Bác Hồ Dùng ẩn Dụ Con Vật, Loài Vật Chỉ Lũ đế Quốc, Thực Dân Xâm Lược

.THANH NGUYÊN

 

Có hai loại ẩn dụ trào phúng trong văn xuôi Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh là ẩn dụ phê phán, đả kích và ẩn dụ phê bình, nhắc nhở. Loại thứ nhất hướng tới kẻ thù của dân tộc, của nhân loại yêu hoà bình để vạch trần những tội ác, những thủ đoạn ghê tởm đi ngược lại đạo lý, tình người. Loại thứ hai hướng tới những thói hư tật xấu trong cán bộ nhân dân với mong muốn mọi người tốt hơn, tiến bộ hơn. Chính vì thế dạng tiếng cười này cũng mang tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Trong loại ẩn dụ phê phán Người hay dùng ẩn dụ vật hoá để nêu bật bản chất thú tính của chủ nghĩa thực dân đế quốc.

Một ẩn dụ con quái vật:

"Thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó. Trong khi chờ đợi ngày đó, hiện nay họ còn là nạn nhân của con quái vật ấy, đòi hỏi một cách nghiêm khắc, nhân danh nguyên tắc của dân tộc được quyền tự quyết và họ rất xứng đáng để l­ưu ý tiếng nói của họ phải được lắng nghe với tình cảm đậm đà trong nhân dân các nước châu Âu và châu Mỹ…". (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1996- 2002, 12 tập, tập 1, tr.11. Các trích dẫn trong bài đều lấy từ bộ sách này).

"Bị tệ cho vay nặng lãi đè nén; bị những tệ nạn xã hội làm kiệt sức: năm 1907, ở thành phố Cadablanca chỉ có sáu quán rượu, năm 1913 có 161 quán rượu, nhà cải tạo, bệnh giang mai, bệnh ho lao cũng phát triển như­ thế; bị kiệt quệ vì nạn khổ sai liên miên; bị nạn đói thường xuyên làm mất sức, các bạn Bắc Phi đang ở trên con đường ngắc ngoải. Nạn tử vong cao là một bằng chứng. Người Bắc Phi sẽ biến khỏi mặt đất, nếu giai cấp vô sản giác ngộ không đến cứu họ khỏi nền "văn minh" quái vật" (Tập 1, tr.258).

"Trong những vùng ruộng lúa mênh mông bát ngát có các xóm làng. Giữa những đám nhà tranh, nổi lên những nhà mái ngói đỏ xinh đẹp, cây cối xanh tư­ơi bao bọc xung quanh. Đó là một cảnh tượng hoà bình. Bất thình lình, con quái vật chiến tranh lù ra và một tinh thần căm thù sôi nổi... Mỹ ném bom như­ mư­a xuống những làng mạc hoà bình ấy. Đó là một hành động dã man (Tập 11, tr.536).

Nhất là hình ảnh ẩn dụ cá mập được Người dùng nhiều lần (17 lần - con số khảo sát trong Hồ Chí Minh toàn tập). Chúng tôi cho rằng đây là một ẩn dụ nói được một cách chính xác nhất bản chất ăn cướp, tham lam, tàn nhẫn, tinh ranh của chủ nghĩa thực dân đế quốc:

"Sau khi bị binh lính bắn phá và chém giết, Đông Dương lại bị bọn cá mập thực dân cướp bóc đến tận xương tuỷ. Việc cướp bóc đê tiện ấy gọi theo tiếng thực dân là đồn điền" (Tập 1, tr.388).

"Chúng tôi tin rằng những thương binh và những quả phụ sẽ đá tung món quà hôi hám đó và sẽ công phẫn nhổ vào mặt những kẻ đã đề x­ướng việc đó; và chúng tôi chắc chắn rằng cả thế giới văn minh và những người Pháp lương thiện sẽ cùng với chúng tôi lên án bọn cá mập ở các thuộc địa đã không ngần ngại đầu độc cả một chủng tộc để làm đầy túi tiền của mình" (Tập 1, tr.32).

"Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để" (Tập 2, tr. 97).

