Tiếng Chuông Trầm Mặc Trong Thơ Haiku Của Basho - Văn Học

Chuyển đến nội dung chính

Tiếng chuông trầm mặc trong thơ haiku của Basho

ĐỀ TÀI: TIẾNG CHUÔNG TRẦM MẶC TRONG THƠ HAIKU CỦA BASHO 1.Nhật Bản- xuất phát điểm của tiếng chuông. Đất nước Nhật Bản có điều kiện địa lý khá đặc biệt so với nhiều nước trên thế giới, là một quốc đảo có vị trí biệt lập. Trong quá khứ xa xưa, nhờ vị trí đảo quốc đặc biệt của mình mà Nhật Bản tránh được nhiều cuộc xâm chiếm đất đai giữa các nước láng giềng lục địa. Nhật Bản là một quốc gia Đông Bắc Á duy nhất trực tiếp tiếp thu rất nhiều từ Đông Á vá Đông Nam Á các nghề trồng củ, trồng lúa nước, dệt vải, tín ngưỡng nữ thần…hình thành một đảo quốc luôn tạo ra những chuỗi bất ngờ cho thế giới cả trong quá khứ lẫn hiện đại về một nền văn hóa độc đáo của xứ sở Phù Tang. Nhật Bản là một xứ sở huyền bí của Thần đạo với vô số các tập tục và nghi lễ, với vẻ đẹp lãng mạn của những cánh hoa anh đào nở rộ như những đám mây hoa, với những thiếu nữ duyên dáng trong tà áo kimono truyền thống. Đây còn là xứ sở huyền thoại của những Võ sĩ đạo, của những môn phái võ thuật nổi tiếng như: sumo, akido, karate, judo… Một xứ sở của Thiền đạo và Trà đạo gắn liền với những bài thơ haiku ngắn đến mức tưởng chừng như không thể ngắn hơn được nữa. Độc giả sẽ rất đỗi ngạc nhiên bởi bên cạnh những bài thơ haiku cực ngắn ấy là cả một quá trình dài với những bước thăng trầm gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà thơ nổi tiếng. Có bốn nhà thơ được người đời tôn làm tứ trụ trong thơ haiku đó là: Matsuo Basho, Yosan Buson, Kobayashi Issa và Masaoka Shiki. Mỗi nhà thơ đều có những bút pháp, phong cách rất riêng, họ đã cùng nhau đưa haiku lên đỉnh cao của nghệ thuật. Thơ Haiku của Nhật Bản lan tỏa trên thế giới một cách trầm lặng mà gây ra tiếng vang xa rộng như bước nhảy của một con ếch từ trên bờ nhảy “tủm” xuống ao làm mặt nước xao động. Nó trở thành một thể thơ đặc trưng của người Nhật trong mắt bạn bè quốc tế. 2.Khái quát về thơ Haiku Người dân xứ sở hoa anh đào thường tự hào đất nước mình là “thi quốc”. Trong các thể thơ truyền thống của Nhật Bản, tanka và haiku là tiêu biểu hơn cả. Đặc biệt, thơ haiku là thể thơ rất Nhật Bản, là linh hồn văn hóa xứ Phù Tang. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã từng nói rằng: “Có một thể thơ mà khi để nó lướt qua tâm hồn ta, ta có cảm giác như đang chạm vào thiên nhiên, chạm vào từng mùa…Haiku? Đọc Haiku là chạm vào hơi thở của mùa. Là chạm vào hoa đào, đom đóm, lá phong, tuyết trắng,…” . Thơ Haiku là thể thơ nổi tiếng của Nhật Bản và ngắn nhất thế giới, toàn bài chỉ có 17 âm tiết, có thể xếp thành 3 câu (5-7-5). Trong tiếng Nhật, thơ haiku không có vần và thường không có nhan đề. Các bài thơ haiku thường chỉ là những nét chấm phá, gợi mở để độc giả vận dụng trí tưởng tượng nhằm liên tưởng đến các sự vật, hiện tượng khác. Vì thế, người ta cho rằng thơ haiku giống như những bức tranh thủy mặc của người Nhật. Nó chứa đựng một khoảng trống, một khoảng chân không nhưng tràn trề sinh động của cuộc sống. Thơ haiku là thể thơ phái sinh từ tanka. Tanka là thể thơ khởi đầu của dân tộc Nhật Bản, tức Đoản ca hay còn gọi là Waka hay Hòa Ca. Bài thơ theo thể tanka có 31 âm tiết, chia thành 5 dòng theo nhịp phách 5-7-5-7-7. Bài thơ tanka sau đây được xem là bài thơ mở đầu cho thơ ca Nhật Bản: Tám tầng mây dựng Ở xứ Izumo Ta làm tám tầng mây xa Tám tầng mây ấy Che chở người vợ ta Đây là bài thơ mà thần Susanoo làm tặng cho người vợ của mình là nàng Kushinada. Theo H. H. Honda thì một bài tanka tựa như “Hoa anh đào ẩm trong sương mờ mùa xuân”. Từ thế kỷ XIV–XV, khi thơ tanka có dấu hiệu đi xuống, trên thi đàn Nhật Bản xuất hiện thể thơ renga (liên ca). Renga cũng có nhịp phách 5-7-5-7-7 như tanka nhưng tách thành hai phần 5-7-5 