Skkn Một Số Kinh Nghiệm Giảng Dạy Thơ Hai Cư Trong Chương Trình ...

logo xemtailieu Xemtailieu Tải về Skkn một số kinh nghiệm giảng dạy thơ hai cư trong chương trình trung học phổ thông
  • pdf
  • 27 trang
MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY THƠ HAI-CƯ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG A. ĐẶT VẤN ĐỀ Thơ Hai-cư là một trong những thể loại văn học độc đáo của Nhật Bản, là “tâm hồn Nhật Bản”. Từ những năm 50 của thế kỉ XX, thể thơ này đã vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản và hiện nay đã trở thành một thể thơ quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa hai-cư vào chương trình giảng dạy trong nhà trường (kể cả Mĩ và các nước Hồi giáo). Ở nước ta, dù nằm trong cùng vùng văn hóa với Nhật (văn hóa phương Đông), nhưng do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, việc giao lưu văn hóa với Nhật (nhất là về văn học) vẫn còn rất hạn chế. Phải đến những năm gần đây, trong xu thế hội nhập, mối quan hệ giao lưu này mới thật sự được chú ý. Theo đó, thơ hai-cư của Nhật mới bắt đầu được chúng ta biết đến và trong lần thay Sách giáo khoa gần đây nhất, thơ Haiku mới được chính thức đưa vào chương trình ở cấp Trung học phổ thông. Mặc dù chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm nhường (2 tiết cho chương trình Ngữ Văn 10 Nâng cao, và 1 tiết đọc thêm cho chương trình Ngữ văn 10 Cơ bản) nhưng thơ hai-cư thuộc phần những nội dung mới và khó, không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đối với giáo viên. Chính vì thế, để tiếp cận, giảng dạy tốt phần nội dung này đòi hỏi một sự nỗ lực, đầu tư khá lớn của giáo viên. Trong khi đó, hiện nay những tư liệu có liên quan đến thơ hai-cư (những tư liệu bằng tiếng Việt) vẫn còn rất hạn chế, khó tiếp cận (vì số lượng xuất bản không nhiều). Với chuyên đề này, người viết mong muốn chia sẻ một số kiến thức về hai-cư đã tích lũy được cũng như những kinh nghiệm bước đầu trong quá trình giảng dạy phần thơ hai-cư. Hi vọng chuyên đề có thể góp thêm một tư liệu hữu ích cho các đồng nghiệp trong công tác chuyên môn của mình. B. NỘI DUNG I. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA THƠ HAI- CƯ 1. Nguồn gốc và quá trình phát triển Thơ hai-cư được hình thành trên cơ sở thể thơ tanka (còn gọi là Đoản ca, hay Waka) một thể thơ dân tộc của Nhật, xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng thế kỉ III. Mỗi bài Tanka gồm 31 âm tiết, chia làm 2 vế, vế đầu gồm 17 âm tiết, sắp xếp thành 3 dòng (5 – 7 – 5) và vế sau gồm 14 âm tiết, sắp xếp thành 2 dòng (7 – 7). Khoảng thế kỉ XVI, một số người đã tách vế đầu 17 âm tiết của thể Tanka ra thành một bài thơ độc lập. Đó chính là thể thơ hai-cư. Đến thế kỉ XVII, Matsuo Bashô đã cách tân thể thơ này, đưa nó đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Và sau đó, hàng loạt các nhà thơ tài năng như Y. Buson (1716 – 1783), K. Issa (1763 – 1827), M. Shiki (1867 – 1902),… đã tiếp tục cách tân, đưa thể thơ này phát triển mạnh mẽ. Cho đến nay, thơ hai-cư vẫn được người Nhật yêu thích và sáng tác. Không chỉ phát triển trong nước, Haiku còn được đón nhận ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà thơ nước ngoài đã tiếp thu và sáng tác Haiku bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Hai-cư đã trở thành một thể thơ quốc tế. 1 2. Một số đặc trưng cơ bản 2.1. Về hình thức Hai-cư là thể thơ vào loại ngắn nhất thế giới, thường chỉ có 17 âm tiết, được tách làm 3 dòng theo thứ tự thường là 5 âm – 7 âm – 5 âm. Trong nguyên bản tiếng Nhật, 17 âm tiết đó thường được viết thành một hàng, khi phiên âm La-tinh thì được ngắt làm 3. Tiếng Nhật lại là ngôn ngữ đa âm tiết, nên 17 âm tiết ấy thực ra chỉ có mấy từ (thường là không quá 12 – 13 từ) 2.2. Về đề tài Hai-cư là một trong những hiện thân tâm hồn Nhật Bản, một tâm hồn luôn yêu say, ngưỡng vọng, hòa nhập cùng thiên nhiên vũ trụ, thậm chí được nâng lên thành Đạo. Hoa đạo ở Nhật là một minh chứng cho điều này. Chính vì thế, thiên nhiên là đề tài chiếm tỉ lệ khá cao trong thơ hai-cư. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: “Haiku luôn gắn bó với thiên nhiên”, “Haiku là tiếng hát của bốn mùa” (Nhật Chiêu, Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB Giáo dục, 2003). Đặc biệt, trong thế giới thiên nhiên vô cùng phong phú ấy, Hai-cư lại thiên về ưa chuộng những sự vật, những sinh vật nhỏ bé, đơn sơ, bình dị, thậm chí tầm thường. Đó có thể là một cành hoa dại, một giọt sương mai, một vài bụi cám,…; đó có thể là một con quạ đen, một chú khỉ con, một con ốc nhỏ,… Tuy nhiên, trong những thứ nhỏ bé, tầm thường ấy vẫn ngầm chứa bao triết lí nhân sinh to lớn, nhiệm mầu. 2.3. Về ngôn ngữ Hai-cư Nhật Bản hầu như rất ít khi sử dụng những tính từ, trạng từ miêu tả để cụ thể hóa sự vật. Chẳg hạn tả trăng thì thường chỉ là “trăng”. Thế thôi. Ôi con thủy điểu mổ tan vầng trăng trên mặt nước đầm. (Zuiryu) Từ bóng tối đầy của đời chợt mọc vầng trăng hôm nay. (Nangai) Hay khi tả hoa (nói đến hoa là nói đến màu sắc) thì hai-cư cũng chỉ có “hoa” (hana) hoặc gọi tên các loài hoa như “anh đào” (sakura), “triêu nhan” (asagao), “hoa Bụt” (mukuge), … chứ ít khi tả màu sắc hoặc dáng vẻ của hoa. Từ cây hoa nào mà ta không biết một làn hương trao. (Bashô) Lều tôi đêm tàn mái như vừa lợp những cành triêu nhan. (Issa) Hoa đào hoa đào trong tâm tưởng gieo rắt biết bao nhiêu điều. (Bashô) 2 Có thể nói, các nhà thơ hai-cư không phải “tả” thiên nhiên (tả trăng, tả hoa, tả chim, tả bướm …) mà chính xác hơn là “chỉ” thiên nhiên. Đến với hai-cư, người đọc như chỉ được “chỉ”: đây trăng, đây hoa, đây chim, đây bướm …v…v… Còn chúng cụ thể như thế nào thì đó là phần của anh. Thử thách của hai-cư đối với người đọc là ở đó. Và sự kì thú, tuyệt diệu, mời gọi của hai-cư cũng chính là ở đó! Việc sử dụng kigo (quý ngữ – tức là từ chỉ một mùa nào đó trong năm) cũng là một đặc trưng về mặt ngôn ngữ của hai-cư. Trong bất cứ bài hai-cư nào cũng có kigo. Đó hầu như đã trở thành một qui tắc bắt buộc. Bởi thế, trong các bộ sưu tập, tuyển tập hai-cư, người ta thường sắp xếp các bài thơ theo mùa mà nó đề cập. Kigo có thể là những từ ngữ chỉ mùa cụ thể như: Haru (mùa xuân), natsu (mùa hạ), aki (mùa thu), fuyu (mùa đông); cũng có thể là những từ ngữ chỉ mùa một cách gián tiếp. Chẳng hạn sakura (hoa đào), awazu (con ếch),… chỉ mùa xuân; hototogisu (chim đỗ quyên), semi (con ve),… chỉ mùa hè; hagi (hoa thu),… chỉ mùa thu; yuki (tuyết),… chỉ mùa đông …v…v. Chính đặc điểm này cho thấy “Hai-cư