Sự Chuyển Nghĩa Thú Vị Của Từ Hán Việt | VOV2.VN

TS Trần Tiến Khôi, chuyên ngành Hán Nôm, trường Đại học Thăng Long, Hà Nội phân tích sự chuyển nghĩa thú vị của từ Hán - Việt trong chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Rất nhiều từ Hán - Việt không còn giữ nghĩa gốc

Từ “thủ đoạn” trong tiếng Hán có 3 nghĩa: thứ nhất, phương pháp cụ thể để đạt được mục đích nào đó; thứ hai, chỉ cách thức không chính đáng trong đối nhân xử thế; thứ ba là bản lĩnh, năng lực. Nhưng trong tiếng Việt, “thủ đoạn” có một nghĩa là cách làm khôn khéo, thường là xảo trá, chỉ cốt sao cho đạt được mục đích. Ví dụ: “thủ đoạn làm giàu”, “không chừa một thủ đoạn nào”. Từ “thủ đoạn” vào tiếng Việt đã được Việt hóa theo xu hướng thu hẹp nghĩa.

Nghĩa của từ “bành trướng” trong tiếng Hán, thứ nhất là chỉ độ dài hoặc thể tích của vật tăng lên do nhiệt độ hay nhân tố nào đó; thứ hai, nghĩa phái sinh là sự vật hoặc sự việc tăng trưởng, mở rộng. Còn Từ điển tiếng Việt giải thích từ “bành trướng” là mở rộng khu vực tác động ra. Ví dụ: “bành trướng về kinh tế”, “thế lực ngày một bành trướng”. Đây cũng là trường hợp Việt hóa thu hẹp nghĩa.

Có những từ biến đổi hoàn toàn về nghĩa

Từ “phương tiện” trong tiếng Hán có hai nghĩa. Thứ nhất là “tiện lợi”, “tiện nghi”; thứ hai là “thích hợp”. Trong Từ điển tiếng Việt giải nghĩa “phương tiện” là cái dùng để làm một việc gì, để đạt được mục đích nào đó. Ví dụ: “phương tiện giao thông”, “văn học là phương tiện để truyền bá văn hóa tư tưởng”. Trường hợp này biến đổi hoàn toàn về nghĩa, tiếng Hán dùng như tính từ, tiếng Việt dùng như danh từ.

Từ “khúc chiết” trong tiếng Hán có các nghĩa, thứ nhất là “cong”, “quanh co”; thứ hai là “phức tạp”, “không minh bạch”. Khi vào tiếng Việt từ “khúc chiết” có nghĩa là cách diễn đạt có từng ý, từng đoạn rành mạch và gãy gọn. Ví dụ: “nói khúc chiết”, “trình bày khúc chiết”. Như vậy trường hợp từ “khúc chiết” là Việt hóa theo hướng mở rộng nghĩa và dần dần biến đổi hoàn toàn về nghĩa, thậm chí trái nghĩa.

Hiện tượng từ Hán-Việt biến đổi so với nghĩa gốc là phù hợp với quy luật của sự phát triển ngôn ngữ

Theo TS.Trần Trọng Khôi, bản thân văn hóa Hán khi du nhập vào Việt Nam cũng đã có độ khúc xạ nhất định, hay nói cách khác là có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội của người Việt. Ví dụ các khái niệm “trung”, “hiếu” khi vào Việt Nam đã biến đổi. Ở Trung Quốc là trung với chủ, hiếu với cha mẹ. Ở Việt Nam ngoài ý nghĩa trên còn có “trung với nước, hiếu với dân”.

Ngôn ngữ và văn tự là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa. Vì vậy lớp từ Hán Việt khi vào Việt Nam buộc phải chấp nhận những điều kiện do nhu cầu của người Việt đặt ra cho phù hợp với môi trường mới.

Mặt khác, ngôn ngữ có tính quy ước, nghĩa là được cộng đồng chấp nhận. Do đó, trường hợp yếu tố Hán vào tiếng Việt đã được người Việt quy ước lại về nghĩa trên vỏ ngữ âm vốn có của tiếng Hán để phù hợp với cách dùng ngôn ngữ của người Việt. Ví dụ, người Trung Quốc nói “Thái Sơn”, “Hoàng Hà”, “cổ thụ”, “đế quốc” nhưng người Việt lại nói “núi Thái Sơn”, “sông Hoàng Hà”, “cây cổ thụ”, “nước đế quốc”… Mặc dù “sơn” nghĩa là “núi”, “hà” nghĩa là “sông”, “thụ” nghĩa là “cây”..., nhưng trường hợp này là do quy ước, nên coi đây là cách dùng từ đúng chứ không phải dùng từ thừa.

Sự Việt hóa về nghĩa này đã, đang và còn diễn ra liên tục theo yêu cầu của việc sử dụng ngôn ngữ. Vấn đề Việt hóa ngôn ngữ thể hiện rõ sự linh hoạt, sáng tạo trong tiếp biến ngôn ngữ, góp phần làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng giàu đẹp.

Từ khóa » Hoa Là Gì Trong Hán Việt