và 7-7 rõ rệt, số lượng câu không hạn chế. Thơ renga được giải thích như sau: Thơ renga là thơ xướng họa có từ rất lâu đời trong văn học Nhật. Từ một bài tanka 31 âm tiết, 5 dòng được tách ra hai phần để cho mọi người xướng thơ với nhau (phần ba câu đầu gọi là thượng cú, phần hai câu sau gọi là hạ cú). Renga ra đời là như thế. Ví dụ như một bài thơ trong Shui shu (Thập di tập, 997): “Qua rồi nửa đêm Chờ nhau chi nữa Cho thêm ưu phiền Một tiểu thư đã gửi cho người tình của mình” phần đầu bài tanka với ba câu như trên với ý trách móc người yêu lỗi hẹn. Sau đó, người ấy nhận được và làm tiếp phần còn lại thành một bài tanka trọn vẹn: Muốn gặp em trong mộng Nhưng rồi anh ngủ quên Thực chất renga là trò chơi nối thơ của các nhà thơ tanka. Giới quý tộc thời Heian rất thích lối sáng tác như thế. Sau này, trong bài renga liên hoàn đoạn thơ khởi xướng phần thượng cú được gọi là hokku (phát cú) và được viết với hình thức 17 âm tiết (5-7-5). Đến thế kỉ XVI, công chúng yêu thơ Nhật Bản rất thích trò chơi nối thơ nên renga trở nên phổ biến và bình dân hơn, thậm chí có nhiều bài renga được làm với mục đích hài hước, châm chọc gọi là haikai no renga, gọi tắt là haikai. Thể haikai do tầng lớp thị dân sáng tác với mục đích đùa cợt, phóng túng nên dễ sa vào sự dung tục, chấp nối, gượng ép và thiếu tâm hồn thơ. Sau này, Basho đã đưa haikai thoát khỏi sự tầm thường bằng sự dung hợp cả cái vô tâm lẫn hữu tâm, sự trào lộng đời thường của haikai hiện đại với sự tao nhã, tâm linh của renga cổ điển vào trong 17 âm tiết của bài hokku. Từ đấy hokku không phụ thuộc vào renga nữa, nó trở thành thể thơ độc lập và có tên là haiku (hài cú) (lúc đầu có tên haikai đến thế kỷ XIX mới có tên gọi haiku). Phần đầu hokku của bài renga là tiền thân của thơ haiku, như vậy thơ haiku có nguồn gốc từ tanka và renga. Thơ haiku phát triển mạnh trong thời Edo (1603–1867). Vào thời kì này haiku đã mất đi sắc thái hóm hỉnh, trào lộng nguyên thủy mà thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm của Thiền Tông. Nghĩa là không còn sự phân biệt giữa người làm thơ và cuộc sống đang vận hành, giữa bài thơ và cái nằm phía sau ngôn từ. Đó là sự độc đáo vi diệu của thơ haiku. Nội dung và hình thức nghệ thuật Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, mỗi bài thường chỉ có 17 âm tiết (có thể ngắn hoặc dài hơn một vài âm tiết). Trong nguyên bản tiếng Nhật, 17 âm tiết này thường được viết thành một dòng nhưng khi phiên âm la-tinh lại ngắt thành 3 dòng 5-7-5. Haiku cổ điển có niêm luật chặt chẽ. Một bài thơ haiku phải thể hiện được cảm thức về thời gian qua quý ngữ (kigo). Quý ngữ có thể là từ miêu tả các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, hoạt động mang đặc trưng của mùa. Việc dùng quý ngữ chỉ mùa thể hiện sự gắn bó sâu sắc của người Nhật với thiên nhiên. Người Phù Tang rất nhạy cảm với bốn mùa, có cảm quan tinh tế về thời tiết, nhất là sự thay đổi của thiên nhiên. Tuy vậy, thiên nhiên trong thơ haiku thường là những cảnh vật bình dị, nhỏ bé, tầm thường và dễ bị lãng quên như chú ếch, con quạ, chú khỉ nhỏ bé, chim đỗ quyên, tiếng ve, đóa hoa dại nở bên bờ suối, hòn đá… Hai đề tài nổi bật của haiku là thiên nhiên và cuộc sống đời thường. Về phương thức biểu hiện, do một bài thơ chỉ gồm 17 âm tiết nên các thi sĩ haiku thường bắt đầu từ những điểm nhìn đơn lẻ, chớp lấy một khoảnh khắc có thần của thực tại, đẩy lên đỉnh điểm của cảm xúc và sáng tạo theo nguyên lý mùa và tính tương quan hình ảnh. Trong một bài thơ haiku thường có một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường). Haiku không mô tả cảm xúc mà chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Nhà thơ ít dùng tính từ và trạng từ làm hạn chế sự tưởng tượng của người đọc, vì thế, haiku rất giàu sức gợi. Ở thơ haiku, ta bắt gặp