Lang Hue - Bút-Ký: Thơ Với Thẩn… - Làng Huệ

Thơ Với Thẩn…

- …Reng reng… Sao? Bà bắt tôi thưởng thức cái mà bà bảo là dịch thoát ý thơ Haiku đây ấy à. Trời đất! hết bày đặt làm thơ yết hầu… - Cái ông này! Yết hầu đâu mà yết hầu, thơ yết hậu! - Ai mà chả biết thơ yết hậu, nhưng riêng thơ của bà thì phải gọi là thơ yết hầu, mà bà biết tại sao chưa? - Sao? làm sao mà Sao (Khuê) biết được là tại sao? - Thì thơ của bà như thơ của dược sĩ tai mũi họng, chuyên môn móc họng người khác, mà họng là yết hầu, thơ của bà là thơ yết hầu. Còn nữa, tôi e bà là người hay bắt chước, thấy ai làm sao bà làm vậy ai làm bậy bà làm theo, người ta làm thơ yết hậu bà cũng bầy đặt… cụt đuôi chứ thực sự thơ yết hậu là gì chưa chắc bà đã rõ. Thôi để tôi làm phước chỉ cho bà rõ nhé: Trước hết yết là ẩn bớt, hậu là phần sau, nôm na thì yết hậu có nghĩa là cụt ở sau nên thơ yết hậu có nghĩa là câu cuối cùng bị cụt như cụt đuôi vậy. Nói với bà thì phải nói có sách mách có chứng vậy thì khi Google bà sẽ thấy: Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: "Yết hậu thi là thể thơ tứ tuyệt khôi hài, câu sau chót chỉ có một, hai chữ". Như thế, thơ Yết hậu là thể thơ 4 câu, mỗi câu 5 chữ (ngũ ngôn) hoặc 7 chữ (thất ngôn). Riêng câu thứ 4 lại chỉ rút gọn một hoặc hai chữ nhưng cực kỳ hàm súc. Thông thường, thơ Yết hậu thiên về vui nhộn, đùa tếu, trào phúng một cách thông minh, tài hoa:

*Lưng dài vai rộng để mà chi Tối tối ăn no lại ngủ khì Mình ơi! thức dậy! chiều em tí Đi! * Mải miết với văn bài Oải sườn oải cả vai Đêm nay xin gác lại Mai!

- Ê! hổng có lợi dụng cơ hội thừa gió bẻ măng, nói nhảm à nghe. Làm ra vẻ ta đây Hỏi một câu, sổ bầy Nhớ! Từ nay thôi đấy Bậy!

- Ơ, cái bà này, khá đấy chứ. Được rồi, bây giờ trở về với thơ Haiku của bà. - Không phải của tôi! Thơ Haiku là một thể thơ đặc biệt của Nhật Bổn. - OK, thơ của Nhật Bổn. Thế thì tôi lại Google cho bà đọc nhé. Nhớ đọc cho kỹ rồi bắt chước cho đúng, may ra có bài hay… để đời đấy:

"Haiku" (俳句) được phiên âm từ Tiếng Hán là hài cú hay bài hài, nghĩa là nguyên một bài thơ chỉ có một câu, mang tính chất hài hước vui nhộn. Theo Miyazaki Toshiko, chữ haiku xuất phát từ "haikai renga no hokku" (những dòng khởi xướng cho bài thơ liên ca). Đặc điểm của loại thơ này là rất ít từ ngữ, chỉ cô đọng trong 17 âm tiết theo thể vận 5-7-5.

Haiku bắt nguồn từ thể thơ truyền thống tanka (đoản ca). Haiku thật ra là phần đầu của bài tanka còn gọi là waka (Hòa ca) tức là thơ của người Nhật Bản. Waka nguyên là tên chung cho các loại thơ Nhật khác nhau (như choka, tanka và sedoka), nhưng tanka dần dần chiếm ưu thế và từ cuối thế kỷ VIII trở đi, chữ waka được xem là đồng nghĩa với tanka.

Xét về phương diện thi luật, tanka rất đơn giản. Một bài tanka gồm 31 âm tiết và có năm câu, mỗi câu có 5 hay 7 âm tiết xen kẽ nhau, có thể chia làm hai phần:

Thượng cú (kami no ku) Câu 1: 5 âm, Câu 2: 7 âm, Câu 3: 5 âm (5-7-5)

Hạ cú (shimo no ku) Câu 4: 7 âm, Câu 5: 7 âm. (7-7)

Tanka hiếm khi thể hiện những cảm xúc dữ dội như sự cuồng nộ, uất hận, những khát vọng điên cuồng, sự kinh hoàng…

Từ tên gọi ban đầu là hokku, thể thơ haiku từng bước vượt qua sự giải trí đơn thuần, để rồi định mệnh đưa haiku rơi vào tay Matsuo Basho. Ông đã sáng tạo một phong cách haiku mới, dung hợp sự trào lộng đời thường của haiku hiện đại với yếu tố cao nhã tâm linh của renga cổ điển trong một khổ thơ vỏn vẹn 17 âm tiết.

