Lãi Chậm Trả Trong Vụ Kiện Kinh Doanh Thương Mại | Le & Tran

Vấn đề được quan tâm nhất trong các vụ kiện kinh doanh thương mại về chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ, hoàn trả tiền đặt cọc, tiền ứng trước, v.v., chính là lãi chậm trả sẽ được Tòa án quyết định như thế nào. Thực tiễn xét xử đã cho thấy, lãi chậm trả được áp dụng phụ thuộc vào ngày xét xử sơ thẩm.

Nội dung Ẩn 1 Trước Ngày xét xử Sơ thẩm 2 Kể từ Ngày xét xử Sơ thẩm trở đi 2.1 Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về việc trả lãi 2.2 Nếu trong hợp đồng không thỏa thuận về việc trả lãi 3 Thực tiễn xét xử

Trước Ngày xét xử Sơ thẩm

Lãi suất sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005, tức là theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Án lệ số 09/2016/AL và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn cụ thể thế nào là lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường.  Theo đó, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả.

Kể từ Ngày xét xử Sơ thẩm trở đi

Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về việc trả lãi

Mức lãi suất do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu chỉ thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.

Việc tính lãi được áp dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong.

Nếu trong hợp đồng không thỏa thuận về việc trả lãi

Mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc tính lãi được áp dụng kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong.

Ví dụ: Công ty A là bên cho thuê và Công ty B là bên thuê văn phòng. Công ty B khởi kiện Công ty A yêu cầu hoàn trả lại tiền đặt cọc, trong khi đó Công ty A yêu cầu Công ty B thanh toán tiền thuê cho thời gian thuê còn lại. Trong hợp đồng thuê, hai bên thỏa thuận Công ty B phải trả lãi chậm trả trong trường hợp chậm thanh toán tiền thuê. Sau ngày xét xử sơ thẩm, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP được áp dụng như sau: (i) đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, Công ty B phải chịu lãi suất theo như thỏa thuận của các bên trong hợp đồng nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; (ii) đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền đặt cọc, Công ty A phải chịu lãi suất 10%/năm theo quy định tại Điều 357 và 468 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP được áp dụng để quyết định mức lãi suất ở giai đoạn thi hành án. Giai đoạn trước đó, tức từ ngày nghĩa vụ phát sinh cho đến ngày xét xử sơ thẩm, mức lãi suất sẽ được áp dụng theo Luật Thương mại.

Thực tiễn xét xử

Thực tiễn xét xử cho thấy Tòa án đã áp dụng quy định như trên để giải quyết vụ việc. Cụ thể, tại Bản án số 06/2019/KDTM-ST đề ngày 21/11/2019 của Tòa án Nhân dân Quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng về việc tranh chấp hợp đồng cung cấp hàng hóa (Bản án số 06), lãi suất được quyết định theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 từ thời điểm nghĩa vụ phát sinh cho đến ngày xét xử sơ thẩm. Sau đó, Tòa án áp dụng Điều 468.2 Bộ luật Dân sự 2015 để xác định mức lãi suất cho giai đoạn thi hành án.

Tuy nhiên, việc áp dụng lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong vụ kiện kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân các cấp vẫn còn chưa thống nhất. Cụ thể có sự khác nhau về quyết định của Tòa án ở các địa phương.

Theo nội dung của Bản án số 06 nêu trên, Công ty N khởi kiện yêu cầu Công ty B thanh toán số tiền còn nợ, cụ thể là 333.364.050 đồng và tiền lãi phát sinh. Trong hợp đồng, các bên không thỏa thuận về việc áp dụng lãi suất, theo đó, Điều 13.1.(b) Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP sẽ được áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian tính lãi bắt đầu từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, không phải tính từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm như được quyết định bởi Tòa án Nhân dân Quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng.

Bản án số 22/2019/KDTM-ST đề ngày 25/11/2019 của Tòa án Nhân dân Thành phố Vũng Tàu về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa (Bản án số 22). Theo nội dung bản án, Công ty BT khởi kiện yêu cầu Công ty An Bảo L thanh toán tiền hàng còn lại tương ứng với 647.756.160 đồng cùng với tiền lãi phát sinh theo mức 12%/năm theo như thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên. Theo đó, Tòa án Nhân dân Thành phố Vũng Tàu đã xác định mức lãi suất này là phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005, tức thấp hơn lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Căn cứ Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP, mức lãi suất này phải tiếp tục được áp dụng để tính lãi chậm thi hành án của Công ty An Bảo L với thời hạn tính lãi được bắt đầu từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, theo nội dung của Bản án số 22, Tòa án Nhân dân Thành phố Vũng Tàu đã bỏ qua mức lãi suất này và quyết định áp dụng mức lãi suất được quy định tại Điều 468.2 Bộ luật Dân sự 2015 với thời hạn bắt đầu tính từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án.

Bản án số 01/2020/KDTMPT đề ngày 10/01/2020 của Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ về việc tranh chấp hợp đồng mua bán. Cụ thể nội dung tranh chấp giữa Công ty P và Công ty Quang G, với yêu cầu thanh toán tiền nợ gốc là 999.999.454 đồng và tiền lãi phát sinh với mức là 1,25%/tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng của các bên. Tương tự với Bản án số 22, Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ quyết định mức lãi suất 1,25%/tháng là phù hợp với quy định của Luật Thương mại 2005, và áp dụng mức lãi suất này để tính lãi chậm thực hiện nghĩa vụ từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, đối với mức lãi suất cho giai đoạn thi hành án, Tòa án Nhân dân Thành phố Cần Thơ lại quyết định áp dụng theo lãi suất quá hạn trung bình liên ba ngân hàng trên thị trường. Trong khi đó, theo Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì mức lãi suất trong trường hợp này là mức lãi được các bên thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, mặc dù pháp luật đã có quy định rõ về lãi, lãi suất được quyết định trong bản án, quyết định của Tòa án nhưng thông qua thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân các cấp, quy định này vẫn còn chưa được áp dụng thống nhất, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên. Cụ thể, các bên đáng lẽ được nhận lãi chậm thi hành với thời gian dài hơn, tức tính từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm nếu trong hợp đồng đã có thỏa thuận về lãi, hoặc đáng lẽ phải chịu lãi chậm thi hành ít hơn, tức tính từ thời điểm có đơn yêu cầu thi hành án, nếu như chưa có thỏa thuận về vấn đề lãi. Do đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, chúng ta cần biết áp dụng đúng quy định tại Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến quy định về lãi chậm trả, thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại hoặc những vấn đề khác về thương mại theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Thương mại của chúng tôi tại info@letranlaw.com.

Từ khóa » Hàng Trả Chậm Là Gì