bút pháp của tranh thủy mặc, thiên về thần thái hơn là đường nét. Kết cấu bỏ lửng của thơ haiku chính là cái hư không bảng lảng khó nắm bắt của tinh thần Thiền tông. Quá trình phát triển Thơ haiku có một quá trình ra đời lâu dài và phát triển thật mạnh mẽ. Thơ haiku ra đời từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, nó đạt tới đỉnh cao với Basho. Sau Basho còn có rất nhiều nhà thơ đã chọn haiku làm “con đường” để bước vào trong nghệ thuật, vào trong một lối sống, vào một “đạo” và mang những triết lí sâu sắc gọi là “hài cú đạo” (haikudo) hay “haiku no michi”. Đó là các nhà thơ Yosa Buson (1716–1784), Kobayashi Issa (1762–1827), Masaoka Shiki (1867– 1902), Onitsura (1660–1738), Ryokan … Đối với họ sáng tác thơ haiku không chỉ là niềm vui mà còn là lối sống. Thơ haiku đến với họ bằng “con đường”, tức cái đạo mà thơ haiku chứa ở trong nó. Đấy là con đường sâu thẳm trong cái bình thường giản dị nhất giữa cuộc đời như Tagore đã từng nói: “Trong vội vã, ta bỏ quên những bông hoa bên hàng giậu ven đường…”. Hiện nay, thơ haiku của Nhật Bản đã lan tỏa ra khắp thế giới. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã nhận định: “Nói một cách chừng mực hơn, thơ haiku mà Basho đã hoàn thiện bằng thiên tài của mình, trở nên thể thơ quốc tế trong thế kỉ XX. Bên ngoài Nhật Bản, haiku chẳng những được nghiên cứu rộng rãi mà còn được các nhà thơ ở nhiều xứ khác nhau sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có cả Paul Eluard của Pháp, Octavio Paz của Tây Ban Nha và George Seferis của Hi Lạp”. Vậy, thơ haiku bắt đầu hình thành vào thế kỉ XVI, đạt đỉnh cao ở thế kỉ XVII với Basho. Ngày nay, haiku lan ra thế giới thành một thể thơ được quốc tế đón nhận. 3.Thi sĩ Matsuo Basho Matsuo Basho (1644–1694), thiền sư thi sĩ lỗi lạc của thời Edo, ông sinh ngày 16 tháng 12 năm 1644 trong một gia đình võ sĩ cấp thấp thời Tokugawa (1603–1868), ở thành Ueno thuộc Iga (nay là huyện Mie), Basho lúc mới ra đời tên là Matsuo Kinsakulớn lên đổi tên thành Matsuo Munefusa . Năm 9 tuổi, ông vào lâu đài Ueno làm tùy tùng cho lãnh chúa và trở thành bạn thân của Yoshitada, một người lớn hơn ông vài tuổi và là con của trai của lãnh chúa. Hai người đã cùng nhau vui chơi, học tập và làm thơ. Người thầy dìu dắt Yoshitada và Basho về thơ haiku là Kitamura Kigin, nhà thơ và nhà bình thơ lừng danh lúc bấy giờ. Bài thơ đầu tay của Basho được sáng tác vào năm 1664, lúc đó Basho vừa 20 tuổi. Trong tập thơ xuất bản ở Kyoto năm 1664, có hai bài của Basho và một bài của Yoshisada. Nếu dòng đời cứ yên bình trôi đi thì chắc hẳn Basho đã suốt đời an phận, lặng lẽ với thân phận một người võ sĩ cấp dưới, thi thoảng cùng chủ quân nâng chén thưởng nguyệt trong những ngày nhàn hạ. Ngờ đâu vận đời trớ trêu, Yoshisada chẳng may bị bệnh và mất sớm khi vừa mới hai mươi lăm tuổi (năm 1666). Số phận trở thành một Samurai gia truyền tưởng chừng như đã an bài đã tan vỡ theo cái chết của người chủ ấy và đồng thời để lại một vết hằn đen tối khó quên. Sau đó, Basho rời bỏ lâu đài xứ Iga, một nơi đầy kỉ niệm. Ông đến Kyoto, vừa để tiêu dao những ngày tháng kinh kì nhằm khuây khỏa vừa để theo đuổi nghiệp thơ. Ông tiếp tục học cổ văn Nhật với Kigin và ông còn nghiên cứu thêm cổ văn Trung Quốc với một bậc thầy khác. Ông thường sống trong nhà Kigin hoặc là tá túc trong một đền chùa. Tiếp đó, ông rời kinh đô đến Edo, thủ phủ của chế độ mạc phủ Tokugawa. Ở Edo, Basho lấy bút hiệu là Tousei (Đào Thanh), ông luôn tìm cách trau dồi thêm về thi ca, dần dần ông thu nhận môn đệ và người ái mộ thơ Basho ngày một nhiều. Năm 1680, Basho xuất bản tập thơ “Hai mươi bài thơ do môn đệ của Tousei sáng tác độc lập”. Năm ba mươi bảy tuổi, giữa lúc danh tiếng của Basho đang lan rộng, nhà thơ đột nhiên quyết định thôi dạy, dọn về sống trong túp lều