VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ SƯU TẦM THƯ TỊCH

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Chủ đề >> Nghiên cứu Văn bản
Trịnh Khắc Mạnh
Vài nét về lịch sử sưu tầm thư tịch Hán Nôm Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (107) 2011, Tr.3 - 13)

Cập nhật lúc 11h40, ngày 31/03/2013

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ SƯU TẦM THƯ TỊCH

HÁN NÔM VIỆT NAM

PGS.TS. TRỊNH KHẮC MẠNH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc, các sử gia nước nhà đều thống nhất đánh giá Việt Nam là một nước văn hiến. Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo平吳大誥đã viết "Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang/惟我大越之國實為文献之邦/ Như nước Đại Việt ta, thực là nước văn hiến"(1). Lê Quí Đôn trong bài Tựa viết ở mục Nghệ văn chí藝文誌sách Đại Việt thông sử大越通史từng viết: “Ngã quốc hiệu vi văn hiến, thượng nhi đế vương hạ nhi thần thứ mạc bất các hữu trước thuật/我國號為文獻上而帝王下而臣庶莫不各有著述/Nước ta là nước văn hiến, trên từ vua chúa, dưới đến các thần dân, đều có trước thuật"(2). Và Phan Huy Chú khi viết về thư tịch nước nhà ở bài Tựa thiên Nghệ văn chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận định về sách vở văn hóa thời Lý - Trần như sau: "Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh - Lê dựng nước, đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý - Trần nối trị, văn vật mở mang; về tham định thì có những sách điển chương, điều luật; về ngự chế thì có các thể chiếu, sắc, thi ca. Trị bình đời nối, văn nhã đủ điều. Huống chi, nho sĩ đời nào cũng có, văn chương nẩy nở như rừng; sách vở ngày càng nhiều, nếu không trải qua binh lửa mà thành tro tàn, thì hẳn trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy"(3).

Đúng như vậy, thực tế số lượng thư tịch viết bằng chữ Hán và chữ Nôm hiện nay còn rất ít, như Lê Quí Đôn cho là: "Hội chung cả lại, chẳng qua còn được ngoài trăm pho sách"(4). Điều này được lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác nhau: Thứ nhất về khách quan, như: đất nước bị chiến tranh liên miên, thiên tai khắc nghiệt, cơ sở kỹ thuật tàng trữ thư tịch nghèo nàn thô sơ, sự lão hóa theo thời gian, v.v... Thứ hai về chủ quan: đó là ý thức bảo vệ thư tịch trong nhân dân chưa cao và mang đậm dấu ấn cá nhân, Lê Quí Đôn từng viết về vấn đề này như sau: "Từng thời, người học cũng chỉ sưu tập những sách học để đi thi cho đỗ. Thấy những sách lạ của đời trước mà không liên quan đến khoa cử thì cũng làm ngơ và không sao chép. Hễ có người nào thích chứa sách cổ, thì người ấy lại giữ làm của riêng, cất kỹ không đưa cho mọi người xem. Cho nên việc đi tìm sách khó lắm"(5).

Như vậy, thư tịch cổ còn lại đến ngày nay không còn được nguyên vẹn như nó vốn có trong lịch sử, mà bị mai một mất mát trải theo chiều dài lịch sử. Những thư tịch viết bằng chữ Hán và chữ Nôm còn lại đến ngày nay, trước hết phải kể đến chính sách của nhà nước và công lao của những người từng đi sưu tầm sách vở.

Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số vấn đề về lịch sử sưu tầm thư tịch Hán Nôm Việt Nam.

1. Chính sách của nhà nước về bảo tồn thư tịch trong lịch sử

Những chứng tích lịch sử hiện còn cho biết, việc sưu tầm thư tịch có lẽ bắt đầu từ thời Lê sơ (1428), sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi, giành độc lập dân tộc và sáng lập ra triều Lê. Các vua, như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, v.v... đã tiến hành những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành quả nhất định trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đồng thời cũng rất quan tâm tới việc thu thập sách vở, có chế độ ban thưởng cho những người dâng sách và có công sưu tầm sách.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi: "Vua Lê Lợikhi lên ngôi đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp"(6) (xem Hình 1).

