'Thấu Cảm' - Lạ Nhưng đủ Hiểu - Tiền Phong

Rất nhiều lời khen cho đề thi Ngữ văn THPT cấp Quốc gia năm nay: Đề mở, đề hay, đề hướng đến vấn đề nhân văn… Nhưng có khá nhiều câu hỏi đặt ra quanh từ “thấu cảm” được dùng trong đoạn trích cuốn sách “Thiện, Ác & Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang, vị tiến sỹ kinh tế đã từng gây bão trong cộng đồng mạng quanh vấn đề làm từ thiện.

'Thấu cảm' - lạ nhưng đủ hiểu ảnh 1

Bìa cuốn sách mới ra mắt của tác giả Đặng Hoàng Giang.

Còn xa lạ

“Thiện, Ác và Smartphone” là một cuốn sách được phát hành chưa lâu (24/1/2017), do Nhã Nam liên kết với NXB Hội Nhà Văn thực hiện. Đây là tập tiểu luận thứ hai, sau “Bức xúc không làm ta vô can”, ra mắt năm 2015 gây tiếng vang của tác giả. “Thiện, Ác và Smartphone” được “chào hàng” như sau: “Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng, khi trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Những câu chuyện thời sự nóng bỏng trong Thiện, Ác và Smartphone của Đặng Hoàng Giang đã phác họa sắc nét bức chân dung của văn hóa làm nhục thời mạng xã hội, với toàn bộ sự xấu xí và sức phá hủy của nó”.

Việc đưa một đoạn trích trong cuốn sách mới, của một tác giả “không tên” trong văn chương, có nội dung tiệm cận với vấn đề thời sự của giới trẻ, khiến không ít người ngỡ ngàng. Chính cha đẻ “Thiện, Ác và Smartphone” cũng bất ngờ. Anh chia sẻ với phóng viên TPCN: “Thường thì những tác phẩm văn học “kinh điển” hoặc những tác phẩm cách mạng như “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, được lấy ra làm đề thi. Riêng chuyện lấy một tác phẩm đương đại, phản ánh vấn đề xã hội hiện nay lại mới xuất bản làm đề thi, theo tôi, khá cởi mở”.

Về từ “thấu cảm”, Đặng Hoàng Giang cho biết: Trong tiếng Anh từ empathy có nghĩa tương đương với “thấu cảm” được dùng phổ biến. Anh cũng không rõ vì sao “thấu cảm” ít được người Việt sử dụng, “khái niệm này thiếu vắng, không được nhắc đến”. Dịch giả Lê Quang cũng khẳng định: Từ này có trong tiếng Đức (empathie).

Phải chăng do “thấu cảm” được lặp đi lặp lại trong đoạn trích của đề thi nhưng lại là một từ khá xa lạ với phần đông người Việt khiến một bộ phận dư luận, đã qua thời “sĩ tử”, bối rối? Có người bình: “Khó nhỉ, nói thật hơn 30 tuổi đầu, chưa nghe từ thấu cảm, không rõ là gì?”. Có người làm thơ “chọc”: “Thấu là sâu đến tận cùng/Cảm là cảm xúc mông lung ở đời” v.v... Ngay cả những người quanh năm gắn bó với câu chữ cũng ngạc nhiên không kém khi nhắc đến “thấu cảm”. Một thạc sỹ công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam thú nhận: “Chưa từng nghe từ này bao giờ”. Có những người đã đem mổ xẻ đề thi và luận tội nặng nề: Đoạn trích trong đề thi thiếu hiểu biết. Tác giả có thể “bị ngộ chữ, cuồng chữ” v.v…

'Thấu cảm' - lạ nhưng đủ hiểu ảnh 2

“Không rõ vì sao khái niệm “thấu cảm” ít được người Việt dùng?” (Đặng Hoàng Giang).

