Thay Thế Biện Pháp Ngăn Chặn Trong Trường Hợp Hết Hạn Tạm Giữ Và ...

Bộ luật TTHS năm 2015 khi thực hiện trên thực tiễn đã phát sinh một số vướng mắc cần được hướng dẫn, sau đây là một ví dụ.

Ngày 03/4/2018, Nguyễn Văn A có hành vi trộm cắp tài sản và bị bắt quả tang, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ 03 ngày sau đó gia hạn tạm giữ lần 1, lần 2 đối với A. Ngày 12/4/2018, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với A về tội trộm cắp tài sản và đề nghị Viện kiểm sát thay thế biện pháp ngăn chặn. Khi thực hiện đề nghị của CQĐT đã xảy ra một số vấn đề cần trao đổi như sau:

1. Về thẩm quyền thay thế biện pháp ngăn chặn đối với A.

Khoản 2 Điều 125 Bộ luật TTHS quy định: CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định.

Có quan điểm cho rằng, căn cứ khoản 2 Điều 125 BLTTHS thì CQĐT cũng có quyền thay thế biện pháp ngăn chặn đối với A vì:

+ Biện pháp tạm giữ trong trong trường hợp phạm tội quả tang là do CQĐT quyết định, không cần phê chuẩn của Viện kiểm sát (Viện kiểm sát chỉ phê chuẩn gia hạn tạm giữ mà gia hạn tạm giữ không phải là biện pháp ngăn chặn theo Điều 109 Bộ luật TTHS. Mặt khác, Bộ luật TTHS chỉ quy định các biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc thay thế, hủy bỏ do Viện kiểm sát quyết định);

+ Hệ thống biểu mẫu do VKSND tối cao ban hành chỉ có quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn, quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam, cho bảo lĩnh, tạm hoãn xuất cảnh mới căn cứ Điều 125 Bộ luật TTHS và tất cả các biện pháp này đều được thực hiện sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vậy, có thể hiểu trong trường hợp hết hạn tạm giữ mà khởi tố bị can và cần áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thì thẩm quyền thuộc CQĐT (nội dung này đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn khi thực hiện Bộ luật TTHS năm 2003, khi hết hạn tạm giữ, CQĐT tự ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn).

2. Việc sử dụng mẫu tố tụng

Khoản 1 Điều 132 Bộ luật TTHS quy định “Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất”.

Căn cứ điều luật nêu trên, trong trường hợp Viện kiểm sát chấp nhận đề nghị của CQĐT thay thế biện pháp ngăn chặn đối với A thì phải sử dụng theo mẫu quy định. Tuy nhiên, Hệ thống biểu mẫu tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố do Viện KSND tối cao ban hành thì có 03 loại biểu mẫu liên quan đến vấn đề này và việc sử dụng các mẫu này đều không phù hợp, cụ thể là:

+ Mẫu số 33- Quyết định hủy bỏ Quyết định tạm giữ. Mẫu này căn cứ Điều 117 Bộ luật TTHS (khoản 4 Điều 117 “Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”);

Như vậy, có thể hiểu chỉ sử dụng mẫu này trong trường hợp Viện kiểm sát xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết và thực hiện ngay sau khi nhận được quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền đến trước khi hết hạn tạm giữ.

+ Mẫu số 34- Quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ. Mẫu này căn cứ Điều 118 Bộ luật TTHS (khoản 3 Điều 118 “Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì CQĐT…phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”);

Với căn cứ trên, có thể hiểu việc quyết định tạm giữ là có căn cứ, trong khi tạm giữ (kể cả khi đã gia hạn tạm giữ) nếu xét thấy không có căn cứ (hoặc chưa đủ căn cứ) để khởi tố bị can thì CQĐT hoặc Viện kiểm sát phải ra quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ. Trường hợp này có thể ban hành quyết định trả tự do bất cứ lúc nào, từ khi quyết định đến khi hết hạn tạm giữ hoặc hết hạn gia hạn tạm giữ.

+ Mẫu số 42- Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn. Mẫu này căn cứ Điều 125 Bộ luật TTHS.

Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật TTHS thì chỉ sử dụng mẫu này trong trường hợp bị can đang bị tạm giam và xét thấy không cần thiết phải tạm giam nữa để áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (cho bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền…).

Với những vướng mắc nêu trên, rất cần có sự hướng dẫn để thực hiện thống nhất, đúng quy định./.

Lê Văn Cường- VKSND huyện Lạng Giang

Từ khóa » Thay Thế Hay Huỷ Bỏ Biện Pháp Ngăn Chặn