Thống Kê Sơ Bộ Về Các Quan điểm Cơ Bản Trong Nghiên Cứu Từ Loại ...
Có thể bạn quan tâm
Tên tác giả | Tiêu chí xác định từ loại | Số lượng | Danh sách |
A. de Rhode 1651 | Ý nghĩa | 2 loại lớn | Những từ biến hình (danh từ, đại từ, tính từ, động từ) và những từ không biến hình. |
Lê Văn Lý 1948,1968 | Giá trị kết hợp | 6 | Danh từ, động từ, tính từ, ngôi từ, số từ, phụ từ. |
Phan Khôi 1955 | Chức năng cú pháp | 9 | Danh từ, đại danh từ, động từ, hình dung từ, phó từ, giới từ, liên từ, thán từ. |
Hoàng Tuệ 1962 | Khả năng kết hợp Chức vụ cú pháp | 4 | Vị từ (danh từ, đại từ, chỉ từ, số từ); tiểu từ (phó từ, giới từ, liên từ, trợ từ); loại từ, thántừ |
Trương Văn Chình 1963 | Ý nghĩaChức năng NP | 3 | Thể từ (danh từ); trạng từ (sự trạng động, sự trạng tĩnh), trợ từ. |
Nguyễn Kim Thản | Khả năng kết hợp Biện pháp cải biên | 12 | Danh từ, thời vị từ, số từ, động từ, tính từ, đại từ, phó từ, giới từ, liên từ, hệ từ, trợ từ, thán từ. |
Lưu Vân Lăng 1970 | Hoạt động của từ trong ngữ đoạn tầng bậc hạt nhân, vị trí, chức năng, vai trò của từ trong ngữ đoạn động. | 2 loại lớn | Từ nòng cốt (danh từ, đại từ, động từ, tính từ); từ phụ gia (hạn từ, phó từ, hệ từ, hiệu từ). |
Nguyễn Tài Cẩn 1975 | Khả năng tổ chức đoản ngữ | 2 loại lớn | Từ có thể làm trung tâm đoản ngữ (danh từ, động từ, tính từ); từ không thể làm trung tâm đoản ngữ (định từ, trạng từ, quan hệ từ, trợ từ…) |
Đái Xuân Ninh 1978 | Vị trí của từKhả năng kết hợpÝ nghĩa của từ | 8 | Danh từ, đại từ, động từ, tính từ, từ kèm, từ định chức, từ nghi vấn, từ đệm. |
Đinh Văn Đức 1985 | Ý nghĩa khái quát, khả năng kết hợp, chức vụ cú pháp | 9 | Danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, từ phụ, từ nối, tiểu từ, trợ từ. |
Diệp Quang Ban1989 | Ý nghĩa khái quát, Khả năng kết hợp, Chức vụ cú pháp | 9 | Danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, phụ từ, kết từ, tình thái từ, thán từ. |
Bùi Minh Toán 1992 | Ý nghĩa khái quát, Khả năng kết hợp, Chức vụ cú pháp | 8 | Danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, phụ từ, quan hệ từ, tình thái từ. |
V. X. Panfilov 1993 | Ý nghĩa | 5 loại lớn | Thực từ (động từ, tính từ, danh từ, đại từ nhân xưng), bán thực từ, hư từ, bán hư từ, tiểu từ. |
Lê Biên 1996 | Ý nghĩa khái quát, Khả năng kết hợp, Chức vụ cú pháp | 9 | Danh từ, động từ, tính từ, số từ, đại từ, phụ từ, quan hệ từ, tình thái từ, thán từ. |
Tiểu kết
- Sự khác nhau trong cách nhìn nhận về đặc trưng của loại hình ngôn ngữ đơn lập, phân tích tính dẫn đến sự khác nhau trong việc xác định vấn đề tiếng Việt có phạm trù từ loại hay không.
- Từ quan niệm khác nhau về tiêu chí phân định từ loại của các tác giả, dẫn đến số lượng và tên gọi của các từ loại khác nhau.
- Theo thời gian, các tiêu chuẩn phân định từ loại ngày càng được bổ sung đầy đủ và chặt chẽ.
- Cho đến nay, nhìn chung, quan điểm của các tác giả về căn cứ phân loại, số lượng, tên gọi, bản chất của các từ loại là tương đối thống nhất và bám sát hơn vào ngữ liệu tiếng Việt. Điều này phản ánh sự phát triển biện chứng trong nhận thức về ngôn ngữ của người Việt, khẳng định một bước trưởng thành của ngành ngôn ngữ học.
- Việc phân chia từ loại thành các tiểu loại cũng đã được nghiên cứu từ lâu và cũng đã thu được những kết quả rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chưa có điều kiện để đề cập đến vấn đề này.