bao giờ cũng nói về cảnh vật trước mắt, nó là thơ của hiện tại […] thể hiện sâu sắc sự gắn bó của người Nhật với thiên nhiên” (Đoàn Lê Giang – SGV Ngữ Văn 10, Cơ bản, NXB Giáo dục, 2006) 2.4. Về cái nhìn nghệ thuật Thơ hai-cư thấm đẫm tinh thần Thiền tông nên cái nhìn nghệ thuật của hai-cư cũng là cái nhìn Thiền, “cái nhìn nhất thể hóa”. Đó là cái nhìn thấy con người với vạn vật là cùng một bản thể (tức chân như), trong mỗi sự vật dù nhỏ nhoi đến đâu đều có mang tính vũ trụ, đều mang Phật tính và hiện ra bình đẳng vô sai biệt. Nền đá hoang tàn lung linh bóng nắng Phật hiện dung nhan. (Bashô) Bài thơ này được Bashô sáng tác khi hành hương đến một ngôi chùa ở Awa. Đây là một ngôi chùa hoang phế, nền đá trống trải, trơ trọi, không còn dấu vết một pho tượng Phật nào. Thế nhưng có hề chi! Bashô vẫn có thể chiêm bái dung nhan Phật ẩn hiện trong bóng nắng lung linh của mùa xuân ấm áp ấy. Với Bashô, nắng xuân tự hóa thân thành Bụt. Nếu Bashô thấy Bụt trong bóng nắng thì Issa thấy Bụt trong ngàn giọt sương rơi, ngàn tiếng ve trổi: Ngàn giọt sương rơi ngàn tiếng ve trổi Bụt nhà thế thôi. thấy dung nhan Phật Đà trong con ốc nhỏ: Cố hương ta! ôi con ốc nhỏ dung nhan Phật Đà. Còn Kubutsu thì thấy dung nhan Phật Đà trong những cánh hoa đào đang rơi, trong hình ảnh em bé đang há miệng nhìn: Anh đào rơi hoa em bé nhìn miệng há dung nhan Phật Đà. Rõ ràng, dưới cái nhìn của hai-cư, mọi thứ đều có Phật tính, cả con người (em bé), cả những sinh vật nhỏ bé, vô ngôn (con ốc), cả những vật vô tri, vô giác (giọt sương, bóng 3 nắng, bông hoa)… Nói như nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: “Chính ở nơi những chúng sinh nhỏ bé, im lặng, vô ngôn nét từ bi mới rạng ngời mầu nhiệm” (Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn nghệ, 2007). Xuất phát từ “cái nhìn nhất thể hóa” ấy, hai-cư thường biểu hiện mối quan hệ tương tác, chuyển hóa, hòa điệu sâu xa giữa các sự vật hiện tượng trong thế giới hữu hình lẫn vô hình. Tịch liêu thấm xuyên vào đá tiếng ve kêu. (Bashô) Tiếng ve đang thấm xuyên vào đá hay nỗi tịch liêu thấm xuyên vào đá? Có lẽ là cả hai. Cả thế giới vô hình (nỗi tịch liêu, âm thanh tiếng ve) và hữu hình (đá) đều có thể xuyên thấm vào nhau, tương tác lẫn nhau. Ta có cảm giác âm thanh của tiếng ve cùng với nỗi tịch liêu như làm cho cả đá núi cũng tan ra để rồi tất cả cùng hòa vào nhau tạo thành “cái Một”. Một trong những triết lí của Thiền là tất cả trở về “cái Một”. Và một nghịch lí tuyệt diệu của nghệ thuật Thiền là: “Một trong Tất cả và Tất cả trong Một”. Đây lại là một phát hiện khác đầy bất ngờ, thú vị của nhà thơ – họa sĩ Buson: Gió chiều thu mặt nước nhẹ nhàng liếm chân con cò. Với cái nhìn theo logíc suy lí thông thường, mặt nước vốn là cái bất động, vô tri; con cò là động vật, có sự vận động. Như vậy, nếu có một sự tác động nào đó xảy ra thì chủ thể hành động phải là con cò. Ở đây lại là sự ngược lại. Không phải con cò giẫm chân hay đá chân vào mặt nước mà là mặt nuớc liếm chân con cò. Thật bất ngờ mà cũng thật thú vị biết bao! Ở trên là sự tương tác, hòa điệu giữa các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Trong con mắt của nhà Thiền, con người cũng chỉ là một bộ phận của tự nhiên, một “tiểu vũ trụ” trong cái “đại vũ trụ” ấy. Và con người cũng có một quyền năng đặc biệt, có thể tác động vào tự nhiên, có thể làm vận hành cả cái bánh xe tự nhiên khổng lồ ấy. Hãy xem cái sức mạnh ấy phát ra từ tiếng vỗ bàn tay của nhà thơ - Thiền sư Bashô: Tôi vỗ bàn tay dưới trăng mùa hạ tiếng dội về, ban mai! Có gì liên hệ chăng giữa tiếng vỗ của bàn tay và ánh ban mai mọc? Nhìn dưới con mắt thông thường, hai hiện tượng ấy chẳng có gì liên quan với nhau. Thế nhưng, dưới cái nhìn Thiền, Bashô có cảm giác như tiếng vỗ tay của mình đã gọi dậy, đã làm thức dậy ánh ban mai. Đó là ánh ban mai, ánh sáng của vũ trụ, của tự nhiên hay đó cũng chính là ánh sáng trong tâm hồn nhà thơ? Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có lời bình rất hay về bài thơ: “Với âm vang đó, ánh ban mai đã mọc. Như thể vũ trụ đang trả lời. Hay đúng ra, ánh sáng ấy ở ngay trong Bashô, không phân biệt với ánh sáng bên ngoài và nó đang trả lời tiếng vỗ tay của chính ông.” (Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn nghệ, 2007). 2.5. Về cảm thức thẩm mĩ Ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng, triết lí Thiền tông, cảm thức thẩm mĩ trong hai-cư cũng mang đậm màu sắc Thiền. Có thể tạm gọi đó là cảm thức thẩm mĩ Thiền, là loại cảm thức thẩm mĩ thiên về coi trọng, đề cao cái đẹp thanh nhã, tịch lặng, giản khiết, bình đạm. Do đó, bốn nguyên tắc mĩ học thường được nhắc đến trong thơ hai-cư nói 4 riêng, văn học nghệ thuật Nhật bản nói chung là: Sabi (tịch lặng), Wabi (đơn sơ), Yugen (u huyền) và Karumi (nhẹ nhàng). Chính cảm thức thẩm mĩ ấy đã chi phối cách lựa chọn màu sắc, âm thanh, đường nét, chuyển động,… trong miêu tả, phản ánh con người cũng như ngoại vật. Trước hết, có thể thấy, màu sắc, âm thanh được ưa chuộng trong thơ hai-cư là những màu sắc nhã, nhạt; những âm thanh êm ái, trầm lắng. Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần Ngôn ngữ, hai-cư rất hạn chế việc sử dụng trạng từ, tính từ miêu tả, nên những âm thanh, màu sắc trong bài thơ thường chỉ được cảm nhận qua những sự vật mà nó đề cập. Đó là ánh trăng nhưng hầu như không hề có trăng sáng, trăng vàng, trăng lấp lánh… mà chỉ có ánh trăng. Thế thôi! Quán bên đường các du nữ ngủ trăng và đinh hương. (Bashô) Vỡ tan bóng hình vầng trăng trong nước vẫn còn sơ nguyên. (Chôsu) Dưới vầng trăng thu khói từ bếp lửa lướt qua mặt hồ. (Ransetsu) Nhật Bản là đất nước của Mặt trời. Mặt trời được người Nhật tôn kính, sùng bái, được lấy làm biểu tượng của quốc kì. Thế nhưng trong thơ hai-cư rất ít khi xuất hiện hình ảnh Mặt trời mà lại tràn ngập hình ảnh ánh trăng. Rõ ràng cảm thức thẩm mỹ Thiền đã chi phối rất lớn trong việc chọn lựa màu sắc, âm thanh, hình ảnh trong thơ hai-cư Đó là tiếng chuông nhưng cũng không là tiếng chuông vang vọng hay tiếng chuông trầm lắng…chỉ có chuông, có tiếng chuông: Hoa đào như áng mây xa chuông từ Ueno đến? hay từ Asakusa? (Bashô) Trên chuông chùa một con bướm đậu nghiêng mình ngủ mơ. (Buson) và đa số các bài hai-cư là “vô thanh”. Các âm thanh êm ái, trầm lắng trên cũng chỉ làm tăng thêm vẻ tĩnh lặng của cảnh vật mà thôi. Về đường nét, chuyển động, hai-cư cũng thiên về chọn lựa những đường nét đơn sơ, giản khiết. Đó là một cánh quạ trên cành khô: Trên cành khô cánh quạ đậu chiều