Thơ Haiku Nhật Bản - Sự Cảm Nhận Cái Đẹp đến Từ đỉnh Cao.
Thơ haiku là một trong những loại hình nghệ thuật mà trong đó sự cảm nhận của người Nhật Bản về Cái Đẹp đạt đến đỉnh cao của nó. Thơ haiku hoàn toàn mang bản sắc Nhật Bản, không chịu ảnh hưởng của thơ Trung Quốc và thơ phương Tây.
Một bài thơ haiku chỉ gồm 17 âm tiết, sắp xếp thành 3 dòng theo trình tự 5, 7,5. Vì tiếng Nhật đa âm nên 17 âm tiết ấy thường chỉ gồm 7,8 chữ không bao giờ quá 10 chữ. Thơ haiku Nhật Bản là thơ ngắn nhất thế giới.
Nhưng kì diệu thay, trong những bài thơ nén rất chặt ấy lại là cả một thế giới tâm hồn cực kì phong phú. Thiên nhiên bốn mùa và con người hòa quyện vào nhau trong thơ haiku Nhật Bản. Yếu tố rất cơ bản trong thơ haiku cổ điển là phải nói tới mùa, phải có quý ngữ ( kigo ). “Mùa” được nói trực tiếp như “mùa Xuân”trong bài thơ sau:
Harusame ya Mưa mùa Xuân reo neko ni odori wo một em gái nhỏ oshieru ko dạy con mèo múa theo. ( Kobashi Issa . 1763-1827 )Yếu tố “mùa” có khi được nói gián tiếp:
Kiku no tsuyu Nghiên mực ukete suzuri no pha sương hoa cúc inochi kana nhận hồn đời. ( Yosa Buson . 1716-1783 )Người đọc hiểu đó là bài thơ nói về mùa Thu mộng mơ, thi sĩ - họa sĩ Buson đa tình lấy sương đọng trên hoa cúc mài mực trong nghiên viết thơ, vẽ tranh gửi “hồn đời”, “tình đời” vào thi phẩm.
Thơ haiku là bức tranh nội tâm của nhà thơ qua những điều mà nhà thơ nhìn thấy, lắng nghe và cảm nhận trong khoảnh khắc tức thì. Haiku nén chặt là thế mà sức gợi lại rất lớn, độ mở mênh mang và thâm thúy. Haiku là tấm gương phản chiếu thực tế, làm bật ra những cảm xúc đã nắm bắt được về những điều kì diệu của cuộc sống mà khó diễn tả được thành lời. Thơ không đi vào miêu tả những điều nhà thơ trông thấy, mà làm thức dậy tình cảm ở người đọc bằng bảy, tám chữ đã được chọn lọc tài tình. Sự tu luyện nghệ thuật thi ca của haiku thật công phu, nó kín đáo, tránh lộ mạch ( mạch kị lộ), nó loại bỏ những chữ không cần thiết, không sử dụng những tính từ miêu tả mĩ miều. Thơ haiku nằm trong hệ thống mỹ học truyền thống của Nhật Bản, giống như Ikebana ( nghệ thuật cắm hoa ) căm ghét những nụ và lá thừa; như Nò ( một loại hình sân khấu của hồi ức và ước mơ ) căm ghét những điệu bộ vô nghĩa lí ; và Sumie ( tranh thủy mặc với đôi ba nét chấm phá giản đơn ) căm ghét những nét vẽ rườm rà, không cần thiết . Chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng bài thơ sau đây của Nữ sĩ Kaga no Chiyojo ( 1703-1775 ):