Hình tượng ẩn dụ "bầy diều hâu" gợi ở người đọc một suy nghĩ về sự tham lam đến tàn nhẫn trong việc bóc lột, đục khoét, vơ vét của chủ nghĩa tư bản đối với người dân bản xứ:

"Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như­ một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no" (Tập 2, tr.36).

Hình tượng "con rắn" gợi ở người đọc sự hiểu về bản chất nguy hiểm, độc ác, xảo quyệt đầy sự phản trắc của chủ nghĩa tư­ bản:

"Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa.

Các đồng chí, khi các đồng chí muốn đập vỡ một quả trứng hay một hòn đá, thì các đồng chí phải nghĩ đến việc tìm kiếm một công cụ mà sức bền của nó tư­ơng xứng với sự vững chắc của đối tượng định đập tan. Tại sao các đồng chí không có sự đề phòng như vậy khi các đồng chí muốn đánh đổ chủ nghĩa t­ư bản? Tại sao trong những vấn đề của cách mạng các đồng chí không đem ra đối chiếu sách lược, sức mạnh của các đồng chí? Tại sao không so sánh sức mạnh và sự tuyên truyền của các đồng chí với sức mạnh và sự tuyên truyền của kẻ địch mà các đồng chí muốn chống lại và chiến thắng nó? Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?" (Tập 1, tr.273, 274).

"Con đỉa", dù ở đất nước nào cũng luôn là biểu tượng cho cái xấu, tanh tư­ởi, sự ăn bám, ký sinh, nhưng để giết nó thì không hề dễ dàng vì đỉa là động vật thân mềm, dai, sống ở dưới nước. Bác Hồ dùng hình tượng "con đỉa" để chỉ chủ nghĩa tư bản là một ẩn dụ đắt giá:

"Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra" (Tập 1, tr.298).

Để chỉ bản tính tham lam, nham hiểm, nhiều mánh khoé vơ vét, không hình ảnh nào diễn tả chính xác hơn hình tượng con bạch tuộc:

"Để hút đến giọt máu cuối cùng của đất nước khốn khổ chúng tôi, nghề ăn cướp thực dân như­ con bạch tuộc, đang siết chặt bằng nhiều cái vòi hút độc quyền không biết chán: độc quyền muối, độc quyền rượu, độc quyền thuốc phiện, v.v…" (Tập 1, tr.377).

ẩn dụ vật hoá còn là một cách nói mỉa mai về một tâm lý cam chịu, tâm lý nô lệ, tâm lý tay sai không có một ý thức tranh đấu, không có một nỗi sỉ nhục về hoàn cảnh mất nước:

"Trong hội chợ triển lãm thuộc địa ở Mácxây, ông Xarô lớn tiếng ba hoa: "N­ước Pháp hãy nhìn vào đây và lấy đó làm tự hào!". Mà quả thế thật. Những anh lạc đà Tuynidi thản nhiên đứng ngáp bên cạnh mấy chú cá sấu oai vệ của Tây Phi và những anh chàng cá sấu đáng yêu của Mađagátxca chuyện trò thân mật với các ả bò cái mỹ miều của Đông Dương. Chư­a bao giờ lại có một sự hoà hợp tuyệt diệu đến thế, và trước sự xâm nhập hoà bình của các loài thú thuộc địa, chị cá trích trong huyền thoại của Hải cảng cũ nở nụ cười duyên dáng của một bà chủ nhà mến khách" (Tập 2, tr.37).

Một cách dùng hình ảnh đau xót: "các loài thú thuộc địa" là sự giễu cợt đích đáng vào nét tính cách nhu nhược, vì bị bóc lột, bị đè nén đến nỗi không còn sự ý thức về giá trị của chính mình ở người dân thuộc địa.