Ảnh minh họa

Đời vua Lê Thánh Tông đã thực hiện nhiều cải cách trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật... và đã xây dựng quốc gia Đại Việt trở thành một nước vững mạnh vào loại bậc nhất trong chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam. Phan Huy Chú đã nhận xét "Về trị nước thì vua tôn trọng Nho thuật, cất nhắc anh tài, sáng lập chế độ, khôi phục và mở mang bờ cõi, văn võ tài lược hơn cả các đời. (Người ta) cho chính trị thời Hồng Đức là rất thịnh"(7). Theo Lê Quí Đôn thì "Vua Thánh Tông ham thích sách vở, hồi đầu Quang Thuận (1460 - 1469) hạ chiếu tìm tòi dã sử, sưu tập truyện kí cổ kim còn chứa ở các nhà riêng, hạ lệnh cho dâng lên tất cả; khoảng năm Hồng Đức (1470 - 1497), nhà vua lại hạ chiếu tìm những sách vở còn sót lại đem về chất chứa ở bí các. Trong dịp này có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền đều được ban thưởng. Do đó sách đời trước dần dần được đưa ra"(8). Và chính vua đã xuống chiếu "Ra lệnh tìm kiếm những di cảo thơ văn của cố Hàn lâm Thừa chỉ Học sĩ Nguyễn Trãi"(9).

Về việc ban thưởng cho những người dâng sách, sau này Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ghi: "Phàm sách vở cổ, thơ văn cổ cùng văn bài về việc thi cử của nước ta, không câu nệ văn chương nông cạn, quê mùa, đều được phép đem dâng nộp, sẽ liệu giá mà thưởng cấp cho"(10) (xem Hình 2).

Ảnh minh họa

Vào thời Lê Trung hưng, niên hiệu Vĩnh Khánh năm th 4 (1732) đời vua Lê Duy Phường, vua đã xuống chiếu: "Mùa xuân tháng giêng, xuống chiếu tìm sách còn sót lại. Ai có sách cổ thơ văn của nước nhà cùng văn chương cử nghiệp, bất kể rách nát đều cho dâng lên, tùy ít, nhiều mà có báo đáp và ban thưởng"(11).

Thời Nguyễn, các sách vở được biên soạn và sáng tác thời Lý - Trần - Lê được coi là cổ tịch. Vua Gia Long lên ngôi, vào năm thứ 3 (1804), đã cho tìm các sách chứa riêng ở nhà dân. Năm 1811, vua xuống chiếu rằng: "Đạo dựng nước phải có phép thường, mà cách sửa trị nên tìm điển cũ. Nước Việt ta, các đời Đinh Lý - Trần - Lê nối nhau, chính trị có điều theo điều đổi, trong khoảng ấy điển chương pháp độ há không có điều gì đáng thuật sao ?... Tuy sau binh biến, kho sách không còn bằng chứng, nhưng những nhà học giả uẩn sức, chắc còn ghi chép. Nay đất nước đã thống nhất, cần phải tìm xét rộng rãi. Phàm dân chúng có điển xưa việc cũ, hoặc do ở kho nhà nước còn để lại, hoặc được ở nhà riêng ghi chép, hết thảy điển chương điều lệ, cho phép do quan địa phương sở tại dâng lên. Nếu có điều gì quan hệ đến chính thể, trẫm sẽ tự xét chọn, đều có nêu thưởng"(12). Vua lại chiếu cho các dinh trấn từ Quảng Bình về Nam rằng: "Nay soạn Quốc triều thực lục, phàm sự tích cũ cần phải tìm xét rộng rãi để sẵn mà tham khảo... Vậy đặc chiếu cho các sĩ dân từ năm Quý Tỵ (1653) cho đến năm Nhâm Tuất (1802) trở về trước, phàm những việc quan hệ đến việc nước, ai hay biên chép thành quyển cho đưa đến nộp quan sở tại; các cụ già ai hay ghi nhớ việc cũ, thì quan sở tại mời đến hỏi, ghi chép chuyển tâu. Lời nói nào có thể ghi vào sử được sẽ có thưởng. Thảng hoặc có can phạm kỵ húy cũng không bắt tội"(13).

Vua Minh Mệnh lên ngôi, cũng xuống chiếu tìm sách cũ. Chiếu viết: "... Trẫm để ý điển xưa, noi theo chí trước, ngửa nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm cho rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quan soạn thuật... Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp, hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng"(14).

