Một Số Thư Tịch Hán Nôm Tiêu Biểu Sưu Tầm Tại Nam Bộ

Nam Bộ là vùng đất mới, tiếp thu và tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần trong quá trình khai hoang mở cõi và xây dựng cuộc sống. Đó có thể là những hiện tượng văn hóa mới phát sinh qua quá trình mở cõi, cũng có thể là những hiện tượng văn hóa ở nhiều vùng miền khác nhau, phù hợp với vùng đất mới nên được tiếp thu vào làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của người dân. Chúng được ghi chép lại qua mảng thư tịch Hán Nôm và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay, mặc dù số lượng người đọc được chữ Hán chữ Nôm không nhiều, nhưng thư tịch Hán Nôm của người xưa vẫn được con cháu gìn giữ cẩn thận trong các tủ sách gia đình, đôi khi được tôn thờ, xem như báu vật thiêng liêng của cả dòng họ. Đến thời gian gần đây, thư tịch Hán Nôm hoàn toàn không phải khó tìm trên vùng đất này. Ngoài những lúc cất công lặn lội sưu tầm mất nhiều công sức, người viết đã khá nhiều lần rất đỗi tình cờ “lọt” vào tủ sách của các gia đình, bê về khá nhiều sách quý bằng nhiều cách: photo, chụp ảnh, scan, thậm chí có khi nhờ tạo được cảm tình với gia chủ nên được cho luôn bản gốc.

Trải qua nhiều lần đi thực địa một số tỉnh Nam bộ như An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long…, người viết đã sưu tầm được khá nhiều sách Hán Nôm thuộc nhiều lĩnh vực: văn chương, giáo dục (gồm cả huấn mông, gia lễ), triết học, tôn giáo tín ngưỡng, y dược, bói toán…; thể tài cũng rất phong phú: văn xuôi, thơ, từ, phú, hát nói, ai điếu, câu đối… Trong đó có một số sách xuất xứ từ miền Trung và cả sách của Trung Quốc. Để có cái nhìn cụ thể, bài viết này liệt kê, miêu tả và bước đầu đánh giá một số thư tịch tiêu biểu đã sưu tầm được trong thời gian vừa qua (Các sách này đang được lưu trữ tại Phòng Nghiên cứu và Sưu tầm Di sản Hán Nôm, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV, TP.HCM).

Sách giáo dục, gia lễ

Sách Hán Nôm về giáo dục, gia lễ lưu hành ở Miền Tây Nam Bộ, cũng giống như nhiều vùng khác, ngoài việc dạy chữ nghĩa kiến thức, còn chú trọng dạy đạo làm người. Về hình thức và phương pháp, phần lớn các sách chú trọng cách truyền đạt sáng tạo bằng loại văn có vần điệu, giúp người học dễ học dễ nhớ, nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Điều này cho thấy phần nào ý thức trọng thực tiễn của trí thức Nam Bộ. Nhờ vậy, những kiến thức chữ nghĩa, tư tưởng đạo lý dễ dàng thấm sâu trong lòng mỗi người dân, tạo thành nét văn hoá trong sinh hoạt ứng xử ở đời. Sau đây, xin giới thiệu một số sách tiêu biểu và thông dụng, từng có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá, giáo dục của người dân Miền Tây Nam Bộ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, cho đến nay vẫn còn giá trị.

1. Càn khôn tam thiên tự quyển 乾坤三千字卷: Chữ Hán, 24 trang chép tay. Trang bìa ghi 士雲記 “Sĩ Vân chép”, trang cuối ghi 阮松茂自題 “Nguyễn Tòng Mậu tự đề”, 龍飛甲申年 “Long phi Giáp Thân niên (1944)”. Quyển Tam thiên tự này không phải là bản quen thuộc xưa nay bắt đầu bằng “Thiên địa” (Thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba…) mà bắt đầu bằng hai chữ “Càn khôn”, nên gọi là Càn khôn tam thiên tự.

Hai trang Càn khôn tam thiên tự quyển

Tạm dẫn một số chữ ở 2 trang đầu: 乾坤 càn khôn, 物吾 vật ngô, 老童 lão đồng, 母君 mẫu quân, 寺厨 tự trù, 稻飴 đạo tự, 霜露 sương lộ, 髮鬚 phát tu, 首肱 đầu quăng, 餅粢 bính tư, 唇鼻 thần tị, 柴菜 sài thái, 速遲 tốc trì, 含噴 hàm phún, 蚯蟻 khâu nghĩ, 声氣 thanh khí, 遊賞 du thưởng, 帷幕 duy mạc, 橫違 hoành vi, 女男 nữ nam, 長短 trường đoản, 暑霖 thử lâm, 高下 cao hạ, 溉流 khái lưu, 臣僕 thần bộc, 開滿 khai mãn, 師友 sư hữu, 淺深 thiển thâm, 油脂 du chi, 在停 tại đình, 腰腋 yêu dịch, 賓我 tân ngã…

Diễn Nôm:

“Càn trời khôn đất, Vật vật ngô ta.

Lão già đồng trẻ, Mẫu mẹ quân vua.

Tự chùa trù bếp, Đạo nếp tự đường[1].

Sương sương lộ móc, Phát tóc tu râu.

Thủ đầu quăng cánh, Bính bánh tư xôi.

Thần môi tị mũi, Sài củi thái rau.

Tốc mau trì chậm, Hàm ngậm phún phun.

Khâu giun nghĩ kiến, Thanh tiếng khí hơi.

Du chơi thưởng thưởng, Duy trướng mạc màn.

Hoành ngang vi trái, Nữ gái nam trai.

Trường dài đoản ngắn, Thử nắng lâm ngâu.

Cao cao hạ dưới, Khái tưới lưu trôi.

Thần tôi bộc tớ, Khai mở mãn đầy.

Sư thầy hữu bạn, Thiển cạn thâm sâu.

Du dầu chi mỡ, Tại ở đình treo.

Yêu eo dịch nách, Tân khách ngã ta…”

Đây là một bản Tam thiên tự rất thú vị hữu ích cho người bắt đầu học chữ Hán.