Ví dụ dưới đây có ba nhân vật: ông Vônla - nhà khai hoá kiêm nhà buôn, viên đốc công, nhân viên bản xứ, mũi đả kích về sự vô văn hoá, thói lật lọng hướng thẳng vào "nhà khai hoá kiêm nhà buôn" - ông Vônla, nhưng qua đó người đọc cũng thấy sự thảm hại đến tận cùng vì bị khinh bỉ, coi thường của người dân xứ thuộc địa bởi kẻ đô hộ thực dân:

"Ông Vônla, nhà khai hoá kiêm nhà buôn, không trả lương đều đặn cho những nhân viên bản xứ làm cho ông. Một trong những nhân viên đó nhờ viên đốc công hỏi hộ cho anh số lương chủ còn thiếu. Ông Vônla bèn đư­a cho viên đốc công một mảnh giấy ghi mấy chữ sau đây: "Bảo cái con lợn ấy lấy C... mà ăn, chỉ có món ấy là hợp với nó thôi" (Tập 2, tr.56).

Cũng là ẩn dụ theo lối vật hoá, chúng tôi thấy tác giả dùng vào mục đích ám chỉ một vấn đề gì đó hoặc một ai đó, dĩ nhiên, vấn đề đó, người đó là đáng cư­ời.

"Cũng theo các báo đó, chúng ta được biết rằng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh đã cấm cuộc đấu dự định từ trước giữa Giôê Bếchkết và Xiki ở Luân Đôn. Việc này không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Vì Cụ lớn nước Anh đã không thể tiêu hoá nổi món bánh hình lưỡi liềm của Kêman cũng như­­ món sôcôla của Găngđi cho nên Ngài muốn bátlinh Xiki phải nuốt liều thuốc tẩy của Ngài, mặc dù Xiki là một người Pháp. Các bạn đã hiểu ch­­ưa?" (Tập 1, tr.125).

Hình lưỡi liềm (croissant) ám chỉ hình mặt trăng lưỡi liềm trên lá cờ của nước Thổ Nhĩ Kỳ, món bánh hình lưỡi liềm mà Cụ lớn nước Anh đã không thể tiêu hoá nổi có thể hiểu Cụ lớn nước Anh rất khó chịu với nước Thổ. Món sôcôla của Găngđi ám chỉ màu da của người dân ấn Độ. Cụ lớn nước Anh cũng không thể tiêu hoá nổi món này nghĩa là Cụ cũng không vừa lòng với ấn Độ, nên Ngài muốn bátlinh Xiki, bátlinh, tiếng Anh có nghĩa là đấu sĩ, đấu sĩ Xiki phải nuốt liều thuốc tẩy.

"Trong khi hãy còn bị xích cổ, thế mà con hổ chẳng đã nhá nghiến mất nhiều bộ của nước Cộng hoà đó sao? Người ta chẳng đã phí hàng mấy triệu, mấy tỷ để nhờ hai ông bạn vinh quang của chúng ta là Contrắc và Vranghen mua hộ da con gấu Mátxcơva, là con vật ngày nay hơn bao giờ hết, nó không thích để cho người ta tuỳ ý muốn làm gì thì làm đó sao? (Chao! Con vật mới quái chứ).

Trong số các bạn hữu ở chính quốc của chúng ta, ai là người không phải phàn nàn về tai hại do loài diều hâu gây ra? Loài quạ mà lại chẳng phải là những kẻ phá hoại tai hại trong địa hạt tinh thần à? Còn những con mọt già thì có làm được việc gì ngoài cái việc chỉ chuyên tìm cách lợi dụng những sự bất hoà và những chuyện xích mích trong xã hội? Lại còn con vật nào đó chẳng đã vô sỉ đến nỗi muốn cho phép tất cả các chàng rể láo x­­ược cứ việc dùng tên nó để gọi mẹ vợ họ đó sao? Bọn mèo quý phái há chẳng thật sự là những kẻ đã dập tắt cả hạnh phúc gia đình của nhiều nhà đó­? Và những con chuột cống ở khách sạn chẳng đã là những kẻ thù muôn thuở của tất cả những người đi du lịch đó sao?" (Tập 1, tr.142).