thu. (Bashô) một cành triêu nhan vươn lên từ rác: 5 Giữa mùa thu tàn vươn lên từ rác một cành triêu nhan. (Taici) một giọt sương trên chiếc lá sen: Trên lá sen này giọt sương đời rụng xác xơ hình hài. (Issa) Những chuyển động nhẹ nhàng, không gây ồn áo náo động. Đó là cánh bướm “vẫn từ từ bay”: Cánh bướm ô hay có người đuổi bắt vẫn từ từ bay. (Garaku) là Sơn ca bay trong vô hình, chỉ còn tiếng hát: Sơn ca trên mây chỉ còn tiếng hát vô hình chim bay. (Ampu) là con ốc nhỏ đang chậm rì, chậm rì trèo núi Fuji: Chậm rì, chậm rì kìa con ốc nhỏ trèo núi Fuji. (Issa) Một lần nữa có thể khẳng định chính cảm thức thẩm mĩ thiền đã tạo cho hai-cư Nhật Bản một thế giới nghệ thuật với những đặc trưng thẩm mĩ riêng biệt, độc đáo, không thể lẫn lộn. 2.6. Không gian và thời gian nghệ thuật 2.6.1. Về không gian Không gian trong hai-cư thường là một không gian nhỏ bé. Đó có thể chỉ là tàu lá chuối, nơi con ếch đang đánh đu: Con ếch xanh trên tàu lá chuối đánh đu một mình. (Kikaku) là một cái bóng cây, nơi nhà thơ đang trú mưa cùng bướm: Dưới bóng cây trú mưa cùng bướm duyên trần ai hay. (Issa) là chiếc chuông chùa, nơi con bướm đang nằm ngủ mơ: Trên chuông chùa một con bướm đậu nghiêng mình ngủ mơ. (Buson) 6 Trong hai-cư cũng có những không gian bao la, rộng lớn. Nhưng đó vẫn là cái bao la, rộng lớn trong tầm mắt quan sát của con người chứ không phải cái bao la đến vô cùng tận mà với con mắt thường khó có thể quan sát được. Đấy là bầu trời bao la với những tầng mây trắng, nơi chim vân tước đang hát ca: Vượt qua những tầng mây trắng vân tước hát ca. (Kyoroku) đấy là biển khơi bao la đang hiện ra trước mắt Issa: Biển khơi khi tôi nhìn thấy biển Mẹ tôi ơi! Đặc biệt, không gian trong thơ hai-cư Nhật Bản luôn luôn là không gian hiện thực. Đó là một không gian cụ thể, sinh động, đang hiện ra trước mắt nhà thơ; một không gian hoàn toàn tự nhiên như từ hiện thực đi thẳng vào thơ mà không qua sự điều chỉnh (phóng to hay thu nhỏ) theo cảm nhận chủ quan của nhà thơ. 2.6.2. Về thời gian Thời gian trong thơ hai-cư là thời gian hiện thực. Đấy là thời gian của một mùa nào đó trong năm (hoặc xuân, hoặc hạ, hoặc thu, hoặc đông) mà mỗi bài thơ hai-cư đều phải đề cập. Hai-cư vẫn được gọi là “thơ của khoảnh khắc”. Tuy nhiên, cái “khoảnh khắc” trong hai-cư cũng không phải là cái khoảnh khắc, cái ngắn ngủi theo cảm nhận chủ quan của nhà thơ mà nó là cái khoảnh khắc của hiện thực như nó vốn vậy. Đó là khoảnh khắc nhà thơ nhìn vào một sư vật, một hiện tượng cụ thể trong thế giới hiện thực. Nói chính xác hơn, đó là cái khoảnh khắc tâm và vật gặp nhau và kết quả là bài hai-cư được tạo thành ngay tức khắc. Đấy là cái khoảnh khắc con ếch nhảy vào ao, cánh bướm đang ngủ mơ trên chuông chùa, con ốc nhỏ đang trèo đỉnh Fuji, cái khoảnh khắc mặt nước đang liếm chân con cò, giọt sương đang tan trên lá … Tất cả là hiện thực, là cái “đang là”, là “tự nhiên nhi nhiên”. Tóm lại, không gian, thời gian trong thơ hai-cư luôn luôn là không gian, thời gian của hiện thực khách quan, hầu như không chịu sự chi phối của chủ quan nhà thơ, mặc dù, xét đến cùng, bất cứ hình tượng nghệ thuật nào một khi đã đi vào văn chương đều phải qua con con mắt, qua cảm nhận của con người. 2.7. Về bút pháp Hai-cư luôn sử dụng bút pháp tả thực. Ngay khi trong hai-cư có xuất hiện hình ảnh “vầng trăng trong nước”, một hình ảnh thường được sử dụng với ý nghĩa tượng trưng chỉ những cái hư ảo, không có thực, thì đấy cũng là hình ảnh thực chứ không phải hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng. Thử so sánh hai câu thơ của Đạo Hạnh và Minh Trí của thơ Thiền Việt Nam: Hữu không như thủy nguyệt Vật trước hữu không không (Hữu không – Đạo Hạnh) (Có và không giống như ánh trăng trong nước Đừng nên bám vào “có”, cũng đừng cho cái “không” là không) (Có và không) Tùng phong thủy nguyệt minh 7 Vô ảnh diệc vô hình (Tâm hưởng – Minh Trí) (Gió trên cành thông, trăng sáng dưới nước Không có bóng cũng không có hình) (Tìm tiếng vang) với vài bài hai-cư có hình ảnh “vầng trăng trong nước” ta sẽ thấy rõ điều đó. Ví dụ: Vốc mảnh trăng chơi từ trong chậu nước làm trăng đổ rơi. (Ryuo) Trong hơi mát này nằm yên dưới nước trăng còn ngủ say. (Ryusui) Ôi con thủy điểu mổ tan vầng trăng trên mặt nước đầm. (Zuiryu) Rõ ràng, hình ảnh “thủy nguyệt” trong các bài thơ Thiền của Việt Nam được sử dụng như một hình ảnh để so sánh, để khẳng định một triết lí rằng có và không đều là hư ảo như vầng trăng trong đáy nước. Nó có đó nhưng không phải là thật bởi nó chỉ là bóng chứ không phải là hình. Nói cách khác, đó là hình ảnh được tâm trí huy động, liên tưởng chứ không phải là một hình ảnh xuất phát từ sự quan sát trực tiếp. Nó chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Trong khi đó, hình ảnh “vầng trăng trong nước” trong những bài hai-cư đều là hình ảnh thực, xuất phát từ sự quan sát cụ thể, trực tiếp. Nó cũng không nhằm khẳng định, triết lí về sự hư ảo. Nó là nó. Phương tiện cũng là nó mà cứu cánh cũng là nó. Nếu không như thế sao Ryuho có thể hồn nhiên mà “vốc mảnh trăng chơi”, Ryusui có thể say mê ngắm nhìn vầng trăng đang “ngủ say” dưới nước, con thủy điểu có thể “mổ tan vầng trăng”? Không cần biết thực sự là “có” hay “không”, thực hay ảo, thật hay giả; chỉ cần biết ngay lúc này đây, trăng đang hiện hình trong nước: sáng trong, lung linh, huyền ảo, tuyệt trần. Và ta hãy chiêm ngưỡng nó, chơi đùa cùng nó. Ta như nghe được những lời nhắn nhủ “vô thanh” từ những bài hai-cư đơn sơ mà huyền diệu ấy. Chả trách Thi tiên Lí Bạch của Trung Quốc, trong lúc ngà say, đã nhảy cả xuống sông mà ôm lấy vầng trăng (!) Hai-cư thường tạo ra sự bất ngờ, đột phá ở dòng thơ thứ ba. Đó có thể là một hình ảnh, một sự việc hoàn toàn khác hẳn sự liên tưởng, tưởng tượng, dự đoán của người đọc có được trên cơ sở hai dòng thơ đầu; hoặc là một sự đột nhiên chuyển mạch, làm thay đổi cảm xúc nơi người đọc. Chẳng hạn, trong một bài thơ của Issa, hai dòng đầu: Tuyết tan mùa thôn làng tràn ngập gợi người ta liên tưởng đến một tai ách: lụt lội do nước lũ từ băng tuyết tan gây ra, thì dòng thơ thứ ba lại là: một bầy trẻ thơ. Thật bất ngờ và cũng thật thú vị! Dòng thơ đã đưa đến một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, phá tan cảnh tượng được gợi lên từ hai dòng đầu. 8 Hay một bài thơ khác của Ryokan cũng có kết cấu như thế. Hai dòng đầu: Tên trộm đi rồi bỏ quên nơi cửa sổ gợi người ta liên tưởng đến một đồ vật, một dấu tích – chứng cớ phạm tội – nào đó. Thì thật bất ngờ và thú vị làm sao khi