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng về công tác sưu tầm di sản cổ tịch, Bác đã ký sắc lệnh số 65 ngày 23 tháng 11 năm 1945 về Bảo vệ di tích văn hóa. Điều 4 của sắc lệnh do Bác soạn thảo ghi rõ: "Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính chất tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử"(15).

2. Những dấu ấn lịch sử về sưu tầm thư tịch cổ

Đầu thế kỷ XV, một số sĩ phu đã bắt tay vào việc sưu tầm tư liệu và biên tập thơ văn thời Lý - Trần, như: Phan Phu Tiên (thế kỷ XV) sưu tầm biên tập Việt âm thi tập (năm 1433); Hoàng Đức Lương (thế kỷ XV) với Trích diễm thi tập (năm 1497); Dương Đức Nhan (thế kỷ XV) với Tinh tuyển chư gia luật thi; Lương Như Hộc (thế kỷ XV) có Cổ kim chế tự tập Tinh tuyển chư gia thi tập, nhưng đã bị mất; Nguyễn Trãi (1380 - 1442)sưu tập thơ văn bằng quốc ngữ dâng lên (xem Hình 3); v.v...

Ảnh minh họa

Cùng với các bộ sưu tập thơ văn thời Lý - Trần, các sưu tập văn học dân gian cũng đã được các sĩ phu thế kỷ thứ XIV - XV sưu tầm, biên soạn, như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) biên soạn đời Trần Minh Tông (1324 - 1328); Lĩnh Nam chích quái tương truyền của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV), sau được Vũ Quỳnh (1453 - 1497) và Kiều Phú (1447 - ?)bổ sung biên tập lại, v.v...

Đặc biệt các viên quan lại, khi được điều động đi làm quan ở trấn ngoài, có điều kiện tiếp xúc với các gia đình có truyền thống Nho học lưu giữ cổ tịch, đã tổ chức sưu tầm để biên tập thành sách, hoặc cho khắc in, lưu hành rộng rãi. Vào thế kỷ XVIII, một phong trào tìm sưu tầm sách cổ, ghi chép thơ văn và truyện dân gian đã lan rộng khắp cả nước. Lê Quý Đôn (1726 - 1784) sưu tầm biên soạn Toàn Việt thi lục, Lê triều công thần liệt truyện, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, v.v... Vũ Khâm Lân (1703 - ?) sưu tầm thơ văn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bùi Huy Bích (1744 - 1818) biên soạn Hoàng Việt thi tuyển, Hoàng Việt văn tuyển, Lữ trung tạp thuyết. Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) biên soạn Vũ trung tùy bút; Vũ Phương Đề (1697 - ?) biên soạn Công dư tiệp ký. Lê Hữu Trác (1724 - 1791) biên soạn Thượng kinh ký sự. Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) và Nguyễn Án (1770 - 1815) biên soạn Tang thương ngẫu lục, v.v... Thời kỳ này, cũng có người đi sưu tầm rồi biên soạn sách theo mệnh lệnh của triều đình, như trường hợp Lê Quý Đôn biên soạn Toàn Việt thi lục, nhưng cũng có nhiều người do sở thích cá nhân, vì yêu thích văn hóa nước nhà mà bỏ thời gian công sức để làm sách. Trong bài Tựa sách Công dư tiệp ký, Vũ Phương Đề (1698 - ?)cho biết: "Bình nhật thích nói chuyện, nên khi việc quan rảnh rỗi thường ghi chép lại những điều bấy lâu mình nghe được, cùng những chuyện biết từ các nhà bác học đương thời. Tất cả đều căn cứ vào sự thực mà viết thành bài, đặt tên sách là Công dư tiệp ký(16).

