Trẻ Nên Tham Gia Những Hoạt động Gì để Phát Triển Ngôn Ngữ?

Trường mầm non là nơi tạo điều kiện giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất và cả về mặt ngôn ngữ thông qua các hoạt động vui chơi và dạy học. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của mỗi bé, nhà trường và giáo viên sẽ có những hoạt động phù hợp giúp con hoàn thiện khả năng ngôn ngữ tốt nhất.

Giai đoạn từ 12 tháng đến 3 tuổi hình thành cơ bản kỹ năng tiền ngôn ngữ

Trong giai đoạn từ 18 đến 36 tháng tuổi, trẻ nhỏ đã có thể nghe hiểu và làm theo những mệnh lệnh quen thuộc. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên con bập bẹ tập nói các cụm từ đơn giản và biết gọi tên những thứ gần gũi với mình. Chính vì thế, ba mẹ thường thấy ở khối nhà trẻ của trường mầm non, các cô bắt đầu dạy trẻ tập nói, tham gia hoạt động góc, ca hát theo nhạc…

Dạy trẻ tập nói

Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, con rất thích nói chuyện và là một bậc thầy "bắt chước", chính vì thế khi cô dạy trẻ tập nói những từ đơn giản bằng cách cho con nhắc lại theo cô hay xem hình ảnh mô tả, con sẽ học rất nhanh.

Đặc biệt với phương pháp Dạy học dự án, bé sẽ ghi nhớ sâu sắc các từ mô tả tên gọi, đặc điểm của những vật thể liên quan đến dự án bởi con được nhìn thấy trực quan và tự mình chạm, sờ vào để cảm nhận. Chẳng hạn như khi học dự án “Kẹo”, con sẽ nói lặp lại theo cô các từ “kẹo”, “ngọt”, “màu đỏ”,…. trong quá trình tham gia các hoạt động “Trang trí kẹo que”, “Trò chuyện về tên gọi, đặc điểm màu sắc của các loại kẹo”...

Khi được nhìn thấy trực quan và tự mình chạm vào sự vật, bé sẽ ghi nhớ sâu sắc hơn

Tổ chức hoạt động góc

Với đặc điểm trẻ thường xuyên nói chuyện một mình, thích nói chuyện với đồ chơi và bắt chước làm người lớn, tại các trường mầm non thường có các góc hoạt động với đồ vật, góc bế em nhằm cho trẻ phát huy sở thích của mình, kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ.

Tham gia các hoạt động nghệ thuật

Các hoạt động nghệ thuật ở trường mầm non thông thường là ca hát; nghe kể chuyện hay đọc thơ, ca dao, vè… Điều đó sẽ giúp kích thích não bộ, rèn luyện khả năng nghe và phát âm của trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật như vẽ tranh, tạo hình, trẻ sẽ được thể hiện suy nghĩ của mình thông qua ngôn ngữ hình vẽ.

Cho trẻ học tập ngoài lớp

Song song với các hoạt động trên lớp, các cô thường dẫn trẻ tham quan khuôn viên trường hay tổ chức những chuyến thực địa, dã ngoại. Đó là cơ hội để giáo viên giới thiệu những kiến thức xung quanh cuộc sống của con và cũng tạo điều kiện làm phong phú thêm vốn từ.

Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi phát triển mạnh mẽ ngôn ngữ giao tiếp và khả năng tư duy ngôn ngữ

Ở giai đoạn này, ngôn ngữ của trẻ bắt đầu có những bước phát triển vượt bậc về từ vựng, con có thể làm chủ được ngôn ngữ hiểu, ngôn ngữ nói và khả năng tư duy, vận dụng giao tiếp có hiệu quả bằng vốn từ đã có. Từ đây, giáo viên có thể đưa ra những hoạt động cho trẻ được thể hiện kỹ năng ngôn ngữ giao tiếp như làm việc nhóm, tham gia góc đóng vai...

