Giúp Trẻ Phát Triển Ngôn Ngữ ở Giai đoạn 1-3 Tuổi: 10 Việc Bố Mẹ Nên ...

Trong giai đoạn 1-3 tuổi, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ diễn ra rất nhanh chóng và quá trình này sẽ càng được thúc đẩy khi có sự hỗ trợ tích cực từ bố mẹ. Dưới đây là 10 việc đơn giản để bố mẹ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả trong giai đoạn này, mời bố mẹ cùng tham khảo nhé!  

Thường xuyên trò chuyện với trẻ

Khi được khoảng 1 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu biết gọi bố mẹ bằng cách nói: “Baba” hay “Mama”. Từ 18 tháng tuổi trở đi, vốn từ vựng của trẻ sẽ phát triển nhanh chóng, thậm chí con có thể học được vài từ mới mỗi ngày.

Mặc dù không thể thúc giục quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, nhưng bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bằng cách trò chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt. Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, bố mẹ nên cố gắng trò chuyện với con liên tục trong suốt cả ngày. Đôi khi có thể bố mẹ sẽ thấy nản vì trẻ chưa phản hồi lại với mình quá nhiều, nhưng đây là cách rất hữu ích để giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ và giao tiếp.

mẹ trò chuyện với con gái
Việc bố mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ là một cách hữu hiệu giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

Theo dõi đôi bàn tay của trẻ

Ở giai đoạn 1 tuổi, số từ mà trẻ hiểu nhiều hơn số từ mà con có thể nói. Do đó, giao tiếp phi ngôn ngữ và việc sử dụng nhiều cử chỉ trong quá trình giao tiếp là những kỹ năng quan trọng mà bố mẹ nên hỗ trợ trẻ phát triển.

Khi trẻ vẫy tay về phía bố mẹ, hãy nói: “Tạm biệt!” với trẻ. Hoặc khi con chỉ vào đồ vật nào đó, bố mẹ hãy hỏi: “Con muốn cái cốc kia đúng không?”. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tham khảo một số trò chơi giúp trẻ phát triển ngôn ngữ liên quan đến những cử chỉ trên cơ thể, ví dụ như Chi chi chành chành, Vỗ tay theo nhịp bài đồng dao… 

Khi cùng trẻ nghe nhạc, bố mẹ cũng có thể diễn tả lại lời bài hát bằng hành động để giúp con hình thành sự kết nối giữa từ ngữ và âm thanh. Ví dụ khi nghe bài hát về ô tô, bố mẹ dùng tay mô tả việc lái xe ô tô.

Phát âm đúng để làm mẫu cho trẻ

Trẻ nhỏ thường hay phát âm sai, ví dụ “cây bàng” thì đọc thành “cây bàn”. Trong những trường hợp này, bố mẹ nên nói lại từ đúng cho trẻ học theo. Bằng cách này, bố mẹ không những dạy cho trẻ cách đọc đúng mà còn giúp mở rộng vốn từ vựng của con.

mẹ trò chuyện với con giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Bố mẹ nên phát âm đúng để làm mẫu cho trẻ.

Dành thời gian đọc sách cùng trẻ

Vào những lúc rảnh rỗi, bố mẹ nên dành thời gian để cùng trẻ đọc sách. Trong quá trình đọc, thay vì vội vã và đọc nhanh thì hãy lật trang từ từ và cùng con phân tích, bàn luận về những gì mà cả hai vừa cùng nhau đọc. Bố mẹ có thể nói về những bức hình minh họa trong sách, ví dụ: “Con thấy bạn nhỏ này không? Bạn ý đang vui hay buồn thế nhỉ?”. Hoặc khi gặp những bức tranh về động vật, bố mẹ cũng có thể hỏi trẻ rằng loài động vật đó kêu như thế nào. Đây cũng là phương pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và luyện tập các kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả.

>>> Tham khảo thêm: Cẩm nang đọc sách cho trẻ 1-3 tuổi

Cho trẻ chơi cùng các bạn

Bố mẹ cũng nên sắp xếp các buổi vui chơi và rủ các bạn nhỏ ở lứa tuổi của trẻ đến chơi cùng con. Khi được chơi cùng các bạn đồng trang lứa, trẻ sẽ có cơ hội được tương tác, lắng nghe và sử dụng vốn từ vựng mà mình đã biết. Qua đó, con cũng sẽ học được cách giao tiếp phù hợp và hiệu quả. Ví dụ, khi có bạn đưa cho đồ chơi, trẻ sẽ nói: “Cảm ơn cậu”. Đây là một biện pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ được khá nhiều bố mẹ áp dụng.

bé chơi đồ chơi cùng bạn
Bố mẹ nên sắp xếp các buổi vui chơi cho trẻ và các bạn đồng trang lứa.

Mở rộng câu cho trẻ

Ở giai đoạn 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết nói những câu dài khoảng hai từ để giao tiếp. Thường thì trẻ sẽ nói một động từ kèm theo một danh từ, ví dụ như: “uống nước”, “mẹ bế”. Lúc này, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bằng cách mở rộng câu cho con. Ví dụ khi trẻ nói “đá bóng”, bố mẹ có thể nói với con rằng: “Bố mẹ đá bóng cùng con nhé”. 

Cho trẻ thêm thông tin về điều mà con muốn nói

Khi trẻ cố nói một điều gì đó, bố mẹ hãy đón nhận một cách tích cực và cho trẻ thêm thông tin về điều mà con muốn nói. Giả sử, khi trẻ nói: “Bye bye bố” khi thấy bố đang chuẩn bị ra khỏi nhà, thì mẹ có thể bổ sung thêm: “Đúng rồi, bố đang chuẩn bị đi mua đồ ăn”.

mẹ chơi đồ chơi cùng bé
Bố mẹ cũng nên bổ sung thêm thông tin về những điều trẻ đang đề cập đến.

Chú ý tới những gì trẻ quan tâm

Khi tò mò về thứ gì đó, trẻ sẽ muốn biết tên của đồ vật đó. Vậy nên bố mẹ hãy chú ý tới những điều khiến trẻ hứng thú và trò chuyện với trẻ thật nhiều về điều đó, ví dụ như: “Chú mèo trắng đáng yêu đang đứng cạnh cây đào”. 

Sử dụng nhiều loại giọng nói khác nhau

Ở giai đoạn 1-3 tuổi, trẻ bắt đầu học được rằng người lớn thường nói nhỏ khi ở trong nhà và nói to hơn khi ở ngoài. Trẻ cũng thường xuyên bắt chước cách nói chuyện của người lớn. Do đó, bố mẹ có thể sử dụng nhiều loại giọng nói khác nhau phù hợp với từng hoàn cảnh để trẻ theo dõi và học hỏi.

mẹ chơi trốn tìm cùng bé
Bố mẹ hãy sử dụng nhiều loại giọng nói khác nhau phù hợp với từng hoàn cảnh.

Cùng trẻ học hát

Trẻ nhỏ thường thích hát và nghe nhạc trong khi đó âm nhạc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ rất hiệu quả. Bố mẹ có thể dạy trẻ học hát những bài đơn giản với tiết tấu vui nhộn. Qua đó, trẻ không những có cơ hội được tiếp xúc với nhiều từ vựng hơn mà còn có khoảng thời gian vui vẻ tương tác cùng bố mẹ. 

Trên đây là một số một số biện pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ đơn giản nhưng có thể đem lại lợi ích không ngờ. ODP hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ sẽ có những cách hỗ trợ trẻ phù hợp và hiệu quả.

Từ khóa » Ví Dụ Về Phát Triển Ngôn Ngữ Cho Trẻ