tranh ở Fukugawa (Thâm Xuyên) cạnh bờ sông Sumida. Một môn đệ khá giả là Sampu (Sam Phong) xây cho Thầy mình túp lều để làm bạn với thiên nhiên. Basho trồng cạnh túp lều một bụi chuối do môn đệ biếu, người đời gọi túp lều đó là Basho-an, tức Am Ba Tiêu, và chẳng bao lâu họ gọi chủ nhân của túp lều đó là Basho Sensei (Ba Tiêu Tiên Sinh). Chủ nhân của túp lều đắc ý với tên gọi ấy nên đã lấy Basho làm bút hiệu. Trong khoảng thời gian này, Basho tu tập Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Buccho (Phật Đỉnh) ở Choukeiji (Trường Khê Tự). Năm 1682, Edo xảy ra trận hoả hoạn lớn, túp lều tranh của Basho cũng chìm trong biển lửa , trắng tay giờ lại trắng tay, Basho trở thành kẻ không nhà. Ý tưởng phiêu bạt chợt bùng dậy trong tâm trí ông. Tháng 5 năm 1683, Basho về lại Edo, môn đệ hợp sức dựng lại cho ông túp lều nhưng giấc mộng hải hồ cứ thôi thúc ông từng ngày. Mùa Thu năm 1684, Basho bắt đầu cuộc hành trình “gió biển mây ngàn” của mình. Ông đi đến Thần cung Ise. Sau khi tham bái ngôi đền nổi tiếng này, ông trở về cố hương viếng mộ mẫu thân. Chuyến hành hương kế tiếp hướng về Kashima, Basho đến thăm Thầy cũ của mình là Thiền sư Buccho. Sau đó ông đi ngắm hoa anh đào ở núi Yoshino. Ngay sau chuyến đi ngắn ngày ấy, Basho lại bỏ ra một năm trời đi lang thang cùng thiên nhiên sông núi. Từ Edo đến bờ biển Suma. Ông đến Sarashina để chứng kiến mùa trăng ở đỉnh Obasute. Năm 1689, Basho cùng đệ tử Sora thực hiện chuyến đi nổi tiếng đó là: hành trình lên miền Oku ở Đông Bắc của đảo Honshu – một vùng thuở ấy còn hoang sơ, chưa có người khai phá. Basho phiêu bạt gần ba năm trời, quãng đường ông đi qua hơn 2500 km. Sau chuyến hành trình, Basho về Kyoto và cố lý sống hai năm. Năm 1691, Basho trở lại Edo với danh tiếng đạt mức tột đỉnh. Tâm hồn lãng tử của Basho lúc nào cũng thôi thúc ông dấn bước vào cuộc hành trình gian nan như người đi tìm Đạo. Năm 1694, Basho thực hiện chuyến lữ hành cuối cùng đến Otsu (gần hồ Biwa), rồi ghé qua Kyoto ở lại Rakushisha, sau đó, ông đến Osaka. Vốn đã tiều tụy, khi ở Osaka ông lại mắc phải chứng tiêu chảy không cách nào chữa khỏi. Trong những ngày cuối đời, ông viết: “ Dang dở cuộc hành trình Chỉ còn mộng tôi phiêu lãng Trên những cánh đồng hoang” Và Basho trút hơi thở cuối cùng ngày 12/10/1694, hưởng thọ 51 tuổi. Đến phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn làm thơ, vẫn chưa nguôi mộng sông hồ.Những bước đường phiêu lãng, du hành khắp nơi trên đất nước là cảm hứng sáng tác gắn liền với khối tác phẩm đồ sộ của Basho. Những trang bút kí và những bài thơ huyền bí để lại cho hậu thế là tài sản vô giá. Sau khi nhà thơ mất, một số đệ tử đã tập hợp các bài thơ của ông thành Basho Shichi Bushu (Ba tiêu thất bộ tập) tức là bảy tác phẩm. Những tác phẩm của Basho để lại cho đời là: Ngày Đông (Fuyu no hi, 1684), 5 tập, viết chung với bạn thơ Du kí lang thang đồng nội (Nozarashi kiko, dã sái kỷ hành, 1685) .Ngày Xuân (Haru no hi, 1686) viết chung với đồ đệ Nhật kí hành trình Kashima (Kashima kiko, 1687) Ghi chép trên chiếc túi hành hương (Oi no kubun, cập chi tiểu văn, 1688) Lối lên miền Oku (Oku no hoshomichi, áo chi tế đạo, 1689) Áo tơi cho khỉ (sarumino, viên thoa, 1691) . Phong cách thơ haiku của Matsuo Basho Haiku là một thể thơ đặc biệt ngắn gọn, xuất phát tự nhiên như tiếng nói từ tâm đối cảnh trong khoảnh khắc của ngay lúc ấy, trong đó thời gian và không gian cô đọng lại như khung cảnh hiện thực của một bức ảnh, vì thế, thơ haiku hàm chứa nhiều nét thi vị Thiền. 