Thời Nguyễn, việc sưu tầm sách cổ cũng được quan tâm và đạt được những hiệu quả nhất định, nhằm góp phần bảo tồn văn hóa Việt Nam. Ngay khi vua Gia Long lên ngôi, vào khoảng sau năm 1804 đến trước năm 1807, Nguyễn Bá Khoa làm Hậu quân Tham mưu ở Bắc Thành đã đứng ra tổ chức in lại Đại Việt Sử kí toàn thư(17). Năm 1804, "Tìm những sách chứa riêng ở nhà dân. Người Duyên Hà là Lê Duy Thanh đem sáu quyển Tạp lục và hai quyển Quần thư khảo biện của cha là Lê Quý Đôn để dâng"(18). Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1757 - 1817) dâng sách Thiên Nam dư hạ tập(19). Khi làm quan Trấn thủ Hải Dương, Trần Công Hiến đã dấy lên trong trào sưu tầm cổ thư. Năm 1816, "Công Hiến ở trấn thường cùng Đốc học Nguyễn Thể Trung và nho sinh trong hạt sưu tầm các sách sử và di văn của các nhà xưa, khắc bản in gọi tên là Hải Học đường(20). Vua đặc biệt quan tâm đến các vùng duyên hải nước ta, "Sai bọn Hữu Tham tri Công bộ Nguyễn Đức Huyên và Tả Tham tri Đoàn Viết Nguyên làm sách Duyên hải lục(21). Những vùng đất mới do tổ tiên nhà Nguyễn khai phá vua Gia Long cũng chú ý. Năm 1818, vua sai Mạc Công Du tìm hỏi sự tích Hà Tiên, dụ rằng: "Đất Hà Tiên là bờ cõi mới do các thánh mở mang và là chỗ đất cũ của tiên tổ ngươi là Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ được phong. Từ triều trước trở đi, công việc đều có sách vở ghi chép... Nay bắt đầu yên định, dân trước sót lại hãy còn, ngươi nên hết lòng tìm hỏi thu nhặt việc cũ, biên chép tiến lên, trẫm sẽ dâng vào tín sử, để lại đời sau"(22).

Thời Minh Mệnh việc sưu tầm sách vở cũng được các trí thức đương thời quan tâm: "Thượng thư Trịnh Hoài Đức (1765-1825) dâng sách Gia Định thông chí (3 quyển) và sách Minh Bột di ngư văn thảo; Chiêm hậu Hoàng Công Tào dâng sách Bản triều ngọc phả (2 bản) và sách Kỷ sự (2 bản); người Quảng Đức là Cung Văn Hy dâng sách Khai quốc công nghiệp diễn chí (7 quyển); người Thanh Hoa là Nguyễn Đình Chính dâng sách Minh lương khải áo lục (34 điều), người Quảng Ngãi là Võ Nguyễn Biều dâng sách Cơ sự biên lục (1 quyển). Vua khen thưởng cho vàng lụa theo các bậc khác nhau" (23).

Dương Bá Cung (1794-1868) người đồng hương với Nguyễn Trãi, đã dành tâm huyết để tiếp tục dặm trường đi tìm kiếm các tác phẩm của Nguyễn Trãi từng được Trần Khắc Kiệm sưu tập nhưng đã bị thất lạc. Dương Bá Cung đã bỏ ra nhiều năm, đi nhiều nơi, gặp nhiều người để sưu tầm các tác phẩm của Nguyễn Trãi và ông viết: “Tôi rất yêu quý văn chương của Ức Trai tiên sinh nên đã thu lượm từ lâu. Ức Trai tiên sinh là người cùng làng tôi. Văn chương của tiên sinh ghi chép tản mát ở các nhà, còn gồm có các sách Thi tập, Địa chí,..., Quân trung từ lệnh,... Tôi thường đã có đi từ Nam ra Bắc gặp người nào vào hạng sĩ phu, cũng liền dò hỏi xem di cảo của Ức Trai tiên sinh có còn lại ở đâu không? Tôi mong họa hoằn cũng có tìm được, nhưng tiếc rằng sau khi binh la loạn ly, những tác phẩm ấy không còn tụ tập được mấy. Những bài đã tản mát đi, nay lại không thể nào thu thập lại được, mà những bài đã thu thập lại được, rất có thể dễ tản mát mất đi. Vì thế, tôi không tự xét mình là người thô lậu, đem các bài đã thu thập được chia ra từng loại, xếp lại thành tập, lại thâu thái trong sử ký, gia phả, truyện chí, các tờ sắc cáo, nêu lên ở đầu tập sách, làm một tài liệu thảo luận trong việc đánh giá nhân vật, để đợi có ai trong đời yêu quý văn chương của Tiên sinh như tôi, thì tập này may ra có dùng được chăng(24). Sau khi tìm được các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Dương Bá Cung đã cùng Nguyễn Năng Tĩnh (? - ?), Ngô Thế Vinh (1803 - 1856) tham gia biên tập, hiệu đính, phân loại, đề tựa và khoảng năm 1833 mới tạm hoàn thành. Nhưng mãi đến năm Mậu Thìn (1868) đúng vào năm Dương Bá Cung từ trần thì các tác phẩm của Nguyễn Trãi mới được in xong tại nhà in Phúc Khê, với tên đề: Ức Trai di tập抑齋遺集, gồm 7 quyển.