- Các tác giả theo trường phái ngữ pháp chức năng ít quan tâm tới vấn đề từ loại, (có lẽ chủ yếu quan tâm đến sự phân biệt động từ/tính từ).
Vấn đề thành phần câu
Như ta đã biết, việc nghiên cứu thành phần câu trong tiếng Việt được bắt đầu bằng Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh 1651, song ở đó mới chỉ là những phác thảo sơ lược. Tới những năm 40, thế kỷ XX, vấn đề này mới được nghiên cứu trở lại. Ban đầu, các tác giả miêu tả thành phần câu tiếng Việt bằng cách mô phỏng tiếng Pháp theo phương pháp phân tích mệnh đề của ngữ pháp duy lý. Câu gồm ba thành tố: chủ ngữ (chủ từ), động từ và bổ ngữ. Quan điểm này đã phản ánh một nhược điểm trong tư duy của các nhà ngữ pháp học thời ấy là không phân biệt thành phần câu với từ loại, nói cách khác là lẫn lộn chủng loại ngữ pháp của từ với chức năng của từ. Các đại diện tiêu biểu là Trần Trọng Kim 1940, Phạm Tất Đắc 1953…
Những năm 50, trong nghiên cứu thành phần câu tiếng Việt có sự chuyển đổi từ cái nhìn từ bản vị sang cú bản vị, với tinh thần lấy tổ chức của câu làm gốc. Tên gọi các thành phần câu có sự thay đổi đáng kể. Đại diện tiêu biểu là Phan Khôi 1955, Nguyễn Lân 1956, Phan Ngọc 1957…
Từ những năm 60 đến nay, có nhiều công trình đề cập đến vấn đề thành phần câu với các quan niệm khác nhau về bản chất thuật ngữ thành phần câu, danh sách, tiêu chí xác định… Dưới đây là một số tóm tắt cơ bản.
Tên tác giả | Quan điểm chính | Danh sách thành phần câu |
Bùi Đức Tịnh 1952 | - Tiêu chí nghĩa(Khuynh hướng từ bản vị) | - TP chính: chủ ngữ, tuyên ngữ- TP phụ: bổ túc ngữ… |
Phan Khôi 1955 | - Tiêu chí chức năng NP (Khuynh hướng cú bản vị) | - Thành phần chủ yếu: C, V- Thành phần liên đới: tân ngữ, bổ túc ngữ.- Thành phần phụ gia: hình dung phụ gia ngữ, phó từ phụ gia ngữ. |
Hoàng Tuệ 1962 | - Tiêu chí nghĩa, chú ý mối liên quan giữa thành phần câu và từ loại, trật tự từ và khả năng trả lời câu hỏi. | - Thành phần chủ yếu: C, V- Thành phần thứ yếu: Đ, B (B bao gồm cả tân ngữ và Tr, trong đó Tr bổ nghĩa cho động từ) |
Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê 1963 | - Tiêu chí nghĩa | - TP cốt yếu: chủ từ, thuật từ.- TP phụ: chủ đề, bổ từ, giải từ, phó từ, quan hệ từ.(Chủ đề có thể hợp với chủ từ và thuật từ làm thành cốt câu) |
Nguyễn Kim Thản 1964 |
| - TP chính: C, V- TP phụ: các thành phần thứ yếu (Tr, K) và các thành phần biệt lập (cảm hoán ngữ, phụ chú ngữ, đồng ngữ)- TP trong từ tổ: B, Đ |
Thompson L.C1965 | Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp |
|
Lê Văn Lý 1968 |
| |
Lưu Vân Lăng 1970 | Quan điểm tầng bậc có hạt nhân. | - Phần cốt: đề, thuyết- Phần thêm: gia tố(Phần thuyết có thể bao gồm Tr, B, Đ) |
Nhóm Nguyễn Tài Cẩn 1975 | - Dựa vào nghĩa(Phương pháp phân tích câu của NP truyền thống) | - Thành phần chủ yếu: C, V- Thành phần thứ yếu & thành phần phụ thuộc (V phụ, Đ, B) - Thành phần xen kẽ. |
Hoàng Trọng Phiến 1980 | Là sự dung hoà 2 quan điểm: lý thuyết từ tổ và ngữ pháp truyền thống. | - TP chính: C, V- TP thứ: Tr, Đ câu, thành phần chuyển tiếp, thành phần độc lập.- TP phụ thuộc: B, Đ từ, đồng vị ngữ, trạng tố, thành phần tăng cấp. |
UBKHXH 1983 | Quan điểm tầng bậc hạt nhân và lý thuyết từ tổ. | - TP nòng cốt: đề – thuyết- TP phụ: TP than gọi, TP chuyển tiếp, TP chú thích, TP tình huống, TP khởi ý. |
Diệp Quang Ban1989 | - Quan hệ ý nghiã giữa các từ trong câu.- Các đặc trưng hình thức của từ trong câu. |
|
Hồ Lê 1991 | Phân biệt cú pháp trong tư duy và cú pháp tại lời. | - TP câu gồm 2 phần: hoặc là chủ ngữ - vị ngữ, hoặc là đề ngữ - ứng ngữ, thức ngữ - hành động ngữ, điều kiện ngữ, kết quả ngữ.- Đ, B là TP phụ trong từ tổ. Nên gọi là định tố, bổ tố. |
Cao Xuân Hạo 1991 | Ngữ pháp chức năng | TP câu: đề, thuyết.(Trong phần đề có chủ đề và khung đề, ngoài cấu trúc đề - thuyết có ngoại đề). |
Bùi Minh Toán 1992 | Ý nghĩa khái quát, Khả năng kết hợp, Chức vụ cú pháp | - TP chính: C, V- TP phụ: Tr, thành phần chuyển tiếp, hô ngữ…- TP biệt lập: giải thích, phụ chú. |
V. X. Panfilov 1993 | Xu hướng hình thức | Chủ ngữ, bổ ngữ, vị ngữ, định ngữ cho vị ngữ, trạng ngữ. |
Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp 1997 | Sử dụng các thủ pháp hình thức theo quan điểm của S.E. Yakhôntôv. | - TP chính: C, V, B bắt buộc- TP phụ của câu: Tr, Đ câu, K, tình thái ngữ. |
Tiểu kết
- Bảng tổng kết sơ bộ trên đây phản ánh sự khác nhau khá rõ trong quan niệm của các tác giả về tên gọi thành phần câu, số lượng thành phần câu, việc phân biệt thành phần chính với thành phần phụ của câu, phân biệt thành phần phụ của câu với thành phần phụ của từ.
- Về thành phần chính của câu, ngoài quan điểm của ngữ pháp chức năng, có hai ý kiến: thứ nhất, cho rằng thành phần chính của câu bao gồm chủ ngữ và vị ngữ; thứ hai, cho rằng thành phần chính của câu bao gồm cả chủ ngữ, vị ngữ và bổ ngữ. Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp, Trần Ngọc Thêm theo quan điểm thứ hai này.
- Sự khác nhau lớn nhất là sự khác nhau trong quan niệm về vai trò của bổ ngữ: Nguyễn Kim Thản, Hồ Lê cho rằng bổ ngữ là thành phần phụ của từ tổ, Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp cho nó là thành phần chính của câu.
- Thực ra, ngay trong chính bản thân một tác giả, theo thời gian, quan niệm về thành phần câu cũng có những thay đổi mà chúng tôi chưa có điều kiện đề cập ở đây.
- Chúng tôi cũng không có điều kiện giải thích về sự trùng lặp tên gọi nhưng không trùng lặp nội dung khái niệm (và ngược lại) của một số thuật ngữ được sử dụng trong bảng này. (Chẳng hạn đồng vị ngữ của Hoàng Trọng Phiến tương đương với vị ngữ phụ của Nguyễn Minh Thuyết; chủ đề của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê tương đương với khởi ngữ của Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, Nguyễn Văn Hiệp, từ-chủ đề của Bystrov I.S, Nguyễn Tài Cẩn, Stankevich N.V, đề ngữ của Diệp Quang Ban; còn thành phần tình huống của UBKHXH thì được phần lớn các nhà ngữ pháp gọi là trạng ngữ ).
Vấn đề phân loại câu
Như đã nói, địa hạt cú pháp, trong đó trung tâm là vấn đề các kiểu câu, là địa hạt phức tạp nhất trong ngữ pháp học bởi ở đó có sự gặp gỡ của nhiều hiện tượng ngôn ngữ. Như một cái đích cần đạt tới trong nghiên cứu cú pháp, rất nhiều tác giả đã tiến hành phân loại câu tiếng Việt bằng các hình thức tiếp cận khác nhau, theo các tiêu chí khác nhau. Các kiểu câu trong tiếng Việt, do vậy, cũng vô cùng phong phú và đa dạng.
Việc định nghĩa câu hay xác định các kiểu câu trong tiếng Việt được tiến hành muộn hơn so với việc nghiên cứu từ loại và thành phần câu. Trong các sách ngữ pháp ra đời sớm nhất ở nước ta như Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh 1651 hay Grammaire de la langue Annamite 1883, các kiểu câu hoàn toàn vắng bóng. Phải đến những năm 40 của thế kỷ trước, việc phân loại câu mới được đề cập đến. Có lẽ sớm nhất là trong Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm. Song, do ảnh hưởng của khuynh hướng từ bản vị trong nghiên cứu cú pháp, ảnh hưởng của ngữ pháp nhà trường Âu châu, theo quan điểm có bao nhiêu động từ thì có bấy nhiêu mệnh đề, việc phân loại câu (câu đơn, câu phức hợp) của các tác giả trên có nhiều điểm không rành mạch. Bùi Đức Tịnh (1952) cũng là người chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm này. Phạm Tất Đắc (1953) thì cho rằng Phân tích một câu là phân tích những mệnh đề trong câu (70, tr83)… Giai đoạn sau, việc miêu tả cấu trúc câu được tiến hành tỷ mỷ hơn, chặt chẽ hơn song vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất. Dưới đây là một số quan điểm chính.
