất bản.
2. Nội dung: phân tích, phê phán, nói rõ sách thuộc môn loại nào, có những thiên, mục gì. Khi cần, cũng trích lục nguyên văn và dịch ra tiếng Việt hiện đại một số bài Tựa, Bạt, Dẫn.. đề cập tới mục đích và nội dung của sách. Có thể có cả những chỉ dẫn về các nguồn tư liệu liên quan, cùng những nhận xét về tính chất chân thật hoặc ngụy tạo của tác phẩm đang bàn.
3. Tiểu truyện: giới thiệu tác giả, gồm năm sinh, năm mất và sự nghiệp sáng tác của họ.
Trong phần mở đầu cuốn Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của mình, Trần Văn Giáp có nói ông "lấy hai thiên kinh tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú làm gốc". Nhưng trên thực tế, ta thấy tác giả Tìm hiểu kho sách Hán Nôm chỉ tiếp thu ở Nghệ văn chí và Văn tịch chí, những hoa quả đầu mùa của thư mục học truyền thống Việt Nam, về cách miêu thuật sách. Còn về phương pháp phân loại, Trần Văn Giáp rõ ràng đã nghiêng hẳn sự phân ngành của của học thuật Việt Nam vào những năm 60, nhằm hướng công trình "Thư tịch chí " của ông tới các nhu cầu của khoa học hiện đại.
Tìm hiểu kho sách Hán Nôm là chiếc cầu nối giữa hai nền thư mục học cũ và mới.
6. Thư mục học Hán Nôm một thư nghiệm mới về phương diện thư mục học.
Năm 1960, sau khi tập trung sách Hán Nôm từ nhiều nơi về một mối, Thư viện khoa học Trung ương hồi ấy đã tổ chức biên soạn bộ Thư mục Hán Nôm nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giới thiệu các truyền thống tốt đẹp trong di sản văn hóa thành văn của dân tộc. Tham gia công việc buổi đầu gồm 20 người sau đây, phần lớn là các vị túc nho: Lê Tư Thực, Đỗ Trần Sức, Ngô Ngọc Can, Lã Xuân Mai, Trần Ngọc Oánh, Nguyễn Khắc Xương, Hoàng Xuân yêm, Phạm Mạnh Sính, Quan Vĩnh Chần, Phạm hữu Chính, Hà Huy Chương, Hà Huy Bá, Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Tấn Minh, Nguyễn Danh Ngôn, Lê Đình Bách, Nguyễn gia Vĩ, Vũ Chức, Nguyễn An Tâm. Đến năm 1965, do hoàn cảnh chiến tranh, công việc biên soạn phải tạm dừng với hàng nghìn phiếu thư mục đang ở dạng phác thảo. Năm 1968, bộ Thư mục Hán Nôm lại được tiếp tục thực hiện bởi một tổ biên soạn mới gồm 10 người sau đây thuộc Thư viện Khoa học xã hội mà tiền thân là một phần của Thư viện Trung ương: Cao Hữu Lạng, Nguyễn An Tâm, Nguyễn Kim Hưng, Vũ Thanh Hằng, Dương Thái Minh, Nguyễn Cẩm Thúy, Đỗ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phạm Đức Duật, Ngô Thế Long. từ năm 1969 đến năm 1971, bộ thư mục đã được hoàn thành dần từng phần và được cho in ronéo để đưa vào sử dụng.
