Thi Pháp Chân Không Trong Thơ Haiku Của Basho | Trương Phương

Thơ Haiku là một trong những thể loại văn học độc đáo của đất nước mặt trời mọc. Haiku – tâm hồn Nhật Bản, cái khoảnh khắc thường ngày được thăng hoa, gìn giữ và phát huy thành giá trị cái đẹp vĩnh hằng: hoa thời gian trong đời sống con người và trong nghệ thuật. Nó chẳng những là quốc hồn của xứ sở Phù Tang mà còn thuộc về kho tàng văn hóa thế giới, với những vẻ đẹp nhẹ nhàng mà đằm thắm, hồn nhiên mà thẳm sâu, khoảnh khắc mà vĩnh hằng trong một thế giới tương giao ở tâm thức mỗi con người.

          Xứ sở hoa anh đào ấy, thiên nhiên thì đẹp còn con người thì độc đáo. Người Nhật vừa có cái đẹp truyền thống của người Á Đông lại vừa có cái năng động nhạy bén của Phương Tây. Họ là sự kết hợp hài hòa của cái dịu dàng, tinh tế, đa sầu đa cảm cùng với cái mạnh mẽ, lạnh lùng của tinh thần võ sĩ đạo. Văn hóa của người Nhật cũng hết sức độc đáo với những nghệ thuật tỉ mĩ, tinh vi như trà đạo, bonsai, cắm hoa…và đặc biệt người Nhật luôn tự hào bởi một nền thơ ca rất vĩ đại khi họ xưng tụng đất nước mình là “thi quốc” – đất nước của vườn hoa thơ ca muôn hương muôn sắc với những đóa hoa giản dị mà kiêu sa, lạ lẫm. Thơ Haiku là một đóa hoa như thế. Nó là nét độc đáo, là bản sắc riêng của văn học Nhật Bản. Những bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn như những giọt sương ban mai. Đọc thơ Haiku con người như được phiêu diêu vào một miền hư ảo. Những vần thơ vi diệu ấy gọi về trong ta dư vị ngọt ngào, sâu lắng. Thơ Haiku làm tim ta phải run rẩy, nó đánh thức đến từng vi mạch của cảm xúc con người. Vẻ đẹp của thơ Haiku là sự kết tinh vi diệu  nhất của linh hồn người Nhật. Nó vượt qua biên giới của mình để trở thành thể thơ quốc tế mà Basho là người đem lại sức sống bất diệt cho thơ Haiku. Ông được xem là đạo sư của dòng thơ lững lẫy này. Thơ Haiku của Basho là những bài thơ tưởng chừng như rất ngắn nhưng ta bắt gặp trong đó là cả một cuộc sống rộn rã những gam màu và chứa đựng những suy ngẫm, cảm xúc của thi sĩ trước cuộc đời.

          Thi pháp chân không chính là con đường mà nhà thơ Basho mở ra để người đọc lần theo câu chữ mà hòa nhập với tâm hồn nhà thơ. Để đưa ra một định nghĩa rõ ràng cho thuật ngữ chân không thì quả là điều khó khăn. Ta khó có thể nắm bắt trọn vẹn được nó mà chỉ có thể hiểu theo một cách nào đó chung nhất. Có thể đưa ra nhận định rằng chân không chính là khoảng không để người đọc ngụp lặn trong đó rồi khám phá cả một thế giới bao la, vô biên, vô tận. Sự mầu nhiệm của chân không là ở chỗ nó không có gì nhưng lại có tất cả. Thi pháp chân không là một trong những nét đặc sắc của thơ Haiku Basho. Ở đó có sự tương giao lạ kì của tạo vật và con người.

          Như vậy, việc tìm hiểu “Thi pháp chân không trong thơ Hạiku của Matsuo Basho” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đặc điểm nổi bật của thể thơ này, qua đó nhằm giúp người đọc cảm nhận được tâm hồn tinh tế,  nhạy cảm, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp của người Nhật.

1. Basho bậc thầy của thơ Haiku

            Basho là một thiên tài lỗi lạc của dân tộc Nhật Bản, người đưa thơ Haiku lên đỉnh cao thi ca dân tộc và vươn mình ra thế giới. Ông là một nhà  thơ  thiền sư được mọi người mến mộ, là một hình bóng vĩ đại của văn hóa Nhật Bản.

          Tên thật của ông là Matsuo Munefusa, ông sinh ngày 15-11-1644, trong một gia đình thuộc dòng dõi võ sĩ đạo samurai cấp thấp, ở thị trấn Ueno xứ Iga. Năm lên chín tuổi làm tiểu đồng cho con trai lãnh chúa xứ Iga là Yoshitada lớn hơn Basho hai tuổi. Hai người kết thành đôi bạn thân cùng vui chơi, học tập, làm thơ, dưới sự hướng dẫn của thầy Kigin.

          Nhưng chẳng bao lâu Yoshitada mất lúc mới 24 tuổi. Sau đó, Basho lên núi Koya để đặt nạm tóc của bạn vào chùa. Chính nơi đây Basho cảm nhận được nỗi “vô thường” và niềm “cô tịch” sẽ dần thấm sâu vào từng câu chữ của ông, và Basho đã quyết định rời khỏi xứ Iga dù không được phép của lãnh chúa Đại danh.

          Những năm cuối đời, để nuôi dưỡng tinh thần và cảm hứng thơ của mình. Basho làm cuộc du hành khắp đất nước. Ông vừa đi vừa viết du kí và sáng tác thơ Haiku. Cuộc đời thi hào Basho có thể chia ra các giai đọan như sau:

          “Ba tiêu am”: một thương gia giàu có, ngưỡng mộ Basho xây cho ông một ngôi nhà ở Fukagawa, gần dòng Sumida. Cạnh nhà có trồng một cây chuối đọc là Basho (ba tiêu). Cũng từ đây, ông lấy “Basho” làm bút danh cho mình. Còn ngôi nhà ông ở gọi là Bashoan (Ba tiêu am).

          Từ đây ông bắt đầu học thiền đạo dưới sự hướng dẫn của thiền sư Butcho. Cũng chính thế nên các bài thơ của ông thấm sâu tinh thần Thiền tông hay phong thái Basho định hình như Issa từng nói: “Basho rất khó bắt chước nhưng ở đó có sự hoàn thiện phong cách và tâm hồn”. Được hai năm thì Ba tiêu am bị cháy trong một cuộc hỏa hoạn lớn ở thành phố Edo. Sau đó, bạn bè và đệ tử xây lại nhà mới cho ông. Một năm sau, tức mùa thu năm 1684, Basho từ bỏ Ba tiêu am lên đường phiêu lãng làm “lữ nhân của phù thế.”

          “Những bước đường phiêu lãng”: Kể từ đây Basho dấn thân vào con đường gió bụi như các nhà thơ nổi tiếng: Lí Bạch, Đỗ Phủ của Trung Quốc; Saigyo của Nhật Bản. Sau “những bước đường phiêu lãng” là bút ký Nozarashi kiko (Dã sái kỉ hành, tức Nhật kí gió mưa đồng nội) 1865 ra đời.