Matsuo Basho (松尾笆焦, Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694), thiền sư thi sĩ lỗi lạc của thời Edo (江戶) Nhật Bản, tên thật là Matsuo Munefusa.

Basho thuộc dòng dõi samurai cấp thấp Matsuo Kinsaku thời Tokugawa (1603-1868). Lên chín tuổi, ông được lãnh chúa Iga vời vào phủ làm bạn đồng học của con trai mình Yoshitada, một thiếu niên chỉ lớn hơn Basho vài tuổi. Cả hai trở thành đôi bạn thân, cùng nhau chơi đùa và học hành. Nhưng rồi công tử Yoshitada lâm bệnh và mất vào năm 24 tuổi. Basho rất đau lòng, ông quyết định rời bỏ Iga dù không được phép của lãnh chúa. Năm 1666, ông đến Kyoto và sống ở đây 5 năm, tiếp tục học cổ văn Nhật với Kitamura Kigin, nhà thơ và nhà phê bình xuất sắc đương thời, nghiên cứu cổ văn Trung Quốc và cả thư pháp. Mùa xuân năm 1672, Basho rời Tokyo đến Edo, thủ phủ của chế độ Mạc phủ Tokugawa. Ông nhanh chóng gia nhập vào giới văn đàn Edo, bắt đầu mở lớp dạy thơ haikai. Mùa xuân năm 1679, Basho được phong tước hiệu Sosho (bậc thầy dạy thơ haikai). Năm sau ông dời đến một ngôi nhà nhỏ ở Fukagawa, gần dòng sông Sumida. Trong sân nhà có một cây chuối do học trò trồng cho ông. Ở Nhật, cây chuối không có trái gọi là basho (芭蕉, Ba tiêu). Basho rất thích nó và đã lấy cây chuối ấy làm bút hiệu cho mình. Khách đến thăm gọi nhà ông là Bashoan (芭蕉庵, Ba Tiêu am). Cũng trong những năm ở Edo, Basho tu tập Thiền đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Buccho ở chùa Chokeiji. Mặc dù danh tiếng ngày càng rực rỡ, nhưng nghi vấn về bản thể, tâm linh, thiền tông và nghệ thuật không ngớt thúc bách Basho đi tìm con đường cho chính mình để đạt được đại ngộ. Mùa thu năm 1684, ông từ bỏ cuộc sống yên ổn ở Ba Tiêu am và bắt đầu làm một lữ nhân (旅人, Tabibito), lang thang khắp mọi miền đất nước. Cuộc đời Basho là những cuộc hành hương vô tận, những con đường gió bụi qua các thị trấn, những đồng không mông quạnh, những hẻm núi và vực thẳm… Basho là một con người thanh thản tắm mình trong biển Thiền, mỗi vần thơ ông viết đều tràn đầy thiền vị. Haiku thường được Basho nhắc đến qua những xúc cảm:

như sabi (linh hồn tịch liêu): Tịch liêu thấu xuyên vào đá tiếng ve kêu,

như wabi (những điều đơn sơ nghèo nàn): Mái lều êm một con chim gõ kiến gõ ngoài trụ hiên và như karumi (niềm khinh thanh dịu nhẹ): Mưa mù sương phù dung một đóa làm mùa lên hương. Nếu ta nói với người Nhật của thế kỷ XVII rằng Basho là bậc thầy của thơ haiku thì có thể họ rất ngạc nhiên. Cái mà hiện nay ta gọi là haiku thì thời đó mọi người và cả Basho gọi nó là hokku, tức là vần thơ khởi xướng của liên ca mà ta đã nhắc tới ở trên.Thời ấy Basho không nổi tiếng vì thơ haiku mà vì ông là bậc thầy của liên ca. Basho chỉ thật sự thành công với thể thơ haiku kể từ bài thơ về con quạ, viết vào năm ông 37 tuổi.