Về cấu tạo, bộ thư mục gồm 2 mảng lớn: mảng thư mục và mảng tra cứu. Mảng thư mục có phần I, phần II và phần Phụ lục. Phần I gồm các tập 1 và 2, tổng cộng 370 trang, giới thiệu 1415 đơn vị thư mục xếp theo trật tự tên sách từ A đến Y, hoàn thành vào năm 1969. Phần II gồm các tập 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7, tổng cộng 1331 trang, giới thiệu 4140 đơn vị thư mục xếp theo trật tự tên sách từ A đến Y, hoàn thành vào những năm 1970 (T1, T2, T3) và 1971 (T4, T5, T6, T7). Phần phụ lục (đặt ở cuối tập 7) gồm những sách chưa kịp đưa vào Phần I hoặc Phần II, cũng được xếp theo trật tự tên tác phẩm từ A đến Y. Mảng tra cứu có Tổng mục lục, Mục lục phân loại và Mục lục tác giả. Tổng Mục lục dày 162 trang, gồm 5555 tên sách được xếp theo thứ tự A, B, C hoàn thành vào năm 1971. Mục lục phân loại dày 203 trang, sách được xếp theo khung phân loại trung tiểu hình, gồm 21 mục, hoàn thành vào năm 1972. Mục lục tác giả dày 427 trang, các tác giả được xếp theo thứ tự A, B, C hoàn thành vào năm 1977. Phần Mục lục tác giả do Ban Hán Nôm thực hiện. Các phần khác do Thư viện Khoa học xã hội thực hiện.
Về phạm vi bao quát, bộ thư mục đã thu thập hầu hết các sách Hán Nôm hiện có tại Thư viện khoa học xã hội lúc bấy giờ, gồm "một phần do Vụ bảo tồn bảo tàng trao lại, một số do gia đình của các nhà khoa bảng trước tặng thư viện, một phần tiếp thu của Học viện Viễn đông bác cổ Pháp và một số lớn do Thư viện sưu tầm bổ sung sau này" (Lời giới thiệu).
Về cách thức biên soạn, mỗi đơn vị sách trong bộ thư mục được giới thiệu thành 2 phần: Phần hình thức "ghi tên sách bằng chữ Hán, chữ Nôm, dưới có một dòng viết bằng chữ Việt. Rồi đến tên tác giả, người biên tập hay sao chép. Kế đến là nơi in, năm xuất bản, hoặc chữ viết nếu là bản chép tay. Về năm tháng (..) ghi như trang sách: năm can chi, triều đại, cạnh có ghi năm dương lịch. Cuối cùng là kí hiệu sách trong kho". Phần nội dung "được giới thiệu những nét khái quát nhất, có dẫn chứng vài tên bài cụ thể (…) Những sách truyện thì ghi tóm tắt câu chuyện với những chi tiết cần thiết" (Lời giới thiệu).
Có thể nói Thư mục Hán Nôm do Thư viện Khoa học xã hội và một phần nhỏ do Ban Hán Nôm thực hiện đã vượt lên trên các bản thư mục ra đời trước đó cả về dung lượng lẫn kĩ thuật trình bày. Có thể nghĩ đây là một thử nghiệm mới về phương diện thư mục học.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt thành công, bộ thư mục cũng để lộ nhiều hạn chế.
Trước hết, việc chia thư mục làm 3 bộ phận tách biệt Phần I, Phần II và Phần phụ lục, hình thành 3 đơn vị tra cứu khác nhau - đã gây không ít khó khăn khi sử dụng bộ thư mục. Để bù lại, những người biên soạn có làm thêm một Tổng mục lục, nhưng kết quả vẫn không giảm bớt được mấy phiền toái mỗi khi cần tìm đọc một mục sách cụ thể.
Hai là trong bộ thư mục, những sách của người nước ngoài do ta sao chép hoặc in lại lẽ ra cần được tập trung vào một chỗ, thì lại bị xếp lẫn lọn với sách Việt Nam, cho dù có các kí hiệu AC hoặc HV làm tiêu chí, vẫn dễ dẫn tới những ngộ nhận không cần thiết.
Ba là có một số phần Phụ chép trong các sách, được những người biên soạn tự ý lẩy ra thành một đơn vị thư mục riêng, khiến một đầu sách bỗng dưng biến thành 2 hoặc nhiều đầu sách, vừa gây nhiễu, vừa làm tăng độ dư thừa thông tin.
Ngoài ra bộ thư mục còn chứa đựng những mục sách trùng lặp, những miêu thuật thiếu chính xác, những "tách" hoặc "gộp" một số kí hiệu chưa hợp lí và đáng tiếc hơn, nhiều tác giả chưa được phát hiện, giới thiệu trên thư mục.