Asagao ya ! Ôi hoa Triêu nhan ! tesurube torarete Dây gầu vương hoa bên giếng morai mizu đành xin nước nhà bên.Một buổi mai, Chiyojo ra giếng lấy nước rửa mặt. Bỗng dưng cô dừng bước, sững sờ lặng ngắm một cảnh tượng mê hồn: hoa Asaoga ( hoa Triêu nhan ) lộng lẫy nở, quấn quanh dây gầu, có bông trắng muốt, có bông biếc xanh, có bông huyết rồng đỏ thắm. . . những cánh hoa mỏng manh như những cánh bướm dập dờn trong sương sớm, gió nhẹ, chúng như còn vương vấn giấc mơ tiên. Nữ sĩ không thể chạm tay vào dây gầu, không thể kinh động hoa, không thể làm tan giấc mộng của bướm -hoa! Cô sẽ xin nước ở nhà bên. Hoa ơi hãy cứ nở đi! Gương mặt tâm hồn của Chiyojo là một đóa Triêu nhan khác khi cô rửa mặt bằng gàu nước đi xin. Cái Đẹp phát tiết từ những tâm hồn yêu thương, tinh tế, tâm hồn tự nhiên của hoa cỏ tuyệt mĩ ! Tâm hồn Chiyojo và hồn hoa Triêu nhan tương chiếu tạo nên phút giây bất tử, nằm ngoài Thời Gian vô thủy vô chung. Hoa Asaoga ( hoa Triêu nhan ) chính là hoa Bìm bìm. Người Nhật đã tạo ra nhiều loại hoa Bìm bìm muôn hồng ngàn tía và say mê ngưỡng mộ loại hoa này. Hoa nở khoảng từ 5 giờ sáng, đến 9 giò thì héo tàn. Người yêu hoa dậy từ 4 giờ sáng để ngắm hoa nở từ từ đến viên mãn. Họ yêu thương Cái Đẹp mong manh tinh tế lộng lẫy như tiếc thương Mỹ Nhân yểu mệnh khi nhan sắc tuyệt mĩ nhất! Đó là một nét riêng biệt trong cảm thức thẩm mỹ của người Nhật.
Như vậy là trong nghệ thuật hoàn hảo của thơ haiku không có sự tách biệt giữa Thơ với Nhà thơ. Sự nhậy cảm và những điều đã được cảm nhận tự nó đã được lột tả qua ngôn ngữ, tới mức mà ta có thể nói rằng nhà thơ đã viết về chính mình, thông qua vốn sống của nhà thơ thể hiện sự hòa nhập với thế giới mà nhà thơ đã phản ánh trong thơ. Vì thế, người đọc thơ haiku không phải chỉ để thưởng thức thơ như một công trình sáng tạo tài tình của nhà thơ mà còn phải tái hiện lại trong mình cảm giác ban đầu của chính nhà thơ. Do đó để đọc và thưởng thức thơ haiku, chính người đọc phải trở thành một nhà thơ !
Đọc, cảm thụ, rung động, thích thú thơ haiku Nhật Bản không phải dễ. Ai đó muốn làm thơ haiku bằng tiếng và chữ nước mình lại càng khó khăn hơn. Ấy thế mà vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, thể thơ haiku đã được “ quốc tế hóa”, một trường hợp hiếm có trong thơ ca của Nhân Loại ! Người Trung Hoa, người Ấn Độ, người Mĩ, người Pháp . . . và cả người Việt nữa, cũng đã thể nghiệm thể thơ này bằng tiếng nước mình. Tập thơ “ Đom đóm” của vị Thánh văn hóa Ấn Độ là Ra-bin-đra-nát Ta-go-rơ (1861 – 1941 ) là tập thơ được viết theo thể haiku. Ở nước Mĩ có hàng trăm hiệp hội Haiku -Mĩ. Ở Việt Nam có hàng tăm tác giả và nhiều Câu lạc bộ Haiku – Việt, đã có các cuộc thi thơ haiku, có hàng trăm tập thơ haiku được xuất bản. Những bông hoa haiku đã đua nở ở mảnh vườn thơ của các quốc gia khoe hương sắc kì ảo, thanh quý của mình.