nơi cửa sổ kia lại là: một vầng trăng soi. Vầng trăng tròn đầy, viên mãn, sáng trong của vũ trụ đang soi chiếu ngoài cửa sổ hay đấy cũng chính là tâm hồn trong sáng, rạng ngời, vô tư, hồn nhiên đến thánh thiện – một tâm hồn trẻ thơ – của thi sĩ Đại Ngu đang soi chiếu vào tâm hồn của mỗi chúng ta? Có thể nói, chính bút pháp ấy đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật đặc sắc. Nó đem đến cho người đọc những cảm xúc mới mẻ, bất ngờ, đầy thú vị như đang đi trên một con đường mới mà bất cứ khi nào cũng có thể đột ngột rẽ hướng, đột ngột đổi chiều. Và nơi những chiều hướng mới ấy lại đầy những hoa thơm cỏ lạ. Việc lược bỏ đến mức tối đa những từ ngữ giữ chức năng ngữ pháp rõ rệt, đó là các trạng từ, động từ, quan hệ từ …, tạo khoảng trống giữa các hình ảnh được đặt cạnh nhau, nhằm khuyến khích sự liên tưởng, sáng tạo phong phú nơi người tiếp nhận cũng là một trong những bút pháp đặc trưng của hai-cư. Nhà hai-cư nổi tiếng Shiki từng khuyên những người bước đầu đến với Hài cú: “Cắt giảm trạng từ, động từ và hậu từ càng nhiều càng tốt” (dẫn theo H. G. Henderson, Hài cú nhập môn, Lê Thiện Dũng dịch, Nxb Trẻ, 2000). Những bản dịch hai-cư, dù các dịch giả đã cố gắng dịch rất ngắn gọn, thế nhưng so với nguyên tác, vẫn còn dài, vẫn còn nhiều phụ từ, những từ chỉ quan hệ ngữ pháp. Chẳng hạn bài thơ về con ếch của Bashô được Nhật Chiêu dịch: Ao cũ con ếch nhảy vào vang tiếng nước xao. Vĩnh Sính lại dịch: Ao xưa bóng rũ trưa hè Nhái khua nước động bốn bề tịch liêu. Trong khi nguyên tác chỉ là: Furu ike ya Ao cũ kawazu tobikomu con ếch nhảy mizu no oto tiếng nước Rõ ràng trong nguyên tác chỉ có những thực từ, những từ chỉ sự vật, hiện tượng, hầu như không có những hư từ, những trạng từ, phụ từ như “vào”, “xao” … (trong bản dịch của Nhật Chiêu); còn trong bản dịch của Vĩnh Sính, tác giả đã dịch thoát ý, đã thêm nhiều chi tiết theo cảm nhận chủ quan của mình. Hay trong một bài thơ khác cũng của Bashô: Te ni toraba Cầm trên tay (mớ tóc còn lại của mẹ) kien namizazoatsuki tan mất, giọt lệ nóng hổi aki no shimo sương mùa thu được Nhật Chiêu dịch là: Tóc mẹ còn đây tan trong lệ nóng sương mùa thu bay. Và Đoàn Lê Giang dịch là: 9 Lệ tràn nóng hổi tan trên tay tóc mẹ làn sương thu. Ta thấy giữa “tóc mẹ”, “giọt lệ” và “sương mùa thu” hầu như không có mối quan hệ ngữ pháp rõ ràng nào. Đọc bài thơ, mỗi người phải tự xác định cho mình một (hoặc nhiều) cách hiểu. Sương mùa thu ở đây là gì? Đó là làn sương thật, làn sương của mùa thu; hay đó là giọt lệ (giọt lệ mong manh, dễ tan biến như sương thu); hay đó lại là tóc mẹ (tóc mẹ bạc trắng như sương thu); hay đó là cuộc đời (cuộc đời ngắn ngủi, vô thường như giọt sương thu) …? Chính nhờ sự lược bỏ những từ ngữ giữ chức năng ngữ pháp rõ ràng đã làm cho bài thơ trở nên mờ ảo và đa nghĩa. Và cũng chính vì thế mà khả năng khơi gợi sự liên tưởng, sáng tạo nơi người đọc là phong phú, vô cùng. Thậm chí, với đặc điểm trên, khi tiếp nhận một số bài hai-cư, ngay cả các dịch giả cũng không có sự thống nhất trong cách hiểu. Ví dụ như bài thơ sau của Bashô: Taka tsubo ya mực phủ, những cái hũ Hakanaki yume wo phù du mộng Natsu no tsuki mùa hạ, trăng được Nhật Chiêu dịch là: Ôi con mực phủ trong bẫy nằm mơ dưới trăng mùa hạ. trong khi đó, Lê Thiện Dũng lại dịch là: Đêm chăng bẫy loài mực phủ trăng hè bóng dõi mộng phù sinh. Ta thấy Nhật Chiêu đã liên kết “mực phủ” với “mộng”, cho mực phủ là chủ thể của mộng; còn Lê Thiện Dũng lại hiểu “mộng” như một tính chất của cuộc đời (“mộng phù sinh” – cuộc đời vốn là mộng, là chiêm bao, bào ảnh). Và không thể khẳng định đâu là cách hiểu chính xác hơn. Vả chăng cũng không cần phải xác định điều đó. Bởi tính chất mơ hồ hoá, khai thác triệt để khả năng sáng tạo của người tiếp nhận chính là chủ ý của hai-cư vậy. 2.8. Về kết cấu Thứ nhất, hai-cư không có sự cân đối, hài hòa, đều đặn. Một bài hai-cư gồm 17 âm tiết (số lẻ), được chia làm 3 dòng (cũng là số lẻ) dài ngắn không đều nhau (5/7/5 âm tiết). Kết cấu như thế gợi lên một cái gì còn dở dang, chưa hoàn thành; một sự trống vắng cần được tiếp tục lấp đầy. Thứ hai, tất cả đều không có tựa đề. Nghĩa là nó chưa được định danh. Mỗi bài thơ như một chiếc lá vẫn còn tươi nguyên, hoà trong tự nhiên. Và như thế, mỗi người đến với hai-cư đều có thể cảm nhận, chiêm ngưỡng chúng theo cách riêng của mình mà không bị sự chi phối bởi chủ ý của tác giả. Cuối cùng, xét trên đơn vị câu (dòng) thơ, mỗi dòng thơ trong một bài hai-cư không phải là một cấu trúc ngữ pháp độc lập, nếu đứng một mình, nó không thể có được ý nghĩa cụ thể, trọn vẹn. Chính vì thế, khi phân tích, cảm nhận hai-cư không thể lần lượt phân tích, cảm nhận từng dòng thơ mà phải luôn đặt các hình ảnh (được gợi lên ở mỗi dòng thơ) trong mối tương quan lẫn nhau và trong sự thống nhất của toàn bài. 10 2.9. Về vần điệu và nhịp điệu Khác xa với thơ Việt Nam và thơ của nhiều nước trên thế giới, hai-cư Nhật Bản không sử dụng vần điệu, nhịp điệu như một yếu tố nghệ thuật. Kết cấu 5/7/5 âm tiết không hẳn là nhịp điệu của mỗi bài thơ. Do đó, mỗi bài thơ đọc lên nghe như một câu văn xuôi.  Lưu ý: Trong bản dịch của Nhật Chiêu và một số dịch giả khác, mỗi bài hai-cư đều như có vần điệu, đó là do các dịch giả đã cố tình Việt hóa một thể thơ quá xa lạ với truyền thống thơ ca của dân tộc, tạo sự gần gũi, quen thuộc trong tâm lí tiếp nhận của độc giả Việt Nam. II. MỘT VÀI LƯU Ý KHI GIẢNG DẠY THƠ HAI-CƯ 1. Vấn đề tích hợp văn hóa Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng mang dấu ấn của một nền văn hóa nhất định. Do đó, không thể hiểu, cảm được một cách sâu sắc cái hay, cái đẹp, cái sâu xa, ý vị của một tác phẩm nghệ thuật nếu không am hiểu gì về nền văn hóa đã sinh thành ra nó. Chính vì thế, để tiếp cận hai-cư (mà người Nhật còn gọi là “Hài cú đạo”), một thể thơ được đánh giá “là tinh hoa của văn hóa Nhật Bản” (Lưu Đức Trung, Haiku – hoa thời gian, NXB Giáo dục, 2007) bên cạnh hoa đạo, trà đạo, vườn đá, sân khấu nô,… không thể không có sự hiểu biết nhất định về văn hóa Nhật Bản. Cùng nằm trong vùng văn hóa phương Đông nên về cơ bản văn hóa Nhật Bản cũng như văn hóa Trung Quốc, văn hóa Việt Nam,… đều thiên về tư duy tổng hợp (khác với văn hóa phương Tây thiên về tư duy phân tích). Chính kiểu tư duy này đã ảnh hưởng, chi phối rất lớn đến toàn bộ nền văn hóa Nhật, nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó có văn học. Hệ quả của điều này là cái nhìn nhất thể (trong MỘT có TẤT CẢ và ngược lại) được biểu hiện trong hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật như: hội họa (với tranh thủy mặc), vườn cảnh (với vườn đá), văn học (với thơ Hai-cư),… Nói đến văn hóa phương Đông cũng không thể không kể đến ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ của tư tưởng, tinh thần Thiền tông. Về nguồn gốc, Thiền tông Nhật Bản cũng như Việt Nam đều chủ yếu được du nhập từ Trung Quốc, nhưng nếu ở Trung Quốc, Thiền tông vẫn chủ yếu tồn tại ở dạng học thuyết tôn giáo thì Thiền tông ở Nhật Bản đã thấm sâu vào văn hóa cũng như đời sống con người. Riêng trong lĩnh vực văn học, có thể nói tinh thần, mĩ học Thiền đã ảnh hưởng trên mọi mặt từ đề tài đến nội dung và cả hình thức nghệ thuật của thể thơ hai-cư (một thể loại được xem là mang đậm nhất dấu ấn Thiền tông) thậm chí nhiều nhà nghiên cứu hai-cư còn cho rằng mỗi bài hai-cư như một phút “hoát nhiên đại ngộ” của Thiền giả. Về đời sống tinh thần, người Nhật rất yêu thích thiên nhiên. Tâm hồn họ luôn hướng về vẻ đẹp thiên nhiên. Nhà nghiên cứu người Mĩ, P.I. Smeeth trong cuốn thiên nhiên Nhật, đã có nhận xét: “Cảm xúc về cái đẹp, khuynh hướng chiêm ngưỡng vẻ đẹp là đặc trưng tiêu biểu cho mọi người Nhật – từ người nông phu cho đến nhà quí tộc. Bất cứ người nông dân Nhật Bản bình thường nào cũng là một nhà mĩ học, một nghệ sĩ biết cảm thụ cái đẹp từ trong thiên nhiên”. Về điều kiện tự nhiên, Nhật Bản là một đất nước luôn luôn phải đối mặt với những khắc nghiệt của tự nhiên: động đất, núi lửa, sóng thần, bão tuyết,… thường xuyên xảy ra. Chính điều kiện tự nhiên ấy tạo cho người Nhật sự nhạy cảm đặc biệt trước những cái đẹp mong manh, chóng tàn, dễ vỡ…; một niềm bi cảm sâu xa trước thế giới vô thường. Theo hướng tích hợp này, người dạy và người học có thể khai thác các trang Web văn hóa – du lịch, văn hóa - tín ngưởng Nhật Bản, v…v…; các ngành nghệ thuật Nhật, 11 đặc biệt là hội họa vì theo nhà nghiên cứu Lưu Đức Trung, “có lẽ không có loại thơ nào lại gần gũi đến đồng nhất với họa như Haiku” (Haiku – hoa thời gian, NXB Giáo dục, 2007). 2. Nắm vững đặc trưng thể loại Hai-cư Nhật Bản có những đặc trưng về nội dung, hình thức, nghệ thuật rất khác so với các thể thơ khác trên thế giới, đặc biệt là thơ ca Việt Nam. Chẳng hạn, trên cơ sở ngôn ngữ đơn lập, giàu thanh điệu (6 thanh), thơ ca Việt Nam thường chú trọng nhạc điệu, vần điệu, những từ ngữ luyến láy, các phép tu từ,…v…v. Trong khi đó, ngôn ngữ Nhật là ngôn ngữ hòa kết, lại rất ít thanh điệu nên thơ ca Nhật hầu như không sử dụng các yếu tố thanh điệu, vần điệu, các phép tu từ, … như một yếu tố nghệ thuật. Vì vậy, nắm rõ những đặc trưng của đối tượng sẽ giúp ta tìm ra cách tiếp cận hợp lí, tránh được cái nhìn định kiến, lấy thước đo thẩm mĩ của ta mà “đo” cho người. 3. Việc tiếp cận văn bản Do đây là một thể thơ nước ngoài, văn bản mà ta tiếp cận được là văn bản dịch. Nguyên tắc tiếp cận các văn bản dịch thông thường ta phải có sự so sánh, đối chiếu với văn bản gốc. Nhưng có lẽ hầu hết GV Ngữ văn Việt Nam (trừ những người vừa nghiên cứu vừa giảng dạy văn học Nhật Bản) đều không am hiểu tiếng Nhật. Cho nên, trong quá trình tiếp cận văn bản hai-cư, nếu cần, GV có thể tìm, so sánh một số bản dịch của các dịch giả khác nhau để có thể tìm ra cách hiểu hợp lí nhất đối với văn bản cần tiếp cận. Xuất phát từ đặc trưng ngôn ngữ hai-cư: rất hạn chế việc sử dụng các tính từ, trạng từ miêu tả, nên khi tiếp cận văn bản hai-cư không nên sa đà vào các tính từ, trạng từ, các từ ngữ luyến láy (nếu có) trong bài thơ vì đó rất có thể chỉ là ngôn ngữ của dịch giả. 4. Tránh lối mòn suy nghĩ Khi giảng bình hai-cư, cần tránh lối suy diễn theo thói quen đã trở thành lối mòn trong cách nghĩ, cách cảm nhận đối với một số hình ảnh quen thuộc thường xuất hiện trong thơ ca Việt Nam và Trung Quốc. Chẳng hạn, đối với thơ ca Việt Nam và Trung Quốc, nói đến hình ảnh hoa rơi thường là nói đến nỗi buồn, sự xót xa trước cái đẹp bị tàn phai, vùi dập: Buồn trông ngọn nước mới sa Hoa trôi man mác biết là về đâu. (Nguyễn Du – Truyện Kiều) Hay: Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân Phong phi vạn điểm chính sầu nhân. (Đỗ Phủ - Khúc giang) (Hoa bay một cánh, kém xuân rồi Gió giạt muôn bông thật não người) (Ngô Tất Tố dịch) Trong khi đó, với hai-cư thì hầu như không thế. Các nhà thơ hai-cư nhìn hoa rụng, hoa rơi, hoa bị nai ăn, ngựa ăn,… trong sự bình thản; coi đó là qui luật, là tự nhiên và phát hiện ra vẻ đẹp trong chính sự tự nhiên, hồn nhiên ấy: Trăng treo chiều tà lả tả hoa mặt đàn koto (Shiki) 12 Nở bên đường một cành hoa Bụt đưa mình ngựa ăn (Bashô) Con nai rừng nhai rồi nhổ vội những cánh đinh hương (Issa) Chính vì thế, khi hướng dẫn HS cảm nhận bài thơ: Từ bốn phương trời xa cánh hoa đào lả tả gợn sóng hồ Bi-oa (Bashô) nên hướng đến việc phát hiện vẻ đẹp đầy thi vị của hình ảnh vô số cánh hoa đào đang rơi lả tả xuống mặt hồ tạo nên một không gian mênh mông, huyền ảo, tràn ngập trong sắc hồng, trong sự mềm mại, dịu dàng. Đồng thời, những cánh hoa nhỏ bé tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến mặt nước hồ Bi-oa trong khoảnh khắc ấy dường như đã làm cho mặt hồ gợn sóng. Mà cánh hoa rơi làm cho mặt hồ gợn sóng hay chính sóng nước hồ Bi-oa đã làm cho những cánh hoa rơi rụng? Không thể xác định. Chỉ có thể cảm nhận một vẻ đẹp tinh khôi, huyền diệu của thiên nhiên, tạo vật trong mối tương giao, hòa điệu sâu xa… Như vậy, thông qua việc cảm nhận trong thế so sánh cùng một hình ảnh hoa rơi, ta thấy rằng cùng xuất phát từ tình yêu thiên nhiên nhưng hai-cư không lộ cái chủ quan của ý kiến, của cảm xúc cá nhân; tinh thần tương giao, nhất thể hóa tạo nên sự hòa nhập tuyệt đối giữa con người và nhiên nhiên trong dòng chảy vô thường của tạo hóa. Trong khi đó, các thi nhân Việt Nam và Trung Quốc vẫn nặng cái “ngôn chí”, “tải đạo” và giàu lòng trắc ẩn. Đó cũng chính là đặc trưng, là nét riêng mà mỗi nền văn học dân tộc đóng góp vào kho tàng văn học nhân loại. III. MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIẢNG DẠY THƠ HAI-CƯ 1. Tạo tâm thế Không như văn học các nước Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga,…những đối tượng đã có phần quen thuộc với HS vì đã có dịp tiếp cận ở những cấp dưới, với hai-cư, đây là lần đầu tiên HS được tiếp xúc với văn học Nhật Bản. Do đó, các em không khỏi có tâm lí xa lạ, bỡ ngỡ. Chính vì thế, trước khi đi vào nội dung cụ thể của bài học, GV có thể khơi gợi, giúp HS huy động những ấn tượng, kiến thức có được về nền văn hóa, văn học Nhật Bản. Chẳng hạn, GV có thể hỏi: Em biết gì về nền văn hóa Nhật Bản (gợi ý: Về trang phục? Về lối sống? Về nghệ thuật?,… ), hay em có biết thể thơ nào của Nhật đã vượt khỏi biên giới quốc gia, trở thành một thể thơ quốc tế? Những tác giả nào của Nhật đã từng đoạt giải Nobel Văn học?