Con hổ ám chỉ Clêmăngxô, Gioócgiơ Bănggia, vốn là một bác sĩ rồi tham gia chính trị, là một nghị sĩ cấp tiến trong quốc hội Pháp, phái cực tả. Ông ta tham gia nhiều vào các vụ lật đổ Bộ trưởng, từng làm Bộ trưởng Chiến tranh, năm 1920 thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống nước Pháp. Loài quạ chỉ những kẻ viết th­­ư nặc danh, những con mọt già (bản phiên âm: Chats- fourrés nghĩa đen chỉ những con mèo lông xù), ở đây được dùng theo nghĩa bóng chỉ bọn quan toà; bọn mèo quý phái (poules de luxe) chỉ hạng gái điếm hạng sang; những con chuột cống ở khách sạn (rats d’hôtel) chỉ bọn chuyên trộm cắp hành lý của khách trọ. Những ẩn dụ ám chỉ khơi gợi sự tìm tòi của độc giả, suy ngẫm, liên tưởng, hiểu ra càng thấy cái thâm thuý, đả kích vào từng đối t­­ượng.

"Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hoá của chúng ta đã không từ một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ - rất dễ bảo và rất ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt hay những con chó giữ nhà. Và nếu nhân dân châu Phi và châu á mà được "hoà bình" và "thịnh vư­­ợng" đến như thế này, thì chính những "vị đi gieo rắc dân chủ" không biết mỏi mệt đó là con nhặng đánh xe chứ còn ai vào đó nữa?

Nói tóm lại, số phận của tất cả những con vật ấy t­­ương đối đã dễ chịu. Vậy, nếu các hội viên của cái hội cao cả là Hội bảo trợ các loài vật cần phải giết thì giờ, thì nên chăm sóc đến những con khỉ bị bác sĩ Vôrônốp làm cho đau đớn và đến những con cừu dân bản xứ khốn khổ kia luôn luôn bị hớt trụi lông, đó có lẽ lại là một việc ích lợi hơn" (Tập 1, tr.144).

Con nhặng đánh xe (la mouche du coche), tức câu chuyện con nhặng trong ngụ ngôn La Phôngten tự khoe mình đã có công đẩy chiếc xe nặng vư­­ợt lên con dốc, để mỉa mai những kẻ đi khai hoá thuộc địa cũng chẳng khác gì con nhặng ấy. Bác sĩ Vôrônốp làm cho đau đớn…, vị bác sĩ người Pháp gốc Nga này có chủ trương dùng khỉ làm vật thí nghiệm để tìm ra cách trẻ hoá sinh dục của người. Đối tượng mỉa mai lại là một trí thức nhưng đi ngược lại quy luật sinh học con người, nhất là vô nhân đạo với loài vật.

Đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, chúng đã hiện nguyên hình là một dã thú nguy hiểm, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Bản chất thâm độc cực kỳ phi nhân tính của kẻ xâm lược được Bác Hồ lột trần một cách đích đáng qua các ẩn dụ vật hoá:

"Chủ trương thâm độc ấy tăng thêm nguy cơ chiến tranh, chứ không mảy may giảm nguy cơ chiến tranh, vì ngày nào Đài Loan, Bành Hồ còn ở trong tay đế quốc Mỹ thì hoà bình, an ninh của Trung Quốc và của châu á, còn bị đe doạ dữ dội ngày ấy. Hơn nữa cần phải xác định rằng nhân dân Trung Quốc quyết không bao giờ tha thứ cho bất cứ kẻ nào phạm đến lãnh thổ và chủ quyền của mình. Bài diễn văn ngày 8-3-1955 của Đalét đã phơi trần kế hoạch rắn rết của đế quốc Mỹ mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hoà bình và các quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương. Đalét công khai nói rằng Mỹ sẽ hết sức bú mớm cho bọn Ngô Đình Diệm để biến nó thành công cụ xâm lược đắc lực. Đalét công khai tuyên bố kế hoạch của Mỹ là bắt ép một triệu nhân dân miền Bắc Việt Nam di c­ư vào Nam để cho đế quốc Mỹ xây dựng nguỵ quân. Đalét đã để lộ âm mưu thâm độc của Mỹ là quyết phá cuộc tổng tuyển cử tự do đã được Hiệp định Giơnevơ quy định tiến hành vào tháng 7-1956. Đalét mồm loa mép giải vu cáo dựng đứng là ở miền Bắc Việt Nam không có tự do dân chủ chính là nhằm mục đích phá hoại ấy" (Tập 7, tr.494).