          Hai năm sau, Basho làm “chấn động” thế giới văn học bằng bước nhảy của một con ếch trong hợp tuyển thơ của ông và đồ đệ là “Hurunohi” (Xuân nhật), tức Mặt trời muà xuân.

           Sau đó, Basho lên đường đi tiếp về Kashima hành trình được kể lại trong tác phẩm Kashima kiki (1687), để thăm lại sư phụ là thiền sư Butcho và người bạn yểu mệnh năm xưa.

          Tiếp theo, Basho lang thang từ Edo đến bờ biển Suma, từ Akashi đến Sarahina để hưởng mùa trăng trên đỉnh Obasute. Nhưng chuyến đi dài nhất của Basho được thực hiện trong cuộc du hành lên phương Bắc năm 45 tuổi.

          “Con đường sâu thẳm”: Đây là cuộc du hành đầy khó khăn trắc trở và gian khổ để đến nơi còn sự hoang dã và huyền bí sâu xa. Mùa xuân 1689, Basho rời Edo đi lang thang suốt ba năm qua các thị trấn mới lạ như Nikko, Shirakawa, Sendai… rồi băng qua Honshu đến Sakata ở phía Tây biển Nhật Bản. Ông lặn lội xuống miền duyên hải và tạm dừng ở Ogaki. Kết quả “con đường sâu thẳm” là một cuộc hành trình nổi tiếng nhất trong văn học Nhật Bản vì nó để lại cho đời một kiệt tác văn xuôi xen lẫn thơ Oku no hosomichi (Áo chi tế đạo), tức Áo rơm cho khỉ.

          Basho lại tiếp tục bước lãng du, đến mùa đông 1691 ông trở về Edo. Trên đường đi, ông đã qua cố đô Kyoto, rồi về thăm quê nhà và cùng các bạn thơ du quan hồ Biwa. Ngoài ra ông còn ghé vào một mái lều nhỏ tên là Genjuan (Huyễn trú am) gần hồ Biwa. Và tùy bút Genjuan noki (Huyễn trú am chi ký) ra đời 1690 cùng một số tác phẩm khác. Trên “con đường sâu thẳm” Basho đã ghi lại biết bao cảnh đời, biết bao giấc mơ cũng như những nỗi buồn nhân thế….

          “Huyễn trú am” là niềm hạnh phúc ở am đời hư huyễn mà Basho đã kể lại: “và tôi lê chân dọc theo bờ biển hoang dại của phương Bắc, nơi mỗi bước chân băng qua cồn cát đều khốn khó. Tôi lang thang ven bờ hồ tìm nơi trú ngụ, một nhánh lau sậy mà chiếc tổ chim cộc trắng sẽ tấp vào trên dòng nước chảy. Đây là nơi Huyền trú của tôi, và nó đứng bên mạn núi gọi là Kokubi. Gần đây có một đền thờ xưa cũ, nơi tôi cảm thấy mình gột sạch cát bụi trần gian. Chủ nhân của nó đã bỏ đi từ tám năm trước, am còn lại phía sau giữa ngã tư đời hư huyễn”.

          Khi trở về Edo, Basho được mọi người đón tiếp trong niềm vinh quang của một nhà thơ lừng danh. Những năm tiếp sau đó, Basho sống trong cô tịch theo ý nguyện của mình “niềm cô tịch sẽ là bạn tôi và sự nghèo nàn là của cải tôi. Trong tuổi năm mươi, đấy là điều tôi tự nguyện”. Thời gian này thơ ca của ông cũng hướng về một lý tưởng gọi là karumi (khinh) tức sự nhẹ nhàng thanh thoát mà ông tìm thấy giữa ngay cuộc đời.

          Mùa xuân 1694 đến, Bashon lại một lần nữa quyết định tiếp tục dấn bước trên con đường “lữ nhân” để thăm phương Nam. Điểm dừng sẽ là Kyusu. Nhưng trên đường đi, Basho lâm trọng bệnh khi đến Usaka. Nhà thơ Basho đã ra đi vào ngày 12-10-1694 theo đúng như lời người đã dự đoán “tôi sẽ chết trên đường, đó là định mệnh” lúc tuổi năm mươi.

                  Cả đời thiền sư Basho gắn liền sự nghiệp sáng tác với những bước đường phiêu lãng du hành khắp nơi. Những trang bút ký và những bài thơ Haiku huyền bí để lại cho hậu thế. Sau khi nhà thơ mất đi, một số đệ tử của ông đã tập hợp các bài thơ của ông thành Basho shi chi bu shu (Ba tiêu thất bộ tập) tức là bảy tác phẩm. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Basho để lại cho đời bao gồm: Ngày đông (1684), Cánh đồng hoang (1689), Áo tơi cho khỉ (1691), Bao đựng than (1694), Du kí Lang thang đồng nội (1685), Đoản văn trong đẫy (1688), Nẻo đường Đông Bắc (1689)… Chính những sáng tác đó đã góp phần đưa Basho thành bậc vĩ nhân của văn hóa Nhật Bản. “Nước Nhật sinh ra cùng với Basho vào năm 1644. Ông chính là người sáng tạo ra linh hồn của Nhật Bản”

2. Haiku – tinh túy hồn thơ Nhật Bản

          Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ Haiku giữa một vị trí rất quan trọng. Nó là viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.

          Là một thể loại văn học độc đáo, thơ Haiku mang trong mình những đặc điểm riêng cả về nội dung và hình thức thể hiện.

                Thế giới thiên nhiên trong thơ Haiku mang nhiều màu sắc rực rỡ, huyền bí và đầy quyến rũ. Đó là bức tranh thiên nhiên không chỉ có trăng, sao, hoa, lá, cỏ, cây mà còn là tiếng chim gù trong ban trưa tĩch mịch, tiếng dế mèn kêu trong đêm, tiếng chim gọi bầy và những áng mây xa, những cơn sóng, những cánh hoa anh đào… Đứng trước biển, trước những chuyển động của đất trời, con người càng ý thức về bản ngã của mình và lắng nghe được bước chuyển của thiên nhiên.

          Trong thơ Haiku nổi bật yếu tố “mùa”. Vì thế người ta ví thơ Haiku là tiến hát của bốn mùa và “mùa” được xem là quí ngữ (Kigo) của thơ Haiku. Sự luân chuyển của “mùa” thể hiện nhịp điệu của thế giới thiên nhiên và đời sống con người, và đó là sự vận động của thời gian. Khi cái nóng oi nồng làm tàn lụi những cánh anh đào rực rỡ của mùa xuân qua đi thì cái se lạnh của mùa thu ùa về làm cho màu xanh chuyển sang màu vàng, tiếng chim hót bỗng dừng và rồi những bông tuyết trắng xóa bắt đầu rơi báo hiệu mùa đông đến. Sự xoay vần của tạo hóa trên đất nước đã tạo cho con người Nhật mang những nét tính cách thật đặc biệt.

          Ngoài yếu tố mùa, trong thơ Haiku, dấu ấn Thiền tông để lại khá đậm nét trong cách nhìn và thể hiện của các nhà thơ. Theo quan niệm của Thiền tông, mọi sinh linh trên cõi đời này đều bình đẳng như nhau. Vì thế, thơ Haiku thường nói đến các sinh vật và hiện tượng tự nhiên (con sâu, con bọ, con chuột…) với một sự ưu ái và tự nhiên.