4. Vị Thiền – hồn của tiếng chuông trầm mặc Basho đã đưa Thiền vào thơ đến mức tuyệt vời, ý thơ của ông thanh thoát, bàng bạc những ảnh hưởng sâu xa của đạo Phật, như thơ của một vị Thiền sư. Đó là những vần thơ cao nhã và nhàn tản u tịch. Do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông trong nhận thức cuộc sống nên thơ haiku của Matsu Basho thể hiện những cảm thức thẩm mỹ khác nhau như là: Sabi, wabi, aware và karumi. Từ những cảm thức này, Basho đã hình thành phong cách riêng cho mình, được gọi là Shofu (Tiêu Phong). Cảm thức Sabi Sabi (Tịch) là cảm thức nổi trội của thơ haiku và thể hiện tập trung nhất tư tưởng của Thiền Tông. Sabi là linh hồn của tịch liêu, là cảm thức về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật. Sabi là ý thức mỹ học đầu tiên được phổ biến qua thơ waka của Fujiwara Shunzei (1114– 1204) vào cuối thời Heian và đầu thời Kamakura. Ý thức này được các nhà thơ sau đó, đặc biệt là Basho, tiếp tục phát triển và định hình. Trên thực tế, sabi đã trở thành khái niệm căn bản trong thơ Basho. Cái cô tịch của sabi không phải là sự cô tịch của việc chia rẽ, tách biệt, phân li. Sabi là cô đơn nhưng là “niềm cô đơn huy hoàng”, là cảm thức hùng tráng chứ không phải cô đơn cá nhân, không mang tính bi lụy. Sabi là vẻ cô tịch, trong sự soi chiếu giữa một cá thể và toàn thể, giữa một và tất cả. Đó là sự vắng bóng của bản ngã. Nội dung của sabi không chỉ giới hạn trong sự cô tịch. Đó không phải là niềm bi thương câm lặng, tịnh thức của bản ngã. Sabi là cảm thức của sự tĩnh mịch tuyệt đối, khi lòng người lắng xuống tận đáy kí ức tâm hồn, hiện tại đã hóa hư vô, sự vật nhìn thấy trước mắt mà cứ ngỡ đã trôi về một miền vô định. Basho chọn cho mình cuộc đời của một lữ khách phiêu bạt khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Trong những năm tháng độc hành ngao du sơn thủy, với một người có lòng hoài cổ, chắc hẳn đã có nhiều lần ông nhìn thấy những hình ảnh thiên nhiên bình dị trong chiều hôm hay nghe một tiếng cuốc, một tiếng dế mà nhớ quê da diết. Con tim khắc khoải mãi mãi đi tìm sự bình an cho tâm hồn, ông muốn thoát đi thật xa tìm nguồn thi hứng, “theo gương những thiền sư ngày xưa đã đi hàng ngàn dặm không mang gì theo chỉ cố gắng đạt được trạng thái hạnh phúc dưới ánh trăng trong sáng”. Có lẽ vì thế, trăng là một người bạn đường quen thuộc của ông: “Trăng Một nhà sư Mang trăng đi qua bãi cát” Bài thơ gợi lên một hình ảnh rất tao nhã của một nhà sư bước đi trên bãi cát vắng lặng dưới ánh sáng trăng. Tuy nhiên, trăng không phải đang tỏa sáng soi đường cho người lữ hành mà chính người ấy đang ung dung mang trăng theo trên bước đường phiêu du của mình. Nhà sư không chỉ có trăng làm bạn, mà trăng dường như cũng khao khát trở thành người đồng hành của nhà sư. Người lữ hành cô độc và ánh trăng lẻ loi trên bãi cát đêm hoang vắng gợi lên một niềm cô liêu, tịch mịch tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, nhưng đó không phải là nỗi cô đơn u uẩn, xót xa mà là cảm xúc rợn ngợp trước vẻ đẹp dung dị mà thanh cao về sự hợp nhất của con người và thiên nhiên. Khi con người để lòng mình lắng sâu đến mức nhìn thấy cái vô thường trong hữu hạn cuộc đời, có thể cảm nhận bằng các giác quan cụ thể những thứ không tạo hình, không thanh sắc, lúc ấy, cả tâm hồn và thể xác như chìm đắm vào sự tĩnh lặng và giao hòa tuyệt đối với đất trời. Đó là cốt lõi của Thiền. Theo Thiền tông, khi lắng vào niềm tĩnh tịch thì người ta sẽ lắng nghe được tất cả sự chuyển động của vạn vật: “Vắng lặng u trầm Thấm sâu vào đá Tiếng ve ngân” Những hình ảnh trên của bài thơ vẽ nên một khung cảnh heo hút, đìu hiu bởi tiếng ve kêu khắc khoải. Có gì mỏng manh hơn tiếng một con ve ở tận sâu trong khu rừng vắng! Không gian yên tĩnh đến mức thi sĩ có thể nghe thấy tiếng ve thấm sâu vào từng lớp đá, làm run rẩy linh hồn đá cứng. Thật ra tiếng ve mùa hạ vốn dĩ rất ồn ã. Nhưng với Basho, tiếng ve mùa hạ kia dường như đã rơi vào hư vô. Vượt lên trên tất cả những thanh âm ồn ào hỗn độn, tâm hồn thi sĩ đã đạt đến trạng thái tĩnh lặng hoàn mỹ, và sự yên tĩnh trong tâm