GS.TS Hoàng Trọng Phiến Người Thăng Hoa Tiếng Việt

Càng nghiên cứu, khám phá tôi càng ngộ ra: Ngôn ngữ hoàn toàn không khô khan, khó hiểu như mình ngộ tưởng. Ngôn ngữ học sinh động, có sức hút thâm trầm, lặng lẽ. Đặc biệt là khi học tập, nghiên cứu ở Liên Xô (cũ), được hai Giáo sư Viện sĩ ngôn ngữ học nổi tiếng S.Stepanov, V. Solcev hướng dẫn, chân trời ngôn ngữ của tôi được mở rộng dần. Ở đó tôi bắt gặp nhiều phương pháp tiếp cận mới, nhiều trường phái thú vị. Từ đó tôi hiểu, có đi trọn cuộc đời vẫn chỉ là những bước đầu khám phá ngôn ngữ. Với tiếng Việt, một ngôn ngữ phong phú trên nhiều phương diện ngữ pháp, ngữ âm, cú pháp… mặc sức khám phá và cả thưởng thức, như một lĩnh vực nghệ thuật đặc thù nữa.

Luận án Tiến sĩ của ông trình bày bằng tiếng Nga được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ngày đó đánh giá là xuất sắc. Từ đây con đường nghiên cứu của GS mở rộng, đầy hứa hẹn.

Tiền thân của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, nơi GS Hoàng Trọng Phiến làm việc là tổ Việt ngữ, được thành lập năm 1956 tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1968, tổ Việt ngữ phát triển, để trở thành khoa Việt ngữ. Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 1995. Tốt nghiệp ĐH, trở thành giảng viên ngôn ngữ học và từ lĩnh vực ngôn ngữ, ông đã thành GS.TS chuyên sâu ngữ pháp học. 

GS Hoàng Trọng Phiến, SN 1934, chậm chậm tiến vào tuổi 80. Mái tóc ngả màu bạch kim, nhưng khi đụng đến ngôn ngữ Việt, ông như quên hẳn tuổi già, hăm hở luận đàm như một người nghiên cứu trẻ tuổi. Cảm giác đó ở Giáo sư bắt nguồn từ niềm say mê với ngành khoa học ông gắn bó suốt cả cuộc đời. Cho đến nay ông đã có một khối lượng công trình lớn. Giới khoa học nhắc nhiều đến những công bố của ông: “Cách suy nghĩ khoa học Ngữ văn”, “Cách phân tích thành phần câu tiếng Việt”, “Các kết cấu cú pháp trong các tiêu đề báo chí Việt Nam”, “Các con đường tối ưu trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài”…

Cùng với đồng nghiệp, GS Hoàng Trọng Phiến đã soạn nhiều giáo trình,  tài liệu tham khảo giá trị hiện đang được giảng dạy, làm tài liệu tham khảo ở nhiều trường ĐH trong nước. Trong khoa học, không dễ nói, mọi nghiên cứu đều nhận đủ 100% lá phiếu đồng thuận. Những trường phái nghiên cứu, những lập luận và phản biện nghiêm túc, sôi nổi trong giới khoa học là động lực, tạo cơ hội cho khoa học phát triển. Bên cạnh những bậc đàn anh đi trước, những GS tên tuổi Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Thản, Phan Ngọc… GS Hoàng Trọng Phiến đã có những đóng góp thật sự giá trị, đáng trân trọng.

Giảng dạy và nghiên cứu, hai hoạt động như hai cành lớn từ một gốc cây, song hành phát triển, bổ sung cho nhau để con người “ngôn ngữ” của GS trở nên hài hòa, toàn diện. Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài là một thế mạnh và mảng sách viết về lĩnh vực này của GS cũng đã đóng góp đáng kể vào khối lượng công trình khoa học của trường. Theo ông, đó là một hoạt động khoa học, đòi hỏi sự nghiêm túc, sâu sắc như bất cứ bộ môn ngôn ngữ học khác. Tìm kiếm một phương pháp dạy tiếng Việt khoa học nhất, hệ thống nhất, hiệu quả nhất. Từ đó ông công bố những công trình nghiên cứu, những giáo trình đậm màu sắc ngôn ngữ học đã giúp người nước ngoài học tiếng Việt dễ dàng, khoa học. Không chỉ hành văn, cú pháp mà cả ngữ âm, ngữ điệu cũng được ông quan tâm để khi người nước ngoài nói chuyện không còn mang sắc âm “lơ lớ” ngoại. Thêm nữa, để họ cảm nhận tiếng Việt gần gũi, giao thoa kỳ diệu với âm nhạc biết dường nào. Giáo sư kể một chuyện thú vị, nhưng không hiếm: Có một sinh viên người Rumani nói tiếng Việt giỏi đến mức khiến nhiều người nghĩ anh là người Việt. Có người nói đùa, che cái mũi Âu đi, thì anh ta thành người Việt Nam, người Việt Nam – Hà Nội.