                 Thơ Haiku có một cấu trúc nghệ thuật đặc sắc. Một bài thơ Haiku rất ngắn gồm 17 âm tiết và được xếp 3 dòng theo thứ tự 5-7-5: (theo âm tiếng Nhật):

Shichi kei wa       (5âm tiết)     Hồ Ômi tám cảnh

Kiri ni Kacurete   (7 âm tiết)    Sương mù gió bảy rồi

Mii no Kakanne (5 âm tiết)  Còn chuông đền Mii thôi (Basho)

          Do cấu trúc chặt chẽ như trên cho nên đòi hỏi người làm thơ Haiku phải biết “kiệm từ”, chọn những từ và ý nào thật đắt, cô đọng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa để đưa vào thơ.

          Sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập cũng là đặc trưng của thơ Haiku. Đó là sự đối lập tương phản giữa cái vô hạn – hữu hạn, giữa không – có, giữa cái lớn – bé, xa – gần, con người – vũ trụ…

          Giới thiệu đề tài để tạo ra sự liên tưởng đối với người đọc cũng là một nghệ thuật của thơ Haiku. Các bài thơ Haiku thường chỉ là những nét chấm phá, gợi mở để độc giả vận dụng trí tưởng tượng nhằm liên tưởng đến các sự vật và hiện tượng khác. Vì thế, người ta cho rằng thơ Haiku giống như những bức tranh thủy mặc của người Nhật. Nó chứa đựng một khoảng trống, một khoảng chân không nhưng tràn trề sự sinh động của cuộc sống.

          Cho đến ngày nay, thơ Haiku Nhật Bản vẫn lôi cuốn người đọc nhiều nước trên thế giới bởi nội dung phong phú và nghệ thuật đặc sắc của nó. Thơ Haiku là sản phẩm tinh thần riêng của người Nhật là niềm tự hào của đất nước Phù Tang, của xứ sở hoa anh đào.

3. Thi pháp chân không trong thơ Haiku Basho

Sự giao thoa giữa hư và thực – khoảng không chiêm nghiệm của con người

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho tác phẩm đó chính là sự tác động của nó đến tâm hồn người đọc. Tác phẩm nào càng gợi ra nhiều suy nghĩ và nỗi ám ảnh trong lòng người đọc thì càng khiến người ta khắc sâu và nhớ mãi. Một khi người đọc đã lấy tâm hồn mình ra để cảm nhận tác phẩm thì họ khó có thể quên được những vần thơ rất đắt ấy. Thơ Haiku của Basho tuy bé nhỏ nhưng sức sống của nó lại hết sức dẻo dai. Vượt qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, thơ Haiku đã khẳng định được vị trí bất diệt của nó trong lòng bạn đọc.

Trong thơ Haiku, cảnh vật, con người và tình cảm của Basho mang một màu sắc huyền ảo. Sự huyền ảo này đã tạo nên khoảng không mênh mông rộng lớn trong lòng người đọc. Sự giao thoa giữa hư và thực đã mở ra khoảng không vô tận và chính cái tưởng như không có gì lại mang tới cho ta rất nhiều điều:

                   Lệ trào nóng hổi

                   tan trên tay tóc mẹ

                   làn sương thu

Nhà thơ Basho đã sử dụng hình ảnh mơ hồ “làn sương thu” để mở ra trong lòng người đọc biết bao suy ngẫm. Làn sương thu là làn tóc của mẹ hay là cuộc đời ngắn ngủi mong manh như sương, hay lại là dòng nước mắt xót thương của đứa con trước sự ra đi của người mẹ? Sự thật là mẹ của Basho     đã mất trước khi ông đi xa về. Ông chỉ được người anh trai đưa cho di vật là mái tóc bạc của mẹ. Quá đau xót ân hận khi không được nhìn mẹ lần cuối, Basho đã viết nên bài thơ này. Mẹ không còn nữa và thi sĩ đã đưa mẹ trở về với thiên nhiên, tóc mẹ trở về với sương mùa thu. Tất cả hòa vào vũ trụ bao la, thế giới vô ngã để rồi nơi những cánh hoa đào, những bông tuyết trắng đều có phần của mẹ.

Hình ảnh du nữ cũng đi vào thơ Basho với những dòng thơ cô động, cảm xúc dâng trào:

                   Chung một mái trọ

                   phòng bên những du nữ ngủ

                   trăng và hoa thu

Bài thơ được viết khi Basho nghe được lời tâm sự của các du nữ khi ở chung với họ. Tác giả đã đặt các thiếu nữ bên cạnh hình ảnh mộng ảo “trăng và hoa thu”. Sự đan xen giữa những hình ảnh của cuộc sống thực với thế giới huyền ảo của trăng và hoa thu đã tạo nên nét nổi bật cho bài thơ. Các du nữ, trăng và hoa thu đều tồn tại trong một vũ trụ thuần khiết. Cả ba đều có sự giống nhau trong “vô thường”. Cuộc đời các du nữ chỉ là những kiếp lỡ làng sẽ đẹp như trăng, như hoa thu, như mùa xuân. Quả đúng là không có gì nghệ thuật hơn là lòng yêu thương con người. Chính những câu thơ giản dị đó đã bày tỏ được hết nỗi lòng cũng như cách nhìn, cách cảm đầy tính nhân văn của Basho đối với những người du nữ.

Trong thơ Haiku, Basho cũng rất hài lòng khi tìm ra vẻ đẹp trong những điều trần thế:

                   Dưới cây lao xao

                   chén canh, đĩa cá

                   đều vương hoa đào

Hình ảnh rất thực của chén canh, đĩa cá hòa với sắc thanh hoa anh đào mộng ảo, sự trộn lẫn giữa thực – mộng, trần tục – linh thánh đã đem lại cho bài thơ một vẻ đẹp độc đáo và nổi bật lên một hành giả thênh thang giữa ánh sáng và cát bụi.

Hay trong bài thơ:

                   Nữ Hoàng Đêm mảnh khảnh

                   trông âm thầm hé nụ phô hoa

                   niềm tin yêu huyền bí

Hình ảnh của một loài hoa mong manh mang kiếp sống phù du, giữa màn đêm sương khói huyền ảo, âm thầm lặng lẽ hé nở những cánh hoa lụa là như đem  sức sống cuộn trào vào từng hơi thở của người thưởng ngoạn, phải chăng đó là một niềm hi vọng bí ẩn, khó hiểu của một loài hoa kiều diễm mang tên “Nữ Hoàng Đêm”. Người thơ hình như đã nhập thân vào loài hoa khêu gợi đó để chiêm nghiệm qúa trình sinh nở của hoa “sinh sinh hóa hóa” từ bên trong: Khởi đầu một cành cây trơ, đến một cái gì nhu nhú dưới phiến lá, rồi xuất hiện một nụ trắng ngà, từ đó nụ tung cánh bung xòe ra, và cuối cùng là hoa mãn khai toàn vẹn với những cánh xinh xắn nõn nà tỏa hương thơm ngan  ngát.