… Hoặc với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, GV cũng có thể cho HS xem trên Power point một số hình ảnh về đất nước, con người, văn hoá Nhật Bản (Chẳng hạn như hình ảnh Hoa anh đào, núi Phú Sĩ; cảnh lễ hội ngắm hoa, cảnh uống trà, cảnh đấu kiếm, một đoạn trích Sân khấu Nô,… Trên cơ sở những gì HS đã huy động được hoặc những ấn tượng qua một số hình ảnh GV cung cấp, GV có thể chốt lại, giới thiệu sơ lược vài nét đặc trưng nền văn hóa, văn học Nhật Bản: Đấy là xứ sở hoa anh đào với nền văn hóa thấm đẫm tinh thần Thiền tông (Zen), một nền văn hóa mà từ những sinh hoạt thông thường (uống trà, ngắm hoa) đến võ thuật, thơ ca,… đều được nâng lên 13 thành nghệ thuật, thành ĐẠO: hoa đạo, trà đạo, kiếm đạo, và… Hài cú đạo (tức thơ Haicư). Với những cách dẫn dắt ấy (không tốn nhiều thời gian) nhưng có tác dụng tạo được tâm thế hào hứng, khơi gợi sự tò mò, hứng thú nơi HS trước một đối tượng xa lạ. 2. Chú trọng đặc trưng thể loại Việc đổi mới PPDH Ngữ văn rất chú trọng đến cách tiếp cận tác phẩm theo đặc trưng thể loại. Điều này được thể hiện ngay trong cấu trúc chương trình SGK đổi mới gần đây nhất. Nếu trước đây, việc sắp xếp các đơn vị tác phẩm trong SGK hoàn toàn dựa theo tiến trình lịch sử văn học thì giờ đây, việc sắp xếp ấy trước hết dựa vào thể loại. Hai-cư là một thể thơ hoàn toàn mới lạ so với các thể thơ truyền thống của Việt Nam (Lục bát, Song thất lục bát,… ) hay Trung Quốc (Đường luật thất ngôn, ngũ ngôn,…). Chính vì thế, việc giúp HS nắm vững đặc trưng thể loại, một trong những con đường chính để đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, là vô cùng quan trọng. Với thời lượng hạn chế (2 tiết cho chương trình Ngữ văn 10 Nâng cao và 1 tiết đọc thêm cho chương trình Ngữ văn 10 Cơ bản) lại phải chuyển tải một dung lượng kiến thức khá lớn (2 tác giả và 6 bài thơ cho chương trình Ngữ văn 10 Nâng cao; 1 tác giả và 8 bài thơ cho chương trình Ngữ văn 10 Cơ bản), không khỏi khiến GV cảm thấy áp lực về thời gian. Và để giải quyết áp lực ấy, khi dạy phần này, GV thường hay lướt nhanh phần Tiểu dẫn, tức phần trình bày về nguồn gốc, đặc trưng của thể thơ hai-cư, để dành thời gian khai thác, tìm hiểu những bài thơ cụ thể. Tuy nhiên, bằng thực tế giảng dạy, người viết nhận thấy rằng nếu lướt qua phần đặc trưng thể loại, GV khó mà giúp HS cảm nhận được cái hay, cái đẹp của một bài hai-cư. Bởi trong tâm lí tiếp nhận quen thuộc của HS, một bài thơ hay, trước hết, vẫn phải là một bài thơ có những hình ảnh đẹp, ngôn từ đẹp, các biện pháp tu từ độc đáo, những giai điệu nhịp nhàng, trầm bổng,… Mà tất cả những yếu tố ấy hầu như rất khó tìm thấy trong hai-cư. Do đó, thay vì dành thời gian để cố gắng khai thác, tìm hiểu tất cả các đơn vị tác phẩm ha-cư được trích trong SGK, GV nên ưu tiên dành thời gian (có thể dành khoảng 15 đến 20 phút) để giúp HS nắm rõ phần đặc trưng thể loại. Thời gian còn lại, GV chỉ chọn giảng khoảng 3 - 4 / 6 – 8 bài thơ được đưa vào SGK. Những bài còn lại, GV yêu cầu HS về nhà viết bài cảm nhận ngắn (từ 5 – 7 dòng) và sẽ kiểm tra vào tiết học sau. Nếu giảng dạy chương trình Ngữ văn nâng cao, GV nên đưa hai-cư vào phần chuyên đề tự chọn và dành cho chuyên đề từ 3 – 4 tiết học. Với thời lượng ấy, GV có thể phân nhóm, gợi ý để HS tìm hiểu trước, và lên lớp thuyết trình về hai-cư. Trên cơ sở những gì HS đã trình bày, GV sẽ bổ sung, củng cố, nâng cao những kiến thức về hai-cư cho HS. Được như thế, GV sẽ có điều kiện khắc sâu kiến thức, giúp các em cảm nhận, phát hiện vẻ đẹp giản khiết, đơn sơ, bình đạm mà hết sức tinh tế của thể thơ “bé hạt tiêu” này. 3. Nghệ thuật nhấn, lướt Như đã trình bày ở mục III.2, số lượng tác phẩm hai-cư được trích học là rất nhiều so với thời lượng được phân phối. Ngoài thời gian dành cho việc cung cấp kiến thức về đặc trưng thể loại (buộc phải có), thời gian còn lại, GV chỉ nên chọn giảng sâu từ 3 đến 4 bài, những bài còn lại, GV gợi ý để HS về nhà tìm hiểu. Việc nhấn bài nào, lướt bài nào là tùy thuộc vào chủ quan của từng GV. Tuy nhiên, việc chọn giảng phải chú ý bảo đảm một số nội dung chính cũng như làm rõ những đặc trưng cơ bản của hai-cư. Chẳng hạn, trong 8 bài haiku của Bashô được trích giảng trong SGK Ngữ văn 10 cơ bản, ta có thể tạm xếp vào 4 cụm nội dung: 14 Cụm 1 (bài 1, 2): nỗi nhớ - tình yêu quê hương Cụm 2 (Bài 3, 4, 5): nỗi đau, lòng trắc ẩn – tình yêu thương con người và các sinh linh nhỏ bé. Cụm 3 (bài 6, 7): mối tương giao, hòa điệu sâu xa giữa các sự vật, hiện tượng – tình yêu thiên nhiên. Cụm 4 (bài 8): khát vọng lãng du – tình yêu cuộc sống Như vậy, nên chăng ở mỗi cụm nội dung ta chỉ nên chọn giảng 1 bài (có thể kết hợp, so sánh với những bài còn lại trong cụm). Và trong 4 bài được chọn ấy lại phải tính đến việc làm bật được những đặc trưng cơ bản của thể loại hai-cư. Ví dụ, để thể hiện qui tắc sử dụng quí ngữ (từ chỉ mùa) của hai-cư thì mỗi bài trong 4 bài được chọn nên thuộc vào một mùa trong năm. Bên cạnh đó, để làm rõ cái nhìn nhất thể hóa, sự tương quan, chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng tự nhiên cũng như giữa con người và vạn vật, không nên bỏ qua một trong các bài 3, 5 và 6. Hay để thấy được cảm thức thẩm mĩ của hai-cư thiên về cái đẹp của sự vắng lặng, u trầm, đơn sơ, mềm mại,… lại không nên bỏ qua một trong các bài 6, 7, 8. Trong 4 cụm nội dung trên, nội dung thứ 3 – tình yêu thiên nhiên – lại là một nội dung lớn, chiếm tỉ lệ cao nhất trong thơ hai-cư. Do đó, khi hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung này, GV có thể giới thiệu thêm một số bài hai-cư của các tác giả khác. Ví dụ: Trên chuông chùa một con bướm đậu nghiêng mình ngủ mơ. (Buson) Bên dòng Sumida chú chuột kia uống nước mưa mùa xuân pha (Issa) Trong hơi mát này nằm yên dưới nước trăng còn ngủ say (Ryusui) Ôi hoa triêu nhan dây gàu vương hoa bên giếng đành xin nước nhà bên (Chiyo) 4. Khơi gợi để HS tự cảm nhận, trải nghiệm Hai-cư rất thích hợp với việc phát huy vai trò của chủ thể tiếp nhận nhờ ở tính mơ hồ, tính gợi mở cao. Mỗi bài hai-cư thông thường chỉ ghi lại một phong cảnh với vài nét phác họa thật đơn sơ, trong một thời điểm nhất định nhưng qua đó có thể khơi gợi những cảm xúc, suy tư; những triết lí sâu xa, đa chiều, vô giới hạn. Chính vì