Dân tộc nào cũng có cho mình một nền văn hóa, một nền văn học nghệ thuật đậm bản sắc của dân tộc mình, cũng tạo ra những thể loại thơ độc đáo . Nhưng quy luật chung của văn chương là “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, một đời thơ mà có một bài thơ, thậm chí là có một câu thơ được lưu truyền mãi mãi đã là hạnh phúc lắm rồi. Khi tìm hiểu thơ Việt Nam hay thơ haiku Nhật Bản, mới thấy rằng thơ hay trước hết phải có tứ thơ gợi cảm, đồng thời phải có hình tượng thơ có khả năng khơi gợi được những cảm xúc nhân văn tiềm ẩn trong lòng người. Hãy cùng nhau thưởng thức bài thơ sau đây của nhà thơ haiku lừng danh Matsuo Basho ( 1644- 1694 ):
Saru wo kiku hito Tiếng vượn hú não nề setego ni aki no hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc ? kaze ika ni gió mùa thu tái tê !Cách đây hơn 400 năm, nước Nhật thường xuyên lâm vào nạn đói. Nhiều gia đình nông dân nghèo khổ, đông con, không nuôi nổi tất cả. Người ta đành nhẫn tâm đem những đứa trẻ tật nguyền, còi cọc, ốm yếu khó nuôi . . . bỏ vào rừng thẳm tuyết lạnh, mặc cho số phận của những sinh linh bé bỏng tội nghiệp. Bài haiku kiệm lời ghi lại sự việc đau lòng ấy. Tiếng vượn hú gợi lên nỗi bi ai hoang dại, gợi cho Basho liên tưởng đến tiếng than khóc não lòng, bi thiết của những đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng hoang những năm đói kém., những đứa trẻ “mabiru”, tiếng Nhật có nghĩa là “tỉa bớt”, như người ta tỉa bớt những cây non yếu ! Tiếng vượn hú hay là tiếng trẻ con khóc thật ? Tiếng trẻ thơ khóc hòa vào tiếng vượn hú vọng về theo gió mùa thu, hay chính là gió mùa thu đang than khóc cho nỗi đau buồn của kiếp người dương thế trầm luân? Nên nhớ ở miền Bắc nước Nhật nhiều nơi băng đã đóng, tuyết đã rơi đầy, giá lạnh vô cùng ngay khi thu mới về. Ý nghĩa bài thơ cứ lửng lơ để cho người đọc liên tưởng, tưởng tượng, tự mình lí giải. Tứ thơ sâu lắng, thấm vào hồn người đọc; hình ảnh thơ cực kì sinh động, gợi cảm. Và đó là tính chất nổi bật làm nên vẻ đẹp của thơ haiku.
Khi tiếp nhận thơ haiku hãy hết sức tôn trọng những đặc tính cơ bản đậm bản sắc dân tộc của nó. Thể thơ này không vần điệu, không dùng tính từ miêu tả, có khi nó như một công án của Thi sĩ – Thiền sư, nhưng nó ra đời trên nền tảng văn hóa bền vững của một dân tộc thần kì, một đất nước ảo mộng, mà mỗi người dân đều nghĩ rằng họ là con cháu của các bậc Thánh Thần. Họ có tôn giáo bản địa là Thần đạo. Họ thờ Nữ thần Mặt Trời, Nữ thần Mặt Trăng, Nữ thần Thu Hoạch. . . Nhật Bản là xứ sở của Cái Đẹp, vì thế đó cũng là xứ sở của Thơ ca. Người Việt Nam ta quen gọi sản phẩm tinh thần của mình là “Văn chương”, văn chương kết