Về trường hợp trùng lặp, có trùng lặp do kĩ thuật sắp xếp, có trùng lặp do ngộ nhận tên sách.
Trùng lặp do kĩ thuật sắp xếp:
Đại Việt cổ kim diên cách địa chí khảo A.77 | Trong II, 2, tr.177 và II, 7, tr.1266 |
Đối liên thi văn tạp lục VHv.2161 | trong I,1, tr.122 và II,2, tr.213 |
Vương kim truyện Quốc âm; Vương Kim truyện diễn âm AB.234 | trong I,2, tr.368 và II, 7, tr.1195 |
- Trùng lặp do ngộ nhận tên sách (những dị danh của cùng một sách):
A.1309 | Danh thần danh nho truyện kí; Toàn Lê tiết nghĩa lục | I, 1, tr.81 II, 2, tr.823 |
A.1178 | Đại Nam Hoàng triều Bi Nhu Quận công phương tích lục Bi Nhu Quận công phương tích lục | I, 2, tr.161 I, 2, tr.282 |
A. 1434 và A. 652 | Đông Ngạc Nguyễn tộc thế phả Nguyễn tộc thế phả thực lục | II, 2, tr.221 II, 4, tr.555 |
VHv. 1371/ab | Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí; Vĩnh Lộc huyện phong thổ chí lược | II, 6, tr.920 II, 7, tr.1179 |
Ac.11 và A. 3005 | Tiểu học lược biên; Chu Tử tiểu học lược biên | II, 5, tr.805 II, 7, tr.1255 |
VHv.567 | Trướng đối tạp sao; Trướng đối thi văn ai vãn tập (?) | II, 6, tr.1107 II, 6, tr.1107 |
v..v..
Về trường hợp miêu thuật thiếu chính xác, như mục sách 324 (Phần II, tập 6): 368 trang viết thành 248 trang; mục sách 3274 (Phần II, tập 6): 55 tờ, tương đương với 110 trang, đã viết thành 46 trang; mục sách 3274 (Phần II, tập 6): chỉ có Q2 và Q4, nhưng khi miêu thuật đã bỏ qua không nói tới; mục sách 3284 (Phần II, tập 6): tên sách nguyên là Phụng sai Trán thủ Nghệ An xứ kiêm Bố Chính châu đốc suất quan đã bị viết thành Trấn thủ Nghệ An xứ kiêm Bố Chính châu đốc suất hiểu; mục sách 3257 (Phần II, tập 7): tên sách nguyên văn là Vân Khê y thư yếu lục đã viết nhầm một số chữ thành Vân Hán y lí yếu lục v. v..
Cũng có khi nhầm lẫn về tác giả: Hải phái thi tập, Thư mục Hán Nôm (I, 1, tr.152-153) ghi là do "Bùi Ngọc Quỹ" soạn. Trang đầu sách quả có dòng chữ "Bùi Ngọc Quỹ trứ" nhưng kì thực, đây là tập thơ của Đoàn Nguyễn Tuấn, chứ không phải của Bùi Ngọc Quỹ (xem thêm Hải Ông thi tập A.2603) hoặc Họa tất niên sư, Thư mục Hán Nôm (II, 2, tr.280) ghi là "Trần Viết Lư" soạn. Kì thực sách do Quốc Chi Thị soạn năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1663), nói về ông tổ nghề sơn vẽ là Trần Viết Lư, người xã Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín v.v..
Trường hợp "tách" hoặc "gộp" một số kí hiệu chưa hợp lí như mục sách 3338 (II, 6): kí hiệu A. 267/1 - 2 lẽ ra không nên xếp gộp chung với kí hiệu A. 914 vì một đằng là Lịch sử niên biểu Quảng Nam tỉnh chí lược Cẩm Khê huyện phong tục chí, còn một đằng là Trúc Đình văn tập; mục sách 3775 (II, 7): Y truyền chỉ yếu tập và mục sách 3776 (II, 7): Y truyền yếu chỉ lẽ ra không nên tách riêng nhau, vì một đằng là Q1 và một đằng là Q2 của cùng một bộ sách thống nhất v. v
Trường hợp tác giả chưa phát hiện và giới thiệu trên thư mục có thể nói rất nhiều. Sau đây là một số dẫn chứng:
VNv.108/1-4 | Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa | Phạm Quý Thích |
A. 866 | Dịch quỹ bí áo tập | Nam Sơn Phúc Xá Thái Thiện Dưỡng Thị |
A. 2928 | Dương Liệt xã địa dư | Châu Khê Chủ Nhân Từ Thị |
VHv. 1702 | Đại Nam thực lục chính biên | Duy Minh Thị [=Trần Quang Quang] |
A. 1389 | Đại Việt thông sử | Lê Quý Đôn |
A. 2675 | Đạo giáo nguyên lưu | Phúc Điền |
A. 2810 | Địa học toản yếu | Nguyễn Thị |
A. 1618 | Gia truyền đậu chẩn tập | Nguyễn Sĩ |
VNv. 2815 | Giáp Ngọ hiệp kỉ nông lịch | Hoàng Đãn |
A. 568 | Hải Dương địa dư | Phan Tam Tỉnh |
A. 1167 | Hải Yến thi tập | Đoàn Nguyễn Tuấn |
A. 2738 | Khải tự trướng tế văn sao tập | Lê hi Vĩnh |
A. 1220 | Lạng Sơn Đoàn Thành đồ | Lê Hi Tư |
VHv. 1788 | Na Lộc thần khảo tiểu lục | Trinh Đàn |
AB. 238 | Thái Thượng cảm ứng thiên tụng thức | Trần Văn Tăng |
A.1081 | Thiên Nam lộ đồ | Nhữ Ngọc Hoàn |
A. 2811 | Truyền trung minh lí lục | Lâm Đáp Anh (phần "Mạch quyết" do tú tài Nguyễn diễn Nôm) |
A. 1503 | Tự luân đường cor hậu liệt nữ mạn ngâm lục | Hoàng yến Chi |
A. 290/1-2 | Tự luân đường dược tài bị khảo | = Chí Y |
A. 1532/1-2 | Tự luân đường hội giảng biệt tập | = Hoàng Chí Y |
Chính vì các mặt hạn chế trên mà trong cuộc hội thảo khoa học tổ chức tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngày mùng 2 tháng 3 năm 1982 với sự tham gia đông đảo của những người làm công tác Hán Nôm thuộc các trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, nhiều ý kiến nhất trí đề nghị Viện Nghiên cứu Hán Nôm sớm bắt tay vào việc biên soạn lại một bộ thư mục mới đầy đủ hơn, chính xác hơn, khoa học hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu di sản Hán Nôm Việt Nam đang đề ra ngày một bức thiết trước mắt.
PGS. TRẦN NGHĨA
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
(Di sản Hán Nôm Việt Nam - thư mục đề yếu, Tập I, tr.15-47)
Từ khóa » Khố Tiếng Hán
-
Tra Từ: Khố - Từ điển Hán Nôm
-
Khố - Wiktionary Tiếng Việt
-
Khố Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Cách Viết, Từ Ghép Của Hán Tự KHỐ 庫 Trang 1-Từ Điển Anh Nhật ...
-
Mục Khố Thập – Wikipedia Tiếng Việt
-
[kanji] Chữ Hán Tự: THƯƠNG 倉 - Dạy Tiếng Nhật Bản
-
Từ Điển - Từ Khố Xanh Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Top 14 Hoàn Khố Là Sao 2022
-
Một Cách đóng Khố Của Người Việt
-
Lắt Léo Chữ Nghĩa: Từ Nguyên Của Tên Một Số đồ Dùng để Mang/đi ...
-
'dại Khờ': NAVER Từ điển Hàn-Việt
-
Vũ Khố – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt