Nhà Giáo Nhân Dân Hoàng Trọng Phiến: Người Thầy Mẫu Mực Và ...

Khi nghe những câu chuyện, khoảnh khắc về Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến được “sống” lại trong chính thế hệ học trò đầu tiên của thầy mới thấy, thầy không chỉ là nhà khoa học uyên bác mà còn rất đỗi bao dung, khoan hòa.

Tâm của người thầy và tầm của nhà lãnh đạo

Cố Giáo sư Hoàng Trọng Phiến thuộc thế hệ những nhà khoa học “vàng” đầu tiên có tầm ảnh hưởng to lớn trong ngành Ngôn ngữ học Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với giảng đường, miệt mài nghiên cứu khoa học cống hiến cho nền Ngôn ngữ học của Việt Nam, cố Giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã đào tạo hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong đó, nhiều học trò trở thành những nhà khoa học tài danh, những nhà giáo xuất sắc công tác ở trong và ngoài nước.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Nam - giảng viên Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) không kìm nén được cảm xúc khi nhận tin Giáo sư Hoàng Trọng Phiến qua đời.

Nhớ về người thầy hiền đức, mẫu mực và đáng kính, Phó giáo sư Nam cảm phục cái “tâm” của thầy Phiến và cái “tầm” của nhà lãnh đạo.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Nam (bên phải) trong lần đến thăm Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến . (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Nam (bên phải) trong lần đến thăm Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến . (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi nhớ, khi tốt nghiệp, tôi xin về FAFIM để học và làm Lý luận phê bình phim (hay đạo diễn điện ảnh). Mọi giấy tờ, thủ tục gần xong thì thầy Phiến mở lời mời tôi về Khoa đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Nếu lúc đó tôi đi nhanh một bước, chậm một giây thì bây giờ có lẽ tôi cũng làm diễn viên chứ không gắn bó với ngôn ngữ.

Tôi kính nể ở thầy là tầm nhìn của người lãnh đạo. Những năm đó, tiếng Anh chưa phổ biến ở nước ta, thầy Phiến thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ trong tương lai và với những nhà ngôn ngữ học lại càng cần thiết. Muốn học tốt, nghiên cứu giỏi và tiếp cận tài liệu chuyên sâu, hay, hiếm, thì phải học ngoại ngữ.

Thời gian ở Campuchia, dù cách xa về địa lý nhưng tình cảm thầy trò vẫn thắm thiết. Thầy thường xuyên động viên và hỏi han chúng tôi. Hạnh phúc vỡ òa khi chúng tôi được đón thầy trong một tối khi thầy sang thăm đoàn chuyên gia Tiếng Việt và Trường Đại học Ngoại ngữ Phnompenh cuối năm 1982”, Phó giáo sư Nam nhớ lại.

“Thầy đã sống cuộc đời hào sảng, thương tất cả học trò”, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Nam xúc động.

Ở cương vị nào, thầy Phiến luôn thể hiện trách nhiệm của Nhà giáo Nhân dân và người con xứ Quảng.

“Người mở cánh cửa ban đầu vào Ngôn ngữ học cho tôi là thầy Phiến. Cách đây ít lâu, tôi đến thăm thầy. Lúc thầy tỉnh táo, nắm tay tôi, hỏi thăm các con tôi rồi nói nhỏ: “Chú với anh có nhiều kỷ niệm lắm”. Đó là câu nói sau cùng của thầy với tôi. Thầy ra đi ở tuổi 90, nhớ và thương tiếc vô cùng”, Phó giáo sư Nguyễn Thiện Nam cảm động.

Se duyên người “ngoại đạo” chạm tới thành danh trong lĩnh vực Ngôn ngữ học

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với giảng đường, miệt mài nghiên cứu, Giáo sư Hoàng Trọng Phiến đã đào tạo hàng nghìn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Một trong số học trò được Giáo sư Hoàng Trọng Phiến “cưu mang” nay thành đạt và bày tỏ lòng tiếc thương vô ngần trước sự ra đi của thầy, đó là Tiến sĩ Thái Duy Bảo.

Tiến sĩ Thái Duy Bảo cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Thái Duy Bảo cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thầy Phiến không chỉ là người se duyên cho tôi – một người “ngoại đạo” (học ngoại ngữ) vào làng ngôn ngữ học, mà còn là người thầy, người cha thứ hai chỉ dạy cho tôi nhiều điều. Đó là bài học về lòng khoan dung, nhân từ và luôn luôn lạc quan tin vào cái tốt, cái đẹp ngoài kiến thức về chuyên môn.

Thầy rót vào tôi luồng sinh khí, niềm lạc quan và đôi chút “can đảm” để vượt qua mọi khốn khó. Tôi tin tưởng người thầy kính yêu đã có một cuộc đời nghề nghiệp viên mãn, đào tạo thế hệ học trò biết làm việc tốt và cố gắng sống tử tế như thầy”, Tiến sĩ Thái Duy Bảo xúc động chia sẻ.

Nghe tin thầy giáo kính yêu không còn nữa, Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi không có cơ hội là sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được nghe thầy trực tiếp giảng bài trên lớp. Những ấn tượng về thầy trong tôi thường gắn với những cuốn sách tôi đọc khi học đại học, đặc biệt thầy là một thành viên trong hội đồng bảo vệ tiến sĩ của tôi. Qua trao đổi, trò chuyện với thầy, tôi thực sự cảm nhận cách ứng xử chân tình của vị giáo sư tóc bạc”.

Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh, Phó Trưởng khoa, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến trong buổi bảo vệ Luận án Tiến sĩ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh, Phó Trưởng khoa, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến trong buổi bảo vệ Luận án Tiến sĩ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô Vinh thông tin, trong quá trình biên soạn sách giáo khoa phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, thầy Phiến góp công rất lớn.

Cụ thể, khi nhóm tác giả chuyên ngành Từ vựng của nhà trường công bố sách tham khảo “Mấy vấn đề về từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt hiện đại” (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2019), thầy Phiến là người đọc bản thảo và viết lời giới thiệu cho sách.

“Thầy đọc cẩn thận, ghi chú chi tiết từng dòng, từng chữ trong bản thảo. Tôi cũng rất vui khi thầy dành lời khen bài nghiên cứu “Quán ngữ tiếng Việt từ góc độ dụng học” trong sách này”, cô Vinh kể.

Những động viên, khích lệ của thầy Phiến như “thế lực vô hình” cổ vũ cô Vinh trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu sau này. Trong thâm tâm cô Vinh, thầy – vị Giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực khoa học ngôn ngữ nhưng cực kì chân tình, bình dị trong đời thường luôn sống mãi.

Sự tiếc thương từ các đồng nghiệp, môn đệ của thầy Phiến khiến ta hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của người thầy hết lòng vì nghiên cứu khoa học. Đó là phản chiếu về cách mà thầy đã sống, làm việc và đối nhân xử thế ở mọi cương vị, là cái tâm thiện và tầm nhìn của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến.

Theo thông tin Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đêm ngày 16/7/2022, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến - người đặt nền móng cho bộ môn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam đã từ giã cõi tạm, trở về với đất mẹ.

Lễ truy điệu và đưa tang Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Trọng Phiến vào hồi 08 giờ 30 phút, ngày 20 tháng 7 năm 2022 tại Nghĩa trang Công viên Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

Ngọc Mai

Từ khóa » định Nghĩa Về Câu Của Hoàng Trọng Phiến