Vào thời Minh Mệnh, với sự kiện Dương Bá Cung hoàn tất việc sưu tập thơ văn của Nguyễn Trãi và cũng chính vào thời ông vua này mới có dụ đi sưu tầm thơ văn của vua Lê Thánh Tông. Sách Minh Mệnh chính yếu, quyển XIX, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) có đoạn viết: "Vua xuống dụ cho Nội các rằng: Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tông nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính sách hay đều chép trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay, trẫm truy tư cổ nhân rất là hâm mộ. Tuy đã xa đời, thơ đã tản mát, mà các văn nho học giả tất cũng còn giữ được. Trẫm muốn tìm nhặt in ra để lại lâu dài không mất. Bèn hạ lệnh cho quan Bộ Lễ, tư hỏi Bắc Thành, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, các nhà quan lại, sĩ, thứ dân, có ai còn giữ được sách vở ngự chế thi văn khoảng niên hiệu Hồng Đức đều đem nộp quan chép lại thành tập, đem khắc lên in, ban bố trong nước, đề cao cái văn hay đời trước, để lưu lại rừng văn nghệ nước nhà"(25). Đến thời Tự Đức công việc sưu tập thơ văn vua Lê Thánh Tông được hoàn tất, sách Đại Nam thực lục chép: "Sai tiến thơ vua Lê Thánh Tông, khi trước khoảng năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tìm mua thơ văn Lê Thánh Tông được một quyển thơ 242 bài (gồm thơ Đường luật của Lê Thánh Tông 51 bài, thơ Nôm 128 bài, các quan phụng họa thơ luật Đường 34 bài, thơ Nôm 9 bài, trong đó thơ viếng của vua Lê Hiến Tông 2 bài, thơ các quan kính viếng 18 bài)... cất ở Tập hiền viện. Nay vua sai quan ở Quốc sử quán viết tinh tường, xem xét lại, tiến vua xem"(26).

Phan Thúc Trực (1808 - 1852) là người vâng chiếu vua Tự Đức ra Bắc sưu tầm thư tịch cổ trong chuyến đi công cán hai năm (1851 - 1852) và năm 1852 khi trở về đến địa phận Thanh Hóa thì ông mắc bệnh qua đời và được truy tặng hàm Thị giảng Học sĩ. Nghiên cứu Cẩm Đường thi tuyển tập, Nguyễn Thị Oanh đã tìm được đoạn viết về lịch trình sưu tầm thư tịch cổở miền Bắc của Phan Thúc Trực: "Bắt đầu từ ngày 4 tháng 10 năm Tân Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1852) đến ngày 10 thì đi đến tỉnh Thanh Hóa và nghỉ ở đó. Từ tháng 10 đến ngày 1 tháng 12 đi đến Ninh Bình. Mồng 8 đến Hà Nội. Từ tháng 12 đến hạ tuần tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852) đi Hải Dương và khắp các vùng, ở Hải Dương đến hạ tuần tháng 5 đi huyện Cẩm Giàng, rồi lại về Hà Nội. Thượng tuần tháng 6 đi Bắc Ninh, rồi trở về Hà Nội. Trung tuần tháng 8 đi Hưng Yên, thượng tuần tháng 9 đi Nam Định, trung tuần đến Ninh Bình qua Thanh Hóa và ở lại đó."(27)

Sau này, công việc sưu tầm, biên tập sách vở vẫn được nhiều thế hệ nối nhau thực hiện. Như Phạm Đình Dục cháu nội của Phạm Đình Hổ (1768-1839) cũng theo gương ông nội sưu tầm tư liệu, trong thời gian 10 năm (1886 - 1896) đã ghi chép khoảng 100 truyền thuyết dân gian thành sách Vân Nang tiểu sử; Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925) biên soạn Hát đông thư dị vào khoảng trước năm 1886, Vũ Xuân Tiên (? - ?) soạn Nam thiên trân dị tập vào năm 1917; v.v...