ThoThan SK 5 Kare eda ni karasu no tomari keri aki no kure Trên cành khô cánh quạ đậu chiều thu Bài thơ trở thành môt hiện tượng thơ ca, mở đầu cho phong cách Basho, cho điều gọi là Shofu (蕉風Tiêu phong). Ở đây, không đơn giản chỉ là trên phong cảnh héo úa đậu xuống một chiều thu giống như hình bóng một con quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội nhỏ nhoi của con quạ với cái âm u bao la vô định hình của mộ cảnh. Hình ảnh một cánh quạ cô đơn đậu trên cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mông mênh của Basho đã cuốn hút ta vào thế giới của u huyền và cô tịch, ném ta vào trầm mặc hư vô. Chữ "đậu" trong nguyên tác là "tomari" viết theo chữ Hán là "chỉ". "Chỉ" có nghĩa là dừng lại, đứng lại. Trong các từ ngữ diễn tả sự thiền định có từ "chỉ quán", cho thấy thiền định là làm cho tâm dứt mọi vọng niệm, mọi ảo tưởng để quan sát thực tại đầy đủ và thâm sâu. Con quạ và buổi chiều thu dường như cũng đang thiền định. Cả vũ trụ lúc đó cơ hồ đang thiền định. Hình ảnh trong bài thơ là sự cô tịch (sabi). Cành cây, con quạ, chiều thu là sự cô tịch mà Basho mang trong trái tim mình khi ông lắng nghe niềm im lặng bất tuyệt của hư vô. Sức mạnh của cô tịch chính là sức mạnh của hư vô. Dù gợi lên nhiều ý nghĩa nhưng ở đây không phải là sự chết hay sự bất động. Bài thơ đưa ta đến với cô tịch, tiếp xúc với cô tịch chứ không phải với sự chết. Vài ba năm sau, Basho lại làm cho thế giới thơ ca chấn động vì cái nhảy của một con ếch. Đó là con ếch nổi danh nhất trong thơ ca.

ThoThan SK 4 古池や蛙飛び込む水の音 Furu ike ya kawazu tobikomu mizu no oto Ao xưa con ếch nhảy vào vang tiếng nước xao Biết bao lời bình đã được viết ra về bài thơ kì bí này. Toàn bộ thơ ca Nhật Bản từ năm bài thơ ra đời (1686), dường như chỉ là tiếng vang của nước (mizu no oto - thủy âm) mà con ếch của Basho đã khuấy động lên. "Ao xưa" không nằm ở đâu cả mà đồng thời nằm trong Basho, trong chúng ta. Nó cũ từ nghìn xưa nhưng cũng có mặt ngay bây giờ bởi vì nó là thiên nhiên. Một con ếch đánh thức thiên nhiên dậy bằng bước nhảy của chính mình. Ta nhỏ nhoi như con ếch và ta là con ếch đang nhảy vào cuộc sống, đồng thời ta là cái ao cũ và là tiếng vang chính ta, tiếng vang của thiên nhiên. Có thể tìm thấy tính thiền của “Ao xưa” trong một bài haiku khác của Basho Ta vỗ bàn tay dưới trăng mùa hạ tiếng dội về ban mai. Đêm mùa hạ rung động vì tiếng vỗ của một bàn tay, cũng như thiên nhiên tự nghìn xưa cất tiếng vì cú nhảy của một con ếch. Và Basho đã "nghe" tiếng vang của nước, tiếng vỗ của bàn tay mà giác ngộ được Thiền. Chính vì thế mà Bashô mới nhập vào hồn bướm của Trang Chu trong bài haiku kỳ ảo: Em là bướm ư. Ta là giấc mộng. Trong hồn Trang Chu. (Kimi ya chô ware ya sôshi ga yume gokoro) - Trở lại bài thơ con ếch, đây là bài thơ nổi tiếng. Bà thấy nổi tiếng nên bà lân la muốn dịch thoát ý, ý bà muốn nói là không theo thể thơ haiku. Nói của đáng tội, bà là chúa hay bắt chước nên tìm cách dấu dốt, chống chế bằng hai câu lục bát là: Ao xưa ếch nhẩy tõm vào Nước tung toé bắn, ngàn sao sáng ngời - Ông thấy hay không? Chỉ cần đọc lên là ông đã hình dung ra con cóc, ý quên con ếch, nhẩy cái tõm vào cái ao, thế là nước bắn lên tung toé tạo thành tia nước sáng cứ như muôn vì sao sáng. - Đúng rồi, cũng như tôi đang hình dung con cóc trong hang, con cóc nhẩy ra, con cóc ngồi đó con cóc nhẩy đi… - Ông khỏi cần gián tiếp chê thơ tôi là thơ con cóc. Nói cho ông hay, xưa kia người ta chê bài thơ con cóc nhưng bài thơ đó, trước hết rất là nổi tiếng, dân Việt làm thơ, ai cũng biết và hồi nào đến giờ gặp bài thơ dở là người ta ví với thơ con cóc, nhưng mới đây có người nhận định đây là bài thơ mang thiền tính tuyệt vời. Ông Google thì tôi cũng Google đáp lễ ông:

Con cóc trong hang, Con cóc nhảy ra. Con cóc nhảy ra, Con cóc ngồi đó, Con cóc ngồi đó, Con cóc nhảy đi.

