TÌM HIỂU ĐÔI NÉT ĐẶC TRƯNG TÍN NGƯỠNG NƠI ĐÌNH LÀNG CỦA NGƯỜI HÀ NỘI XƯA QUA TƯ LIỆU VĂN BIA TRẦN THU HƯỜNG Viện Nghiên cứu Hán Nôm Từ Kinh đô Thăng Long đến Thủ đô Hà Nội của chúng ta ngày nay đã trải gần một ngàn năm lịch sử. Từ bấy đến nay, thủ đô của chúng ta luôn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Điều đó đã được khẳng định từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Hà Nội “... Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…”. Kinh đô ấy, nơi hội tụ của những tinh hoa dân tộc, một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đầu não của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bảo vệ tổ quốc. Hà Nội với những phong tục, tập quán làm ăn, tín ngưỡng văn hóa, lề lối sinh hoạt vật chất và tinh thần của riêng mình… tất cả đều được phản ánh khá rõ nét trong nguồn thư tịch Hán Nôm về Hà Nội. Bài viết này chúng tôi xin được giới thiệu đôi nét đặc trưng về văn hóa tín ngưỡng nơi đình làng của người Hà Nội xưa qua nguồn thư tịch văn bia đình Hà Nội hiện đang lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với mong muốn được góp một chút thông tin về văn hóa Hà Nội, tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đình là nơi hội tụ văn hóa của địa phương, hẹp là một thôn, rộng là một vùng. Đình với một hệ thống văn khắc khá phong phú, một trong những bằng chứng sinh động trong kho tàng di sản văn hóa thành văn của dân tộc. Do đó, muốn tìm hiểu những nét đặc trưng về văn hóa tín ngưỡng nơi đình làng của người Hà Thành xưa, nhằm khơi dậy và phát huy những nét đẹp truyền thống, tạo ra sự nối tiếp giữa quá khứ và hiện tại, chúng ta không thể bỏ qua nguồn tư liệu văn khắc rất quý giá đó là văn bia đình. Đây là những trang sử bằng đá, ghi lại chân xác những sự kiện lớn như việc xây dựng đình và những hoạt động văn hóa tín ngưỡng nơi đình làng như: quy ước tế lễ, hội họp bàn công việc chung của làng, ca hát, lễ hội… Những sự kiện có thể góp phần bổ sung cho chính sử, cho việc khảo cứu truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng. Ở nước ta, đình làng có mặt ở khắp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng là biểu trưng cho cộng đồng làng xã, một yếu tố hữu hình của văn hóa làng người Việt. Cũng giống như những ngôi đình khác thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, ngôi đình làng, đình phường của Hà Nội cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã người Hà Nội xưa, nơi làm việc của các chức dịch địa phương, và là nơi thờ thần Thành hoàng của mỗi làng. Vì vậy, loại văn bia tiêu biểu nhất ở đình là những tấm bia ghi việc công của làng xã như: khoán ước về ruộng đất, về phong tục tập quán của làng, tô thuế, ghi chép việc kiện tụng, giao kèo về việc hát cửa đình, ghi sự tích thần Thành hoàng làng, ghi công trạng những người nổi danh ở địa phương, ghi công ơn những người đóng góp cho dân (bia Hậu thần, bia Công đức) để xây dựng đình, ghi kiến trúc ngôi đình… Đình là chỗ họp để bàn các việc làng, để xử kiện, phạt vạ… theo những quy ước của làng như: Văn bia đình xã Phương Canh, huyện Từ Liêm (Đình môn bi ký, N0.1585-86), tạo năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) ghi “… văn khế bán cổng đình giáo phường giáp Thượng, xã Thư Thượng Mỗ cho thôn Thị Xêm, xã Hương Canh, có quy định lệ biếu xén vào ngày