- Trang chủ
- Giới thiệu
- Các phòng chuyên môn
- Các đơn vị trực thuộc
- Tin tức
- Tin hoạt động Sở
- Trong nước, quốc tế
- Hoạt động liên kết, phối hợp
- Văn hoá
- Nghiệp vụ văn hoá
- Di sản văn hoá
- Biểu diễn nghệ thuật
- Phát hành phim và Chiếu bóng
- Thư viện
- Thể thao
- Thể thao thành tích cao
- Thể thao quần chúng
- Du lịch
- Nghiệp vụ du lịch
- Điểm đến
- Dự án đầu tư
- Khách sạn, nhà nghỉ
- Tài nguyên du lịch
- Gia đình
- Phòng chống bạo lực gia đình
- Xây dựng gia đình văn hoá
- Toàn dân ĐKXDĐS văn hóa
- Khu dân cư văn hoá
- Xã, phường, thị trấn văn hoá
- CÁC TTHC
- Dịch vụ công
- CÁC TTHC
- Cải cách thủ tục hành chính
- Văn bản quy phạm pháp luật
- Hỏi đáp
- thống kê
Thư tịch cổ Hán Nôm với di sản Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương
Thứ 2 | 28/11/2016 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 6/12/2012. Điều đó thêm lần nữa khẳng định vùng đất Tổ Phú Thọ với vị thế địa - chính trị, địa-văn hóa đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Thế kỷ XVII, sách Nam Việt thần kỳ hội lục cho biết có 73 làng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 11 làng đã có sắc phong của triều đình. Mấy trăm năm sau, đến năm 1973 theo thống kê, nếu tính từ Việt Trì ngược sông Thao lên đến Hạ Hòa, ngược sông Đà lên đến Thanh Thủy, ngược sông Lô lên đến Đoan Hùng thì ít nhất cũng có đến 432, địa điểm, di tích; trong đó đình, đền, miếu thờ vua Hùng là 40 địa điểm, thờ vợ con các vua Hùng là 77 địa điểm, thờ Cao Sơn, Tản Viên và các tướng lĩnh là 288 địa điểm và có 87 di tích khác có liên quan đến các sự kiện lịch sử thời các vua Hùng. Năm 2010-2011, kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đã xác định toàn tỉnh có 181 di tích thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 46 di tích thờ cúng Hùng Vương với danh xưng trực tiếp, 108 di tích với danh xưng do các vương triều phong kiến phong tặng. Xin được dẫn dắt như vậy để minh chứng rằng trong các di tích thờ cúng Hùng Vương, một phần không thể thiếu là thư tịch cổ Hán Nôm gắn liền với di tích. Đó là ngọc phả, thần tích, sắc phong, văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối…ngoài việc những thư tịch này kết hợp với mỹ thuật chạm trổ trên gỗ để xác định niên đại một cách tuyệt đối và cho di tích một giấy khai sinh chân xác, nó còn đóng vai trò quan trọng xác minh vị thần được thờ thời Hùng Vương với trực tiếp danh xưng, hay là vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương. Về thư tịch giấy trong di tích có thần tích, ngọc phả, sắc phong, văn tế, tục lệ…các thư tịch cổ này được chép chuẩn mực bằng chữ Hán Nôm và có niên đại thời Lê, hoặc thời hậu Lê sau này, do các cụ “Trực học sỹ” Nguyễn Cố (1470) hoặc “Đông Các đại học sỹ” Nguyễn Bính (1572), “Hùng Lĩnh thiếu khanh” Nguyễn Hiền (1736) phụng soạn. Bản ngọc phả cổ truyền 18 chi đời thánh vương triều Hùng có niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, do Hàn lâm viện “Trực học sỹ” Nguyễn Cố phụng soạn đã cung cấp muôn đời cho con cháu niềm tự hào và sự khẳng định Vua Hùng dựng nước Văn Lang truyền được 18 đời, đóng đô ở trung tâm bộ Văn Lang (Việt Trì). Thư tịch quan trọng không kém là sắc phong của các triều đại. Các vương triều phong kiến đều ban tặng sắc phong cho các vị thần được thờ, ban mỹ tự hoặc ban cho dân làng tiếp tục được lưu thờ vì thần có công giữ nước giúp dân thường hiển linh ứng. Khi các đấng quân vương được nối nghiệp rồng, hoặc mừng sinh nhật của vua cha đều ban sắc và làng ấy, nơi thờ tự ấy thật vinh dự thay. Xin được lấy ví dụ một đạo sắc gốc của đền Vân Luông làm minh chứng: Sắc chỉ ban cho xã Vân Luông, huyện Phù Ninh, tỉnh Sơn Tây phụng thờ như cũ miếu Hùng Vương, trải qua các kỳ được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31(1878) trị vì, gặp tiết lớn mừng thọ vua ngũ tuần, ban chiếu báu ơn dầy, có lễ thăng trật long trọng, đặc chuẩn cho được thờ phụng như cũ để liệt vào tế lễ của nước, biên trong điển lệ thờ cúng. Hãy kính theo! Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880). Thư tịch Hán Nôm trên gỗ trong các di tích thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương có rất nhiều tự dạng song tập trung vào các loại như: Bài vị, Hoành phi, câu đối… Bài vị được bố trí đặt trong lòng long ngai để ghi tên các vị thần được thờ (Đột ngột Cao sơn Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương vị, Ất Sơn thánh vương vị, Viễn Sơn thánh vương vị) thường được ghi bằng chữ Hán Nôm sơn then màu đen, hay trang trọng hơn là thếp vàng. Hoành phi là tấm biển lớn được sơn son thếp vàng lộng lẫy, có nhiều kiểu dáng, có thể là một hoành phi mặt phẳng, có thể được đục chạm công phu, bề mặt hoành phi trang trí triện gấm, vẽ lưỡng long tranh châu. Nội dung có 3 hoặc 4 chữ Hán lớn và mang hàm nghĩa nhắc nhở cháu con, thế hệ mai sau phải biết “uống nước nhớ nguồn” (Ẩm hà tư nguyên); Hùng Vương linh tích (Vết tích linh thiêng của vua Hùng)…Đi cùng với hoành phi là câu đối hay còn gọi là đối liễn với hình thức mặt phẳng, hoặc lòng máng được chạm trổ cách điệu hình rồng, cúc dây, phúc dơi, hoa văn triện gấm. Nội dung ca tụng công đức của vua Hùng, ca ngợi phong cảnh sơn chầu thủy tụ, khẳng định Bách Việt là có Tổ: Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn Nghĩa là Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, non sông Bách Việt đã có tổ Núi sáng linh thiêng, cố cung lập thành miếu, ba sông một dải hướng về nguồn (Đền Hùng) Ngoài ra trong các di tích còn có các thư tịch Hán Nôm khác như văn bia, chuông, khánh ghi công đức, ghi những sự việc liên quan đến di tích, tu sửa đình đền, tu sửa đường lên núi (bia đền Hùng), ghi công đức (bia đền Tam Giang, Mộ Chu Hạ - Bạch Hạc)...Chỉ đơn cử như ở thành phố Việt Trì - Kinh đô Văn Lang xưa, nơi tập trung nhiều những di tích kiến trúc nghệ thuật liên quan tới thời đại Hùng Vương dựng nước, chúng tôi đã thống kê được 434 loại thư tịch cổ Hán Nôm và đã sưu tầm, chụp ảnh, dập thác bản, ghi chép được: Văn bia 13; minh chuông 11; hoành phi 65; câu đối 115; thần tích, ngọc phả 29; sắc phong 74; bài vị 61… Như vậy có thể khẳng định thư tịch Hán Nôm trong di tích tại tỉnh Phú Thọ có liên quan đến thời đại các Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh các Vua Hùng rất đa dạng phong phú về loại hình thư tịch. Vấn đề ở đây là chúng ta sẽ vận dụng và khai thác nguồn thư tịch cổ này như thế nào trong thời gian tới để phục vụ cho công tác tuyên truyền hậu di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ. Bởi lẽ chỉ cần một cuốn ngọc phả “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương ngọc phả cổ truyền) vào thời Lê Thánh Tông đã khẳng định được Vua Hùng là bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời đất. Cũng nhờ đó mà triều đình nhà hậu Lê sau này mới có đủ điều kiện làm lễ “Tế Giao” như các vua phương Bắc. Trong Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sỹ Liên) đã chắp bút đề họ Hồng Bàng vào chính sử. Từ đó về sau vua Hùng được tôn là Thánh Tổ và được chính quyền Trung ương công nhận, nhân dân mọi miền tổ quốc được phép xây dựng đền thờ vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương dựng nước. Thư tịch