Tên tác giả | Tiêu chí phân loại | Các kiểu câu |
Lê Văn Lý 1948 | 24 kiểu tổ hợp cùng từ loại, 70 kiểu tổ hợp khác từ loại, 29 kiểu đặt câu với 5 từ và những hoán vị khác nhau. | |
Emeneau M.B 1951 | Theo bản chất của từ loại | 2 loại hình câu: câu danh từ và câu động từ. |
Bùi Đức Tịnh1952 | Theo số lượng mệnh đề | 2 loại: câu một mệnh đề và câu có nhiều mệnh đề.Loại 2: mệnh đề độc lập liên kết, mệnh đề chính và mệnh đề phụ. |
Hoàng Tuệ 1962 | Theo số lượng mệnh đề | 2 loại: câu đơn giản (câu đơn giản với kết cấu C-V, câu đơn giản với bổ ngữ, câu đơn giản có định ngữ) và câu phức hợp (có quan hệ phụ thuộc, có quan hệ liên hợp) |
Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê 1963 | 1. Theo cách cấu tạo (số lượng cú)2. Theo ngữ điệu | 1. Hai loại: câu đơn, câu phức.(câu phức có 3 loại: câu tiếp liên, câu kết liên, câu tiếp kết)2. Ba loại: câu nói theo giọng thường, câu nói theo giọng hỏi, câu nói theo giọng biểu cảm. |
Nguyễn Kim Thản 1964 | 1. Theo kết cấu ngữ pháp. 2. Theo mục đích | 1. Hai loại: câu đơn giản (câu song phần, câu đơn phần, câu danh xưng) và câu phức hợp (câu phức liên hợp, câu phức qua lại).2. Bốn loại: tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán. |
Lê Văn Lý 1968 | Theo từ loại, số lượng thuật từ, mục đích… | 8 loại: câu tự loại, câu đơn giản, câu phức tạp, câu khẳng định, câu phủ định, câu nghi vấn, câu khuyến lệnh, câu cảm thán. |
Lê Xuân Thại 1969 | Theo số lượng cụm từ | 2 loại: câu đơn (câu có một từ, câu có một cụm từ 2 chiều hoặc 1 cụm từ một chiều, câu có một cụm từ 2 chiều hoặc 1 cụm từ một chiều làm nòng cốt); câu ghép (câu có 2 hay nhiều cụm từ 2 chiều kết hợp với nhau theo quan hệ song song, câu có một cụm từ song song, câu có hai hay nhiều cụm từ một chiều kết hợp với nhau theo quan hệ song song, câu có 2 hay nhiều cụm từ làm nòng cốt có quan hệ song song) |
Lưu Vân Lăng 1970 | Theo số lượng cú | 2 loại: câu đơn (câu đơn thần tuý, câu đơn có cú con) và câu kép (câu kép liên hợp, câu kép chính phụ) |
Hoàng Trọng Phiến 1980 | 1. Theo cấu trúc ngữ nghĩa.2. Theo mục đích phát ngôn | 1. Ba loại: câu đơn (câu sự kiện, câu định danh), câu trung gian (câu móc xích, câu có một thành phần ứng với một câu con), câu ghép (ghép qua lại, ghép đẳng lập)2. Ba loại: câu kể, câu hỏi, câu cầu khiến. |
UBKHXH 1983 | Theo số lượng và quan hệ giữa các nòng cốt. | 2 loại: câu đơn (câu tả, câu luận), câu ghép (ghép song song, ghép qua lại).Câu đơn có thể chia theo thuyết tính thành 6 loại: khẳng định, phủ định, tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, biểu cảm. |
Trần Ngọc Thêm 1985 | Theo phân đoạn cấu trúc và phân đoạn lôgic - ngữ pháp. | 4 cấu trúc nòng cốt: - Nòng cốt đặc trưng : CT VđR- Nòng cốt quan hệ : CT (Vq – B)R- Nòng cốt tồn tại : TrT (Vt– B)R- Nòng cốt qua lại : xVT yVR |
Diệp Quang Ban1989 | 1. Theo cấu tạo ngữ pháp cơ bản2. Theo mục đích nói | 1. Hai loại: câu đơn (câu đơn hai thành phần, câu đặc biệt, câu đơn mở rộng nòng cốt câu, câu đơn mở rộng thành phần câu, câu dưới bậc), câu ghép (câu ghép có từ liên kết, câu ghép không có từ liên kết).2. Bốn loại: tường thuật, nghi vấn, mệnh lệnh, cảm thán. |
Cao Xuân Hạo 1991 | 1. Theo cấu trúc cú pháp2. Theo hành động ngôn trung3. Theo nghĩa biểu hiện. | 1. Ba loại: câu hai phần (Đ-T), câu một phần (T), câu đặc biệt (không có cấu trúc Đ- T).2. Bốn loại: trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán.3. Ba loại: câu tồn tại, câu biến cố (+động), câu tình hình (- động). |
Bùi Minh Toán 1992 | 1. Theo cấu tạo ngữ pháp2. Theo mục đích phát ngôn | 1. Hai loại: câu đơn (câu đơn bình thường, câu đơn đặc biệt), câu ghép (câu ghép có ý nghĩa liệt kê, câu ghép có quan hệ lựa chọn, câu ghép có quan hệ hô ứng…)2. Bốn loại: tường thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán. |
Tiểu kết
(1) Bản tóm tắt trên đây đã phản ánh khá rõ nét sự khác nhau trong cách lựa chọn tiêu chí phân loại câu tiếng Việt, dẫn đến sự khác nhau trong nội bộ từng loại câu, cả ở tên gọi, cả ở nội dung quan niệm.
(2) Việc phân loại câu, theo thời gian, tiến dần đến chỗ thống nhất hơn. Các tiêu chí phân loại triệt để hơn, minh bạch hơn. Do vậy, kết quả của việc phân loại này có tác dụng thiết thực hơn đối với người dạy và học tiếng Việt.
(3) Điểm trùng nhau giữa ngữ pháp cấu trúc và ngữ pháp chức năng trong cách phân loại câu là ở tiêu chí phân loại theo mục đích nói mà ngữ pháp chức năng gọi là phân loại theo hành động ngôn trung. Điểm khác nhau giữa hai khuynh hướng trên là ở loại câu chia theo tiêu chí cấu trúc ngữ pháp, do một bên chọn cách phân tích truyền thống: chủ – vị, một bên chọn cách phân tích mới: đề - thuyết. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần dưới đây.
(4) Cũng giống như cách trình bày vấn đề từ loại và vấn đề thành phần câu, đối với các kiểu câu tiếng Việt, chúng tôi vẫn chọn cách kẻ bảng tổng kết như trên để người đọc tiện so sánh, đối chiếu. Song cách làm này có một hạn chế lớn là phải trình bày hết sức khái quát tất cả cấc vấn đề. Do vậy, chúng tôi không trình bày được khái niệm của các kiểu câu, đặc điểm của từng loại, các tiểu loại hay các ví dụ minh hoạ… Do vậy, có hiện tượng, tên gọi các kiểu câu giống nhau, nhưng nội hàm khái niệm lại khác nhau. Chẳng hạn, Hoàng Tuệ (1962) cho rằng câu phức hợp là câu gồm 2 mệnh đề trở lên, nhưng nếu hai mệnh đề ấy tồn tại độc lập, không có từ quan hệ, thì không phải là câu phức hợp mà là câu đơn. Trong khi đó, Diệp Quang Ban lại xếp nó vào loại câu ghépkhông có từ liên kết (câu ghép chuỗi)…
Cấu trúc chủ – vị và cấu trúc đề – thuyết
Có thể nói, cuộc tranh luận lớn nhất trong ngữ pháp học tiếng Việt những năm cuối thế kỷ XX là cuộc tranh luận xung quanh cấu trúc chủ-vị (C-V) và cấu trúc đề-thuyết (Đ-T), hai cách phân tích câu tiêu biểu của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng, giữa một bên là đa số các tác giả phía Nam và một bên là phần lớn các tác giả phía Bắc.
Cặp thuật ngữ C–V xuất hiện từ rất sớm, có lẽ cùng với sự ra đời của ngôn ngữ học mà xuất phát điểm của nó là tên gọi hai thành phần của một phán đoán trong lôgic học. Càng ngày, cặp thuật ngữ này càng trở nên gắn bó với cú pháp tiếng Việt và có một chỗ đứng vững chắc trong lối phân tích câu theo cấu trúc ngữ pháp của người Việt.
Còn Đ và T thì xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ở Việt Nam, nó có mặt vào khoảng những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Khái niệm này có trong các công trình của Lưu Vân Lăng (1970), UBKHXH (1983), Trần Ngọc Thêm (1985)… và chính thức đứng vào thế cạnh tranh quyết liệt với cặp C–V vào những năm 90, khi Sơ thảo ngữ pháp chức năng của Cao Xuân Hạo ra đời.