Những hình ảnh của loài hoa mờ ảo, không sôi động mà vẫn lặng lẽ ẩn mật trong tâm cảm và tư duy của người thưởng ngoạn, để rồi đem lại những cảm giác lạ lẫm, đột nhiên bỡ ngỡ, bàng hoàng, sửng sốt giữa níu kéo và hoài nghi:

Ta ngỡ mất mà chưa đành đánh mất

Bởi mùi hương ngự trị cánh hoa tàn

          Còn khi đến với bài thơ:

Biển tối dần

tiếng kêu chim nhạn

trắng màu trong đêm.

Basho tả về màu trắng có đủ màu từ trắng của tuyết, trắng của hoa mơ, trắng của đá trắng… Và đây là màu trắng của tiếng kêu chim nhạn, một màu trắng của âm thanh. Màu trắng này nằm trong mối tương quan con quạ và tiếng kêu là tiểu vũ trụ, biển và đêm (đất trời) là đại vũ trụ. Mối tương quan này là các hiện tượng của đời sống. Nó còn là biểu hiện của hai trạng thái tĩnh và động, đen và trắng, cái nhỏ nhoi và cái bao la. Các hình ảnh trên ta có thể cảm nhận nhưng không thể lí giải tường tận được bởi nó đa nghĩa tùy theo cảm nhận của từng người.

Như vậy, chính sự hòa quyện giữa cái thực và hư đã tạo nên một khoảng không rộng lớn trong lòng thi sĩ và cũng chính là khoảng không để con người chiêm nghiệm.

Sự vật nhỏ bé, đơn sơ – Giao cảm của con người với chân không.

Trên con đường đến với cái đẹp ở xứ sở Phù Tang không bao giờ có sự đối nghịch hay phân tranh giữa con người và thiên nhiên. Thưởng thức và yêu mến thiên nhiên trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng trong tính cách của người Nhật Bản. Vì thế, thiên nhiên xuất hiện trong thơ Basho cũng là điều dễ hiểu. Với Basho, những cảm thức về thiên nhiên là giao cảm với chân không. Càng chìm đắm vào thiên nhiên, người ta càng quên đi tự kỷ, tức là phủ nhận cái ta nhỏ bé đi. Con đường đến với thiên nhiên cũng là con đường tìm đến tâm thức của Basho. Ông là người luôn kêu gọi mọi người “Hãy vượt qua man rợn, hãy đón nhận thiên nhiên và quay về với thiên nhiên”. Trở về với thiên nhiên chính là trở về với cõi nguyên sơ trong tâm thức con người.

Như chúng ta đã thấy, những bài thơ nổi tiếng của Basho hầu hết được sáng tác trong những cuộc hành trình. Những bài thơ này không những đã ghi lại cảm hứng của Basho khi viếng thăm những danh lam thắng cảnh, mà còn nói lên sự nhạy cảm của nhà thơ đối với những loài cỏ mọn hoa hèn, những sinh vật nhỏ bé như con nhái, con ve ve, con ếch, hay thậm chí những vật vô tri vô giác mà nhà thơ bắt gặp đó đây trên bước hải đồ. Đó là một nét vẽ bất chợt hướng về thiên nhiên bốn mùa, phản ánh vẻ đẹp và nội tâm con người. Ta hãy thử lắng lòng mình mà nghe nhà thơ Basho tâm sự:

Nằm bệnh giữa cuộc lãng du

mộng hồn còn phiêu bạt

những cánh đồng hoang vu

Thiên nhiên là nơi khởi đầu cũng là nơi trở về của cái đẹp. Trở về với thiên nhiên là trở về với mảnh đất hồi sinh của tâm hồn. Có thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của thi sĩ, chúng ta mới hiểu hết nỗi luyến tiếc của người khi phải rời xa trần thế này. Dù biết bước chân phiêu du phải dùng lại nơi đây rồi nhưng tiếng gọi của cuộc sống của thiên nhiên của cái đẹp trần ai cứ níu giữ tâm hồn thi sĩ. Quan niệm về thơ và cuộc đời, Basho cho rằng cuộc đời vốn là một cuộc lữ hành và ngao du với thơ là một cặp uyên ương không thể tách rời. Và thú ngao du, thưởng ngoạn đã trở thành xứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ trên con đường đi tới chân – thiện – mỹ của cuộc sống. Vì thế, trên con đường thiên lí, thi sĩ luôn gom góp những điều nhỏ nhặt nhất từ hiện thực cuộc sống, cất lên tiếng nói rung động từ chính trái tim mình.

Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ Haiku của Basho toát lên những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị, nguyên thủy. Đó là nhờ nghệ thuật gợi tả thiên nhiên mà Basho chỉ nêu ra một hình ảnh một chi tiết rồi im lặng không nói. Thơ Haiku với những khoảng trống và sự im lặng cần thiết cho trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn. Như cái vỏ ốc nhỏ nhoi thầm lặng thế thôi mà mang trong lòng cả sóng gió đại dương thăm thẳm. Có những bức tranh hoành tráng làm cho ta bàng hoàng nhưng cũng có những tiểu họa làm cho ta không khỏi ngạc nhiên. Đây là một tiểu họa của Basho:

Mái lều im

một con chim gõ kiến

gõ ngoài trụ hiên.

Trước mái lều ẩn sĩ là hình ảnh một con chim gõ kiến đang gõ vào trụ hiên, gõ vào cái cô tịch, cái nhịp điệu bình thường của sự sống. Bức tranh thật hồn nhiên, ngây thơ. Bài thơ chỉ có bấy nhiêu. Phần sau là “khoảng trống” không có nét vẽ. Khoảng trống ấy dành cho sự cảm nhận và tưởng tượng riêng của người đọc.

Trong thơ Haiku, chúng ta thường bắt gặp những hình tượng nhỏ bé, nhẹ nhàng. Lời ít, ý nhiều. Đó có thể là một chú ếch, một tiếng ve, một bông hoa hay một cọng cỏ, hạt sương. Và nhà Thiền thi Nhật Bản – Basho đã gởi đến người đọc được cuộc sống từ những sự vật nho nhỏ, những điều li ti: tiếng mưa rơi, tiếng gà o o, con dế mèn vv…

Mưa đổ

trên chuồng bò

tiếng gà o o

Trong lều ngư dân

giữa đám tôm cá

có con dế mèn.

Quanh chiếc cối xay

trên mình cúc trắng

chút bụi cám bay

Tôm cá, dế mèn, tiếng gà o o, bụi cám được nhắc tới thật là hồn nhiên, tự nhiên. Đó là những cảnh thiên nhiên trộn lẫn với sinh hoạt thường ngày, có vẻ vô nghĩa, nhưng đầy sự sống. So với chúng thì những cái ta tưởng là lớn lao và cao quý như danh vọng, quyền lực mới thật là vô nghĩa biết bao. Nhà thơ đã phá vỡ sự câu thúc của vũ trụ, thời gian để tìm ra sự rộng mở, khai phóng không gian tồn tại của bản thể và cái đẹp hiền triết trong đời sống. Những hiện tượng thiên nhiên trong thơ Basho vì thế luôn mới, lạ.