Bài thơ diễn tả cách nhìn mọi hiện tượng, mọi sự việc; nó như thế nào, thiền sư nhìn thấy y như vậy, không thêm, không bớt, không chọn lựa, không đánh giá, không so sánh, không phê phán, không lẩn tránh, không tưởng tượng, không đặt quan niệm, thành kiến của mình lên trên cái thấy. Cái thấy này đơn thuần là quan sát, theo nhà Phật là quán chiếu hiện tượng trước mặt. Con cóc nhảy ra là sự việc đang xảy ra trước mắt là thực tại, hiện tại. Câu thứ 3 lập lại “con cóc nhảy ra” một lần nữa: Vừa ghi nhận sự việc con cóc nhảy ra, lập tức sự việc con cóc nhảy ra đã trở thành quá khứ, và con cóc ngồi đó là sự việc đang xảy ra trước mắt bây giờ trở thành thực tại, ghi nhận con cóc ngồi đó, rồi con cóc nhẩy đi. Thực tại lại trở thành quá khứ. Thực tại như vậy thì thấy y như vậy trong nếp sống tỉnh thức tự nhiên của cuộc sống hằng ngày, thuận theo tự nhiên mà sống trọn vẹn với cuộc sống, với cái đang xảy ra trước mắt. Nhà Phật gọi là “thấy như thực thấy”, không bận tâm đến “nguồn gốc” của con cóc, và cũng không để tâm đến việc con cóc “nhảy đi đâu”. Mà ông thấy không, các cụ ta đã thấm nhuần chân lý này từ khuya, chẳng hạn, thấy cơn đàng Đông (cái trước mặt đang xảy ra), chấp nhận có cơn đàng Đông đang tới, không mong cầu gió thổi mây đi nơi khác, nhưng biết chắc chắn mưa sẽ đến nên chỉ thu dọn công việc nên vừa trông vừa chạy… - Bà ơi! bà dông dài quá, bây giờ tôi đố bà bài này là Yết Hậu hay là Haiku: Máy nhấp nháy, reo. Bà Sao Khuê nhắn đấy. Khiến mình sợ phát teo! - Hứ! tôi với ông đúng là khắc khẩu, may mà ở xa nhau… - Này! tôi cũng có bài dịch từ haiku của Ba Tiêu: For me who go. For you who stay. Two autum

ThoThan SK 3

Bài dịch của tôi là: Mình anh cất bước ra đi. Mình em ở lại. Thu chia mối sầu. - Tuy không ưa ông nhưng tôi phải công nhận là cả hai bài, tiếng Anh và tiếng Việt đều hay. - Cảm ơn bà, bà biết không, tôi dịch bài đó trước khi du học, sau đó cùng thằng bạn rất thân, chúng tôi lái mobylette đến trước cửa nhà nàng, với một cục phấn, tôi tính… - A! ông bắt chước Thôi Hộ

Khứ niên kim nhật thử môn trung Nhân diện đào hoa tương ánh hồng Nhân diện bất tri hà xứ khứ Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

ThoThan SK 2

Bài này tôi cũng dịch là: Năm ngoái cổng này với gió đông Người đẹp bên hoa sắc ửng hồng Năm nay người đẹp đi đâu vắng Chỉ vẫn hoa đào cười gió đông - Bà đúng là lanh chanh như hành không muối, nhẩy bổ vào miệng người ta, đúng là yết hầu nữ sĩ, thôi không thèm nói nữa. - Ố, ô xin lỗi, xin lỗi, xin lỗi trăm ngàn lần: Xin người quân tử nói đi Thiếp xin ngậm miệng lắng ghi lời vàng Với một cục phấn, một bài thơ, ông tính chép thơ lên bảng, ý quên, lên cổng nhà nàng, thế ông chép xong rồi sao, nàng có đọc được không, có hồi âm không hay để chàng ra đi, ôm mối tình si… - Nói nhiều quá. Phải! tôi tính ghi lên cửa nhà nàng vì nhà không có cổng, ai dè chưa kịp xuống xe thì nghe tiếng dép lẹp kẹp, tiếng xoay chốt, thế là hai đứa… vù… phóng xe chạy như ma đuổi…

ThoThan SK 1

Hôm nay bà nói chuyện bài thơ con cóc, bà giống như con ếch nhảy vào cái ao xưa của tôi, khiến tôi nhớ lại chuyện lôi thôi. Mà bà có biết tôi định viết lên cửa nhà ai không? Tò mò lắm rồi đó phải không? Tôi định viết lên cửa nhà bà đó! - Hả?...

Sao Khuê

Từ khóa » Tịch Liêu Thấm Vào đá Tiếng Ve