 Khoa tiếng Việt đã phát triển mạnh mẽ, thành một trung tâm nghiên cứu Việt ngữ uy tín, ngày nay được gọi là khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Đó không chỉ đơn giản là thay đổi tên gọi mà là nội hàm được mở rộng. Thông qua tiếng Việt, người nước ngoài tiếp cận với nền văn minh – văn hóa Việt. Hiểu được lịch sử, tập quán, lễ hội, cách sống, cách nghĩ của con người Việt Nam, GS Hoàng Trọng Phiến là người có công lớn, xây dựng bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Và thông qua ngôn ngữ, ông đem đến cho bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam đa dạng, sâu sắc và thiện cảm. Hơn 40 năm giảng dạy tiếng Việt, nhà trường đã đào tạo trên 7.000 học viên nước ngoài thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là sinh viên, nghiên cứu sinh, những nhà nghiên cứu Việt Nam học, chính khách, nhà ngoại giao. Trong số những người được đào tạo, có 8 vị là Đại sứ tại Việt Nam.

Tuổi già, có chung “bệnh” nhớ về quá khứ. GS Phiến không đợi đến già mới mắc căn bệnh này. Nhưng càng nhiều tuổi ký ức, kỷ niệm làng quê càng trở nên sâu nặng hơn. Quê ông ở   Quảng Nam, Đà Nẵng. Ký ức những năm kháng chiến, tuổi thanh xuân hăng say, cũng cha anh  gánh vác việc lớn của đất nước luôn ấm áp, sống động trong trái tim ông. GS là người vui tính, chuyện trò thường pha chút hóm hỉnh, dễ cười. Nhưng khi nhắc đến quê hương, giọng ông trầm xuống, chậm rãi:

– Quê tôi sát chân Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng mươi cây số. Trước kia, đây là vùng nông thôn nghèo, làm ruộng, buôn bán nhỏ. Người ở đây chuộng lẽ phải, ham học hỏi. Tôi học trường trung học Lê Khiết, một ngôi trường nổi tiếng miền Trung, giống như trường Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), Lam Sơn (Thanh Hóa) hội tụ những học sinh xuất sắc của khu vực. Kết thúc 9 năm kháng chiến, tôi được tập kết ra Bắc. Lòng nhủ lòng, phải gắng học cho nên người. Các anh Hoàng Tụy, Lê Đình Kỵ, Lê Trí Viễn, Phạm Duy Hiển… nhiều người con đất Quảng đã trở thành GS, nhà toán học, nhà lý luận, nhà văn nổi tiếng. Tôi cũng được Nhà nước phong là NGND, Hội đồng khoa học phong là GS. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy yên lòng là đã sống đúng với những gì mình  đã tự nhủ, như một lời hứa thầm trong những năm xa quê hương: Sống xứng đáng với niềm hy vọng của bà con quê nhà, những người đã tin tưởng gửi tôi ra miền Bắc, nơi tạo mọi điều kiện cho chúng tôi học tập. Tôi đã dùng toàn bộ thời gian của mình để nghiên cứu, truyền thụ kiến thức với tất cả tình yêu và trách nhiệm cho thế hệ trẻ.

 

Như Nguyễn

Nguồn: phapluatxahoi.vn/20131027101421468p1001c1049/gsts-hoang-trong-phien-nguoi-thang-hoa-tieng-viet.htm

 

Từ khóa » định Nghĩa Về Câu Của Hoàng Trọng Phiến