Chúng tôi còn tìm được một quyển sách có nội dung giống như Càn khôn tam thiên tự quyển có tên là Huấn mông nhất khúc ca 訓蒙一曲歌. Đây là bản chữ Hán, chép tay, 35 trang chính văn, biên soạn vào niên hiệu Thiệu Trị. Trang bìa ghi 望期 (nằm ngang) 甲子年 (chữ lớn) 壬寅年光緒初阮金玉 (chữ nhỏ hơn) “Vọng kỳ Giáp Tý niên Nhâm Dần niên Quang Tự sơ Nguyễn Kim Ngọc”. Ở trang cuối, cột giữa ghi chữ to 訓蒙一曲歌傑 “Huấn mông nhất khúc ca kiệt” (chữ “kiệt” có nghĩa là hết, nhưng cũng có lẽ ghi tên người chép là Nguyễn Tuấn Kiệt, đây cũng là người chép Tập thành gia lễ xưng hô tang phục bí phẩm sẽ nói bên dưới), cột bên phải ghi 紹治年廣南舉人阮得紂 “Niên hiệu Thiệu Trị, Cử nhân Nguyễn Đắc Trụ ở Quảng Nam”, cột bên trái ghi 近文堂藏板 “Cận Văn đường tàng bản”.

2. Huấn mông nhất tự khúc tối yếu bộ 訓蒙一字曲最要部: Hán Nôm, chép tay, 56 trang chính văn, biên soạn vào niên hiệu Thiệu Trị. Trang bìa ngoài tiêu đề ghi cột ở giữa, cột bên phải ghi 紹治年廣南舉人阮得鐫撰 “Niên hiệu Thiệu Trị Cử nhân Nguyễn Đắc Tuyên ở Quảng Nam soạn”, cột bên trái ghi 醫生元順堂寶號奉冩 “Thầy thuốc ở Nguyên Thuận đường hiệu là Bảo kính viết”. Đây cũng là sách dạy cho người bắt đầu học chữ Hán, cách biên soạn giống như Tam thiên tự hay Ngũ thiên tự nhưng đọc theo thể thơ lục bát, mỗi trang 28 chữ Hán viết to kèm chữ Nôm giải âm bên cạnh.

Thử đọc vài chữ ở 2 trang đầu: [+] thiên địa nhân, 父母師君 phụ mẫu sư quân; 伯叔姑 bá thúc cô, 兄姊婚夫 huynh đệ hôn phu; 子孫祖 tử tôn tổ, 姨舅內外 di cữu nội ngoại; 生女男 sinh nữ nam, 宗姓代乆 tông tính đại cửu; 貴財富 quý tài phú, 年月初終 niên nguyệt sơ chung; 萬歲奏 vạn tuế tấu, 家隆侯寜 gia long hầu ninh; 善教勤 thiện giáo cần, 交受傳記 giao thụ truyền ký…

Diễn Nôm lục bát:

“Thiên trời địa đất nhân người,

Phụ cha mẫu mẹ sư thầy quân vua.

Bá bác thúc chú cô cô,

Huynh anh tỉ chị hôn dâu phu chồng.

Tử con tôn cháu tổ ông,

Di dì cữu cậu nội trong ngoại ngoài.

Sinh sanh nữ gái nam trai,

Tông dòng tính họ đại đời cửu lâu.

Quý sang tài của phú giàu,

Niên năm nguyệt tháng sơ đầu chung sau.

Vạn muôn tuế tuổi tấu tâu,

Gia nhà long thạnh hầu hầu ninh yên.

Thiện lành giáo dạy cần siêng,

Giao cho thụ chịu truyền truyền ký ghi…”

Cùng với Càn khôn tam thiên tự quyển, đây cũng là một quyển sách rất thú vị và bổ ích dùng để dạy cho người bắt đầu học chữ Hán.

Bìa Huấn mông nhất tự khúc tối yếu bộ

3. Tập thành gia lễ xưng hô tang phục bí phẩm[?] 集成家禮稱呼喪服祕品[?]: Hán Nôm, chép tay, 62 trang chính văn. Loại sách giải nghĩa Hán Nôm. Trang bìa ghi [năm] 1906 phía trên tiêu đề của sách, cột bên trái ghi chữ nhỏ ở vị trí thấp hơn 阮俊傑自[?] “Nguyễn Tuấn Kiệt tự [ký?]”. Sách bị rách mất nhiều chữ ở 4 trang đầu, số trang còn lại tương đối nguyên vẹn.

Một trang Tập thành gia lễ

Sách diễn Nôm chữ và từ ngữ chữ Hán thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như cây cỏ, chim muông, tôm cá, thức ăn, quà bánh, vật dụng, vải vóc, hiện tượng thiên nhiên… đa số gần gũi với đời sống con người. Những chữ lạ hoặc ít dùng có thêm phần chú âm bằng chữ đồng âm quen thuộc hơn, viết chữ nhỏ bên cạnh chữ chính. Điểm đặc biệt của sách là diễn Nôm chữ Hán theo thể thơ lục bát điêu luyện, dễ đọc dễ nhớ và có sức hấp dẫn cao. Tạm dẫn vài câu minh họa:

“…Gia cáp nhà nuôi bồ câu,

Sơn ca chim vẹt, ngốc thu chim già.

Đà con trạch, miết ba ba,

Phù y vịt nước, thiên nga cò trời.

Sương giáng là móc sương sa,

Sinh sương móc trắng, ti đài rêu xanh.

Huệ lan mai cúc là danh,

Đại bàng chim lớn, côn kình cá to…”

Sách Tập thành gia lễ ngoài vai trò dạy chữ Hán còn có giá trị nhất định về phương diện văn chương, văn tự Nôm và ngôn ngữ cổ.

4. Gia lễ tập thành 家禮集成: Hán Nôm, 120 trang chép tay, mỗi trang 7 dòng, số chữ mỗi dòng không đều nhau (phần lớn 22-23 chữ). Trang bìa ghi tiêu đề của sách 家禮集成一本 Gia lễ tập thành nhất bổn. Tập sách vẫn còn nguyên vẹn về hình dạng, màu sắc, chữ nhìn khá rõ, gồm 30 bài văn tế chữ Nôm, 2 bài văn tế chữ Hán và 20 bài văn cúng, văn khấn chữ Hán.

Hai mươi bài văn cúng, văn khấn được viết xen kẽ với các bài văn tế, chủ yếu nằm ở phần đầu tập sách. Các bài văn này có nhiều đề mục khác nhau: Sóc văn, Vọng văn (2 bài), Tịch điện văn, Sóc nhật văn, Trừ tịch cáo văn, Thành phục văn (2 bài), Triêu văn, Trừ phục văn, Triêu điện văn, Bô thời văn, Triêu tịch điện văn, Vọng nhật văn, Phụng hồn bạch ỷ linh tọa cáo văn, Phụng minh tinh ỷ vu linh tọa cáo văn, Cáo triều tổ văn, Thiên linh cữu vu sảnh sự văn, Khiển điện văn, Phu thê triêu tịch văn.