Có trong từ điển

Nữ tiến sỹ Bùi Thiên Thai, Viện Văn học, một dịch giả tiếng Trung có uy tín ở mảng văn học, đã khẳng định: “Thấu cảm không có nguồn gốc tiếng Trung”. Theo tiến sỹ, đây là một từ do người Việt tự tạo ra, theo hình thức tạo từ: “Thấu” và “cảm” là hai từ Hán Việt khác nhau. “Thấu” như ta hay nói là thẩm thấu (“thấu” nghĩa là thấm, “thẩm thấu” nghĩa là thấm qua, xuyên qua). Còn “cảm” rõ ràng là cảm xúc rồi. Thấu cảm là cách tạo từ mới của tiếng Việt, dựa trên hai từ Hán Việt đã có”. Theo nữ tiến sỹ: “Không nên chê trách, sinh ngữ là thế, cuộc sống luôn vận động và từ mới được sinh ra. Hai từ Hán Việt cũ tạo ra một từ mới”.

Cùng quan điểm không nên “ném đá” từ mới, Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đánh giá về phần đề thi liên quan tới đoạn trích “thấu cảm”: “Không có gì đánh đố học sinh ở đây cả. Cách ra đề thi này giúp cho sự phân loại chất lượng thí sinh được rõ ràng, thể hiện qua ứng xử của mỗi thí sinh khi làm bài. Đoạn trích theo cá nhân tôi, hoàn toàn ổn, đó không phải bản dịch, mà là đoạn viết của người có thể nổi tiếng hoặc không”. Tiến sỹ Phạm Văn Tình cũng công nhận: “Nó hơi lạ một chút nhưng vì thế mới bắt thí sinh phải động não. Sự động não này không đến mức phức tạp, thí sinh đã có một năng lực văn học và ngôn ngữ nhất định, có thể làm được bài hay. Đưa vào đề thi một văn bản quá quen thuộc chưa chắc đã thú bằng”.

Một bộ phận dư luận phản ứng với “thấu cảm” với lí do: Từ này không có trong Từ điển tiếng Việt. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam bác bỏ: “Từ “thấu cảm”, cũng như “trắc ẩn” đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, từ 2007 đến 2017)”. (Trong Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2011, in lần thứ tư, có sửa chữa, gồm 41.300 mục từ, đã định nghĩa “thấu cảm” như sau: “cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc”, thí dụ “thấu cảm lòng nhau” -PV). Theo Tiến sỹ Phạm Văn Tình, từ “thấu cảm” tuy còn lạ nhưng học sinh hoàn toàn có thể suy luận và hiểu, bởi vì họ đều hiểu hai từ thấu hiểu và cảm thông, để từ đó suy ra từ “thấu cảm”.

Một số ý kiến phản đối việc dùng từ Hán Việt (“thấu cảm”, “trắc ẩn”), tương tự như việc dùng một số từ được coi là ngoại lai (“fan”, “smartphone”), trong đoạn trích của đề thi. Họ cho rằng, việc dùng các từ đó ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam có cách nhìn thoáng hơn: “Chúng ta cần thấm nhuần một điều: Từ Hán Việt (chiếm một tỷ lệ lớn trong từ vựng tiếng Việt) là một bộ phận của từ tiếng Việt. Mặc dù có xuất xứ từ nguyên là tiếng Hán, nhưng các từ này đã được Việt hóa cả về cách đọc và cách dùng (về ngữ nghĩa, theo cách của người Việt). Giới Việt ngữ học cho từ Hán Việt đã là tài sản của tiếng Việt”. Ông nhắn nhủ dư luận: “Đừng thấy cái gì lạ là lập tức phản đối ngay”.

Tác giả Đặng Hoàng Giang tâm sự với phóng viên TPCN: “Nếu qua ồn ào này, người ta để ý nhiều hơn đến khái niệm “thấu cảm” là điều tốt, nếu người ta chỉ lấy nó để dùng trong việc đùa giỡn với nhau thì… có gì vui?”. Nhưng rõ ràng Đặng Hoàng Giang nên vui, bởi vượt qua bao nhiêu cây bút văn chương tên tuổi cả trong quá khứ và đương đại, đoạn trích trong cuốn sách mới sinh của anh đã góp mặt trong đề thi môn văn, tốt nghiệp THPT, cấp Quốc gia. Lựa chọn này khiến không ít người yêu văn chương “nội” hẫng: Có gì đó “sai sai” bởi đoạn trích không phải áng văn tiêu biểu, trong khi thông điệp “thấu cảm” văn học Việt thiếu chi? Song đó lại là câu chuyện khác…

Nông Hồng Diệu

Từ khóa » Thấu Nghĩa Là Gì