Cuộc tranh luận giữa Đ-T và C–V đã bùng nổ gay gắt khi ngữ pháp chức năng tuyên bố theo quan điểm của Ch.N. Li và S.A. Thompson, xếp tiếng Việt vào loại hình ngôn ngữ thiên chủ đề (topic - prominent), và việc dùng kết cấu C-V để làm tiêu chí xác định câu và phân loại câu tiếng Việt là một việc làm kỳ dị. Theo Cao Xuân Hạo và các cộng sự của ông thì cách tư duy nhân loại chỉ có một, cho nên câu của bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có hai phần đề và thuyết (5, tr18). Với tiếng Việt, cấu trúc cú pháp của câu tương ứng một đối một với cấu trúc sở đề – sở thuyết của mệnh đề, cho nên không cần có những khái niệm riêng cho cú pháp như chủ ngữ, vị ngữ để phân biệt cấu trúc cú pháp với cấu trúc mệnh đề. (5, tr18). Đ-T không thuộc bình diện phân đoạn thực tại cũng không thuộc bình diện dụng pháp mà thuộc bình diện logíc-ngôn từ…
Lưu Vân Lăng cũng ủng hộ quan điểm trên. Ông cho rằng: Khái niệm C-V trong ngữ học truyền thống không những không chính xác, mà thuật ngữ, nhất là chủ ngữ, subject, dễ gây ra những sự hiểu nhầm, vì nó gắn liền với khái niệm chủ thể (45, tr77).
Trên các Tạp chí Ngôn ngữ và Ngôn ngữ và đời sống, một loạt những bài báo xoay xung quanh vấn đề này liên tiếp được đăng tải, là tiếng nói góp ý xây dựng cho một trào lưu ngữ pháp mới ở nước ta, đang đòi hỏi xoá sổ một cách phân tích câu đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam hơn một thế kỷ nay. Đó là tiếng nói của các tác giả Đỗ Hữu Châu (1992), Nguyễn Lai (1992), Diệp Quang Ban (1992), Lưu Vân Lăng (1992), Hồ Lê (1993), Đinh Văn Đức (1993), Phan Thiều (1993), Lê Đông và Nguyễn Văn Hiệp (1996), Đào Thanh Lan (1996), Lê Xuân Thại (2002)…, Trần Thanh Ái (2003)… Một tập thể lớn đang cố gắng tỉnh táo nhận ra những ưu, nhược của ngữ pháp chức năng trong việc nó có thể thay thế được hay không cho ngữ pháp truyền thống. Diệp Quang Ban nói: Chỗ khác nhau giữa quan hệ C-V và quan hệ Đ-T, xét ở phương diện công dụng trong đời sống ngôn ngữ, là ở chỗ quan hệ C-V bám chắc hơn vào mối liên hệ ý nghĩa giữa các thành tố trực tiếp trong cấu tạo câu, và do đó, làm thành cấu trúc hình thức của câu. Còn quan hệ Đ-T thì bám chắc hơn vào nhiệm vự diễn đạt trong tình huống dùng câu… Lý lẽ mà tác giả đưa ra là có căn cứ và hoàn toàn xác đáng. Kết luận của Diệp Quang Ban về vấn đề này là: Đặt ngữ pháp Đ-T vào thế cạnh tranh một mất một còn với ngữ pháp C-V là không thoả đáng (13, tr54).
Có một thực tế mà ít người phủ nhận là trong tiếng Việt, có những câu, nếu phải phân tích cấu trúc cú pháp ra các thành phần C, V, B, Tr… thì khó vô cùng, nếu không muốn nói là bế tắc. Trong khi đó, nếu áp dụng cách phân tích câu theo cấu trúc Đ-T thì lại rất dễ dàng. Một thực nghiệm cũng cho thấy với bộ thuật ngữ Đ-T, học sinh tiếp nhận văn bản rất tốt, nhưng khi cấu tạo văn bản viết, học sinh tỏ ra yếu hơn những học sinh học theo sách vẫn dùng quan hệ C-V lâu nay (13, tr54). Có nghĩa là cả hai cách phân tích câu đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Sự xuất hiện của cấu trúc Đ-T trong ngữ pháp chức năng không phải là sự phủ nhận cấu trúc C-V. Chúng tôi xin kết luận vấn đề này bằng lời của TS Trần Thanh Ái: Từ R. Martin đến M.A.K. Halliday, C. Hagège, O. Ducrot hoặc M. Galmiche, tất cả đều quan niệm cặp phạm trù này (Đ-T) không loại trừ cặp phạm trù ngữ pháp C-V, mà ngược lại, nó được nghiên cứu để bổ sung cho những hiểu biết về câu mà ngữ pháp đã mang lại. Sự bổ sung ấy, dù cho với tên gọi là “cấu trúc câu như là một thông điệp” (M.A.K. Halliday) hoặc phương diện “phát ngôn-tôn ti” (C. Hagège), đều phải được quan niệm trong tổng thể ba mặt của mọi thực tế ngôn ngữ. Mọi cố gắng nhằm tách rời chúng ra khỏi nhau trong nghiên cứu chắc chắn sẽ không tránh khỏi siêu hình, phiến diện (77, tr43).