Bài “Cháu tế cô văn” trong Gia lễ tập thành

Văn tế trong tập sách là những bài văn đọc trong lễ tế người chết với rất nhiều mối quan hệ khác nhau. Có thể thấy chủ thể và đối tượng của các bài văn tế khá đa dạng, bao gồm nhiều thứ bậc và quan hệ nội ngoại dâu rể trong gia đình như ông cháu, bà cháu, cha con, mẹ con, bác cháu, chú cháu, cô cháu, chồng vợ… Tiêu đề các bài văn tế thường xen kẽ chữ Hán và chữ Nôm (Con tế cha văn, Chồng tế vợ văn, Cháu tế ông ngoại văn, Cháu rể tế bà nội vợ văn…), có khi hoàn toàn bằng chữ Hán (Tử tế mẫu văn, Phu tế thê văn…). Nội dung chủ yếu là bày tỏ niềm thương tiếc khôn nguôi, thể hiện lòng kính trọng của người tế với người đã khuất và kể lại công đức sinh thời của người đã khuất.

Tập sách này có giá trị cao về văn học và ngôn ngữ, đặc biệt là từ Việt cổ.

5. Huấn nữ quốc âm ca 訓女國音歌: Thơ Nôm, khắc in ván, 63 trang chính văn, 876 câu lục bát. Trang bìa ghi các dòng chữ 甲午年新刊, 嘉定城惟明氏訂正, 在堤岸廣盛南發售, 粵東佛鎭福禄大街寶華閣藏板 “Tân san năm Giáp Ngọ (1894), Duy Minh Thị ở thành Gia Định đính chính, phát hành tại Quảng Thạnh Nam ở Chợ Lớn, tàng bản tại Bảo Hoa các đại lộ Phúc Lộc, trấn Phật Sơn, tỉnh Việt Đông (Quảng Đông)”. Đây là bản Duy Minh Thị đính chính, tân san năm Giáp Ngọ, có lẽ là năm 1894. Sách dạy con gái về lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ hàng ngày, đạo làm con, đạo làm vợ, cách cư xử với người trên kẻ dưới, với làng xóm, bè bạn của chồng, biết nhường nhịn, không được ăn nói thêu dệt, ngồi lê đôi mách, nhìn ngang ngó dọc, liếc mắt đưa tình, cùng rất nhiều việc khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Sách có ý nghĩa giáo dục rất lớn trong mọi thời đại, từ cổ, nội dung gần gũi, văn chương bình dân tương đối dễ tiếp nhận.

Bìa Huấn nữ quốc âm ca

Ngày nay, những người đọc được chữ Hán chữ Nôm không còn nhiều, nhưng các sách dạy học, dạy làm người của tiền nhân vẫn được con cháu gìn giữ cẩn thận trong các tủ sách gia đình, đôi khi được tôn thờ, xem như báu vật thiêng liêng của cả dòng họ. Những sách vở này đã góp phần bồi đắp học vấn, tâm hồn và tình cảm của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ một thời cách nay không xa lắm.

Sách văn học

6. Đối liên tập thành 對聯集成: Hán Nôm, chép tay, 60 trang chính văn. Trang bìa ghi 阮俊傑撰 “Nguyễn Tuấn Kiệt soạn”. Sách gồm khoảng 160 câu đối điếu viếng, thờ tự, mừng hôn nhân, tân gia; hai bài châm Tử sự mẫu châm bát cú đề (Bài châm 8 câu nói về việc con thờ phụng mẹ) và Sự mẫu châm bát cú; một bài văn tế ngắn. Sách không phân loại câu đối, cũng không chia tiểu mục nhưng sau mỗi câu đối đều chua 1 câu ngắn gọn (có thể xem như tiêu đề) về hoàn cảnh ra đời, trong đó nói rõ chủ thể và đối tượng. Một số câu có tiêu đề viết chen chữ Nôm vào giữa chữ Hán, ví dụ: ⯑⯑事夫次二 “Vợ nhỏ sự phu thứ nhì” (Vợ nhỏ thờ chồng thứ hai), ⯑⯑不成後日姑死吊輓 “Dâu đi cưới bất thành, hậu nhật cô tử điếu vãn” (Dâu đi cưới không thành, về sau mẹ chồng chết [dâu] đến viếng)...

7. Lâm Sanh Lâm Thoại truyện 林生林瑞傳: Truyện Nôm, khắc in ván, 63 trang chính văn, 1.242 câu lục bát. Trang bìa ghi 庚戌年重刊, 意豐號訂正, 佛山英華書… Canh Tuất niên trùng san, Ý Phong hiệu đính chính, Phật Sơn Anh Hoa thư [cục?] = “In lại năm Canh Tuất[2], hiệu Ý Phong đính chính, thư [cục?] Anh Hoa ở trấn Phật Sơn [mất chữ]”. Sách bị hư rách khá nhiều và hầu như ở tất cả các trang nên không tìm được thêm thông tin gì để bổ khuyết chỗ mất chữ trên. Cần tìm hiểu thêm về Ý Phong hiệu và Anh Hoa thư [cục?] ở Phật Sơn trấn (Quảng Tây - Trung Quốc).

Lâm Sanh Lâm Thoại truyện

8. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện 嶺南摭怪列傳: Chữ Hán, in máy, 1 sách 3 quyển nhất, nhị, tam, mất các trang bìa nên không tìm được thông tin nhà xuất bản, có lẽ in tại Trung Quốc. Trang 1 ghi tiêu đề và tên người hiệu đính là Vũ Quỳnh. Phần đầu có bài tựa 嶺南摭怪列傳序 “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện tự”, phía dưới cũng ghi 武瓊校訂 “Vũ Quỳnh hiệu đính”, cuối bài tựa ghi 洪德二十三年仲秋節 Hồng Đức nhị thập tam niên trọng thu tiết, 賜戊戌科進士京北道監察御史洪州澤塢武瓊宴温謹誌 Tứ Mậu Tuất khoa Tiến sĩ Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử Hồng Châu Trạch Ô Vũ Quỳnh Yến Ôn cẩn chí. Bài tựa sách viết vào năm Hồng Đức thứ 23, tức năm 1482, do Vũ Quỳnh, hiệu Yến Ôn[3], đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) viết.

9. Những câu cách ngôn trong kinh sách: Hán Nôm, 51 trang chép tay, tiêu đề tạm đặt. Hơn 20 trang đầu chép nhiều câu có 2 vế giống như câu đối, mượn lời hoặc ý từ các thư tịch cổ của Trung Quốc. Gần 30 trang kế chép một số thơ chữ Hán chữ Nôm có hoặc không có tiêu đề và nội dung tạp nhạp khác. Năm trang cuối trở lại chép như 22 trang đầu. Nói chung nội dung và thứ tự khá lộn xộn.