Những kẻ soạn thảo ra "kế hoạch rắn rết" thì dứt khoát cũng có tâm địa "rắn rết", và cũng chỉ là loài "rắn rết" thì mới dám trắng trợn "công khai tuyên bố kế hoạch", mới có "âm mưu thâm độc… là quyết phá cuộc tổng tuyển cử tự do đã được Hiệp định Giơnevơ…", mới dám tráo trở "mồm loa mép giải vu cáo dựng đứng là ở miền Bắc Việt Nam không có tự do dân chủ". Vật hoá bằng cách gọi thẳng đế quốc Mỹ mang tên một loài vật:

"Tháng 10-1957, quả vệ tinh đầu tiên của Liên Xô bay vút lên trời, rồi bay quanh quả đất. Thiên hạ đều vui mừng. Nhưng cả nước Mỹ thì âu sầu hoảng hốt. Vì bộ máy tuyên truyền của Mỹ luôn luôn rêu rao khoa học kỹ thuật của Liên Xô rất lạc hậu! Đùng một cái, quả vệ tinh Liên Xô làm cho nhân dân Mỹ giật mình tỉnh dậy và họ nguyền rủa bọn thống trị "các anh là một đàn lừa!". Còn bọn thống trị thì cứ gi­ương hai mắt ếch" (Tập 10, tr.507).

"Voi đua, chuột cũng đua", Mỹ dốc hết lực lượng hòng phóng vệ tinh "Rengiơ" lên mặt trăng. Có lẽ chị Hằng gớm ghét bộ mặt đê tiện của đế quốc Mỹ, cho nên không muốn chúng lại gần. Kết quả là cả 5 "Rengiơ" đều thất bại" (Tập 10, tr.629).

Ở hai ví dụ trên Bác đã mượn các thành ngữ "giương hai mắt ếch", " voi đua, chuột cũng đua" vừa nhằm "vật hoá", hạ bệ đối tượng vừa nói thêm được tính cách đối tượng, nh­ư ngu dốt mà nhiều tham vọng, hiếu chiến…

"Mỹ thua thì nó xấu hổ lắm. Nó tức mình lắm. Bởi vì nó đã thua ở Trung Quốc, thua ở Triều Tiên, bây giờ mà thua ở Việt Nam nữa, nó mất mặt, xấu hổ. Vì thế cho đến phút cuối cùng nó cắn, nó cố cắn rồi nó thua nữa.

Bây giờ nhân dân tiến bộ Mỹ đối với ta tốt. Chính trong bọn thống trị Mỹ, khi ta ch­ưa đánh lớn thì nó êm thấm cả. Quốc hội nó năm ngoái thông qua một nghị quyết cho Giônxơn tha hồ muốn làm gì thì làm. Muốn bao nhiêu quân đội, bao nhiêu tiền, chúng cho hết. Nhưng vừa rồi đây chúng cắn nhau, cãi nhau lung tung. Vì chúng nó thua. Tuy vậy mình không nên chủ quan khinh địch.

Ta càng gần thắng lợi, địch càng gần thất bại. Mà càng gần thất bại nó càng cố hết sức cắn một miếng thật đau rồi mới chịu nhả" (Tập 12, tr. 60).

"Rồi đến trận cắn trộm ngày 7, 8 và 11-2-1965". (Tập 11, tr. 399).

Khẩu ngữ dân gian dùng cụm từ "cúp đuôi chuồn ra cửa" để chỉ những con vật như­ chó mèo, còn các động từ cắn, cắn nhau, cố cắn, hết sức cắn, cắn trộm thì đúng là chỉ để nói về loài chó, hành vi của loài chó, chó dữ, chó hoang. Cách dùng ẩn dụ trong trường hợp này đã nói rõ được tính cách chó dữ cắn càn, nội bộ "bầy đàn" lại luôn có sự "hục hặc", "gầm ghè" nhau trong "bọn thống trị Mỹ".

Với Bác Hồ, ngôn từ cũng là vũ khí chống lại cái xấu, cái ác!

T.N

VNQD

Từ khóa » Cái Vòi Nghĩa Là Gì