Vấn đề thời và thể
Thời, thể tiếng Việt cũng là một trong những vấn đề được nghiên cứu từ rất sớm và những năm gần đây, nó là trung tâm của một cuộc tranh cãi lớn trong giới ngôn ngữ học. Giải quyết vấn đề thời, thể có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ đặc trưng của tiếng Việt nói riêng và loại hình ngôn ngữ đơn lập phân tích tính nói chung.
Lịch sử nghiên cứu vấn đề thời, thể trong tiếng Việt có thể tạm chia làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Xu hướng dập khuôn ngữ pháp nhà trường tiếng Pháp
- Giai đoạn 2: Xu hướng phủ nhận phạm trù thời, thể trong tiếng Việt.
- Giai đoạn 3: Xu hướng quay trở lại nghiên cứu thời, thể với nhiều góc nhìn khác nhau.
Đại diện cho xu hướng thứ nhất là Alexand de Rhode (1651), Trương Vĩnh Ký (1883). Những nghiên cứu ban đầu về thời, thể nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề của quan điểm dĩ Âu vi trung. Với các tác giả này, thời được coi như là một phổ niệm cho mọi ngôn ngữ, nói cách khác, theo họ, đã là ngôn ngữ thì hiển nhiên có phạm trù thời. Trương Vĩnh Ký cho rằng: Động từ tiếng Việt là một từ không biến hình. Muốn trình bày nó trong các lối và các thời của nó, người ta dùng các hư từ hay các phụ tố (affixes). Tiếng Việt có ba thời cơ bản: Thời quá khứ được biểu thị bằng đã, thời hiện tại biểu thị bằng đang và thời tương lai biểu thị bằng sẽ.
Cách hiểu trên đã đơn giản hoá phạm trù thời tiếng Việt. Nó không phản ánh đứng bản chất của vấn đề này.
Xu hướng thứ hai xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ XX. Cũng như người ta đã từng phủ nhận phạm trù từ loại trong tiếng Việt, Grammông và Lê Quang Trinh (1911), Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm (1940) cho rằng tiếng Việt không có phạm trù thời. Các tác giả này nhấn mạnh vào đặc điểm không biến hình của động từ tiếng Việt, lấy đó làm căn cứ phủ nhận phạm trù thời. Thậm chí Grammông và Lê Quang Trinh còn cho rằng trong tiếng Việt không có động từ và do đó cũng không biến ngôi. Còn Trần Trọng Kim và các cộng sự của ông thì khẳng định: Để nói rõ về thời gian diễn ra sự việc so với thời điểm nói, người ta dùng các phó từ chỉ thời gian làm thành phần trạng ngữ trong câu, như: bây giờ, hôm qua, ngày mai… Khi muốn diễn đạt một sự việc đã hoàn thành, người ta dùng đã trước động từ và rồi, xong sau động từ. Tất nhiên, đây chưa phải là toàn bộ cách diễn đạt các ý nghĩa thời, thể trong tiếng Việt, và việc quyết liệt phủ nhận phạm trù thời trong tiếng Việt cũng cần phải bàn thêm, song, hướng đi của các tác giả trên đặt ra cho những người nghiên cứu ngày hôm nay một tiên đề rằng nếu như phạm trù thời, thể tiếng Việt có tồn tại, thì nó cũng khác xa về bản chất so với các ngôn ngữ châu Âu.
Nằm trong xu hướng thứ ba, Nguyễn Kim Thản không trả lời thẳng vào câu hỏi: tiếng Việt có phạm trù thời hay không, song ông cũng cho rằng: Không nên coi những phó từ đang, còn, vẫn, đã, cứ,… là công cụ ngữ pháp, biểu thị phạm trù ngữ pháp thời của riêng động từ tiếng Việt, mà nên coi phạm trù này là phạm trù của vị ngữ (54, tr230). Về vấn đề thể, ông khẳng định: Ngữ pháp tiếng Việt có phạm trù thể (54, tr230).
Hoàng Tuệ (1962) thì phát biểu quan điểm của mình là: Trong Việt ngữ, không có hình thức đặc biệt để biểu thị thời gian… Pháp ngữ cũng như Việt ngữ, có thể biểu đạt ý nghĩa thể nhưng bằng phương pháp có tính chất phân tích (30, tr419). Sau này, ông dè dặt hơn: Thật khó xác định các ý nghĩa thời, thể và tình thái theo những sự phân biệt và phân loại quen thuộc về ngữ pháp và từ vựng (30, tr731).