Những sự vật tuy nho nhỏ nhưng trong những dòng Haiku ngắn ngủi ta vẫn thấy nó duyên dáng, mênh mông, hùng vĩ và huyền diệu. Có phải đâu một đóa phù dung xông hương vào cuộc sống:

Mưa mù sương

phù dung đóa hoa

làm mùa lên hương.

Tĩnh lặng, trầm lắng là không gian thiên nhiên lý tưởng để nhà thơ trầm tư, tìm đến sự giao cảm với vạn vật. Chính cảm thức về tính đơn sơ, tao nhã, trầm lắng, u buồn của vạn vật (Sabi) đã hướng con người về với thiên nhiên, hòa nhập tâm hồn và cảnh vật cùng với những vần thơ Basho:

Lang thang đồng nội

để cho mưa gió

thấm vào hồn tôi.

Cái đẹp tuy không thể nắm bắt được vì sự vật luôn luôn biến dịch, chuyển hóa vô thường, nhưng nó lại hiện hữu khắp nơi trong đời sống. Để có thể nắm bắt những rung động tinh tế của cuộc sống người đọc phải tự mình cảm nhận và chiêm nghiệm. Từ đây đưa đến cảm thức về cái đẹp tìm thấy trong cuộc sống đơn sơ, giản dị, trong sự giao cảm, hòa điệu của con người với mọi vật giản dị, nhỏ bé, thân quen (Wabi).

Thơ bao giờ cũng là tiếng nói xuất phát từ những rung động chân thực của con người trước hiện thực cuộc sống, nảy nở lên từ những tình cảm nhân văn sâu xa. Mỗi chi tiết trong thơ là một nét phác họa nghệ thuật, ẩn chứa cái đẹp trầm lắng, tinh tế. Thiên nhiên trong thơ Basho là minh chứng việc đi tìm linh hồn vũ trụ nơi những vật thể tưởng chừng vô tri, vô cảm.

Đây và đó

âm thanh thác đổ

mấy chiếc lá rơi.

Nhà thơ đưa ta vào thẳng cái ta nhìn ngắm. Đọc, chiêm ngưỡng và hội ngộ với sự vật, không lòe loẹt, màu me, son phấn.

Những cảm thức về thiên nhiên là khi con người giao cảm với chân không, chính là quên đi cái vũ trụ riêng tư của mỗi cá thể. Ta hãy thử lắng hồn mình để cảm nhận hai bài thơ sau:

Vắng lặng u trầm

thấm sâu vào đá

tiếng ve ngân.

Và:

Trên cành khô

cánh quạ đậu

chiều thu.

Phải thật tĩnh lặng từ không gian đến tâm hồn mới lắng nghe được tiếng ve như xuyên thẳng vào cảnh vật (thấm sâu vào đá). Âm thanh tuyệt diệu ấy của thiên  nhiên nơi nào chẳng có, nó hiện hữu khắp các mạch sống. Thế nhưng những ai tin vào giác quan của mình thì cố chấp đâu cảm nhận được. Tiếng ve của Basho đã mở ra một cái nhìn mới về thiên nhiên và con người. Trong cảnh u tịch vắng lặng của buổi chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết, tiếng ve chợt vút lên cao. Và lúc này thi sĩ cũng chợt tỉnh, hóa ra cảnh vật, mọi sinh linh trên cõi đời này vẫn luôn mang trong mình mối giao hòa, giao cảm. Vũ trụ vẫn luôn biến đổi, kể cả những sự vật bền vững vĩnh cửu cho đến những vật nhỏ bé, mong manh. Đây chính là sự thể hiện cao độ của “thi pháp chân không” trong thơ Haiku

Ở bài thứ hai, trong buổi chiều thu, một cánh quạ đậu trên cành cây khô. Tứ thơ giản dị như tự nhiên ghi lại một khoảnh khắc như bất động của toàn thể vũ trụ. Bài thơ là một khoảng lặng bất tuyệt của chân không, một thiên nhiên đầy ắp chân không và một chân không đầy ắp thiên nhiên.

Trong cuộc sống xô bồ, hối hả bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, con người dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, chênh vênh. Đó chính là lúc thơ Haiku như một con đường đưa con người về với cõi tâm linh rồi từ tâm linh trở lại với cuộc đời trong một tâm thế đầy tự tin và giàu bản lĩnh.

Người ta thường dễ cảm nhận mỗi bài Haiku như một bức tranh thủy mặc với vài nét chấm phá, phần còn lại để người đọc tự bổ sung thêm. Phần bổ sung này lại hoàn toàn tùy thuộc vào tâm cảnh từng người, từng lúc khi đến với bài thơ. Thật là một sự đồng sáng tạo kỳ diệu.

Ta thử ngẫm một bài Basho để cảm nhận điều này:

Từ bốn phương trời xa

cánh hoa đào lả tả

gợn sóng hồ Bi – oa.

Hoa anh đào là biểu trưng của xứ đảo quốc Phù Tang. Hình ảnh hoa anh đào rơi gợn sóng hồ Bi – oa là một hình ảnh độc đáo. Bút pháp trong bài thơ thể hiện trước hết là ở sự tương phản đối lập giữa không gian vũ trụ bao la (bốn phương trời xa) với những cái gì nhỏ bé hạn hữu trong đời sống thường ngày (cánh hoa rơi, mặt hồ gợn sóng), là ở sự giao hòa giữa tĩnh động của cánh hoa rơi với sự tĩnh lặng của nước làm cho mặt hồ gợn sóng. Người đọc như cảm nhận một bức tranh thiên nhiên hữu tình, tinh tế có pha chút Thiền tông Phật giáo. Bởi nó còn thể hiện một triết lí tương giao giữa sự vật với vũ trụ, làm cho hồn thơ nhẹ nhàng bay bổng lay tận chiều sâu trái tim người đọc, khiến cho những suy nghĩ miên man không đề cứ quấn lấy chúng ta vô định, bâng khuâng. Hồ Bi – oa gợn sóng trước những cánh hoa anh đào rơi hay chính là cái đẹp đang tiếc thương cho sự ra đi của cái đẹp, hay chính là tâm hồn thi sĩ đang thổn thức trước quy luật tồn tại của thiên nhiên?. Bài thơ giản dị nhưng ý nghĩa ngôn từ lại vượt ra ngoài khung ngôn từ chật hẹp khiến ta hình dung được nhiều lớp tầng ý nghĩa.

Thơ Haiku là đóa hoa giản dị mà đằm thắm, trống mà đầy.Từ những sự vật nho nhỏ đi kèm với ngôn từ giản dị, đời thường luôn đầy ắp những khoảng chân không mở ra biết bao ý nghĩa trong sự liên tưởng cảm nghiệm cho độc giả. Để cảm nhận được cái hay của một bài Haiku dường như phải thấm sâu vào từng chữ, từng dòng. Và, đỉnh cao của một tác phẩm nghệ thuật là sự gợi ý cho người đọc, người nghe, người xem cái hạnh phúc được tự mình phát hiện ra cái đẹp, lung linh nhiều màu sắc nơi tác phẩm dẫn đến cái đẹp được thăng hoa bởi chính cảm nhận của mỗi người.