tinh cái hồn của dân tộc. Điều đó thật là ý nghĩa: “Văn”, trong nghĩa từ nguyên của nó là “vân trên thớ gỗ” ( ta hay nói “ hoa văn” của các thời đại ); còn “chương” là sắc màu của gấm vóc. Lời nói của con người có vẻ đẹp như là hội tụ vẻ đẹp của hoa văn, của sắc màu gấm vóc nên gọi là “văn chương”, là ý đẹp , lời hay. Người Nhật tin rằng Thơ ca có một năng lực Thần thánh linh thiêng nên gọi là “ngôn linh” ( Kotodama ), cảm hứng sáng tạo Thi ca được gọi là “Thần hứng”. Vì thế “ Thơ haiku Nhật Bản – sự cảm nhận Cái Đẹp đến từ đỉnh cao”. Có hồn linh trong những câu thơ. Những dòng haiku của Matsuo Basho viết từ thế kỉ XVII mà có sức mạnh của ngôn linh xuyên thấu Thời Gian đến thời hiện đại của chúng ta:
Shizukasa ya Tịch liêu iwa ni shimi iru thấu xuyên vào đá semi no koe tiếng ve ngân Hãy đón nhận một tứ thơ táo bạo của Thiền sư – Thi sĩ. Một cảm xúc thật mãnh liệt trước sức mạnh của sự im lặng tuyệt đối . Đây là sức mạnh của tâm thiền, của an nhiên và tịch liêu, nơi ấy tiếng ve ngân không vọng động, không có gì ngăn cản, nó có thể xuyên sâu vào đá. Cái dịu dàng, mềm mỏng, cái lặng im lại là một sức mạnh lớn lao. Ai cũng biết tiếng gà gáy từ vắng lặng ở những miền quê xa xôi có thể kéo một mặt trời vĩ đại lên cao để chói lọi, thì nhà thơ haiku Nhật Bản cũng có thể “thấy” một làn hương hoa mơ thức dậy một Mặt Trời cho ban mai nước Nhật : Ume ga kani Hương hoa mơ ơi notto hi no deru con đường núi mọc yamaji kana bỗng nhiên mặt trời.Thì ra thế giới này được tạo nên từ những gì mỏng manh, mơ hồ như một thoảng thơm hương hoa mơ, từ tiếng ve ngân trong tịch liêu, . . . và từ đó bông hoa Mặt Trời vĩ đại kia được mọc lên. Vạn vật không tồn tại riêng lẻ, mà luôn tác động, hòa hợp với nhau, nâng nhấc nhau để cùng tồn tại. Vầng Mặt Trời đem đến cho bông mai hương nhụy, và làn hương hoa mai nâng mặt trời lên cao. Các Thi sĩ – Thiền sư vĩ đại của Nhật Bản muốn nói rằng cứu cánh tối thượng của Thiền tông là chứng ngộ Phật tính. Trong muôn người và muôn vật đều có Phật tính, Phật tính tạo nên vẻ đẹp cho thế gian này. Hai ku không chỉ ngợi ca vẻ đẹp Thần Thánh, cao siêu, hùng tráng mà còn hát ca những vẻ đẹp trong những sinh linh nhỏ bé, trầm tích trong những cảnh vật đơn sơ. Thơ Đường của Trung Hoa, thơ Trung đại của Việt Nam ta hay dùng những hình ảnh tứ linh như Long – Ly - Quy - Phượng để tôn vinh những bậc quân vương, hoặc những đấng hiền nhân quân tử. Thơ haiku hạ mình xuống để khám phá vẻ đẹp trong những sinh linh bé mọn, mỏng manh như cánh chuồn, cánh bướm, lắng nghe hơi thở tàn của con muỗi, nghe tiếng của con sâu gặm mòn hạt giẻ, tiếng con dế vọng lên từ lòng đất, ngắm nhìn vẻ đẹp của con châu chấu đội chiếc mũ chiến binh, ánh sáng lập lòe của con đom đóm trên bến sông đêm hè . . . Trân quý, nâng niu những vẻ đẹp tưởng như bé nhỏ này, các thi sĩ haiku đã bày tỏ thái độ quay lưng lại với thế giới đầy tội lỗi của lũ người bon chen danh lợi, tiền tài, quyền lực mà gây ra bao tang tóc, đau thương. Đi vào thế giới haiku, người đọc được hưởng những giờ phút thanh tĩnh, êm đềm, trầm lắng, thư thái cho tâm hồn với một vẻ đẹp mộng mơ, tao nhã:
Tsurigane ni Trên chuông cổ Tomarite nemuru chú bươm bướm nhỏ Kochou kana đang ngủ say sưa. ( Yosa Buson . (!716 – 1783 )Y. Buson là một Thi sĩ – Họa sĩ nên thơ ông giàu chất tạo hình, gợi cảm. Quý ngữ của bài haiku này là “chú bươm bướm nhỏ” ( Kochou ) gúp người đọc hình dung đến một ngày Xuân ấm áp. Không gian nghệ thuật mở ra trong một ngôi chùa cổ kính với tháp chuông uy nghiêm. Thời gian có lẽ là khoảnh khắc một buổi trưa mùa Xuân, mọi hoạt động hầu như dừng lại, thời gian như ngừng trôi. Tất cả chìm vào u tịch. Sự cô tịch được đẩy lên cực điểm với hình ảnh chú bướm nhỏ say giấc nồng trên chiếc chuông cổ. Chuông chùa phát ra âm thanh vang vọng, thức tỉnh những hồn u mê, đắm đuối vào mê ảo. Giờ phút này chuông lặng im, nín thở, nâng niu giấc nồng của chú bướm nhỏ. Một chút từ bi nơi cửa Phật mà thật là vô giá, dành cho mọi sinh linh. Với tâm hồn của một Thi sĩ – Họa sĩ, Buson đã “Vẽ” ra một khoảng lặng của cuộc sống, một khoảng thư thái trong hồn người. Các Thi sĩ haiku rất nhậy cảm với Cái Đẹp, với họ “Cái Đẹp là cuộc sống” với muôn hình muôn thể. M.Basho nói: “Nếu nhìn vật mà không nhớ đến hoa là kẻ man rợ, nếu tư tưởng mà không quay về trăng thì khác chi cầm thú”. Ông kêu gọi :”Hãy vượt qua man rợ mà đón nhận Thiên nhiên và quay về với Thiên nhiên” . Trong Thiên nhiên, hoa là biểu tượng cho Cái Đẹp, loài ong trở thành biểu tượng cho sự nhậy cảm với Cái Đẹp . Bị cái đẹp quyến rũ, chú ong vào sâu trong bông hoa, khi trở ra chú ong say phấn hoa đang tần ngần trên cánh hoa Cẩm chướng, không nỡ dứt tình rung cánh bay đi :
Botanshibe fukaku Chú ong ngất ngây Wakeizuru hachino tần ngần bay Nagorikana ra khỏi đóa hoa Cẩm chướng. ( M.Basho ) Trong thiên nhiên, Bươm bướm cũng là hiện thân của Cái Đẹp, những cánh Bướm muôn sắc màu dập dờn trong gió chở nắng Xuân về cho cánh đồng thêm mênh mông gợi bao xúc động cho thi sĩ : Chouno Những chú Bướm Tobubakari sải đôi cánh rộng Hikagekana ánh dương trên đồng. ( M. Basho )Thi sĩ haiku thấy ở loài Đom đóm một vẻ đẹp lung linh, đầy phép lạ, chỉ ánh sáng lập lòe của con Đom đóm mà làm hiện lên cả một mảnh vườn đẫm sương :
Hitotsu kite Đom đóm ! Niwa no tsuyukeki một con bay đến Hotaru kana cả vườn đẫm sương.( Kirei )