hồn đã lan tỏa, bao trùm lên cảnh vật xung quanh. Trong tiếng ve kêu, nhà thơ bước vào cõi âm u, nơi mọi vật dung chứa lẫn nhau. Vẫn là tiếng ve ngày nào, vẫn là đá núi hôm qua và trái tim con người vẫn rộn ràng với những nhịp đập ngày thường của nó, nhưng không phải ở chốn ồn ào sôi động mà chính là trong tâm thức, trong cõi tịnh liêu. Dù cuộc đời có “động” đến đâu thì lòng vẫn “tĩnh”, ấy là Thiền, ấy là sabi. Vào lúc hoàng hôn, nghe hồi chuông chiêu mộ từ xa vọng lại, người lữ khách nhạy cảm như Basho tự dưng cảm thấy đâu đây phảng phất mùi Thiền. Trong buổi xế tà này, đằng phương trời xa từng đàn chim đang rũ cánh bay về tổ, nhà thơ làm sao không khỏi ý thức về thân phận con người? Qua ngọn bút, niềm cô tịch triền miên ấy biến thành thơ. “Chuông chùa tắt Hương hoa phảng phất Chắc hẳn hoàng hôn” Tâm hồn nhà thơ đã gắn kết, hòa đồng vào vũ trụ, con người sống đời sống của thiên nhiên, thở hơi thở của tự nhiên. Nếu được như vậy bất cứ lúc nào con người lặng im nhìn vào tâm tưởng của chính mình cũng cảm nhận được nhịp điệu, sự rung động của đất trời. Vì thế giới bên trong và bên ngoài là một, nên thơ của Basho ít khi thể hiện cảm xúc cá nhân. Chỉ vài nét phác thảo đơn sơ, mộc mạc cũng làm nổi bật một chiều thu cô tịch và hoang liêu: “Trên cành khô Cánh quạ đậu Chiều thu” Mùa thu trong bài thơ nhuốm màu tiêu điều, quạnh quẽ, xác xơ qua hình ảnh “cánh quạ ô trên cành héo hắt”. Giống như một bức tranh mực Tàu với những nét điểm tinh tế, trầm buồn của chiều thu, bài thơ vẽ nên một khung cảnh với những chi tiết đối lập, là hiện thực tạo thành cái sâu thẳm vô hạn nhất của sabi. Cảm nhận về bài thơ này, Henderson cho rằng: “Ở đây không chỉ đơn giản là phong cảnh héo úa đậu xuống một chiều thu giống như hình bóng một con quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội, nhỏ xíu của con quạ với bóng tối bao la vô định của buổi chiều hôm và với nhiều điều khác nữa tuỳ người đọc”. Trong thế giới phồn hoa chốn nhân gian, để lắng nghe được thanh âm của tự nhiên người ta phải lắng hồn mình đến trạng thái tuyệt tĩnh của sabi, nơi tâm hồn con người trở thành tấm gương phẳng lặng soi chiếu vạn vật. Cảm thức Wabi Wabi (Đà) là một khái niệm của Phật giáo thiền tông, nói đến sự cảm nghiệm về sự thanh bần an lạc, sự dung dị nhưng thanh cao của cuộc sống con người và sự vật. Cơ sở của wabi chính là bắt nguồn từ quan niệm của người Nhật Bản “Vạn vật hữu linh”. Theo quan niệm đó, sự sống tồn tại trong mọi thứ bao quanh con người, dù bé nhỏ hay to lớn, vô tri vô giác hay có ý thức và cảm giác, đều là biểu hiện của sự sống. Nói cách khác, tư tưởng “Vạn vật hữu linh” chính là thái độ trân trọng cuộc sống thực tại. Điều này dẫn đến quan niệm chuộng sự cân bằng hài hòa giữa con người và thiên nhiên, chuộng sự giản dị, thanh khiết, mộc mạc, gần gũi. Đó cũng chính là cốt lõi của cảm thức wabi. Hay nói cách khác, đó cũng chính là tinh thần Thiền tông, đưa con người về với thiên nhiên bình dị, trữ tình, đưa nghệ thuật về với đời thường. Nếu như sabi là niềm cô tịch soi chiếu tâm hồn với vạn vật thì wabi là sự hiện hữu của cái đẹp dưới bất kì khoảnh khắc nào, trong bất cứ sự vật mộc mạc nào của cuộc sống đời thường. “Con bạch tuộc lười Mơ màng trong lưới Trăng mùa hè” Chắc chỉ có Basho mới có con mắt tinh tế và nhạy cảm đến mức nhìn thấy một con bạch tuộc mắc trong lưới. Nhưng dưới con mắt của ông, chú bạch tuộc kia thay vì lo lắng cho cuộc sống sắp kết thúc của mình, chỉ lười biếng, mơ màng thưởng trăng. Quả là một hình ảnh đầy thi vị và hóm hỉnh. Cả sự sống dường như chỉ đọng trong khoảnh khắc, con bạch tuộc lười và ánh trăng mùa hạ. Cái bi thương đã nhường chỗ cho sự thăng hoa của cái đẹp. Wabi chính là cuộc hội ngộ giữa cái đẹp và tính giản dị, tâm hồn và thiên nhiên, tính chất phác, mộc mạc và cái sâu