Cái vô cùng trong khoảnh khắc

Quần đảo Phù Tang nằm duỗi mình như một mỹ nhân gối đầu lên sóng nước cận Bắc cực và thả chân vào vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương. Chính vì vị trí địa lý đặc biệt như vậy mà đất nước này có một thiên nhiên tuyệt đẹp, dịu dàng tinh tế nhưng cũng rất hung bạo: động đất, núi lửa, sóng thần… thường xuất hiện như những biểu tượng kinh hoàng của nguyên lý hủy diệt.

Có lẽ vì vậy mà người Nhật thường cảm nhận cái đẹp trong từng khoảnh khắc chứ không hướng về cái đẹp của sự trường tồn, vĩnh cữu. Người Nhật tôn kính hoa anh đào vì hoa rơi khi đang độ tươi thắm, đó là biết  “chết” một cách cao đẹp, tựa như tinh thần võ sĩ đạo.

Nhật Bản là một của hàng thời tiết trưng bày những biến đổi tinh tế của bốn mùa. Mỗi lần đổi mùa, thiên nhiên nhiên như mời mọc ta bước vào một nhịp điệu mới, với một vẻ đẹp quyến rũ và gợi cảm vô song.

Khởi đầu là mùa xuân (Haru) với những làn gió ấm áp, dịu dàng đã bắt đầu thổi về từ cuối tháng hai, những cánh hoa mơ trắng muốt mà đôi khi lầm lẫn, không biết là hoa hay tuyết điểm trắng những nhánh cành. Tháng tư đến với những làn mưa xuân êm đềm, làm tan hết tuyết giá trên núi, hoa anh đào nở rộ và thiên nhiên như đang mỉm cười. Đứng trước cảnh sắc của thiên nhiên khi bước vào mùa xuân nhà thơ Basho đã viết:

Một đám mây hoa

chuông đền ueno vang vọng

hay đền Asakasa

Bài thơ mang cả hai cảm giác Wabi và Sabi. Ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng trong thơ Basho thời khắc này ông đang suy nghĩ khi tiếng chuông ngân nga trên đỉnh núi. Ông muốn xác định tiếng chuông kia là ở đâu vọng tới.Sự vang vọng mang lại cảm giác từ xa đến gần, nhưng điều mà ta quan tâm hơn đó là sự vang vọng trong tâm hồn tác giả.

Trong khoảnh khắc đó khi nghe tiếng chuông vang đã làm cho Basho nhớ về quê hương. Và trong khoảnh khắc bất chợt đó, cùng với cảm xúc về quê hương đã giúp Basho sáng tác nên bài thơ này.

Mùa xuân đến mang theo bao cảnh sắc tươi đẹp, con người đặt mình vào không gian ấy cũng căng tràn sức sống, tươi vui. Nhưng khi mùa xuân dần kết thúc, đất trời dần chuyển qua trạng thái khác và cảm xúc con người dần thay đổi theo. Cảm xúc này được thể hiện rất rõ qua bài thơ sau của Basho:

Mùa xuân đang đi qua

chim kêu

mắt cá đẫm lệ

Sự luyến tiếc ở đây chính là sự luyến tiếc của thời khắc chuyển mùa sắp tới hay cũng chính là sự luyến tiếc của con người. Người ra đi, không biết ngày trở lại thì luyến tiếc là điều đương nhiên. Tuy nhiên, mùa xuân đi qua, mùa hạ tới theo quy luật mùa xuân sẽ lại tới nhưng mùa xuân năm nay và mùa xuân năm sau đâu phải giống nhau nên con người cũng lưu luyến với mỗi khoảnh khắc của mùa xuân.

Đó chính là  sự nhạy cảm của tâm hồn con người xứ hoa anh đào. Phải chăng vì thế, mà thời gian trong các bài thơ Haiku đều là thời gian của những khoảnh khắc? Bởi người Nhật luôn quan niệm cái đẹp chỉ xuất hiện một lần và ngay khi cái đẹp xuất hiện thì họ nhanh chóng nắm lấy, chộp lấy thật nhanh. Đó chính là một điểm đặc sắc tạo nên nét khác biệt trong thơ Haiku.

Mùa hạ đến với hơi nóng và những cơn mưa tháng sáu, người Nhật gọi là mùa ướt át, nhưng khi hết mưa lại là những ngày đầy nắng ấm. Sứ giả của mùa hạ là loài chim Đỗ quyên, nó thường hót khi bay lượn vào ban đêm. Mùa hạ là mùa của ve sầu và hoa mẫu đơn. Đa số người Nhật bản cho rằng, tiếng kêu của loài ve sầu có thể làm cho mùa hè sinh động hơn, có sức lôi cuốn lòng người. Song ve sầu vẫn là biểu hiện của một cuộc đời ngắn ngủi. Chúng kêu suốt thời gian để mong có thể giữ lại khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời mình:

Tiếng ve mải kêu

không hề để lộ

cái chết cận kề

Bài thơ không nêu trực tiếp là mùa hạ đến nhưng thông qua hình ảnh chú ve sầu ta có thể biết. Ở đây, Basho không đi miêu tả chú ve mà chỉ dừng lại ở tiếng kêu của chú “mãi kêu”. Một đặc tính của ve sầu là kêu râm ran, dường như là không ngừng nghỉ khi hạ tới. Tiếng ve báo hiệu mùa hạ, tăng thêm sự náo nhiệt. Nhưng rồi tiếng kêu đó báo hiệu một vòng đời mới cho chú. Sau hạ, chú phải lột xác, điều đó cũng đồng nghĩa với cái chết. Ở đây, Basho đã nắm bắt được khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời chú ve, đây là khoảng thời gian mà chú đạt lên đến đỉnh điểm. Nhà thơ chỉ quan tâm đến tiếng kêu của của chú ve chứ không tập trung miêu tả về cái chết của chú vì ông muốn nắm bắt, lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất của thời gian.

Cùng với bản đàn muôn điệu của côn trùng, bản đàn âm thanh của chim muông cũng làm cho mùa hạ thêm sinh động. Tiếng kêu của chim cu, chim gõ kiến…như khắc khoải vào lòng người, gợi biết bao suy nghĩ của thi nhân:

Tiếng chim cu kêu

nỗi buồn ta sẽ

tan vào tịch liêu

Một tiếng chim, một tiếng ve trong vô định nhà thơ đều lắng nghe với một trái tim có nhịp đập rộn ràng trước sự chuyển động của vạn vật.

Ta hãy lắng nghe âm thanh cuộc sống qua tiếng chim Đỗ quyên:

Chim Đỗ quyên

ở Kinh Đô

mà nhớ Kinh Đô

Ở đây ta có thể cảm nhận được tiếng chim kêu thê thiết, chứa đựng cả một nỗi buồn trống vắng, diệu vợi trong không gian rộng lớn, vô thường, trong thời gian vô thủy, vô chung cứ chảy trôi mải miết.

Tiếng chim Đỗ quyên như dồn nén không thể tả nỗi trong một khoảnh khắc, mà ở đó ta có thể cảm nhận được một nỗi u trầm , cô đọng thành một giọt nước mắt đang thầm rơi. Tiếng kêu của chim Đỗ vũ như một bản đàn âm thanh khắc khoải vào hồn người, gợi biết bao tâm sự của thi nhân. Bàn đàn ấy không chỉ cho ta cảm nhận một không khí u huyền thâm sâu, mà bản đàn ấy còn cho ta hiểu hơn về cái thanh nhẹ của thiên nhiên Nhật Bản, về tâm hồn xao xuyến của con người xứ sở hoa anh đào.