thế, rất cần thiết khuyến khích HS tự nêu lên những cảm nhận, cách hiểu của riêng mình. Chẳng hạn khi hướng dẫn HS cảm nhận, tìm hiểu bài thơ: Lệ trào nóng hổi tan trên tay tóc mẹ làn sương thu. (Basho) 15 GV có thể đặt câu hỏi khơi gợi: Em có cảm nhận thế nào về hình ảnh “làn sương thu” trong bài thơ? (Gợi ý: Đặc điểm, vẻ đẹp của làn sương mùa thu? Nó có liên hệ thế nào với các hình ảnh “giọt lệ”, “tóc mẹ” hay với cuộc đời?). Từ việc xác định đó, hãy nêu cảm nhận của em về bài thơ (Bài thơ thể hiện cảm xúc, tình cảm gì của nhân vật trữ tình? Thể hiện triết lí gì về con người, về cuộc đời?). Với câu hỏi này, chắc chắn HS sẽ có nhiều ý kiến rất khác nhau. Có em cho rằng hình ảnh “làn sương thu” là hình ảnh thực. Đó là làn sương mùa thu. Cũng có nhiều em cho rằng đấy là hình ảnh biểu tượng để chỉ mái tóc của mẹ, chỉ giọt lệ hay chỉ cuộc đời,… Trên cơ sở những gì HS đã trình bày, GV nhận xét, tổng hợp và nâng cao. Hay khi hướng dẫn, khơi gợi để HS cảm nhận bài thơ: Chim đỗ quyên hót ở kinh đô (1) mà nhớ kinh đô (2) (Basho) GV có thể đặt câu hỏi khơi gợi: giữa “kinh đô” (1) và “kinh đô” (2) có gì giống và khác nhau? Đề trả lời được câu hỏi này, GV gợi ý HS đọc phần chú thích về bài thơ (SGK, tr 156). Với phần chú thích ấy, HS sẽ dễ dàng chỉ ra: điểm giống nhau giữa “kinh đô” (1) và “kinh đô” (2) là cùng để chỉ kinh đô Ki-ô-tô (Nhật Bản); điểm khác nhau là “kinh đô” (1) chỉ kinh đô Ki-ô-tô của hiện tại, nơi nhà thơ vừa trở về sau hai mươi năm xa cách, còn “kinh đô” (2) chỉ kinh đô Ki-ô-tô của quá khứ, nơi nhà thơ đã sống thời tuổi thơ, tuổi trẻ. Trên cơ sở phát hiện ấy của HS, GV tiếp tục khợi gợi: Nhắc đến nơi mình từng sống thời tuổi thơ, thường gợi người ta nhớ đến những gì? Trong tâm trạng như thế nào? Với câu hỏi này, HS có thể có rất nhiều ý kiến, thậm chí là những ý kiến trái nhau. Có em sẽ cho nhớ về nơi mình từng sống thời tuổi thơ là nhớ về những kỉ niệm tươi đẹp trong tâm trạng hân hoan, vui sướng; cũng có em cho nhớ về nơi mình từng sống thời tuổi thơ là nhớ về gia đình, nhớ về cha mẹ (mà có thể giờ đã không còn) trong tâm trạng bâng khuâng, ngậm ngùi, xót xa; v…v… Đến đây, GV có thể dễ dàng giúp HS phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ bằng câu hỏi: Như vậy, qua việc đứng trên mảnh đất quê hương hiện tại mà nhớ về một quê hương của quá khứ, của tuổi thơ, của kỉ niệm,…, ta thấy được điều gì trong tâm hồn, tình cảm của nhân vật trữ tình? Trả lời được câu hỏi này cũng chính là khi HS đã tự mình “hoá thân” để cảm nhận, trải nghiệm trọn vẹn bài thơ. Khi vận dụng cách tiếp cận này, GV nên lưu ý khuyến khích, trân trọng tất cả những cảm nhận riêng của các em, thậm chí cả những cảm nhận trái chiều (miễn là những cảm nhận ấy không quá khiên cưỡng). Nếu GV cứng nhắc, buộc các em phải theo cách cảm, cách nghĩ của mình, sẽ làm các em cảm thấy bị áp đặt, nhất là sẽ làm các em e ngại, không dám, không muốn nêu cảm nhận của mình ở những lần sau. Tuy nhiên, GV cũng không thể chỉ dừng lại ở việc ghi nhận, tổng hợp ý kiến, mà trên cơ sở những gì HS đã phát hiện, GV phải đi sâu, giảng bình để nâng cao, khắc sâu kiến thức cho HS. 5. Giảng bình trong thế so sánh Giảng bình là một trong những phương pháp cảm thụ và truyền thụ thơ văn khá quen thuộc mà GV thường sử dụng trong quá trình giảng dạy. Với xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, nhiều người cực đoan cho rằng giảng bình là phương pháp cũ, không phát huy được tính tích cực, chủ động của HS. Tuy nhiên, thật ra nếu biết sử dụng đúng lúc, đúng cách, phương pháp giảng bình có thể mang đến những hiệu quả rất cao trong giảng dạy Ngữ văn. Nó là một trong những phương pháp tạo nên “chất văn” cho một giờ văn. 16 Riêng đối với hai-cư, đây là phương pháp đặc biệt thích hợp. Bởi vẻ đẹp của haicư vốn là một vẻ đẹp không phân chất, một vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, một vẻ đẹp tự nó. Nó hầu như khướt từ mọi sự phân tích lí tính. Chỉ có thể cảm nhận vẻ đẹp của hai-cư bằng sự “hóa thân” vào tác phẩm để tự mình trải nghiệm, cảm nhận. Như đã trình bày ở mục Một số đặc trưng cơ bản, ta thấy hai-cư có những đặc trưng rất khác lạ so với truyền thống thơ ca Việt Nam. Để tìm hiểu, tiếp cận một đối tượng còn khá mới mẻ như thế rất cần có sự so sánh đối chiếu để một mặt, có thể tìm thấy những điểm tương đồng, tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc trong tâm lí tiếp nhận; một mặt, có thể phát hiện những nét mới mẻ, độc đáo của đối tượng cần tiếp cận. Theo hướng tiếp cận này, ta có thể tiến hành so sánh hai-cư với các đối tượng khác trên một số bình diện, cấp độ như: đề tài, thể loại, cảm thức thẩm mĩ, thế giới hình ảnh, chủ thể trữ tình,… Chẳng hạn khi tiếp cận bài thơ: Lệ trào nóng hổi tan trên tay tóc mẹ làn sương thu. (Bashô) ta có thể so sánh hình ảnh “làn sương thu” trong bài thơ với hình ảnh làn sương được sử dụng trong nhiều câu thơ của Việt Nam. Ví dụ như: Mẹ già phơ phất mái sương Con thơ măng sữa, vả đương bù trì (Đặng Trần Côn – Chinh phụ ngâm) Tuổi già hạt lệ như sương Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan. (Nguyễn Khuyến – Khóc Dương Khuê) Thân như ánh chớp có rồi không Cây cối xuân tươi thu não nùng Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông (Vạn Hạnh thiền sư – Dặn đệ tử) Ta thấy hình ảnh làn sương trong các câu thơ Việt Nam vừa dẫn có vẻ đơn nghĩa, nó gắn với một đối tượng cụ thể. Đó là mái tóc (trắng) như sương (trong câu thơ của Đặng Trần Côn), là giọt lệ (ít ỏi, hiếm hoi) như hạt sương (trong câu thơ của Nguyễn Khuyến) và là cuộc đời (mong manh, vô thường) như giọt sương trên đầu ngọn cỏ (trong câu thơ của Vạn Hạnh thiền sư). Trong khi đó, hình ảnh làn sương thu trong bài hai-cư trên rất mơ hồ, đa nghĩa: nó có thể là một hình ảnh thật, là làn sương của mùa thu; nhưng nó cũng có thể là giọt lệ (lệ khóc mẹ), là mái tóc (mớ tóc còn lại của mẹ) hay là cuộc đời ngắn ngủi, vô thường. So sánh như thế không để khẳng định hơn kém mà nhằm làm rõ một đặc trưng rất tiêu biểu của hai-cư Nhật Bản. Đó là tính chất mơ hồ, đa nghĩa; có khả năng khơi gợi rất cao. Và đặc điểm ấy, về mặt nội dung, đã được thể hiện bằng cách người làm hai-cư chủ ý lược bỏ đến mức tối đa những trạng từ, tính từ miêu tả; những từ ngữ chỉ quan hệ. Đó cũng là một đặc trưng quan trọng về mặt nghệ thuật của hai-cư. Hay khi tiếp cận bài thơ: Vắng lặng u trầm thấm sâu vào đá tiếng ve ngâm (Bashô) 17 ta có thể so sánh với một số câu thơ khác của Việt Nam có cùng tứ thơ. Ví dụ như: Ngư ca