Chỉ có 22 trang đầu cách trình bày và nội dung khá rõ ràng, thống nhất. Mỗi vế mượn lời hoặc ý từ các thư tịch như Thư kinh, Lễ ký, Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung, Sở từ, Hán thư, Hậu Hán thư, Thanh sử… thay đổi đôi chút hoặc rút gọn lại rồi thêm ý của người viết vào, sau đó kết hợp 2 vế tương đồng cấu trúc, đăng đối về hình thức và nội dung làm thành câu đối. Một số ví dụ như sau:

Câu 1: 知古今達事变 (Thanh sử); 知天地致中和 (Trung dung) Tri cổ kim đạt sự biến; Tri thiên địa trí trung hòa.

Câu 2: 入則孝出則弟 (Đại học); 聽其言觀其行 (Luận ngữ) Nhập tác hiếu, xuất tắc đễ; Thính kỳ ngôn, quan kỳ đức.

Câu 3: 不愆不忘遵先圣之法 (Thi kinh); 克勤克儉為後世之規 (Thư kinh) Bất khiên bất vong, tuân tiên thánh chi pháp; Khắc cần khắc kiệm, vi hậu thế chi quy.

Câu 4: 濁斯濯足清斯濯纓濁清之水自取也 (Sở từ); 先治其家后治其國先后之本在身乎 (Lễ ký). Trọc tư trạc túc, thanh tư trạc anh, trọc thanh chi thủy tự thủ dã; Tiên trị kỳ gia, hậu trị kỳ quốc, tiên hậu chi bản tại thân hồ.

Chúng tôi nhận thấy đây là phần rất hay và có giá trị nhất về nội dung tư tưởng trong toàn tập sách.

10. Sách văn học Hán Nôm: Chép tay, mất trang bìa, tiêu đề do chúng tôi tạm đặt. Tổng cộng 208 trang giấy dó, mỗi trang 8 cột, số chữ mỗi cột nhiều ít không đều, nhìn chung khoảng từ mười mấy chữ tới 30 chữ, với 291 đơn vị tác phẩm. Sách không ghi tiêu đề, tên người tuyển soạn hay niên đại, dựa vào nội dung, sự kiện và nhân vật được nhắc đến trong một số tác phẩm, chúng tôi đoán niên đại của sách là đầu thế kỷ 20 đến trước năm 1945.

Về mặt văn tự, tập sách được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó, chữ Nôm là chủ yếu. Tập sách rất đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung. Ngoài phần nội dung bói toán (coi tướng) viết bằng chữ Hán ở hơn 20 trang đầu, về lĩnh vực văn chương chúng tôi đã thống kê và định lượng được 31 đơn vị tác phẩm chữ Hán và 260 đơn vị tác phẩm chữ Nôm. Trong 31 tác phẩm chữ Hán chỉ có 1 là thơ (尚書阮思僴題發艶孝山詩 Thượng thư Nguyễn Tư Giản (1823-1890) đề Phát Diệm Hiếu Sơn thi”), còn lại là một số câu đối. Thế nên, có thể nói lượng tác phẩm chữ Hán trong tập sách là rất ít, thậm chí là không đáng kể. Các thể tài văn học Nôm được dùng trong sách: Thơ (thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, cổ thi, thư, ca), từ, phú, khúc, biểu, hát nói, câu đối, văn xuôi, văn tế.

Giới thiệu bài thơ của Nguyễn Tư Giản:

尚書阮思僴題發艶孝山詩

孝山山上石崧崧

頑刻人工巧不窮

一柱高擎峯似傘

两湖灣[4]抱水如弓

道堂晝永花迎日

峝口春深鳥弄風

如此北南無幾處

登臨健[5]羨有人雄

Hiếu Sơn sơn thượng thạch tung tung,

Ngoan khắc nhân công xảo bất cùng.

Nhất trụ cao kình phong tự tản,

Lưỡng hồ loan bão thủy như cung.

Đạo đường trú vĩnh hoa nghinh nhật,

Động khẩu xuân thâm điểu lộng phong.

Như thử bắc nam vô kỉ xứ,

Đăng lâm kiện tiện hữu nhân hùng.

Dịch nghĩa:

BÀI THƠ THƯỢNG THƯ NGUYỄN TƯ GIẢN Đ TRÊN HIU SƠN Ở PHÁT DIỆM (TỈNH NINH BÌNH)

Hiếu Sơn cao ngất thật lạ lùng,

Hơn thảy tay người khéo vô song.

Một trụ chống cao, dù che đỉnh,

Hai hồ ôm lấy, nỏ cong dòng.

Hoa nở đạo đường chào bạch nhật,

Chim về sơn động đón xuân phong.

Núi ấy bắc nam đâu mấy có,

Lên rồi ngưỡng mộ đấng anh hùng.

Hai trang trong Sách văn học Hán Nôm

Chắc chắn đây là một tập sách có giá trị cao về mặt nghiên cứu cũng như sẽ có đóng góp tích cực vào công tác tìm hiểu và khai thác kho tàng văn học, văn hóa của đất nước Việt Nam với một số lượng lớn văn bản Hán Nôm thuộc các lĩnh vực văn chương, lịch sử, văn hóa, phong thủy - bói toán, trong đó phần lớn là tác phẩm văn chương.

11. Sĩ tĩnh học 士靜學: Hán Nôm, chép tay, hiện còn 40 trang. Câu cuối cùng ở trang cuối (hiện còn) 夫子曰百行之本忽之… “Phu tử viết: Bách hạnh chi bản hốt chi…” chưa trọn vẹn chứng tỏ sách bị rách mất 1 hoặc vài trang sau đó. Hai trang đầu cũng rách mất vài chữ. Không có thông tin về niên đại và soạn giả. Sách diễn Nôm nhiều câu trong một số kinh điển, thư tịch cổ của Trung Quốc như Luận ngữ, Mạnh Tử, Hiếu kinh, Tăng quảng hiền văn, Minh tâm bửu giám, Tính lý thư, Cảnh hành lục… Trình bày theo cách chua chữ Nôm nhỏ bên phải từng chữ Hán lớn (giải âm), chữ nào giữ nguyên âm Hán Việt thì đánh 1 ký hiệu cũng bên phải chữ Hán đó.