Nhờ phép ảo thuật của màn đêm mà ánh sáng của Đom đóm làm cỏ đêm thêm xanh biếc :
Koko kashiko Đó đây, đó đây Hotaru ni aoshi cỏ đêm xanh biếc Yoru no kusa vì Đom đóm bay . ( Hojojo )Với người Nhật nói chung và Thi sĩ haiku nói riêng, tiếng ếch mùa Xuân là bản giao hưởng Ái ân tuyệt vời. Mỗi con ếch mà một nghệ sĩ đa tình trong mùa ái ân. Đó cũng là cách thẩm âm độc đáo của người Nhật :
Matsu-kaze wo Tiếng ếch vang lừng Uchikoshite kiku vượt qua tiếng gió Kawazu kana reo giữa hàng thông . ( Joso ) Bản hòa âm ếch nhái vang lên trong thơ haiku với nhiều âm điệu, cung bậc đắm say : Tatazumeba Từ núi về nhà Tooku mo kikoyu lặng nghe ếch nhái Kawazu kana vang rền xa xa. ( Y. Buson )Đó chính là bản nhạc trở về mái nhà xưa ấm cúng theo bước chân của Y. Buson. Nhà thơ K. Issa lại nghe như tiếng ếch thở than cho tuổi già đầy u uẩn của mình:
Waga io ya Quanh mái lều ta Kawazu shote kara vừa mở đầu, ếch nhái Oi wo naku hát bài ca tuổi già.Tiếng ếch chính là một loại hình của thơ ca, và ếch hiện lên với dáng hình thi sĩ mộng mơ . Chẳng còn biết ếch bắt chước người làm thi sĩ hay là người bắt chước ếch trầm ngâm ?
Te wo tsuite Chống tay trên bờ Uta môshiaguru Và ngồi trang trọng Kawazu kana con ếch ngâm thơ. ( Sôkan )*
* *
Thơ haiku ôm choàng cuộc sống trong mọi phương diện của nó, thơ gắn với cuộc đời bình thường mà không tầm thường chút nào. Thiên nhiên và mọi sinh linh phát tiết ra Cái Đẹp, Thi sĩ haiku nâng đón lấy Cái Đẹp để làm thành dòng thơ haiku diệu kì, độc đáo để cảm nhận Cái Đẹp từ đỉnh cao. Không có Cái Đẹp của Thiên nhiên và Tình yêu thì trái tim chỉ còn lại hư không và thế gian này sẽ thành hư không. Các thế hệ thi sĩ Nhật Bản, nhất là các thi sĩ haiku đã làm nên linh hồn cho nước Nhật như ta hằng ngưỡng mộ.
Hà nội, những ngày tháng 6/ 2021 đáng nhớ. ĐTN
Từ khóa » Tịch Liêu Thấm Vào đá Tiếng Ve
-
Vẻ đẹp Tịch Liêu (sabi) Trong Lối Lên Miền Oku – Matsuo Basho
-
“Bức Tranh” đẹp Của Thơ Haiku | .vn
-
Bài Thơ: Bài 235 - 235 (Matsuo Basho - 松尾笆焦) - Thi Viện
-
Thiền Tính Trong Thơ Haiku Của Basho. - Chƣơng 2 - 123doc
-
Thi Pháp Chân Không Trong Thơ Haiku Của Basho | Trương Phương
-
Những Sắc Thái Cảm Thức Thẩm Mỹ Trong Thơ Haiku Nhật Bản
-
Phân Tích Bài Thơ Hai-cư Của Ba-sô - Văn Mẫu Lớp 10
-
More Content - Facebook
-
Oku No Hosomichi, Con đường Hẹp Vào Chiều Sâu Tâm Thức. Tác Giả
-
Thơ Haiku
-
Tiếng Chuông Trầm Mặc Trong Thơ Haiku Của Basho - Văn Học
-
Lang Hue - Bút-Ký: Thơ Với Thẩn… - Làng Huệ
-
Skkn Một Số Kinh Nghiệm Giảng Dạy Thơ Hai Cư Trong Chương Trình ...
-
Matsuo Basho: Bậc Đại Sư Thơ Haiku By Makoto Ueda - Goodreads