tam nguyệt yên hồ khoát Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao (Ông chài hát lên ba lần làm cho mặt hồ phủ khói mở rộng ra Trẻ mục đồng thổi một tiếng sáo làm cho trăng trên trời cao hơn) (Nguyễn Trãi - Chu trung ngẫu thành – bài 2) Hay: Này lắng nghe em khúc nhạc thơm Say người như rượu tối tân hôn Như hương thấm tận qua xương tuỷ Âm điệu thần tiên thấm tận hồn. (Xuân Diệu – Huyền diệu) Ta thấy bài thơ của Bashô cũng như các câu thơ vừa dẫn trên cùng được xây dựng trên một tứ thơ là sự tương giao, tác động, chuyển hoá vào nhau giữa các sự vật, hiện tượng tưởng chừng không thể có mối quan hệ với nhau. Đấy là “tiếng ve” (âm thanh) trong buổi chiều tà vắng lặng, ụ tịch nghe như có thể “thấm sâu” vào “đá” (vật thể) trong bài thơ của Bashô; đấy là tiếng hát của ông chài có thể làm cho khói phủ trên mặt hồ tan ra, tiếng sáo của mục đồng có thể tác động đến cả vầng trăng trên trời, làm cho trăng cao hơn trong câu thơ của Nguyễn Trãi; và đấy là khúc nhạc (âm thanh) có thể nhập vào vật thể (xương tuỷ), có thể xuyên thấm vào tận tâm hồn (thấm tận hồn) trong câu thơ của Xuân Diệu. Qua sự so sánh trên, một mặt, ta thấy rõ ràng chính cái nhìn nhất thể hoá của tư duy tổng hợp của phương Đông, của triết lí Thiền tông đã chi phối mạnh mẽ nền thi ca của cả Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là mảng thơ ca trung đại, một mặt, ta lại thấy haicư rất gần với thơ tượng trưng của phương Tây thời hiện đại, bởi có lẽ ai cũng biết Xuân Diệu là nhà thơ chịu ảnh hưởng rất lớn trường phái tượng trưng của thơ ca phương Tây, và những câu thơ dẫn trên là một trong những sản phẩm tiêu biểu cho sự tiếp thu, ảnh hưởng ấy. Như vậy, phải chăng thơ hai-cư vừa có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, vừa có sự kết hợp giữa Đông và Tây. Và phải chăng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp hai-cư, một thể thơ ra đời từ thế kỉ XVI, cho đến nay vẫn còn được yêu thích; từ một thể thơ dân tộc đã trở thành một thể thơ quốc tế. Tóm lại, chỉ trong so sánh – đối chiếu, đặc trưng của từng đối tượng mới được biểu hiện rõ ràng nhất. Và cũng chỉ trong so sánh – đối chiếu, ta mới có thể nhận ra lặn sâu bên dưới những khác biệt, những cái thuộc về dân tộc, những tác phẩm đã đạt đến chân giá trị (bất kể Đông, Tây; kim, cổ) đều có những điểm gặp gỡ, tương đồng, những cái thuộc về nhân loại. 6. Khơi nguồn sáng tạo Hai-cư là thể thơ đạt đến độ tế vi về mặt nghệ thuật. Nó là “tinh túy hồn thơ Nhật Bản” (Lê Từ Hiển). Thế nhưng, về mặt hình thức, nó có vẻ rất đơn sơ, mộc mạc, hầu như trút bỏ mọi thủ pháp nghệ thuật cầu kì. Mỗi bài thơ chỉ gồm 7, 8 từ với một vài hình ảnh cụ thể trong một thời điểm nhất định; không cần hiệp vần; không qui định ngắt nhịp, phối thanh.... Đó là một trong những điều kiện thuận lợi giúp HS, trên cơ sở nắm được một số đặc trưng cơ bản của hai-cư, có thể tự mình sáng tạo những bài thơ “kiểu hai-cư”. Do đó, trong quá trình giảng dạy phần này, GV nên chú ý khơi gợi, khuyến khích để từ việc cảm nhận, yêu thích vẻ đẹp của hai-cư, các em có hứng thú sáng tạo hai-cư. Và trên thực tế 18 giảng dạy, mỗi lần dạy xong bài Thơ hai-cư, người viết lại nhận được rất nhiều những bài thơ “kiểu hai-cư” của các em gởi “nhờ cô xem hộ”. Có thể trích ra đây một số bài của HS khối 10 năm học 2009 – 2010, trường THPT Ngô Quyền: Trên ngọn cỏ xanh một chú kiến nhỏ đu mình theo gió. (Đinh Ngọc Khánh Linh – 10A6) Rực đỏ màu phượng đẫm thân cây nắng hè. (Nguyễn Như Bảo – 10A6) Gió đông lạnh giá mẹ chờ trước cổng trường sương pha mái tóc. (Hà Thị Ngọc Tuyết 10A6) Giỏ xe hoa phượng gửi mùa hè tan trong làn gió. (Nguyễn Cảnh Bảo Trân – 10A6) Trong vắt sương trên lá rớt xuống bàn tay xuân sang. (Nguyễn Thị Thuỳ Linh – 10A6) Mai đào khoe sắc nắng hồng nhan lướt phố xuân tìm duyên. (Lê Ngọc Doanh Doanh – 10A6) Bước chân nhỏ trong đêm là mưa hay nước mắt em bé mồ côi. (Lê Thị Mai Phương – 10A2) Ầu ơ tiếng hát ru đầu tựa gối mẹ ấm êm. (Nguyễn Ngọc Yến Nhi – 10A2) Bầu trời trong xanh cánh diều bay nhớ ngày thơ ấu. (Trần Thị Kim Nhung – 10A2) Chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật của những bài thơ ấy. Cái đáng ghi nhận ở đây là sự say mê, yêu thích hai-cư của các em. Đặc biệt, nó cho thấy hai-cư, một cách âm thầm, đã tập cho các em thói quen quan sát cuộc sống và ghi lại những cảm nhận của mình. Học hai-cư chính là học cách nhìn, cách yêu cuộc sống vậy! 19 IV. GIÁO ÁN ỨNG DỤNG Tiết 53: Đọc thêm THƠ HAI-CƯ CỦA BA-SÔ A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT Giúp HS: - Nắm được những đặc điểm cơ bản của thơ hai-cư. - Bước đầu có khả năng cảm thụ và phân tích thơ hai-cư. - Bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. B. CHUẨN BỊ CỦA GV VÀ HS - GV: + Đọc kĩ SGK, SGV và các tư liệu liên quan để nắm chắc những đặc trưng cơ bản của thể thơ hai-cư. + Sưu tầm một số tranh ảnh có liên quan đến bài học (VD: ảnh chân dung các nhà thơ hai-cư tiêu biểu như Ba-sô (Bashô), Bu-sôn (Buson), Ít-sa (Issa),…, ảnh hoa đào, hoa asagao, những loài hoa hay được nhắc đến trong thơ hai-cư, …) - HS: + Đọc phần Tiểu dẫn (SGK, tr 155) kết hợp với việc tìm hiểu thêm về thơ hai-cư trên Internet, khái quát những đặc điểm cơ bản của thơ hai-cư. + Đọc văn bản các bài thơ của Ba-sô được trích dẫn trong SGK và trả lời các câu hỏi phần Hướng dẫn đọc thêm. C. NỘI DUNG LÊN LỚP 1. Ổn định lớp 2. Dẫn dắt HS vào bài mới: - Câu hỏi: Em biết gì về nền văn hoá, văn học Nhật Bản? ((gợi ý: Về trang phục? Về lối sống? Về nghệ thuật?,… ) - HS trả lời (có thể cho 2 đến 3 HS bổ sung) - GV chốt ý, dẫn vào bài: Nói đến Nhật Bản là nói đến xứ sở hoa anh đào với nền văn hóa thấm đẫm tinh thần Thiền tông (Zen), một nền văn hóa mà từ những sinh hoạt thông thường (uống trà, ngắm hoa) đến võ thuật, thơ ca,… đều được nâng lên thành nghệ thuật, thành ĐẠO: hoa đạo, trà đạo, kiếm đạo, và… Hài cú đạo (tức thơ Hai-cư, một thể thơ đã vượt khỏi biên giới Nhật Bản để trở thành một thể thơ quốc tế) 3. Bài mới: Hoạt động của thầy và trò Nội dung cần đạt - GV: Em hãy trình bày ngắn gọn đôi nét về nhà I. TIỂU DẪN thơ Ba-sô. 1. Vài nét về nhà thơ Ba-sô - HS dựa vào SGK trình bày. (SGK) - GV chốt ý, lưu ý HS những điểm cần nhớ về thời đại, gia đình, con người, tác phẩm,… - HS gạch dưới các ý cần nhớ trong SGK - GV: Em biết gì về thể thơ hai-cư? (thời đại ra đời? Các tác giả tiêu biểu? Hình thức? Những đặc điểm nghệ thuật?) - HS: 1 HS trình bày; 1, 2 HS bổ sung 20 Tải về bản full

Từ khóa » Tịch Liêu Thấm Vào đá Tiếng Ve