12. Tập thơ Hán Nôm: Chép tay, 21 trang, tiêu đề tạm đặt. Tổng cộng 23 bài thơ, chỉ có 3 bài đầu viết bằng chữ Hán, trong đó có 2 bài thất ngôn bát cú, 1 bài thất ngôn tứ tuyệt (có chua chữ Nôm bên cạnh chữ Hán), còn lại là 20 bài thơ Nôm thất ngôn bát cú. Tất cả đều là thơ vịnh Kiều.

Trong 3 bài thơ chữ Hán thì bài 1 được đặt tiêu đề bằng chữ Nôm là Phú chơi, 2 bài còn lại là Tiền Đường thi, Hựu tứ cú.

Hai mươi bài thơ Nôm gồm: Bát cú, Thúy Kiều vịnh tích thi, Du thanh minh thi, Mộng Đạm Tiên vẫn, Ngộ hoa viên, Kiều vãng Trọng hiên, Tống Kim Trọng hộ tang thúc, Văn tụng từ vinh, Thụ Giám Sinh vịnh, Thị Vân đại duyên, Dữ Mã đăng trình vịnh, Mãi thư lâu Tú bà, Thướng lâu sầu trình vịnh, Trung hiếu hương thi, Dữ Thúc Sinh hôn, Tống Thúc Sinh ninh gia, Quy Vô Tích tắc Hoa Nô, Kỳ ngộ Giác Duyên, Từ Công đề duyên, Ngụ chu thuyền giải Từ Công.

13. Thi phú cổ văn tự học nhi tác 詩賦古文自學而作: Hán Nôm, chép tay, 85 trang chính văn, Nguyễn Tuấn Kiệt chép năm 1906. Sách gồm 5 phần: Phần 1 nêu xuất xứ điển cố, từ ngữ cổ của một số câu thơ trong văn học Hán Nôm Việt Nam. Phần 2 diễn Nôm tất cả chương đầu của 15 thiên “Quốc phong” trong Kinh Thi bằng thể thơ lục bát. Phần 3 diễn âm chương đầu của 8 thiên Lộc minh, Bạch hoa, Đồng cung, Kỳ phủ, Tiểu mân, Bắc sơn, Tang hộ, Đô nhân sĩ của “Tiểu nhã”. Phần 4 diễn âm chương đầu của 3 thiên Văn Vương, Sinh dân, Đãng của “Đại nhã”. Phần 5 diễn âm chương đầu của 3 thiên Thanh miếu, Thần công, Mẫn dư tiểu tử của thiên “Chu tụng”, 1 chương của “Lỗ tụng” và 1 chương của Thương tụng. Cuối sách có phụ thêm bài chữ Hán Tô Huệ chức hồi văn phú. Tuy không dịch toàn bộ Kinh Thi nhưng có thể thấy sách này dịch đủ các phần Phong, Nhã, Tụng của bộ kinh điển này. Theo chúng tôi, đầu thế kỉ 20 dịch Kinh Thi sang chữ Nôm như vậy là nhiều và rất đáng quý.

14. Thơ Nôm (1): Tiêu đề tạm đặt, 59 trang, chép tay. Tập hợp 90 bài thơ Nôm, trong đó có 77 bài thất ngôn bát cú, 8 bài thất ngôn tứ tuyệt, ngoài ra có 5 bài thất ngôn chỉ chép 6 hoặc 7 câu, chúng tôi nghĩ là chép thiếu. Chủ đề gồm thơ vịnh (cảnh vật, nhân vật, bộ phận cơ thể); thơ về nghi lễ và nghề nghiệp; thơ châm biếm; thơ chúc tụng cùng nhiều chủ đề khác gần gũi trong đời sống… Mỗi bài đều có chữ “thơ” ở cuối tiêu đề.

Một số bài tiêu biểu: Sơn thủy trú thơ, Mặt trăng thơ, Cái yếm thơ, Từ Thứ thơ, Ngô phu nhân thơ, Mạnh Tử thơ, Ông Thánh ông Quan thơ, Làm lễ thơ, Làm ruộng thơ, Học thuốc thơ, Đi buôn thơ, Sãi ở chùa thơ, Sãi vãi lấy nhau thơ, Nữ nhân âm hộ thơ, Anh rể lấy em vợ thơ, Nói láo thơ, Đi vay thơ, Học trò nhớ nhà thơ, Mừng bằng hữu thơ, Quen nhà má ra nhà chồng thơ, Kẻ Nho người Phật đồng thuyền thơ, Gái chửa oan/ hoang thơ, Đánh bạc thơ, Con gái kén chồng thơ, Ngủ ngày thơ, Chồng chết thơ, Trai gái trách lòng nhau thơ, Muỗi cắn thơ, Mèo ăn vò thịt thơ, Lấy chồng khôn thơ, Chồng tốt thơ, Chết nổi thơ, Ăn mày thơ, Chết đói thơ… Hai trang cuối sách có 1 đoạn văn xuôi.

15. Thơ Nôm (2): Tiêu đề tạm đặt, 17 trang, chép tay. Tập hợp 14 bài thơ Nôm, trong đó có 7 bài thất ngôn bát cú, 4 bài thất ngôn tứ tuyệt, 3 bài còn lại có số câu lần lượt là 10, 36, 56. Bốn bài đầu, trước tiêu đề đều có ghi “cổ thi”, những bài còn lại được gọi theo số câu (trừ 3 bài cuối), như “Thi tứ cú”, Bát cú kệ vân ông chèo đò”…

Sách Phật giáo

Trong các tư liệu sưu tầm được có số sách Phật giáo viết bằng chữ Nôm thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng: Phật giáo, Phật giáo Hoà Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương…

Những tư liệu này ngoài ý nghĩa cho thấy sự phong phú của đời sống tâm linh của cư dân vùng đất mới, còn có những giá trị về phương diện lịch sử văn hoá: cho thấy những cơ sở và cội rễ hình thành hệ thống giáo lý, sự giao lưu ảnh hưởng của các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ; những đặc trưng trong cách cấu tạo văn bản học Hán Nôm và phương thức lưu truyền của nó... Những tư liệu này, theo thời gian ngày càng mai một và trở nên quý hiếm. Thiết nghĩ “vàng rơi nên tiếc” (chữ dùng của Nguyễn Văn Sâm), bước đầu chúng tôi giới thiệu một số sách Phật giáo viết bằng chữ Nôm tiêu biểu trong số sách sưu tầm được trong thời gian qua.

