Ý NGHĨA CAN THIỆP SỚM LÀ GÌ?

Can thiệp sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ bị giảm thính lực (trẻ khiếm thính) phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Tùy vào sự lựa chọn của phụ huynh, trẻ khiếm thính có thể học để giao tiếp bằng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ ký hiệu.

Muốn trẻ khiếm thính học ngôn ngữ nói, phụ huynh phải nhớ rằng: Trong những tháng năm đầu đời, não của trẻ con phát triển rất nhanh chóng. Nếu không nghe được âm thanh, não của trẻ sẽ không phát triển các kết nối quan trọng cần thiết để sử dụng âm thanh và để học ngôn ngữ nói.

Khi tham gia chương trình/dịch vụ can thiệp sớm, phụ huynh sẽ được cung cấp sự hỗ trợ để tiếp cận chương trình, liệu pháp, thông tin về công nghệ trợ thính (máy trợ thính, ốc tai điện tử, máy trợ thính đường xương…); được hướng dẫn để biết cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

1/ Can thiệp sớm là gì?

  • Là việc lập kế hoạch và cung cấp các dịch vụ có chất lượng mang tính hỗ trợ nhu cầu – khả năng của trẻ và gia đình trẻ để thúc đẩy sự phát triển của trẻ từ lúc được chẩn đoán là bị khiếm khuyết đến khi trẻ đi học tiểu học.
  • Sự hỗ trợ được thực hiện bằng những tiết cá nhân có thể diễn ra tại nhà hoặc tại các cơ quan chức năng: trường mẫu giáo, trung tâm giáo dục trẻ khiếm thính, công ty trợ thính . . .
  • Việc can thiệp được thực hiện càng sớm thì càng tốt cho trẻ.

2/ Trẻ khiếm thính cần theo chương trình can thiệp sớm nào?

  • Chương trình can thiệp sớm cung cấp cho phụ huynh sự hỗ trợ mang tính chuyên nghiệp.
  • Chương trình can thiệp sớm trẻ khiếm thính có thể được thực hiện theo các đường hướng khác nhau: thính giác – lời nói, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu . . .
  • Phụ huynh trẻ khiếm thính muốn con mình giao tiếp bằng phương tiện gì? Bằng tai và miệng, bằng tay và mắt, . . .
  • Phụ huynh trẻ khiếm thính cần sớm biết khả năng của trẻ, chất lượng công nghệ hỗ trợ trẻ, (được các nhà chuyên môn tư vấn sau khi có chẩn đoán đầy đủ về sức nghe của trẻ khi không có và khi có mang công nghệ trợ thính hỗ trợ), . . . để lựa chọn chương trình can thiệp sớm với những liệu pháp hoặc dịch vụ phù hợp cho sự phát triển của trẻ.

3/ Tại sao chẩn đoán là quan trọng?

  • Can thiệp sớm sẽ có hiệu quả thiết thực nhất khi ta đáp ứng được nhu cầu cá nhân của trẻ sớm. Để đáp ứng được nhu cầu riêng của trẻ, ta cần chẩn đoán sớm và đúng trẻ đang bị vướng mắc ở đâu.
  • Việc chẩn đoán khiếm thính ở trẻ em để có được một bức tranh tổng thể về khả năng nghe của trẻ khi không có và khi có công nghệ hỗ trợ thính giác sẽ được thực hiện bởi nhiều nghiệm pháp khác nhau trong bộ nghiệm pháp đo thính lực.

4/ Tại sao phải can thiệp sớm theo hướng thính giác – lời nói?

  • Vì những năm tháng đầu đời của con người là khoảng thời gian học tập tối ưu. Đây là thời gian then chốt nhất, nhạy cảm nhất trong việc học ngôn ngữ của con người.
  • Vì những năm tháng đầu đời của trẻ là khoảng thời gian phát triển nhiều nhất của não bộ, để đến 3 tuổi thì não bộ của con người có hàng tỷ liên kết và đạt đến 2/3 kích cỡ của người lớn và vì nhiều nghiên cứu về khoa thần kinh đã chỉ ra rằng não của trẻ con phát triển phụ thuộc vào cách mà trẻ được nuôi dưỡng và kích thích trong những năm đầu đời. Như vậy nếu não thính giác của trẻ được kích thích trong giai đoạn này thì não thính giác sẽ phát triển mà không bị những vùng vỏ não khác phát triển lấn át.
  • Vì có nghiên cứu chỉ ra rằng: “Sự thiếu hụt về lời và lý luận thường thấy nơi những trẻ mà sự quản lý về mặt giáo dục và thính giác bắt đầu chậm trễ.” (Geers & Moog, 1989). Nếu để giai đoạn vàng của việc học ngôn ngữ trôi qua thì sau đó chúng ta không thể quay ngược thời gian trở lại để hỗ trợ trẻ đúng trong giai đoạn vàng được.
  • Vì trẻ khiếm thính cần được phát triển đồng thời với trẻ nghe được: “Những kỹ năng mà trẻ làm chủ được càng gần với thời gian trước lập trình sinh học mong đợi càng tốt, đây là thành quả của sự phát triển đồng thời.” (Robbins và các đồng sự 2004)
  • Vì giai đoạn < 3 tuổi, trẻ được phụ huynh dành nhiều thời gian trong một ngày cho trẻ nhất để có thể nạp ngôn ngữ nói cho trẻ cách tự nhiên và tích cực nhất.
  • Vì 95% trẻ bị giảm thính lực được sinh ra trong những gia đình nghe nói bình thường. Trẻ cần được học nghe nói vì phụ huynh là người dạy trẻ chủ yếu mà phụ huynh giỏi nhất là nghe nói tiếng mẹ đẻ chứ không phải là một phương tiện giao tiếp nào khác, ví dụ như ký hiệu chẳng hạn.
  • Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ khiếm thính được mang công nghệ trợ thính phù hợp và được can thiệp sớm đúng liệu pháp trước 6 tháng tuổi có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ – lời nói ngang tầm với trẻ nghe được cùng trang lứa.
  • Ở người, vỏ não thính giác trực tiếp tham gia vào quá trình tiếp nhận lời nói và xử lý ngôn ngữ. (Kretzmer và các đồng sự, 2004).
  • “Sự trưởng thành bình thường của các đường thính giác trung tâm của não là cần thiết cho sự phát triển bình thường của lời nói và kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ em.” (Sharma và các đồng sự, 2009).

Can thiệp sớm có thể tạo sự khác biệt tích cực đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính. Can thiệp càng sớm càng giúp giảm thiểu sự chậm trễ phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính, bất kể là trẻ khiếm thính ở mức độ nặng và sâu.

Trẻ khiếm thính nặng hoặc sâu, khi được cấy ghép ốc tai trước 12 tháng tuổi hoặc sử dụng máy trợ thính trước 6 tháng tuổi thì các mốc phát triển của những trẻ này sẽ đi gần với các mốc phát triển về ngôn ngữ – lời nói của trẻ nghe bình thường và sẽ tiến bộ nhiều hơn so với những trẻ tiếp nhận sự can thiệp muộn.

Nguồn: Quỹ Toàn Cầu Dành Cho Trẻ Khiếm Thính. Thực hành liệu pháp thính giác – lời nói

Tìm hiểu thêm: Dịch vụ trị liệu ngôn ngữ AVT của Trợ Thính Quang Đức

Từ khóa » Thiệp Nghĩa Là Gì