Panfilov V. X. (1979, 1993, 2002) là một trong những tác giả nước ngoài đặc biệt quan tâm đến vấn đề thời, thể trong tiếng Việt. Ông theo khuynh hướng cho rằng trong tiếng Việt có phạm trù thời. Ông tham gia vào cuộc bút chiến căng thẳng với Cao Xuân Hạo, người đứng ở phía quan điểm trái ngược với ông. Ông khẳng định đã, đang và sẽ chính là những chỉ tố về thời của tiếng Việt.
Nguyễn Minh Thuyết (1995) đã tìm ra một danh sách các hư từ chuyên đứng trước thuật từ để biểu thị đồng thời các ý nghĩa thời và thể của tiếng Việt. Kết luận của tác giả là: Thời và thể là hai phạm trù ngữ pháp thật sự trong tiếng Việt, vì: a. Chúng bao gồm những ý nghĩa bộ phận đối lập nhau (như: tương lai/phi tương lai; hoàn thành/phi hoàn thành; tiếp diễn/phi tiếp diễn…) và b. Mỗi ý nghĩa bộ phận như trên được diễn đạt bằng một tiền phó từ nhất định, tạo thành một hệ thống (58, tr 9).
Người kiên trì quan điểm cho rằng trong tiếng Việt chỉ tồn tại phạm trù thể mà không tồn tại phạm trù thời là Cao Xuân Hạo (1998, 2002). Ông khẳng định: Tiếng Việt tuyệt nhiên không có thì… Khi cần định vị một sự tình trong thời quá khứ hay hiện tại, tiếng Việt dùng đến những khung đề có ý nghĩa từ vựng thích hợp như: xưa kia, trước đây, hiện nay, bây giờ… (6, tr10). Song, ông vẫn công nhận vai trò của chỉ tố sẽ trong việc biểu hiện ý nghĩa tương lai và công nhận nếu ba chỉ tố đã, đang và sẽ đi liền với nhau thì chúng lại có ý nghĩa thời.
Đinh Văn Đức (2001) thận trọng và mềm mại hơn, ông không tán thành cả hai quan điểm trên. Dường như ông cho rằng thời tiềm tàng ở động từ, phản ánh các quy chiếu có tính lôgic trong ngữ năng của người Việt (21, tr305), rằng người bản ngữ tiếng Việt tri nhận thời cả từ ngữ nghĩa của toàn phát ngôn chứ không riêng từ động từ vị ngữ (21, tr308), rằng đã, sẽ, đang một mặt tham gia vào tình thái của câu (ở đây, ông gặp quan điểm của Cao Xuân Hạo), mặt khác, tham gia biểu hiện ý nghĩa thời, thể (ở đây, ông chia sẻ với Nguyễn Minh Thuyết và Panfilov).
Tóm lại, việc quay trở lại nghiên cứu vấn đề thời, thể ở nửa cuối thế kỷ XX với nhiều góc nhìn khác nhau phản ánh sự phức tạp của chính bản thân đối tượng. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, quan điểm của các tác giả là trong tiếng Việt có phạm trù thể. Còn vấn đề thời thì vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Các phương tiện biểu thị ý nghĩa thời, thể cũng đã được nghiên cứu công phu hơn nhưng chưa đi đến thống nhất. Có thể là một quan điểm dung hoà như Đinh Văn Đức chăng? Câu trả lời có lẽ sẽ được tìm thấy trong những nghiên cứu tiếp theo ở nửa đầu thế kỷ mới này.
Từ khóa » định Nghĩa Về Câu Của Hoàng Trọng Phiến
-
2 Câu Theo Quan Niệm Truyền Thống - Tài Liệu Text - 123doc
-
Quan Niệm Của Cao Xuân Hạo Quan Niệm Của Hoàng Trọng Phiến
-
Hoàng Trọng Phiến – Wikipedia Tiếng Việt
-
[PDF] Câu Phức Phụ Thuộc Có Liên Từ Và Không Liên Từ Trong Tiếng Việt
-
GS.NGND Hoàng Trọng Phiến: Tâm Hồn Xanh, Mái Tóc Bạc - VNU
-
Giáo Sư Ngôn Ngữ Học Hoàng Trọng Phiến đã Rời Xa Cõi Tạm
-
[DOC] MỤC LỤC - CSDL Khoa Học
-
Ngữ Pháp Tiếng Việt-Câu (NXB Đại Học Quốc Gia 2008) - Hoàng ...
-
Nhà Giáo Nhân Dân Hoàng Trọng Phiến: Người Thầy Mẫu Mực Và ...
-
Khảo Sát Khái Niệm Câu đơn Theo Quan điểm Truyền Thống Và Cú đơn ...
-
Vấn đề Câu Tường Thuật, Câu Nghi Vấn Trong Nghiên Cứu Ngữ Pháp ...
-
GS.TS Hoàng Trọng Phiến Người Thăng Hoa Tiếng Việt