16. Giảng thứ tư đức Giáo chủ: Chữ Nôm, chép tay, 53 trang chính văn, mất tờ bìa, tiêu đề do người đời sau ghi bằng chữ Quốc ngữ. Sách chép bài giảng thứ tư của Đức Huỳnh Giáo chủ[6]. Trang 1 chép bài thơ chữ Hán “Cổ nhân thi” gồm 14 câu thất ngôn. Trang 2, cột bên phải ghi 丙申年五月十五日 Bính Thân niên ngũ nguyệt thập ngũ nhật = Ngày 15 tháng 5 năm Bính Thân, bên trái cột phía trên ghi 講次 Giảng thứ tư, cột phía dưới ghi 奉錄阮德潤 Phụng lục Nguyễn Đức Nhuận = Nguyễn Đức Nhuận kính ghi; giữa 2 cột ghi 2 chữ 美福 Mỹ Phước, có lẽ là địa danh. Các trang còn lại mỗi trang có 16 câu thơ Nôm thất ngôn chép lời giảng (riêng trang 3 chỉ có 14 câu), tổng cộng 846 câu.

Trang 2, 3 sách Giảng thứ tư đức Giáo chủ

Về sấm giảng, Đức Huỳnh Giáo chủ viết tất cả 6 quyển, phần nhiều là văn vần, gồm: Sấm giảng khuyên người đời tu niệm (912 câu), Kệ dân của người khùng (476 câu), Sấm giảng (612 câu), Giác mê tâm kệ (846 câu), bốn quyển này đều hoàn thành trong năm 1939, Khuyến thiện (756 câu, năm 1941), Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền (văn xuôi, năm 1945). Giảng thứ tư đức Giáo chủ chính là quyển thứ tư. Sách này được viết vào năm 1939, có tên chính thức là Giác mê tâm kệ, được chép lại vào năm Bính Thân 1956, người chép tên là Nguyễn Đức Nhuận. Sách có niên đại tương đối muộn, điều này cho thấy đến thập niên 60 của thế kỷ 20 người Nam bộ vẫn còn dùng chữ Hán chữ Nôm ghi chép kinh điển và thư tịch Phật giáo.

17. Hoa Nghiêm tự Huệ Lưu Hòa thượng Tổ sư diễn nghĩa: 華嚴寺慧流和尙祖師演義 (Sách diễn Nôm của Huệ Lưu Hòa thượng Tổ sư chùa Hoa Nghiêm): Chữ Nôm, khắc in ván, tổng cộng 60 trang. Sách do Huệ Lưu Hòa thượng diễn nghĩa giáo lý nhà Phật, hoằng truyền Phật pháp. Trang 1 có hình đức Phật A Di Đà và dòng chữ 南無阿彌陀佛放光接引 Nam mô A-di-đà Phật phóng quang tiếp dẫn. Trang 2 họa hình Huệ Lưu Hòa thượng trong tư thế ngồi trang nghiêm tay cầm phất trần và dòng chữ ghi tiêu đề của sách. Trang 3 có hình Yết ma Từ Huệ cũng ngồi cầm phất trần như Huệ Lưu Hòa thượng, cùng các dòng chữ như sau: Hai hàng ngang phía trên 歲次丙午年四月初八日藏板 Tuế thứ Bính Ngọ niên tứ nguyệt sơ bát nhật tàng bản = Tàng bản ngày mồng 8 tháng 4 năm Bình Ngọ; 敕賜龍華寺羯摩慈慧彙集 Sắc tứ Long Hoa tự Yết ma Từ Huệ vựng tập = Yết ma Từ Huệ chùa Sắc tứ Long Hoa sưu tập. Mỗi bên trái phải trang này có 2 cột đều bị rách mất một số chữ (vì thiếu chữ nên tạm thời chúng tôi chưa dịch nghĩa), bên phải ghi 余少時受教于慧流和上勒求大德衍懴既就藁仍未及印行余恐愈乆教… Dư thiếu thời thụ giáo vu Huệ Lưu Hòa thượng, lặc cầu đại đức diễn… sám, ký tựu cảo nhưng vị ấn hành, dư khủng dũ cửu giáo…; bên trái ghi …而愈失其眞兹因餘力彙集群文弟子陳玉調奉畫成一楬付之梓人剖阙印行庶免其差謬 …nhi dũ thất kỳ chân, tư nhân dư lực vựng tập quần văn, đệ tử Trần Ngọc Điều phụng họa thành nhất kiệt phó chi tử nhân phẫu quyết ấn hành, thứ miễn kỳ sai mậu.

Bìa và trang đầu sách Huệ Lưu hòa thượng

Trang đầu sách có một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán và bài thơ 50 câu lục bát Nôm nói về việc diễn nghĩa của Huệ Lưu Hòa thượng. Kế tiếp là nội dung chính của sách là 諸懺國音要略 Chư sám quốc âm yếu lược = Sơ lược những điều cần thiết về các bài sám quốc âm. Ghi người tân san là 皇恩敕賜惠隆御賜光隆龍華寺羯摩慈慧新刊 Hoàng ân sắc tứ Huệ Long ngự tứ Quang Long Long Hoa tự Yết ma Từ Huệ tân san = Yết ma Từ Huệ chùa Long Hoa tân san (chùa Long Hoa được sắc tứ Huệ Long, ngự tứ Quang Long) - câu trong ngoặc đơn chúng tôi tạm dịch; người chép là 靈泉寺首座善玉演序抄錄 Linh Tuyền tự Thủ tọa Thiện Ngọc diễn tự sao lục = Thủ tọa chùa Linh Tuyền là Thiện Ngọc sao chép. Phần này tuy ghi là “yếu lược” nhưng thực chất là diễn nghĩa các bài sám, bài kệ, bài phát nguyện trong Phật giáo theo thể lục bát: Đại từ Bồ tát tán Phật kệ, Từ Vân sám chủ phát nguyện văn, Khể thủ sám diễn nghĩa, Ngã niệm sám diễn nghĩa, Bà Thợ đi Tây phương vãn, Huệ Lưu kệ, Từ ý kệ, Giác ngộ dung lại quốc âm ca… Phần cuối sách là trang ghi người cúng dường, bài phục nguyện và bài sám quy mạng, đều bằng chữ Nôm.