Trong một dàn nhạc nếu mùa xuân mang đến tiếng nhạc tươi vui, mùa hạ mang đến cung nhạc réo rắt thì mùa bản nhạc đến với cảm giác se lạnh, dường như nhận thấy được mọi thứ đang dần ngưng đọng lại. Những làn gió nhẹ, những lá vàng lác đác, đám là khô xào xạc, cánh cúc ngây thơ, sắc phong rủ đỏ…tất cả tạo nên sắc thu riêng biệt, đặc trưng. Phải chăng vì vậy mà nhà thơ Basho có một tình yêu sâu sắc với mùa thu? Một mùa thu đẹp, cô đơn và buồn trong thơ Basho dệt nên những trang Nhật ký hành trình gió bể mây ngàn.

          Bài thơ:

Trên cành cây trơ lá

một con quạ đậu

một chiều thu

Các nhà nghiên cứu cho rằng: “có một cái gì đó cô liêu dưới cái nhìn của thiền giả – thi nhân Bashoo”. Bức tranh chấm phá đơn sơ mà hàm súc, giàu sức ám thị. Nếu bài con quạ vẽ nên một chiều thu cô tịch với hình ảnh cành trở lá, quạ lẻ loi nổi bật trên nền tối để tạo nên một “hồn thu”. Trong chớp mắt con người cảm nhận được nhịp thở của mình giữa dòng tịch lặng thinh không.

Mùa thu với không gian lạnh, buồn, vắng…nao nao rất phù hợp cho cảm thức Sabi phát lộ. Sabi hay cũng chính là một dạng hức của mononoaware (vẻ đẹp buồn của sự vật) – đặc trưng tâm hồn Nhật Bản.

Văn hóa Nhật Bản rất đặc sắc, nếu mùa xuân có lễ hội hoa anh đào thì mùa thu có lễ hội ngắm rừng phong. Trong bài thơ sau Basho đã diễn tả nên điều đó:

Đở bừng

mặt trời nóng bỏng

nhưng rồi rừng phong

Bức tranh mùa thu ở đây ấm áp lạ thường. Điều đó lí giải vì sao Basho thốt lên hai từ “mặt trời” rồi lại cũng chính ông ngập ngừng “nhưng rồi rừng phong”. Vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên phải chăng được biểu hiện qua các mùa trong năm. Và nó được biểu hiện trong một khoảnh khắc nhất định. Chỉ lóe sáng lên rồi vụt tắt. Như một cái đẹp nhưng mong manh.

Mỗi mùa ở Nhật Bản có một đặc trưng riêng, mùa đông nước Nhật được bao bọc bởi một gam màu trắng tinh khiết của tuyết, đất trời chuyển lạnh, đối nghịch với cái vị oi ả của ngày hè sang. Tâm hồn Basho không bỏ lỡ cơ hội đó để đặt nét bút chấm phá lên nền trời:

Mùa đông vò võ

thế gian một màu

và âm thanh gió

Đông sang, mọi vật từ cành cây, đường phố, nhà cửa đều trở thành nét vẽ trên nền tuyết trắng. Giờ đây tuyết trú ngụ khắp nơi, nó làm cho ta có cảm giác của sự thuần khiết, tinh khôi.

Nhà thơ Basho luôn tinh tế, tinh tế trong mọi trường hợp, mọi thời gian. Có những điều tưởng chừng như rất bình thường nhưng thông qua lăng kính của Basho thì lại không bình thường khiến chúng ta xúc động. Trong thời gian mùa đông lạnh giá chúng ta có thể cảm nhận được hơi lạnh lan tỏa khắp nơi và chúng ta có thể nhìn thấy những đứa trẻ vui vẻ đùa nghịch hay những gia đình ăn uống thật ấm áp bên nhau. Nhưng có ai trong chúng ta chú ý tới một chiếc chổi?

Quét tuyết sương

mà quên sương tuyết

cây chổi trong vườn

Dù chỉ là đồ vật bình thường nhưng Basho vẫn dành niềm thương cảm cho cây chổi, một vật dụng hữu ích cho con người nhưng lại không được quan tâm.

Từ hình ảnh cây chổi lẻ loi trong đêm lạnh giá làm ta nhớ tới hình ảnh chú khỉ mà Basho từng viết trong một lần đi qua khu rừng vắng, nhà thơ thấy một chú khỉ đứng co ro run lên vì lạnh trong mưa mùa đông. Trước cảnh đó, ông ước gì có ngay một chiếc áo mưa che cho chú khỉ bớt lạnh:

Mưa đông giăng đầy trời

chú khỉ con thầm ước

có một chiếc áo tơi

Khi đi qua khu rừng, trong khoảnh khắc chợt thấy chú khỉ đang ngồi co ro vì lạnh nhà thơ đã không kiềm chế được cảm xúc của mình mà thốt lên những lời yêu thương vô hạn đối với chú khỉ con.

Như vậy, qua đó ta có thể thấy được ở mọi lúc, mọi nơi Basho đều chụp lại được những khoảnh khắc đẹp của thời gian để lưu giữ trong thơ ông. Đọc thơ ông, ta có thể hình dung được thời khắc mà ông đang đứng, đang chiêm  nghiệm.

Chân không từ sự tĩnh lặng của không gian

Con người từ khi đến với cõi thế này đã phải chấp nhận sự hữu hạn của năm tháng, do vậy mà luôn ước ao tìm đến một thế giới trường tồn. Đó là thế giới của cái đẹp. Với những chuyến du hành, Basho muốn bộc lộ khát khao phá vỡ đi sự chật hẹp của cuộc đời hữu hạn, để tìm ra cho được sự rộng mở, khai phóng của không gian tồn tại bản thể cái đẹp.

Sabi là cảm thức về cái cô tịch, cô liêu, tĩnh lặng, cổ xưa… của linh hồn vạn vật. Nó còn là niềm cô tịch vô ngã của tinh thần Thiền tông, nơi có “vô tận” và “tự nhiên” là hai dòng nước đổ vào “hồ sabi”. Điều này giống cội nguồn của thế giới muôn màu trong “chân không” và ngược lại. Ta bắt gặp sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian:

Mùa thu ở Kiso

người tiễn đưa ta

ta tiễn đưa người.

Cuộc đưa tiễn không lời dặn dò, không tiếng khóc và ngay cả lời từ biệt cũng không. Người ra đi và người ở lại bịn rịn đó, lưu luyến đó nhưng cũng chỉ im lặng. Muốn nói thật nhiều nhưng rồi cũng không biết bắt đầu từ đâu, không biết nói gì. Và khoảng trống im lặng của không gian lúc này lại là những lời nói ý nghĩa nhất. Một khoảng trống yên tĩnh để nhìn thấu tâm hồn nhau, hiểu nhau và là tất cả. Dường như hình ảnh người ra đi và người ở lại trong những lần tiễn đưa không có sự phân biệt. Cả hai cùng đi theo vòng xoay của cuộc đời, như một vòng tuần hoàn không thể dừng lại. Nhưng nếu tất cả đều không đi, không có cuộc đưa tiễn nào cả, thì cuộc đời này sẽ dừng lại. Và vì thế chính không gian tĩnh lặng ấy lại là sự vận động không ngừng của tiểu vũ trụ- tâm hồn con người.