lễ lớn hằng năm…”; Văn bia đình xã Quan Nhân huyện Thanh Trì (nay thuộc huyện Từ Liêm) Hà Nội, tạo năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766) (ký hiệu: N0.1097-98) ghi việc “Các quan viên trùm trưởng và mọi người lớn nhỏ thôn Quan Nhân, xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín cùng nhau họp bàn lập bia bầu hậu cho ông họ Nguyễn người bản xã, tước Vinh thọ bá, trước là Cai hợp thị nội thư tả Binh Phiên, Triều liệt đại phu, Thông chánh sứ ty Thông chánh đại phu, Tuyên Quang đẳng sứ, Tán trị Thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ, là hậu duệ của ông công thần họ Nguyễn. Ông đã kế nối nghiệp nhà, canh tân thế nghiệp, khiến đất hoang sinh lợi, hợp với lòng người, mọi người nhớ ơn và tôn bầu ông làm Hậu thần”. Đình là nơi biểu diễn các kịch hát như: chèo, hát cửa đình - một hình thức phát triển trong các thế kỷ trước - nơi tiến hành các lễ hội, các trò chơi… như: Văn bia đình thôn Trung Đích, xã Thượng Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội (Xướng trù bi ký, N0.4199- 4200), tạo năm Chính Hòa thứ 25 (1704) ghi: “… Thôn Trung Đích, xã Thượng Trì, huyện Từ Liêm có lệ hát cửa đình để cầu thần linh, chúc thánh thọ, vui thái bình. Nay dân xã muốn làm chủ ca xướng đã mua quyền thu lợi hát cửa đình của Ty giáo phường thôn Đại Đề xã Thượng Mỗ trong huyện với giá 120 quan tiền sử, trích ra 15 quan tiền sử lập khế ước. Từ nay giáo phường sẽ không thu tiền trù (trò) của bản xã, có các vị chức sắc ký nhận …”; Văn bia đình xã La Dương, huyện Từ Liêm (Mãi đình trù lưỡng, N0.775-78), tạo năm Vĩnh Trị thứ 3 (1670) ghi: “… Khế ước mua bán quyền hát cửa đình. Trùm trưởng 4 giáp Ty giáo phường xã Thượng Mỗ do thiếu tiền quan dịch, đã bán quyền thu lợi hát cửa đình cho xã La Dương với giá 75 quan tiền cổ. Từ đó về sau, các ty giáo phường không được thu tiền trù hát cửa đình của xã La Dương. Có các vị Trùm phủ Nguyễn Đăng Án và chức sắc ký khế ước…”; Văn bia đình xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội (Xướng trù bi ký, N0.1066-1068), tạo năm Vĩnh Khánh thứ 1 (1729) ghi “… ghi bản giao ước bán bản quyền miễn trò, thu tiền ở đình xã Nghĩa Đô của nhóm Đông Hoàng, Đông Bách cho thôn Tiên Thượng và Trung Nha xã Nghĩa Đô…” Ngôi đình được dùng để thờ Thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có khi là nhiều vị, được gọi là “Thành hoàng” làng. Những vị thần thành hoàng đó có khi là những nhân vật lịch sử, các bậc quan lại cao cấp có đạo đức tư cách, vốn quê ở làng ấy hoặc ở làng khác. Nhưng đức độ và tiếng tăm lan rộng, được toàn dân trân trọng như: Văn bia đình thôn Hạ, xã Kim Mã, tổng Đại Lý Nội, huyện Hoàn Long (nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội), do Tiến sĩ Lê Cúc Hiên, chức Hàn lâm viện Thị độc, soạn, ghi “… Đình Trại Mã thờ phụng các vị Thượng thần Phùng đại vương và Lý Thái giám, các đời đều được ban sắc phong tặng …”; Văn bia đình Cổ Lương, phố Ngõ Ngạch, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, do Tiến sĩ Vũ Như soạn, tạo năm Tự Đức thứ 32 (1870), nhà Nguyễn, ghi “… Thôn Cổ Lương ở sát sông Nhị Hà, thờ thần Nam Hải Đại vương. Đình đã có hơn 100 năm nay, làm bằng gỗ lá. Nay hương lão đứng ra xây mới. Quy mô đình gồm chính cung 1 gian, bái đường 3 gian…”; Văn bia đình Yên Phụ, phường Yên Phụ quận Ba Đình, Hà