18. Lục Tổ Huệ Năng: Chữ Nôm, 76 trang văn xuôi chép tay, không ghi tiêu đề, tác giả và niên đại. Tiêu đề ở đây do người đời sau viết tay thêm vào bằng chữ Quốc ngữ La tinh. Sách nói về sự tích của Tổ thứ 6 Thiền tông Trung Quốc Huệ Năng[7] từ khi sinh ra đến khi tịch diệt. Cuối sách có 1 bài kệ của tác giả viết kính tặng Lục tổ và 1 bài văn tác giả khuyên người đời cố gắng tu trì đúng pháp để không bỏ luống thời gian quý báu. Đặc điểm văn tự và ngữ âm dễ nhận thấy của sách là thể hiện phương ngữ Nam Bộ rất rõ nét, ví dụ “độc giả” viết là 讀也 (độc dã), “làm gì” viết là 滥位 (lạm vị)…

Trang đầu sách Lục tổ Huệ Năng

19. Sách Phật giáo Hòa Hảo: Chữ Nôm, chép tay, 198 trang, tiêu đề do chúng tôi tạm đặt. Sách bị hư rách nhiều, không trang nào còn nguyên vẹn. Chia làm nhiều phần, trong đó phần chính gồm 1.522 câu lục bát, 1.228 câu thất ngôn, ngoài ra còn 1 bài văn xuôi ngắn có ghi tên tác giả là Trần Văn Nho 陳文儒, 1 bài thơ lục bát “Lời khuyến thiện của ông Vô danh cư sĩ”, 1 bài thơ thất ngôn bát cú, 1 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt và 1 bài kệ 544 câu thất ngôn. Qua những phần còn lại có thể đọc được, chúng tôi thấy sách mang nhiều giá trị về tôn giáo, văn chương, văn tự và ngôn ngữ.

Hai trang sách Phật giáo Hoà Hảo

20. Sấm giảng đức Thầy quyển nhứt: Chữ Nôm, chép tay, 100 trang, mỗi trang 14 câu lục bát, riêng trang đầu và trang cuối 12 câu, tổng cộng 1.338 câu. Mặt sau của tờ bìa ghi 乙未年八月十五日奉錄阮德潤字記 Ất Mùi niên bát nguyệt thập ngũ nhật, phụng lục Nguyễn Đức Nhuận tự Ký = Ngày 15 tháng 8 năm Ất Mùi, Nguyễn Đức Nhuận tự Ký kính ghi. Sách chép lời sấm giảng của đức Phật thầy Tây An.

Phật thầy Tây An thế danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856)[8], còn gọi là Đoàn Văn Huyên, người Tòng Sơn, tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đoàn Minh Huyên là người sáng lập giáo phái bản địa Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1849 ở An Giang. Ông cũng là một nhà yêu nước, nhà dinh điền có công khai phá nhiều vùng đất ở Nam Bộ.

Bửu Sơn Kỳ Hương tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng tín đồ không cần thờ tượng Phật, trên ngôi Tam bảo chỉ cần thờ một tấm trần điều màu đỏ, không cần phải ly gia cát ái, không cần ăn chay, cạo râu tóc, gõ mõ tụng kinh, không cần phải dâng cúng những lễ vật tốn kém, chỉ cần bông hoa, nước lã là đủ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là lối tu theo thuyết “vô vi”, tức là không chú trọng hình thức, không dụng tâm bày đặt ra cái này cái khác, mà cốt ở lòng thành, tu hành là để trở về bản lai thanh tịnh. Sau này, đạo Tứ ân hiếu nghĩa và đạo Hòa Hảo cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc các yếu lý trên[9].

Hai trang Sấm giảng đức Thầy quyển nhất

Sách chép lời giảng của Phật Thầy Tây An có: Tòng Sơn căn gốc (1375 câu), Giảng Phật thầy (214 câu), Giảng xưa nhắc tích Phật Thầy (không rõ bao nhiêu câu), Giảng Giáp Thìn Thầy ở Gò Công (269 câu), Mùa đông phưởng phất gió tây (3 bổn). Chưa biết Sấm giảng đức Thầy quyển nhứt chép lại từ sách nào. Đối chiếu với niên canh của Phật thầy Tây An thì sách này được chép lại vào năm Ất Mùi có thể là 1895 hoặc 1955. Chúng tôi căn cứ thông tin trên sách cho biết tên người viết là Nguyễn Đức Nhuận, cũng là người viết cuốn Giảng thứ tư đức Giáo chủ nêu trên, để xác quyết rằng sách được chép lại vào năm 1955.

21. Tòng Sơn giảng xưa: Chữ Nôm, chép tay, 99 trang, mỗi trang 14 câu lục bát, tổng cộng 1.375 câu. Sách không ghi niên đại và tên người viết (có lẽ trang này bị rách mất). Sách cũng chép lời giảng của Tòng Sơn Phật thầy, tức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Sách này chép lại từ Tòng Sơn căn gốc.

Hai trang Tòng Sơn giảng xưa

22. Vãng ba bài Phật thầy Bà Thợ 排佛柴妑: Chữ Nôm chép tay, thể lục bát. Sách mất trang đầu và vài trang bên trong, chỉ còn lại 38 trang. Trang bìa ngoài tiêu đề ghi ở cột bên trái còn 1 câu cho biết thời gian viết sách là 辛未年上浣日六月初一日 Tân Mùi niên thượng hoán nhật lục nguyệt sơ nhất nhật = Ngày mồng 1 thượng tuần tháng 6 năm Tân Mùi (cột giữa), 1 câu ở cột bên phải nói rõ mục đích viết sách là 奉冩底䀡吏心 Phụng tả để xem lại tâm, tức là giúp người đời tự phản tỉnh từ suy nghĩ, lời nói đến hành động, từ đó biết hướng tới những điều tốt đẹp hơn. So với niên đại muộn của Giảng thứ tư đức Giáo chủ, Sấm giảng đức Thầy quyển nhứt thì niên đại ra đời của sách này năm Tân Mùi có lẽ là 1931. Nội dung chủ yếu nói về luật nhân quả, khuyên răn người đời giữ tính chân thật, gìn lòng hiếu thảo, tránh dữ làm lành, niệm Phật ăn chay, tu thành chánh quả…, lời lẽ giản dị dễ hiểu. Giống như Lục tổ Huệ Năng, sách này cũng xuất hiện nhiều trường hợp chữ Nôm thể hiện phương ngữ Nam Bộ rất rõ nét.

Hai trang Vãng ba bài Phật thầy Bà Thợ

Bà Thợ thế danh Lê Thị Thơ (1818-1899), pháp danh Diệu Thiện, gốc ở Chợ Lớn, thạo nghề may vá, xuất gia từ khi còn trẻ tuổi. Nơi tu hành của bà chính là tiền thân của Chùa Tây An ở Châu Đốc hiện nay. Ngày nay, trong dân gian còn lưu truyền cuốn Sấm giảng Bà Thợ.