thẳm, tuyệt diệu. Thơ Basho hồn hậu, thuần khiết, trong sáng, được tạo thành từ những điều bình dị nhất của đời sống nhưng mang vẻ đẹp tâm linh sâu thẳm, dịu vợi. Khi nâng haiku lên sự hoàn thiện của một dòng thơ tâm linh, Basho đã nâng trong lòng bàn tay bát ngát của mình những sự vật bình thường nhất của thế gian này. Basho tìm thấy vẻ đẹp trong cát bụi chứ không dùng cát bụi xây nên tòa lâu đài thơ ca đẹp đẽ. Ông tìm đến khu vườn cỏ ngát hoa để làm chốn nghỉ chân: “Vườn cỏ Chọn hoa nào Làm gối?” Thật đẹp làm sao khi ta bắt gặp một người lữ kháchsau chuyến hành trình mệt lả, thong dong tìm một chỗ để ngã lưng trong khu vườn cỏ đầy hoa, nhưng phân vân chẳng biết nên gối đầu lên loài hoa nào. Cuộc đời bần hàn với cỏ là đệm, bầu trời là chăn và những bông hoa làm gối ấy sao mà đẹp một cách thanh cao và thoát tục. Đôi mắt không ngừng tìm kiếm vẻ đẹp cuộc sống của Basho dường như không bao giờ bỏ qua bất cứ sự vật, hiện tượng nào. Dù là một cách bướm sặc sỡ rập rờn buổi sớm mai đánh thức cánh đồng đang say ngủ: “Con bướm bay Làm cánh đồng thức dậy Trời đầy nắng” Basho đều phát hiện và đưa chúng vào các vần thơ đẹp đẽ. Có lẽ cũng chỉ ông mới thi vị hóa những cành dâu mục, làm cho chúng có sức sống, có cảm xúc da diết: “Gió thu Buồn bã làm rơi Mấy cành dâu mục” Hồn thơ đa sầu đa cảm của ông nhìn thấy những điều quá đỗi bé nhỏ và đơn sơ trong cuộc đời vô thường, và ông đồng cảm sâu sắc với vạn vật: “Mùa xuân ra đi Tiếng chim thổn thức Mắt cá lệ đầy” Nỗi buồn của chim muông hay đôi mắt đẫm lệ của loài cá khi mùa xuân đang dần qua đi hay cũng chính là nỗi buồn của lòng người trong thời điểm giao mùa đã được lưu giữ trong những vần thơ súc tích, đầy nhân bản của thi sĩ Basho. Con đường dẫn đến cái đẹp không tự nhiên hiển hiện trước mắt và thi nhân cũng không cố ý kiếm tìm nó. Nó chỉ hiện hữu trong sự tình cờ, bất chợt, trong vạn vật hữu linh, vừa xa xôi vừa thân thuộc, vừa vĩ đại vừa bình thường. Sabi và wabi không phải là hai yếu tố tách biệt mà luôn song hành cùng nhau trong các sáng tác của Basho nói riêng, và nghệ thuật Nhật Bản nói chung. Nhưng với sự thể hiện điêu luyện và tinh tế trong những vần thơ súc tích, mang tính tượng trưng và biểu cảm cao, Basho đã đưa những quan niệm thẩm mỹ này trở nên gần gũi với quần chúng hơn bao giờ hết. Cảm thức Aware là một khái niệm thuộc phạm trù mỹ học, xuất hiện khá sớm, được văn chương Nhật sử dụng khá rộng rãi. Aware gọi đầy đủ là mononoaware, là nỗi buồn của sự vật, là bi cảm, một cảm thức xao xuyến trước mọi cái đẹp của sự vật. Nó chịu ảnh hưởng tư tưởng “vô thường” của Phật giáo. Aware còn là cảm thức thâm trầm trước cái đẹp não lòng của sự vật vì sự vật nào cũng vậy có lúc rực rỡ, cũng có lúc tàn phai. Từ thế kỷ XI, trong thơ cổ và trong truyện Genji (Murasaki), nhiều tác giả đã nói đến Aware. Aware là niềm bi cảm, xao xuyến trước mọi vẻ đẹp não nùng của sự vật. Nhưng nó không nghiêng về cái bi lụy ngông cuồng của lãng mạn hay nỗi bi tráng ngây ngất của bi kịch mà aware là một bi cảm thâm trầm. Đối với người Nhật, sự rơi rụng hay tàn héo của một bông hoa đẹp hơn khi nó ở trạng thái bung nở, một âm thanh mơ hồ hay hơn khi nó rõ ràng, vầng trăng bị mây che khuất một phần quyến rũ hơn một vầng trăng tròn đầy viên mãn. Họ đánh giá cao những gì ở trạng thái ban sơ, tinh khôi, không tồn tại lâu dài và không thể chạm tới. Đó là cái Đẹp mong manh thấm đượm cảm thức vô thường của Phật giáo. “Cái chết gần kề Mặc ai hay biết Vẫn hoài tiếng ve” Đấy là xúc cảm trước cái đẹp của tiếng ve ngân vang điệp khúc mùa hè. Tiếng ve tượng trưng cho sự sống. Còn cái chết sắp đến với ve không là bi kịch mà đó là điều tự nhiên của sự sống và cái chết. Khoảnh khắc sống và chết không là gì cả, là “vô thường”. Bi cảm aware là thế đấy. Vì vậy, con người sống trên đời này