Nội (Tạo hương hỏa bi ký, N0.814), dựng năm Khánh Đức thứ 3 (1651) cho biết: đình Yên Phụ thờ Thành hoàng Linh Lang Đại vương … Đình còn là nơi thờ những người nổi danh ở địa phương, những người đóng góp cho dân để chi dùng vào công việc chung của làng và dùng để xây dựng đình làng như: Văn bia đình xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Phụng sự bi ký, N0.3535-36), tạo năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), do Trần Hòe Hiên, Tiến sĩ khoa Quý Sửu soạn ghi “… Tổng Thái giám Nguyễn Thành Châu, tước Quỷ quận công. Ông là người nhân từ hiếu đễ, hay làm việc nghĩa giúp đời, xa gần đều mến mộ. Nay ông vui vẻ bỏ ra 6 mẫu ruộng tốt và 6 vạn tiền giúp dân làng lo liệu việc công. Cảm công đức ấy, quan viên hương lão trong thôn hội họp ở đình, bảo nhau tôn bầu Quỷ quận công làm Hậu thần. Có đặt nghi lễ cúng giỗ hàng năm, cuối bia có bài minh 8 câu tán thưởng công đức ông …”; Văn bia đình xã Công Đình, huyện Gia Lâm (Hậu thần bi ký, N0.2531-32), tạo năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742) ghi: “… Ông Tính quận công họ Nguyễn, tự Đào Luận, quan hàm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Nội giám ty lễ giám Tổng thái giám, tước hầu. Sau khi mất được tăng hàm Phụ quốc thượng tướng quân, Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy, thăng tước quận công. Ông đã cúng cho bản xã 200 quan tiền cổ, 60 cây gỗ lim, để chi dùng vào việc trùng tu đình của bản xã và 3 sào ruộng tốt để dân xã luân canh nộp hoa lợi chi dùng vào việc tế tự vị thần Thành hoàng thờ ở đình. Dân bản xã cam kết tôn thờ ông bà Tính quận công làm Hậu thần. Sau ông bà Tính quận công lại cúng thêm 200 quan tiền cổ để xin bản xã bầu Hậu cho cha mẹ bên vợ…”; Văn bia đình xã Nhân Mục tổng Mễ Đình, huyện Từ Liêm - Hà Nội (Lê Hoàng Nhẫn Trai tiên sinh thần đạo bi, N0.560), tạo năm Tự Đức thứ 21 (1868) ghi “… tiểu sử và hành trạng ông họ Lê Hoàng, hiệu là Nhẫn Trai, húy là Bành. Ông sinh ngày 6 - 4 năm Nhâm Tý, năm 30 tuổi đỗ giải Hương, thi hội không đỗ, triều đình vẫn trao giáo chức. Vì có mẹ già nên lui về quê dạy học, trong triều ngoài nội rất nổi tiếng. Ngày 5-3 năm Bính Ngọ đời vua Thiệu Trị, ông mất ở nhà, hơn một nghìn học trò họp nhau đưa đám, nhiều danh nho làm câu đối, điếu văn viếng ông…” Đình còn là nơi thờ các vị tổ nghề, người ta thường thờ các vị ở hậu đình như: Văn bia đình Hoa Lộc phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (Đan Loan Hoa Lộc thị bi ký, N0.147-46), tạo năm Bảo Đại thứ 4 (1929) ghi: “… Đan Loan (phủ Bình Giang tỉnh Hải Dương) là vùng đất nổi tiếng với nghề nhuộm, dân xã đi làm ăn ở khắp nơi, tập trung đông nhất là ở Hà Thành. Từ đời Lê Vĩnh Thịnh (1705-1719) dân ở đây đã quyên góp mua đất ở phường Đại Lợi, phố Hàng Đào làm đình thờ vọng vị Phúc thần và vị tổ nghề của 7 họ rồi đặt tên là đình Hoa Lộc …” Ngôi đình - trung tâm làng xã, có thể coi đình là một tòa thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hóa cộng lại của người dân Hà Thành xưa. Ngôi đình và tín ngưỡng thờ thần làng đã trở thành một biểu tượng, một thành tố tạo nên cái truyền thống làng, tâm lý làng, hướng về cội nguồn đã trở thành thuộc tính trong mỗi con người Việt Nam nói chung và của người Hà Thành nói riêng./. Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.380-385) |