23. Thơ phổ khuyến Phật giáo (tiêu đề do chúng tôi tạm đặt): Chữ Nôm chép tay, 64 trang. Sách gồm 2 phần: Phần đầu chiếm 56 trang, mỗi trang 16 câu lục bát, tổng cộng 896 câu. Kết thúc phần 1 có dòng ghi thông tin người chép văn là 寶福奉冩卷終 Bảo Phúc phụng tả quyển chung = Bảo Phúc kính viết, quyển đã hết. Sau đó chép tiếp 存紙看者詳知冩講終 Tồn chỉ khán giả tường tri tả giảng chung = Bài giảng đã hết, giấy còn dư khán giả xem rõ [một số bài khác]. Câu này cho biết tận dụng 8 trang cuối (giấy thừa) chép 1 số đoạn văn khác, cụ thể là những nghi văn nhà Phật như “Đề phướn nghi”, “Lễ an vị”… Sách này có lẽ cũng viết về sự tích và những lời thuyết giảng của Phật thầy Tây An.

Nguyễn Đông Triều – Phan Mạnh Hùng

Nguồn: Xưa và Nay, số 462, tháng 8 năm 2015; số 464, tháng 10 năm 2015

[1]Đường: Chữ này vốn viết là , có nghĩa là lưỡi cày, cán liềm. Chưa tìm được cách gọi phù hợp với vần “ương”. Xét thấy các cặp chữ phải cùng loại, nhưng chữ không cùng loại với chữ . Có lẽ nhầm từ chữ gần giống là (đọc là di, có nghĩa là kẹo; tự, có nghĩa là ngọt. Chúng tôi tạm đọc là “đường” cho hợp với vần “ương”.

[2] Năm Canh Tuất: Chưa rõ là năm 1850 hay 1910.

[3] Có nơi nói hiệu là Yến Xương. Lĩnh Nam chích quái (Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2001): “Theo các bản chép tay mà chúng ta có… thì ông có tên hiệu là Yến Ôn. Chữ Ôn theo Hán tự thì viết hơi giống chữ Xương. Vì thế nên có sự lẫn lộn chăng?” (tr.6)

[4] Chữ này nguyên văn chép bộ cung thành bộ điểu .

[5] Chữ này nguyên văn chép sai bộ nhân thành bộ sách .

[6] Đức Huỳnh giáo chủ thế danh Huỳnh Phú Sổ (1920-1947), là người sáng lập Phật giáo Hòa Hảo. Thư tịch đương thời còn ghi Huỳnh Phú Sổ được gọi là Ông đạo Xẻn. Ngài mở đạo từ năm Kỷ Mão 1939, bắt đầu từ việc chữa bệnh và thuyết pháp. Cũng từ đó, ngài viết nhiều sấm giảng, thơ ca, văn chú có nội dung tiên tri về thời cuộc, kêu gọi người đời làm lành bỏ dữ, thực hành tứ ân (Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo, Ân đồng bào nhân loại), trau dồi thiền tịnh nhằm trước hết tạo nên một xã hội tốt đẹp, sau đó là đạt được giải thoát. Văn chương của Huỳnh Giáo chủ giản dị nhưng hàm súc, hấp dẫn, giáo pháp cao siêu nhưng vô cùng thực tế, có thể áp dụng đối với mọi người, mọi nơi. Một trong những đóng góp to lớn của ngài đối với Phật giáo Việt Nam là lược bỏ những lễ nghi phiền toái không được nói đến trong kinh điển và đổi mới nhiều điểm trong phương pháp hành trì đạo pháp.

[7]Ngài Huệ Năng (638-713), tên là Lư Huệ Năng, nguyên quán ở đất Phạm Dương. Cha ngài là Lư Hành Thao làm quan mắc tội bị giáng chức, lưu lạc đến xứ Lãnh Nam làm thường dân. Cha mất sớm, mẹ già, tuy sống cuộc đời nghèo khổ nhưng ngài vẫn một lòng hiếu thuận. Ngài có duyên thọ kiến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, được Ngũ tổ truyền trao y bát vào năm 24 tuổi, kế tục làm Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa, khi đó ngài còn là cư sĩ. Năm 39 ngài tuổi thọ giới cụ túc, từ đó thuyết pháp trong 37 năm, độ được rất nhiều người. Môn đệ anh tuấn có Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Hà Trạch Thần Hội, Vĩnh Gia Huyền Giác, Nam Dương Tuệ Trung, Pháp Hải. Chính Ngài Pháp Hải thường theo Lục tổ ghi chép thiền ngữ, ngôn hành rồi soạn thành bộ Tôn bảo. Sau này người giữ tháp của Tổ dựa theo đó và các văn bia của Thượng thư Vương Duy (701-761), Thứ sử Liễu Tông Nguyên (773-819) và Lưu Vũ Tích (772-842) soạn thành Pháp bảo đàn kinh. Các bài thuyết pháp chính yếu của ngài đều được ghi trong đó.

[8]Đoàn Minh Huyên cũng bắt đầu con đường hành đạo bằng việc bốc thuốc và giảng đạo. Nghe ông chữa bệnh bằng nước cúng (nước lã), bông cúng... đồng thời rao giảng đạo, quan tỉnh An Giang nghi ngờ ông hoạt động chính trị nên bắt giam. Sau đó do không có bằng chứng kết tội, nhà cầm quyền phải trả tự do cho ông, song buộc ông phải quy y theo đạo Phật (phái Lâm Tế) và tu tại chùa Tây An, dưới chân Núi Sam (Châu Đốc). Ông thường đi nhiều nơi phổ biến giáo lý Tứ ân, đồng thời vận động người dân khai hoang lập ấp, dần dần hình thành bốn vùng dinh điền lớn là Đồng Tháp Mười, Thới Sơn, Láng Linh và Cái Dầu. Ông được người dân tin tưởng gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.

[9] Nhiều người soạn, Kỷ lục An Giang 2009, Nxb. Thông Tấn, 2010, tr. 17.

fShare Tweet Bạn có thể quan tâm:
  • Tưởng niệm Trịnh Công Sơn - 2011-04-01 - 07:00:00
  • Lê Đình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học - 2008-09-13 - 11:45:20
  • Sinh viên Khoa Văn học và Ngôn ngữ đạt giải nhất ... - 2008-09-17 - 10:46:00
  • Giới thiệu Khoa - 2012-04-07 - 07:00:00
  • Bộ môn Văn học Việt Nam - 2008-12-28 - 02:54:30
  • Bộ môn Lý luận và Phê bình văn học - 2008-12-28 - 02:54:57
  • Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh - 2008-12-28 - 02:55:44
  • Bộ môn Nghệ thuật học - 2008-12-28 - 02:56:18
  • Bộ môn Hán Nôm - 2008-12-28 - 02:56:32
  • Nhẫn - 2008-09-17 - 10:53:15
  • Về một người bạn đã đi xa - 2009-01-16 - 08:42:39

Từ khóa » Tịch Hán Nôm