Basho đã từng bảo học thi pháp để rồi quên nó đi, đối với ông cái tình cảm cần hơn sự chuốt vẽ chữ nghĩa. Kế thừa từ truyền thống yêu thương vạn vật và tính Thiền của người Nhật, Basho có sự quan sát tinh tế đầy yêu thương với những côn trùng bé nhỏ:

Trong ánh ngày

con đom đóm ấy

cổ đỏ gay.

Hình ảnh con đom đóm khiến ta nhận ra ngay không gian oi bức của mùa hè. Một sự đơn giản vậy thôi, một việc mà ai cũng biết nhưng đã ai từng chịu bỏ qua sự xô bồ, bon chen của cuộc sống dành chút thời gian mà quan sát cuộc sống quanh ta. Basho thì khác, có thể bỏ qua tất cả nhưng ông không thể bỏ qua cái không gian này được. Phải để mình được thanh thản, không vướng bận gì mới cảm nhận được sự tinh tế của Basho ở chi tiết cổ đỏ gay của con đom đóm.

Trong thơ Basho không gian nhiều chiều kích xuất hiện dưới góc nhìn tĩnh lặng, thâm trầm và xuất phát từ cảm thức Sabi. Khi trong tâm hồn không chút xao động tầm thường, phải để cái tâm thật tĩnh lặng trong sáng, nhắm mắt lại và chiêm nghiệm tất cả. Đó là chân không trong mỗi người khi hướng tới không gian tĩnh lặng của thơ Basho. Chúng ta hãy thử lắng hồn mình lại để cảm nhận:

Vắng lặng u trầm

Thấm sâu vào đá

Tiếng ve ngân

Phải thật tĩnh lặng từ không gian đến tâm hồn mới lắng nghe được tiếng ve thấm sâu vào đá. Niềm cô tịch của thiên nhiên được thể hiện qua âm thanh mạnh và sắc của tiếng ve. Âm thanh tuyệt diệu ấy của thiên nhiên nơi nào chẳng có, nó hiện hữu khắp các mạch sống. Tiếng ve làm xuyên thủng không gian, thời gian và đến tận cõi hư vô. Và nếu ai nghĩ rằng giác quan của mình không thể cảm nhận được tiếng ve thấm sâu vào đá thì người đó chưa có được sự tĩnh lặng của tâm hồn. Tiếng ve mở ra một cái nhìn mới về thiên nhiên và con người. Ta cảm nhận được cái u huyền sâu thẳm của tiếng ve mà không thể giải thích hết thành lời.

Nếu nói thơ Basho được vẽ trên nền không gian tĩnh lặng thì chưa hẳn đúng, ví như bài thơ sau:

Một đám mây hoa

Chuông đền Ueno vang vọng

Hay đền Asakasa

 Tiếng chuông đang ngân nga kia là từ đâu vọng tới? Là từ Ueno hay Asakasa? Là từ nơi ông đang đứng hay vang vọng từ quê hương xa xôi? Sự vang vọng đó không chỉ là sự vang vọng trong không gian mà còn là sự vang vọng trong tâm hồn tác giả.

Ở đây ta không xác định được đó là tiếng chuông thực hay tiếng chuông vạng vọng từ tâm hồn. Tiếng chuông vang lên phá tan sự ngưng đọng, yên tĩnh của không gian. Không gian mùa xuân ở đây là không gian tầng bậc: không gian có chiều cao của “đám mây hoa”, có độ rộng và xa của tiếng chuông vang vọng và không gian ấy được biến chuyển từ trạng thái tĩnh sang động chính bởi âm thanh chuông chùa.

Như tiếng chuông vang vọng kia làm cho con người quay trở về bản thể những nét văn hoá tâm linh, thì tiếng nước khua trong bài thơ sau lại đánh thức ngộ tính của con người:

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

Basho đã dùng thủ pháp “lấy động tả tĩnh” nhằm nói lên khung cảnh tĩnh mịch quanh một cái ao xưa. Đó là âm thanh của sự tĩnh lặng. Và dù không nói gì cả, người đọc cũng có thể cảm nhận quan hệ biện chứng giữa tĩnh và động trong bài thơ. Một bài thơ bất hủ góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi của Basho.

Thơ haiku của Basho tuy phảng phất không khí trầm lắng u huyền, gợi cho người đọc sự vô thường trong cuộc đời, nhưng luôn đượm tình người và không bao giờ mang nét cay đắng, chua chát hay oán hờn.

Nói đến không gian trong thơ haiku của Baso ta không chỉ nghĩ tới không gian trên câu chữ mà còn nghĩ đến không gian hạn định và không gian vô định của 17 âm tiết chật chội.

Theo học giả Daisetz Suzuki, sức ám thị và tính hàm súc là bí quyết của thơ haiku. “Các nhà nghệ thuật Nhật Bản (…) luôn luôn có khuynh hướng diễn tả tình cảm của họ với số chữ hoặc số nét tối thiểu”. “Khi tình cảm đã đạt đến mức độ cao nhất, ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả thích đáng. Ngay 17 âm tiết cũng đã quá dài”.

Roland Barthes đã nhận xét rằng: “ Sự ngắn gọn trong thơ Haiku không phải là một tư tưởng phong phú  rút vào một hình thức ngắn, mà là một sự vắn tắt đã tìm ra đựơc hình thức vừa vặn của mình.” Vì thế, thơ Basho có nhiều khoảng trống im lặng không phải vì chật chội mà đó là một đặc sắc nghệ thuật. Sự cô đọng đi vào chiều sâu vào chân không chứ không phải là ý muốn dùng sự ít lời để diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau.

Vầng trăng non dại

theo tôi từ độ ấy

có ai ngờ đêm nay.

Bài thơ ngắn gọn vẻn vẹn trong 17 âm tiết tả về một vầng trăng non. Nhưng câu cuối lại vẽ nên vầng trăng đầy đặn, vẽ nên khoảng không gian rộng vời vợi bằng im lặng không đường nét, không màu sắc. Vầng trăng của Basho là vầng trăng đang sống đang vận động trong không gian và du hành cùng nhà thơ. Nó còn là vầng trăng tâm linh trong tâm nhà thơ.

Trong thơ Basho, cái tiểu vương quốc của những con chữ gò bó, bỗng vươn mình ảo hóa thành vũ trụ siêu hình. Và suy cho cùng, trong thơ, điều nói ra được là hữu hạn, mà ý là vô hạn. Điều mà thơ muốn mọi người cảm nhận không phải là những điều nói ra trên câu chữ mà là những điều chưa nói ra. Bởi bản chất của cái đẹp là một hằng số bí ẩn mà người ta càng tìm kiếm càng thấy nó mênh mông.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tịch Liêu Thấm Vào đá Tiếng Ve