cũng chỉ là hư ảo, giữa sự sống và cái chết cũng không có gì phải bận tâm, nhẹ tựa lông hồng. Trước cái chết của người bạn thân, Basho viết : “Trăng rơi rụng Bốn gốc bàn quen thuộc Còn lại mà thôi” Sự ra đi của người bạn thân là sự mất mát quá lớn nhưng nhà thơ không hề nói đến từ “chết”, mà dùng những hình ảnh quen thuộc để chỉ sự ra đi của bạn. Như vậy, đây là khúc ca bi ai về cái chết của một người bạn. Ánh trăng đã rụng tức là đang nói đến cái chết nhưng bốn gốc bàn quen thuộc vẫn còn hiện hữu nơi gốc nhà, tựa như tất cả về người bạn ấy vẫn còn nơi thế gian. Đây không phải là bi kịch của con người mà là sự cảm nhận của nhà thơ về sự sống và cái chết cũng đơn giản, bình dị như bốn gốc bàn. Trong cuộc đời, còn – mất, được – không, con người ra đi – sự vật ở lại...tất cả chỉ là niềm bi cảm của con người. Cảm thức Karumi Karumi (Khinh) bắt nguồn từ chữ karushi, nghĩa là nhẹ nhàng, thanh thoát. Nó dung hợp giữa tính chân phương trong phong cách và sự tinh tế trong nội dung. Karumi được nói đến như một phong thái ung dung, tự tại. Đó còn là một niềm khinh thanh êm đềm bay lượn giữa tro than và cát bụi trần gian. Chính tâm thế đó đã tạo nên ở các thi sĩ haiku có cái nhìn rất hiện thực khi phản ánh cuộc sống và thấy được vẻ đẹp của con người và sự vật dẫu cho nó bé nhỏ và tưởng chừng như bị quên lãng. Basho nói về karumi trong thơ mình ở cuối đời như một phong thái ung dung tự tại. Một bông hoa mới nở cũng làm ta ngất ngây: “Mong manh mong manh Một nhành hoa cúc Vừa đơm nụ vàng” Hay một đóa phù dung cũng góp phần tạo nên hương sắc của mùa: “Mưa mù sương Phù dung một đoá Làm mùa lên hương” Ta cùng ngồi với Basho trong túp lều ở Fubagawa vào buổi chiều mùa xuân. Những áng mây do hoa anh đào kết thành bồng bềnh mơ ảo. Hoa thì mờ ảo như mây, tiếng chuông thì mơ hồ trong gió. Haiku cố gắng diễn tả cái không rõ, cái không thể diễn tả. Nó được phản ánh đậm nét qua bài thơ: “Khi nhìn kỹ Tôi thấy nazuna nở hoa Bên hàng giậu.” Nazuna là loài hoa mọc bên vệ đường, giống như loài hoa dại. Khóm hoa màu trắng, không rực rỡ như hoa hồng, hoa cúc, thường nở bên bờ rào nhũn nhặn, có mấy ai đoái hoài nghĩ đến. Thế nhưng, nhà thơ Basho không chỉ để ý đến loài hoa bé nhỏ ấy mà còn chăm chú nhìn, biểu lộ một niềm ngạc nhiên, hân hoan trước sự vật. Đó là đối với những loài hoa nhỏ bé, còn đối với những phận đời cơ cực trong xã hội, nhà thơ Basho viết: “Em bé nhọc nhằn Trong khi xay gạo Vẫn nhìn lên trăng” Cuộc sống biết bao lo toan, nhọc nhằn cũng không làm mất đi sự thi vị, lãng mạn. Em bé cơ cực là vậy nhưng tâm hồn em vẫn trải rộng cùng thiên nhiên, cùng ánh trăng trong đêm yên tĩnh, thanh vắng, chỉ còn một mình trăng là vẫn dõi theo khi em bé làm việc. Tâm hồn trong sáng, thuần khiết của em bé sẽ giúp em vượt qua mọi sự ô trọc, nhơ nhuốc của cuộc đời để hướng tới cái tốt lành, thánh thiện. Và vào mùa xuân, khi những cánh hoa anh đào vương vãi khắp nơi theo làn gió, “đọng” vào bữa ăn khiến cho cả người và thức ăn đều thấm một màu hồng của anh đào: “Dưới cây lao xao Chén canh, đĩa cá Đều vương anh đào” Nhà thơ đã mô tả một bức tranh đơn sơ, mộc mạc và thanh bần của một bữa cơm đạm bạc nhưng chính những cánh anh đào vương vào chén canh, đĩa cá làm cho “bữa tiệc hoa” trở nên thú vị, nên thơ. Phát hiện từ trong những cái bình thường, cái đẹp bình dị, thể hiện ý nghĩa nhân sinh cao thượng cũng là một cảm thức mang tính karumi. Con người phải biết chiêm ngưỡng cái đẹp để vơi đi những khổ đau nhọc nhằn của cuộc sống phức tạp, bề bộn thường ngày.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Ảnh của tôi Học văn cùng Phú Mọi lí thuyết đều là màu xám Chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi Truy cập hồ sơ

Lưu trữ

  • tháng 11 20183

Báo cáo vi phạm

Từ khóa » Tịch Liêu Thấm Vào đá Tiếng Ve