Giao tiếp nhiều hơn với mọi người

Với vốn từ đa dạng và phong phú, trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ khả năng tư duy ngôn ngữ, thể hiện qua việc nghe hiểu và trả lời câu hỏi trọn vẹn ý nghĩ của mình. Ở trường học, các con được tạo điều kiện giao tiếp với mọi người xung quanh, giúp trẻ giao tiếp tự tin và sử dụng ngôn từ đúng cách.

Khi cô giáo trò truyện với trẻ thường xuyên, con sẽ hình thành thói quen tâm sự, giải bày mong muốn với cô. Dần dần cô trò hiểu nhau hơn và trở thành người bạn. Quá trình này cũng sẽ giúp giáo viên hiểu hơn những suy nghĩ của bé.

Rèn luyện kỹ năng tiền đọc viết

Bắt đầu từ 3 tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển mạnh ở 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết. Ở bé 3 tuổi, con nhận biết hình ảnh kí hiệu chữ viết và biết dùng bút sao chép, tô đồ theo cách của con; cô có thể cho trẻ viết bằng nhiều cách trên các chất liệu khác nhau giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn và nắm rõ trình tự viết chữ.

Từ 4 – 6 tuổi, trẻ sẽ được làm quen đọc viết theo khả năng của mình. Con được rèn luyện kỹ năng đọc viết đầy đủ các kí tự chữ cái, tự đọc và viết câu chữ hoàn chỉnh.

Hoạt động nhóm cùng nhau

Khi tham gia làm việc nhóm, trẻ có cơ hội nói lên suy nghĩ của mình, đưa ra giải pháp. Bên cạnh đó, các bé còn học được kỹ năng thương lượng, thuyết phục; giúp phát triển mạnh mẽ khả năng tư duy ngôn ngữ.

Bên cạnh hoạt động học tập, tham gia góc đóng vai cũng là hình thức cho trẻ hoạt động nhóm cùng nhau, tạo điều kiện cho bé được giao tiếp với bạn trong các tình huống thực tế. Chẳng hạn khi con trở thành bác sĩ, con sẽ hỏi bạn bệnh như thế nào, bạn nên chăm sóc sức khỏe ra sao,… Điều đó không chỉ tạo sự thích thú cho trẻ giao tiếp mà còn dạy cách xử lý tình huống, biết quan tâm đến người khác cùng nhiều bài học khác.

Làm việc nhóm là cách hiệu quả để trẻ tăng khả năng giao tiếp

Show and tell – con thỏa sức thể hiện bản thân

Đây là hoạt động tạo cơ hội cho bé học cách diễn đạt và thực hành việc nói đầy đủ cả câu. Bé có thể tự tin đứng trước mọi người trình bày về một đề tài nào đó. Bên cạnh đó, con có thể tương tác bằng cách trả lời câu hỏi do các bạn khác đặt ra và lắng nghe, cảm nhận về bài thuyết trình của bạn.

Hoạt động này sẽ giúp con rèn luyện khả năng trình bày, miêu tả; dần dần cải thiện kỹ năng lập luận, bảo vệ ý kiến của mình.

Tham gia hoạt động kích thích phát triển tư duy

Những suy nghĩ tư duy, kiến thức trong đầu sẽ được trẻ thể hiện thông qua việc sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ như ở hoạt động thiết kế ngôi nhà trước gió bão, trẻ con sẽ tư duy rằng đất nặn có tính chất kết dính gần giống như xi-măng giúp nối các tấm bìa lại với nhau thật chắn chắc và chúng thể hiện điều đó thông qua việc tạo hình, chứng minh bằng thí nghiệm cho mô hình nhà trước quạt gió.

Chính vì thế, các hoạt động STEAM sẽ kích thích khả năng tư duy và đồng thời phát triển mạnh mẽ về khả năng ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

PV

Từ khóa » Ví Dụ Về Phát Triển Ngôn Ngữ Cho Trẻ