Hán Nôm là một phần không thể thiếu đối với di tích kiến trúc nghệ thuật tỉnh Phú Thọ nói chung và đối di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng. Nó là nguồn sử liệu quý góp phần nhỏ bé vào việc minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Chỉ còn đó bên lăng bên tẩm, để con cháu hàng năm về viếng Tổ, bên mồ ông thắp nén tâm nhang thành kính và khắc ghi trong mình dòng máu Lạc Hồng, giống nòi mãi nhớ mồ ông, đúng như câu đối Nôm khắc bên lăng Hùng Vương: Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà non nước vẫn quay về đất Tổ Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông
Lê Công Luận (Phó trưởng phòng DSVH – Sở VHTT&DL)
Sắc phong có niên đại Thiệu Trị năm thứ 6 (17/11/1846) (Đình Thét – xã Kim Đức – TP Việt Trì) Sắc phong có niên đại Tự Đức năm thứ 33 (24/11/1880) (Đền Vân Luông - xã Vân Phú - TP Việt Trì) Các tin khác - Vua Hùng trọng dụng hiền tài
- Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa làng Minh Nông
- Nghi lễ thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Kết quả sau 3 năm thực hiện chương trình hành động Bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
- Tục thờ lúa trong các lễ hội dân gian gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ
- Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
- Qùa tặng lưu niệm du lịch kỷ vật mang bản sắc vùng Đất Tổ Hùng Vương
- Vua Hùng trong tâm thức Hồ Chí Minh
- Nha chương - Báu vật của văn hóa thời đại Hùng Vương
- Dấu tích Kinh đô Văn Lang thời đại Hùng Vương trên địa bàn thành phố Việt Trì
- Giỗ Tổ Hùng Vương - Nét độc đáo của văn hóa Việt
- Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn Tỉnh Phú Thọ.
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Sau 5 năm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ sau 2 năm được UNESCO vinh danh
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
- Hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống nghi lễ, tục thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”
- Đền Hùng – Điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh về cội nguồn
- Giá trị văn hóa Hùng Vương trong thời đại ngày nay
Văn bản mới
- Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực Gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Thông tư bãi bỏ thông tư liên tịch số 32/2000/TTLT-BTC-BVHTT ngày 26 tháng 4 năm 2000 của liên Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở ngoài công l
- Quyết định phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thông báo mới
- 10 sự kiện và kết quả nổi bật của tỉnh Phú Thọ năm 2024
- Truyền thống hiếu học trên vùng Đất Tổ thời phong kiến tự chủ qua trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương
- Thông báo Mời tham dự cuộc thi thiết kế logo, bộ nhận diện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2025)
- Công bố công khai tình hình thực hiện ngân sách 6 tháng đầu năm 2024
- QUYẾT ĐỊNH Về việc công khai chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2024
Liên kết Website.... Cổng dịch vụ công tỉnh Phú Thọ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Phú Thọ Thời tiết Thống kê
Trực tuyến:
Hôm nay:
Tổng:
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH PHÚ THỌ Người chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Giấy phép số: 05/GPTTĐT-STTTT, ngày 11/06/2014 do Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cấp. Trụ sở cơ quan: Đường Trần Phú, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Điện thoại: 0210.3846 390 - Email: sovhttdl@phutho.gov.vn. thietkewebchuyen.com,congdongtin.com, muazui.com