Đặc biệt, thời Nguyễn nhiều thư viện được hình lập, như: Thư viện Tụ Khuê thành lập vào đời Minh Mệnh (1820 - 1840), Thư viện Sử quán thành lập năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), Thư viện Nội các thời Duy Tân (1907 - 1916), v.v... Năm 1901, Trường Viễn đông Bác cổ (Cộng hòa Pháp) được đặt phân hiệu tại Hà Nội. Trường đã tiến hành thu gom, sao chép được khá nhiều sách Hán Nôm. Cùng với việc sưu tầm sao chép các sách Hán Nôm, Trường Viễn đông Bác cổ còn tiến hành in rập các tư liệu văn khắc Hán Nôm trên các bia đá, chuông đồng, biển gỗ, v.v... và thực hiện điều tra về thần tích, hương ước, địa bạ, v.v... trong phạm vi toàn quốc. Một số lượng tài liệu đáng kể được thu thập về và đã góp phần tạo nên kho sách Hán Nôm hiện nay.

Năm 1954, Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến năm 1958 Trường Viễn đông Bác cổ Pháp không tiếp tục hoạt động ở Việt Nam, và những tài liệu Hán Nôm quý giá nêu trên đã được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam. Sau đó, vào những năm 1958 - 1960, lại tiếp tục thu nhận tài liệu thư tịch ở các thư viện của trung ương và địa phương, ở các thư viện tư gia (như: thư viện Long Cương, thư viện Hoàng Xuân Hãn, thư viện Hội Khai trí tiến đức, thư viện Văn Miếu, thư viện Khoa học Trung ương, Vụ bảo tồn bảo tàng, Ty Văn hóa Hà Đông(28)), v.v... hình thành nên kho sách Hán Nôm thuộc Thư viện Trung ương, sau chuyển giao cho Thư viện Khoa học xã hội.

Năm 1970, Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập với chức năng nhiệm vụ là: Giám định, dịch thuật công bố các văn bản Hán Nôm; nghiên cứu chữ Hán cổ và chữ Nôm, nghiên cứu văn bản học nhằm phục vụ cho công tác giám định và dịch thuật Hán Nôm; bồi dưỡng cán bộ chuyên gia Hán Nôm; góp phần cùng Thư viện Khoa học xã hội và các cơ quan văn hóa khác sưu tầm các văn bản Hán Nôm. Mặc dù, nhiệm vụ sưu tầm của Ban Hán Nôm chỉ là phụ, nhưng Ban đã tích cực tổ chức các đợt đi sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở một số địa phương trong Nam, ngoài Bắc. Cộng tác viên ở các địa phương, với tấm lòng nhiệt thành yêu nghề nghiệp, trân trọng vốn cổ của ông cha đã gánh những bồ sách đến biếu hoặc bán cho Ban Hán Nôm.

Năm 1979, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập, Đảng và Nhà nước đã chính thức giao nhiệm vụ sưu tầm, thu thập về kho lưu trữ của Viện tất cả các tư liệu chữ Hán, chữ Nôm hiện có ở các thư viện, các kho lưu trữ khác và còn rải rác ở các địa phương. Kho sách Hán Nôm thuộc Thư viện Khoa học xã hội được chuyển giao cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Thực hiện nhiệm vụ sưu tầm tư liệu Hán Nôm, trong thời gian mới thành lập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức tiếp nhận một số kho sách Hán Nôm ở các thư viện khác và tổ chức nhiều chuyến đi công tác về các địa phương để mua sách Hán Nôm, ghi chép các hoành phi câu đối và làm bản rập bia, chuông, khánh, biển gỗ, v.v... tại các di tích lịch sử văn hóa.

Năm 1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến thăm Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Được sự quan tâm của Thủ tướng, Viện đã có một khoản kinh phí để triển khai công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm còn nằm rải rác trong dân gian với những nội dung chủ yếu sau:

1. Điều tra tình trạng các di tích và di sản văn hóa thành văn hiện còn ở thôn xã. Tìm tòi phát triển triệt để nguồn tư liệu Hán Nôm hiện có trong dân gian và đưa ra những phương án thích hợp để thu thập và bảo quản nguồn tài liệu này.

2. Sao chép các tài liệu chữ Hán, chữ Nôm gắn với các di tích như hoành phi, câu đối, bài vị, v.v... ghi nguyên văn và phiên âm.

3. In dập trên giấy dó nguyên dạng văn khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, khánh, bệ đá, cột mốc, v.v...

4. Thu thập tư liệu Hán Nôm với các hình thức mua, trao đổi, sao chụp.

5. Lập bản điều tra thôn xã theo các nội dung: địa danh, di tích, tư liệu Hán Nôm hiện còn, tục lệ, thần làng, danh nhân, nghề truyền thống v.v...

Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong các năm 1994 - 1997, công tác sưu tầm được thực hiện theo nội dung của Dự án điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm.

Trong 10 năm (từ 1998 - 2008), Dự án điều tra sưu tầmtư liệu Hán Nôm tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt trong Dự án Tổng thể về Sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu khai thác di sản Hán Nôm và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm theo quyết định số 245 KHXH/QĐ ngày 6 tháng 6 năm 1998 của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) với sự đồng ý của Chính phủ và sự thỏa thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ Tài chính.

Từ năm 2009 đến nay, công tác sưu tầm được thực hiện theo nội dung của Dự án điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm. Đến năm 2010, Viện đã hoàn thành việc sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở khoảng 3.000 xã thuộc các địa phương: tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Yên Bái, tỉnh Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hải Dương, tỉnh Thái Bình, thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Kết quả thu thập tư liệu Hán Nôm trong thời gian qua là: mua và photocopy sách Hán Nôm cùng sách Hán Nôm dân tộc thiểu số (trong đó có cả sách chữ Thái cổ) được khoảng 13.000 cuốn, in rập văn khắc Hán Nôm (bia, chuông, biển gỗ) được hơn 13.000 đơn vị với hơn 35.000 mặt thác bản, sao chép được khoảng 50.000 đôi câu đối, sao chép được khoảng 25.000 bức hoành phi, mộc bản khoảng 10.000 đơn vị. Trong đó, bổ sung mới vào kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được nhiều đơn vị văn khắc Hán Nôm có giá trị mà lần sưu tầm của Viễn đông Bác Cổ (Cộng hòa Pháp tại Hà Nội) trước đây chưa thu thập như: về niên đại có các văn bia thời Lý - Trần khoảng hơn 20 đơn vị, mộc bản có niên đại năm 1578 tại chùa Vạn Đức Tp. Hội An tỉnh Quảng Nam (khoảng 100 ván in các sách Thiền tam thượng phẩm, Tiêu tật bệnh thần chú,...); về không gian văn hóa có hơn 80 văn khắc khu vực phố Hiến cùng nhiều văn bia ở vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, v.v...

Trong nhiều năm gần đây, các thư viện địa phương cũng quan tâm sưu tầm phông sách Hán Nôm, như: Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tây (cũ), Nam Định, Thanh Hóa, v.v... Theo số liệu điều tra của chúng tôi, mỗi thư viện có hàng ngàn sách Hán Nôm.

Bên cạnh việc điều tra sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở trong nước, trong nhiều năm qua, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đi nghiên cứu trao đổi khoa học và học tập ở nước ngoài đã chú ý đến tư liệu Hán Nôm, có nhiều công trình và bài viết bàn về thư mục Hán Nôm Việt Nam hiện đang lưu giữ ở nước ngoài(29), cùng nhiều bài viết giới thiệu tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của các học giả khác, v.v... Trong bài viết này, tôi xin nêu dấu ấn của hai năm (2006 - 2007), mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã triển khai công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài theo hướng tích cực hơn, đó là:

1. Năm 2006, dưới sự giúp đỡ của Viện Harvard-Yenching (Hoa Kì), Viện Viễn đông Bác cổ (Cộng hòa Pháp) và Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện đã số hóa được 54 tên sách Hán Nôm với 16.858 trang ảnh (ghi thành 19 đĩa CD-ROM) đang lưu giữ ở Viện Viễn đông Bác cổ và Thư viện Hiệp hội Á Châu. Đây là những tài liệu có giá trị về nội dung và về văn bản. Xin nêu một số ví dụ: Đại Nam chính biên liệt truyện, VIET.A-HIST.15, đây là bộ đầy đủ, trong khi đó Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bộ VHt.11/1-4 nhưng không đầy đủ; những sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm không có, như: Bắc Ninh tỉnh khảo dị, Hà Đông tỉnh khảo dị, Hương Sơn hành trình tạp vịnh, Khải Định chính yếu, Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản, v.v...

2. Năm 2007, Viện Harvard-Yenching và Đại học Hawaii (Hoa Kì) đã trao tặng cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhiều cuộn microfilm, số lượng cụ thể như sau:

- Viện Harvard-Yenching Hoa Kì trao tặng 64 cuộn film 35mm, dương bản về châu bản triều Nguyễn trong đó 05 cuộn niên hiệu Gia Long với khoảng 700 trang ảnh; 59 cuộn niên hiệu Minh Mệnh với 13.260 trang ảnh.

- Đại học Hawaii Hoa Kì trao tặng 6 cuộn Film 35mm dương bản, đề là của Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội chụp vào năm 1952 và 1955 gồm 06 cuốn sách Hán Nôm với 1400 trang ảnh. Trong số 6 sách này, cũng có những sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm không có.

4. Kết luận

Thư tịch cổ Việt Nam mà trước hết là thư tịch Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa của nhân loại nói chung. Nguồn tài liệu Hán Nôm đã ghi lại quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như các hoạt động chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, v.v... của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Để có được kho tư liệu Hán Nôm đồ sộ và giá trị như hiện nay, bao thế hệ người Việt Nam đã phải đổ máu, đổ nước mắt và mồ hôi, lặn lội khắp nơi để tìm kiếm và sưu tập về. Ngày nay, nhiệm vụ của chúng ta phải biết trân trọng gìn giữ và tiếp tục sưu tập cổ tịch, đẩy mạnh nghiên cứu khai thác cổ tịch và phát giá trị tinh hoa nền văn hóa truyền thống của dân tộc, phục vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Chú thích:

1. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch - Tập 2), Nxb. KHXH, H. 1998, tr.282.

2. Lê Quí Đôn toàn tập (bản dịch - Tập 3, Đại Việt thông sử), Nxb. KHXH, H. 1978, tr.99.

3. Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch - Tập 3),Nxb. KHXH, H. 1992, tr.63.

4. Lê Quí Đôn toàn tập (bản dịch - Tập 3, Đại Việt thông sử), Nxb. KHXH, H. 1978, tr.99.

5. Lê Quí Đôn toàn tập (bản dịch - Tập 3, Đại Việt thông sử), Nxb. KHXH, H. 1978, tr.100.

6. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch - Tập 2), Nxb. KHXH, H. 1998, tr.239.

7. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, (Bản dịch - Tập 1, Nhân vật chí), Nxb. KHXH, H. 1992, tr.201.

8. Lê Quí Đôn toàn tập (bản dịch - Tập 3, Đại Việt thông sử), Nxb. KHXH, H.1978, tr.101.

9. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch - Tập 2), Nxb. KHXH, H. 1998, tr.416.

10. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Bản dịch - Q.VIII), Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr.110.

11. Đại Việt sử ký tục biên (bản dịch), Nxb. KHXH, H. 1991, tr.134.

12, 13. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 1), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.838-839.

14. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 2), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.65.

15. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr.504.

16. Tổng tập tiểu thuyết Hán văn Việt Nam (bản dịch - Tập 1), Trần Nghĩa chủ biên, Nxb. Thế giới, H. 1997, tr.457.

17. Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch - Tập 1), Nxb. KHXH, H. 1998, tr.66.

18. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 1), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.610.

19. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 1), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.639.

20. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 1), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.963.

21. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 1), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.974.

22. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 1), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.997.

23. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 2), Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.65.

24. Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm,Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu,Nxb. Giáo dục, H. 1999, tr.15.

25. Minh Mệnh chính yếu (bản dịch - Tập V), Bộ Giáo dục & Thanh Niên, 1974, tr.89.

26. Đại Nam thực lục (bản dịch - Tập 7), Nxb. Giáo dục. H. 2001, tr.1107-1108.

27. Phan Thúc Trực: Quốc sử di biên, Nguyễn Thị Oanh giới thiệu và tổ chức biên dịch, Nxb. KHXH, H. 2010, tr.24.

28. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa - François Gros (đồng chủ biên), Nxb. KHXH, H. 1993.

29. Trịnh Khắc Mạnh: Công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong thời gian gần đây, Tạp chí Hán Nôm, số 3/2009.

Tài liệu tham khảo

1/ Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1972.

2/ Di sản Hán Nôm - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa - François Gros (đồng chủ biên), Nxb. KHXH, H. 1993.

3/ Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2002. Nxb. Văn hóa - Thông tin tái bản năm 2007./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (107) 2011, Tr.3 - 13)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Tịch Hán Nôm